THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 19


PHẦN II:     Nền tảng

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

CHƯƠNG VII: TIÊN NGHIỆM

“Bản tính của ta chỉ có thể có những trực giác khả giác thôi, nghĩa là theo cách ta bị sự vật tác động vào, còn khả năng suy tưởng những đối tượng của trực giác thì lại là công việc của trí năng. Trong hai đặc tính này của tâm trí ta, không cái nào được coi là trọng hơn cái kia. Không có cảm năng, thì không có một đối tượng nào sẽ được ban cho ta, và không có trí năng thì không một đối tượng nào sẽ được ta suy tưởng. Thiếu nội dung, các ý tưởng sẽ rỗng tuếch và thiếu quan niệm thì các trực giác sẽ mù tịt”.
I. Kant
Immanuel Kant
Immanuel Kant, đọc là Kantơ[1] (sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg) được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: "tiền phê phán" và sau năm 1770 là "phê phán".[1] Học thuyết "Triết học siêu nghiệm" (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J. Hirschberger.
“ Der Charakter eines wahren Philosophen ist der, daß er nichts thut, als die Natürlichen Kräfte und Fähigkeiten zu exercieren, und zwar durch die nachforschende Untersuchung der Kritik.”
—J.Hirschberger

Tạm dịch:
Đặc điểm của một triết gia chân chính là ở chỗ ông ta không làm gì ngoài việc vận dụng sức mạnh và khả năng tự nhiên, cụ thể là qua việc nghiên cứu sự phê phán.



Đó là câu nói mà chúng ta cho là rất hay của Kant. Tuy vậy, nó đúng nhưng chưa đầy đủ. Cảm giác và quan niệm là hai vế được phân biệt tương đối nhưng một cách tuyệt đối thì không thể tách rời nhau được. Ý niệm xuất hiện phải trên cơ sở của cảm giác và cảm giác được là nhờ có ý niệm. Con ngựa bị quất roi vào mông có “cảm thấy” gì không? Có! Nếu không, nó sẽ chẳng phản ứng (lồng lên, phi nhanh hơn…). Thế nó cảm thấy gì, đau đớn khó chịu hay sung sướng? Chắc là không phải sung sướng rồi, vì không thấy nó có vẻ thỏa mãn tý nào! Có lúc hình như nó khó chịu, nhất là khi có người “lạ hoắc” ngồi trên lưng nó mà còn đánh nó, làm nó nổi điên lên, cố hất bằng được kẻ trên lưng nó xuống đất. Có lẽ thông thường thì mọi con người đều cảm thấy “đau” khi bị quất roi. Bị đau nên dẫn đến sợ, tìm cách chạy trốn hoặc phi nhanh hơn cho vừa lòng “chàng kị mã”. Vậy thì con ngựa cũng “biết đau” (khi bị đánh), “biết khó chịu” (khi bị người lạ cưỡi) và “biết khoái” (khi được vuốt ve). Rõ ràng ba cảm giác ấy (và nhiều hơn thế nữa) là phân biệt được và tiềm ẩn trong cùng một con ngựa. Cái gì làm cho các cảm giác “khác kiểu” phân biệt được với nhau. Đó chính là hệ thần kinh với bộ não (ở sinh vật bậc cao) đóng vai trò như trung tâm tổng hợp thông tin, điều khiển và mạng lưới truyền tin với các đầu mối thu phát tín hiệu mà trong quá trình tiến hóa, thích nghi đã phân định thành nhóm (tạo nên những giác quan tương đối khác biệt nhau về cách thức nhưng vẫn trên cơ sở thống nhất là cảm giác và cảm giác được những mức độ khác nhau của sự tác động): Ý niệm là gì nếu không phải là sự phân biệt được của hệ thần kinh trung ương (bộ não) về mức độ, kiểu thức, vị trí của sự tác động bên ngoài nào đó lên cơ thể, để từ đó hình thành nên một cảm giác tương thích? Khi có một tác động đối với một bộ phận hay một vùng nào đó của cơ thể thì ngay lập tức theo đúng luật tự nhiên, phải xuất hiện phản ứng. Phản ứng ấy gọi nôm na là phản ứng “không sống” của chỉ bộ phận ấy, của riêng vùng “xác thịt” ấy, hay tạm gọi là phản ứng sơ cấp. Phản ứng sơ cấp ấy tác động vào các đầu mối thu phát tín hiệu của mạng lưới thần kinh và các thông tin truyền về cho bộ não xử lý. Nhờ vào “kinh nghiệm” đã được tích lũy qua quá trình thích nghi, tiến hóa lâu dài để đảm bảo sinh tồn mà bộ não “đánh giá” được mức độ “lợi hay hại” của tác động để hình thành nên phản ứng thích hợp. Phản ứng ấy là phản ứng của riêng bộ não. Tại đây, phản ứng ấy được phân định thành hai loại tương đối là phản ứng vô thức và phản ứng hữu thức. Phản ứng vô thức là phản ứng ở tầng sự sống vô thức, nghĩa là phản ứng của những đơn vị được định nghĩa là sự sống của những cấu trúc bộ phận được gọi là sống - sống nhưng chẳng bao giờ “tỉnh” mà luôn “ngủ say”; hoặc mê muội. Phản ứng này trở thành những tác động đến các cơ quan chức năng hay cũng có thể là toàn bộ cơ thể, để từ đó mà trong cơ thể có sự chuyển hóa tự nhiên làm xuất hiện những lực lượng nội tại tác động trở lại, một cách có lợi cho bộ phận, vùng cơ thể đã bị bên ngoài tác động (nói cho cùng là hoàn toàn tuân theo nguyên lý tương tác hay tác động-phản ứng của Tự Nhiên!)....

Phản ứng hữu thức chính là cảm giác. Chúng ta cho rằng, khi nằm trong mối quan hệ với phản ứng không sống, phản ứng hữu thức được gọi là phản ứng sống và trong mối quan hệ tương phản với khái niệm phản ứng sơ cấp, nó là phản ứng thứ cấp. Đây là loại phản ứng chỉ xuất hiện rõ rệt ở sinh vật bậc cao, với hệ thần kinh hoạt động theo kiểu “nhà nước”, nghĩa là có một trung tâm điều khiển gọi là não bộ. Phản ứng này làm cho cơ thể sống vận động (chuyển hóa, biến đổi) theo sự điều khiển tiềm tàng của não bộ, tạo nên những tác động chủ động lên bộ phận, vùng cơ thể bị bên ngoài tác động và thậm chí là lên cả tác động bên ngoài (nhằm hạn chế, chấm dứt hoặc duy trì, tăng cường tùy theo bản chất lợi hay hại và mức độ của tác động bên ngoài ấy).
Cơ thể luôn luôn bị tác động (có lợi hoặc có hại) bởi môi trường và cả bởi chính quá trình sống của cơ thể, đồng thời cũng luôn luôn phản ứng (tích cực hoặc tiêu cực) trước những tác động ấy. Cơ thể vì thế ít khi chọn và “biết” chọn những tác động có lợi cho bản thân mình, nó luôn bị trục trặc, tổn thương. Não bộ chính là vị “đại nguyên soái”, chỉ huy các lực lượng có sẵn ở nội tại trong “công cuộc” đấu tranh triền miên với các tác động bên ngoài, lập lại trật tự ở những vùng cơ thể bị trục trặc, khôi phục, chữa lành các tổn thương. Trong hầu hết các trường hợp, não bộ luôn hoàn thành vẻ vang sứ mạng của mình, hoàn thành nhiệm vụ mà cơ thể sống giao phó (cơ thể là “tổng thống” hay là một “Tổ quốc”, một “dân tộc”?!). Nhưng đôi khi nó trở nên bất lực hoàn toàn, đấu tranh một cách vô vọng bởi không có “kinh nghiệm” trước những “đòn đánh lạ lùng và hiểm độc” của “quân xâm lược” hoặc giả là bởi bản thân chủ quan, mất cảnh giác lúc đầu trước chiến thuật kiểu láu cá, ru ngủ của đối phương để đến khi chúng lộ diện, di căn, toàn phát thì đã quá muộn, đành chịu “mất nước” và mất cả… mạng mình (rõ quá rồi!). Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh trầm trọng, hiểm nghèo, ngàn cân treo sợi tóc như thế, nếu được hỗ trợ, chi viện thích đáng, kịp thời từ môi trường (những tác động có lợi từ bên ngoài) thì “đại nguyên soái” vẫn có cơ hội bảo vệ được “Tổ quốc” (cơ thể vượt qua bạo bệnh, hồi phục một cách thần kỳ!).
Nếu những suy đoán của chúng ta về não bộ là đúng thì chúng có thể là cơ sở để giải thích nhiều hiện tượng chưa hiểu được về tâm sinh lý học, cũng như nhiều hiện tượng huyền bí trong y học - dưỡng sinh.
Điều dễ thấy là nếu hoạt động của hệ thần kinh, trong đó có não bộ (đối với sinh vật bậc cao thì não bộ mang tính quyết định!) thực sự bị chấm dứt thì cơ chế tự chữa bệnh của cơ thể không còn nữa. Có lẽ mọi cách thức, phương pháp chữa bệnh muốn đạt kết quả, dù có dù không có tác động tích cực từ bên ngoài đều phải nhận cơ chế tự chữa bệnh làm nền tảng, làm cơ sở lý luận để tiến hành; đều chủ yếu phải thông qua con đường tự chữa bệnh của cơ thể để làm lành bệnh tật (giải phẫu, để loại bỏ hoặc cấy ghép là giải pháp cuối cùng, cấp bách và cần thiết để cứu mạng; nhưng nếu không có thuốc thang hỗ trợ cho cơ chế tự chữa bệnh hoặc cơ chế tự chữa bệnh không còn thì giải pháp ấy cũng chỉ là vô ích!). Một cơ thể, khi đã mất đi cơ chế tự chữa bệnh thì việc đầu tiên là phải phục hồi lại cơ chế ấy, còn không thì bất cứ sự can thiệp nào cũng sẽ không thể chữa được bệnh tật. Có thể, bằng cách nhân tạo, chữa lành một vết ghẻ, chặn đứng bệnh tật và nuôi sống một vùng nào đó, một cơ quan nào đó trên (và trong) một cơ thể đã hoàn toàn bị đình chỉ cơ chế tự chữa bệnh, nhưng đây lại là chuyện khác, tương tự như nuôi cấy một miếng da trong phòng thí nghiệm hoặc như nấm mọc “hồn nhiên” trên một khúc gỗ trong thiên nhiên...
Một cơ thể bị hôn mê sâu chưa hẳn là đã mất hết khả năng tự chữa bệnh mà chỉ là sự suy giảm đáng kể, thậm chí là trầm trọng khả năng ấy mà thôi, vẫn còn một chút nào đó được bảo tồn và vẫn hoạt động “thoi thóp” nhờ vào sự tác động có tính chất hỗ trợ đắc lực của bên ngoài. Trong nhiều trường hợp cơ chế đó hồi phục, tạo tiền đề cho sự sống sót của bệnh nhân. Đã xảy ra những trường hợp may mắn hiếm có, sau vài năm và hơn nữa là mấy chục năm, cơ thể hôn mê sâu bỗng bừng tỉnh; biểu hiện phản ứng hữu thức của não bộ (thành phần trọng yếu nhất trong cơ chế tự chữa bệnh) đã hồi phục hoặc bước vào giai đoạn hồi phục, nghĩa là trong suốt một quá trình dài, cơ chế tự chữa bệnh, nhờ vào sự hỗ trợ của những thiết bị y học, đã “kiên trì” tự chữa cho mình và tiếp tục nhiệm vụ chữa trị cho cơ thể.
Nếu không có những thành tựu to lớn, đầy hiệu quả của y học phương Tây thì không biết loài người ngày nay sẽ ra sao?! Nhưng theo chúng ta nghĩ, y học phương Đông đã không hiếm trường hợp làm nên những điều kỳ diệu trong việc chữa bệnh cứu người. Có những trường hợp Tây y đã phải lắc đầu, bó tay nhưng nhờ Đông y điều trị không cần phải qua giải phẫu, bệnh nhân đã chiến thắng được bệnh tật, tránh được lưỡi hái của tử thần trong gang tấc, hết sức ngoạn mục. Những sự kiện đó nói lên điều gì? Hoặc hiện tượng số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi nhờ giả dược (giả thuốc nhưng bệnh nhân vẫn tưởng mình uống đúng thuốc) có tỷ lệ hơn hẳn số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi nhờ uống thuốc thật, nói lên điều gì? Có những người bị bệnh nan y tiến triển đến thời kỳ cuối cùng, được coi là vô phương cứu chữa, vẫn kiên trì uống thuốc, bỗng dần trở lại bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh. Những trường hợp như thế nói lên điều gì?
Chỉ có thể trả lời được thỏa đáng những câu hỏi đó nếu chúng ta tin vào sự tồn tại của cơ chế tự chữa bệnh cũng như khả năng phi thường của nó. Một khi cơ chế tự chữa bệnh được kích thích đến mức độ hoạt động cùng tột, nó sẽ trở thành bất khả chiến bại trước bất cứ loại bệnh tật nào! Phải chăng y học - dưỡng sinh cổ truyền phương Đông, hình thành trên cơ sở lý luận âm dương - ngũ hành cốt lõi là đúng đắn, đã phần nào tiếp cận được sự thực ấy? Phải chăng tình yêu vô bờ đối với cuộc sống, niềm tin mãnh liệt vào việc điều trị, sự hy vọng thiết tha khôn cùng muốn khỏi bệnh, hay đơn giản là tinh thần lạc quan cao độ, thanh thản trước sống chết, đã kích thích cơ chế tự chữa bệnh đạt đến trạng thái phi thường?
Cơ chế tự chữa bệnh không đồng nghĩa với sự tự chữa bệnh của một cơ thể sống có ý thức (dù là ở dạng sơ khai nào đó). Nhiều loài động vật (cũng có khi là tất cả) khi bị bệnh vẫn đi tìm những thứ phù hợp có trong thiên nhiên như lá cây, chất khoáng… (không phải là thức ăn truyền thống của chúng) để ăn nhằm mục đích tự chữa bệnh. Cơ chế tự chữa bệnh tồn tại ở tầng vô thức, có nguyên nhân chủ yếu từ sự phản ứng vô thức của não bộ. Muốn hiểu được cặn kẽ cơ chế ấy phải quan sát ở tầng nền tảng của sự sống, thậm chí là sâu dưới nữa. Muốn có được sự phi thường của cơ chế tự chữa bệnh có lẽ phải làm cho phản ứng vô thức ấy trở nên mãnh liệt, tổng động viên được toàn bộ nội lực của cơ thể, tận dụng tối đa lực lượng ở tầng nền tảng của môi trường (tập trung nhiệt, điều dẫn bức xạ… về nơi cần thiết trong cơ thể!!!?) hướng vào việc chữa bệnh, nghĩa là phải tìm cách tác động được vào cơ sở hạ tầng của hoạt động não bộ. Phải chăng dùng ý niệm cũng là một trong những cách thực hiện được việc đó? Phản ứng hữu thức là một mặt của phản ứng nói chung và có nguồn gốc từ vận động hạ tầng của não bộ, nhờ thế mà những cảm giác như lạc quan, yêu thương, hy vọng mới có cơ hội, trong một chừng mực tùy thuộc vào cường độ cảm giác tác động được đến cơ chế tự chữa bệnh. Hít thở khí công được cho là một cách khác, có thể là chủ động hơn, rèn luyện để thông qua não bộ mà hình thành, củng cố những ý niệm, tác động tích cực trở lại vận động hạ tầng của nó, làm tăng cường khả năng tự chữa bệnh của cơ thể (hoặc đạt được những công năng thượng thừa khác).
Đến đây, chúng ta đã bắt đầu lơ mơ hiểu vì sao các cao thủ Yoga có thể nhịn ăn nhịn uống được dài ngày, bị chôn xuống đất đến mấy chục ngày mà không chết. Họ đã chế ngự được bộ não vận động ở mức tối thiểu, ở tầng tạm gọi là tiềm thức, rất gần với vô thức với sự cung cấp năng lượng chỉ cần ở mức tối thiểu từ chính cơ thể họ hoặc cũng có thể là sự trao đổi bức xạ với môi trường…
Cơ chế tự chữa bệnh thực ra chỉ là một bộ phận của tổng thể vận động chuyển hóa của một cơ thể sống có ý thức mà não bộ là cơ quan trọng yếu, có ý nghĩa sống còn đối với cái tổng thể ấy. Do đó, nó cũng luôn tự ưu tiên bảo vệ mình (sự ngất xỉu, sự ngủ nghê, sự quên lãng và đôi khi là sự hôn mê “nông”)…
… Nhưng mà thôi! Nói cho hết ý tưởng đang ùn ùn kéo đến thì chẳng biết đến bao giờ mới xong, trong khi công việc “đồng áng” của chúng ta vẫn còn ngổn ngang quá. Mai đây, trong những lúc “nông nhàn”, nếu còn nhớ, chúng ta sẽ lại tiếp tục câu chuyện này. Còn bây giờ, chúng ta trở lại vấn đề cảm giác.
Phản ứng hữu thức của não bộ là kết quả của hàng loạt những tác động - phản ứng tuân theo luật Tự Nhiên. Có thể cho rằng phản ứng hữu thức của não bộ làm nên cảm giác hoặc chính là cảm giác của một cơ thể sống có ý thức.
Nói như thế cũng có nghĩa rằng “đành phải” thừa nhận những sinh vật có hệ thần kinh với một trung tâm điều khiển, trong một chừng mực nhất định đều phải được cho là có ý thức hoặc cái gì đó tương tự như ý thức; thậm chí là có cả quan niệm nữa. Sự trung thành của một con chó không thể cho là không có ý thức được. Một con chó khi bị đòn, la “ăng ẳng” rồi rên “ư ử”, lấm lét, cụp đuôi tìm chỗ trốn thì phải cho rằng nó biết đau, biết ấm ức, biết lo sợ và như thế phải cho rằng trong nó cũng xuất hiện cảm giác đau và quan niệm về “sự đau”.
Có lẽ đã đến lúc, để phân biệt giữa người và động vật, phải đưa ra những khái niệm mới như “nấc thang” cảm giác, “nấc thang” quan niệm, “nấc thang” ý thức hoặc “nấc thang” lý trí. Một con chó bị chủ đánh đau đến cùng cực và không còn lối thoát may ra mới cắn lại chủ nhưng có thể cắn bất cứ người lạ nào vào nhà dù có hù dọa nó, không thể không có lý trí ở “nấc thang” nào đó, dù thấp. Một con báo nằm rình chờ thời cơ thuận lợi để xông ra bắt mồi thì phải là sự thể hiện của ý thức.
Khi chúng ta nhìn thấy một vật có nghĩa là ánh sáng phát ra từ nó (do phản chiếu hoặc phát ra) đập vào mắt chúng ta, thông qua mắt mà tác động lên hệ thần kinh thị giác làm hình thành nên cảm giác “nhìn thấy”. Tuy nhiên vì nó là một bộ phận cơ thể, vì nền tảng của thị giác là cảm giác, tại mắt cũng tồn tại các đầu mối thần kinh không thuộc hệ thần kinh thị giác nên sự tác động bên ngoài nào lên mắt cũng làm cho não phát hiện, ngoài sự nhìn thấy, là những phản ứng vô thức và những cảm giác khác thị giác (như khô mắt, nhức mắt, chói mắt, rát mắt…), mà ở tình trạng mắt bình thường sẽ không phát hiện được.
Cảm giác nói chung và những hình thức biểu hiện cảm giác nói riêng là do quá trình tiến hóa sinh vật lâu dài mà có, cho nên dù rất mờ nhạt, khó nhận ra thì chắc chắn rằng chúng được sinh ra từ kinh nghiệm, từ sự đúc kết, theo đòi hỏi của thích nghi để sinh tồn.
Khi chỉ xét trong phạm vi cảm giác thôi thì đến lượt nó lại được phân định ra tương đối thành hai loại cảm giác trực tiếp và cảm giác theo kinh nghiệm. Cảm giác trực tiếp còn được gọi là trực giác, là loại cảm giác chỉ có được khi có tác động cụ thể, trực tiếp lên cơ thể từ bên ngoài. Còn cảm giác theo kinh nghiệm là loại cảm giác nảy sinh từ sự suy tưởng, phán đoán trên cơ sở kinh nghiệm đã “gặt hái” được, còn lưu nhớ được từ những lần trực giác đã từng xảy ra trong quá khứ. Ông bà ta nói: “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” là vì thế.(Sơ sơ thế thôi chứ thực ra là phải bàn luận như một môn khoa học sâu rộng thực sự!!!...).
Viết đến đây, không thể dừng được, chúng ta đành “Lỡ bước sang ngang” một chút để nói về Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ Việt Nam mà phần thơ được sáng tác trong giai đoạn “tiền chiến” của ông đã làm cho chúng ta mê ly, cảm giác thật dạt dào. Hầu hết những bài thơ “thuở đó” của Nguyễn Bính, đọc nghe chẳng sang trọng, uyên thâm hay “siêu thoát” gì; nó “ê a” tự nhiên như hơi thở, nó gần gũi, hồn hậu, đằm thắm như cách nghĩ, cách nói của những thôn nữ ngây thơ, chất phác; nó mộc mạc, chân thành và đôi khi bông phèng “nhẹ tưng” như những chàng trai “chân quê”. Điều chúng ta hết sức tâm đắc là những vần điệu, câu chữ trong các bài thơ ấy có vẻ nhàm quá mà sao cứ nhớ, có vẻ tầm thường quá mà sao cứ thích thú, có vẻ như vụn vặt vô tình quá mà sao cứ rung động yêu thương.
Chỉ với gạo quê, tương mắm, rau đồng mà nấu được bữa thơm ngon đáo để; chỉ với những “con chữ”, “cái âm” nhặt nhạnh, hôi, mót đâu đó ở bờ ao, gốc rạ, đồng cạn, đồng sâu trong thôn giã mà bện kết được những khúc, những đoạn dung dị đến tuyệt cú, thì như thế, chúng ta tin rằng những bài thơ thời tiền chiến của nhà thơ Nguyễn Bính sẽ còn sống rất lâu trong lòng đại chúng, nhân gian, đến xa sau hậu thế một khi những ký ức về một vùng nông nghiệp lúa nước với cảnh làng quê đặc trưng: cây đa, bến nước, con đò - bờ đê, ao cá, ví hò, ca dao… vẫn còn được nâng niu, lưu giữ!
Thay vì thắp một nén nhang, chúng ta trích ngâm vài đoạn, tỏ lòng nhớ về Nguyễn Bính!
“Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!”
(Trích “Mưa xuân”)

“Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”
(Trích “Không đề”)

“Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
(Trích “Tương Tư”)

“Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa …
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)
Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng
Biết đâu rồi chả nói chòng:
“Làng này khối đứa phải lòng mình đây!”
Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thôi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”
(Bài “Qua nhà”)

“ Tình tôi là giọt thủy ngân
Dù nghiền chẳng nát dù lăn vẫn tròn
Tình cô là đóa hoa đơn
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn
Lòng tôi rối những tơ đàn
Cao vời những ước đầy toàn những mơ
Lòng cô chẳng có dây tơ
Ước sao đến thấp mà mơ đến nghèo!
Hồn tôi giếng ngọt trong veo
Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh
Hồn cô cát bụi kinh thành
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”
(Bài “Tình tôi”)

Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần đọc thơ tiền chiến của Nguyễn Bính, lòng chúng ta cứ man mác buồn. Tại nhà thơ hay tại chúng ta? Có lẽ tại cả hai! Nhà thơ là người buồn thứ nhất vì bản thân đã từng trực giác đau thương trong quá khứ, để rồi sau đó, vốn sẵn đa sầu đa cảm nên dễ bi hóa thân phận; để rồi với tâm trạng đã có “tỳ vết” ấy mà trước thực tại, để “ tức cảnh sinh tình” đượm hơi hướng tiếc nhớ, dằn vặt, ân hận, xót xa… và cứ thế mà… buồn thấm thía. (Có những nhà (gọi là) thơ cố “rặn” ra nỗi buồn (vì chỉ có những bài thơ buồn mới có thể trở thành bất tử!?) nhưng viết “ồn ào”, “sáng tạo” quá nên làm người đọc thấy… vui quá, hoặc… nổi điên!). Chúng ta là người buồn thứ hai vì cũng đã từng chịu nhiều vết thương lòng, đã từng nhiều lần có tâm trạng u sầu, chán nản nên dễ đồng cảm với nhà thơ và cũng cứ thế mà buồn theo, man mác!…
Nỗi buồn của Nguyễn Bính và nỗi buồn của chúng ta (bị “lây” bởi nỗi buồn Nguyễn Bính) chính là cảm giác theo (hay qua) kinh nghiệm. “Chơi dao lắm cũng có ngày đứt tay”, những ai chưa một lần đứt da rách thịt và không cảm giác lại được sự “đau thương” của đứt da rách thịt thì sẽ rất coi thường lời cảnh báo ấy vì… chả hiểu gì cả. “Có đi mưa mới biết lạnh”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” là những câu có ý nghĩa tương tự.
Trong bài “Viếng hồn trinh nữ”, ở khổ thơ cuối cùng, Nguyễn Bính viết:
“Tôi với nàng tuy không biết nhau
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
(…)”
Bởi vì đâu? Vờ hỏi thế thôi chứ Nguyễn Bính biết và ông đã trả lời cặn kẽ bằng cả bài thơ đó rồi. Nhà thơ thương tiếc vì đã thấy đám tang của cô gái trinh trắng đó; vì đã cám cảnh mẹ cô:
“ Người mẹ già kia tuổi đã nhiều
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu
Mà nay lại khóc thêm lần nữa
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều”
của em cô:
“Những đứa em kia chưa khóc ai
Mà nay phải khóc một người rồi
Mà nay trên những môi non ấy
Chẳng được bao giờ gọi: Chị ơi!”
và của người yêu cô:
“Nàng đã qua đời để tối nay
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi rớt
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày”
Tất cả những hoạt cảnh dù thực hay suy tưởng ấy đã tạo nên những cảm giác tang tóc, buồn bã, xót xa, thông cảm… và những cảm giác đó đã đúc thành nỗi thương tiếc.
Tại sao những hoạt cảnh mà nhà thơ “thấy” lại làm cho nhà thơ có nỗi niềm như vậy? Là tại trước đó nữa nhà thơ đã gặp những trường hợp tương tự và đã cảm nhận tương tự như vậy. Cuối cùng là bản thân nhà thơ trong một vài trường hợp đã trực giác được sự đau khổ của tang tóc, chia lìa và một vài trực giác ấy đã khắc sâu trong tâm khảm bản thân nhà thơ, trở thành những kinh nghiệm đầu tiên để từ đó, cùng với sự liên tưởng, phán đoán, suy diễn mà dần nảy nở những cảm giác nói trên. Những cảm giác đó là gián giác (chúng ta gọi cảm giác theo kinh nghiệm là cảm giác gián tiếp và để đối ứng với từ “trực giác”, chúng ta dùng từ “gián giác”, thay cho “cảm giác gián tiếp”). Tuy nhiên những gián giác càng lùi sâu vào dĩ vãng, càng chuyển hóa gần trực giác. Khi đã “chìm” vào tiềm thức, chúng trở thành những trực giác. Nói chung, không thể phân biệt được tuyệt đối giữa trực giác và gián giác mà chỉ có thể bằng cách tương đối, trong sự qui ước.
Dù sao thì cũng vẫn có thể nói sự từng trải của nhà thơ Nguyễn Bính đã làm nên bài thơ “Viếng hồn trinh nữ” và sự thương tiếc của ông trong trường hợp này là một gián giác (Xin nói nhỏ rằng nhận định này là của… Thầy Cãi. Chúng ta đừng cãi làm gì cho tốn sức! Mới nhắc đến tên ông ta thôi mà đã thấy… mệt rồi!).
Gián giác “thương tiếc” được hình thành nên từ những gián giác buồn bã, xót xa, ái ngại… mà lúc đó đã đóng vai trò như những trực giác. Chà! Nghe ra cũng khá bùi tai!.
***
Tác động - phản ứng (nói phản ánh cũng được thôi!), hay gọi một cách “cơ học hóa” là tác động tương hỗ, là một trong những thuộc tính cơ bản nhất của Tự Nhiên Tồn Tại. “Công lao” vĩ đại nhất của nó là tạo dựng nên… tất cả. Nhờ có nó mà có sự phân định ra khách thể và chủ thể, mà có thực thể quan sát và thực thể bị quan sát. Con người phải chịu ơn nó “đời đời” vì nó đã làm cho con người quan sát được và có khả năng nhận thức được, đồng thời ban tặng cho con người “Thế giới khách quan” (một bộ phận to lớn của Tự Nhiên Tồn Tại) để mà quan sát, để mà nhận thức; để rồi dần dần “thấy” chính chân tướng của nó cũng như cảm giác được toàn bộ Tự Nhiên Tồn Tại!…
Sự phản ứng là căn nguyên của “giác”, làm cho sinh vật “giác” được và ở động vật bậc cao là “trực giác” được. Trực giác là giác đã xuất hiện ý thức, đồng thời ý thức làm cho các giác phân hóa thành đa dạng. Trực giác là tiền đề làm ra gián giác, giữa chúng có mối liên hệ nhân quả đối với nhau, chuyển hóa nhau, lập thành một “hệ thống” gọi là cảm giác.
Có thể cho rằng ở loài vật chỉ có trực giác còn ở loài người thì có cả trực giác và gián giác không? Thực là khó trả lời! Có lẽ không nên đồng nghĩ gián giác với cảm giác theo kinh nghiệm mà phải phân biệt thế này: kinh giác (cảm giác theo kinh nghiệm) là bộ phận của gián giác và là thể ở bậc thấp trong “hệ thống” các gián giác. Như vậy loài vật chỉ có trực giác và kinh giác, còn con người thì “có đủ” các loại cảm giác? Tạm chấp nhận vậy thôi chứ không hẳn thế!
Nếu nói trực giác ở loài vật (nghĩa là không lẫn với “tạp niệm”?) là hình thức khởi đầu, sơ khai của cảm giác (trước "giác"?) thì cũng có thế nói ý thức ở loài vật (không phải ý niệm hay ý thức như ở loài người, đã thông qua sự suy nghĩ. Vậy thì là cái gì? Không biết!) là dạng nguyên thủy, có tính chất đơn vị của khái niệm (để từ đó mà nảy sinh ra khái niệm?). Hơn nữa, còn có thể nói ý thức (ở loài vật) là khái niệm câm nín mù quáng và khái niệm là ý thức (ở loài vật) đã biết nói, “sáng tỏ” nhờ nhận thức(?). Khi ý thức biết nói thì thú vật thành con người !!! Câu nói đó kể cũng tạm được cho là hay. Nhưng câu nói sau đây hay hơn: mất đi khái niệm, con người thành con vật, mất đi ý thức, con người không bằng con vật… đang thức. Con người khi ngủ say, ngất xỉu, hôn mê là tạm thời rời bỏ vai trò làm người; khi mộng mị, mê man, hoang tưởng là tạm thời rời bỏ thực tại, sống trong cõi phiêu bồng với những “kinh nghiệm” về cảm giác và suy tư còn tàng trữ trong tiềm thức. Lúc đó luật về tính trội tính lặn được phát huy để cõi phiêu bồng ấy trở thành như một miền cực lạc hoặc buồn thương.
Nếu nhận định trên là đúng thì mong mọi người đừng cố gắng tìm cách rời bỏ khái niệm vĩnh viễn, dù rằng là vượt lên trên nó, “siêu thoát” khỏi nó, vì như thế sẽ chẳng được lợi lộc gì, chẳng có thêm một “sáng kiến” gì mà lại rất chi là nguy hiểm. Khi cơ thể rã rời, đầu óc rối bời căng thẳng thì nên… đi chơi, thư giãn, nghỉ ngơi và cố mà ngủ cho được, nhưng có lẽ thực hành “thiền” là cách hữu hiệu nhất, có tác dụng tích cực trên nhiều mặt đối với tâm, sinh, lý. Khí công dưỡng sinh (trong đó có thiền) là một cứu cánh tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Chúng ta khẳng định vì đã trải nghiệm!
Tác động - phản ứng là vốn dĩ thế vì thực ra không biết được cái đó là cái gì. Chỉ khi có khái niệm, nhận thức (con người) mới gán cho nó nhãn mác như thế để từ đó mà qui ước ra như thế, để rồi cũng chẳng phải như thế và cũng chẳng ai hiểu gì hết nếu không giải thích, nhưng càng giải thích lại càng khó hiểu vì chưa qua… phiên dịch, mà phiên dịch xong rõ ràng rồi đôi khi vẫn cứ… mù tịt. Tự Nhiên Tồn Tại ngay từ đầu đã phô bày tất cả bản chất của nó ra trước mắt con người. Con người thấy hết nhờ khái niệm và vì thế mà cũng mù lòa. Đó phải chăng là điều kỳ dị nhất của Tự Nhiên Tồn Tại?! Hay Tự Nhiên Tồn Tại “giở trò” đó là có ý khuyên: hãy nhìn kỹ đi, hãy thấy hết đi dù là trong màn sương mù lòa, rồi nhắm mắt lại suy tưởng để mà “biết” cái đã, sau đó linh giác sẽ đến và cho thấy tất cả một cách chân xác, “thấu suốt được cái tình của muôn vật”!
Linh giác? Đúng vậy, linh giác là cảm giác đạt mức cao độ, hơn nữa là gần tột độ (Tột độ sẽ không phản phục được mà đi tiếp vào… bệnh viện, chung thân ở đó!) là đỉnh cao của tri giác (tri giác là đỉnh cao của gián giác; nhờ học sâu, biết rộng mới có được). Cần phân biệt linh giác (hay còn gọi là linh cảm) với siêu giác (hay còn gọi là siêu cảm). Trong nhiều trường hợp, những phản ứng ờ tầng nào đó sâu hơn, thuộc vùng nền tảng (của sự sống), bình thường không thể giác được, được tích hợp, kích hoạt mạnh mẽ do một nguyên nhân nào đấy (Chẳng hạn như sự tăng đột ngột các bức xạ phát ra từ tâm chấn động gây nên sóng thần) đến mức có thể trực giác được và đó là siêu giác. Về mặt nào đó, loài động vật hơn hẳn chúng ta về loại cảm giác này. Con chó có mũi thính hơn mũi con người gấp hàng triệu lần và đối với nó chỉ là chuyện bình thường nhưng đối với chúng ta, đó lại là một dạng siêu giác. Cũng phải thôi, được cái này phải mất cái kia, con người được trí thông minh (trên cả tuyệt vời rồi!) mà còn đòi có mũi nhậy như chó nữa, có mà… loạn à?!
Thiền dưỡng sinh là con đường đi tìm lại siêu giác và nếu có căn duyên thì sẽ tìm thấy được phần nào đó. Không những thế, hơn con vật nữa, bằng thiền dưỡng sinh, con người còn có thể điều chỉnh được quá trình tác động - phản ứng ở một tầng sâu nào đó của cơ thể bằng lý trí.
Có thể giải thích tác dụng chữa bệnh của khí công, những công phá thượng thừa của võ công trên cơ sở của quan niệm vừa nêu không?
Ở con người bình thường, tuy hiếm hơn nhưng vẫn xuất hiện siêu giác. Thần giao cách cảm là một biểu hiện sự siêu giác. Ngoài ra, trạng thái lên đồng, nhìn thấy người cõi âm, nói chuyện với “vong”, tìm mộ từ xa… đều là những biểu hiện của siêu giác…(Rồi đây sẽ phải có một môn học thực sự có tính khoa học bàn về sự tồn tại của cái gọi là "linh hồn"!). Theo quan niệm của triết học duy tồn thì chúng ta cho rằng hiện tượng "ngoại cảm" và sự tồn tại của linh hồn là hoàn toàn có thật, không thể chối cãi được! Nhưng phải hiểu chúng theo nghĩa...tồn tại, nghĩa là linh hồn chỉ tồn tại thực sự với những linh hồn "sống" thực sự, những linh hồn biết..."ngoại cảm"!!!
Một khi siêu giác kết hợp được với linh giác, chúng sẽ cộng hưởng tạo nên một trạng thái cảm giác cao nhất của mọi loại cảm giác, đó là linh tri (hay còn gọi là tiên tri)???
Lần theo dấu “tiến hóa” của khái niệm, chúng ta cũng đến cái đích là linh tri. Khi ý thức “biết nói” thì nó trở thành khái niệm. Có thể phân định khái niệm thành hai loại tương đối là khái niệm được “thốt ra” từ trực giác và khái niệm được “lôi ra” từ gián giác. Loại khái niệm thứ nhất là “tên gọi”, là “nhãn mác” có được trực tiếp từ trực giác và chỉ thế, không giải thích nên chưa có nội hàm, không so sánh nên cũng chẳng có ngoại diên.
Không suy diễn nên nó có tính đơn nhất rời rạc, không tính đếm nên nó có tính toàn thể, và… hết. Loại khái niệm đó được tạm gọi là khái niệm trực tiếp.
Xưa thật là xưa, vào thời mà con người chưa ra con người; còn nửa người nửa ngợm (nửa người nhiều hơn nửa ngợm!?), có lẽ cái đám người ngợm ấy chỉ “biết” nhìn sự vật một cách thuần túy trực giác. Họ “thông tin” cho nhau chỉ bằng hò hét và chỉ trỏ để hàm ý: đây, kia (ở đây, ở kia), này, đó (cái này, cái đó)… Sự hò hét, chỉ trỏ đó diễn ra, lặp đi lặp lại qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thời gian không biết nữa. Chỉ biết rằng có những lúc hò đến độ gào thét, chỉ trỏ đến oải tay, lắc gật đến sái cổ, dậm chân đến độ thốn đầu gối, vặn vẹo thân mình đến nhừ xương mà kẻ nghe vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, lầm lạc lung tung đến độ như… bị điếc. Có như thế là vì mắt của “đám người ấy” ngày một sáng tỏ, nhìn thấy ngày một nhiều, không chỉ thấy “đây, kia, này đó” mà còn “nhiều đây, nhiều kia, nhiều này, nhiều đó”. Trong khi thông tin vẫn chỉ có hò la, chỉ trỏ: “đây, kia, này, đó” thôi thì kẻ nghe làm sao mà biết được đây nào, kia nào, này nào, đó nào? Kẻ báo tin gào thét, múa may quay cuồng để cố “giải thích” đã đành, kẻ nhận tin cũng gào thét, múa may quay cuồng vì tức tối. Tình cảnh ấy đã làm cho bộ não “mủi lòng”, dần tỉnh ngộ, biến cái nửa ngợm kia thành nửa người nốt. Từ đó cái đám “trẻ người non dạ” ấy thích thì cứ hò la gào thét nhưng không cần phải hò la gào thét một cách “ú ớ” để giải thích nữa vì đã có… khái niệm: này là (cái) cây, (con) lợn… đó là cây, lợn…, lợn này, lợn đó, cây này, cây đó… Và cũng từ đó con người báo tin cho nhau mạch lạc hơn, phong phú hơn rồi đến độ nói chuyện được với nhau.
Có thể đoán rằng hò hét thét gào trong kiếm ăn sinh tồn ở thời kỳ đó là những khúc ca bi tráng đầu tiên của con người về cuộc sống và sự múa may quay cuồng kèm theo đồng thời với sự hò hét gào thét đó là những vũ điệu đầu tiên của nhân loại. Ít ra thì cũng như một sự tích!
Khái niệm trực tiếp có tính tiền đề vì không thể định nghĩa. Đồng thời khái niệm trực tiếp cũng mang tính lịch sử vì theo sự phát triển của nhận thức, một khái niệm trực tiếp nào đó sẽ mất tích tiên đề đi, nhường chỗ cho những khái niệm “tinh vi” hơn đóng vai trò tiên đề mà dựa vào chúng, khái niệm ban đầu (đã mất tính tiên đề và như vậy sự “xuất thân” từ trực giác của nó cũng lu mờ đi) sẽ được định nghĩa. Thí dụ, khái niệm “cây”, lúc mới xuất hiện, là khái niệm trực tiếp. Nó không có định nghĩa. “Cây” là “cây”, thế thôi chứ không phải là bất cứ cái gì khác và do đó cũng không biết là cái gì. Khi có kẻ “hỏi” “cây là gì?” thì người ta chỉ có một cách “giải thích” duy nhất là dẫn kẻ đó đến cái cây và chỉ vào nó: “là đó đó!”; nghĩa là bằng cách trực quan.
Tính đa dạng của sự vật hiện tượng trong thiên nhiên buộc con người phải nhận thức ngày càng sâu rộng, rõ ràng hơn nữa, cụ thể hơn nữa. Đến một lúc nào đó, không thể “định nghĩa” bằng cách chỉ vào cái cây, bằng cách vạch vẽ trên đất đá (buổi tối ở giữa sa mạc chẳng hạn!) được nữa, mà câu trả lời “cây là cây” rõ ràng là mù tịt và dễ bị “nện cho một trận”, làm xuất hiện những khái niệm mới làm tiên đề, và cái cây sẽ được định nghĩa bằng ngôn ngữ trên cơ sở các khái niệm ấy. Lúc này, trước câu hỏi “cây là gì?”, câu trả lời sẽ đại loại là: “cây là một thân gỗ mọc từ đất, có cành, nhánh, lá và lâu lâu có cả hoa quả trên cành nhánh”. Khi đã được định nghĩa thì khái niệm cây đã không còn mang tính tiên đề nữa, giai đoạn ấy đã vĩnh viễn trở thành lịch sử (khi định nghĩa rừng là khu vực có nhiều cây thì dù khái niệm cây có mất tính tiền đề, nó vẫn còn tính cơ sở, tương tự như nếu khu rừng là một thực thể thì cây là đơn vị làm nên thực thể ấy!). Tất cả những khái niệm còn lại như: cành, nhánh gỗ, lá, hoa, quả, đến lượt chúng, đóng vai những khái niệm tiên đề.
Khái niệm tiên đề là khái niệm chưa qua nhận thức lý luận, chưa được hiểu một cách bản chất.
Những khái niệm nào (kể cả khái niệm trực giác) có được thông qua định nghĩa trên cơ sở các khái niệm tiên đề hoặc được coi là cơ sở, nghĩa là những khái niệm không cần phải “tận mắt chứng kiến” vẫn “thấy” được nhờ nhận thức, đều là những khái niệm gián giác(?).
Quá trình phát triển của nhận thức làm cho các khái niệm trực giác thuần túy chuyển hóa thành khái niệm gián giác (tuy vẫn giữ được cái gốc trực tiếp của nó), nhưng cũng đồng thời xuất hiện các khái niệm hình thành trên cơ sở các khái niệm gián giác khác. Trong loại khái niệm sau có một bộ phận (rất nhiều trong khoa học, triết học) gọi là khái niệm trừu tượng. Khái niệm trừu tượng là khái niệm được xây dựng nên từ phán đoán, suy lý… và cả hoang tưởng (!) nữa, thiếu hoặc hoàn toàn không có tính biểu tượng vì chưa hoặc không thể trực giác. Cuối cùng, ở nấc cao đó sẽ xuất hiện siêu niệm (cơ sở hình thành của nó và cũng là kết quả của nó là linh giác). Xâu chuỗi các linh niệm lại sẽ làm nên linh tri, những lời tiên tri, những câu “sấm truyền”…
Thế còn “tiên đoán”? Tiên đoán là… lời đoán của “ông tiên”! Không phải! Đã là tiên thì cần gì đoán, nói một cái là trúng phóc ngay! Vậy tiên đoán chỉ có thể là siêu phán đoán và có nguồn gốc từ siêu giác.
Từ hồi nào tới giờ chúng ta đã phán đoán biết bao nhiêu rồi. Không biết có cái nào được gọi là tiên tri không nhỉ? Đừng có mà dở hơi dở hám ra đây! Tất cả chỉ là đoán mò từ quá trình hoang tưởng vì… dại (khờ) trên cơ sở những… hoang niệm của bộ não chứa đầy hoang giác(!).
Cũng vì đầy hoang giác như thế nên dù chúng ta đã học được rất nhiều từ “Lôgic học” truyền thống; dù “Lôgic học” vẫn là một phương tiện vô cùng hiệu quả trong rèn luyện tư duy, trong quá trình nhận thức thực tại, thì cũng vẫn cứ thấy trong đó nhiều quan niệm đã lỗi thời, cần phải điều chỉnh lại. Nhưng chúng ta không bao giờ làm công việc đó vì chúng ta bị “thiểu năng trí tuệ”, không có được sự sáng suốt tổng quát hóa và độ chín chắn cần thiết. Muốn giũa gọt một khối hoa cương đang đẹp đẽ hơn phải cực kỳ thận trọng, không lành nghề thì đừng có “sờ” đến nó, kẻo mắc tội với tiền nhân! Đối với “Lôgic học” cũng vậy, không đủ tài trí thì hãy để nó nguyên trạng vì nó vẫn đang có lý, vẫn đang đúng! Đúng không nào?
Trong cuốn “Lôgic học” của E.A.Khơmencô (NXB Quân đội nhân dân, 1976), chúng ta rất khoái (chỉ khoái thôi!) những dòng này:
“Tên khoa học của Lôgic học bắt nguồn từ chữ Hy lạp là lôgốt (logos), có nghĩa là lời nói, ý nghĩa, lý lẽ. Khoa học logic là khoa học nghiên cứu về những qui luật, hình thức và công cụ của tư duy nhằm nhận thức thế giới khách quan (…).
(…)
Về mặt nội dung, tư duy là sự phản ánh những qui luật của hiện thực xuất phát từ những qui luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy chú ý đến phép biện chứng khách quan của đối tượng thế giới và quá trình phản ánh đối tượng ấy vào trong ý thức con người, khoa học lôgic dựng nên phương pháp khoa học, biện chứng.
Đồng thời, quá trình tư duy cũng có cơ cấu bên trong của nó. Quá trình đó được thực hiện thông qua những hình thức đã hình thành một cách tự nhiên như khái niệm, phán đoán và suy lý. Sử dụng những khái niệm, phán đoán để thu được những sự hiểu biết mới, những kết luận trong sự duy lý, tất cả những cái đó hợp thành bộ máy hình thức lôgic của tư duy (…).
Phát triển trên cơ sở của lao động xã hội, kết cấu bên trong của quá trình tư duy được hình thành phù hợp với qui luật của tự nhiên và đặc tính của bộ óc người. Hình thức lôgic được quyết định bởi những đặc tính chung nhất, thường gặp nhất, bởi những mối quan hệ và quan hệ đơn giản nhất của thế giới thực tại. Vì vậy, hình thức lôgic phản ánh tính qui luật của những đặc trưng bền vững nhất của bất kỳ một sự tư duy chính xác nào.
(…)
Các nhà duy tâm phủ nhận tính khách quan của những hình thức và qui luật của tư duy. Họ cho rằng, những qui tắc lôgic là sản phẩm của lý trí con người chứ không có chút nào phản ánh những mối quan hệ và thuộc tính của bản thân hiện thực (…).
Con người không phải là “xếp đặt” tự nhiên cho phù hợp với cấu tạo chủ quan của mình; mà ngược lại, sự suy nghĩ của chúng ta về nội dung cũng như về hình thức chỉ là phản ánh những mối quan hệ khách quan của thế giới hiện thực. Sự suy nghĩ theo một trật tự nhất định, được thực tiễn kiểm nghiệm, lặp lại hàng ngàn triệu lần, được củng cố trong ý thức con người dưới dạng hình thức lôgic vững chắc, qui tắc và qui luật và trở thành chân lý, tiên đề (…).
Trong khi xuyên tạc bản chất của quá trình tư duy, chủ nghĩa duy tâm mưu lợi dụng một vài nét đặc trưng của hình thức lôgic vào mục đích phản khoa học. Một trong những nét đặc trưng ấy là hình thức lôgic của tư duy được áp dụng vào mọi lĩnh vực của tri thức, bao trùm mọi nội dung khác nhau của đối tượng. Từ đó các nhà duy tâm rút ra kết luận rằng hình thức lôgic dường như không phụ thuộc vào nội dung của suy nghĩ, là cái gì ở ngoài đối tượng, tiên nghiệm, trước kinh nghiệm. Nhà triết học duy tâm Đức, Im. Căng (Kant) là người bảo vệ quan niệm đó.
Thế nhưng cái thuộc tính bao trùm ấy của hình thức lôgic không chứng minh gì cho tính trống rỗng, tính tiên nghiệm của hình thức lôgic mà chỉ nói lên một điều là hình thức đó phản ánh những thuộc tính và quan hệ đơn giản nhất, đông đảo nhất của thế giới hiện thực, chung nhất cho mọi đối tượng và hiện tượng của thực tại khách quan. Vì vậy mà hình thức lôgic của tư duy trong khi phản ánh những thuộc tính và quan hệ ấy đã được ứng dụng một cách phổ biến trong mọi lĩnh vực của khoa học. Tính bao quát chung của hình thức lôgic không phải là xóa bỏ mà là càng khẳng định nội dung khách quan của nó.
(…)
Những tri thức của con người là sự phản ánh thế giới bên ngoài, là bản sao nguyên bản khách quan. Hình thức lôgic cũng vậy, nó không tồn tại ở thế giới bên ngoài mà chỉ tồn tại trong tư duy, là biểu hiện cơ cấu bên trong của tư duy. Vì vậy không thể bắt buộc đi tìm sự tương ứng của thế giới bên ngoài cho mỗi “biểu tượng” riêng biệt của hình thức lôgic. Bởi vì điều đó sẽ dẫn tới việc xóa bỏ sự khác nhau về chất giữa cơ cấu bên trong của suy nghĩ và quá trình khách quan của sự vật.
Đồng thời, hình thức lôgic và qui luật của sự tư duy chính xác phải gắn liền với thực tại. Những hình thức và qui luật lôgic ấy phản ánh cơ cấu có tính qui luật của quá trình tư duy, nhận thức quá trình này, đến lượt nó lại phản ánh trật tự và mối liên hệ khách quan của sự vật, phản ánh những thuộc tính chung nhất của đối tượng thế giới.
(…)
Việc nghiên cứu những hình thức lôgic của tư duy đã được tiến hành ngay từ hồi thế kỷ thứ VI - V trước CN (…). Ở Hy Lạp thời cổ, những nhà triết học duy vật như Đêmôcrit (khoảng 460 - 375 TCN), Eetxki Hêraclit (khoảng 540 - 480 TCN) là những người đầu tiên nghiên cứu những vấn đề của lôgic học. Ngay từ những bước ban đầu mới xuất hiện của nó, lôgic học đã được coi là một bộ phận cấu thành của tri thức triết học.
Nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại Arixtốt (384 - 322 TCN) có quyền được coi như là thủy tổ của khoa học lôgic. Ông đã nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề cơ bản của khoa học lôgic; hệ thống hóa những hình thức của tư duy như khái niệm, phán đoán, suy lý; dựng nên những qui luật lôgic như những qui luật đồng nhất, qui luật mâu thuẫn, qui luật bài trung; rút ra những qui luật logic của phép suy lý diễn dịch và của luận chứng.
(…)
(…)
(…) Sự phân tích cụ thể đối với thế giới đã quyết định sự phát triển của lôgic học qui nạp với tư cách là một phương pháp để rút ra những nguyên lý chung có khả năng phát hiện ra những qui luật của khoa học từ những tri thức kinh nghiệm. Nhà triết học duy vật người Anh, Phrăng xoa Bêcơn (1561 - 1626) là người đã nghiên cứu theo khuynh hướng mới đó của khoa học lôgic. Về sau này, rất nhiều nhà tư tưởng cũng nghiên cứu về lôgic học, trong số đó cần phải chú ý đến nhà triết học người Pháp, R. Đêcáctơ (1596 - 1650), nhà triết học và toán học người Đức, Lêpnitxơ (1646 - 1716).
Những thành tựu ban đầu của khoa học thực nghiệm thế kỷ XVI - XVII là những thành tựu về sự phát triển của toán học, cơ học vật thể và thiên thể. Sự hạn chế của việc nhận thức khoa học thời kỳ đó đã dẫn đến sự hình thành quan điểm siêu hình đối với tự nhiên, coi tự nhiên như là một hệ thống cứng đờ và bất biến. Về sau này phương pháp tư duy siêu hình đã ảnh hưởng đến quan niệm về đối tượng của lôgic học hình thức. Người ta đã phán cho các qui luật của lôgic hình thức tính chất tuyệt đối, nghĩa là những qui luật của nó không những chỉ tác động đối với tư duy mà còn tác động cả đối với thế giới khách quan bên ngoài. Hình thức lôgic được coi là nguyên tắc của tồn tại. Qui luật mâu thuẫn của lôgic hình thức được coi là nguyên tắc khởi điểm của phép siêu hình. Tư duy của chúng ta không được phép có mâu thuẫn, lôgic lại được lấy làm luận chứng khẳng định rằng bản thân hiện thực không tồn tại mâu thuẫn (…).
Nhà triết học I. Kant đã chống lại sự tuyệt đối hóa các qui luật lôgic nhưng đứng trên lập trường duy tâm. Ông ta đã lập luận về lôgic thông thường một cách rất hình thức, hoàn toàn tách rời khỏi nội dung của suy nghĩ. Căng đề xướng ra một kiểu lôgic học khác (lôgic học tiên nghiệm). Theo lôgic học này thì mọi hình thức của lôgic được coi như là những thuộc tính tiên nghiệm (trước kinh nghiệm) của lý trí. Những thuộc tính này quyết định khả năng hiểu biết chung nhất, cần thiết về hiện tượng của kinh nghiệm (…).
Giêoócgiơ Phriđrich Hêghen (1770 - 1831) là người đã phê phán tỉ mỉ chủ nghĩa tiên nghiệm (và chủ nghĩa bất khả tri) của Căng. Nhưng ông ta đã phê phán lôgic học hình thức nói chung như đối với lôgic học “siêu hình”. Thái độ của ông ta đối với lôgic học hình thức là xuất phát từ nguyên lý duy tâm khách quan về sự đồng nhất giữa qui luật của tư duy và tồn tại. Theo ông, qui luật lôgic mang tính phổ biến và được áp dụng vào mọi lĩnh vực của hiện thực (…).
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra sai lầm căn bản của phép biện chứng duy tâm. Phép biện chứng duy tâm tách khỏi cơ sở vật chất và biến thành một hệ thống tư biện về sự tự thân vận động của ý niệm tuyệt đối. Mác và Ăngghen đã tước bỏ cái vỏ ngoài thần bí của phép biện chứng Hêghen và đã gắn liền phép biện chứng một cách hữu cơ với chủ nghĩa duy vật và đã làm cho nó trở thành môn khoa học về những qui luật phát triển chung nhất của thế giới khách quan và của tư duy.
(…)
(…)
Những qui luật của tư duy được hình thành thích ứng với những qui luật của thế giới khách quan. Chỉ có xuất phát từ nguyên lý duy vật ấy mới có thể hiểu vì sao những qui luật lôgic mang tính bền vững và tính chung của loài người.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác bao giờ cũng nhấn mạnh sự thống nhất giữa những qui luật của tồn tại và của tư duy. Ph. Ăngghen viết: “Tư duy chủ quan của chúng ta và thế giới khách quan đều phải tuân theo những qui luật và do đó, hai cái ấy, xét đến cùng, không thể mâu thuẫn với nhau mà tất nhiên phải nhất trí với nhau trong những kết quả của chúng - sự thật đó chi phối một cách tuyệt đối toàn bộ tư duy lý luận của chúng ta”.
(…)
(…)
Tư duy của chúng ta khác với những mầm mống của hoạt động tâm lý của động vật trước hết ở chỗ con người có khả năng suy nghĩ một cách khái quát về đối tượng và hiện tượng của thực tại khách quan dưới hình thức các khái niệm. Sự nhận thức thế giới được thực hiện bằng cách xây dựng nên những khái niệm và sử dụng những khái niệm ấy. Khái niệm xuất hiện với tư cách vừa là yếu tố khởi đầu của sự nhận thức vừa là kết quả của sự nhận thức. Bất cứ một hình thức lôgic nào cũng đều mang tính khái niệm.
(…)
(…)
Không nên hiểu một cách giản đơn nguyên lý cho rằng khái niệm phải trùng hợp với đối tượng suy nghĩ và đi tìm cho mỗi khái niệm một mô hình trực tiếp trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Có nhiều khái niệm trong khoa học không trực tiếp giống với đối tượng bên ngoài. Nhưng trong hệ thống của nó, những khái niệm khoa học bao giờ cũng phản ánh hiện thực khách quan.
(…)
(…)
Đặc điểm của khái niệm với tư cách là một hình thức lôgic của tư duy là nó mang tính chung của loài người. Sự suy nghĩ của chúng ta chỉ có thể thực hiện được trong hình thức lôgic là khái niệm. Không có sự suy nghĩ nào mà không cần đến khái niệm. Chỉ có trên cơ sở các khái niệm mới có thể có những hình thức khác của tư duy: phán đoán và suy lý. Cũng dưới hình thức lôgic là khái niệm, chúng ta mới nhận thức được thế giới bên ngoài. Sự phát triển của nhận thức cũng biểu hiện ở các khái niệm. Bức tranh khoa học của thế giới là: một hệ thống khái niệm với con số vô tận những sự phản ánh quá trình phát triển theo qui luật của thực tại khách quan.  
(…)
(…)
Bất cứ khái niệm nào dù là trừu tượng nhất cũng bằng cách này hay cách khác có liên hệ với cảm giác; tri giác, biểu tượng, là những cái nảy sinh ra do sự tác động của đối tượng vật chất vào các giác quan của chúng ta.
(…)
(…)
Khái niệm được biểu hiện bằng ngữ từ mang cái vỏ ngoài vật chất có thể tri thức được bằng cảm giác. Bản chất của khái niệm với tư cách là hình ảnh của thế giới khách quan trong suy nghĩ đòi hỏi phải có sự biểu hiện bằng cảm giác. Ngôn ngữ là hoạt động trực tiếp của suy nghĩ. Còn ngữ từ là công cụ, là điều kiện cần thiết để hình thành khái niệm. Nhưng nếu như không thể có ý nghĩa, không có ngôn ngữ thì hệ thống công cụ ngữ ngôn cũng không thể tồn tại được nếu không có quá trình tư duy phản ánh thực tại vào bộ óc con người. Khái niệm và ngữ từ không thể nào tách rời nhau từ lúc xuất hiện cũng như trong quá trình hoạt động.
Ngữ từ là hình thức biểu hiện bằng cảm giác của khái niệm, khái niệm là ngữ từ mang nội dung của suy nghĩ. Giữa âm thanh của ngữ từ với bản chất của đối tượng, cũng như với sự phản ánh đối tượng vào khái niệm không có mối liên hệ trực tiếp”.
Thế nào, theo duy tâm hay theo duy vật? Chúng ta theo cả hai, hay nói đúng ra thì không “chê” ai cả. Đã là những người đi đào bới lịch sử để tìm ngọc thì chúng ta không từ chối bất cứ khu vực nào, miễn là không bị “những cái đầu nóng” cấm cản, bắt phải kiêng kỵ hoặc không cho phép được “phạm húy”. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng hầu như ở bất cứ đâu trong lịch sử cũng đều có ngọc quý. Chúng ta hãy tranh thủ lượm lặt ngọc được đến đâu hay đến đấy để bắt chước tổ tiên chúng ta sắp xếp, may ra được một cái gì đó có tính trung dung và nếu được thì cũng đặt tên là “lạc thư” (cuốn sách lạc lõng).
Nhắc đến Lạc thư, chúng ta lại nhớ về nó. Chúng ta đã đột ngột bỏ nó trong khi duyên nợ với nó vẫn còn. Phản phục? Đúng, phải trở lại để giải quyết nốt những dở dang!
Nhưng trước khi trở lại, chúng ta nói thêm một chút nữa cho xong vấn đề ở đây kẻo lại gây ra thêm một dở dang nữa.
Tại sao con người thông minh hơn con vật? Vì con người biết suy nghĩ. Tại sao con người biết suy nghĩ? Vì có khái niệm. Vì sao con người có khái niệm? Nhờ vào cảm giác. Vì sao con người có cảm giác? Vì phải tuân theo luật tác động - phản ứng của tự nhiên. Vì sao lại có luật đó? Vì có sự được tạo dựng và đồng thời tạo dựng. Vì sao có quá trình đó? Vì có sự “cạnh tranh” được hiện hữu. Vì sao lại muốn hiện hữu? Vì tồn tại là có tính phân biệt được. Vì sao tồn tại có tính ấy? Vì như thế mới Tồn Tại. Thế Tự Nhiên Tồn Tại? Là Tự Nhiên. Còn Tự Nhiên? Là vốn dĩ thế. Vốn dĩ thế? Vâng, vốn dĩ thế, đó là khái niệm tiên đề của mọi khái niệm. Thế khái niệm tiên đề là gì? Là chịu, không thể trả lời được nữa! Thua rồi chứ gì? Đúng! Thế thì hỏi hướng khác: Con vật có cảm giác không? Có! Vậy thì nó phải có khái niệm hay đại loại cái gì đó tương tự? Đồng ý! Vậy tại sao nó không suy nghĩ được? Vì cái gì đó đại loại tương tự như khái niệm thì chưa phải là khái niệm nên con vật chỉ có vẻ như “nghĩ” thôi chứ chắc chắn là không có “suy”. Sao lạ thế? Đó là vấn đề trí nhớ. Con vật có trí nhớ là con người, con người không có trí nhớ là con vật. Này, nói thế mà cũng nói được à? Nói được chứ sao không! Đành rằng ở rất nhiều con vật có “cái sự nhớ” rất siêu phàm, qua bao nhiêu năm tháng, “lang bạt kỳ hồ” khắp nơi vẫn “đến hẹn lại lên” qui cố hương để sinh sản (cá hồi, rùa biển…), thăm lại “mái nhà xưa” (những đàn chim thiên di). Nói đâu xa, ngay ở loài chó thôi, sau vài năm “gửi thân xứ người”, dù no đủ đến mấy vẫn không quên chủ cũ. Vì thế mà không lạ gì khi loài chó trở thành biểu tượng của lòng trung thành vô bờ. Nói chung, bình thường vẫn có sự nhớ ở loài vật, nếu không thì không thể giải thích hiện tượng có cảm giác ở chúng và cảm giác đó được phân biệt với những cảm giác khác, được “định dạng” trong suốt cuộc đời chúng. Vậy thì đâu có thể dùng trí nhớ để phân biệt người với con vật được? Nhưng rất rõ ràng là nếu bỗng dưng mất hẳn trí nhớ, chúng ta lập tức phải trở về với thế giới loài vật hoặc ở mức độ đỡ hơn là thành vừa người vừa ngợm (mà phần ngợm lấn áp phần người!). Để bảo lưu ý kiến của mình, chúng ta cho rằng ở loài vật vẫn tồn tại sự nhớ nhưng cái nhớ ấy chỉ ở dạng sơ khai của trí nhớ, là sự không quên một cách vô thức hoặc thiếu ý thức; như một ấn tượng có được từ cảm giác thuần túy trực giác và ở mức siêu việt, từ siêu giác thuần túy. Cái sự nhớ sơ khai, cái sự không quên nhưng chưa phải là trí nhớ ấy chỉ xuất hiện trong não bộ của loài vật khi các giác quan của chúng bị tác động trực tiếp (trực giác thuần túy) từ nguyên nhân bên ngoài hay cũng có thể có nguyên nhân từ các cơ quan nội tại và nói chung (vì có thể cũng có cá biệt) là tồn tại trong thời gian không lâu (phản xạ vô điều kiện kiểu “cơ học”, không cần phải thông qua bộ não được cho là một hiện tượng khác, không liên quan đến vấn đề ở đây) sau tác động. Nếu những tác động tương tự như vậy lặp đi lặp lại, sẽ tạo nên ấn tượng và được “khắc ghi” trong vô thức mà cũng có thể là tiềm thức con vật. Nó chẳng nhớ nhưng cũng không quên. Sau một thời gian, tác động giống thế xảy ra, nếu “khắc ghi” đó chưa mờ, ấn tượng sẽ xuất hiện trong não con vật. Việc thiết lập được phản xạ có điều kiện trên loài vật có thể là nhờ nguyên tắc này!
Chúng ta biết đau thì con vật cũng “biết” đau. Nhưng trong khi con vật chỉ thấy đau như một ấn tượng câm nín thì chúng ta vừa thấy như thế, vừa thấy như một khái niệm; trong khi loài vật không chủ động lưu nhớ ấn tượng ấy thì con người nhớ lại được cái quá trình bị đau ấy và vì thế mà “thấm thía” hơn con vật. Đàn chim thiên di không bao giờ “nhớ nhung” xứ sở, nhưng nó sẽ không quên đường về xứ sở khi bị tác động trực tiếp, theo chu kỳ nào đó của thiên nhiên. Còn con người khi “tha phương cầu thực” thì lại đau đáu một nỗi niềm “viễn xứ hoài cố hương” nhưng đôi khi lại không nhớ đường về. Sự hồi tưởng là một đặc ân mà cũng là hình phạt của Tạo Hóa trao cho con người, làm con người vì có nó mà cảm thấy hạnh phúc cũng như khổ đau. Nói thế chứ hỏi “đau” là gì, đố ai mà trả lời cho suông sẻ được. Cùng lắm cũng chỉ có thể trả lời: đau là một trong những ấn tượng có được nhờ cảm giác. Nhưng ấn tượng đó là gì thì chắc chắn là “cứng họng”! Điều đó dễ hiểu thôi: “đau” là một khái niệm trực tiếp, có tính tiên đề.
Như vậy, sự không quên hay sự nhớ sơ khai ở loài vật mang tính thụ động, rời rạc, mù quáng; sự nhớ ở người cũng như thế nhưng hơn loài vật là còn thêm được tính chủ động, liên tục và khả năng lưu nhớ, tàng trữ vừa đủ lâu về thời gian, vừa đủ nhiều về số lượng các ấn tượng (rồi đến biểu tượng), tạo tiền đề cho sự hồi tưởng, liên tưởng xuất hiện để từ đó mà hình thành nên được những khái niệm (có vẻ như) không liên quan gì đến sự trực giác nữa (khái niệm trừu tượng) mà chỉ loài người mới có. Nói gọn lại, “nhớ” ở loài vật là sự không quên thụ động; “nhớ” ở người là sự nhớ chủ động, có “trí” đằng trước nên còn gọi là “trí nhớ”.
Trí nhớ ấy có được từ khi nào? Khi bắt đầu “biết” vạch vẽ để “đếm” đồng thời biết “đặt nhãn mác”, “gọi ra được” tên các sự vật - hiện tượng, trên cơ sở phân biệt, so sánh và qua đó mà xuất hiện sự hồi tưởng.
Xét một cách tổng thể thì mọi quá trình vận động, chuyển hóa, biến đổi trong Vũ Trụ là liên tục một cách tuyệt đối để không xuất hiện Hư Vô. Nhưng xét trong một phạm vi hẹp, một tầng nấc cụ thể, có hạn độ nào đó, với những khả năng quan sát nhất định, khả năng trực giác nhất định thì nhiều quá trình, chuyển hóa, biến đổi lại thể hiện ra một cách tương đối gián đoạn. Tuy nhiên, nếu xét vấn đề theo một quan niệm khác, trên một góc độ khác, chúng ta sẽ thấy rằng vì Tự Nhiên Tồn Tại muốn thể hiện được thì Nó phải được phân biệt đến “chân tơ kẽ tóc” nên tính gián đoạn có ý nghĩa tuyệt đối, trong khi tính liên tục lại chỉ mang ý nghĩa tương đối. Và xét đến cùng thì để vừa lòng “mọi nhà”, không còn cách nào khác, chúng ta phải dùng cách trả lời nước đôi: “Vậy mà không phải vậy, là cả hai mà cũng không phải cả hai”.
Tự Nhiên Tồn Tại là duy nhất và thống nhất, nhưng trước nhận thức, nó thể hiện ra như là hai cái trái ngược nhau, làm cho ngay từ buổi đầu nhận thức tới nay, triết học phương Đông “không biết Nó là cái gì”, còn triết học phương Tây phân thành hai lực lượng “đấu đá” nhau kịch liệt. Điều lạ lùng nhất là ai cũng trưng ra được những lý lẽ rất xác đáng, những “pho lập luận” toàn tập dày cộp chứa không phải là ít chân lý, châu ngọc trong đó.
Nêu vấn đề đó ra để thấy rằng dựa vào sự xuất hiện trí nhớ, nếu không thì là vạch vẽ, không nữa thì dựa vào ngôn ngữ, nếu không được nữa thì cuối cùng là dựa vào sự xuất hiện của chữ viết, dứt khoát chúng ta sẽ phân biệt được loài người với loài vật. Nhưng nếu xét theo một cách hiểu nào đó thì cũng không thể phân biệt dứt khoát được loài người với bộ phận còn lại của sự sống. Hơn nữa, xét trong quá trình tiến hóa liên tục thì không thể khẳng định chính xác được thời điểm loài người thoát thai khỏi thế giới động vật, dù khảo cổ học có thể phát hiện những di tích hóa thạch có vẻ thuyết phục đến mấy chăng nữa, vì đó là quá trình “tiến thoái lưỡng nan” dài lâu.
Có thể nguyên nhân bên ngoài là quan trọng, nhưng không mang tính quyết định mà chính nguyên nhân bên trong mới là trực tiếp và chủ yếu làm chuyển hóa từ vượn sang người. Sự mất đi các giống loài cũ và xuất hiện các giống loài mới là kết quả của quá trình tiến hóa thích nghi trước những biến đổi có tính chất bất thường của thời tiết, khí hậu và theo yêu cầu của cân bằng sinh thái. Lẽ tự nhiên, nếu tự do, sẽ có vô vàn cách thức thích nghi nhưng vì có sự ràng buộc của tổng thể nên chỉ có một số lượng giới hạn (dù rất nhiều) cách thức thích nghi phù hợp nhất được ưu tiên triển khai làm xuất hiện đa dạng giống loài. Tính kế thừa (hay di truyền) đã là nguyên nhân cho sự “hao hao”, không giống mặt này cũng giống mặt khác giữa một số lớn các giống loài và toàn bộ đều mang trong lòng chúng những biểu hiện về một nguồn gốc tổ tiên chung. Cũng vì phải theo yêu cầu của thích nghi, chịu sự ràng buộc của tổng thể mà sự xuất hiện đa dạng các giống loài không thể là tùy tiện. Thiên nhiên khó lòng dung nạp một con hổ có năm chân; một con voi muốn có thật nhiều chân thì phải biến thành con… rết; con trăn không có chân hóa ra lại tiện, bò vùn vụt, có thể dùng thân “bóp chết” một con hươu và cái miệng nó, bình thường thì nhỏ dễ thương thế nhưng nhờ có cấu tạo của bộ răng và dạ dày, khi “điên lên” nó có thể nuốt gọn một con voi (theo Hoàng Tử Bé!).
Ở một giai đoạn nào đó của sự tiến hóa, trong giới động vật kiếm ăn trên mặt đất sẽ xuất hiện một hướng sống thích nghi mới, đó là leo trèo hái quả thay vì đứng dưới chờ “sung rụng”. Nhiều loài chọn lối sống ấy để “hớt tay trên” những “đồ làm biếng”.Trong số đó có một loài là tổ tiên của loài vượn. Lúc đầu, nhờ thiên nhiên ưu đãi nên loài này cũng sống “tạm ổn”. Sự cân bằng sinh thái luôn luôn bị phá vỡ bởi sự bất thường của môi trường thiên nhiên và sự tăng trưởng dân cư của những giống loài tương đối có ưu thế hơn trong cạnh tranh để sinh tồn, và cũng luôn có xu thế đạt tới cân bằng nhờ sự phân bố lại trong thế giới sinh vật về lực lượng cũng như bằng con đường thoái hóa của giống loài không kịp biến đổi để thích nghi và một bộ phận tiến hóa, dần thích nghi được trong điều kiện mới.
Loài tổ tiên ấy trong điều kiện thức ăn (hoa quả) trên cây ngày càng khan hiếm trước số lượng “nhân khẩu” đã quá đông đảo có được từ thời kỳ “thịnh vượng” đã qua, chưa kể lực lượng cạnh tranh của giống loài khác sẽ phải xử sự như thế nào? Với “tướng tá” khá “kềnh càng” lỡ có được từ thời sống thường xuyên trên mặt đất, không thể bỗng chốc mà hóa ngay thành chim được. Chỉ còn hai hướng khả dĩ: “suy dinh dưỡng” và quay về lại với cuộc sống thường xuyên trên mặt đất. Hướng “suy dinh dưỡng”, đói khát làm một bộ phận tiêu vong, bộ phận kia hóa nhỏ lại để vừa “tiết kiệm” thức ăn, vừa có điều kiện hái được những quả mọc ở chót vót đầu cành, cạnh tranh với “đám” có dạng như sóc, thỏ… Hướng “qui cố hương”, vì đã thích nghi quá lâu với đời sống “đánh đu” trên cây nên cấu trúc cơ thể đã không còn phù hợp với cách đi bốn chân trên mặt đất nữa. Một bộ phận trong số đó “đành” tiêu vong. Bộ phận còn lại ăn tất cả những gì vớ được: trái cây, hoa cỏ, củ rễ, côn trùng… (và cả những loài thú nhỏ may ra bắt được?). Quá trình tiến hóa thích nghi lại phân bộ phận còn lại này thành những bộ phận nhỏ: có bộ phận lại gặp được điều kiện thuận lợi mới nên quay lại đời sống trên cây nhưng không thường xuyên, có bộ phận trú ngụ trên cây nhưng kiếm ăn ở dưới đất, có bộ phận “định cư” dưới gốc cây, loanh quanh kiếm ăn gần đó, luôn đấu tranh sinh tồn với muông thú nên trở thành “hộ pháp”… Nhưng có một bộ phận tiến hóa theo hướng “lạ hoắc”. Do gặp điều kiện khắc nghiệt hơn những bộ phận vừa nói, phải “trường chinh” lang thang đi kiếm ăn khắp khu rừng này đến khu rừng khác, trong khi phải “bồng bế” con cháu (con, cháu chúng do vẫn còn được di truyền những cách thức cơ bản của cuộc sống trên cây nên không thể mau chóng tự theo cha mẹ được (?)) và lý do quan trọng hơn cả là với cấu trúc cơ thể “nghều ngoào”, chỉ phù hợp với việc đu cành (cơ thể thường thẳng đứng so với mặt đất!) thì không thể “phi” nhanh như ngựa hoặc ít ra là như heo được, mà chỉ có thể là bò lồm cồm, cho nên một lựa chọn duy nhất đúng cho hướng tiến hóa thích nghi là đứng lên, đi bằng hai chân, lúc đầu chệch choạc một tý nhưng bù lại, đôi tay quá khỏe (vì từng đu cành) “cơ bắp cuồn cuộn” đã được giải phóng, trở thành vũ khí lợi hại “nghênh chiến” với cọp beo. Đây chính là thủy tổ trực tiếp của loài vượn người.
Loài thủy tổ ấy, với đôi tay “gang thép”, khi đã vững vàng trên đôi chân trải qua vạn dặm, đã không còn khiếp sợ trước mãnh thú; thậm chí họ đã trở thành “nỗi kinh hoàng” của chúng. Đặc biệt với đôi tay đã quen với cầm nắm (khi đu cành, hái quả), họ đã xé xác con vật bằng tay trước khi ăn thịt. Tiền đề cho việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã sẵn sàng!
Sự biến đổi đột ngột của môi trường thiên nhiên do thiên tai có thể tiêu diệt một bộ phận hay thậm chí là tuyệt diệt toàn bộ sinh vật trên trái đất nhưng lại không có khả năng ảnh hưởng một cách quyết định tới xu thế của quá trình tiến hóa thích nghi sinh vật. Xu thế ấy có định mệnh của nó. Chính sự vận động nội tại của thế giới sinh vật đưa đến định mệnh đó; chính mối tương quan, sự tác động qua lại làm biến đổi chuyển hóa lẫn nhau giữa các lực lượng sinh vật trong một khu vực sinh thái nói riêng và trên toàn Trái Đất nói chung theo những qui luật hoàn toàn tự nhiên đã quyết định cái xu thế ấy.
Đã ở trong cùng một quá trình thích nghi tiến hóa, đã ở trong một cơ thể thích nghi tiến hóa với vai trò chủ đạo làm nên sự tiến hóa thích nghi thì bộ não không thể “tụt hậu”. Tùy theo hướng tiến hóa thích nghi mà bộ não phát triển một cách phù hợp. Nó có thể được tăng cường siêu giác hoặc tăng cường khả năng lưu giữ “thông tin” (về số lượng thông tin, độ dài thông tin, thời gian lưu giữ).
Với cấu trúc cơ thể đặc thù, với phương thức kiếm ăn săn bắt hái lượm theo bầy đàn, nhất là với bàn tay luôn “muốn” cầm nắm đã làm cho bộ não của loài thủy tổ của vượn người phát triển theo hướng thứ hai và đến khi có ngôn ngữ, chữ viết (hai phương tiện hỗ trợ đắc lực cho trí nhớ) thì bộ não đó đã mang tính đặc thù của não người và trở thành vô địch.
Như vậy, người mẹ thiên nhiên đã sinh thành nên bàn tay quen cầm nắm. Và bàn tay quen cầm nắm thời xa xăm cổ xưa ấy đã đẽo tạc nên loài người.
Cũng bàn tay ấy đã dẫn con người đến sự đếm để từ đó mà tiến thẳng, dứt khoát lên văn minh.
Chính nhờ đôi tay ấy mà có được Hà Đồ - Lạc Thư danh bất hư truyền làm cội nguồn cho một triết thuyết phương Đông đến ngày nay còn mê hoặc lòng người.
Nhưng tại sao bàn tay đó lại có đúng năm ngón? Vô tình hay tiền định?
Phải chăng đó là một bí ẩn vĩnh viễn?
***
Đối với một người nào đó, thật khó mà nhớ rành mạch được quãng đầu tiên, từ bốn tuổi trở về trước, của cuộc đời mình. Thậm chí là hầu như chẳng còn nhớ gì. Hồi đó chúng ta có trí nhớ không? Hay sớm hơn nữa, lúc một tuổi chẳng hạn, chúng ta có trí nhớ không? Có thể là không, không có trí nhớ mà chỉ có sự nhớ mù quáng thôi, bởi vì chúng ta đã có cảm giác trực giác: đói, khát là khóc, té đau là khóc. Đã ai dạy cho đâu mà chúng ta “biết” đói, khát, đau. Rõ ràng trong đầu chúng ta chưa thể hình thành khái niệm đói, khát, đau. Đó chỉ là những ấn tượng câm lặng. Nhờ có mẹ mà dần hình thành nên trong chúng ta hết khái niệm này đến khái niệm khác, và cũng từ đó, chúng ta dần biết nói.
Cùng lúc, có thể muộn hơn hay sớm hơn một chút, nhưng có thể cho là song hành với quá trình đến với khái niệm là quá trình từ nằm ngửa rồi ngọ nguậy, rồi lật, rồi trườn, bò, ngồi, rồi đứng lên, tập đi và thuần thục cách di chuyển vị trí bằng bước đi của hai chân. Quá trình này là tự nhiên hay nhờ mẹ dạy? Có lẽ cả hai, giai đoạn đầu là tự nhiên, giai đoạn sau, nhất là khi tập đi là nhờ một phần tự học từ trực quan và một phần là mẹ dạy. Điều thú vị là trước tất cả các bước ấy là việc sử dụng đôi tay để cầm nắm, nghĩa là trước tất cả, khi còn nằm ngửa, thì đứa bé đã thao tác cầm nắm, đã sử dụng đôi tay rồi. Hành động đó gợi nên cái nguồn gốc “đu cành” của loài người.
Tất cả những sự kiện nêu trên nói lên điều gì? Rằng là: Sự tiến hóa thích nghi trong thế giới sinh vật là quá trình “gạn đục khơi trong”, biến đổi, tổ chức lại cấu trúc cơ thể cho phù hợp với điều kiện sống mới trên cơ sở của nguyên tắc kế thừa. Đó là một quá trình liên tục, thể hiện ra thành hai mặt của một mối quan hệ tương phản nhau: di truyền và biến dị. Di truyền là để chế ngự biến dị và biến dị là để củng cố tính di truyền.
Di truyền và biến dị là những quá trình (có thể cho là một vận động thống nhất gồm hai quá trình và tạm gọi là vận động kiến tạo lại sự sống?) xảy ra ở tầng cơ sở của sự sống “vô tri vô giác” có tính cơ học và hoàn toàn “câm nín”. Bản thân hai quá trình đó lại là kết quả của nhiều quá trình tác động - phản ứng giữa môi trường và cơ thể sống, giữa các lực lượng trong nội tại cơ thể sống, vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu, vừa là thiên tạo, vừa là tự tạo và cũng có thể là nhân tạo.
Vì có tính “cơ học” mù quáng như thế cho nên di truyền và biến dị có thể tác động, làm biến đổi đến cấu trúc “vật chất” của sự sống, tác động có giới hạn đến phương thức hoạt động, đến việc lưu trữ, thu phát, phối hợp và truyền thông tin của phương thức hoạt động ấy của “bộ máy” là cơ thể sống. Nghĩa là chỉ có thể di truyền từ đời này sang đời khác cách thức cấu tạo, sắp xếp của một “bộ máy” cùng với những cơ phận, chi tiết của nó chứ không thể di truyền được “kinh nghiệm hoạt động” của nó. Nhưng chính những kinh nghiệm ấy, với sự lặp đi lặp lại ở các đời lại là một trong những nguyên nhân làm biến đổi di truyền để tạo ra một bộ máy được “cải tiến”, hoạt động bao gồm cả cách “bắt chước” hoàn toàn hoặc phần cốt lõi của kinh nghiệm ấy. (Có rất nhiều những thí dụ trong thiên nhiên cũng như trong xã hội chứng giám cho chúng ta về sự phán đoán này!).
Nếu thế thì kinh nghiệm của đời trước truyền cho đời sau một cách trực tiếp, bằng cách nào? Bằng cách dạy và học! Dạy và học không phải là đặc quyền của con người. Ở loài động vật, hiện tượng dạy và học cũng rất phổ biến.
Như vậy, việc cho rằng sự tiến hóa thích nghi chỉ bằng con đường di truyền và biến dị là chưa đầy đủ. Sự tiến hóa thích nghi, đến một giai đoạn tới hạn nào đó, khi mà sự đòi hỏi của nó vượt qua khả năng đáp ứng kiểu “cơ học”, thụ động của biến dị, di truyền, thì chính biến dị, di truyền sẽ phải “cố gắng” tạo thêm “chức năng” hoạt động bản năng (xuất hiện ấn tượng trước tác động trực giác đặc thù nào đấy) dạy hoặc học cho bộ máy “cơ thể sống”, một cách trực quan.
Chúng ta sẽ làm một cuộc thực nghiệm trong… hoang tưởng. Có một khu rừng rậm, ở giữa khu rừng ấy, chúng ta quây lại một vùng (nhằm chống thú dữ xâm nhập nhưng vẫn để nguyên phong cảnh tự nhiên) rồi đưa mấy chục trẻ sơ sinh tới đó. Chúng ta sẽ nuôi đám trẻ đó và tác động một cách tối thiểu nhất đến chúng, sao cho chúng không cảm nhận được sự hiện diện của chúng ta, nghĩa là chúng sống và lớn dần lên một cách hoàn toàn tự nhiên như muông thú, không có bất cứ một sự can thiệp nhân tạo nào. Sẽ xảy ra chuyện gì khi chúng đã là những đứa trẻ khoảng 6 – 7 tuổi (là tuổi cắp sách đến trường)? Điều khẳng định đầu tiên là chúng hoàn toàn không biết nói. Chúng thậm chí cũng không biết đi một cách mạch lạc, thường xuyên và chưa có ý thức về bầy đàn, đồng loại. Thức ăn thì “chỉ có thế”, hoa quả có sẵn ở dưới đất không đủ đáp ứng cho những cơ thể ngày một lớn, ngày một đòi hỏi lượng thức ăn hàng ngày nhiều hơn. Hoa quả trên cây thì còn nhiều. Khi đói quá, chúng có tìm cách trèo lên cây để hái ăn không, hay tìm cây để khoèo, cầm đá để chọi? Chúng sẽ chọn cách thứ nhất (cách trực tiếp), cách “dễ dàng” đối với cấu trúc cơ thể “vốn có” của chúng. Hai cách kia chúng đã được học đâu mà biết sử dụng? Dần dà, vào lúc muộn hơn, rất có thể nhờ quan sát (rung cành thì trái rụng, tay vô tình đụng phải, trái cũng rụng…) mà chúng cũng sẽ biết sử dụng hai cách sau. (Nhưng cũng khó mà tưởng tượng ra nổi điều đó!).
Khi trên cây cũng hết “thức ăn” thì chúng làm sao? Hoặc “ngồi đó” chịu chết một cách trái bản năng hoặc tuân theo bản năng, chúng phải tản ra tìm thức ăn xung quanh. Chúng tự nhiên theo cách thứ hai. Rồi thì xung quanh cũng khan hiếm thức ăn. Chúng lại phải “đi” xa hơn nữa; ra khỏi khu rừng ấy. Trước mặt là cả một không gian rộng lớn, choáng ngợp mà chúng chưa từng thấy. Không thể loanh quanh, ngẫu hứng như đi trong rừng được. Cần phải chọn một hướng đi và chúng sẽ chọn hướng đi mà chúng quan sát thấy có nhiều khả năng tìm được thức ăn nhất. Chúng theo nhau đi về hướng “ai” cũng công nhận là “hay” nhất và thành… bầy đàn. Cuộc hành trình đầu tiên đó của “lũ trẻ bất hạnh” mà giờ đây đã lớn (nhưng chưa khôn) chính là lặp lại những bước đi đầu tiên của thủy tổ loài người thời xa xưa tối cổ, những bước vừa đi vừa học từ thiên nhiên hoang dã, vừa đúc kết kinh nghiệm, truyền dạy cho thế hệ sau biết sống ngày một tốt hơn, văn minh hơn…
Rồi chúng ta rút thêm được ra điều gì nữa? Điều hiển nhiên này: dạy và học tất yếu phát sinh từ yêu cầu của tự nhiên; là một bộ phận hợp thành của sự tiến hóa thích nghi. Nếu gọi di truyền và biến dị là quá trình thụ động thì dạy và học là quá trình chủ động của tiến hóa thích nghi. Khi môi trường sinh thái biến đổi thì toàn bộ lực lượng sinh vật trong môi trường sinh thái ấy phải biến đổi theo về lượng cũng như về chất (cần hiểu môi trường sinh thái ở đây không chỉ là khí hậu, đất đai, sông ngòi mà còn bao gồm cả các lực lượng sinh vật ngoài lực lượng sinh vật đang nói tới, đang được khảo cứu), nghĩa là có sự phân bố lại giữa các lực lượng, điều chỉnh lại phương thức hoạt động sống, cải tạo lại cấu trúc của từng cá thể trong bản thân mỗi lực lượng sinh vật. Đó là một quá trình có lúc “trội” có lúc “lặn”, lúc âm ỉ lâu dài, lúc bùng phát nhanh chóng, nhưng liên tục đến “thiên thu” một khi môi trường sinh thái còn tồn tại. Nó biểu hiện ra như là sự chọn lọc của tự nhiên của môi trường sinh thái đối với các lực lượng nội tại làm nên nó và là nguyên nhân của di truyền và biến dị ở từng lực lượng giống loài nhằm mục đích tiến hóa thích nghi trước sự biến đổi. Đối với những loài động vật có cơ chế hoạt động tinh vi, phức tạp ở mức cao, sự di truyền và biến dị để tiến hóa thích nghi trở nên (tương đối) chậm chạp, không đáp ứng kịp thời được đòi hỏi có tính cấp bách của giống loài trước biến đổi sâu rộng của môi trường sinh thái; chúng sẽ phải đứng trước nguy cơ của sự diệt vong. Trong trường hợp chưa đến nỗi cực đoan, di truyền và biến dị sẽ tạo lập một cơ chế thay thế tạm thời, đó là dạy và học. Con vật thế hệ cha mẹ, sau những lần “thoát chết trong gang tấc”, những lần vồ hụt con mồi để phải đói “nhăn răng” (do môi trường sinh thái đã biến đổi không còn phù hợp với “thói quen” nữa) đã “đúc kết được kinh nghiệm” và truyền dạy lại cho thế hệ con cái. Quá trình dạy và học ấy lặp đi lặp lại mãi trong nội bộ giống loài, đến lượt nó, tác động trở lại sự di truyền và biến dị, làm cho cái cơ chế tạm thời vừa nói, cùng với “nội dung” của truyền dạy trở nên cố định, vững chắc như một bản năng vốn có sẵn ở mỗi cá thể. Đến đây, việc dạy và học “môn” nào đó đã hoàn thành sứ mạng và không cần thiết phải tồn tại nữa (cũng có thể không cần thiết phải dạy và học “môn” đó nhưng vẫn cần thiết dạy và học “môn” khác).
Đến đây, xuất hiện một câu hỏi “cực kỳ”: Trường hợp ở loài người, khi nội dung của dạy và học đã trở nên trừu tượng hóa, mang ý nghĩa như là sự nhận thức về tự nhiên, thì đến một lúc nào đó, dù là triệu năm nữa, các nội dung ấy không qua con đường dạy và học nữa, mà qua con đường di truyền để lưu giữ, bảo tồn được không? Đố Tạo hóa làm được điều đó đấy!!! (Những chú bé “thần đồng” chỉ là sự biểu hiện của siêu giác!).
Biến dị và di truyền có thể làm được rất nhiều điều kỳ diệu. Tuy nhiên biến dị và di truyền chỉ có khả năng, điều chỉnh, lưu giữ, truyền đi những thông tin vô cảm để trên cơ sở đó mà hình thành nên những cấu trúc, những cơ chế sống và hoạt động vừa có tính kế thừa vừa có tính cách mạng nhằm phù hợp, và phù hợp hơn đối với môi trường sinh thái đã biến đổi. Biến dị và di truyền, vì không biết đến cái gọi là “tinh hoa”, cái gọi là “tinh thần” nên những cái đó cũng không bao giờ là đối tượng của nó.
Sự tiến hóa thích nghi, thông qua quá trình biến dị, di truyền đã tạo ra thủy tổ loài người, tạo ra sự dạy và học sơ khai kiểu trực quan để tạo ra vượn người rồi người vượn. Sự đòi hỏi phải thích nghi với điều kiện săn bắt, hái lượm luôn biến đổi đã là đầu mối của việc hợp đồng, liên kết để cùng ăn chia trong nội bộ bầy đàn. Đồng thời và kết hợp với sự kiện ấy, quá trình dạy và học sơ khai, tự phát đã làm hình thành nên vạch vẽ, tiếng gọi để trên cơ sở đó mà xuất hiện ngôn ngữ, chữ viết. Cùng với sự xuất hiện ngôn ngữ, chữ viết, người vượn bước những bước đi đầu tiên trên cương vị con người đúng nghĩa: người tối cổ.
Trước đây chúng ta có nói rằng khi đã xuất hiện khái niệm, gọi tên và ký hiệu, nửa ngợm sẽ chuyển hóa thành nửa người nốt. Nhận định đó có lẽ không phải. Sự thực nửa người kia sẽ trở nên nổi trội, lấn át nửa ngợm. Nửa ngợm được cải hóa thành tính người một phần, còn phần lớn thì “lặn” xuống, phủ phục “ở đó” cho đến tận ngày nay chứ không bỏ đi đâu cả và luôn rình rập, “tranh quyền đoạt lợi” với nửa người. Những thứ như thèm khát, tham lam, vị kỷ, độc ác, man rợ đều là sự biểu hiện của nó. Phải chăng cái nửa ngợm ấy là nguyên nhân sâu xa của chém giết huynh đệ, hận thù sắc tộc và những cuộc chiến tranh xâm lược, cướp bóc dã man, tàn bạo?
Khi đã trao cho loài người ngôn ngữ và chữ viết rồi, thì Tạo Hóa phán rằng: đến lúc tiến hóa thích nghi chủ yếu bằng con đường biến dị, di truyền đã chấm dứt; con người phải tự đảm đương vai trò đó bằng cách tự giác dạy và học một cách thường xuyên, có hệ thống để nhận thưc và từ nhận thức mà ngày càng nâng cao. Đó là quá trình đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo trên nền tảng kinh nghiệm ấy. Chỉ có trên con đường đó, loài người mới có thể tiếp tục tiến hóa và thích nghi, hay nói cho có “bài bản” là ngày một có văn hóa hơn và văn minh hơn.
Tạo Hóa cũng sẽ phán điều đó cho bất cứ loài nào khác chứ không phải cho riêng loài người, miễn loài đó biết nói và biết viết!
Loài thủy tổ đã mau mắn vượt lên trước thành loài người phát triển về mọi mặt một cách mạnh mẽ và áp đảo. Ngày nay, quá trình tiến hóa thích nghi sinh vật vẫn hàng ngày hàng giờ tiếp diễn, nhưng sẽ không một giống loài nào có đủ điều kiện đạt đến trình độ có ngôn ngữ và chữ viết được nữa. Dưới sự lăm le tàn sát và kiềm tỏa của con người, bộ phận còn lại của sự sống trên trái đất sẽ không bao giờ có chữ viết đích thực.
Giả sử rằng loài người bị tuyệt diệt, Trái Đất này sẽ như một tất yếu, xuất hiện một loài biết nói biết viết mới, nhưng không phải từ bất cứ loài nào mà phải từ loài có cấu trúc hình thể đáp ứng tốt nhất với hướng tiến hóa thích nghi ấy để có cơ may vượt lên trước. Loài đó có lẽ lại cũng là loài trước tiên phải có hai tay biết cầm nắm chăng?
Và bàn tay cầm nắm đó phải có đúng năm ngón để lại một lần nữa xuất hiện ra Hà Đồ - Lạc Thư ở đâu đó trong “gầm trời” này?
***
Nhớ về thời thơ ấu, có một lần xem đấu bóng chuyền, chúng ta thấy ông trọng tài viết lên một cái bảng như thế này:
                           
 Hỏi ra mới biết đó là tỷ số của hai đội đang chơi và biểu thị bằng ký hiêu số là: 12:8 (Mười hai và tám).
Tại sao ông trọng tài không ghi rõ ra bằng ký hiệu số mà phải ghi như vậy? Tại vì ghi như thế sẽ không phải xóa đi viết lại mỗi khi một đôi có thêm điểm và nếu biết “sử dụng” thì cũng rõ ràng và gọn, khó mà “ăn gian” được. Vô tình (?), như bây giờ chúng ta mới biết, cách ghi đó là biểu thị sự đếm theo chục 5, mỗi hình vuông gạch chéo là biểu thị một chục gồm năm đơn vị. Chúng ta có thể đọc lượng đơn vị của từng bên, lần lượt là: hai chục hai đơn vị và một chục ba đơn vị.
Hình vuông gạch chéo là một thực thể gồm 5 đơn vị (5 gạch chéo) tương tự như bàn tay có 5 ngón. Giữa chúng có mối liên quan bản chất nào không, hay sự xuất hiện của chúng có dựa trên một nguyên lý chung, dù xa xôi, nào không?
Một câu hỏi thực là nực cười! Nhưng biết đâu chừng lại không phải là phi nghĩa!
Tự Nhiên Tồn Tại là có lý hay phi lý, là vô nghĩa hay có nghĩa? Nếu không có quan sát và nhận thức về Nó thì Nó chẳng là gì cả; hoàn toàn vô hình. Khi “xuất hiện” trước quan sát và nhận thức, Nó là tất cả, vừa vô lý vừa có lý; vừa vô nghĩa vừa có nghĩa và trở nên  hữu tình.
Nhưng chỉ có Tự Nhiên Tồn Tại mới có cái “đặc ân” ấy một cách tuyệt đối, còn lại, tất cả những tồn tại, hiện hữu vì tuyệt đối phải nằm trong vòng tạo dựng nên phải có lý, có nghĩa và hữu tình một cách tuyệt đối đồng thời cũng lại chỉ tương đối thôi, tùy theo quan niệm, “sở thích” chủ quan của từng “cá thể” quan sát và nhận thức mà cũng vô lý, vô nghĩa và vô tình (vì cứ như thể từ trên trời rơi xuống, chẳng biết để làm gì, mà thờ ơ, chẳng chút “thị phi”). Đúng ra thì vĩnh viễn không bao giờ thấy được tồn tại nếu nó không hiện hữu. Một tồn tại được quan sát dù là trong phán đoán, suy tưởng thì có nghĩa là đồng thời cũng hiện hữu rồi. Khi đặt câu hỏi: “có ma không?” thì ma mặc nhiên tồn tại và đã hiện hữu, dù là trong não (người đặt câu hỏi) dưới dạng ý niệm. Không chú ý đến câu hỏi đó thì… thôi, có hay không kệ xác. Nhưng một người “quan tâm”, hỏi lại: “Thế ma là gì?”. Chắc chắn người hỏi đầu tiên sẽ mô tả được đại khái “hình hài” con ma vì nếu không có khái niệm “ma” thì đã không đưa ra được câu hỏi ấy. Người thứ hai, khi nghe mô tả xong thì ma đã hiện hữu trong đầu anh ta rồi. Và anh ta, một người đã “thấm nhuần” triết học duy vật biện chứng từ A tới Z sẽ thốt lên: “Phi lý hết sức, vô nghĩa hết sức. Đúng là chuyện tào lao!”. Thế nên mới nói: Không thể tưởng tượng được cái gì đó ở bên ngoài Tự Nhiên Tồn Tại , vì Nó là Tất cả, tuyệt đối đầy đủ!
Hướng tiến hóa thích nghi để làm xuất hiện con người là hoàn toàn xác định vì vậy mà hệ thống cảm giác của con người cũng mang tính đặc thù: cảm giác bằng mắt trở thành ưu tiên nổi trội. Từ đó mà chúng ta có một thói quen nhận định (không đúng) là chỉ có những sự vật hiện tượng trong thực tại được nhìn thấy bằng mắt mới được cho là hiện hữu. (Và hơn nữa còn cho rằng hiện hữu = tồn tại). Nhưng thực ra, nên quan niệm lại rằng nghe ngóng bằng tai, ngửi bằng mũi… cũng là quan sát và như thế, âm thanh nghe được bằng tai, mùi ngửi được bằng mũi, nhiệt cảm được bằng da… đều phải là những hiện hữu (và những hiện hữu đó phải là biểu hiện của những tồn tại, mặc dù không “thấy” được, không biết chúng như thế nào. Cho đến khi khám phá ra chúng thì chúng lại đương nhiên trở nên hiện hữu, thể hiện những tồn tại ở “dưới” nữa và lại không biết, là cái gì. Cái trò “bịt mắt bắt dê” đó làm cho nhận thức tò mò, hứng khởi “kinh khủng” !!!).
Phải công nhận rằng Kant là một nhà triết học trong hàng ngũ các nhà triết học kiệt xuất nhất của nhân loại. Ông là người đầu tiên trên thế giới xem xét mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại một cách có hệ thống. Cốt lõi hay hạt nhân của toàn bộ hệ thống triết học vửa đồ sộ, vừa khó nắm bắt ấy chính là cuốn “Phê phán lý trí thuần túy” trong bộ ba cuốn: “Phê phán lý trí thuần túy”, “Phê phán lý trí thực tiễn” và “Phê phán khả năng phán đoán” của ông. Trước Kant, triết học cũng đã phân biệt được “thực tại đã qua nhận thức” và “thực tại vốn dĩ thế”. Tuy nhiên, vì chưa nhận thức được ý nghĩa có tầm quan trọng đặc biệt của sự phân định tất yếu ấy nên nó đã không được quan tâm đúng mức, thậm chí là còn mù mờ, dẫn đến những lầm lẫn, ngộ nhận đáng tiếc và có vẻ như bị lãng quên suốt một thời gian dài. Kant chính là người được Thượng Đế giao cho trọng trách phải “hồi ức” lại, phải đặt ra việc tìm hiểu mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại lên tầm xứng đáng trong triết học. Muốn thế, cái trước tiên cần phải thực hiện là tìm hiểu một cách toàn diện sự nhận thức của con người, nghĩa là phải tìm cách nhận thức cho được chính bản thân sự nhận thức. Kant đã thực hiện được xuất sắc nhiệm vụ đó, và đó cũng chính là sự biểu hiện nét kiệt xuất, hơn người của Kant. (Tuy nhiên, nếu không có Kant này thì Thượng Đế cũng phải chọn Kant khác vì triết học đã phát triển đến độ chín muồi của nó thì trước sau gì, vấn đề “nhận thức về nhận thức” cũng phải được đặt ra để mà con người có thể tiếp tục bước đường nhận thức thế giới!).
Kant đã đề ra những câu hỏi cần phải giải thích, như lời Kant nói: “Lĩnh vực triết học qui về bốn câu hỏi này: 1- Tôi có thể tri thức gì? ; 2- Tôi phải làm gì? ; 3- Tôi có quyền hy vọng gì? ; 4- Con người là gì?”. Ông có nói thêm: “Tất cả chỉ là vấn đề con người, bởi vì ba câu hỏi đầu tiên qui về câu hỏi thứ bốn”.
Chúng ta thấy ngay: bốn câu hỏi trên thực ra chỉ là sự biến tướng không hoàn hảo của bốn câu hỏi: “Tôi là gì? Tôi từ đâu đến? Đến đây để làm gì? Và tôi đi về đâu?”, đã xuất hiện rất lâu trước Kant, bàng bạc đâu đó ở phương Đông thời cổ đại. Tựu trung thì cả hai cách hỏi ấy đều phải dẫn đến câu hỏi cơ bản đầu tiên và cũng là cuối cùng của triết học: “Tồn tại là gì?”. Điều lạ lùng là câu hỏi đó đã được trả lời từ buổi bình minh của triết học, đã từng được trả lời trong suốt quá trình nhận thức triết học và đến bây giờ vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Và chúng ta cũng thấy ngay câu hỏi “Tôi có thể tri thức gì?” đã đặt dứt khoát vấn đề phải làm rõ mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại lên bàn tròn “thời sự” của tranh luận triết học.
Veda - Upanishad đã phân định Tồn Tại và con người theo tên gọi là Brahman và Atman, đã quan niệm được Atman là bộ phận của Brahman, từ Brahman đến và trở về Brahman. Đạo Hoàng - Lão gọi Tồn Tại là Đạo và coi như nó đã được nhận thức một khi hiểu được cái nguyên lý duy nhất là nguyên lý tự nhiên trên nền tảng quan niệm âm dương. Phật giáo, “tiến bộ” hơn, đã “biết” phân nhận thức ra làm hai là nhận thức “trần tục” đầy mê lầm và nhận thức chân xác có được từ thiền ngộ trực giác, nhưng nếu xét rõ ra thì không mê lầm cũng hoang tưởng. (Xin nhớ rằng thiền chưa bao giờ là con đẻ của Phật giáo mà là của thuật dưỡng sinh có nguồn gốc từ Đạo gia! Linh cảm mách bảo chúng ta điều này vì cố tật ham danh không chỉ chúng ta mới có!). Phương Đông khơi nguồn được đến đó, còn phương Tây là “câu chuyện trong hang” của Platon. Tất cả đại khái là thế!.
Quá khứ chỉ có thế, nhưng thế cũng là đủ cho Kant, dù gián tiếp đi nữa, kế thừa. Một uyên bác kế thừa sẽ dẫn đến sáng tạo và ba cái đó hun đúc nên một kiệt xuất.
Lần đầu tiên, bản chất của nhận thức đã được Kant mổ xẻ một cách chi tiết, trình bày một cách có hệ thống, và theo ý kiến chúng ta là có tính khoa học thực sự.
Trong các tác phẩm của Kant, chúng ta thấy rất nhiều nhận định ban đầu thấm đẫm chân lý nhưng lại bị những nhận định chưa thỏa đáng hoặc thậm chí là lầm lẫn làm lu mờ đi (một cách rất đáng tiếc).
Khi bàn về nguồn gốc và khả năng của nhận thức, Kant đã làm hình thành nên một loạt khái niệm mới theo những thuật ngữ mà ông đặt ra.
Theo Kant, những năng lực nhận thức và các công cụ thể hiện năng lực ấy ở con người là cái đã có sẵn mang tính tiên thiên, và không bao giờ thay đổi. Ở đây, chúng ta thấy hiện diện thuật ngữ “tiên thiên” (hay có người còn gọi là “tiên nghiệm”). Theo Kant thì tiên thiên là cái có trước kinh nghiệm, nhờ vào đó mới có thể “xây dựng” nên kinh nghiệm và thể hiện như nhau ở mọi người, ở mọi trình độ học thức. Thuật ngữ này thực hiện những chức năng rất khác nhau trong triết học Kant. Ông viết: “Nghĩa tiên thiên vốn có ở mọi điều kiện trước kinh nghiệm (tức các chức năng nhìn nhận và lý trí không bắt nguồn từ kinh nghiệm mà qui định nó), cũng như vốn có ở các ý niệm theo nghĩa chân thực của chúng, như các nguyên tắc và định đề của lý tính”.
Kant cũng thừa nhận rằng điểm xuất phát duy nhất của các tri thức của con người là kinh nghiệm, là cảm giác. Kant cũng đã đúng khi ông phân biệt tri thức ra làm hai loại là “tri thức thường nghiệm” và “tri thức thực nghiệm” hay còn gọi là “tri thức bình dân” và “tri thức khoa học”. Tri thức bình dân, cũng theo Kant, là tri thức có được nhờ kinh nghiệm sống, nó có tính vụn vặt, bất tất và hạn hẹp; còn tri thức khoa học mới là tri thức đích thực, nó minh bạch, chắc chắn, mang tính phổ quát và tất yếu. Tuy nhiên theo thiển ý của chúng ta, Kant đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, có tính chất cơ bản khi cho rằng tri thức khoa học chỉ dựa trên cái gọi là “những điều kiện tất yếu của kinh nghiệm” chứ không dựa trên kinh nghiệm, nghĩa là không phải từ kinh nghiệm mà có được và như vậy triết học này mang tính tiên thiên. Ông viết: “Như vậy, nếu một mệnh đề (tức một phán đoán) hàm nghĩa một tính chất tất yếu, thì chắc đó là một phán đoán tiên thiên. Thứ đến, không bao giờ kinh nghiệm có thể ban cho các phán đoán một tính chất phổ quát thực sự, mà chỉ là thứ phổ quát giả tỉ và tương đối như kiểu: qua những lần quan sát, chúng tôi không thấy một trường hợp ngoại trừ nào đối với định luật này”.
Thoạt nhìn, một cách trực giác, người ta rất dễ đồng thuận với Kant. Rõ ràng “ngôn ngữ” của khoa học mà điển hình là của toán học không thể nào có được từ cuộc sống đời thường; không thể quan sát thấy ở bất cứ đâu trong thiên nhiên những đường thẳng tuyệt đối, những hình đều tuyệt đối cùng với những tính chất, những tương quan chặt chẽ giữa chúng với hình học Ơclít; một chất điểm chuyển động trong vật lý không thể là kết quả rút ra được từ kinh nghiệm “thường nghiệm”. Nói chung, “rất dễ” thấy rằng tri thức khoa học có được là nhờ vào năng lực trí tuệ “siêu nghiệm”, hoạt động trên cơ sở của “trực giác thuần túy”, do đó mà nó cũng có tính tiên nghiệm, vượt trên kinh nghiệm. Kant dùng thuật ngữ “siêu nghiệm” để hàm nghĩa là khả năng thuần túy như: “cảm giác siêu nghiệm”, “lý luận học siêu nghiệm”…; có ý rằng: đó là khả năng nhận biết được trước khi có cảm giác thực sự (?!). Về vấn đề làm sao có thể có “trực giác thuần túy”, Kant trả lời: “Nếu trực giác của ta là biểu tượng của những vật tự thân, thì ta có thể có trực giác thường nghiệm thôi, không thể có trực giác tiên thiên. Sự thực thế nào? Sự thực là chúng ta chỉ biết vạn vật theo phương diện chúng ảnh hưởng đến cảm giác của ta chứ ta không biết gì về bản tính tự thân của chúng”. Trực giác tiên thiên thì cũng có nghĩa như trực giác thuần túy. Khi bàn về toán học, Kant viết: “Cũng như toán học phải hình dung các quan niệm của nó bằng trực giác, thì toán học thuần túy cũng hình dung các quan niệm của nó bằng trực giác thuần túy, nghĩa là bằng cách kiến tạo nên chúng”. Những trích dẫn này lại làm xuất hiện một thuật ngữ mới nữa, đó là “vật tự thân” (hay cũng gọi là “vật tự nó”). Theo quan niệm của Kant, ở bên ngoài chúng ta có tồn tại những sự vật mà tự chúng thì ta hoàn toàn không hề biết một tý gì, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được chúng dựa theo những ấn tượng mà chúng đã tạo nên trong ta khi tác động vào giác quan. Những sự vật ấy được Kant gọi là “vật tự thân”. Khi những vật tự thân tác động lên chúng ta, sẽ tạo nên trong ta những trạng thái, những ấn tượng và chính những trạng thái, những ấn tượng ấy là tiền đề, là điểm xuất phát cho mọi tri thức của chúng ta. (Quan niệm vật tự thân của Kant cũng gần với quan niệm của chúng ta về những tồn tại chưa hiện hữu; có thể hình dung rằng “vật tự nó” vĩ đại nhất, bao gồm toàn bộ “vật tự nó” chính là Tự Nhiên Tồn Tại!).
Thoạt nhìn dễ thấy thế, mà nếu nhìn kỹ cũng dễ thấy như Kant thấy vì tri thức khoa học đã ở rất xa cội nguồn sinh ra nó, đã là một nhà quí tộc có dòng dõi trâm anh thế phiệt trước đám “hạ tiện” là tri thức bình dân. Thậm chí còn được tôn xưng là Hoàng đế, Nữ hoàng!
Kant là nhà khoa học xuất sắc trước khi là nhà triết học kiệt xuất. Do đó Kant không đến nỗi hời hợt để đi đến quan niệm sai lầm như thế. Chắc rằng Kant đã suy tư rất nhiều trước hiện tượng đó và một uyên bác suy tư thì không thể… “đùa” được. Vậy thì tại sao? Có lẽ tiến trình nhận thức là một tất yếu lịch sử và ở thời đại của mình, Kant đã phải “chấp nhận” lối tư duy siêu hình, cứng nhắc mà chính Kant đã “vô tình” cởi mở cho Hêghen sau này tìm cách “chối bỏ”. (Chúng ta cho rằng, dù có cố chối bỏ thì cũng không bao giờ chối bỏ hoàn toàn được tính siêu hình trong tư duy nhận thức. Khả năng trí tuệ của con người, hay bất cứ “con” nào trong Vũ Trụ, dù siêu việt đến mấy chăng nữa thì cũng không thể tư duy lý luận về thực tại mà không “mổ xẻ” nó ra từng bộ phận, không bắt nó “tạm dừng” chuyển hóa lại để mà suy xét từng khía cạnh trong nhiều khía cạnh, từng mối quan hệ trong tổng thể mối quan hệ tác động đan xen, đồng thời. Như thế, đã là siêu hình rồi! Còn nếu cho như thế là không mang tính siêu hình thì kể cũng lạ! Thậm chí phải cho rằng siêu hình là đặc tính bản chất của tư duy, có nguồn cơn ngay từ sự cảm giác, biểu tượng. Tuy nhiên, nên thấy rằng phép siêu hình là phương thức không thể chối bỏ của tư duy nhưng không phải là kết quả của tư duy. Khi nhận thức đã đạt được thành quả rồi thì phải “nhìn” thành quả ấy một cách biện chứng, nghĩa là cố gắng nhìn sự vật đã qua nhận thức như nó chưa từng được nhận thức! Làm như vậy rất có thể lại dẫn đến… mù tịt, nhưng là sự “mù tịt thần thánh”).
Nói Kant phạm sai lầm cơ bản ngay từ bước khởi đầu xây dựng học thuyết triết học của mình không phải là chê Kant. Đối với chúng ta Kant vẫn luôn là nhà triết học lỗi lạc, không có Kant thì không có Hêghen, không có Hêghen thì không thể có Mác được. Còn nếu không có Mác? Không có Mác thì thế kỷ XX đã “nát bét” bởi chủ nghĩa tư bản và đế quốc với bản tính tham lam, vị kỷ một cách mù quáng, thiếu tình người. Nhưng Mác chưa phải là cái đích cuối cùng của triết học…
Chúng ta có quyền bêu riếu dĩ vãng không? Không! Chúng ta có quyền đánh giá lại quá khứ không? Có! Vì sao? Vì chúng ta thấy được nhiều điều mà quá khứ không thấy được! Tại sao, tại trí năng siêu nghiệm của chúng ta chăng? Không! À, mà cũng có! Trí năng siêu nghiệm của chúng ta cũng có được từ tiên thiên, nhưng là thứ tiên thiên có được từ sự thừa hưởng những hun đúc kinh nghiệm của thời cổ đại, của thời trước Kant, của bản thân Kant và của thời sau Kant; nghĩa là từ những tinh hoa, từ những đúng - sai trong lịch sử nhận thức. Trí năng ấy thực ra chỉ là siêu nghiệm đối với chúng ta thôi và chưa chắc đã là… lẽ phải! Nhưng trong trạng thái hoang tưởng (chúng ta luôn ở trạng thái ấy để tránh né khổ đau thường nhật, tìm vui chút chốn mông lung) chúng ta cứ nhận lẽ phải về mình. Ai ơi hãy tin đi, tự nhiên bao giờ cũng thể hiện ra tính phân biệt được đối với quan sát - nhận thức! Như vậy, Tự Nhiên cũng cho phép lựa chọn và buộc nhận thức phải lựa chọn nếu còn muốn… nhận thức. Nhờ vậy mà Aristốt  mới “chấp bút” ra được “lôgíc học”. Lôgíc học là một cấu trúc mang tính qui ước chủ quan đầy những thị phi của con người cho nên cũng mang nặng tính siêu hình. Nó có ích cho suy tư cá thể nhưng vô nghĩa trên bàn tròn tranh luận. Siêu hình là một con dao hai lưỡi trước Tự Nhiên vô tình, không thị phi!
Vâng, chúng ta tự nhận lẽ phải về mình! Chúng ta có chính kiến. Một khi đã có chính kiến mà cam tâm từ bỏ nó một cách vô cớ thì đau xót biết chừng nào! Chúng ta hãy cứ hồn nhiên bênh vực cho lẽ phải dù “phạm thượng”. Miễn sâu thẳm đáy lòng, chúng ta luôn ngưỡng mộ, kính phục và biết ơn quá khứ!.
Tạo sao lại cho rằng đó, cái quan niệm tri thức khoa học là tiên thiên, không do kinh nghiệm mà có, là sai lầm căn bản của Kant? Vì Kant đã “thần thánh hóa” trí năng (năng lực trí tuệ) của con người. Kant từng viết: “Tất cả mọi tri thức của ta bắt đầu với kinh nghiệm… Nhưng nói thế không có nghĩa là tri thức của ta hoàn toàn do kinh nghiệm; vì trong tri thức ta còn có phần trí năng không lệ thuộc vào kinh nghiệm”.
Câu đó hoàn toàn đúng nếu hiểu kinh nghiệm là kinh nghiệm “thường nhật” và trí năng là khả năng suy lý, sáng tạo trên cơ sở kinh nghiệm hay những thành tựu đạt được trước đó. Tuy nhiên nó trở thành sai lạc khi Kant, một cách siêu hình, bó hẹp khái niệm “kinh nghiệm” ở mức “bình dân thường nghiệm”, đồng thời đưa “trí năng” vượt khỏi sự “quản thúc” của “kinh nghiệm” một cách “duy tâm” để “hoàn toàn chỉ dựa trên tiên thiên và trên những quan niệm mà thôi” (lời của Kant).
Từ đâu mà Kant có ý niệm về tiên thiên? Lại là từ một quan niệm cũng vừa đúng vừa sai của ông. Theo Kant, về nguyên tắc là không thể biết được thế giới vật tự nó. Nhờ có các giác quan mà con người cảm nhận được thế giới ấy ở mức độ giới hạn nào đó và theo cách nào đó mà thôi. Và cái thế giới vừa hạn chế vừa phi thực ấy được Kant gọi là thế giới khả giác hay “thế giới hiện tượng”. Ông viết: “Chúng ta không thể tri thức các hữu thể khả niệm kia nơi bản tính tự thân của chúng, nghĩa là không thể tri thức chúng một cách xác định, nhưng chúng ta có thể chấp nhận chúng trong tương quan của chúng đối với thế giới khả giác và dùng lý trí để đặt một liên hệ giữa chúng và thế giới giác quan”. Trong cái thế giới hiện tượng ấy, đến lượt trí năng lý tính, cùng với những quan niệm và trực giác thuần túy sẽ làm cái nhiệm vụ “phán đoán tổng hợp” để từ đó mà làm xuất hiện những “mệnh đề tổng hợp tiên thiên” có tính tất yếu và phổ quát. Những mệnh đề tổng hợp tiên thiên ấy chính là những biểu hiện của thế giới vật tự nó trong thế giới hiện tượng theo cách mà con người khả giác (do đó mà chưa đầy đủ?!). Kant cho rằng: “Bản tính vạn vật là sự hiện hữu của vạn vật xét như sự hiện hữu này được xác định bằng những định luật phổ quát. Bởi vì nếu danh từ bản tính có nghĩa là sự vật tự thân, thì chúng ta không thể biết gì về các vật đó dù là cách tiên thiên hay cách hậu nghiệm (nhờ kinh nghiệm). Do đó, cũng là lời của Kant: “Chúng ta không có cách nào khác để nghiên cứu bản tính sự vật ngoài cách tìm biết những điều kiện và những định luật phổ quát (mặc dù chủ quan) nhờ đó mà ta có thể có tri thức về vạn vật, tức có thể có kinh nghiệm về sự vật”.
Về cái thế giới vật tự nó đã bị “phi thực hóa” và “biến dạng hóa” bởi cảm năng con người và thông qua cảm năng con người ấy, Kant nói rõ hơn: “Thế giới khả giác không là cái gì khác ngoài một chuỗi những hiện tượng được nối lại với nhau bằng những định luật phổ quát. Như vậy thế giới khả giác không có nền tảng vững chắc nơi chính mình nó: nó không phải là vật tự thân và nhất thiết đòi một cái gì đó làm nền tảng cho bản chất hiện tượng của nó”. Vì thế mà ông nhắn nhủ: “Chúng ta không nên tìm những định luật phổ quát của vật lý nơi thiên nhiên, nhờ kinh nghiệm; mà trái lại chúng ta chỉ nên tìm hiểu về tính chất vạn vật luôn phù hợp với các qui luật, và tìm hiểu điều này nơi những điều kiện của cảm giác và tri giác ta, tức những điều kiện làm cho có thể có kinh nghiệm”.
Với quan niệm như trên, dù vô tình hay hữu ý, dù là trong tiềm thức, Kant đã thừa nhận rằng Vũ Trụ này là cái gì tuyệt đối, là vật tự nó có tính tổng thể, bao gồm các vật tự nó; một vật tự thân có thật, có trước, có sẵn và “tự nó” một cách trật tự, ngăn nắp, và chí lý, làm nền tảng cho cái thế giới khả giác đầy biểu tượng làm nên những hiện tượng cùng với những định luật phổ quát mang tính đã có sẵn, có trước, nghĩa là tiên thiên (hay tiên nghiệm). Mặt khác cái thế giới khả giác đó là do cảm năng của con người mà có nên cái cảm năng ấy chỉ mang tính thường nghiệm thôi, thì làm sao giải thích được sự xuất hiện của những “mệnh đề tổng hợp tiên thiên” trong thế giới hiện tượng (thế giới của kinh nghiệm)? Để vượt qua “cơn tai biến”, Kant một cách hoàn toàn tự nhiên, phải mở rộng khái niệm cảm năng. Lúc này, cảm năng không chỉ là khả năng cảm giác thường nghiệm nữa mà còn được thêm một bộ phận gọi là khả năng “cảm giác siêu nghiệm” hay “cảm giác thuần túy” - có tính tiên nghiệm, có trước kinh nghiệm, không lệ thuộc vào kinh nghiệm và như vậy nghĩa là phải “tiên thiên”.
Khó mà tiếp cận được cảm giác thuần túy nếu Kant không “lôi” không gian và thời gian vào làm hai hình thái thể hiện của nó. Theo Kant, không gian là cảm năng thuần túy của ta đối với những sự vật ở ngoài ta; còn thời gian là cảm năng thuần túy của ta đối với những biến chuyển ở trong ta và ở ngoài ta. Không gian không phải là một quan niệm thường, do kinh nghiệm tác tạo nên. Nó là một biểu tượng tất yếu và tiên thiên; là điều kiện, là nền tảng tất cả các tri giác của ta về vạn vật (có thể tưởng tượng một Vũ Trụ không có gì hết nhưng không thể tưởng tượng một Vũ Trụ mà không có không gian!). Thời gian cũng tương tự, không phải là một quan niệm thường niệm mà là một biểu tượng tất yếu, tiên thiên (có thể quan niệm một Vũ Trụ không có biến cố gì hết nhưng không thể quan niệm trong Vũ Trụ lại không có sự “trôi qua” của thời gian).
Kant lý luận rằng nếu chỉ dựa vào cảm giác thường nghiệm thì con người chỉ mới cảm nhận được cái gì đó tồn tại mơ hồ, lộn xộn, phi hình hài, không đầu không cuối. Nhờ có cảm giác thuần túy thể hiện ra dưới hai hình thái tiên thiên, không gian và thời gian mà tất cả trở nên trật tự, rõ ràng, và xác định như ta vẫn đang thấy hàng ngày trong đời sống kinh nghiệm của mình. Và cái thế giới đã được làm “sáng tỏ” nhờ cảm giác thuần túy tiên thiên ấy cũng được gọi là thế giới hiện tượng.
Đưa ra khái niệm Cảm giác thuần túy cùng với hai hình thái của nó là không gian và thời gian, Kant đã phạm thêm một sai lầm cơ bản nữa. Sai lầm này, cùng với sai lầm đã nêu ở trên đã làm lu mờ đi nhiều những nhận định triết học có tính chân lý của ông và đồng thời đã làm nên một học thuyết mà chính ông tự gọi là “duy tâm siêu nghiệm”; một học thuyết ẩn giấu bao biện và đầy thần bí.
***
Kant sinh năm 1724 tại Kênisbéc, nước Đức. Năm 1745, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kênisbéc và trở thành gia sư. Năm 1755 ông là phó giáo sư và từ năm 1770 là giáo sư của Đại học Tổng hợp Kênisbéc. Là một trong những học giả uyên bác nhất đương thời, ông đã giảng dạy về siêu hình học, lôgic học, toán học, cơ học, địa chất học, tự nhiên đại cương…
Năm 1755 ông đã đưa ra giả thuyết giải thích nguồn gốc sự hình thành Vũ Trụ, trong đó có Thái Dương Hệ. Năm mươi năm sau, nhà toán học Laplace cũng đã đưa ra mô hình toán học cho một giả thuyết về sự ra đời của Thái Dương Hệ, giống như mô hình của Kant. Sau này giả thuyết ấy được gọi là giả thuyết Kant - Laplace.
Kể ra như vậy để thấy trên cương vị là một nhà vật lý học, chắc chắn Kant đã thấm nhuần quan niệm của Niutơn về không gian và thời gian, cho rằng: không gian và thời gian là có tính tuyệt đối, là những thực tại khách quan, tồn tại bên ngoài con người, thuộc về cái thế giới vật tự nó.
Không biết vì lẽ gì mà Kant đã từ bỏ quan niệm đó, một quan niệm đã được thừa nhận rộng rãi trong vật lý học, có tính phổ quát như thế để đi đến quan niệm cho rằng không gian và thời gian là những hình thức tiên thiên thuộc năng lực cảm tính của con người; có tính chủ quan như thế? Phải chăng là từ sự quan niệm có tồn tại một thế giới hiện tượng của ông? Không bao giờ có thể nhận thức trực tiếp được thế giới vật tự nó; con người chỉ có thể nhận thức được trực tiếp thế giới hiện tượng và thông qua đó mà nhận biết được phần nào cái thế giới nền tảng ấy. Đó là một phát kiến triết học xuất sắc của Kant. Tuy nhiên, vì trong cái thế giới khả giác ấy, hiển nhiên, dễ dàng nhận ra là phải có không gian và thời gian, nếu không thì thế giới ấy “sụp đổ”, cho nên Kant vừa phải thừa nhận sự hiện diện của chúng vừa bắt chúng cũng phải là những hiện tượng thôi, nhưng là những hiện tượng có sẵn, siêu việt hơn những hiện tượng khác để “phục vụ” cho nhận thức con người. Trong khi thừa nhận các hiện tượng trong thế giới hiện tượng là do tác động của vật tự nó lên giác quan con người mà có thì đối với không gian và thời gian, vì quá rõ ràng là không thể tưởng tượng được có nguồn gốc từ tác động của vật tự nó nào cả, nên Kant “buộc” phải trao trách nhiệm đó cho cảm năng chủ quan của con người nhưng phải là cảm năng… tiên thiên! (“Tiên thiên” đã là cây đũa thần khỏa lấp mọi chuyện!).
(Cần nói thêm rằng Kant còn chia trí năng thành hai hình thức là “lý trí thuần túy” và “lý trí thực tiễn”. “Lý trí thuần túy” làm nên tri thức khoa học (là sự nhận thức được những “tiên thiên” trong thế giới hiện tượng). Tuy nhiên, đến một giới hạn nào đó, muốn vượt khỏi thế giới hiện tượng để hòng tìm hiểu bản tính thực sự của “vật tự nó” thì lý trí thuần túy sẽ mất hiệu lực. Lúc đó mâu thuẫn sẽ phát sinh. Chẳng hạn đối với lý trí thuần túy thì câu hỏi “Vũ Trụ là gì?” là không thể xác định được vì sẽ có hai cách trả lời kèm hai chứng minh, trái ngược nhau nhưng đều đúng. (Đối với chúng ta thì thực ra đó là biểu hiện tính nước đôi của Tồn Tại dưới “màu sắc Kant” mà ở chừng mực nào đó, lại cũng là một phát kiến xuất sắc của Kant!). Để có thể tiếp cận được với vật tự nó (như Vũ Trụ, linh hồn, chúa…) thì phải bằng lý trí thực tiễn (không có lý luận gì ở đây hết!) mà xét cho cùng ra là trực giác thuần túy, là đức tin và thực chất là tín ngưỡng không hơn không kém (tương tự như sự giác ngộ trong Phật giáo!). Vì chúng ta không đi sâu vào học thuyết của Kant nên chỉ nói thêm, không bàn luận về vấn đề này).
Chúng ta đã từng có quan niệm riêng của bản thân mình về không gian và thời gian. Theo quan niệm ấy thì cả Niutơn lẫn Kant đều đã hiểu không gian và thời gian một cách phiến diện, thậm chí ngay cả Anhxtanh cũng đã chưa thấy được thực chất của không gian và thời gian.
Không gian và thời gian là những biểu hiện thuộc hàng dễ hiểu nhất mà cũng khó hiểu nhất của của Tự Nhiên Tồn Tại. Không có không gian, Vũ Trụ là không có, không có thời gian, Vũ Trụ thành cứng đờ; nhưng có không gian, Vũ Trụ lại không thể xác định và có thời gian, Vũ Trụ hóa ra như một mê cuồng. Không có không gian, con người không thể có, không có thời gian, con người cũng không có luôn, nhưng có không gian, con người chỉ thấy siêu hình, và có thời gian, con người lại phởn chí nghĩ… lung tung!
Không gian và thời gian thực chất chỉ là hai khái niệm, hai tên gọi về hai cái gì đó thuộc thực tại. Hai cái gì đó ấy chẳng qua là tồn tại và chuyển hóa. Không gian và thời gian là tồn tại và chuyển hóa tồn tại khi đã được nhận thức còn tồn tại và chuyển hóa tồn tại là không gian và thời gian chưa được nhận thức.
Phát biểu như trên chỉ mang tính ước lệ và không chân xác vì thực ra tồn tại và chuyển hóa tồn tại cũng chỉ là những khái niệm, hơn nữa là những khái niệm tương đồng một cách hình thức với không gian và thời gian. Nếu Kant cho ra thế giới hiện tượng thì chúng ta cũng có quyền cho ra thế giới khái niệm. Nếu Kant nhận biết phần nào thế giới vật tự nó thông qua thế giới hiện tượng thì chúng ta nhận thức Tự Nhiên Tồn Tại thông qua hệ thống khái niệm và cũng có một thế giới hiện tượng. Nhưng hai thế giới tuy có vẻ giống nhau, lại khác nhau về bản chất. Thế giới này xuất thân từ kinh nghiệm thì thế giới kia “đứng được” nhờ tiên thiên.
Theo chúng ta thì không gian và thời gian theo quan niệm của Niutơn, không gian và thời gian theo quan niệm của Kant chỉ là hai sự thể hiện khác nhau của duy nhất một Tự Nhiên Tồn Tại.
Không gian là thuần nhất khi nó là sự biểu hiện của Tồn Tại và là không thuần nhất khi nó là biểu hiện của nhiều cá thể tồn tại. Tương tự như vậy, thời gian là thuần nhất khi nó là biểu hiện của Tự Nhiên và là không thuần nhất khi nó là biểu hiện của nhiều cá thể chuyển hóa. Nếu không gian có hai chiều về vô cùng lớn - vô cùng nhỏ thì thời gian cũng có hai chiều là từ hiện tại về quá khứ hoặc đến tương lai. Nếu không gian có vô vàn tồn tại thì thời gian cũng có vô vàn hiện tại; nếu những tồn tại ấy chuyển hóa thì hiện tại gắn trên chúng cũng trôi. Nếu tồn tại luôn biến đổi để tồn tại thì hiện tại cũng luôn là quá khứ để hiện tại; tồn tại mới thì hiện tại mới, tồn tại ở dạng khả năng thì đó chính là tương lai. Có thể nói không gian và thời gian là biểu hiện của tồn tại và chuyển hóa; tồn tại và chuyển hóa rốt cuộc cũng chỉ là tồn tại, Tự Nhiên và Tồn Tại rốt cuộc chỉ là Một.
Khi không gian và thời gian của Kant đã bị lột bỏ đi cái “bộ cánh” tiên thiên của nó thì cảm giác thuần túy theo Kant nghĩ, sẽ cũng bị “thủ tiêu” và cái thế giới hiện tượng chỉ còn được xây dựng nên từ cảm năng thường nghiệm và trí năng… cũng thường nghiệm nốt (tất cả “công năng đặc dị” không qua luyện tập, tất cả những biểu hiện thần đồng chưa qua học hành chỉ là những biểu hiện cá biệt, riêng lẻ, có tính nổi trội về cảm giác; là những siêu giác và dù có là gì đi chăng nữa thì cũng không bao giờ có thể là biểu hiện của một trí năng thuần túy tiên thiên; dù có vẻ như là tiên nghiệm đối với những cá nhân đó nhưng thực ra vẫn là sự kế thừa, trong vòng kinh nghiệm và dựa trên kinh nghiệm của bộ phận hoặc toàn thể loài người).
Không thể phủ nhận được rằng các mệnh đề tổng hợp tiên thiên, hay những định luật tất yếu phổ quát là những thể hiện của cái gì đó có sẵn, có trước và bất biến trong thế giới hiện tượng. Nhưng không thể cho rằng chúng là những phát hiện của một trí năng siêu phàm kiểu tiên nghiệm như Kant nghĩ.
Tự Nhiên Tồn Tại là vốn dĩ như thế! Đó là một chân lý tuyệt đối và theo chúng ta thì không nên tốn sức cãi cọ nhau làm gì nữa. Trong nhận thức lý luận, chân lý ấy đóng vai trò như một tiền đề tuyệt đối (nằm ngoài mọi sự lý giải, chứng minh), duy nhất, vĩ đại; là tiền đề của mọi tiền đề và là điểm xuất phát đầu tiên trên con đường đi nhận thức thế giới.
Vì là vốn dĩ thế nên Tự Nhiên Tồn Tại không “thị phi” nghĩa là không đúng không sai. Nhưng Tự Nhiên Tồn Tại phải thể hiện! Nếu giả sử rằng Nó không thể hiện thì không thể có cái chân lý tuyệt đối vừa nói, nghĩa là không có sự vốn dĩ thế cũng như không có chính bản thân Nó. Rốt cục, thay cho Tự Nhiên Tồn Tại là Hư Vô. Hư Vô thì làm sao bàn luận được khi chúng ta biết chắc rằng đâu đó trong Vũ Trụ đang diễn ra một cuộc bàn luận, được bắt đầu từ mấy ngàn năm trước? Mặt khác, nếu nói được là Hư Vô thì Hư Vô (lúc này ở vị trí của Tự Nhiên Tồn Tại) là vốn dĩ thế và phải thể hiện ra được điều ấy. Cuối cùng thì đến lượt Hư Vô chỉ là tên gọi khác (hoặc theo một ngôn ngữ khác!) của Tự Nhiên Tồn Tại. Thể hiện ra được nghĩa là phải có sự phân biệt; mà đã là phân biệt được thì phải có khách thể và chủ thể để “thực thi” sự thể hiện ấy thông qua tác động và phản ứng; phải xuất hiện chủ quan quan sát và nhận thức cũng như đối tượng của nó là thế giới khách quan.
Tự Nhiên Tồn Tại không “thị phi” nhưng nhận thức phải lựa chọn giữa có lý và vô lý, chính nghĩa và phi nghĩa. Không gian và thời gian là hai biểu hiện cơ bản của Tự Nhiên Tồn Tại làm nên tính siêu hình và biện bác của nhận thức đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa của sự lựa chọn. Sự lựa chọn trong nhận thức là một tất yếu. Ở buổi đầu, khi khả năng còn hạn chế, thì sự lựa chọn trong tư duy có tầm quan trọng quyết định đến quá trình phát triển của nhận thức. Thậm chí có thể nói rằng không thể nhận thức được nếu không có lựa chọn.
Sự lựa chọn đầu tiên của triết học là “Tồn tại hay Không tồn tại?” và “Tồn tại” là cái được chọn, vì nếu chọn cái “Không tồn tại” thì triết học… “tự sát” và chấm dứt… tồn tại (không thể hiện hữu!). Tương tự, trước lựa chọn: “Tự Nhiên Tồn Tại là có lý hay vô lý?”, chúng ta chắc chắn phải chọn “có lý” vì nếu chọn “vô lý”, chúng ta ngay lập tức trở thành những “bóng ma” (bóng ma chứ chưa được là ma!) và như thế cũng thành vô lý nốt. Trong đời sống xã hội, nếu hỏi bất cứ ai, từ hạ dân hèn kém đến vua chúa kiêu sang rằng theo chính nghĩa hay phi nghĩa, thì có lẽ họ đều chọn “theo chính nghĩa” cho dù khi hành động có thể… không theo. (Nhận thức là một chuyện còn thực hành lại là chuyện khác. Sự đời thường là thế nên mới có câu “Nói một đàng, làm một nẻo”!).
Trước quan sát và nhận thức chủ quan của con người, thế giới khách quan (bộ phận hiện hữu, phần biểu hiện trước con người của Tự Nhiên Tồn Tại) đóng vai trò là một thực tại, một hiện thực, một thực thể và hoàn toàn… có lý. Con người là của Tồn Tại nên có những nét mang tính phổ quát nhất của Tồn Tại, nó cũng vừa là tồn tại trong một môi trường có hoàn cảnh điều kiện cụ thể, tương đối độc lập với Tồn Tại nên đồng thời cũng có những nét cá biệt, đặc thù của cục bộ, địa phương. Vì lẽ đó cái thế giới khách quan mà con người quan sát được, nhận thức được bằng những “phương tiện” riêng có ở con người cũng đượm màu chủ quan của con người, trở thành “dở dở ương ương” vừa khách quan, vừa chủ quan và là của riêng con người; sự có lý của thế giới ấy cũng là sự có lý theo cách nhìn nhận của con người về Tồn Tại, phù hợp với tư duy con người.
Có thể nói đối với con người, thế giới khách quan hiển nhiên là có lý, hợp lý vì sự hiện hữu hiển nhiên của nó, hay nói ngược lại: sự hiện hữu hiển nhiên, bền vững, lâu dài của Thế giới khách quan là một minh chứng hiển nhiên trước con người về tính có lý, có tình của nó.
Thế giới khách quan là một hiện thực có lý thì nguyên nhân làm nên nó, nghĩa là mọi vận động, tương tác, chuyển hóa, biến đổi ở tầng tồn tại nền tảng, trong nội tại nó, cũng phải mang tính hợp lý và hơn nữa phải tuân theo những nguyên lý có tính tất yếu, phổ quát. Những nguyên lý này khi được nhận thức, chính là những “mệnh đề tổng hợp tiên thiên” hay những “định luật tất yếu phổ quát” theo cách nói của Kant, trong cái thế giới toàn là hiện tượng theo quan niệm cũng của Kant luôn.
Thế thì những nguyên lý ấy có từ đâu và vì sao lại mang tính tất yếu và phổ quát, không lẽ lại do sự qui ước của con người, một tồn tại nhỏ nhoi, không lấy gì làm đáng kể trong Vũ Trụ?
Tự Nhiên Tồn Tại là có lý, là một sự Có Lý, duy nhất; vì là vốn dĩ thế nên Có Lý cũng là Tất Yếu. Tự Nhiên Tồn Tại là tất yếu thì thực thể Tồn Tại cũng tất yếu và nguyên lý Tự Nhiên cũng tất yếu. Thực thể Tồn Tại theo nguyên lý Tự Nhiên để tồn tại; nguyên lý Tự Nhiên bảo toàn Tồn Tại để tự nhiên! Dù thế nào đi nữa thì Tồn Tại vẫn là Tồn Tại và chỉ Tồn Tại mà thôi!
Ở dạng thực thể, Tồn Tại chính là Vũ Trụ. Vì Tồn Tại là đầy đủ nên Vũ Trụ là một tổng thể vô cùng phong phú, vô cùng đa dạng các sự vật - hiện tượng. Vì Tồn Tại cũng lại thiếu thốn nên Vũ Trụ trở thành “chốn thư hùng” của tất cả vạn vật - hiện tượng, chúng tranh nhau tồn tại, tác động nhau, giành giật nhau, chuyển hóa nhau, làm nên một cuộc sinh sinh diệt diệt vô tiền khoáng hậu đến bất tận. Tuy nhiên Vũ Trụ chẳng hề hấn gì, Tồn Tại vẫn là Tồn Tại vì đã được nguyên lý Tự Nhiên đảm bảo! Nguyên lý Tự Nhiên ra lệnh cho toàn thể các lực lượng trong Vũ Trụ rằng: “Chúng mày muốn làm gì thì làm, muốn phá phách tạo dựng kiểu gì cũng được, muốn tranh giành, chém giết, “ăn thịt” nhau thế nào mặc kệ, yêu thương thù ghét nhau đến mức nào mặc lòng, miễn không làm cho Vũ Trụ bị “sứt mẻ” để cho Thủy Tổ của chúng mày, lão Tồn Tại ấy, được nghỉ ngơi và bản thân Tao, vợ của lão, được… an nhiên!”. Để chắc ăn, đảm bảo được tuyệt đối Tồn Tại, nguyên lý Tự Nhiên đã “cụ thể hóa” thành vô vàn những “đạo luật” vừa phổ quát vừa đặc thù cho phù hợp với từng lực lượng, từng nhóm sự vật - hiện tượng “hao hao” nhau, thậm chí là đến từng cá thể, từng vùng, từng tầng nấc qui mô để chúng… dễ thực hiện “ý chỉ”! Và đúng như thế thật, việc thực hiện luôn luôn ở mức… toàn hảo tuyệt đối! (Nhưng không biết bằng cách nào mà nguyên lý Tự Nhiên, chưa qua tiến hóa thích nghi lại nói được và các lực lượng khổng lồ trong Vũ Trụ với hầu hết là “vô ý thức” ấy lại hiểu được và phục tùng đến mức hơn cả tuyệt vời như vậy? Chúng ta vĩnh viễn mù tịt về điều này!).
Những “điều luật” của nguyên lý Tự Nhiên cũng chính là những nguyên lý chúng ta đang bàn tới. Chúng có tính tất yếu và phổ quát vì là sự thể hiện của nguyên lý Tự Nhiên, cái bao hàm và vốn dĩ thế.
Tuy nhiên, nên thấy rằng các nguyên lý ấy không phải chỉ có tính tất yếu và phổ quát mà còn có tính ngẫu nhiên và đặc thù. Vì ngay từ đầu chúng ta đã chọn “có lý” rồi nên đối với chúng ta (và cả đối với Kant nữa), tính tất yếu và phổ quát trở nên nổi trội còn tính ngẫu nhiên và đặc thù trở nên chìm lặn theo qui luật tính trội tính lặn trong di truyền học của Men-đen. (Vận dụng như thế thật là khiên cưỡng và có vẻ lố lăng nhưng có lẽ không hơn việc cho Tự Nhiên là một người đàn bà!!!).
Để nhận thức được nguyên lý Tự Nhiên cùng với những “điều luật” - những dạng đã “cụ thể hóa” của nó, con người không có cách nào khác là quan sát sự biểu hiện của chúng trong thế giới khách quan (của con người!) thông qua hệ thống khái niệm của mình (mà ban đầu chưa hoàn chỉnh) dùng trí năng để phát hiện, khám phá ra, phát biểu thành những nguyên lý theo cách thức của tư duy, ngôn ngữ, trên cơ sở những quan niệm đã đạt được trước đó (cũng theo một quá trình tương tự).
Trí năng của con người từ đâu mà có? Chúng ta đã quan niệm: từ quá trình tiến hóa thích nghi mà có. Trí năng con người, vào giai đoạn đầu tiên của sự xuất hiện loài người, được hình thành nên từ những quan sát trực giác và là sự đặt ra khái niệm rồi trên cơ sở đó đúc kết kinh nghiệm từ những lần quan sát ấy, bằng cách lưu nhớ, hồi ức, liên tưởng, so sánh… Có thể nói một cách tương đối và đại khái, khi phân biệt được thế giới dưới dạng khái niệm thì con người đã có trí năng và đã nhận thức. Nhờ có trí năng mà con người nhận thức, nhờ có nhận thức mà trí năng phát triển và trí năng phát triển, đến lượt nó, làm cho nhận thức ngày càng sâu rộng. Cái gốc của nhận thức là cảm giác, quan sát và hồi ức. Nhờ biết hồi ức mà con người biết lựa chọn hành vi được cho là phù hợp trong hoạt động thực tiễn của mình (cũng là một biểu hiện của tiến hóa thích nghi!). Quá trình đó tái đi diễn lại trong suốt đời người, làm nên sự từng trải, làm nên kinh nghiệm ở mỗi con người. Trên cơ sở khái niệm với cách thức biểu hiện là nói và viết (vạch vẽ), những kinh nghiệm có được ở mỗi con người sẽ được lưu truyền, tiếp thu trong cộng đồng người; được chiêm nghiệm, đính chính, tu bổ, đúc kết lại thành tinh hoa kinh nghiệm, thành kiến thức chung của cộng đồng người ấy để cùng ứng dụng, để lưu truyền cho thế hệ sau qua con đường dạy và học.
Sự tiến hóa thích nghi của bộ não, về mặt thuần túy sinh học xảy ra từ từ và có hạn độ, phù hợp với tổng thể cấu trúc sinh học của toàn cơ thể. Do đó, để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi nảy sinh từ lối sống chủ động thích nghi, bộ não biết suy nghĩ đã chọn dạy và học (có sẵn trong thực tại!) làm phương thức chủ yếu cho tiến trình tiến hóa thích nghi của mình. Có thể nói di truyền và biến dị, dạy và học là hai phương thức cơ bản của sự tiến hóa thích nghi có tính tương phản nhau; quá trình này tương đối chậm nhưng bền vững thì quá trình kia tương đối nhanh nhưng dễ mất. Giữa chúng có mối quan hệ khăng khít, giúp nhau tồn tại nhưng cái trước là nền tảng của cái sau.
Từ hồi ức, suy tưởng, so sánh mà nảy sinh ra sự phán đoán. Phán đoán là quá trình rút ra, suy luận ra từ kinh nghiệm, từ kiến thức đã có sẵn, những nhận định mới về bản chất sự vật hiện tượng mới phát hiện hoặc những nhận định có tính khái quát hơn, đúng đắn hơn những nhận định cũ. Những nhận định ấy có thể đúng mà cũng có thể sai nên cũng chỉ ở dạng khả năng chứ chưa là kiến thức mới. Chỉ sau khi đã được thực chứng, được cộng đồng người thừa nhận, chúng mới định hình thành kiến thức dưới dạng những mệnh đề có tính “tổng hợp, tất yếu, khái quát và tiên thiên” (cũng chưa chắc đã đúng hẳn!). Chức năng phán đoán của bộ não làm cho nó có khả năng sáng tạo. Sự sáng tạo ở con người có nguồn gốc từ tính tạo dựng có sẵn trong tự nhiên; là sự nghiên cứu tìm tòi để tạo dựng ra cái mới, một cách có chủ đích.
Đến đây, chúng ta thấy rằng con người không chỉ nhận thức mà còn sáng tạo. Nhờ nhận thức mà kiến thức được lưu truyền, tàng trữ, nhờ sáng tạo mà kiến thức được điều chỉnh, sửa chữa thành tinh túy, ngày một mở rộng cũng như chuyên sâu. Khả năng nhận thức và sáng tạo làm nên trí năng ở mỗi con người. (Thế còn khả năng hoang tưởng? Đi mà hỏi ông tổ ngành phân tâm học, ngài Ximôn Phrớt (Sigmund Freud) ấy!).
Quan sát là một tất yếu có nguyên nhân từ đấu tranh sinh tồn và mục đích ban đầu của nó là vì sinh tồn. Sau này nó còn có nguyên nhân từ yêu cầu của nhận thức và mục đích vì nhận thức. Nhận thức và sáng tạo là tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức cũ và là quá trình quan sát, tìm hiểu thế giới khách quan, trên nền tảng kinh nghiệm đã được tích lũy để đúc kết nên kiến thức mới. Biểu hiện rõ rệt nhất của nhận thức là sự học hành (“Không thầy đố mày làm nên”; “Học thầy không tày học bạn”; “Học ăn học nói, học gói học mở”; “Con thi trường học, mẹ thi trường đời”…).
Tự Nhiên Tồn Tại là phải thể hiện; muốn thể hiện thì phải phân định. Nhờ có phân định mà có thế giới chủ quan quan sát và đối tượng quan sát là thế giới khách quan! Không có quan sát thì không có nhận thức; không có nhận thức thì không có sáng tạo. Thế giới chủ quan cũng mang tính khách quan vì nó là bộ phận của thế giới ấy, ngược lại, thế giới khách quan cũng bị pha màu chủ quan vì nó bị “bao phủ” bởi quan sát chủ quan. Đó là chân lý! Chân lý đó dẫn đến hệ lụy là nhận thức chủ quan về cái khách quan và sáng tạo chủ quan theo cách khách quan, nghĩa là thế giới khách quan khi đã qua nhận thức sẽ không còn thuần túy là khách quan nữa; tất cả mọi sáng tạo chủ quan, muốn trở thành chân lý, muốn là thành tựu của trí tuệ đều phải phục tùng khách quan, phù hợp với khách quan và thuộc về thế giới khách quan. (Chúng ta “ní nuận” như thế có hợp “nôgic” không mà sao thấy “nộn” xộn, “núc” trong “núc” ngoài, “nung” tung quá!!!???).
Nhận thức và sáng tạo là hai giai đoạn (được phân chia hoàn toàn mang tính tương đối) của một quá trình nhận thức: trong nhận thức có sáng tạo và trong sáng tạo có nhận thức; là hai tương phản, chuyển hóa nhau trong hoạt động tư duy: ở giai đoạn đầu nhận thức là cơ bản, nổi trội, thì ở giai đoạn sau, sáng tạo trở nên lấn át, rõ ràng hơn. Kiến thức là kinh nghiệm được đúc kết và do đó cũng chính là kinh nghiệm. Kiến thức là nhận thức đã được chiêm nghiệm, đã được thừa nhận nên nó cũng là một bộ phận của nội dung nhận thức. Có thể gọi kiến thức là “kinh nghiệm tổng hợp” hay “nhận thức của quá khứ”. Nhưng chúng ta cứ gọi cho gọn là “kinh nghiệm”, vì xét cho cùng một nhận thức, khi đã được thừa nhận sẽ thành nhận thức ở quá khứ, trở thành cơ sở cho nhận thức ở hiện tại, nghĩa là nó đã chuyển thành kinh nghiệm. Do đó quá trình nhận thức là nhận thức và nhận thức lại; là nhận thức kinh nghiệm, trên cơ sở kinh nghiệm đó mà nhận thức hiện tại, tạo tiền đề cho sáng tạo tương lai. Quá trình nhận thức thực ra không suôn sẻ, “đầu xuôi đuôi lọt” như thế, mà là vì kinh nghiệm thì có đúng có sai, có đúng ít có đúng nhiều, lúc phù hợp lúc không còn phù hợp nữa, nên quá trình đó đầy lận đận gian lao, và hơn nữa vì có tính chất “tiến hóa thích nghi” nên nó vừa là tiến trình từ thấp lên cao vừa gồm những chu trình phát triển tương tự nhau từ quan sát - rút kinh nghiệm - nhận thức - sáng tạo nên trông có vẻ như đó là quá trình tiến dzích dzắc nếu nhìn ở góc độ chi tiết và có quĩ đạo xoắn trôn ốc nếu nhìn trên bình diện tổng quan.
Rốt cuộc, một cách hoàn toàn tự nhiên, có nguồn gốc từ chân lý khách quan, được hun đúc từ quá trình tiến hóa thích nghi, trí năng con người đã thực hiện vẻ vang sứ mạng của mình là làm nên tri thức trác tuyệt ở con người và đồng thời quá trình hình thành nên tri thức trác tuyệt ấy đã nâng trí năng lên tầm siêu phàm, kỳ diệu.
Chúng ta xin nhấn mạnh; nếu giả sử loài người, hiện nay, do một biến cố nào đó mà “quên béng” tri thức đi thì trí năng của họ chưa chắc hơn gì trí năng của người cổ đại, nhưng ở thời cổ đại, trí năng con người không thể đùng một cái mà nghĩ ra được thuyết tương đối rộng của Anhxtanh. Nếu không có tri thức “tiên thiên” đã tiếp thu được ở trường Đại học tổng hợp Kênisbéc và học vấn đúc kết được của hàng chục năm hoạt động khoa học trong thực tế, chắc rằng Kant sẽ không thể sáng tạo được học thuyết triết học “duy tâm siêu niệm” của mình.
Khi sáng tạo ra thế giới vật tự thân, Kant khẳng định rằng thế giới đó là bất khả tri đối với con người. Điều đó có đúng không? Không thể khẳng định hay phủ định được. Chúng ta không trả lời câu hỏi ấy, tuy nhiên, sẽ nói về quan niệm riêng của mình.
Có thể phân chia thế giới thành hai hay nhiều thế giới. Nhưng đó là việc làm mang tính chủ quan và tương đối. Khi làm cái việc phân chia ấy, chúng ta đừng quên rằng chỉ có một thế giới là chân thực một cách tuyệt đối, đó là cái thế giới đầu tiên, bao gồm toàn bộ các thế giới có được từ sự phân chia. Các thế giới có được từ sự phân chia chỉ là hình ảnh, là bộ phận của cái thế giới đầu tiên, chân thực tuyệt đối. Và điều quan trọng nhất là không bao giờ được quên tính thống nhất tuyệt đối của cái thế giới duy nhất, chân thực tuyệt đối ấy trong suốt quá trình suy tư, chiêm nghiệm của mình.
Sự phân chia thế giới của con người là mang nặng tính chủ quan con người, nhưng chỉ là “mang nặng” thôi vì khách quan mà nói thì cũng có sự phân định ấy. Khi sự phân chia là hợp lý, phù hợp với sự phân định khách quan thì bản thân sự phân chia cũng mang tính khách quan. (Chẳng biết nói thế nào cho đạt hơn được nữa dù biết rằng chưa đạt! Khái niệm thật là hữu hạn, rời rạc và siêu hình!!!).
Thế giới khách quan của con người là phần biểu hiện của Tự Nhiên Tồn Tại mà con người quan sát được bằng cảm giác, tri giác, bằng công cụ, thiết bị hỗ trợ, bằng tri thức, suy tưởng, chiêm nghiệm…, hay nói gọn lại: quan sát và nhận thức được. Tùy vào trình độ quan sát và nhận thức mà thế giới khách quan ấy nông, hẹp hay sâu rộng, biến dạng nhiều hay ít, giống nhiều hay ít so với Tự Nhiên Tồn Tại. Trước đây thế giới khách quan của con người chỉ ở dưới “gầm trời”; có khi là hợp thành của ba thế giới: Trần Gian, Thiên Đường và Địa Ngục, có khi chỉ là hai: Trần Tục và Niết Bàn. Sau đó, xuất hiện một thế giới khách quan rộng hơn là Thái Dương Hệ với Trái Đất là trung tâm, Mặt Trời và các hành tinh quay quanh, trong một cái phông “gắn” các vì sao… Ngày nay, nhờ khoa học tự nhiên, nhất là vật lý học và thiên văn học, thế giới khách quan của người, trong tri thức khoa học đã sâu rộng đến không ngờ mà về qui mô, đã “gần bằng” Tự Nhiên Tồn Tại: đó là Vũ Trụ gồm hai bộ phận vi mô và vĩ mô (nói là “gần bằng” để mai này nếu có phát hiện ra Vũ Trụ của chúng ta chỉ là bộ phận của một Vũ Trụ khác lớn hơn nó nữa, thì chúng ta sẽ đỡ bị “quê”!).
Chúng ta luôn trực tiếp tiếp cận với Tự Nhiên Tồn Tại theo cách đặc thù mà chính Tự Nhiên Tồn Tại, thông qua bộ phận của Nó, đã ban cho chúng ta (nếu có lần nào đó chúng ta đã nói ngược lại thì xin lỗi vậy!). Nhưng chúng ta không thể nhận thức được trực tiếp Tự Nhiên Tồn Tại mà phải thông qua thế giới khách quan, trên hệ thống khái niệm của mình (cũng được rút ra một cách chủ quan từ thế giới ấy).
Quá trình tìm hiểu thế giới khách quan làm cho trình độ quan sát và nhận thức ngày càng sắc xảo và đúng đắn, đồng thời thế giới khách quan cũng ngày càng sâu rộng và sáng tỏ, thấu suốt và chân xác hơn. Đến một lúc nào đó (tràn trề hy vọng lắm lắm!) con người, khi đã đến trạng thái “thần minh” nhờ có “vạn linh tâm”, “thuận phong nhĩ” và “thiên lý nhãn”, sẽ nhận thức được trọn vẹn cái thế giới khách quan mà bấy giờ đã như một bức ảnh chụp sắc nét, hay đúng hơn là một hồ sơ đầy đủ của bộ ảnh cắt lớp về Tự Nhiên Tồn Tại. (Có lẽ nói ảnh chụp là hơi quá mà nên nói là hình vẽ khéo léo của con người thì hợp hơn!).
Chúng ta thấy điều thú vị này: thế giới khách quan thuở ban đầu toàn khách quan mù tịt, khi con người bắt đầu suy nghĩ về nó, nó bắt đầu le lói một vài chủ quan sáng tỏ, tiếp tục suy nghĩ, chủ quan dần rạng rỡ để chỉ còn một vài khách quan mù tịt, suy nghĩ nữa, chủ quan lại hóa ra mù tịt và bắt đầu có nhen nhúm khách quan sáng tỏ, suy nghĩ đến tột cùng thì chủ quan chỉ còn không đáng kể để tràn ngập rạng rỡ khách quan. Thế rồi tiếp theo? Loài người chắc gì còn tồn tại mà nói về điều đó?!
Như vậy con người luôn tiếp xúc với Tự Nhiên Tồn Tại nhưng không bao giờ có thể “thấy” được Nó một cách tổng thể; có thể nhận thức được Tự Nhiên Tồn Tại (khả tri!) bằng cách phán đoán thông qua việc nhận thức trọn vẹn trực tiếp thế giới khách quan. Một câu hỏi đặt ra là: nhận thức trọn vẹn, đúng đắn thế giới khách quan đã là chân lý cuối cùng mà nhận thức cần đạt đến chưa? Và câu hỏi tiếp theo là: chân lý ấy có đồng thời là chân lý về Tự Nhiên Tồn Tại không? Đối với những cái đầu “rực rỡ” hoang tưởng thì đó là hai câu đố… quá dễ! Thế giới khách quan hiển hiện ra trước con người là của con người. Đó là một miền tự nhiên hoang vu nhưng con người đã khai phá, đặt mốc, cắm cờ, vạch dấu, ký hiệu và định nghĩa nó, rồi gieo trồng, gặt hái thu hoạch từ nó (giống như Mặt Trăng, chỉ mới cắm cờ, quăng mốc lên đó, chưa kịp làm ra phương tiện lưu thông thuận lợi nào đi từ Trái Đất đến đó, mà người ta đã ra công chứng xác nhận chủ quyền, “xẻ thịt” mua đi bán lại rầm rộ gần hết đất trên đó rồi. Thật hết biết!). Như vậy con người có quyền nhận thức nó. Nhưng con người nhận thức nó cho ai và để làm gì? Chắc chắn là nhận thức không phải cho loài hổ hay loài kiến chẳng hạn; không phải cho sao hỏa, Mặt Trời chẳng hạn, mà cho chính bản thân con người. Con người nhận thức cho bản thân mình để mục đích đầu tiên là phục vụ sinh tồn, rồi để muốn thỏa mãn sự tò mò tọc mạch vốn có của quan sát, để thỏa niềm si mê trước cái kỳ vĩ, để… nói chung là còn nhiều “để” nữa, nhưng gút lại là, hơi thô thiển nhưng có lẽ “hay” nhất, để tìm danh kiếm lợi cho mình và cả cho mọi người. Khi nhận thức đã đạt đến đầy đủ, trọn vẹn và minh xác về thế giới khách quan rồi, đã là một chân lý sáng ngời của con người rồi thì cần gì hơn thế nữa, vì thực ra đó cũng là chân lý về Tự Nhiên Tồn Tại theo cách biểu đạt của con người và trở thành tiên đề cuối cùng, không thể chứng minh, cũng không thể suy luận: tiên đề của mọi tiên đề. Nhưng biết đâu cái tiên đề ấy lại chưa phải là tiên đề mà chỉ nói lên giới hạn của nhận thức con người? Để trả lời câu hỏi này thì cần phải biết chờ đợi và chờ đợi. Chờ đợi cho đến khi nào “lùng” ra được một “ông bạn” đâu đó trong Vũ Trụ, ở tầng qui mô khác, có một cấu trúc cơ thể khác hẳn chúng ta và do đó cũng “sở hữu” một thế giới khách quan khác hoàn toàn cái của chúng ta. Giả sử rằng ông bạn đó đã nhận thức được hoàn hảo thế giới khách quan đó và cũng đúc kết thành một chân lý mang tính tiên đề. Nếu sau khi phiên dịch (chắc là khó khăn mệt mỏi lắm!), hoặc dùng phép qui chiếu kiểu gì đó, mà hai chân lý của hai thế giới khách quan trùng nhau về nội dung thì lúc đó, cả chúng ta và “ông bạn” sẽ cùng ca khúc khải hoàn vì tính tiên đề của hai chân lý đã được chứng thực và rõ ràng, hai chân lý đó là hai cách phát biểu của một chân lý duy nhất, và là tiên đề cuối cùng, cơ bản nhất, bao hàm nhất của Tự Nhiên Tồn Tại.
Chắc rằng Kant sẽ không đồng thuận được cái quan niệm “tự nhiên chủ nghĩa” vừa rồi mà chúng ta đã sáng tạo. Nhưng bản thân cuộc đời khoa học của Kant đã đủ xác định mức độ chân lý của học thuyết tiên nghiệm mà Kant đã sáng tạo ra. Dù sao đi nữa, Kant vẫn luôn là một câu chuyện rất hay và bổ ích về sự suy tư triết học, trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Đọc học thuyết của ông, chúng ta có một ám ảnh lạ lùng. Chúng ta cứ thấy lởn vởn thấp thoáng trong đó hình bóng Đức Chúa Jêsu hát vang bài ca Đức tin, hình bóng Platon chập chờn trên vách hang kể say sưa câu chuyện về ý niệm, hình bóng Đức Phật Thích Ca tay lần tràng hạt, lim dim giảng dạy về cõi tạm vô thường và Niết bàn vĩnh cửu, hình bóng của Lão Tử phong phanh áo vải thô, trầm mặc ngồi viết Đạo đức kinh. Hình như học thuyết triết học của Kant là điểm hội tụ của các phương chiều “đồng sàng dị mộng” trong quá khứ ấy!...
***
Nhớ lại thời thanh niên, chúng ta vẫn thường theo anh em bốc vác để kiếm tiền tiêu thêm vì đồng lương thời đó, ôi thôi, ít vô cùng và bị gọi đích danh là “đồng lương chết đói”. Chúng ta nhỏ con và hồi đó còn non nớt thư sinh lắm nên được anh em thượng luôn cho chúng ta vào vai đứng đếm (tiền chia đều như nhau). Nhất là anh chàng tổ trưởng tổ bốc xếp, luôn luôn bênh vực chúng ta nếu có ai đó tỏ ra cự nự: “Nó yếu quá, thấy nó vác mà phát mệt. Với lại nó có học, cho nó đứng đếm là đúng rồi!”. Một anh chàng hồ hởi, hay hò hát và rất quí chúng ta. Thế mà anh ta lại chết quá đột ngột ở tuổi đời còn rất trẻ. Thật là tiếc thương! Sau này, mỗi lần nhớ lại khuôn mặt linh hoạt và hay cười ấy, lòng chúng ta lại ỉu xìu, phiền muộn. Trái đất này khốn khổ có lẽ một phần vì nhiều con người tài năng và tốt bụng chết quá sớm!
Mỗi lần đứng đếm, chúng ta lấy phấn ra, bắt chước ông trọng tài khi xưa, vạch lên đâu đó những hàng ô vuông gạch chéo, chẳng bao giờ lầm lẫn. Anh chàng tổ trưởng khoái ra mặt: “Cái “vụ” này hay thiệt đó nha!”.
Chúng ta cũng khoái vì vẫn còn nhớ và áp dụng cách “điểm quân” đơn sơ nhưng “khỏe cả người” ấy: không cần nói, không cần nhẩm, không cần tính toán, không cần nhớ, không cần nghe; chỉ cần nhìn đừng bỏ sót và… vạch. Khi việc bốc vác đã xong, để tổng kết lại, chúng ta đếm một cách hồn nhiên như… chơi trốn tìm: năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm, ba mươi… một trăm”, rồi đánh dấu lại, tiếp tục đếm như thế và cứ thế cho đến kết quả cuối cùng; chẳng hạn: “một trăm, hai trăm, ba trăm… anh em ơi, chúng ta vác được hai trăm ba mươi tám bao!...”.
***
Cha của chúng ta là một người lính thợ đã từng qua hai cuộc kháng chiến, đã từng có mặt ở mật trận Lào, Campuchia, đã từng vào Nam ra Bắc, nhưng chủ yếu là phục vụ trong binh đoàn đảm nhiệm việc:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(Thơ Tố Hữu)

Nước nhà giải phóng được vài năm, ông xuất ngũ; “về vườn” theo đúng nghĩa đen. Trong cái thời buổi mà đời sống quá ư hạn hẹp, thiếu thốn ấy, ông đã hành động mà cả bạn bè chiến hữu lẫn bà con họ hàng của ông đều ngỡ ngàng, cho là ngược đời. Có người hỏi: “Vì sao?”, ông cười vang, ồn ào: “Có được làm tướng cũng không thèm ở lại huống hồ là vài ba đặc quyền đặc lợi nhỏ nhoi; “đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”, nhưng bây giờ hết mẹ nó giặc rồi thì phải về thôi! Tôi là một tráng sĩ già và dốt, cả đời trong chiến tranh nên chỉ quen với công việc sống chết của chiến tranh chứ có biết làm gì khác đâu? Dù sao thì tuy chẳng xuất sắc gì, nhưng tôi cũng đã làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc, tạm gọi là đền xong nợ nước. Đã đến lúc vứt gươm xuống ngựa mà về thôi, về để… trả thù nhà!”. Và ông đã “trả thù nhà” thật! Hành động ấy của ông đã vô tình làm bản thân ông lâm vào khốn khó, làm cho gia đình ông chịu nhiều thiệt thòi vật chất nếu so với gia đình của nhiều chiến hữu, nhưng chắc chắn rằng ông chẳng bao giờ mảy may nhận ra điều đó.
Hơn chục năm sau thì cha của chúng ta “trở chứng”. Chúng ta cấp cứu ông vào bệnh viện dù chưa biết rồi đây lấy tiền đâu mà lo chữa chạy nhưng phải cứu cái đã! Chúng ta nói với bác sĩ:
- Thưa bác sĩ, bệnh tình của ông thế nào ạ? Mong bác sĩ cố cứu giúp dùm!
Vị bác sĩ nhìn chúng ta, không, hình như là nhìn bộ quần áo công nhân bạc thếch và lấm lem của chúng ta như cách nhìn của ông thợ may thì đúng hơn, rồi chậm rãi nói:
- Ông già bị nặng lắm, đã hôn mê rồi. Nhưng có lẽ là còn khả năng. Chắc là phải nằm viện điều trị lâu, tốn kém tiền bạc lắm đấy!...
- Vâng, chúng tôi biết! Trăm sự nhờ bác sĩ. Chuyện tiền bạc chúng tôi lo được, có gì bác sĩ chỉ dạy dùm - chúng ta mạnh miệng nói thế.
Vị bác sĩ nhìn xuống có vẻ đăm chiêu, lẩm bẩm: “Chi phí nhiều lắm!...”. Khi rời ghế nhà trường vào đời, vì ngơ ngác không biết “chi phí” mà chúng ta đã bị phân bổ công tác một cách tréo ngoe, với thâm ý “đày đọa”. Hỏi ra mới biết nhiều người bị như thế: kẻ muốn làm việc cho Lạc Long Quân thì bị đưa lên phục vụ bà Âu Cơ, người muốn lên “hầu” bà Âu Cơ lại bắt xuống đầu quân cho ông Lạc Long Quân. (Mà cái “lũ ấy”, sau chiến tranh, ở đâu ra mà lắm thế! Trong chiến tranh ác liệt, có thấy mấy đâu? Lúc đó “chúng” trốn chui nhủi ở đâu nhỉ?!). Sự kiện đó đã đóng đinh vào tâm khảm chúng ta như một “kinh nghiệm đau thương”. Và chúng ta biết vị bác sĩ muốn gì!...
Chúng ta đang lựa tìm câu nói thích hợp nào đó để cho vị bác sĩ ngầm hiểu rằng chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận tất cả thì ông ta ngẩng lên, điềm đạm:
- Ông già có công với Cách mạng không? Nếu có chứng nhận, tôi sẽ lo giúp bớt được tiền viện phí…
Chúng ta đã thủ thế nhầm đối tượng!
Trong cái hoàn cảnh lo buồn ấy, có một cái gì đó dâng trào trong lòng, không biết có phải là niềm vui hay hi vọng không nữa, nhưng nhẹ hẳn người, làm chúng ta nhanh nhảu:
- Có, ông già ngày xưa là Quân Giải phóng mà, ổng còn có thẻ thương binh, cấp tá…
- Không chịu nói sớm… Thế thì tốt quá rồi còn gì! Phải đưa ông già qua bệnh viện quân đội ngay! 
Chẳng hiểu ất giáp gì, chúng ta nói khờ khạo:
- Vừa đưa đến đây lại đưa đi, như thế có sao không bác sĩ? Hay là cứ để ổng được điều trị ở đây vài ngày rồi tính sau, có được không ạ?
Nhớ lại, hình như vị bác sĩ hơi sững người:
- Tùy mấy anh thôi! Nhưng theo ý tôi thì nên chuyển sang đó ngay. Ở bên đó, họ có đầy đủ trang thiết bị hơn, đội ngũ bác sĩ cũng giỏi. Vả lại bác nhà sẽ được hưởng chế độ, hoàn toàn miễn phí… Tôi khuyên thật lòng đấy! Thế nào?...
Chúng ta lúng túng thật sự.
Thời đó chưa có taxi. Chúng ta chở cha mình đi cấp cứu bằng xích lô. Bấy giờ cứ nghĩ cha đang tình trạng như thế mà chở bằng xích lô lần nữa thì quá nguy hiểm, mà nếu nhờ xe bệnh viện thì chắc chắn là không đủ tiền, phải chạy đâu đó mượn thêm. Hơn nữa, nói là hơn mười phút chứ đến đó lại chờ lại đợi thì thật là tội nghiệp cho cha quá… Tóm lại là rối bời!
- Thuê xe bệnh viện tốn bao nhiêu hả bác sĩ?...
Ông ta vừa xua tay, vừa lắc đầu, cười nhẹ:
- Không tiền bạc gì cả đâu. Sẽ có xe cấp cứu của bệnh viện đưa đi, có một cô y tá đi theo, và các anh cho một người cùng đi… Chuyển nhé!... Rồi, để tôi lo… - vị bác sĩ đứng dậy, trước khi đi, còn nói - Mấy anh ra với bác nhà và chuẩn bị đi, xe cấp cứu đến tức thì bây giờ đấy… Qua bên đó ông già sẽ có cơ may nhiều hơn…
Cho đến nay, chúng ta chưa một lần gặp lại vị bác sĩ ấy. Đáng lý ra, khi xong việc, chúng ta phải biết ghé lại để chí ít cũng nói được một lời cảm ơn. Nhưng chúng ta đã quên khuấy mất điều đó. Có lẽ vì trong suốt thời gian sau đó, chúng ta tập trung lo chăm sóc cho cha và rồi cuối cùng cha cũng không qua khỏi được. Có lẽ cũng vì một sự kiện đau buồn khác nữa… Nhưng dù sao, chúng ta vẫn có lỗi trước một người hành nghề y theo lời thề của Hyppôcrát (Hyppocrates, 460 – 377 TCN, được coi là ông tổ ngành y - dược).
Chuyển sang bệnh viện quân đội, cha nằm ở khoa “hồi sức cấp cứu” được khoảng hai tuần thì mất. Thở máy hơn một tuần, cha đã có dấu hiệu hồi phục; các bác sĩ cũng như hộ lý ở đó đều phấn khởi. Buổi chiều trước ngày cuối cùng, có bác sĩ còn ra ngồi chơi với chúng ta, bảo: “Chắc chắn là sẽ qua được. Ông cụ khỏe ghê thật!”. Và chúng ta cười đáp lại: “Lính mà!”.
Thế mà chiều hôm sau thì cha đi! Người ta thay ống thở cho cha và giao công việc đó cho hai thanh niên thực tập. Hai người này khi rút ống thở cũ ra thì lại không đút được ống mới vào đúng vị trí. Họ luống cuống một hồi rồi một người chạy vội vào kêu bác sĩ trực hoặc trưởng khoa mà đến giờ chúng ta không còn nhớ rõ (nhưng tên vị bác sĩ tắc trách thì chúng ta không hề quên!).
Trong khi đó cha cứ rống lên ồ ồ như bò bị chọc tiết. Chúng ta đứng ngoài cửa sổ nhìn vào mà lòng xót xa, đau khổ đến tột cùng; mắt trừng trừng ráo hoảnh mà lệ thì xối xả đầy ngập cõi lòng.
Khi hai vị bác sĩ hối hả chạy được đến nơi thì không kịp nữa rồi. Họ làm đủ mọi cách cấp cứu nhưng than ôi linh hồn cha đã tức tưởi rời bỏ trần thế và không quay về được nữa!
Họ gắn lại ống thở, máy thở vẫn thở đều đều, nhưng da cha thì xuất hiện những tím tái. Cha đã chết ngạt!
Chúng ta thấy được tất cả, nghe được tất cả (tiếng họ thầm thì, tiếng họ hoảng loạn, tiếng họ la mắng nhau và cả tiếng im lặng nhằm che giấu lấp liếm sau đó nữa). Chúng ta có thể chất vấn, có thể la lối, có thể kiện cáo, nhưng không thể vì thế mà cứu được cha. Có thể họ tắc trách, có thể là sơ sảy nhưng chắc rằng lòng họ không bao giờ muốn xảy ra như thế, và họ còn có tương lai, nhất là hai anh chàng thực tập nọ.
Chúng ta hiểu hết tất cả để rồi im lặng và trước họ, còn ra vẻ như không biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng ta chỉ nói với người em trai của mình: “Thôi em ạ, âu cũng là số phần của cha như thế. To chuyện thì cũng đã rồi, chẳng ích gì nữa cả, chỉ tội họ thôi!”
Không bao giờ có thể quên được ngày hôm ấy! Chúng ta còn nhớ lúc đưa cha xuống nhà xác, ông già trông coi ở đó mặt đỏ như gà chọi, nói giọng tưng tửng: “Ông già này hên quá, là người đầu tiên khai trương hệ thống tủ đông lạnh!”
Chúng ta thì nhớ mãi nhưng chắc rằng những người tham gia làm ra sự kiện bi thảm đó đã quên từ lâu và có lẽ không một lần ân hận. Người ta thường nói đến tòa án lương tâm với cái nghĩa công minh của nó. Nhưng chúng ta không tin. Sự từng trải đã dạy chúng ta rằng rất ít những tòa án lương tâm có quan tòa, công tố tài giỏi, công tâm và đủ lòng dũng cảm. Thường là bên biện hộ giành thắng lợi. Cho nên nếu những người đó còn đôi khi nhớ tới thì sự kiện đó chỉ hiện ra như một kinh nghiệm đơn thuần về chuyên môn mà thôi…
Chúng ta còn rất nhiều kỷ niệm về người cha mà chúng ta hằng yêu quí, nể trọng. Ông là người xuề xòa, “vui đâu chầu đấy”, không phân biệt giai tầng, tuổi tác, cứ “hạp” là chơi, không định kiến. Sau giải phóng, lúc còn trong quân ngũ, cứ mỗi lần về quê, đi đâu thì đi, cha cũng dành thời gian đến nhà mấy “tay” sĩ quan ngụy khề khà rượu chè. Vài “phe ta” làm ở chính quyền, thấy vậy, chê trách. Cha “độp”: “Tao, mấy đứa mày, với chúng nó hồi nhỏ đều là bạn bè một lũ với nhau. Chỉ vì thời cuộc mà thành kẻ thù của nhau; gây nên cảnh nồi da xáo thịt. Cái thời cuộc ấy đã qua rồi, công tội thì cứ việc mà luận sao cho đúng, cho có tình chứ không lẽ lại vẫn cứ “nồi da xáo thịt”, không lẽ chỉ vì chính kiến, lầm lỗi của quá khứ mà không thể nối lại được nghĩa bạn bè khi xưa, nhất là bọn mình đã là người chiến thắng?...”. “Phe ta” độp lại: “Nhưng chúng nó rõ ràng là bán nước, cam tâm làm tay sai cho giặc…”. Cha cười: “Chúng mày nói thế thì kệ chúng mày! Hồn tao, tao giữ nhưng tao không thể bỏ chúng nó được! Trong chiến tranh, bắn giết nhau trên chiến trường là chuyện dễ tha thứ. Vô cớ đốt phá, vô cớ bắn giết, thì dù là ở thời chiến cũng nặng tội rồi. Có tội thì cứ xử, thậm chí là xử tử; xong thì thôi. Không nên thù ghét dai dẳng, chẳng lợi lộc gì cho sự hòa hợp cả, đôi khi lại là có tội vì đi ngược với truyền thống vị tha của dân tộc”…
Có lần cha con ngồi uống rượu, chúng ta hỏi vui: “Hồi đó, sao ba biết Cách mạng là đúng mà ba theo hả ba?”. Cha cười khà khà: “Nhỏ quá, có biết quái gì đâu! Thời “Nam Bộ kháng chiến” có đoàn Vệ quốc quân đến quê mình, đóng ở đó. Có một tổ ở nhà bà nội con. Họ hồn nhiên ca hát suốt ngày, vui lắm. Bà nội “úy lạo” đủ thứ cho họ. Làng xóm yêu quí họ, bà nội yêu quí họ, cứ xưng hô với nhau “má má con con” tối ngày. Vì lẽ đó mà ba cũng mến mộ họ và cũng vì lẽ đó mà một cách tự nhiên, ba cảm nhận rằng họ chiến đấu vì chính nghĩa. Thế rồi mặt trận vỡ, họ rút đi. Trong đoàn quân rút lui một cách chỉnh tề ấy có một người đánh trống. Nghe tiếng trống rộn ràng cứ ngày một nhỏ dần, đột nhiên ba vô nhà quơ vội bộ quần áo cuộn tròn lại, ra nói với bà nội con: “Con đi theo mấy anh đây, má ơi!”, rồi chạy vụt đi. Bà nội con gọi í ới. Bây giờ nghĩ lại thấy tức cười quá!”.
Cha “ực” thêm một tợp rượu, nói tiếp: “Lần đó, ngoài ba ra còn có năm đứa cùng xóm nữa, trở thành Vệ quốc quân. Ba tin rằng cả bọn, kể cả ba, đi theo Cách mạng không phải vì đã giác ngộ Cách mạng; chẳng biết tí gì về chủ nghĩa này nọ, chẳng hiểu tí gì về những từ đại loại như “vô sản”, “giai cấp”… thế mà cứ cắm đầu, cắm cổ chạy theo… kể cũng lạ kỳ!”
“Có lẽ tại ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ai cũng thích bay nhảy, hoặc có khi nhà nghèo, muốn thoát ly vì lính vệ quốc đã gây ấn tượng về cuộc sống đồng đội vui vẻ, lại được rày đây mai đó thỏa chí tang bồng…”. Chúng ta đưa ra nhận định.
Cha lắc đầu: “Nhà mình ngày xưa khá giả nhất nhì ở quê đấy; lúc nào trong nhà cũng thuê năm ba người làm mà lại…”
Bây giờ ngồi ngẫm lại, chúng ta đã hiểu điều mà cha nói: “Kể cũng lạ kỳ!” ấy. Đối với con người như cha, có thể cũng đúng một phần là tuổi trẻ thích bay nhảy. Nhưng chắc chắn cái nguyên nhân sâu xa, mang tính quyết định làm cho cha đột ngột chạy theo Cách mạng, nằm ở chỗ khác. Nếu không thấy được cái dung dị, trong sáng của nghĩa quân, không thấy được mối quan hệ quân - dân đằm thắm, không thấy được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, làng xóm, không nghe được những bài hát, những tiếng trống thúc giục hào hùng lẫm liệt của đoàn nghĩa dũng thì chắc gì cha đã đi theo Cách mạng, hoặc giả có đi theo thì có thể cũng chỉ một hai năm là quay đầu về vì khó mà chịu được những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mọi thứ, cũng như những hiểm nguy rình rập của đời người lính trong buổi đầu của cuộc kháng chiến. Thế mà cha đã đi, tình nguyện đi, vui vẻ đi ròng rã hơn 30 năm, qua hai cuộc kháng chiến “thần thánh”. Thế thì vì lẽ gì nếu không phải là vì lòng yêu nước?
Lòng yêu nước ấy có được là từ những câu chuyện kể, những lời dạy bảo, những hành động thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những anh hùng dân tộc, những bậc tiền bối có công với nước, của ông bà, cha mẹ, thầy cô. Nó được lưu truyền từ đời này tới đời khác và một phần đã ngấm dần vào xương tủy. Nhờ có lòng yêu nước đã sẵn ẩn chứa tiềm tàng trong tâm hồn, mà khi nghe và thấy những hiện tượng gợi nhớ như thế, tình cảm trước cảnh đất nước đang lâm nguy trong cha đã nổi dậy mãnh liệt, thúc giục ông chạy theo “tiếng gọi của non sông”.
Theo lẽ tự nhiên thì ở mỗi con người đều có tình yêu quê hương bản quán và từ đó mà cũng có tình yêu đất nước. Trong mỗi người Việt Nam cũng vậy. Không những thế, đó là một tình yêu nồng nàn được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm liên tục phải chống giặc ngoại xâm và trở thành truyền thống của cả một dân tộc.
Nếu mọi người Việt Nam đều có sẵn lòng yêu nước thì vì sao trong hai cuộc kháng chiến ấy vẫn cứ xuất hiện lực lượng gọi là “ngụy”, làm tay sai cho ngoại bang, cam tâm bán nước? Chỉ giải thích được điều tưởng như mâu thuẫn này nếu cho rằng con người Việt Nam ở trong cái lực lượng ấy cũng có lòng yêu nước. Tuy nhiên đối với giới chóp bu thì vì sự hận thù mù quáng nào đó, vì mù lòa trước lòng tham danh lợi không cưỡng được, cũng nhiều khi là vì bất đồng chính kiến đối với Cách mạng, và đôi lúc lại chỉ là sự bất mãn thông thường đã làm cho họ quan niệm khác đi về lòng yêu nước. Còn phần lớn đều là do tuyên truyền, ép buộc hoặc đơn giản là vì miếng cơm manh áo. (Thời Pháp thuộc, có một tầng lớp công chức đông đảo làm cho Pháp, hợp tác với Pháp. Không thể đánh đồng toàn bộ cái lực lượng ấy là không yêu nước, là bán nước được!). Trong chiến tranh, thanh niên trai tráng không thể đứng ở “cửa giữa”, mà hoặc là theo bên này hoặc đi với bên kia. Sự tuyên truyền đã tác động đến họ, hình thành nên chính kiến ở họ và đó cũng là một nguyên nhân làm cho họ phân hóa. Dù là lực lượng bên này hay bên kia thì khi tuyên truyền đều phải đề cao lòng yêu nước vì đó là chính nghĩa, là tình cảm của đại chúng.
Nhưng lòng yêu nước sẽ phải hiểu khác đi ở mỗi lực lượng. Một lực lượng, dù có sai trái đến mấy, có phản động đến mấy thì cũng không ngu dại gì mà tự nhận mình là bán nước. Tuy nhiên sự đúng sai của một quan niệm về lòng yêu nước sẽ được thể hiện ra ở hành động thực tiễn, được đánh giá bởi đại bộ phận dân chúng, thậm chí là phải đợi đến đánh giá của hậu thế…
Chúng ta cho rằng cha đã hành xử đúng. Trong bất cứ trường hợp nào không phải là chiến đấu trực tiếp một mất một còn thì tình yêu thương con người phải được đặt lên hàng ưu tiên để mà cân nhắc, quyết định. Và tình yêu thương con người ấy phải trùng khớp với tình yêu đồng loại mà Đại Chúng quan niệm.
***
Cái sáng kiến đếm bao bằng hình vuông gạch chéo làm chúng ta thầm thích thú thực sự. Một lần, chúng ta khoe với cha. Tưởng sao, ông nói làm chúng ta chưng hửng: “Thời của ba toàn làm thế, ai mà không biết! Còn một cách nữa cũng rất hay. Hồi ở Trường Sơn, để tránh sự đánh phá ác liệt bằng máy bay của địch, từng đoàn xe chở súng đạn, quân trang quân dụng vào chi viện cho chiến trường hầu như phải chạy đêm. Mỗi lần có một đoàn xe qua binh trạm, đều phải đếm số lượng xe để báo cáo với cấp trên. Trong đêm tối và phải hạn chế tối đa ánh sáng đèn đóm thì việc ghi chép rất phiền phức, đôi khi là không thể. Người ta đã nghĩ ra cách đếm rất hay là “bẻ que”, nghĩa là lấy nứa chẻ sẵn một bó giống như lạt buộc nhưng dày hơn một chút; khi có đoàn xe thì lấy một “sợi” ra, mỗi xe qua thì bẻ gập một đoạn, cứ thế bẻ qua bẻ lại dích dắc, hết sợi này đến sợi khác; sau đó chỉ việc đếm các vết gấp ấy là có kết quả …”
Lúc đó, ngồi nghe cha kể mà mắt chúng ta cứ trố ra. Một cách cũng thật là đơn giản mà quá hay! Cha còn nói cách đó là sáng kiến rút ra được khi thấy một số người Thượng vẫn dùng dây thắt nút để lưu nhớ một cái gì đó, một sự việc gì đó, chẳng hạn như số voi, số gà…
Từ việc nhớ lại lần trò chuyện đó với cha, chúng ta liên tưởng ngay đến tục thắt nút thời Trung Hoa sơ sử. Không biết giữa hai hiện tượng “thắt nút” cách nhau đến năm, sáu ngàn năm và có lẽ hơn cả từng đó ngàn cây số, có mối liên quan gì không nhỉ?
Có những kinh nghiệm từ thời cổ đại, trong một hoàn cảnh nào đó của thời nay, việc ứng dụng chúng vẫn đem lại những kết quả hữu hiệu không ngờ. Phải chăng đó cũng là điều kỳ lạ?.



Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG