3.3. Tâm sự của học sinh nhân họp mặt truyền thống 35 năm



3.3. TÂM SỰ CỦA HỌC SINH NHÂN HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG 35 NĂM

Kính thưa các thầy, các cô – những người cách đây 35 năm là những sĩ quan Quân đội NDVN, là thầy cô giáo của Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi,
Kính thưa các bác là đại diện phụ huynh học sinh nhà trường,
Kính thưa chị Phan Thị Quyên,
Thưa các anh, các chị, các bạn, các em là cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kì 1965-1970

Hôm nay, trong ngày 15 tháng 10 lịch sử, chúng em hết sức xúc động tề tựu về đây để kỉ niệm một sự kiện quan trọng trong cuộc sống của chúng em, của các thầy cô. Đó là sự ra đời của Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thuộc Tổng cục Chinh trị – Quân đội NDVN.
Cách đây 35 năm, chắc hẳn các thầy cô lúc đó – những sĩ quan Quân đội – rất ngạc nhiên khi được giao nhiệm vụ dạy dỗ chúng em, vốn không phải là các chiến sĩ trong Quân đội. Còn chúng em, vốn là học sinh, trong hoàn cảnh cả nước đánh giặc, được học tập, được nuôi dưỡng, được có người dạy dỗ là vui rồi. Chúng em được học tất cả các môn văn hóa, kể cả ngoại ngữ, nhạc họa và thể thao. Chúng em còn nhớ cả những ngày chủ nhật ở Đại Từ, lên rừng kiếm củi về cho nhà bếp nấu cơm, hay chặt nứa, chặt vầu về làm nhà; nhớ cả những buổi đi gặt giúp dân, chúng em – “những thư sinh đường nhựa” – chỉ gánh được mỗi bên vài lượm lúa. Các thầy các cô không chỉ là người dạy dỗ, mà còn là những người hướng dẫn chúng em vào đời từ thuở còn thơ.
Tuy học trong mái trường Quân đội, nhưng vốn là những học sinh mới lớn, nên chúng em rất nghịch ngợm. Khi thì trốn giờ ngủ trưa để lên đồi hái sim ăn, đầu giờ chiều điểm danh, miệng tím ngắt chẳng biết giải thích làm sao. Lúc máy bay Mỹ bay qua thì không thèm xuống hầm, mà lại trèo lên cây để “quan sát” cho rõ. Đào của công xã chưa chín thì chúng em đã “bí mật thu hoạch”, bị người gác vườn đuổi chạy tơi bời... Nhưng, các thầy, các cô đã chia xẻ hết, chịu đựng hết với chúng em (với những quậy phá của tuổi học trò) khi sống xa cha, xa mẹ.
Thế là đã 35 năm trôi qua. Các anh chị khóa 1 giờ đã 52 - 53 tuổi, các em khóa 8 cũng đã 43 - 44. Các anh chị còn phục vụ trong Quân đội hôm nay đều là sĩ quan, công tác ở các quân binh chủng, các học viện, các quân y viện, ở cơ quan Bộ Quốc phòng. Nhiều anh chị em đang làm việc tại các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Đảng, là đại biểu Quốc hội. Nhiều người giờ đây là chủ doanh nghiệp với hàng chục, hàng trăm công nhân, làm ra sản phẩm không thua kém của nước ngoài, hay xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Và có nhiều người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, có bạn được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Kính thưa các thầy, các cô!
Có được như ngày hôm nay, một phần quan trọng là nhờ công lao của các thầy cô đã dạy cho chúng em cái cần phải học, đã chỉ cho chúng em cái cần phải làm, đã hướng dẫn cho chúng em cái cần phải hiểu ở lứa tuổi học trò của chúng em lúc đó. Đúng như tổ tiên ta đã tổng kết: “Không thầy, đố mày làm nên”!
Chúng em rất vui mừng được gặp lại các thầy, các cô hôm nay, nhưng cũng thực sự trạnh lòng khi thấy tóc các thầy, các cô đã bạc nhiều.
Chúng em nhớ tới các thầy, các cô ở Hà Nội và ở các tỉnh khác vào dịp này chúng em không có điều kiện gặp lại. Chúng em nhớ tới bác Bùi Khắc Quỳnh, nguyên Chính ủy của trường.
Chúng em, tất cả học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi có mặt ngày hôm nay ở đây, xin bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc của chúng em và gia đình đối với các thầy, các cô. Chúng em kính chúc các thầy, các cô được nhiều sức khỏe, chiến thắng khó khăn của tuổi già, vẫn có ích cho đời, vui với con cháu, gia đình.
Chúng em xin hứa sẽ phấn đấu hết khả năng theo hoàn cảnh của mình để Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi là niềm tự hào của Quân đội, của các thầy, các cô và của chúng em.

(Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM).


SRTKL1