176 - Đi tìm viếng mộ Karl Marx - Nguyễn Nam Điện K6, SRTKL2: 698-701



Phần VII:
... BỐN MƯƠI NĂM SAU




Đi tìm viếng mộ
Karl Marx


NGUYỄN NAM ĐIỆN
Học sinh khoá 6

Đã từ lâu trong thâm tâm tôi ước ao được đến thăm mộ Karl Marx, vị lãnh tụ vĩ đại, người thầy của giai cấp vô sản toàn thế giới. Khi còn nhỏ, tôi luôn được chiêm ngưỡng bức ảnh của ông mà bố tôi treo ngay trong phòng làm việc. Thời gian học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, tôi còn nhớ như in những bài giảng của thầy Thích về lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân, về thiên tài và vai trò của Karl Marx trong cuộc đấu tranh đó. Từ những bài giảng của thầy, bọn trẻ chúng tôi luôn kính yêu, ngưỡng mộ ông như kính yêu, ngưỡng mộ Lênin, Bác Hồ. Khi tôi vào đại học thì sách “gối đầu giường” chính là “Tuổi trẻ Karl Marx”, “Jenny Marx” và “Tình bạn vĩ đại và cảm động” - những cuốn sách kể về cuộc đời huyền thoại của Người. Còn nhớ hồi là sinh viên, tình cờ trong một bài học tiếng Anh tôi biết Karl Marx được yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Luân đôn. Đối với lãnh tụ khác như Bác Hồ hoặc Lênin, ta cảm thấy có gì đó thật gần gũi vì được nghe, đọc nhiều thông tin với những kỷ vật hiện hữu; còn Karl Marx sống và mất ở Anh - một nước tư bản, lại rất ít thông tin về cuộc sống của Người, nên thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy Karl Marx như một huyền thoại. Nhân chuyến công tác sang Anh, tôi quyết tâm đi tìm viếng mộ Karl Marx.

Đến Luân đôn, sau khi làm việc, có được ba ngày tự do, tôi và anh Thể (Giám đốc nhà máy in Báo Nhân dân) rủ nhau cùng đi tìm mộ Karl Marx. Hai anh em đến Đại sứ quán Việt Nam hỏi thông tin thì cán bộ ở đây tỏ ra ngạc nhiên về ý định này. Theo chỉ dẫn, chúng tôi thuê taxi đến một nghĩa trang lớn ở Luân-đôn, nhưng kiếm mãi không thấy, đành tìm gặp Ban quản trang. Phụ trách quản trang là một phụ nữ lịch sự và nhiệt tình, bà thông báo Karl Marx không được chôn ở nghĩa trang này. Nhìn ánh mắt thất vọng của chúng tôi, bà lên ngay mạng dò tìm danh sách, xem các nhân vật nổi tiếng được chôn cất ở đâu. Cuối cùng, bà cho biết tên nghĩa trang và địa chỉ nơi an táng Karl Marx. Một ngày hiếm hoi và quý báu trôi qua, chúng tôi chỉ có trong tay những thông tin ngắn ngủi như vậy.

Hôm sau, chúng tôi vẫn quyết lên đường. Mua một bó hoa đến viếng Người, khi trả tiền, tôi nói vui: “Hôm qua, ta quên không mang hoa thăm Cụ, chắc Cụ giận không cho gặp mặt!”. Ôm bó hoa một cách trang trọng, chúng tôi ra đứng đón taxi. Ở Luân-đôn đón taxi chạy ngang đường là một việc cực kỳ khó. Sau đúng hai tiếng đồng hồ, vẫy mỏi cả tay mà chẳng thể dừng được một chiếc taxi chạy không, chúng tôi đành quay về khách sạn. Chẳng biết có phải Luân-đôn ít hãng taxi hay sao mà kiếm một cái khó như thuê máy bay! Cuối cùng, tiếp tân cũng gọi được một anh chạy “xe dù” quen. Vậy là có xe để đi nhưng với giá cắt cổ - 70 bảng Anh (tính ra tiền Việt khoảng triệu rưỡi)!

Tác giả bên mộ Karl Marx.Tác giả bên mộ Karl Marx.

Xe đưa chúng tôi đến nghĩa trang Highgate ở ngoại ô Luân Đôn. Cô gái coi nghĩa trang có mái tóc vàng, xinh xắn, ra mở cổng và chỉ lối cho chúng tôi. Nghĩa trang Highgate nằm trong một cánh rừng rộng lớn, âm u, quạnh hiu. Dưới những tán cây rậm rạp là những bia mộ nằm sát mặt đất. Không khí lành lạnh của đất nước sương mù càng làm cho nghĩa trang thêm hiu quạnh. Mèo hoang và sóc nhiều vô kể, chúng tôi đi đến đâu là chúng rào rào chạy theo, chắc là bọn này đói và đã quen có người đến là sẽ có thức ăn cho chúng. Còn cụ Marx có lẽ cảm động trước sự chân tình của các cháu, nên chỉ một lúc là chúng tôi đã tìm thấy phần mộ của Người.

Mộ phần gia đình Karl Marx nằm gọn trong một khuôn viên rộng chừng tám mét vuông, được bao quanh bằng một hàng rào sắt cao 40cm. Mộ của Người chỉ với một phiến đá giản dị, bên cạnh là bia mộ của bà Jenny và các con. Phía sau là một bệ đá cao 2m có gắn tượng bán thân với vầng trán cao, thông minh, bộ râu quai nón rậm, Người nhìn thẳng về phía trước. Mặt bệ đá gắn dòng chữ “Công nhân các nước hãy đoàn kết lại!”. (Mà ngày xưa ta quen đọc là “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”). Phần mộ giản dị quá, thật tương phản với tầm vóc vĩ đại của Người, làm trào dâng trong tôi một cảm xúc mạnh mẽ. “Chao ôi! Lúc này sao mà ta được gần Người đến thế! Đã hơn nửa thế kỷ, Karl Marx như một vị thánh trong tâm tưởng của chính ta!”. Bó hoa lay-ơn đỏ rực chói chang, khi đặt bên mộ Karl Marx dường như nó đỏ hơn, dường như đang ứa máu! Người đã sống và cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng Cộng sản, nhưng Người không được hưởng hạnh phúc đón nhận vinh quang chiến thắng. “Hạnh phúc là đấu tranh” - đó là triết lí sống của Người. Người suốt đời sống theo phương châm ấy, luôn đấu tranh cho hạnh phúc của nhân loại. Đến khi nhắm mắt, Người vẫn sống trong thiếu thốn, khổ hạnh và đau đớn trong bệnh tật. Nhưng tư tưởng vĩ đại của Người đã thức tỉnh hàng triệu triệu công nhân và những người cần lao trên toàn thế giới, nhiều đất nước đã đi theo con đường mà Người khai sáng.

Đứng trước mộ Karl Marx, chúng tôi lặng đi trong niềm xúc cảm vô biên, quên cả thời gian, quên cả không gian...

 

Luân Đôn tháng 5-2000
Thành phố Hồ Chí Minh, 5-2004
N.N.Đ