THỜI GIAN VÀ KỶ NIỆM





Ban Biên soạn

Từ tháng 3 năm 1965, con em có cha mẹ công tác ở Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Bộ Tổng Tham mưu, Văn phòng Bộ Quốc phòng “lục tục” tập trung lên Tiểu đoàn 126, Trường Văn hóa Quân đội tại Hiệp Hòa (Hà Bắc). Khi đó các lớp 5, 6, 7 được sống trong doanh trại Trại Hòe, còn các anh lớp 9, 10 sống ở Trại Cờ (gần Phố Thắng - phố huyện của Hiệp Hòa).

Chương trình chủ yếu thời kì đầu là ổn định tổ chức và ôn tập văn hóa. Ngoài ra, anh em được làm quen với việc đào hầm chữ A và giao thông hào phòng không, tập các phương án chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Máy bay Mỹ thường bay qua vùng trời nơi trường đóng quân để đánh phá Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, sân bay Kép... Có thời gian các lớp phải sơ tán vào dân (sáng đi, chiều về) để tránh máy bay Mỹ, đây cũng là thời gian để làm quen với “công tác dân vận”. Chiều về được đá bóng trên sân vận động của trường và bơi lội ở mương thủy lợi sau doanh trại.

Đêm 15 tháng 7, toàn trường được lệnh hành quân chuyển địa điểm, các lớp khẩn trương thu dọn tư trang, sách vở… chuẩn bị lên đường. Một đoàn xe tải quân sự bịt bùng, quãng 8 giờ tối, có mặt trên sân vận động, các lớp lên xe theo chỉ huy của đại đội trưởng. Đây là đợt hành quân đầu tiên trong đời lính. Xe đi theo “đường chiến lược” từ Hiệp Hòa tắt qua Thái Nguyên. Đường xóc và tối như bưng. Riêng khi qua khu gang thép Thái Nguyên thì thấy đèn sáng trưng, chả thấy không khí chiến tranh đâu cả. Quãng 1 - 2 giờ đêm thì đến cây đa cổ thụ xã An Mỹ (Đại Từ, Bắc Thái). Sau đó, đứa nào đứa nấy vừa ngủ gà ngủ gật vừa hành quân bộ tiếp tục vào các bản làng sát chân núi (dễ chừng tới 2 – 3km). Từng tiểu đội được xé lẻ ra phân vào các hộ dân. Mệt đừ, sau khi được phân chỗ là lăn quay ra ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy mới biết thế nào là Chiến khu Việt Bắc (?), cả lòng chảo An Mỹ chìm trong sương sớm, không gian lặng tanh, xa xa vẳng tiếng mõ trâu lốc cốc và tiếng suối róc rách. Ăn sáng xong là mò đi thăm rừng ngay. Lạ mà!

Sau thời gian tạm ở trong dân, các lớp bắt đầu triển khai xây dựng doanh trại, vào rừng chặt tre nứa, vầu về làm nhà ở, lớp học. Lớp 8 ở sâu trong rừng gần thác Bom Bom; lớp 9 và10 ở dịch ra ngoài bìa rừng cạnh làng của đồng bào Dao. Bạn Lâm Duy (khóa 4) bị tai nạn khi khai thác gỗ, trên đường cấp cứu về Hà Nội thì mất.

Ngày 15 tháng 9, bổ sung thêm con em các Tổng cục và cơ quan Trung ương. Ngày 15 tháng 10 năm 1965, lễ thành lập trường được tổ chức tại cửa rừng cạnh thác Bom Bom. Trong buổi lễ có đại diện của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị. Toàn trường được phát quân phục kiểu không quân: áo blu-dông, quần xanh, mũ cối. Các anh lớp 8, 9, 10 được giao súng trường tự động CKC, tiểu liên AK-47, tiểu liên băng tròn K50. Anh Lê Võ Tiến Hưng (lớp 10 - khóa 1) được phân công đọc “Chín lời thề danh dự của học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi”.

Vào học tập, các lớp bố trí rải rác ở Cao Chùa, Trại Cau, La Hiên… Máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, đây là đường bay của chúng vào đánh phá Khu gang thép. Hàng tháng vẫn được xem phim chiếu ở cây đa Hiệu bộ. Cha mẹ thỉnh thoảng lên thăm vào các ngày chủ nhật, ngày lễ.

Tháng 6 năm 1966, lớp 10 (khóa 1) thi tốt nghiệp. Sau đó, 100% quân số (53 người) lên Đại học Kỹ thuật Quân sự học tập, rèn luyện. Hè 1966 là đợt đi phép đầu tiên trong đời lính, anh em được nghỉ 15 ngày phép với cha mẹ. Vào năm học mới, khóa 7 bổ sung lên trường bắt đầu vào học chương trình lớp 5. Khóa 5 (lớp 7) chuyển ra Suối Chì (tiền tiêu của nhà trường), khóa 4 (lớp 8) ở Trại Cau, có thêm C11 cho các bạn nữ do cô Hồng (vợ bác Trần Đăng Ninh) và cô Thục phụ trách. Hàng ngày các bạn nữ phải đi bộ vài cây số từ Trại Cau đến các lớp để học tập.

Năm học 1966 - 1967, Tổng cục điều về trường một số hạ sĩ quan vừa tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan xe tăng làm cán bộ khung, phụ trách các trung đội thuộc khóa 5, 6, 7. Đó là các anh Thụy, anh Quân, anh Trinh, anh Xuyên, anh Côn, anh Phảng, anh Kính… Các anh đã áp dụng một số kinh nghiệp vừa học tập ở trường để áp dụng quản lý học sinh Thiếu sinh quân.

Toàn trường vẫn tiếp tục học tập và rèn luyện trong điều kiện sơ tán, thiếu thốn và gian khó. Do giặc Mỹ tiếp tục mở rộng chiến tranh phá hoại, để chuẩn bị lực lượng kế cận cho cuộc chiến tranh chống Mỹ có thể còn kéo dài và cho công cuộc xây dựng sau chiến tranh, Đảng – Bác quyết định xin Bạn cho trường chuyển sang Quế Lâm. Toàn trường hành quân về Hà Nội cuối tháng 12 năm 1966, đúng vào đợt nghỉ lễ Noel và tết dương lịch.

Đầu tháng giêng năm 1967, toàn trường tập trung chuẩn bị ra ga lên tầu liên vận sang Trung Quốc. Khóa 5, 6, 7 tập trung ở trường Thanh Quan; khóa 2, 3, 4 ở Trưng Vương... Anh em được phát một số quân trang phòng lạnh. Chiều hôm đó ra ga lên tầu ngược Lạng Sơn qua Đồng Đăng sang Bằng Tường. Sáng sớm ngày hôm sau qua biên giới, trời âm u, nghe gà vùng biên gáy o o, thế mới hình dung ra lời bài hát “Việt nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng…”.

Ở Bằng Tường, thấy cuộc sống khác hẳn, thanh bình - không hề có chiến tranh. Các bạn đón tiếp nồng hậu và cho chuyển sang tầu liên vận Trung Quốc. Đa số anh em lần đầu được đi tầu liên vận, ăn ba bữa no và ngon, đúng là “ăn cơm Tầu”. Xe lửa chạy qua Nam Ninh, Liễu Châu và sáng hôm sau đến ga Quế Lâm. Bạn với nhiều cờ hoa, biểu ngữ ra sân ga đón các bạn Việt Nam từ tiền tuyến lớn trở về. Thời kỳ này ở Trung Quốc đang diễn ra Đại cách mạng văn hóa vô sản.

Trời se lạnh, anh em được đón về trường Trung học số 1 Quế Lâm (Y Trung). Mọi người được phát chăn đệm, nằm giường tầng, nhà ở ngay cạnh lớp học. Trung tâm trường là một sân vận động, xung quanh có đường piste. Sau khi ổn định tổ chức, toàn trường bắt đầu vào học tập. Dịch viêm màng não hoành hành và chiến dịch chống viêm màng não được phát động trong toàn trường.

Tháng 6 năm 1967, khóa 2 thi tốt nghiệp, sau đó về nước. Đa số học sinh khóa 2 (70 trên tổng số 84 người) được đưa sang Liên Xô học trong các trường cao đẳng quân sự đào tạo kỹ sư phòng không, thông tin, vũ khí…

Tháng 8 năm 1967, các em khóa 8 tập trung hành quân sang Quế Lâm bằng xe ô-tô từ Hà Nội lên Thái Nguyên, rồi theo đường 1B qua Bắc cạn, lên Lạng Sơn, Đồng Đăng. Từ Bằng Tường đi tầu liên vận về Quế Lâm. Các em khóa 7 và 8 vẫn ở trường cũ, còn khóa 3, 4, 5, 6 về trường mới do bạn xây dựng ở Phong Khẩu. Trường mới khang trang hơn, nhưng gió thì kinh khủng, đúng với cái tên của nó: “Cửa Gió”! Mùa đông năm học 1967-1968 có tuyết rơi, (lần đầu tiên tụi trẻ con Việt Nam biết thế nào là tuyết). Sau đó lớp 5, 6 rời Y Trung, chuyển về trường mới.

Từ đầu 1968, Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc khốc liệt hơn, các phe phái đánh nhau quyết liệt. Thậm chí có thời gian toàn Quế Lâm bị cắt điện, Bạn phải cho kéo máy phát điện đến cho trường sử dụng. Nghe nói Cao Chính ủy (lãnh tụ thanh niên của trường Y Trung) khi đưa Hồng vệ binh Quế Lâm (phái “Tạo phản”) tấn công lên Thượng Hải đã bị phái công nhân (“Liên chỉ”) bắn chết.

Tháng 5 năm 1968, khóa 4 được lệnh về nước trước. Ngày 19 tháng 5 năm 1968, khóa 4 về trường Quân chính Quân khu Tả ngạn rèn luyện. Tiếp theo là khóa 3 với 180 học sinh, sau khi thi tốt nghiệp, cũng về huấn luyện tân binh tại trường Quân chính. Rèn luyện xong, 30 học sinh khóa 3 được đi học nước ngoài (Liên Xô, Ba Lan), 150 lên Đại học Kỹ thuật Quân sự.

Tháng 8 năm 1968, toàn trường rút về nước. Hình ảnh cuối cùng của Quế Lâm để lại trong mắt thầy trò trường ta là cả thành phố nằm bên “vịnh Hạ Long trên cạn” vừa mới qua một trận “nội chiến” ác liệt, đổ nát, tan hoang… Bịn rịn, cô bác sĩ Việt kiều và một vài bạn gái ra tận ga tiễn anh em về nước… Sau 3 ngày, tầu về tới ga Hàng Cỏ, anh em hành quân dọc đường Nam Bộ, Điện Biên về Câu lạc bộ Quân đội rồi mới giải tán về nghỉ phép sau một năm rưỡi xa nhà. Hết phép, trường tập trung lên Trung Hà (Hà Tây) và Hưng Hóa (Vĩnh Phú).

Sau khi rèn luyện, khóa 4 lại về học tại Hưng Hóa. Đến tháng 6 năm 1969, 174 học sinh khóa 4 tốt nghiệp. Sau tốt nghiệp, 70% học sinh khóa 4 được tuyển vào Đại học Quân y, Đại học Kỹ thuật Quân sự và gửi ra Đại học Tổng hợp học.

Tháng 5 năm 1970, khóa 5 với 200 học sinh đã thi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, 70% học sinh khóa 5 được sự tuyển chọn của Cục Cán bộ và được sự đồng ý của cha mẹ đã lên trường Văn hóa Quân đội (Lạng Sơn) để ôn thi đại học. Năm 1970 là năm tổ chức thi tuyển vào đại học đầu tiên ở miền Bắc.

Chương trình đào tạo của Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi chấm dứt. Các khóa 6, 7, 8 được trả về gia đình. Từ tháng 9 năm 1970, các khóa 6 (112 học sinh), khóa 7 (149 học sinh), khóa 8 (172 học sinh) về học tiếp tục tại các trường phổ thông tại Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh thành nơi gia đình sinh sống.

Lần lượt các khóa 6, 7, 8 vào tháng 7 các năm 1971, 72, 73 sau khi thi tốt nghiệp phổ thông đều được Cục Cán bộ tuyển chọn vào bộ đội để thi vào các trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, Quân y hay các trường Sĩ quan chỉ huy. Mặt khác, nhiều bạn còn tình nguyện nhập ngũ, tham gia vào các đơn vị chiến đấu, hướng về chiến trường miền Nam.

Là con em cách mạng, được Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đào tạo, rèn luyện, gần 1200 học sinh đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội lên chính quy hiện đại và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giầu đẹp như Bác Hồ và thế hệ Cha Anh chúng ta hằng mong ước.

Sau 5 năm đào tạo, Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao. Ngày nay, các cựu học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi vẫn luôn nhớ đến trường, đến thầy cô, đến bạn bè và sẽ cố gắng hết sức mình để cho tình cảm của thầy trò Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi mãi mãi trong sáng như cái tên nhà trường đã mang.

B.B.S (SRTKL1)