Những năm tháng không quên
Thứ Sáu, tháng 6 10, 2022Nhận được sách tặng của thầy Chi Phan, đọc ngấu nghiến. Cuốn sách gợi đoạn ký ức những năm tháng học tập ở Trường Văn hóa Quân đội Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.
Nhân dịp này, giới thiệu với các bạn nội dung cuốn sách - những đoạn có liên quan đến thời gian học tập tại trường.
Trần Vinh Quang
Trần Vinh Quang - K6
1954
Mb: '0906127997 - Nr: (04)39420959 - Cq: - FB: https://www.facebook.com/quang.tranvinh.94- Email: tranquangcnhk@gmail.com - Blog: http://anh-bantroik6.blogspot.com/2012/10/tran-vinh-quang.html - HN - VN
4// - Hưu 2009 - -
1967
05/05/2017
[...]
Công tác ở Bộ Tư lệnh Pháo binh 531 được gần một năm thì
Quang phải xa Hà Nội. Trợ lý văn hóa của Tổng cục Chính trị, Đại úy Đào Châu điều
anh về dạy văn ở trường Văn hóa Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi…
Buổi đầu, trường tạm ở Trại Cờ, Trại Hòe, tỉnh Bắc Giang để
chiêu sinh. Anh từ biệt bố Lân, xách túi du lịch sọc đỏ và chiếc đàn viôlông,
đi tàu hỏa lên nơi tập kết. Người đầu tiên gặp là Nguyễn Thân Bổng, đẹp trai,
giáo viên vật lý; tiếp theo là anh Nguyễn Đỗ, người miền Nam, tổ trưởng tổ văn.
Năm 1965, tình hình chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền
Bắc ngày càng ác liệt. Thầy trò nhà trường khẩn trương sơ tán lên xã Yên Mỹ,
huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để giảng dạy, học tập. Trường có gần 1.200 học
sinh từ lớp 5 đến lớp 10 (hệ trung học phổ thông 10 năm); hầu hết là con em bộ
đội, cán bộ cao cấp, đang tham gia chiến đấu ở miền Nam. Ngày 15 tháng 10 năm
1965, “mái trường sinh ra trong khói lửa” này làm lễ thành lập ở gốc đa Đại Từ,
xã Yên Mỹ (sau là xã Mỹ Yên).
Cũng tại đây, ngày 18 tháng 5 năm 1966, nhân tối tập trung
toàn trường để phát động thi đua dạy tốt, học tốt, Hồng Quang đã đọc bài thơ
dài: “Đêm nay bên rừng Việt Bắc” chúc mừng:
“Đêm nay bên rừng Việt Bắc
Tôi lắng nghe
Cây cỏ rì rầm
Suối khe thầm nhắc:
Đất anh hùng gieo hạt giống mùa xuân
Vạt lúa, vồng khoai, nương sắn nhân dân”
…
Các thày giáo, cô giáo và học sinh nghe xong bài thơ, ai
cũng xúc động như tác giả nói hộ lòng mình. Chính ủy nhà trường Bùi Khắc Quỳnh
đến bắt tay và cảm ơn Hồng Quang… Ngay ngày hôm sau, bộ đội doanh trại và học
sinh cấp III lội qua suối Bom Bom, vào rừng đẵn tre nứa, cắt cỏ tranh về dựng
các lớp học và nhà ở. Có một chuyện buồn với nhà trường. Em Lâm Duy, con Đại tá
Lâm ở Bộ Tư lệnh Pháo binh, đang hăng hái lao động cùng các bạn trong rừng thì
bị một cây đã thối gốc lâu ngày đổ vào, đè chết. Thầy trò thương xót trò làm lễ
tang. Em trở thành liệt sĩ đầu tiên của Trường Văn hóa Thiếu sinh quân Nguyễn
Văn Trỗi.
…
Tổ văn cấp II, ở Trại Cau, xã Yên Mỹ. Tổ trưởng là anh Cao
Cự An. Các tổ viên có: Phùng Văn Bảo, Bùi Đức Thuận, Nguyễn Phượng Chử và Phạm
Đình Trọng (từ Lào về). Anh em trong tổ luôn đoàn kết giảng dạy.
Trường sơ tán, giảng dạy và học tập ở Yên Mỹ được gần một
năm. Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, cứu nước.
Chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng dã man hơn. Lệnh
của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng phải chuyển trường sang Trung Quốc.
Thày, trò phải nghỉ dạy, học cấp tốc hành quân về Hà Nội, lên tàu hỏa, xa Tổ quốc.
Thày trò lên tàu liên vận, qua thành phố Nam Ninh rồi tới
thành phố Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ban đầu, mọi người ở tạm
trường Y – Trung. Trường toàn nhà một tầng rỗng không vì thầy trò họ đi tham
gia Cách mạng Văn hóa, làm Hồng Vệ binh tại các nơi. Trường ở gần núi Ốc, có
sân vận động, rộng dăm hécta.
Hồng Quang cùng nhà trường, chân ướt chân ráo tới Quế Lâm
thì thời tiết ở đây rất rét và ẩm ướt. Đáng nói là, toàn thành phố đang có dịch
viêm màng não, chết nhiều người. Thầy trò vừa phải ổn định chỗ ăn ở vừa lo lắng
phòng chống dịch. Các bác sĩ, y tá túc trực ngày đêm bên học sinh và giáo viên
các khối lớp để đo nhiệt độ, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, chống lây lan dịch
bệnh…
Mặc dù phòng và chống dịch quyết liệt nhưng chuyện buồn vẫn
xảy ra: Em Hòa, học sinh Đại đội 5, mới 12 tuổi, không qua được, mất tại bệnh
viện thành phố Quế Lâm. Để xua đi không khí lo toan, ảm đạm, nhà trường tăng cường
hoạt động văn hóa – văn nghệ ở các khối lớp.
…Gần một năm tá túc ở trường Y – Trung cũ, cũng có một số vụ
việc không vui do một số em học sinh gây nên, khiến Hồng Quang cùng với giáo
viên phải suy nghĩ nhiều…
Số là, trường ở gần vườn đồi, nông dân Trung Quốc trồng nhiều
cam. Tới mùa, cây nào cũng trĩu quả song còn non. Thế nhưng một học sinh khối cấp
II, lợi dụng đêm tối, đột nhập vào vườn hái trộm về ăn vô tội vạ. Cam còn chua
đắng, không ăn nổi, vứt bừa bãi. Một số bà con “thâm ý”, hái luôn một xe tải
cam non “tặng” nhà trường!…
Lại nữa, bạn đang tiến hành Cách mạng Văn hóa. Hình ảnh Chủ
tịch Mao Trạch Đông “thiêng liêng” lắm, treo khắp nơi. Một học sinh nhỏ tuổi,
dùng súng cao su bắn vỡ một mảng kính. Bạn biết, phản ứng dữ dội. Nhà trường phải
mở một cuộc điều tra, tìm trẻ nào nghịch dại dột. Trong vụ việc này, có thầy
Hoàng Văn, giáo viên dạy tiếng Nga chứng kiến.
Hồng Quang thực sự đã khóc khi biết chuyện của thầy. Thường
vậy, sau giờ lên lớp, hình ảnh một người thầy đứng tuổi, trắng trẻo, đẹp lão đeo
kính trắng, rất trí thức. Thầy cầm ghita, solo những bản nhạc cổ điển và cách mạng…
Xa gia đình, vợ con, tập kết ra Bắc năm 1954, thầy thủy chung, sống với đàn em
nhỏ của nhà trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Thầy lòng dặn lòng, rèn luyện,
tu dưỡng, mong trở thành đảng viên.
Song chuyện không may ập đến, ảnh hưởng không tốt đến quan
hệ hai nước Việt – Trung. Vì vậy, Trung ương cử cán bộ từ bên nước sang điều
tra. Ông cán bộ này thấy thầy Hoàng Văn được học sinh yêu mến, sẽ biết rõ em
nào gây ra vụ việc nên động viên, thuyết phục nhiều lần, nói: “Nếu anh cho tổ
chức biết “thủ phạm” thì chúng tôi sẽ có cơ sở báo cáo với nhà trường, kết nạp
anh vào Đảng…”. Thầy Hoàng Văn lắc đầu từ chối. Và thế là thầy không được kết nạp
vào Đảng cho tới ngày trở về miền Nam, khi đất nước thống nhất.
Sau này, trước lúc đi xa, thầy tâm sự với vợ và gia đình:
“Các em học sinh nhà trường lúc đó còn trẻ dại, nghịch ngợm, khác gì con cháu
mình. Việc làm đó là vô thức… Vì thế nên tôi không bao giờ vì quyền lợi riêng
tư mà nói ra tên em đó. Nếu làm như vậy thì còn gì là thầy Hoàng Văn của các em
mà tôi hằng yêu mến!”
Đó là tình đời, tình người, là nhân văn, nhân nghĩa của thầy
Hoàng Văn.
Thời gian ở trường Y – Trung cũ vẫn chưa hết chuyện. Nguồn
gốc bồ Tây, bồ Ta xuất phát từ học sinh cấp 3 – lớp 8. Hồi đó khóa này có một số
em quậy phá, thầy cô phải chọn vài học sinh chững chạc theo dõi, kịp thời báo
cáo cấp trên ngăn chặn và giáo dục. Vô hình trung hình thành hai nhóm mâu thuẫn
nhau, gọi là “Bồ Tây”, “Bồ Ta”; dẫn đến cãi cọ, thậm chí ẩu đả nhau sau giờ học.
Trước tình trạng này, một số giáo viên phải rời hiệu bộ, xuống
ở cùng học sinh. Hồng Quang được phân công xuống lớp do em Tống Thái Liên làm lớp
trưởng. Thầy trò đang vui vẻ, bỗng có em học sinh (sau này đi bộ đội thành liệt
sĩ chống Mỹ) cầm thanh sắt đuổi bạn Hà Chí đang chạy vào cầu cứu thầy. Quang lập
tức xô Chí vào góc tường, lấy thân mình che đỡ cho em và nói: “Có thầy đây em,
không được đánh bạn! Không được đánh bạn!...”
Em kia xin lỗi anh và rút lui ra ngoài. Chuyện bồ Tây, bồ
Ta lan ra các khối lớp khác. Mãi sau này mới chấm dứt được.
Để thay thế trường Y – Trung cũ, bạn đã xây khu trường mới ở
Phong Khẩu (cửa gió), cách xa thành phố Quế Lâm hang chục kilômét. Trường có
nhiều nhà hai tầng, khang trang, rộng rãi. Đường đi lối lại đều lát bê tông xi
măng. Đó là sự cố gắng lớn của địa phương bạn đối với Việt Nam. Bởi lẽ, tình
hình Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc ngày càng gay gắt, quyết liệt.
Ngay từ đầu tháng 1 năm 1967, Hồng Quang cùng nhà trường,
sang đây đã chứng kiến hai phái Liên chỉ, Tạo phản “đấu văn” với nhau. Trong những bức tường lớn
ở nơi công cộng, hai phái viết chữ to ở bên phải hoặc bên trái, nói xấu, bài
xích nhau.
Sang năm 1968, phong trào Cách mạng Văn hóa trở nên quyết
liệt nhất. Nhiều nơi chuyển từ “đấu văn” sang “đấu võ”. Hai phái chém giết, bắn
bỏ nhau. Thành phố Quế Lâm có thời gian bị cúp điện. Điều đặc biệt là, cả hai
phái đều ủng hộ nhà trường Việt Nam ở Phong Khẩu. Họ thường xuyên cung cấp
lương thực, thực phẩm; khiêng máy nổ tới khi mất điện. Nhà bếp thiếu chất đốt,
họ chặt cả rừng thông trên núi xuống, phơi làm củi để đun nấu.
Hồng vệ binh Cao Cẩm Quỳ, nguyên là học sinh trường Y –
Trung, làm liên lạc viên tích cực giữa nhà trường với hai phái. Anh tiếp xúc
thường xuyên với Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh và Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn. Học
sinh gọi anh bằng cái tên mới, thân mật: Cao Tư lệnh…
Trường ở Phong Khẩu, giáo viên các bộ môn, biên chế đầy đủ.
Dạy môn văn cấp III có: Nguyễn Đỗ, Hồng Quang, Hoàng Xuân Tạp, Võ Trí Mật,
Hoàng Sảng. Ngoài giảng dạy văn học lớp 9, Quang còn được phân công bồi dưỡng học
sinh đi thi giỏi văn miền Bắc ở trong nước. Công việc thật mới mẻ nhưng anh tận
dụng vốn hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, tích cực bồi dưỡng cho em có
năng khiếu để dự thi. Kết quả, nữ học sinh Châu Nguyên đã đoạt giải nhì môn văn
toàn miền Bắc. Các thầy cô và Ban Giám hiệu nhà trường đã tới chia vui, chúc mừng
thầy trò Hồng Quang.
…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có hai thầy giáo
và 28 học sinh Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi chiến
đấu, hy sinh anh dũng. Trong số này có anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung và liệt
sĩ Võ Dũng, con trai cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hồng Quang đã viết:
“Hình ảnh Võ Dũng cứ chập chờn trước mắt tôi. Bởi lẽ, hồi
năm 1965, em vào trường, tôi cùng mấy thầy khác đã trực tiếp giảng dạy Võ Dũng
và bốn em khác ở lớp “đặc biệt” một thời gian. Em khỏe mạnh; có gương mặt hao
hao giống cha; hiếu động và rất lễ phép với các thầy giáo.
Sau này biết tin má Trần Thị Kim Anh và hai anh em Phan Ánh
Hồng, Phan Chí Tâm đã mất vì bom đạn Mỹ - ngụy bắn rốc két xuống tàu Thuận
Phong đang chạy trên sông Sài Gòn lên thăm ba ở chiến khu. Em uất nghẹn căm
thù, tha thiết xin với nhà trường nghỉ học, về nước chiến đấu trả thù cho người
thân. Trước khi lên đường, em hứa với hai người đỡ đầu là dì Bẩy Huệ (vợ đồng
chí Nguyễn Văn Linh ở 16B Nguyễn Biểu – Hà Nội) và cô Tư Duy Liên: “Dì và cô cứ
yên tâm. Con quyết trả thù cho má và hai em. Lần này con đi “một – xanh cỏ, hai
– đỏ ngực!”. Võ Dũng đã sống đúng với lời hứa đó.
Sau ba tháng huấn luyên quân sự ở Trường Quân chính Quân
khu Tả ngạn, em đi dọc Trường Sơn rồi xin về quê má Kim Anh chiến đấu, thuộc Mặt
trận T3 – Khu 9. Xuống đơn vị, Võ Dũng đã rèn luyện và phấn đấu hết mình để làm
nhiều việc có ích. Em lặn lội đi trinh sát cùng đồng đội; no, đói gian khổ cùng
chia sẻ. Nhìn bề ngoài cứ ngỡ Võ Dũng ngỗ ngược lắm, những đằm sâu bên trong là
người giàu tình cảm, đầy nhân nghĩa, ân tình.
Thật không ngờ, ngày 21 tháng 4 năm 1972, em cùng hai đồng
đội rơi vào ổ phục kích của địch. Ba anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và
đã anh dũng hy sinh. Võ Dũng ra đi mới 21 tuổi, trên quê hương má Trần Thị Kim
Anh.
Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Võ Dũng đáng khâm phục. Nợ nước,
thù nhà quyết tâm trả; bất chấp mọi gian khổ, nguy nan đến tính mạng. Tình đời,
tình người sâu nặng đến thế!”
Không chỉ với học sinh, tình cảm của Hồng Quang với đồng
nghiệp cũng rất sâu sắc. Hồi ở Phong Khẩu, Quế Lâm, Trung Quốc, anh ở chung
phòng với tổ trưởng Tổ văn Nguyễn Đỗ. Bạn bè thấy vậy đều xì xào:
- Cậu Quang giỏi thật! Hằng ngày, dám chạm trán với ông “Trương
Phi”.
…
Năm 1968, Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc mâu thuẫn diễn ra
giữa hai phái Liên Chỉ và Tạo Phản ngày càng quyết liệt. Tháng 5 năm 1968, khóa
3 và khóa 4 của nhà trường về nước. Đến tháng 8 cùng năm, toàn trường cũng về
nước. Thầy trò học sinh cấp II ở nhờ doanh trại đơn vị công binh huyện Trung
Hà. Thầy trò học sinh cấp III ở doanh trại Trung đoàn Công binh Sông Thao, thị
trấn Hưng Hóa, thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Hai nơi cách nhau 6 kilômét đường đê qua
phà Trung Hà.
Mỗi lần từ Hà Nội lên Hưng Hóa, đi trên con đê này, Hồng
Quang đã xúc động làm bài thơ “Con đê xanh”, trong đó có đoạn:
“…Con đê xanh
Dài như một bức thành ngăn lũ
Từng thước đất chất co lên quá khứ
Dãy mồ chôn cái kiếp khổ đau.
Tháng 7 lại về
Con lũ gối lên nhau
Đen nhãy mình trâu, mưa ngâu rí rắc
Ngô lúa mướt đồng xanh mát mắt
Um tùm vườn nhãn, vườn na
Con đê làng lảnh lót tiếng chim ca”
Thị trấn Hưng Hóa chỉ có vài đường phố; về mùa hè, đỏ rực
hoa phượng vĩ trên các hàng cây. Hoa quả như cam, quýt, chuối, bưởi ở đây rất rẻ.
Địa phương chỉ có một cửa hàng bách hóa tổng hợp ở giữa thị trấn. Bà con nơi
đây sống hiền lành, chan hòa, cởi mở. Thầy Chí Tâm dạy Nga văn, đã chọn cô mậu
dịch viên đẹp người, đẹp nết làm một nửa của đời mình.
Ngót nghét 30 tuổi đời, vẫn phòng không, gối chiếc. Xong
anh lại tự động viên: “Trai 30 tuổi đang xoan”, và yên tâm giảng dạy ở thị trấn
Hưng Hóa gần hai năm, từ tháng 8 năm 1968 đến tháng 5 năm 1970. Sau đó, Trường
Văn hóa Quân đội Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi làm lễ giải tán. Học sinh các
khóa học dở dang, trả về gia đình để xin học ở những trường ngoài.
Các giáo viên nhà trường lên thành phố Lạng Sơn tập kết tại trường văn hóa cũ của quân đội. Nơi đây trường bổ túc văn hóa và dạy ngoại ngữ cho cán bộ quân đội để đi tu nghiệp ở nước ngoài.
[...]
(Trích đoạn cuốn tiểu thuyết Những năm tháng không quên của Nhà văn, Nghệ sĩ Ưu tú Chi Phan. NXB Hội Nhà văn. 2021)
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>