Kỷ niệm - dđ.



dđ. 

Món tiết canh lòng lợn tôi xơi nhiều, xơi ở hàng ở quán, xơi ở đơn vị ngày xưa khi còn quân ngũ mỗi độ 22/12 về, rồi tự làm lấy mà xơi... Xơi ở việt nam, xơi tận hải ngoại... Nhưng kỷ niệm về món quốc hồn quốc tuý này ấn tượng nhất vẫn là do bố một người lính cùng đơn vị năm nào chiêu đãi.

Bây giờ huyết áp cao lại mới "măng xông" cái động mạch vành nên chịu. Thèm rỏ rãi mà không dám xơi, già đâm sợ chết.

Nhà ông nằm sát barie xe lửa, ngay ngã tư lối vào khu Kim Liên. Ông làm nghể mổ lợn (mổ chui). Cứ 3-4 giờ sáng xách dao đi 6 giờ sáng về. Sau khi vứt oạch cái bao giữa nhà ngồi co chân xoa xoa đập "bèn bẹt" chân nọ vào chân kia mấy cái cho sạch bụi rồi  lao lên giường.

Giường là bốn năm tấm gỗ lát  "chun" dầy cả tấc dài 2 mét gép lại. Loại gỗ đặc biệt hiếm này chỉ vùng rừng núi đá sơn La mới có. Mỗi lần xe đơn vị tôi về xuôi ông thường nhờ chở hộ. Mỗi lần một tấm, xe đặc chủng nhà binh nên chả thằng  kiểm lâm nào dám dại mà dây.

Năm này nối tiếp tháng kia, tích tiểu thành đại dần dần túp lều bên đường ray Kim Liên trở thành "kho" gỗ quý

Nhao lên giường chỉ tí tẹo sau tiếng gáy của ông đã rống lên lắm lúc tưởng tiếng tàu.

- Ông dậy ăn sáng , gần 10 giờ rồi!  Bà vợ lay nhẹ chân chồng.

Tranh F Lực

Trên chiếc mâm đồng ngay ngắn đặt giữa cái chiếu hoa đã cũ trải dưới nền nhà. Trong mâm là một đĩa tiết canh đỏ tươi đặc sánh, đĩa lòng dồi cổ hũ. Những khoanh phèo trắng bóc nằm dưới lớp rau húng các loại xanh ngắt và đặc biệt là đĩa tim và cật tươi xắt mỏng trộn củ hành tước nhỏ vắt chanh.

Ông cởi trần chỉ độc cái quần cụt, ôm hũ rượu ngâm đặt bên cạnh rồi mời chúng tôi. Ông coi chúng tôi như con cháu trong nhà vì anh em trong đơn vị mỗi lần qua Hà Nội đều coi nhà ông như cái khách sạn Phùng Hưng thứ hai vậy. Bữa rượu chỉ có bốn người, ông, tôi, Quỷnh lái xe và Sơn, người lính con trai ông.

Bà vợ ông, dân Kim Liên làng thứ thiệt quả là người phụ nữ khéo tay các món đều tuyệt ngon và đặc biệt món tái chanh tim cật nó ngọt bùi và thơm giòn đến kỳ lạ, lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức.

Năm tháng qua nhanh mãi tới mấy năm gần đây tôi mới có dịp ra Bắc bằng xe lửa. Vật đổi sao rời mọi cái đã đổi thay.

Khi cô phát thanh viên trên tàu thông báo tàu sắp vào ga Hàng Cỏ. Tôi cố nhoai người qua ô cửa sổ con tàu, mắt dáo dác tìm cái túp lều cạnh barie xe lửa nơi ngã tư Kim Liên năm nào?  Chả còn gì! Những ảnh hình cũ mà tôi cất dấu trong ký ức đã bị công cuộc đổi mới xoá đi tất cả. Ông bà già năm nào chắc gì đã còn, hoặc còn thì cũng chả biết họ "tái định cư" nơi đâu và người lính cùng đơn vị, con trai ông có nhập được hộ khẩu hay không?

Chuyện về Sơn thế này. Mấy năm sau Sơn cũng theo tôi đi xây dựng đơn vị mới. Được gần năm ốm sốt rét rồi đau gan tưởng chết. Hôm gặp tôi tới thăm ở bệnh xá đơn vị Sơn nói: "Chắc em bùng quá, bệnh tật thế này, nhà lại chỉ còn hai bố mẹ già, em lo nhất về phường không nhập được hộ khẩu, tiêu chuẩn gạo không có thì chết".

Tôi khuyên Sơn nhưng cuối cùng cũng đành: "Thôi tuỳ em".

Mở ba lô Sơn dúi cho tôi chai mật ong mà Sơn tích cóp được mỗi khi chủ nhật lang thang vào rừng, rồi buồn buồn: "Anh cầm lấy phòng thân khi ốm đau em còn chai nữa đem về làm quà cho bố để cụ ngâm rượu". Chúng tôi chia tay nhau bịn rịn ở cổng bệnh xá.

Tháng năm đã xa nhưng kỷ niệm về Sơn và gia đình tôi vẫn cất giữ trong lòng tới hôm nay.


Gửi bởi DĐ lúc 12:24:: 03 December, 2009
Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại Blog "Bạn Trỗi K5”: Thứ năm, 3 tháng mười hai, 2009)




Web Counter