THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 23/a

PHẦN III: NGUỒN CỘI



PHẦN III:     Nguồn cội

“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
.


CHƯƠNG I: TỔ TIÊN

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”
Lương Khải Siêu

Nếu Hà Đồ - Lạc Thư thật sự đã từng hiện hữu như một cuốn sách đá thì có thể cho rằng đó là một đúc kết thành tựu về nhận thức thế giới khách quan của một nền văn minh trước đó trên lãnh thổ Việt Nam thời cổ nói riêng và của cả khu vực Đông Nam Á nói chung. Có thể rằng người Lạc Việt đã sáng tạo ra nó nhưng phải trên cơ sở những kiến thức, những quan niệm đã trở thành ổn định và phổ biến trong cộng đồng các tộc người ở khu vực có qui mô nào đó. Hơn nữa, cần nhận định thêm rằng vào thời gian bộ sách đá đó xuất hiện thì chức năng toán học của nó (của Hà Đồ) đã không còn tác dụng trong thực tiễn tính toán nữa, mà chỉ còn như một câu chuyện đẹp đẽ về quan niệm lưỡng phân, lưỡng hợp, về sự tích hình thành trời - đất của tổ tiên (của con người thời ấy!) truyền lại. Biết đâu chừng người Hoa Hạ và người Lạc Việt đã từng có một tổ tiên chung trong tối sử xa xôi và mỗi tộc người đều mang một nửa dòng máu của tổ tiên ấy?

Sự xuất hiện phương thức kiếm ăn bằng trồng trọt - chăn nuôi và hạt lúa nước đã làm cho các bầy đàn người nguyên thủy quần tụ lại, chuyển sang lối sống định cư lâu dài. Từ đó mà hình thành nên những cộng đồng đông đúc dân cư trên một khu vực lãnh thổ rộng lớn tạo tiền đề cho những trung tâm văn hóa, văn minh ra đời. Điều kiện sống ngày càng được cải thiện tất yếu dẫn đến sự phát triển nhanh về dân số và do đó làm xuất hiện hiện tượng di cư lan tỏa đến những vùng đất mới (có thể là tương đối khắc nghiệt hơn về khí hậu, về thổ nhưỡng mà “trước đây” khó định cư được nhưng “bây giờ”, nhờ trình độ canh tác đã phát triển nên có thể định cư lâu dài được?). Sự tích tụ bầy đàn và phân tán cộng đồng đã là nguyên nhân chính làm hình thành nên những hình thái như bộ lạc, thị tộc, tộc người, dân tộc cũng như đất nước, lãnh thổ. Quá trình đó là đa tạp, đa chiều, thường xuyên, như chuyển hóa nội tại của một cơ thể sống động, mang đầy đủ những yếu tố như đổi mới, mất đi, xuất hiện…
Cũng như sự sống thực vật, sự sống động vật xuất hiện ở môi trường đại dương, và theo sự lan tỏa của sự sống thực vật, sự sống động vật cũng lên cạn, theo rừng “hành quân” ngày một sâu vào lục địa, lên đến tận những đỉnh núi cao; lúc đầu là lết, là bò, là đi, rồi sau là chạy, nhảy, leo trèo và...bay. Rồi cũng xuất hiện quá trình ngược lại, quay về sống với biển cả, sống trong lòng biển cả. Tiến hóa là quá trình tất yếu nhằm thích nghi với sự luôn thay đổi của môi trường để sinh tồn. Sở dĩ có nhiều hướng, nhiều cách thức thích nghi là do tính đặc thù của môi trường và cũng có nguyên nhân từ sự kế thừa tính trạng đã định hình của từng giống loài. Nhưng nói chung, chiều hướng thích nghi là đi từ thụ động, tự phát lên chủ động, tự giác thích nghi. Quá trình đó làm nảy sinh sự suy nghĩ và sự suy nghĩ làm cho sự chủ động, tự giác thích nghi trở thành hiện thực. Trong số các giống loài thì có một loài hội đủ những điều kiện tiền đề để mau chóng vượt lên trước, thích nghi với môi trường bằng cách suy nghĩ, và loài người hiện ra từ đó; Có thể hình dung rằng sự xuất hiện con người là kết quả của sự phát triển số lượng thái quá của một loài đã quen với đời sống trên cây, làm cho sinh thái của môi trường chúng sống bị mất cân bằng nghiêm trọng, một bộ phận lớn phải “di cư” xuống, trở lại sống trên mặt đất để tìm thêm nguồn thức ăn mới, loại thức ăn mới (thịt động vật khác). Việc vừa phải kế thừa tính trạng, hình thức cơ thể có sẵn vừa phải thích nghi với điều kiện sống mới đã buộc chúng, không còn cách nào khác là phải suy nghĩ, phải “khôn” hơn những giống loài khác vừa to, vừa nhanh, vừa hoạt động thuần thục trên mặt đất hơn chúng nhiều.
Có thể nói rằng quê hương của loài người là rừng rú. Khi con người đã có được những kỹ năng mới trong việc tìm kiếm thức ăn vừa trên cây vừa trên mặt đất trong rừng rú thì sẽ có sự phát triển nhanh về số lượng. Sự ngày càng đông đúc của bầy đàn lại dẫn đến mất cân đối giữa lượng thức ăn cần có và nguồn thức ăn ngày càng cạn kiệt đi, không đủ đáp ứng. Cuộc đấu tranh giành giật thức ăn trong nội bộ loài là không tránh khỏi. Mạnh thì được còn yếu phải thua và đám “yếu phải thua” ấy phải ra đi tìm những khu rừng mới. Sự lang thang bầy đàn đầu tiên của loài người là cuộc trường chinh bất tận đi tìm rừng, dọc theo các trục là những dòng suối, dòng sông và dần dà ra tới biển cả. Khí hậu ôn hòa của những vùng nhiệt đới ven biển cũng như nguồn thức ăn dồi dào của biển đã là những điều kiện thuận lợi cho con người tự lập sống “quanh quẩn” ở đó, “chờ” sự trồng trọt chăn nuôi trở nên chín muồi làm đột biến phương thức kiếm ăn để định cư lâu dài, hình thành nên những cộng đồng dân cư mà trong đó có một cộng đồng phát triển vượt trội thành nền văn minh đầu tiên của loài người. Đó chính là Địa Đàng! Có thể nói loài người xuất xứ từ rừng rú nhưng văn minh loài người là có xuất xứ từ biển, hay cụ thể là từ Địa Đàng mà ven biển Đông Nam Á và ven biển Nam Mỹ là những “bàn đạp” của sự lan tỏa văn minh đầu tiên. Từ những vùng ven biển trù phú nhưng cũng chỉ có hạn độ, dưới áp lực của sự phát triển đôi khi là bùng nổ của số lượng cư dân mà xuất hiện quá trình di cư của từng bộ phận người, mang theo những kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi tiên tiến vào sâu trở lại lục địa, cũng chủ yếu là theo dọc các con sông, các nguồn nước tối cần thiết cho đời sống cũng như cho sản xuất nông nghiệp. Đó là quá trình có đi có về, có ngược có xuôi, giao lưu đa chiều.
Như vậy, sự xuất hiện hay mất đi của một tộc người, một dân tộc, nếu loại trừ những yếu tố bên ngoài như thiên tai, đột biến gay gắt quá mức của môi trường sinh thái hoặc những yếu tố bên trong tạm gọi là nhân tạo như chiến tranh, diệt chủng, tự hủy hoại mình, thì còn lại là kết quả của các quá trình đan xen giữa tập trung và phân tán, giữa đồng hóa và dị hóa của các tập đoàn người. Phải cho rằng một dân tộc hay thậm chí là một con người là sản phẩm chung của loài người, của thế giới, vừa là sản phẩm riêng của thời đại và có tính bản thổ.
Khảo cổ học đã ghi nhận sự có mặt của loài người nguyên thủy tại khu vực gồm ven biển và đảo biển phía Đông - Nam Châu Á là rất sớm và quá trình chuyển biến từ vượn thành người ở đây là trực tiếp và liên tục. Điều đó cũng như nhiều di tích khảo cổ khác nữa đã giúp chúng ta hình dung được một nền văn hóa bản địa có cội nguồn chung từ thời xa xưa cổ đã từng được hình thành và tồn tại ở khu vực này. Nếu thực sự đã từng có một Địa Đàng và Địa Đàng đó đã bị tiêu diệt trong một thảm họa thiên nhiên thì nền văn hóa đó chính là tàn dư, là những gì còn lưu lại được của một nền văn minh trước đó - văn minh Địa Đàng. Trên nền tảng văn hóa này, chắc rằng đã xuất hiện tiếp một nền văn minh kế thừa, lan tỏa khắp khu vực để rồi xuất hiện một khu vực nổi trội, cực thịnh, với một cộng đồng người năng động và dũng mãnh. Khu vực đó có thể là vùng đông nam Trung Quốc, nơi hội tụ, giao lưu và đồng hóa các giống người di cư từ phương bắc, xa xôi trong lục địa xuống, từ phương nam, vùng Đông Dương lên và còn có thể là từ phía tây sang; cộng đồng người đó trong quá trình định cư, sống đan xen nhau, giao hòa nhau ở thời kỳ đầu phát triển đã là thủy tổ của một cộng đồng các tộc người mà sau này có tên gọi chung là Bách Việt.
Mặt trái của sự phát triển văn minh thời cổ đại là tự phát làm mất cân bằng sinh thái, khi đã đạt đến cực thịnh thì đồng thời cũng xuất hiện nguy cơ mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng. Quá trình lan tỏa ra xung quanh của một nền văn minh đang phát triển trở thành một cứu cánh tất yếu. Sự mất cân đối ấy, khi chưa đạt đến gay gắt thì sự lan tỏa cũng “nhẹ nhàng”: đi trao đổi sản phẩm thiết yếu, đi định cư ở những vùng đất mới của những nhóm người; nhưng khi nó đạt đến độ gay gắt, đe dọa đến tồn vong của từng bộ phận người, từng con người thì chỉ có thể là chiến tranh; nội chiến tương tàn làm xuất hiện hàng khối người lũ lượt di cư; tổ chức những cuộc đi chinh phục, xâm chiếm lãnh thổ, tước đoạt của cải vật chất ở những khu vực dân cư khác, lúc đầu là những khu lân cận, sau thì ngày một xa hơn nếu khả năng còn cho phép…
Có thể rằng sau một quá trình chung sống và phát triển văn minh, thủy tổ người Bách Việt đã lan tỏa bằng con đường hòa bình theo hướng ngược lại với ban đầu đồng hóa với sắc dân bản địa, làm xuất hiện các dân tộc mới, trong đó có dân tộc Hoa Hạ và dân tộc Lạc Việt. Người Lạc Việt chính là tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam hiện đại.
Các nhà sử học, căn cứ vào di tích khảo cổ đã khai quật được kết hợp với tư liệu lịch sử, đều cho rằng cách đây khoảng trên dưới 5000 năm, ở một khu vực rộng lớn phía đông nam Trung Quốc đã từng có một quần thể các tộc người sống đông đúc. Những cư dân cổ xưa sống trong khu vực này đã có một nền văn hóa đặc trưng chung, có thể phân biệt được tương đối so với các dân tộc khác sau này, chẳng hạn so với văn hóa của người Hoa Hạ ở Trung Nguyên (vùng lưu vực sông Hoàng Hà ở Bắc, tới đời Chu thì lan tỏa tới lưu vực sông Dương Tử ở Nam). Đặc trưng văn hóa ấy thể hiện trên những di tích đồ đá, những hoa văn thể hiện trên đồ gốm. Sách cổ còn ghi lại những tập tục điển hình của người Bách Việt cổ như: cắt trọc tóc, xăm hình trên da, nhà ở kiểu treo (hay nhà sàn), và kiểu mai táng tạm gọi là sơn táng (để phân biệt với kiểu địa táng). Tất cả những tập tục ấy đều mách bảo về đời sống gắn liền với sông nước, ở vùng thường xuyên có lụt lội. Cắt tóc là để đi rừng, bơi lội cho tiện, tục xăm mình được giải thích là để khi xuống nước hù dọa, tránh thuồng luồng tấn công. Nhà ở giống chiếc cũi tre lơ lửng trên không, hay nhờ cột chống cao lên khỏi mặt đất là để tránh rắn rết, thú dữ mà cũng nhằm đề phòng lụt lội. Đặc biệt là hình thức sơn táng: người chết được quàn trong những quan tài là thân cây đục rỗng, đẽo gọt thành hình chiếc thuyền rồi đem treo lên vách đá dựng đứng (đối với quan sát ngày nay, việc đưa quan tài gỗ lên treo trên những vách đá như thế vẫn còn là một việc khó khăn huống hồ là thời kỳ đó và vì thế mà việc này vẫn còn là một bí ẩn!).
Một bộ phận tách ra từ người Bách Việt cổ, lan tỏa xuống phía nam, lấn lướt và đồng hóa với người Inđônêdiêng bản địa, phát triển dọc theo các sông lớn và chiếm hầu hết vùng đảo trung du Bắc Việt Nam, như Mê Linh, Tây Vu (Vĩnh Phú), Liên Lâu (Bắc Ninh), Thanh Hóa, Nghệ An và Đông Sơn (gần Hàm Rồng Thanh Hóa), làm hình thành nên một dân tộc gọi là Lạc Việt, tiền thân của dân tộc Kinh sau này.
Trong “Các Triều đại Việt Nam” (tác giả: Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng; NXB Thanh Niên, 1995) có viết (chúng ta tóm lược):
Theo truyền thuyết thì thủy tổ dân tộc ta là Kinh Dương Vương, hiện còn mộ táng tại làng An Lữ, Thuận Thành, Hà Bắc.
Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi lấy con gái bà Vũ Tiên, sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh, đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 TCN) và lấy con gái Thuần Long là Vua hồ Động Đình, sinh được một con trai, đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một cái bọc có trăm trứng, trăm trứng ấy nở thành trăm con trai. Một ngày, Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, không ở cùng nhau được”. Hai người bèn chia con ra ở riêng. Năm chục người theo mẹ lên núi, năm chục người theo cha về biển, chia nhau cai trị các xứ, đó là thủy tổ của người Lạc Việt. Người con trưởng trong số các con, theo mẹ lên Phong Sơn, được tôn làm vua gọi là Hùng Vương.
Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Vĩnh Phú), đặt tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính; đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ, gọi lần lượt là Văn Lang (Bạch Hạc, Vĩnh Phú), Châu Diên (Sơn Tây), Phúc Lộc (Sơn Tây), Tiên Hưng (Hưng Hóa - Tuyên Quang), Vũ Định (Thái Nguyên - Cao Bằng), Vũ Ninh (Bắc Ninh), Lục Hải (Lạng Sơn), Ninh Hải (Quảng Yên), Dương Tuyến (Hải Dương), Giao Chỉ (Hà Nội - Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình), Cửu Chân (Thanh Hóa), Hoài Hoan (Nghệ An), Cửu Đức (Hà Tĩnh), Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị), Bình Văn (?).
Thời ấy, người Văn Lang lấy vỏ cây làm áo, bện cỏ làm chiếu, lấy nước nhựa cây làm rượu, lấy bột cây quang lang làm cơm (tức cây đao, thân to như cây cọ, thân cây có bột ăn được), lấy cầm thú ngư trùng làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Cày bằng đao, cắt bằng lửa, làm cơm nếp bằng ống tre, gác cây làm nhà sàn, cắt ngắn tóc để đi rừng cho tiện, khi có người chết thì lấy cối chày không ra mà giã để báo tin cho hàng xóm, trai gái lấy nhau chưa dùng trầu cau mà lấy phong muối làm đầu v..v….
Đời Hùng Vương thứ nhất, người nước Văn Lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị thuồng luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để thú dữ tưởng là đồng loại không làm hại nữa (tục xăm mình này đến đời vua Trần Anh Tông mới bỏ). Sử cũ cũng chép, thuyền của người Văn lang ở đàng mũi hay làm hai con mắt để thủy quái ở sông, bể trông thấy mà sợ.
Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng đơn giản, dưới hình thức liên minh các bộ lạc (15 bộ lạc mà bộ lạc mạnh nhất là Văn Lang) mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng và hình thành nên hình thức keo sơn giữa con người và lãnh thổ: Quê Hương. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thủy lợi, trao đổi sản phẩm, đấu tranh giữ gìn làng xóm, quê hương. Từ đó mà hình thành nên một khái niệm rộng hơn, thiêng liêng hơn QUÊ HƯƠNG, đó là: TỔ QUỐC.
Có hai truyền thuyết nổi bật của thời các vua Hùng còn lưu truyền đến ngày nay. Đó là “Phù Đổng Thiên Vương” và “Sơn Tinh, Thủy Tinh”
- Phù Đổng Thiên Vương:
Đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân rất hùng mạnh, kéo sang xâm lược nước Văn Lang. Nhà vua lo lắng, cho mời quần thần đến bàn kế phá giặc, rồi quyết định cho sứ giả đi rao khắp nơi, tìm người tài giỏi cứu nước. Lúc bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh có một nhà, do cầu ước mà sinh được đứa con trai, tuy đã lên ba tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói, chỉ nằm ngửa, không tự ngồi hay đứng được. Khi sứ giả đến gọi loa cầu hiền, cậu bé đó thốt nhiên nói được, xin mẹ cho mời sứ giả của nhà vua vào hỏi chuyện. Cậu bé nói sẽ đánh tan giặc, chỉ xin sứ giả về tâu vua đúc cho cậu một con ngựa sắt, một bộ giáp sắt và một thanh gươm sắt. Cũng từ hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng hết, dân làng vui vẻ góp gạo thổi cơm cho cậu ăn.
Khi nhà vua sai người đem ngựa sắt, giáp sắt và kiếm sắt đến cho cậu bé thì cũng đồng thời giặc Ân đã kéo đến núi Châu Sơn (Tiên Du, Hà Bắc). Cậu vươn vai vụt đứng dậy, nhảy lên lưng ngựa sắt và ra roi. Ngựa chạy đến đâu phun ra lửa đến đó. Cậu xông vào quân giặc, chém giặc như chém chuối, giặc chết như ngả rạ. Giữa chừng gươm sắt bị gãy, cậu nhổ bụi tre ven đường làm vũ khí phá giặc…
Sau khi giặc Ân bị đánh tan tành, người anh hùng làng Phù Đổng phi ngựa lên núi Sóc Sơn, bay về Trời. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng. Chàng trai anh hùng đó được dân chúng xưng tụng là Phù Đổng Thiên Vương (hay còn gọi là Thánh Gióng). Hàng năm, đến mồng 8 tháng tư, làng Phù Đổng (cũng gọi là làng Gióng) mở hội vui lớn, tục gọi là hội Gióng.
- Sơn Tinh, Thủy Tinh:
Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái hết mực thương yêu, gọi là Mỵ Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Khi Mỵ Nương đã đến tuổi cập kê, nhà vua kén rể, muốn tìm người chồng xứng đáng cho nàng.
Có hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến và đều muốn hỏi Mỵ Nương làm vợ. Sơn Tinh ở núi Ba Vì, tài hoa tuấn tú khác thường. Chàng chỉ tay về Đông, phía Đông biến thành đồng lúa xanh, chỉ tay về Tây, phía Tây mọc lên dãy núi. Thủy Tinh cũng tuấn tú tài hoa không kém. Chàng ở bể Đông, gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Một người là chúa tể non cao, một người là chúa tể nước thẳm, cả hai đều vô cùng xứng đáng làm rể vua Hùng.
Vua Hùng băn khoăn không biết chọn ai, bèn phán: “Hai người đều vừa ý ta cả, nhưng chỉ có thể chọn được một người làm rể. Vậy, ngày mai, nếu ai dâng lễ cưới đến trước với đủ: một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì được rước dâu về”
Sớm hôm sau, Sơn Tinh đem đầy đủ lễ vật đến trước và được phép rước dâu về núi.
Thủy Tinh đến sau; thấy vậy, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp lại Mỵ Nương. Thủy Tinh hô mưa gọi gió làm thành dông, bão, sấm sét rung chuyển trời đất, nước sông dâng lên cuồn cuộn.
Sơn Tinh không hề nao núng, dùng rừng núi chặn dòng nước lũ. Nước dâng cao bao nhiêu, Sơn Tinh làm cho đồi núi mọc cao lên bấy nhiêu. Thủy Tinh đành chịu thua, rút quân về. Nhưng từ đó, Sơn Tinh và Thủy Tinh đâm ra thù ghét nhau. Không năm nào Thủy Tinh không làm mưa làm bão, gây nên nạn lũ lụt khắp vùng đồng bằng và trung du nước ta…
 ***
Có thể thấy rằng sự lan tỏa xuống phương Nam của người Bách Việt là một quá trình tương đối liên tục, từng đợt trong một khoảng thời gian dài nhất định (có nguyên nhân lúc đầu là do sự bất ổn nội tại gây ra và về sau là lực lượng dân cư ở Trung Nguyên mà lúc này đã là dân tộc Hoa Hạ lấn át trở lại?)
Chuyện xưa kể lại rằng có một bộ tộc, tục gọi là Âu Việt, đã đến Bắc bộ từ lâu, lớn mạnh dần. Người đứng đầu bộ tộc đó được gọi là Thục Vương. Thục Vương nghe tin Vua Hùng có người con gái đẹp tuyệt trần tên là Mỵ Nương, bèn sai người sang cầu hôn. Vua Hùng không thuận, không lấy được Mỵ Nương, Thục Vương đem lòng căm hận từ đó, di chúc cho con cháu đời sau thế nào cũng phải diệt nước Văn Lang của Vua Hùng. Đến đời cháu có tên là Thục Phán, mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang nhưng đều bị vua Hùng, nhờ có tướng sĩ giỏi, đánh bại. Vua Hùng nói: ta có sức thần, nước Thục không sợ hay sao? Từ đó đâm chủ quan, say sưa yến tiệc, sao nhãng việc binh bị. Bởi thế, khi Thục Phán lại bất ngờ tiến đánh lần nữa, vua Hùng trở tay không kịp, phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Nước Văn Lang mất.
Thục Phán dẹp yên mọi bề, tự xưng là An Dương Vương, đặt lại tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú), đó là năm Giáp Thìn (257 TCN).
Sự thịnh suy là quá trình không tránh khỏi và triều đại các vua Hùng cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc tranh hùng kể trên rất có thể trong thực tế là một cuộc nội chiến tranh quyền đoạt lợi.
Kết thúc thời Xuân Thu - Chiến Quốc, nước Tần thống nhất Trung Quốc và bắt đầu nhòm ngó xuống phương Nam. Năm 218 TCN, Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) huy động 50 vạn quân chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt, chiếm được một vùng rộng lớn (gồm Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) rồi tiến đánh Lạc Việt. Trước sức mạnh ban đầu của giặc, nhân dân Lạc Việt bỏ trốn vào rừng sâu, làm vườn không nhà trống. Quân giặc chẳng mấy chốc lâm vào tình trạnh thiếu thốn lương thực, mệt mỏi chán nản vì không quen khí hậu. Lúc này dưới sự chỉ huy của Thục Phán, lực lượng Lạc Việt tạm phân tán thời kỳ đầu mới tập hợp lại và xuất trận. Trong một trận kịch chiến, tướng giặc là Đỗ Thư bị quân ta giết chết. Mất chủ tướng, quân Tần hỗn loạn tháo chạy về nước. Như vậy là sau khoảng 5 năm kháng chiến, quân dân Lạc Việt, dưới sự chỉ huy của Thục Phán - An Dương Vương đã giành thắng lợi và bước vào xây dựng nước Âu Lạc hùng mạnh, tồn tại đến năm 43 TCN…
Về vấn đề Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc vào năm 208 TCN và gắn liền với nó là mối tình bi thảm Mỵ Châu - Trọng Thủy, chúng ta tin theo kết quả khảo cứu của giáo sư tiến sĩ (và cũng là thiền sư) Lê Mạnh Thát, là không phải sự thực lịch sử. Giáo sư không những chỉ ra rằng ngay cả trong những tài liệu lịch sử chính thống nhất của Trung Quốc như “Sử ký” của Tư Mã Thiên và “Tiền Hán thư” cũng không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương mà còn chỉ rõ ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam Việt bên Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước độc lập. Hơn nữa đất đai nước Nam Việt của Triệu Đà  chỉ là địa phận tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam và Quí Châu cũng như Quảng Tây ngày nay.
Nhưng vì sao nó vẫn tồn tại như một truyền thuyết lịch sử và lưu giữ dài lâu đến thế trong dân gian cùng với những “di tích” như giếng ngọc chẳng hạn? Theo thiển ý của chúng ta thì đó chỉ là một “phiên bản” đã bị bóp méo đi rất nhiều so với phiên bản đầu tiên và phiên bản đầu tiên ấy chính là truyền thuyết kể về sự kiện tranh hùng giữa Thục Phán và vua Hùng Vương mà chúng ta đã vừa trình bày.
Thế thì nói sao đây về Cổ Loa thành? Thành lũy Cổ Loa đã từng hiện hữu là một sự thực không thể chối cãi vì dấu vết của nó vẫn còn “rành rành” ra đó.
Để không mâu thuẫn với “thiển ý”, chúng ta phải đưa ra giả định rằng Cổ Loa thành, vì là một công trình với qui mô rất to lớn của nó đối với thời bấy giờ, nên không thể “ngày một ngày hai” mà hoàn thành được, nhất là trong điều kiện thiếu kinh nghiệm xây dựng trên nền đất yếu. Nó phải là thành quả được kiến tạo trong một thời gian tương đối lâu dài, tốn nhiều sức người sức của và vì vậy phải hiện hữu ngay trong thời đại các vua Hùng. Giả định đó là có cơ sở. Nếu đúng là năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng xua quân tràn xuống phương Nam để thôn tính Bách Việt thì sau bao nhiêu thời gian nữa, quân Tần mới đến được bờ cõi nước Âu Lạc? Thục Phán kháng chiến bao nhiêu năm mới đánh tan được quân Tần để giải phóng đất nước? Sử ghi: Triệu Đà huy động binh mã, bao phen toan chiếm lấy Âu Lạc nhưng đều thất bại. Cái “bao phen” ấy là bao nhiêu năm? Và sự kiện Triệu Đà chiếm được Âu Lạc vào năm 208 TCN cũng là đúng thì trong khoảng thời gian ngắn ngủi: 218 – 208 = 10 năm với bao nhiêu biến cố lớn lao xảy ra như vậy, Thục Phán xây thành lũy Cổ Loa vào lúc nào?
Chúng ta đều biết, theo truyền thuyết dân gian thì việc xây thành lúc đầu là rất gian nan, nhiều lần cứ xây là đổ, không ai biết làm sao. Sau nhờ thần Kim Qui hiện lên mách bảo, vua tôi thời ấy mới biết cách xây dựng tường thành. Theo những phát hiện khảo cổ thì vào thời ấy, tổ tiên chúng ta chưa có gạch nung. Bởi vậy thành Cổ Loa được xây dựng bằng đất có ngay tại địa phương theo kiểu đào đất khoét hào kết hợp đồng thời với dựng tường đắp lũy, mặt ngoài tường thành được tạo dốc đứng, mặt trong xoải ra. Người ta ước tính đất phải đào đắp là khoảng 2,2 triệu mét khối (m3). Ngày nay, khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, người ta thấy rõ chân thành được chẹn, kè bởi một lớp đá tảng, hòn nhỏ có đường kính khoảng 15 cm, hòn lớn khoảng 60 cm… Với dân số của cả nước Âu Lạc không quá một triệu người thì Cổ Loa thành quả là một công trình xây dựng đồ sộ với khối lượng đào đắp khổng lồ, đòi hỏi một lực lượng nhân công đông đảo. Dấu tích còn lại ngày nay đã cho phép các nhà khoa học xác định được rằng: Cổ Loa thành gồm ba vòng thành khép kín gọi là thành Nội, thành Trung và thành Ngoài.
Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1650 m, cao khoảng 5 m, mặt thành rộng 6 - 12 m, chân rộng 20 - 30 m, chỉ có một cửa thành mở về phía Nam.
Thành Trung là một vòng thành khép kín, bao bọc phía ngoài thành Nội, dài 6500m. Mặt thành rộng trung bình10m, Thành Trung mở năm cửa. Điểm đáng chú ý là cửa Nam cũng là cửa chung của thành Trung và thành Ngoài (hai vòng thành nối liền nhau ở đây) và cửa Đông là một cửa đường thủy, mở lối cho một nhánh sông Hoàng chảy vào sát thành Nội.
Thành Ngoài cũng là một vòng cong khép kín, dài khoảng 8000 m. Những đoạn thành còn lại đến nay cao trung bình 3 - 4 m, chỗ cao nhất là 8m. Chân thành rộng khoảng 12 - 20 m. Ngoài cửa Nam là cửa chung với thành Trung, thành Ngoài còn có ba cửa nữa, trong đó cửa Đông là cửa Sông nối liền với Hoàng Giang.
Cả ba vòng thành đều có hào nối liền với nhau và thông với sông Hoàng, tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất tiện lợi. Ngoài ba vòng thành và hào khép kín còn có nhiều đoạn lũy và ụ đất nằm trong cấu trúc chung của Cổ Loa thành.
Về vị trí địa lý, Cổ Loa (thuộc Đông Anh Hà Nội ngày nay) nằm ở vùng đồng bằng giáp trung du, trên bờ bắc Hoàng Giang. Thưở ấy, Hoàng Giang là một con sông lớn nối liền sông Hồng với sông Cầu. Từ Cổ Loa, theo Hoàng Giang có thể ngược lên sông Hồng, sông Đà, sông Lô, lên tận vùng rừng núi phía bắc và tây bắc, hoặc theo sông Hồng, sông Đáy, có thể xuôi xuống vùng đồng bằng và ra biển. Hoặc cũng có thể theo Hoàng Giang qua sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, lên miền rừng núi đông bắc, lại theo Lục Đầu Giang, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy tỏa rộng khắp vùng ven biển. Như vậy, chúng ta thấy rằng Cổ Loa thành nằm ở vị trí của một vùng có mạng lưới thủy văn dày đặc, lại ở giữa đồng bằng và chắc rằng vào thời đó nó vừa là đầu mối của hệ thống giao thông đường thủy, vừa là kinh đô của một nước, trung tâm của một nền kinh tế - văn hóa đang thịnh vượng và phát triển rực rỡ.
Cũng tại Cổ Loa thành, các nhà khảo cổ đó phát hiện hàng chục vạn mũi tên đồng được đúc theo kỹ thuật cổ xưa. Các mũi tên đó đã là những chứng tích cốt lõi của truyền thuyết về nỏ thần Liên Châu bắn một phát ra hàng loạt mũi tên vô cùng lợi hại …
Chỉ với những mô tả có tính chất sơ lược ở trên thôi, nếu chúng ta đứng trong bối cảnh của thời đại tiền sử ấy để quan sát, thì Cổ Loa quả là một công trình kiến trúc vô cùng đồ sộ, vô cùng hoành tráng, thể hiện sự đúc kết tuyệt vời về trí tuệ của dân tộc Lạc Việt - tổ tiên của chúng ta. Với những chất liệu xây dựng gồm đất kết hợp với đá tảng như thế, với qui mô to lớn như thế thì Cổ Loa vừa mang nét đặc sắc, độc đáo của sáng tạo, vừa là thành quả kiến trúc có tính cộng đồng đầu tiên, xưa cổ nhất của dân tộc chúng ta. Có thể còn băn khoăn về tính kiệt tác nhưng không thể không công nhận đó là một công trình kỳ vĩ không những của đất nước Văn Lang mà còn là của cả khu vực Đông Nam Á, thậm chí là của phạm vi rộng lớn hơn nữa, ở thời bấy giờ.
Một thành lũy to lớn và đòi hỏi nhiều công sức xây dựng như thế thì Thục Phán không thể tạo ra một sớm một chiều được. Phải tưởng tượng ra rằng Cổ Loa thành đã xuất hiện từ lâu trong thời đại các vua Hùng; là biểu hiện của một thời thịnh vượng, là công lao không phải của một đời mà là của nhiều đời tu bổ, bồi đắp. Chính nhờ có nó mà vua Hùng, trong một thời gian dài đã chống trả hữu hiệu những cuộc tấn công của Thục Phán. Cũng vì nó mà vua Hùng (đời cuối cùng!) đã mất cảnh giác, bị nội phản, để rồi bị lật đổ phải nhảy sông tự vẫn.
Đối với Cổ Loa, Thục Phán chỉ có thể là người tiếp quản nó, kiến tạo thêm cho nó hoàn chỉnh hơn về mặt quân sự - về chức năng phòng thủ. Có lẽ sau khi tu bổ lại thành quách Cổ Loa, Thục Phán - An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi để đóng thêm hàng loạt chiến thuyền, tăng cường đội thủy binh bảo vệ vòng ngoài, biến Cổ Loa thành như một quân cảng (nhớ rằng thuật đi sông vượt bể vốn là sở trường của người Lạc Việt). Tuy nhiên điều lạ lùng là từ đó trở về sau, trong truyền sử đã không còn thấy nhắc đến ở bất cứ sự kiện hay biến cố nào của đất nước nữa về Cổ Loa thành, cứ như là nó đã hoàn thành sứ mạng của mình ngay từ khi triều đại vua Hùng kết thúc và cái chức năng quân sự là thành lũy phòng thủ đã mau chóng mất hết ý nghĩa trong thời đại An Dương Vương.
Với sự thể hiện ra như thành cao, hào sâu, với qui mô gồm chín lớp thành xoắn trôn ốc, với cách bố trí 18 ụ gò cao nhô hẳn ra chân lũy thì không thể không cho rằng mục đích xây thành Cổ Loa chủ yếu là để phòng thủ khi chiến tranh xảy ra, trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Hình như các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đều nhìn Cổ Loa theo góc độ ấy. Tuy nhiên, biết đâu chừng thể hiện ấy của thành lũy Cổ Loa chỉ là hình thức hiện hữu ở giai đoạn sau cùng của nó, khi tình hình xã hội đã căng thẳng, buộc đời vua Hùng cuối cùng phải cải biến nó thành một pháo đài phòng thủ chống Thục Phán và Thục Phán đã hoàn thiện nó như một “tập đoàn cứ điểm” phòng ngự? Phải chăng nên nhìn Cổ Loa như một tồn tại trong suốt một quá trình nào đó của lịch sử, với biết bao nhiêu thăng trầm và nhiều hình thức hiện hữu tương đối khác biệt nhau tùy vào sự biến đổi về điều kiện và hoàn cảnh của mỗi giai đoạn lịch sử nhất định? Nếu thế, chúng ta có thể giả định rằng vì thởi điểm xuất hiện Cổ Loa thành nằm ở rất sâu của ngay thời sơ sử khi mà trong nghệ thuật quân sự sơ khai chưa có khái niệm về chiến tranh kiểu thành bang, thì mục đích đầu tiên của việc xây dựng Cổ Loa thành không mang một chút “hơi hám” nào về ý nghĩa quân sự.
Vậy thì ý định ban đầu của tổ tiên ta khi bắt tay vào tạo dựng Cổ Loa thành là gì, và vào khoảng giai đoạn nào trong thời kỳ dựng nước?
Để có thế trả lời đươc câu hỏi đó (tất nhiên là trong hoang tưởng thôi!), chúng ta sẽ cố tình đi lạc một chút (vì có quyền được lông bông mà!)
Trước hết chúng ta không đồng thuận với khẳng định cho rằng: thời điểm bắt đầu lịch sử văn minh của một quốc gia là lúc xuất hiện nhà nước đầu tiên. Bởi vì chúng ta không hiểu nổi một quốc gia mà không có nhà nước (kiểu gì cũng được!) thì tồn tại được bao nhiêu lâu, thậm chí là không biết nó có tồn tại được hay không nữa. Có thể là khi chưa có nhà nước, quốc gia vẫn “hiên ngang” tồn tại dưới danh nghĩa… đa quốc gia, và vì chưa có văn minh nên nó phải mông muội! Nó mông muội đến cỡ nào hay là đến cỡ hoàn toàn… vô văn hóa?!
“Văn hóa” và “văn minh” là hai khái niệm tương đối “lỏng lẻo” nói về biểu hiện “trình độ” sống, “trình độ” nhận thức nào đó trong một mối quan hệ so sánh trong qui ước, thỏa thuận nào đó. Một người có văn hóa là một người văn minh và ngược lại, một người được cho là văn minh thì phải có văn hóa? Một quốc gia văn minh đi xâm lược, đàn áp các dân tộc khác thì có văn hóa không và một dân tộc sống như một cộng đồng hòa hiếu, “vui thú điền viên”, khi có giặc xâm lăng thì đồng lòng theo một ngọn cờ đại nghĩa đứng lên đánh tan, xong rồi “ai về nhà nấy”, trong thời bình chả cần đến nhà nước kiểu tập quyền làm gì, thì có được gọi là văn minh không?
Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể tạm hiểu văn hóa như một khái niệm “chuyên môn” dùng để đánh giá trình độ đời sống và nhận thức về cuộc sống cũng như thiên nhiên được thể hiện ra qua những hoạt động tinh thần và tạo dựng trong lối sống, trong sinh hoạt, trong thơ ca nhạc họa và trong thành quả của lao động sáng tạo…, theo quan niệm và qui ước của thời hiện tại. Khi đặt các nền văn hóa trong mối quan hệ so sánh thì nền văn hóa phát triển nổi trội hơn được gọi là văn minh hơn. Khi nói đến một nền văn minh thì nên hiểu rằng nó có một nền văn hóa phát triển nổi trội, nổi bật so với những nền văn hóa xung quanh hoặc so với nền văn hóa nền tảng nói chung của đương thời. Và nếu chúng ta thỏa thuận được với nhau như vậy thì văn minh chẳng có liên quan gì tới nhà nước cả, hoặc chính nhà nước là con đẻ của sự phát triển văn hóa - xã hội của loài người và chỉ thế thôi.
Từ sự hiểu những khái niệm “văn hóa”, “văn minh” và “nhà nước” môt cách máy móc, cực đoan (và như thế có nghĩa là chỉ mới thấy chứ chưa biết nhưng cứ tưởng rằng biết!?)  nên đã có không ít người nằng nặc đòi phải “tôn trọng lịch sử khách quan”, đòi xét lại thời điểm lập quốc Việt Nam. Họ lập luận rằng trong thực tế, hầu hết các nước đầu tiên trên thế giới đều xuất hiện vào giai đoạn phát triển nhất của thời đại đồ đồng hoặc đầu thời đại đồ sắt. Do đó họ cho rằng quan niệm phổ biến xưa nay về thời điểm xuất hiện nhà nước đầu tiên ở nước ta (thời điểm lập quốc) cách nay khoảng 4000 năm đã không đúng vì nó trùng với niên đại của văn hóa Phùng Nguyên (đã được xác định bằng phương pháp cácbon phóng xạ (C14), khỏi cãi!). Mà văn hóa Phùng Nguyên là thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, vì khảo cổ cho thấy ngoài ít mẩu xỉ đồng ra, chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào (lạ thật nhỉ?!); công cụ bằng đá vẫn phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối; như thế xã hội văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn ở hình thái Cộng sản nguyên thủy; và họ cho rằng không thể khẳng định trước đây 4000 năm, dân tộc ta đã bước vào thời đại văn minh, đã có nhà nước (chúng ta giữ nguyên cách dùng từ của họ!).
Cũng theo họ nói:
Các nhà sử học ngày càng thống nhất chung quan điểm khi cho rằng nhà nước đầu tiên trên đất nước ta chỉ có thể xuất hiện vào thời văn hóa Đông Sơn (tính đến năm 2007 là 2472 ± 100 năm). Quan điểm này được cộng đồng quốc tế thừa nhận (còn gì bằng nữa!), chẳng hạn, trong nhiều công trình lịch sử, xã hội học của các tác giả nước ngoài, đã dùng từ “văn minh” (civilization) thay vì “văn hóa” (culture) khi bàn về văn hóa Đông Sơn của Việt Nam. Do vậy, chỉ có thế dùng niên đại của văn hóa Đông Sơn làm giới hạn đầu cho thời kỳ lập quốc của dân tộc ta, cách đây chừng 25-27 thế kỷ. Nó cũng phù hợp với ghi chép của “Việt sử lược” - bộ sử khuyết danh nhưng có độ chính xác cao (???) – theo đó: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696 - 681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô tại Phong Châu, phong tục thuần phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”
Và cuối cùng là một phát hiện “chấn động” của họ:
Nếu cho rằng Kinh Dương Vương - ông nội của vua Hùng thứ nhất - lên ngôi vào đời Phục Hy bên Trung Quốc, cụ thể là năm 2879 TCN, còn Vua Hùng cuối cùng (đời thứ 18) chấm dứt sự trị vì của mình vào năm Chu Noãn Vương thứ 57 (tức năm 258 TCN), thì kể cả Lạc Long Quân nữa, vị chi là gồm 20 đời vua trị vì trong khoảng thời gian là 2879 – 258 = 2621 năm, nghĩa là mỗi ông vua trung bình trị vì được 131 năm. Kết luận rút ra từ kết quả tính toán này chỉ có thể là: phi lý, vua không thể có tuổi thọ của thần thánh!
Chúng ta hoàn toàn nhất trí với họ ở một điểm duy nhất, đó là phải đứng về phía khách quan, với cái tâm trong sáng nhất khi nhìn nhận lại lịch sử của dân tộc mình. Nhưng để thực hiện điều đó thật mới khó làm sao! Cái tôi của con người cứ luôn thò cái đuôi chủ quan của nó ra khuấy đảo, lũng đoạn cái ý chí muốn vươn tới sự quan sát và suy nghĩ khách quan thực sự. May lắm, chỉ có thể cố giữ cho được một cái tâm trong sáng mà thôi!
Khi họ nói truyền thuyết lịch sử chỉ mang tính lịch sử nhưng không phải thực tế lịch sử và cho rằng 4000 năm lịch sử của dân tộc chỉ là truyền thuyết thì sao họ lại có quyền coi các mốc thời gian xảy ra trong truyền thuyết là sự thực lịch sử để phản bác truyền thuyết đó không phải là sự thực được? Còn nếu họ chỉ công nhận những con số là sự thực thì sự kiện bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở thành 100 người con trai có phải là sự thực không?
Lịch sử của thời có chữ viết và thậm chí là của thời cận đại đôi khi còn nhiều chỗ mù mờ huống hồ là lịch sử của thời tối cổ. Thế thì trên cơ sở nào mà đặt cược niềm tin vào cuốn “Việt sử lược” khuyết danh, mà cho rằng nó có độ chính xác cao? Ngay bầy đàn ở loài động vật cũng có con đầu đàn, ngay bộ lạc cũng có người đứng đầu đầy quyền uy, thì tại sao không thể phá vỡ quan niệm cũ về liên minh các bộ lạc, về chế độ Cộng sản nguyên thủy mà cho rằng những hình thái xã hội ấy cũng có những người hoặc nhóm người đứng đầu và đó là hình thức nhà nước giản đơn (và thậm chí cũng là kiểu nhà nước mà tương lai con người sẽ lại đạt tới)?
Chúng ta nghĩ, đối với những thời chưa có ghi chép phổ biến thì tất cả các sách sử viết về chúng đều chỉ là sự chép lại theo truyền thuyết dân gian, hoặc truyền thuyết đã được ghi lại trước đó, những câu chuyện được các thế hệ trước lưu lại, đã bị méo mó ít nhiều bởi “cái tôi” của người ghi chép, hoặc méo mó hoàn toàn, thậm chí là đổi trắng thành đen theo ý chí ích kỷ, vô trách nhiệm của vua chúa đương thời. Tình cảm thông thường của các nhà chép sử, ai cũng vậy, luôn yêu thương dân tộc mình, luôn có lòng tự trọng dân tộc. Do đó khi viết về lịch sử dân tộc mình và dân tộc láng giềng thì dù nhiều dù ít, họ cũng có những thiên vị nhất định. Xưa nay, do các thư tịch cổ, những di tích lịch sử nói về thời kỳ các vua Hùng dựng nước đã hầu như không còn bởi dã tâm của những kẻ xâm lược và đô hộ nước ta một thời gian dài sau công nguyên, mà người ta khi nhìn nhận lại thời đại lịch sử ấy thường dựa vào các sách chép cổ sử của Trung Quốc. Điều đó là chẳng đặng đừng, tuy nhiên cần phải sáng suốt trong đối chứng và suy luận, điều gì tồn tại trong chính sử, chưa đủ cơ sở khẳng định hoặc phủ định mà chẳng có lợi gì cho niềm tự hào dân tộc thì nên loại bỏ trong khi chờ đợi bổ sung chứng liệu; điều gì đã phát hiện mười mươi là sự thực khách quan mà chưa được thể hiện trong chính sử thì dù có đụng chạm đến niềm tự hào dân tộc cũng phải bổ sung vào… Chẳng hạn! như truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy, trong khi đã phát lộ ra mối nghi ngờ rằng sử liệu của Trung Quốc đã không được xác đáng, đã có những bằng chứng đầu tiên về tính mơ hồ, phi thực của nó, và dù còn chưa có một tư liệu nào để bác bỏ dứt khoát được nó, thì hướng ưu tiên là loại bỏ nó ra khỏi chính sử (dù là dưới dạng truyền thuyết) và chờ đợi bổ sung cho đến khi có bằng chứng thực sự thuyết phục bác bỏ hay công nhận nó (vì cứ để đó mà chờ đợi qua có khi là mấy thế hệ và bắt con cháu phải học về một câu chuyện chẳng vinh quang gì, chưa chắc đã có thực, là mang lỗi với tổ tiên!)
Thiền sư Lê Mạnh Thát đã chiêm nghiệm lại lịch sử nước nhà trên tinh thần đó: ưu ái dân tộc mình nên đã bỏ công khảo cứu công phu để rút ra những đánh giá chính thức trên cơ sở xác thực, bất vụ lợi. Một người có tâm sáng ngời trước hết phải biết yêu thương dân tộc mình, nhưng như thế không có nghĩa là bôi son đánh phấn quá khứ của nó mà là làm sao cho quá khứ ấy hiện ra minh bạch với những đúng, những sai, những thăng, những trầm trong mối quan hệ tự nhiên với các dân tộc anh em khác, để mà rút ra được những bài học quí báu cho mọi người hôm nay và mai sau về cái vô nghĩa của những mưu đồ đoạt lợi cầu danh một cách thất đức, phi nhân trước chiều lăn tự nhiên của bánh xe lịch sử và sự trôi vô tình của trường cửu thời gian…
Đã có tài có tâm thì danh lợi tự đến, còn không, cố len lỏi, chen chân để kiếm một chút hư danh cằn cỗi cũng chẳng dễ dàng gì!
“Hốt hoảng” vài lời như thế thôi, và chúng ta tiếp tục đi trên con đường cô đơn của mình, suy tưởng về lịch sử để tung hứng những dã sử, làm phát lộ ra cái mà chúng ta muốn tìm trong bộ não hoang tưởng của mình: những chân lý mang màu sắc lịch sử. (Chân lý trong hoang đường? Thật là nực cười!)
***
Vừa định quay lại với thời dựng nước của tổ tiên thì lại “gặp” Hoàng Xuân Phương trong “Kiến thức ngày nay” số 614. Ông ta nói vừa ngao du một chuyến thú vị trở về và muốn thuật lại những điều “tai nghe mắt thấy” cho mọi người nghe. Vì bản tính quá tò mò, chúng ta không cưỡng được, đành nán lại “nghe ngóng”.
Và ông kể (vì ngồi ở xa nên nghe chỗ được chỗ mất!):
“71500 năm trước, sau những cơn địa chấn dữ dội, núi lửa Toba nổ tung lên trời - từng đợt, từng đợt kéo dài suốt hai tuần lễ - mang theo bụi tro bao phủ trái đất và che kín mặt trời, tạo nên một mùa đông băng giá trong khoảng 6 năm và ướp lạnh Trái Đất trong suốt 1000 năm sau đó. Lịch sử Trái Đất ghi nhận cơn phún xuất hỏa sơn mạnh nhất trong hai triệu năm, và lịch sử nhân loại ghi nhận một thảm họa diệt chủng, một kiếp nạn: những con người - Homo Sapiens - thoát ly khỏi lục địa Châu phi trong các năm 90.000, đến sinh sống dọc theo các bờ biển ở phía đông bán đảo Ả Rập, ở Ấn Độ, và ở vùng Đông nam Á, nay bị chôn vùi dưới các lớp dày tro bụi và bị tiêu diệt bởi cái giá lạnh khủng khiếp!
Nhưng ở đâu đó giữa tam giác Việt Nam - Mã Lai - Nam Dương vẫn còn một nhóm người sống sót, họ phát triển thành các nền văn hóa có trình độ cao nơi một lục địa gọi là Sunderlan mà những nghiên cứu mới nhất của Stephen Oppenheimer cho là “Địa đàng ở Phương Đông”, truyền thuyết các dân tộc châu Á gọi là “vùng đất của người Mu”, và triết gia Hy Lạp, Platon (347 TCN) đặt tên là Atlantis, một cái nôi thực thụ của các nền văn minh, một lục địa biến mất vào lòng đại dương theo sau các trận đại hồng thủy bắt đầu 170000 năm trước và chỉ kết thúc cách nay 4200 năm
(…)
Chuyến bay Bali - Jakarta - Medan hoãn lại một ngày và chúng tôi có thêm thời giờ để xếp đặt các mẫu vật thu thập được nơi các di chỉ khảo cổ ở Komodo và ở Flores, đồng thời dành thời gian coi lại ảnh chụp các bức họa Bradshaws ở Kimberlites, nơi cung hải đảo châu Á tiếp cận lục địa châu Úc. Người Bradshaws để lại hàng ngàn bức họa trên các vách đá trong khoảng 60.000 năm trước, sau khi họ làm chủ vùng đất của các nhóm văn hóa đá sớm, và rồi chính họ cũng di chuyển ra khỏi địa bàn trong khoảng các năm 40.000, nhường chỗ cho tổ tiên các thổ dân ngày nay. Những bức họa này cho thấy vào buổi bình minh của nhân loại đã có những nền văn hóa rực rỡ và - dựa trên những họa tiết tại đó - không loại trừ đây là tiền thân của các nền văn minh Kim Tự Tháp ở Ai Cập và ở Trung Mỹ.
Bali là một đảo trong cung núi lửa nổi tiếng của vùng Đông Nam Á (…). Thực ra nơi vành đai núi lửa Thái Bình Dương này, những con người hiện đại - Homo Sapiens - không sống đơn độc, họ có những bạn đồng hành thuộc nhóm người JaVa - Homo erectus - javaentis - cho đến các năm 25000 và nhóm người Flores - Homo floresiensis - chỉ biến mất cách nay 12000 năm (…)
(…) Chúng tôi chọn con đường ngắn đi về phía nam đến Siantar, rồi xe bắt đầu lên dốc rẽ về phía tây, xuyên qua các rừng già thâm u và những mảnh ruộng bậc thang lọt thỏm bên dưới chân đồi. Từ Tigaras, xe men theo bờ hồ Toba đến Prapat, từ đây xuống phà qua phía Tuk Tuk vào đảo Samosir. Hồ Toba ngày nay sâu khoảng 529 mét. Mặt nước hồ nằm trên độ cao 900 mét so với mặt biển, và bề rộng lòng hồ lên đến 31 km trong khi chiều dài gần tới 90 km. Toba tiếp tục được hâm nóng nhiều ngàn năm sau vụ nổ khủng khiếp, đất đá tiếp tục trương nở và một ngọn núi mọc lên giữa lòng hồ như thể nút chặn miệng chai, tạo nên phong cảnh cù lao nằm giữa biển hồ, nên thơ mà hùng vĩ.
Thực ra hồ Toba, trung tâm văn hóa của người Batak, không chỉ là dấu tích của một vụ nổ cơ hồ tận diệt nhân loại cách nay 70000 năm, mà còn là chứng tích của một cuộc đào thoát khỏi vườn địa đàng. Tổ tiên của các người Batak đã đến đây sau trận hồng thủy cuối cùng cách nay 4200 năm làm chìm ngập các vùng châu thổ và duyên hải ven biển đến hơn 5 mét. Ở đây, câu chuyện về đại hồng thủy và con thuyền Noyê cứu nạn không chỉ là ký ức mà còn là hình tượng: các ngôi nhà được kiến thiết như những con thuyền với hai mũi (mái đầu hồi) cong lên, con người và súc vật đều sống chung trong đó. Những trận đại hồng thủy đầu tiên diễn ra cách nay 17000 năm khi Trái Đất ấm lên, băng hà tan rã, nước biển dâng cao thu hẹp Địa Đàng, nơi kiến tạo nền văn minh sớm nhất của nhân loại (…).
Khác với các dân tộc ít người ở Việt Nam, nơi đã có sự dung nạp ít nhiều giữa hai truyền thống “con Rồng” và “cháu Tiên”, những người Batak ở đây rặt dòng “con Rồng”, với hình rồng Komodo được khắc lên các mộ đá và trên các đầu hồi nhà, tương tự hình vẽ nơi các mũi thuyền của người Việt cổ xưa (…). Chúng tôi đáp tàu ra đảo Natuna Bear, nơi trước đây là trung tâm của lục địa Sunderland tức Vườn Địa Đàng trong các năm 23.750 đến 15.250 TCN, nay chìm ngập trên dưới 100 mét nước trong lòng đại dương!”.
Câu chuyện hay thật, bổ ích nữa, nhưng chúng ta vẫn bảo lưu ý kiến của mình về Địa Đàng!
Ra khỏi “Kiến thức ngày nay”, chúng ta dáo dác tìm người hỏi đường đi đến bến tàu “Vượt thời gian”. Hỏi cả chục người, chẳng ai biết mà cũng chẳng ai thèm trả lời: người lắc đầy nguầy nguậy, người xua xua tay nhăn nhó, có ông vừa mỉm cười vừa phẩy tay nhưng lạ nhất là có một bà già trố mắt có vẻ kinh hãi, vừa lùi vừa chắp tay vái lấy vái để rồi đi vòng theo hướng khác. Ô hay, sao lại lạ thế nhỉ? Chúng ta dừng lại nhíu mày nghĩ ngợi. Chưa kịp nghĩ ra chuyện gì thì thấy có một người, quần ống thấp ống cao, tay cầm một cái cuốc chim, hùng hổ đi tới. Thôi chết rồi, đích thị là thằng “khảo của”! Chúng ta điếng người khi nghĩ đến cái ba lô hành trang đựng đầy ngọc quý sắp đổi chủ.
- Làm gì mà đứng như thằng ngố thế hả Ba Đá?
Ủa! Sao nó lại biết tên “cúng cơm” của mình? Chúng ta hỏi lại:
- Ông là ai vậy?
- Ôi dào ơi! Từ xa tôi đã nhận ra ông rồi mà đến giờ ông vẫn không nhận ra tôi à! “Khảo cổ” đây, cái người nhậu say rồi vẫn hay ghé sang bàn ông tiếp tục nhậu vui với mấy em ở quán “Hương Cau” đó, nhớ chưa?
- A! Nhớ rồi!... Thế mà tôi cứ tưởng thằng “khảo của”… Đội cái nón sùm sụp thế, bố ai mà nhận ra! - Chúng ta thở phào, người nhẹ tưng - Đi đâu thế?
- Đào tìm di vật cổ… Thứ mà bây giờ bán có giá lắm… Vừa rồi tôi đào được một con rùa đá bán cho một thằng “chệt” Đài Loan, tiền bán xây được căn nhà “3 tấm” thênh thang, còn nhậu thoải mái với em út cả tuần mà vẫn không hết…Thế còn ông?
Chúng ta giật thột, có gì đó buốt sống lưng:
- Thế con rùa đó trên lưng có gì không?
- Chẳng có gì ngoài mỗi một lỗ hình vuông… Nghe nói bên Tàu có con rùa đá lưng dát ngọc, thuộc dạng di vật cực kỳ cổ. Bây giờ, ai mà có nó là có thể mua được cả thiên hạ…
- Ông nói quá thế chứ ai lại đi bán nước chỉ vì một con rùa đá!...
“Khảo Của” (đúng là “khảo của” chứ không phải “khảo cứu”!) cười hì hì! Biết bao nhiêu nhà khảo cứu lịch sử khốn khổ trước những trang sử bị thất lạc có lẽ một phần không ít là do những gã loại này gây ra đây! Chúng ta thoáng nghĩ thế rồi chặc lưỡi trong lòng và hỏi:
- Tôi muốn đến bến “Vượt thời gian”, ông biết đi đường nào tới đó không?
- Á à! Ông cũng ghê lắm chứ bỡn!... Định về thời cổ để hớt tay trên bọn này chứ gì? Vô ích thôi, trước ông, nhiều kẻ cũng đã ngông cuồng như vậy nhưng rốt cuộc đều thành những anh hề. Ông đã đọc cuốn “Nguyên lý ảo - thực” chưa? Chưa thì đọc đi!... Cái mà hôm nay gọi là thực thì ngày mai, may lắm, chỉ còn là di tích thôi!
- Không, tôi không có mục đích ấy. Thực sự là tôi có một việc rất nghiêm túc cần giải quyết. Tôi muốn về Cổ Loa thành thời cổ đại…
- Ơ… nếu đi tham quan thì được! Ông cứ đi thẳng theo hướng tay tôi chỉ đây này, đến ngã tư gọi là “Tứ tượng” thì rẽ phải (“phải” của tôi chứ không phải “phải” của ông, nhớ đấy!), đi tiếp sẽ gặp một vòng xoay tám ngả gọi là “Bát Quái”, phía bên trái có một con đường mang tên “Lưỡng Nghi”, cứ theo hướng ấy mà đi một đỗi nữa, khi nào nhìn sang bên trái thấy số 15 thì rẽ phải, đi bộ 6 đơn vị khoảng cách nữa thì sẽ thấy một cổng chào lộng lẫy với dòng chữ “Công viên Ngũ Hành”, ông cứ tự nhiên như ruồi, đi thẳng vào đó, nhìn quanh sẽ thấy một đường cầu thang đi xuống lòng đất, bên cạnh có biển đề “Hầm Âm Dương” (nhớ cho kỹ “Hầm Âm Dương” chứ không phải “Nhà Vệ Sinh”!), đi xuống hết cầu thang đó, ông sẽ thấy có hai mũi tên chỉ về hai chiều ngược nhau có ghi là “Âm” hoặc “Dương”, ông đi theo chiều “Âm” sẽ đến bến “Vượt thời gian”…
- Nhằng nhịt quá nhỉ?!... Thế còn chiều “Dương”?
- Hình như đó là đường hầm đi qua… Thủ Thiêm, ông mà đi theo hướng đó thì chỉ đến chỗ… tắc tị. Tôi nghe nhiều người nói thế chứ chưa xuống Hầm Âm - Dương lần nào. Tôi còn nghe nói bến tàu Vượt thời gian lúc nào cũng đông nghịt khách và rất lạ là đối với tuyến Hiện tại đi Quá khứ, hầu như người ta chỉ mua vé tàu suốt, ít thấy ai mua vé khứ hồi…
- Tàu suốt là có đi mà không có về ấy à?
- Lại còn hỏi, rõ thật cái ông này!...
- Thôi, xin cảm ông nhiều vì đã “vẽ đường cho hươu chạy”. Tôi đi đây! Chào ông nhá!...
- Lâu ngày gặp nhau, kiếm chỗ nào chén tạc chén thù vài chai đã nào… Ủa, Ba Đá!... Vội gì mà như ma đuổi thế… ế.. ế…?
“Ế.. ế…” là những âm thanh cuối cùng còn nghe được từ gã “Khảo Của”, khi chúng đã đi được khoảng 3 đơn vị khoảng cách. Khảo Cổ đâu có ngờ rằng đã từ lâu chúng ta không còn muốn lông bông trong Hiện Tại nữa.
“Lưỡng nghi” là một con đường thẳng tắp với hai bên là hai hàng cây sao cổ thụ vươn cao lên trời xanh cũng thẳng tắp không kém. Nếu không “vướng” những khu vực quây kín bằng vách tôn, nằm lù lù giữa lòng đường, rải rác dọc suốt chiều dài của nó thì chắc chắn “Lưỡng nghi” là con đường đẹp nhất ở chốn phồn hoa đô hội. Không biết người ta làm cái giống gì trong những khu vực quây kín bằng tôn ấy mà có cả xe cạp đất to đùng. Không lẽ họ tìm đồ cổ? Rất có thể vì không ai lại nỡ báng bổ một mặt đường mới toanh, đang phẳng o, không tì vết như thế để tìm hay đặt một cái cống cả. Để tìm của báu, đồ cổ đắt giá, người ta mới “chơi” như thế chứ! Ở quê, chúng ta còn thấy có đám dám đào bới cả mồ mã nữa là!...
Vừa đi, vừa lan man nghĩ, vừa nhìn sang trái để tìm số 15 và đến khi mồ hôi đã không còn mà chảy nữa thì chúng ta thấy nó. Nếu không nhờ có gã “Khảo Của” chỉ dẫn trước thì khó lòng thấy được số 15 vì nó không nằm độc lập mà chỉ là một bộ phận nhỏ, có tính lặn trong một bảng hiệu với hàng chữ đầy đủ là: “Lịch sử quân sự - số 15”.
Một đám người ngồi trong đó, vẻ mặt ai cũng chăm chú. Chuyện gì thế nhỉ? Sự tò mò vô độ bắt chúng ta phải tạt vào.
Người ngồi ngoài cùng quay ra nhìn. Chúng ta tranh thủ hỏi luôn:
- Chuyện gì thế?
- Suỵt! Trật tự để nghe Đinh Công Vĩ kể chuyện “Tổ tiên ta đánh giặc”!...
- Xin lỗi! Cho hỏi chút xíu… Ông ta kể lâu chưa?
- Mới!...
Thế là chúng ta đứng nghe và vì ở xa, lại chỉ nghe được bập bõm lúc được lúc mất thế này:
“(…) Nói tới thiên tài Lê Quí Đôn, xưa nay, người ta hay nói tới tri thức bách khoa về nhiều mặt của ông, như: văn, sử, triết, thư tịch, nông nghiệp học… mà ít nói tới một tri thức có nhiều nét đặc sắc của ông là tri thức về quân sự. (…)
Trong “Bắc sử thông lục”, Lê Quí Đôn đã ghi lại cuộc đối thoại lý thú giữa ông với Đề học Quảng Tây là Chu Bội Liên trong dịp ông đi sứ Trung Quốc từ năm 1760 đến 1762. Trong cuộc đối thoại này, Đề học Quảng Tây có thổ lộ những băn khoăn của ông ta về thành quách của chúng ta. Chu Bội Liên hỏi: “Quí quốc nhiều người tài như thế nhưng tôi nghe các phủ huyện lại không xây dựng thành quách là tại cớ sao?”
Lê Quí Đôn trả lời: “Nước chúng tôi không phải là không đắp được thành quách. Song các trấn hiện nay chỉ có lũy đất. Điều đó theo tôi là có dụng ý”. Chu Bội Liên: “Dụng ý thế nào?”. Lê Quí Đôn: “Nay quí quốc thi hành chính sách hữu hảo, việc ban giao bình thường thì hai nước như một nhà… Nhưng trước đây, như thời Tống, Nguyên, Minh chẳng hạn, gặp lúc bọn biên thần tham công, tìm điều bịa đặt gây ra chuyện hằn thù nên can qua binh hỏa nổi lên. Nếu chúng tôi tụ họp trong một ngôi thành, như vậy có khác gì tự mình ngồi để cho kẻ khác vây bọc. Kế đó không phải kế hay. Chúng tôi cho rằng trăm họ đều là binh, thôn xóm đều là kho tàng, ở phân tán ra nhiều nơi, làm giặc muốn đánh cũng không biết đâu mà đánh, muốn cướp cũng không biết đâu mà cướp. Nhân đó, chúng tôi tìm chỗ kẻ địch sơ hở, dùng kỳ binh, phục binh mà chặn đánh lại, nên bảo vệ được đất nước”.
Xem như thế, trong quan niệm của Lê Quí Đôn, việc đất nước ta có ít những thành quách là có lý do của nó. Đó là vì từ rất xa xưa, từ trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, nhân dân ta đã rất ý thức được “trăm họ đều là binh”, “thôn xóm đều là kho tàng”. Đó chính là những thành quách rất linh hoạt cơ động, trải bao la giữa đất nước để bao bọc bảo vệ lực lượng của mình mỗi khi có giặc ngoại xâm. Nói một cách khác, theo quan niệm của Lê Quí Đôn, chính nhân dân (trăm họ) và thôn xóm, bản thân nó đã là một loại thành quách vô cùng tin cậy rồi. Hướng về với thành lũy là bản thân “trăm họ” và thôn xóm như thế, thực tế là Lê Quí Đôn đã dẫn chúng ta tới một khái niệm rộng hơn của ông về thành quách. Nếu so với loại thành có quách bao ngoài của Trung Quốc thì loại thành này rất khó trộn lẫn. Đó là loại thành quách mà Lê Quí Đôn gọi là “Trúc thành”. Trong mục “Khu vũ” của sách “Vân đài loại ngữ”, Lê Quí Đôn đã khảo về loại thành này. Ông viết: “Khoảng năm Đại Trung đời Đường (847-860), Vương Thức sang trấn thủ An Nam, trồng cọc tre gai làm trại bền được mấy mươi năm… ngoài lại đào hào, ngoài hào trồng tre nhọn, giặc không xông vào được”. Ông dẫn thêm: “Sách “Ngu hành chi” nói: “Gốc tre là loại trúc nhiều gai, Tân Châu ở Quảng Đông vốn không có, về đời Tống, quận thú là Hoàng Tề mới trồng thứ tre ấy vào, dê lợn không chui lọt qua được gọi là “Trúc thành”. Nghe nói ở ngoài thành, Giao Chỉ cũng có thứ tre ấy”.
Rõ ràng “Trúc thành” là một kiểu thành thiên nhiên lâu đời, lợi hại của nước ta. Từ những dẫn liệu đó, ta có thể hiểu vì sao xưa kia nước ta không quá chú trọng việc xây thành lũy như nhiều nước khác, vì sao từ rất sớm nền văn minh nước ta đã không phải là một nền văn minh thành bang (?) mà về cơ bản là một nền văn minh xóm làng, một kết cấu bền chặt giữa người với người, người với thiên nhiên trong làng xóm, không một thành lũy nào kiên cố bằng. Đặc điểm đó ngay từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên đã được thể hiện khá rõ trong con mắt của người nước ngoài khi quan sát nước ta: “Nước Nam Việt không phải là nơi ấp lý có thành quách, họ ở gần khe suối, giữa rừng tre” (thư Hoài Nam Vương gửi Hán Vũ trong “Bắc sử”).
Dù vậy, Lê Quí Đôn không phủ nhận vai trò của thành quách, mà ngược lại, bằng con mắt tinh tường và linh hoạt của một nhà bác học, trong một số tác phẩm của ông, đó đây, ta vẫn thấy ông khảo sát kỹ càng một vài thành quách mà theo ông đã phát huy được tác dụng trong chiến đấu. Chẳng hạn, trong “Phủ biên tại lục” khi nói về sự khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, ông vẫn thấy được thành Hóa Châu hiên ngang, vững vàng trước mỗi đợt tấn công vây đánh của Chiêm Thành. Người giữ thành là Lê Quyết còn bắt được tướng giặc, diệt được chiến thuyền, được nhà vua ban chiếu thư khen ngợi, phong là “Vạn lý trường thành” ở phương Nam
(…)
(…)
Qua những việc xây thành đắp lũy mà Lê Quí Đôn ghi lại trong một số tác phẩm của mình, chúng ta có thể thấy rằng: mặc dù nhìn chung ở nước ta, việc xây thành dựng lũy không đặt ra một cách cấp thiết, phổ biến; song, ở những nơi rừng núi như Mường Thanh hay những vùng phía Nam như Quảng Nam, Thuận Hóa, do phải phòng thủ thường xuyên với thù trong giặc ngoài, thành lũy vẫn mọc lên nhiều hơn. Những thành lũy này hoặc là do chống lại ngoại xâm ở nơi phên dậu của Tổ Quốc, hoặc do những cuộc nội chiến của các tập đoàn phong kiến nước ta trước đây. Dù thế nào thì những thành lũy này cũng phần lớn là được dựa vào những hình khe thế núi có sẵn mà gia công thêm. Các thành lũy đó thể hiện sự thông minh cần cù của nhân dân ta, hoặc những cá nhân nổi bật như Đào Duy Từ mà Lê Quí Đôn đã từng đề cao khi nói tới vùng chiến lũy do ông chủ trương xây lắp. Mặt khác, Lê Quí Đôn cũng đã nêu lên tính chất phi nghĩa của các thành cắt đất ngăn miền, do tập đoàn phong kiến Nguyễn chủ trương xây dựng (…). Nghiên cứu các tác phẩm của ông, ta thấy ông không bàn, quá ít bàn tới, hay bàn chưa sâu về các thành lũy nổi tiếng trong lịch sử nước ta như: thành Cổ Loa, thành Hoa Lư, thành Thăng Long, thành Đa Bang, thành Tây Đô (…)
Đi sâu vào thành lũy, Lê Quí Đôn còn chú trọng tới các loại vũ khí phòng thành và công thành…”
Câu chuyện đến đây đã không còn hấp dẫn chúng ta nữa, và sực nhớ đến công việc của mình, chúng ta rời “Lịch sử quân sự - số 15”, sang bên kia đường, đi về phía Công viên “Ngũ Hành”, vừa đi vừa nặng trĩu lòng những suy nghĩ về lịch sử.
Lịch sử là gì? Là những ghi nhớ theo trình tự thời gian của những sự kiện, biến cố, quá trình vận động, chuyển hóa của vạn vật hiện tượng đã từng xảy ra, đã từng là hiện thực và đã là quá khứ. Tùy vào phạm vi, qui mô, lĩnh vực cần tìm hiểu, nghiên cứu mà có thể phân định lịch sử ra thành những bộ phận tương đối riêng biệt phục vụ cho nhận thức, như: lịch sử vũ trụ, lịch sử sự sống, lịch sử loài người, lịch sử quân sự, lịch sử một đất nước, của một dân tộc, hay cũng có thể là tiểu sử của một người v..v…
Bản thân “lịch sử” là một khái niệm và như mọi khái niệm khác, nó cũng có thời điểm xuất hiện, cũng vận động, biến đổi, chuyển hóa; là hiện hữu tất yếu, khách quan, bị lũng đoạn bởi từng quan niệm chủ quan qua từng thời đại nhận thức, và như vậy “lịch sử” cũng mang tính lịch sử, cũng là một lịch sử cần nghiên cứu, nhận thức.
Khái niệm “lịch sử” lần đầu tiên, có thể là đã xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại, vào khoảng cuối thế kỷ VII và đầu thế kỷ VI TCN, nó mang hai nghĩa, nghĩa rộng: sự mô tả, nghĩa hẹp: câu chuyện kể về những gì xảy ra trong quá khứ.
Loài người khi chưa có ngôn ngữ thì lịch sử cũng chưa xuất hiện. Nhờ có ngôn ngữ mà ký ức được lưu truyền từ người này qua người kia, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, trở thành những câu chuyện truyền miệng mù mờ về tính thời gian và mông lung về tính hiện thực. Tuy nhiên, sự vận động, biến đổi cũng như sự chuyển hóa có tính lặp lại, tuần hoàn của vạn vật hiện tượng trong thiên nhiên sẽ tất yếu làm cho loài người nhận thức được thời gian và ấn định được những mốc tương đối về thời gian xảy ra các sự kiện hay biến cố và mối quan hệ (nếu có) giữa chúng. Ngôn ngữ thời kỳ tiền sử có tính nghèo nàn, do đó mà có tính khái quát cao (hay đúng hơn là nên gọi tính đại khái, “nói ít hiểu nhiều”?). Truyền thuyết ra đời trên nền tảng ấy. Có thể nói rằng truyền thuyết là lịch sử không chắc chắn, còn lịch sử là truyền thuyết đã được xác minh (nhưng cũng chưa hẳn là sự thực hoặc chân lý!)…
Xuất hiện sau ngôn ngữ và trở thành bạn đồng hành tri kỷ với ngôn ngữ là chữ viết. Nhờ có chữ viết mà truyền thuyết được cố định để lưu truyền được đến ngày nay và các biến cố, sự kiện, quá trình… đã từng xảy ra từ thời có chữ viết đến nay cũng được ghi chép, mô tả ngày một xác đáng, rõ ràng hơn. Không có chữ viết sẽ không có loài người hiện đại nhưng thực ra không thể không xuất hiện chữ viết trong tiến trình phát triển trí tuệ loài người vì đó là tất yếu cũng như lịch sử là đương nhiên.
Hiện thực đã từng xảy ra trong quá khứ là duy nhất và biên niên sử về nó (nếu không lầm lẫn) cũng là duy nhất. Tuy nhiên, những câu chuyện kể về nó có thể là đa dạng, phong phú bởi tính thể hiện đồng thời nhiều mặt của nó và cũng bởi sự chi phối chủ quan của “cái tôi” quan sát, cái tôi ghi chép cũng như cái tôi “lắng đọc, lắng nghe”. Nhưng rồi thời gian sẽ qua đi, di chứng cùng với sự nhận thức ngày một hợp lẽ tự nhiên hơn sẽ làm cho lịch sử trở nên xác đáng và gần với quá khứ nhất. Hậu thế có lẽ không khôn hơn nhưng nhờ có tiền bối mà thấy rõ quá khứ hơn tiền bối và rút ra được những bài học sâu sắc hơn tiền bối, để rồi trên cơ sở đó, lịch sử sẽ được viết lại xác đáng hơn.
Một trong những nhà sử học đầu tiên là Hê-ra-tê (người Mi-lê, Hi Lạp, khoảng năm 546 - 480 TCN) đã viết: “Tôi muốn kể ở đây những gì mà tôi cảm thấy là sự thực”. Sự thật ở ngoài cảm nhận chủ quan chỉ có thể là biên niên sử, nhưng khi đã qua cảm nhận thì khó mà bảo toàn được sự thực đích thực. Do đó mà nhà sử học, dù là nói thế cũng không đạt được ý định đó.
Tiếp sau, cũng thuộc lớp đầu tiên các nhà chép sử của Hy Lạp cổ đại là Hê-đô-rốt (490 - 425 TCN), đã trình bày trong tác phẩm của mình cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư, không chỉ mô tả các sự kiện, mà ông còn cố gắng đi sâu giải thích các hiện tượng. Tư duy sâu sắc, kỹ năng trình bày câu chuyện dưới dạng văn học tuyệt diệu đã đem lại cho ông danh hiệu cao quý “Người cha của lịch sử”.
Rồi đến Tuy-xi-dit (460 - 395 TCN), tác giả cuốn “Lịch sử đấu tranh Pô-lô-pô-ne”, tiến thêm một bước trong việc phát triển thể loại kể chuyện lịch sử, ông cho rằng cần phải loại bỏ việc nói tới số mệnh và sự can thiệp của thần linh để đảm bảo tính chính xác, chân thực của lịch sử qua những câu chuyện kể.
Đến thời Pô-li-bi (201-120 TCN), tác giả bộ “Thông sử” gần 40 tập, thì quan niệm về lịch sử đã được mở rộng hơn nữa. Pô-li-bi coi việc tìm hiểu và trình bày những nguyên nhân của các biến cố, hiện tượng là nhiệm vụ quan trọng nhất của lịch sử. Theo ông: “Bởi vì việc miêu tả đơn thuần những gì đã diễn ra cũng rất thú vị, nhưng nó không có tác dụng giáo dục. Việc nghiên cứu lịch sử chỉ bổ ích khi nào ta bổ sung những câu chuyện đó bằng việc trình bày các nguyên nhân của sự kiện”. Pô-li-bi coi lịch sử là “cô giáo của cuộc sống”.
Tóm lại, người Hy Lạp cổ đại đã dành cho lịch sử một vị trí quan trọng, họ cho rằng lịch sử giáo dục con người trên cơ sở những kinh nghiệm của quá khứ.
Sử học La Mã cổ đại kế tục truyền thống Hy Lạp, họ không những tiếp thu những thành tựu của người Hy Lạp trong lĩnh vực này, mà còn có những bước tiến đáng kể. Chẳng hạn họ đã xác định niên đại của các sự kiện và biến cố chính xác hơn, chú trọng nhiều hơn đến việc thể hiện những niên biểu. Một trong những nhà sử học La Mã nổi tiếng là Ta-xít (50-120 SCN).
Tương tự như triết học, trên cơ sở những quan niệm về lịch sử có tính cơ bản, mầm mống của thời Hy-La cổ đại, sử học phương Tây đã phát triển không ngừng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, qua chặng đường dài không ít những thăng trầm.
Ở Châu Âu có một giai đoạn gọi là “đêm trường trung cổ” bởi sự thống trị hoàn toàn và khắc nghiệt của Giáo hội về mặt tư tưởng. Trong khi triết học biến tướng thành thứ triết học kinh viện - thần học, thì lịch sử trở thành “nô bộc của thần học”. Nhà viết sử niên biên thời đó, Óoc-đê-rich Vi-ta-li (1075-1148) đã nêu ra nhiệm vụ của một nhà sử học là: “Trong một công trình nghiên cứu lịch sử, mọi cái đều phải trình bày nhằm ca ngợi Đấng Sáng Thế là người cai quản mọi sự vật. Bởi vì Đấng Sáng Thế vĩnh hằng cho đến nay vẫn là người trực tiếp điều khiển lịch sử một cách diệu kỳ”. Và hầu như tất cả đều phải nghĩ và viết theo ý Chúa (!). Ngay cả nhà sử học có học vấn cao, nổi tiếng đương thời là Giáp-phơ-rê (người Anh, thế kỷ XVII), hay Ôt-tô (người Đức)… cũng phải bẻ cong ngòi bút, viết nhiều điều bịa đặt để lọt mắt Giáo hội. Tuy nhiên, cũng có những nhà sử học trung thực và can đảm, chỉ viết sự thực. Giô-han Xôn-xbơ-ri viết: “Nhà sử học dối trá sẽ chôn vùi cả danh tiếng lẫn tâm hồn bất tử của mình”. Dù đó chỉ là những chấm sáng cô đơn, lẻ loi trong cái bao la đen tối nhưng rất quan trọng. Nhà bác học kiêm nhà văn Pháp, Pi-e Bây-xin (thế kỷ XVI) chua chát viết: “Không có một sự bịp bợm nào lớn hơn điều có thể thực hiện được nhờ dựa vào các di tích lịch sử”. Còn nhà triết học Đề-các-tơ thì bi quan hơn nhiều: “Nói chung, các nhà sử học không bao giờ nói thật!”.
Lịch sử đã cho thấy rằng sự áp chế của Giáo hội dù có khốc liệt đến mấy chăng nữa thì trước sau gì, nhận thức về tự nhiên cũng như xã hội của loài người vẫn bứt phá để đi theo chiều “định mệnh” của nó, và bộ phận của nó - sử học cũng không ngoại lệ. Cuộc đấu tranh lâu dài giữa khoa học (trong đó có sử học) và Giáo hội với quyền lực to lớn của nó, mà thắng lợi cuối cùng đã thuộc về khoa học, đối với ngày nay đã là một minh chứng lịch sử, cái lịch sử mà Giáo hội là một nhân vật chính trong đó và vì thế nó không thể can thiệp được, không thể biện minh được. Chẳng hạn Lô-ren-xô Van-le (1407-1437) đã dùng phương pháp phân tích, so sánh các danh mục khác nhau về những tác phẩm của một tác giả và xác định được bản gốc ít sai sót nhất, để từ đó phát hiện ra những chỗ lầm lẫn hoặc thêm thắt. Nhờ thế, ông đã bóc trần sự dối trá của Giáo hoàng nhằm che đậy những khát vọng về quyền thế tục, về một tài liệu nói đến việc Giáo hoàng dường như là người thừa kế hợp pháp chính quyền của các hoàng đế La Mã vào năm 313 lại được biên soạn trong văn phòng của Giáo Hoàng - không sớm hơn thế kỷ thứ VIII (!), và ông đã gọi đó là những “Sự giả mạo thô bỉ và đần độn”.
Vào thế kỷ thứ XVIII, một nhà sử học Pháp viết: “Biết là hiểu các sự vật trong những nguyên lý của nó. Biết lịch sử là hiểu những con người hợp thành bản chất của lịch sử, là xét đoán hợp lý về những con người đó. Nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu những động cơ, kiến giải ham thích của con người, để có thể đi sâu vào hành vi của họ, cuối cùng, là để hiểu được tất cả những hành động bất ngờ, những điều lầm lạc của họ. Tóm lại, có nghĩa là hiểu người khác để hiểu chính bản thân mình…”.
Như vậy, các nhà sử học đã dần đạt tới quan niệm chung về lịch sử (thực ra là quan niệm đã được Pô-li-bi khởi xướng, nhưng ở trình độ nhận thức sâu sắc hơn!), cho rằng: lịch sử không phải chỉ là sự kể lại những sự việc đã xảy ra, mà còn là sự giải thích và làm sáng tỏ ý nghĩa của các sự kiện ấy, trên cơ sở tri thức khoa học, chính xác và có chú ý tới các nhân tố ảnh hưởng khách quan. Tuy nhiên có một thực tế là vì có sự sai biệt trong nhìn nhận, trong quan sát và nhận thức mà sự giải thích về cùng một hiện tượng lịch sử nhiều khi không đồng thuận. Ph.Ănghen có nói: “Tư duy lý luận của mỗi thời đại, cũng có nghĩa là của cả thời đại chúng ta, là một sản phẩm lịch sử, được sử dụng trong những thời gian khác nhau, với nhiều hình thức khác nhau, và do đó cũng có nội dung rất khác nhau”.
Người ta cho rằng khoa học lịch sử, với tư cách là bộ phận của khoa học xã hội, có lẽ xuất hiện không sớm hơn thời điểm cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX.
Ngày nay, các nhà lý luận Mác - xít khẳng định rằng, thành tựu to lớn của chủ nghĩa Mác là phát hiện, và làm hình thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử có một ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của khoa học lịch sử. Lần đầu tiên, lịch sử đã có được một cơ sở phương pháp luận thực sự khoa học. Nhờ chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử mà những nhược điểm, hạn chế của sử học trước chủ nghĩa Mác được khắc phục. Theo Lênin: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử lần đầu tiên đem lại khả năng nghiên cứu các điều kiện xã hội của cuộc sống quần chúng và sự thay đồi của những điều kiện ấy với một sự chính xác lịch sử tự nhiên”.
Mác và Ănghen cho rằng: toàn bộ thời kỳ lịch sử đã qua là sự phát sinh và diệt vong của các hình thái kinh tế xã hội. Chính đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội. Họ viết: “Theo quan điểm duy vật về lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử, xét đến cùng, là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực… Hoàn cảnh kinh tế là cơ sở, nhưng mọi yếu tố khác nhau của thượng tầng kiến trúc - những hình thái chính trị… những hình thái pháp luật, và ngay cả những phản ánh của tất cả những cuộc đấu tranh thực tế trong đầu óc những người tham gia đấu tranh như các lý luận chính trị, pháp lý, triết học, những quan điểm tôn giáo và sự phát triển sau này của những quan điểm đó thành hệ thống pháp lý, cũng đều ảnh hưởng đến quá trình của những cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp lại chiếm ưu thế trong việc quyết định hình thức của những cuộc đấu tranh đó”.
Tuy nhiên, ngay từ năm 1899, V.I.Lênin cũng đã đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải triệt để hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”.
Quan niệm như vậy của chủ nghĩa Mác về lịch sử có đúng không? Vấn đề lớn quá, vượt qua khỏi sự dung nạp của bộ não chúng ta nên chúng ta không dám trả lời. Trong linh cảm, chúng ta nghĩ rằng triết học Mác là một trong vài triết học đứng gần chân lý hơn cả nhưng chưa phải là chân lý. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đồng thuận với triết học Mác về nguồn gốc nhà nước. Theo quan niệm của triết học duy tồn thì nguyên nhân xuất hiện nhà nước là do yêu cầu về sự gắn kết và tồn tại đơn thuần xã hội, chứ không phải như V.Lê-nin viết: "Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện.Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được". Hay như Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: "chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộnh hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy".
Lịch sử xã hội loài người cho đến nay, trước quan sát của chúng ta hôm nay có biểu hiện nổi trội là chiến tranh. Mà chiến tranh đâu phải là đấu tranh giai cấp vì đấu tranh giai cấp chỉ là một bộ phận của chiến tranh nói chung. Sự nảy sinh ra giàu - nghèo trong xã hội là một tất yếu khách quan nhưng giai cấp lại chỉ là khái niệm tương đối có tính qui ước. Có thể là thiển cận nhưng thú thực, chúng ta không làm sao phát hiện được tính giai cấp trong cuộc thư hùng vĩ đại thời Xuân Thu - Chiến Quốc, thậm chí là trong các cuộc thế chiến thời hiện đại. Nếu đúng như Lê-nin nói: “Lịch sử là những câu chuyện về đấu tranh giai cấp” thì e lịch sử… nghèo nàn quá!(còn nữa)

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI