Thực tại và hoang đường 4


PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.

"Ví dụ như lửa có đặc tính hướng lên trên. Đó không phải là "tự nhiên", cũng không phải là “gồm có tự nhiên”, mà là “bởi vì tự nhiên” hoặc là “ theo với tự nhiên”
“Tự nhiên" là cái gì, “bởi vì tự nhiên” và “theo với tự nhiên” là nghĩa làm sao, điều đó đã thuyết minh rồi. Nếu có ý đồ chứng minh một sự thật là “tự nhiên tồn tại”, đó là điều hoang tưởng”.
Aristote


Anhstanh hỏi: “Thượng Đế có bao nhiêu sự lựa chọn trong việc tạo dựng Vũ Trụ?”
Và chúng ta trả lời: “Thượng Đế chẳng có sự lựa chọn nào cả vì... làm gì có Thượng Đế!” Cứ giả sử là có Thương Đế và dù có vô hạn sự lựa chọn hay một sự lựa chọn thì Thượng Đế vẫn phải lựa chọn và như thế Thượng Đế là không toàn năng. Một Thượng Đế không toàn năng thì đâu phải là Thượng Đế mà chỉ là một thiên tài hay một xuất chúng, nếu có thể gọi như thế, còn không thì cũng… bình thường thôi!

Nhưng nếu chúng ta cứ khăng khăng nhất mực là có Thượng Đế thì vì Thượng Đế không có sự lựa chọn nên cũng chẳng thương yêu hay ghét bỏ con người làm gì và một Thượng Đế với hình dung như vậy “rất giống” với Tốn Tại hay nói trắng ra, chính là Tồn Tại.

Vì không có lựa chọn nên Tồn Tại cũng chẳng tự chọn mình, do đó làm sao có sự tạo dựng Vũ Trụ được? Không có tạo dựng, nhưng Vũ Trụ vẫn hiện diện trước con người quan sát với biết bao nhiêu những quá trình tưởng hỗn độn mà hài hòa, vô cùng chằng chịt, rối rắm nhưng lại như được an bài, vừa phi thường vừa là sự thực “chắc nịch” (từ của Anghen).

Hay là có tạo dựng? Nếu cho rằng có tạo dựng thì phải giải được câu đố sau đây:
Tạo dựng được bắt đầu từ đâu, từ bao giờ, từ cái gì, đấng nào đã tạo ra hay dựng nên và đấng ấy được đấng nào nặn ra từ đâu, từ bao giờ, từ cái gì, và đấng nào ấy từ đấng nào nữa …; rồi đấng nào nữa ấy…?

Để may ra có thể trả lời được câu đố đó thì trước hết phải thừa nhận có vô hạn đấng nhưng trong vô hạn đấng ấy phải có một đấng là toàn năng, có sẵn chứ không phải được nặn ra, vì được nặn ra có nghĩa là còn bị lệ thuộc, chưa toàn năng. Rốt cuộc thì lại phải có đấng cuối cùng và số đấng là hữu hạn. Số đấng hữu hạn cũng chỉ là một khả năng, một sự lựa chọn thôi, vì đấng toàn năng có thể tạo một lúc vô hạn đấng không toàn năng. Nhưng để tạo dựng ra Vũ Trụ mà phải nặn ra một lô đấng không toàn năng thì "lãng phí" quá và như thế cũng sẽ không toàn năng! Do đó, chỉ cần một đấng duy nhất tạo dựng Vũ Trụ thôi. Đấng duy nhất ấy không thể khác, là Thượng Đế, Thượng Đế tạo dựng Vũ Trụ từ cái gì, ở đâu, hay lấy từ chính Ngài ra? Một toàn năng bị lấy bớt đi thì đâu còn toàn năng nữa! Mà Thượng Đế như chúng ta đã biết, không yêu ghét gì con người cả, không lựa chọn được gì cả, nhắm mắt tạo dựng và chỉ tạo dựng đúng như thế chứ không thể khác, lại chính là Tồn Tại: Vừa toàn năng vừa không toàn năng và không phải cả hai. Lẽ nào Tồn Tại tạo dựng Tồn Tại một cách mù quáng?!

Vô tình (hay giả vờ vô tình?) chúng ta đã nghêu ngao lại bài đồng dao: Chim ri là …

Nghĩ đi nghĩ lại, mới thấy anh chàng nông dân quê mùa mộc mạc ấy láu cá đáo để, đã có một câu trả lời xếp vào hàng hay nhất và đúng nhất thế gian: “Trời sinh ra thế!”, một câu trả lời vừa “gọn nhẹ” vừa khỏi phải nghĩ ngợi nhức óc vô ích, vừa có thể đương đầu được vô khối những câu hỏi thuộc loại hóc búa nhất của những nhà bác học lừng danh nhất, những triết gia thâm hậu nhất của mọi thời đại. Đó là câu trả lời không thể phản biện!!! Mai này có dịp về quê gặp gã, chúng ta sẽ hỏi: “Ai sinh ra Trời?” xem thử gã trả lời ra sao, hay cũng gọn lỏn: “Trời sinh ra thế!”. Mà có thể là gã trả lời như thế thật vì những hạng người như gã, còn cách nào trả lời nữa đâu. Chúng ta cũng nên tạm bằng lòng với điều đó, để còn được vui thú nhấm nháp những ly rượu nồng thơm hương đồng quê. Chứ nếu chúng ta cố thắng hỏi tiếp: “Trời sinh ra Trời à?” là sẽ sinh chuyện. Lúc đó rất có thể gã sẽ điên tiết lên mà rằng: “Trời sinh ra tất cả thì Trời cũng sinh ra Trời, Trời sinh ra thế mà lại! Mấy ông đừng có dấm dớ vớ vẩn, người sinh ra người chứ không lẽ sinh ra chó!”. Và điều tệ hại nhất xảy ra: chúng ta sẽ không được hưởng một bữa rượu thịt ê hề mà gã, như bao người dân quê thuần phác và luôn hiếu khách khác, đã định kêu vợ "tạo dựng" ra để thết đãi.

* * *

Cần phải đi đến quan niệm rằng không có sự tạo dựng Vũ Trụ!

Nhưng như thế sẽ làm cho con người quan sát bất bình. Trước mắt họ, tất cả các sự vật - hiện tượng từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, từ nhỏ nhất cho đến lớn nhất và có thể là toàn bộ Vũ Trụ sự vật - hiện tượng đều có khởi đầu, quá trình tồn tại, kết thúc và như vậy là đều được tạo dựng. Từ những việc liên quan đến con người như làm ăn sinh sống, sinh con đẻ cái, có nhà cửa, có sự nghiệp… , đến những sự kiện xảy ra của thiên nhiên như mưa nắng, động đất, núi lửa … đến những biến cố thiên văn như sự ra đời, bùng nổ của các ngôi sao, sự hợp tan của các thiên hà … nhất nhất đều chứng thực điều đó.

Trong vật lý học hiện nay, hầu hết các nhà khoa học đã đồng tình với việc cho rằng Vũ Trụ có một điểm khởi đầu và có một lịch sử (nghĩa là có sự tạo dựng). Chúng ta hãy nghe nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu kể về điều này trong quyển “Vũ Trụ - phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại” (NXB Giáo dục - 1995)

“(…) Ngành vật lý thiên văn nghiên cứu về nguồn gốc và sự tiến hóa Vũ Trụ, có hai trường phái. Một trường phái chủ xướng bởi nhà vật lý học người Anh, Hoyle, cho rằng Vũ Trụ ở trong “trạng thái ổn định”, vô thủy vô chung. Các vật chất được tạo ra và biến đi liên tục. Trường phái khác cho rằng Vũ Trụ được tạo ra bởi một vụ nổ vĩ đại cách đây khoảng 15 tỷ năm, hiện nay đang giãn nở và loãng dần. Từ nay ta sẽ gọi vụ nổ nguyên thủy là “Vụ nổ lớn” (Big bang). Tìm hiểu nguồn gốc Vũ Trụ là một vấn đề vô cùng nan giải, vì phải dùng phương tiện toán lý và dụng cụ quan sát rất phức tạp. Đứng về phương tiện triết lý, có người cho rằng thuyết Vũ Trụ trong trạng thái ổn định rất tao nhã, vì trong thuyết này Vũ Trụ không trải qua giai đoạn nguyên thủy bùng nổ kỳ dị. Điểm kỳ dị trong toán học là điểm đặc biệt đáng tránh, vì là nơi các biểu thức toán học phân kỳ ra vô tận. Vũ Trụ trong trạng thái ổn định không thay đổi từ quá khứ đến tương lai (…). Trong sự tranh luận giữa hai trường phái, có người cho rằng tin có Vụ nổ lớn là tin có một Tạo hóa đã tạo ra Vũ Trụ. Họ nghĩ rằng thuyết Vụ nổ lớn không có tính chất thuần lý. Trong một buổi yết kiến tại Tòa thánh Vaticăng (Vatican), Giáo hoàng đã phát biểu với các nhà vật lý thiên văn như sau: “Nghiên cứu quá trình tiến triển của Vũ Trụ là công trình tốt đẹp, nhưng nên tránh tìm hiểu đúng thời điểm Vũ Trụ nổ, vì đó là công trình của Thượng đế”. Đứng về phương diện khoa học thì thuyết đúng nhất phải miêu tả và giải thích được những hiện tượng lý hóa thiên nhiên. Theo những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất thì thuyết Vụ nổ lớn miêu tả Vũ Trụ đúng hơn vì giải thích được nhiều hiện tượng thiên nhiên hơn là thuyết trạng thái ổn định”.
(...)
Trong thuyết Vụ nổ lớn, Vũ Trụ giãn nở từ một điểm kỳ dị. Muốn tìm tuổi Vũ Trụ, ta phải lý luận để đi ngược thời gian đến điểm kỳ dị, lúc tuổi và bán kính của Vũ Trụ là số không để làm mốc: Tại điểm này, những định luật của toán lý và thuyết tương đối rộng không áp dụng được. Vật lý hiện đại dựa vào vật lý các hạt đã giúp ta trở lại quá khứ, nhưng chỉ đoán được những sự kiện đã xảy ra bắt đầu từ 10-43 giây đồng hồ sau vụ nổ! Con số cực nhỏ này không có ý nghĩa thực tế, nhưng đứng trên phương diện khoa học, nó là mốc cho thời gian trong quá trình tiến triển của Vũ Trụ. Thời điểm này được gọi là thời điểm Planck, (một nhà vật lý học người Đức, thế kỷ XX) (…). Ở thời điểm Planck, kích thước Vũ Trụ là 10-33 cm (độ dài Planck), nhiệt độ là 1032 K và mật độ là 1094 g/cm3!...”


Dù rằng thuyết Vụ nổ lớn được hình thành nên từ việc quan sát thực tế phát hiện ra Vũ Trụ giãn nở của nhà thiên văn học Hubble (hiện tượng các thiên hà xa xăm rải rác khắp bầu trời ngày một lánh xa nhau) và đã giải thích được nhiều hiện tượng xảy ra trong Vũ Trụ nhưng ngay lập tức, chúng ta không chấp nhận nó vì nếu không, chúng ta bắt buộc phải bỏ dở cuộc hành trình đi tìm cái gì đó và quay về nhà. Hay nói rõ hơn quan niệm về tồn tại của chúng ta không thể dung hòa với nó được. Chúng ta dù mang danh là những kẻ hoang tưởng, cũng không hình dung nổi một Vũ Trụ “khủng khiếp” như thế. Làm sao có thể hiểu nổi toàn bộ Vũ Trụ các sự vật - hiện tượng ngày nay, cách đây 15 tỷ năm lại dồn được vào một điểm có đường kính 10-33 cm, thậm chí là bằng không: một tồn tại nhỏ đến vô cùng, không bao hàm không gian và thời gian, hoặc nếu bao hàm không gian và thời gian thì phải ở giữa một mênh mông Hư Vô!? Nếu nó nổ thì trước đó phải có một lực lượng làm cho nó bị dồn nén tức tưởi cực độ; còn không thì làm sao nó nổ được? Và nếu Vũ Trụ là giãn nở thì hoặc nó chỉ là một bộ phận của Tồn Tại thôi hoặc ngoài nó cũng phải là mênh mông Hư Vô. Nói mênh mông Hư Vô thì cũng như nói một không gian hư vô, nghĩa là có một thể tích hư vô. Nhưng đã Hư Vô thì ngay đến thể tích cũng không được hiện diện. Tóm lại nếu thuyết đó đúng thì Vũ Trụ mà chúng ta quan sát thấy chỉ là một bộ phận của Vũ Trụ mà chúng ta quan niệm và như thế nó được tạo dựng, trong không gian và thời gian cũng chẳng khác gì một vụ nổ pháo hoa cả.

Nhân đây, chúng ta cũng nên đọc lập luận của nhà thần học Thomas Aquinas về sự toàn thiện của Thượng Đế (trong cuốn sách có tựa đề “Nhập môn triết học - Siêu hình học, thần học và Vũ Trụ luận” của Calaro R.Ceniza và Romualdo E.Bulad, bản dịch tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP HCM, năm 2005):

“Thiên chúa có toàn thiện hay không?”

“Do vậy, chúng ta tiếp tục đề cập đề mục thứ nhất:

Phản đề 1: Dường như Thiên Chúa không toàn thiện. Vì chúng ta bảo, một vật là toàn thiện nếu nó được tạo thành một cách đầy đủ. Nhưng quả là chẳng lợi gì cho Chúa để được tạo thành. Do đó, Ngài không toàn thiện.

Phản đề 2: Hơn nữa, Thiên Chúa là khởi nguyên đầu tiên của vạn vật. Nhưng những khởi nguyên của vạn vật dường như không toàn thiện; như mầm mống là khởi nguyên của sự sống động vật và thực vật. Do đó Thiên Chúa không toàn thiện.

Phản đề 3: Hơn nữa, như trình bày ở trên, yếu tính của Thiên Chúa là sự hiện hữu. Nhưng sự hiện hữu dường như là bất toàn nhất, vì nó phổ quát và dễ đón nhận toàn bộ sự biến thái. Do đó Thiên Chúa không toàn thiện.

Trái lại, như đã viết: Hãy nên toàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện. (Matt V.18)

Tôi trả lời như thế. Như Triết gia thuật lại (Siêu hình học XII), một vài triết gia cổ điển, ấy là, những người theo trường phái Pithagoras và Leucippus, đã không khẳng định sự “thiên hảo nhất” hay “toàn thiện nhất” của nguyên nhân đệ nhất. Lý do là vì các triết gia cổ điển chỉ xét tới nguyên nhân vật chất: nhưng nguyên nhân vật chất thì bất toàn nhất. Vì vật chất như thế chỉ là tiềm năng, là tác nhân, và như thế, là trong tình trạng của thực tại. Do đó, nguyên nhân thực đầu tiên phải cần là hiện thực nhất, và do đó toàn thiện nhất; vì một vật thì toàn thiện tương ứng với tình trạng thực tại của nó, vì chúng ta gọi cái toàn thiện là cái không thiếu gì về cách thức toàn thiện của nó.

Trả lời cho phản đề 1: Như Gregory nói (Đạo đức V, 26, 29): Dù miệng lưỡi chúng con chỉ có thể lắp bắp, thế nhưng chúng con vẫn ca ngợi những kỳ công của Chúa. Vì cái không được tạo dựng mà được gọi là toàn thiện là không đúng. Tuy nhiên, vì những sự vật được tạo dựng lại được gọi là toàn thiện, khi từ tiềm năng chúng được đưa vào hiện thực, từ toàn thiện này có nghĩa là bất cứ cái gì viên mãn trong hiện thực, cho dù nó có toàn thiện hay không.

Trả lời cho phản đề 2: Nguyên nhân vật chất mà chúng ta thấy là bất toàn, nguyên thủy không thể là tuyệt đối được; nhưng phải được đi trước bởi cái gì đó toàn thiện. Vì mầm mống, dù nó là nguyên nhân của sự sống động được tạo ra qua mầm mống, nó phải có trước nó, con vật hay cây cối mà từ đó nó xuất phát. Vì trước cái là tiềm năng, phải có cái là hiện thực: vì một hữu thể tiềm năng chỉ có thể được biến đổi thành hành động bởi một hữu thể nào đó đã là thực.

Trả lời phản đề 3: Sự hiện hữu là toàn thiện nhất trong mọi sự, vì nó được so sánh với mọi sự như cái mà nhờ đó mọi sự được làm cho trở thành hiện thực; vì không gì là hiện thực trừ bao lâu nó còn hiện hữu. Do đó, hiện hữu là cái làm cho mọi sự thành hiện thực, cả các hình dạng của chúng. Do đó nó không được đem so sánh với những cái khác như bình chứa được thừa nhận. Do đó khi tôi nói về sự hiện hữu của con người, của con ngựa, hay của bất cứ thứ gì khác, sự hiện hữu được xem như một nguyên nhân đối xứng và như thứ gì đó được thừa nhận; nhưng không phải như cái hiện hữu.”

Không biết các thánh khác có hiểu được sự diễn giải trên của thánh Thomas không, chứ chúng ta, những kẻ bình dân, hoàn toàn mù tịt, chỉ thấy hình như có bài đồng dao “Chim ri là …” trong đó. Có thể giữa chúng ta và thánh Thomas đã có những cách biệt không thể khắc phục được về những khái niệm cơ bản như: hiện hữu, hiện thực, hữu thể, toàn thiện, thực tại …, vì vậy mà trước sự khẳng định của Ngài, chúng ta vẫn u minh, chưa biết được Thượng Đế có toàn thiện hay không. Và cũng có thể tiên đoán được điều này nên thánh Thomas đã nói, kể ra thì cũng chí lý: “Điều mà bạn không thấy cũng chẳng hiểu thấu, thì chính đức tin lại chứng thực cho bạn, bằng cách vượt lên trên dấu chỉ hiển hiện trong tự nhiên; một dấu chỉ vốn hiển hiện bây giờ, và còn nhiều thực tại ẩn náu dưới mầu nhiệm”.

Khốn nỗi, chúng ta lại có tính hoài nghi! Và thưa ngài Thomas, khi tính tò mò bị đức tin chế ngự thì quá trình nhận thức thế giới của con người cũng dừng lại!

Để “rộng đường dư luận”, chúng ta trích ra đây một đoạn đối thoại giữa nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận và nhà sư Mathieu Ricard (đã từng là tiến sĩ sinh học) trong cuốn sách có tựa đề “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” (NXB Trẻ - 2005).

“Mathieu: Thừa nhận sự tồn tại của nguyên lý sáng thế cũng chẳng làm thay đổi được gì câu hỏi này, Tại sao lại phải có một nguyên tắc sáng thế thay vì là không có gì? Bằng cái nguyên lý sáng thế đó ông muốn nói lên điều gì? Phải chăng đó là một thực thể xây dựng nên cái tổng thể này để nó vận hành?


Trịnh Xuân Thuận: Điều quan trọng là nguyên tắc này muốn tạo ra một Vũ Trụ có một người quan sát.


Mathieu: Muốn ư? Như vậy, nguyên lý sáng thế phải chứa đựng trong đó mọi quyền năng.


Trịnh Xuân Thuận: Tôi nghĩ thế.


Mathieu: Như vậy, nó không phải tuân theo bất cứ một thứ quyền năng nào khác ngoài quyền năng của chính nó?


Trịnh Xuân Thuận: nếu phải tuân theo một thứ quyền năng nào khác thì nó sẽ không còn là toàn năng nữa.


Mathieu: Trong trường hợp đó, nó có quyết định sáng thế hay không sáng thế?


Trịnh Xuân Thuận: Nó quyết định sáng thế.


Mathieu: Nếu như nó quyết định sự sáng thế thì nó không có sức mạnh vô song nữa vì nó lại bị ham muốn sáng thế tác động. Hơn nữa, nó đã thay đổi, và do đó mất đi tính bất biến của mình: trước kia, nó không có ham muốn sáng thế, vậy mà giờ nó lại có ham muốn sáng thế. Nếu như nó sáng thế mà không quyết định sáng thế thì nó cũng không còn là toàn năng nữa vì nó không còn sự tự do sáng thế hoặc không sáng thế. Như vậy tính toàn năng của nó bị bác bỏ. Thứ hai, một nguyên lý như thế liệu có được sinh ra mà không có nguyên nhân hay không, hay nó là nguyên nhân của chính nó.


Trịnh Xuân Thuận: Theo tôi, nó là nguyên nhân của chính nó. Nhưng tôi nhắc lại, tranh luận của chúng ta đã đi ra ngoài khoa học mất rồi.


Mathieu: Nếu như nó là nguyên nhân của chính nó thì nhất định nó phải bất biến. Một thực thể tồn tại từ chính nó không có lý do gì để thay đổi cả. Chỉ có thể thay đổi những gì được sinh ra từ một cái khác. Tại sao ư? Bởi vì một cái gì đó vĩnh hằng không thể sinh ra một cái gì đó phù du được. Hơn nữa, nếu như nó sáng thế thì nó không còn là bất biến nữa, vì sự sáng thế đòi hỏi phải có thay đổi; phải có một hành động sáng tạo. Sau khi đã sáng thế, nó không còn nguyên vẹn nữa: trước đó nó không phải là tạo hóa, nhưng sau đó, nó đã trở thành tạo hóa. Như vậy, nó đã mất đi tính bất biến. Khái niệm vĩnh hằng làm cho mọi sự nối tiếp của các sự kiện và các điều kiện biến thiên trở nên không thể: một tạo hóa bất biến không thể có hai trạng thái. Cuối cùng, nếu nó sáng thế, thì nó phải biến đổi trở lại do chính hành động sáng thế của nó, vì mọi hành động đều kéo theo một tác động tương hỗ. Không có một nguyên nhân nào là một chiều, nên quan hệ nhân quả nhất thiết phải có tính tương hỗ. Lại một bằng chứng nữa cho thấy tạo hóa mất đi tính bất biến và đồng thời cả tính vĩnh hằng của mình nữa. Không gì có thể làm thay đổi một cái gì đó không thể thay đổi được, giống như một lọ thuốc nhuộm không thể tô màu được không gian. Tóm lại, cái không có một nguyên nhân nào khác ngoài chính mình thì không thể tương tác với bất cứ cái gì.


Trịnh Xuân Thuận: Như vậy mỗi một sự kiện đều phải có một nguyên nhân, nhưng như thế lại thành thụt lùi tới vô cùng …


Mathieu: Tính vô cùng này chắc chắn sẽ đi ngược lại các niềm tin siêu hình của Phương Tây; của tôn giáo cũng như của các nhà khoa học, những người muốn bằng mọi giá phải gán một sự “bắt đầu” cho vạn vật. Mong muốn tìm ra một điểm bắt đầu dựa trên niềm tin rằng vạn vật tồn tại thực và bền vững như trí óc bình thường của chúng ta cảm nhận.


Trịnh Xuân Thuận: Trước đây, tôi đã giải thích rằng cơ học lượng tử cho phép tránh được quan niệm về một nguyên nhân đầu tiên của Vũ Trụ. Sự “bắt đầu” của vạn vật không còn là nhất thiết cần nữa.


Mathieu: Nếu sự bắt đầu không còn là cần thiết nữa – và tôi cũng đồng ý như vậy – thì nguyên lý sáng thế cũng không cần thiết nữa. Nhưng nó làm thế nào có thể tổ chức được các hiện tượng nếu như không có điểm bắt đầu? Cùng lắm là nó chỉ có thể thay đổi dần dần diễn biến của chúng.
Lập luận thứ ba: nếu nguyên lý sáng thế này tổ chức toàn bộ thế giới các hiện tượng thì nó phải chứa trong lòng nó tất cả các nguyên nhân của thế giới này. Nếu không, có thể sẽ có một cái gì đó nằm bên ngoài sự sáng tạo của nó.


Trịnh Xuân Thuận: Rất lôgic.


Mathieu: Nhưng nền tảng của qui luật nhân quả là ở chỗ: sở dĩ một sự kiện không xảy ra chính là vì thiếu một số nguyên nhân hay điều kiện nào đó. Sỡ dĩ một hạt không nảy mầm là bởi vì nó có khuyết tật hoặc vì thiếu độ ẩm, nhiệt độ … Chừng nào tất cả các nguyên nhân và điều kiện chưa hội đủ thì không thể có một kết quả được sinh ra. Ngược lại, khi tất cả các nguyên nhân và điều kiện đã đầy đủ, kết quả nhất thiết phải được sinh ra. Còn nếu nó không được sinh ra thì có nghĩa là vẫn còn thiếu một cái gì đó. Như vậy, nếu một nguyên lý sáng thế mang trong lòng nó những nhuyên nhân và kết quả của Vũ Trụ thì nó phải không ngừng tạo ra toàn bộ Vũ Trụ. Về một phương diện nào đó tựa như một Big Bang vĩnh cửu.


Trịnh Xuân Thuận: Nó không thể dừng lại một khoảnh khắc nào.


Mathieu: Đúng như vậy: nếu nó dừng lại thì có nghĩa là nó sẽ không chứa trong lòng nó tất cả các nguyên nhân của sáng tạo nữa. Vì thế, nó cần phải có sự giúp đỡ hoặc là của một nguyên lý khác giữ một phần nguyên nhân và nó phải phụ thuộc vào nguyên lý này, hoặc là có một nguyên lý điều chỉnh có khả năng làm cho quá trình sáng thế dừng lại. Trong mọi trường hợp, nó vẫn mất đi sức mạnh vô song. Như vậy, chỉ có hai khả năng: hoặc nó không nắm giữ tất cả các nguyên nhân và điều kiện, và như thế, nó không bao giờ có thể sáng thế; hoặc nó có tất cả các nguyên nhân và điều kiện, và như vậy, nó liên tục sáng tạo ra tất cả.


Trịnh Xuân Thuận: Điều này cũng phi lý.


Mathieu: Lập luận này có thể được tóm tắt như sau: Khi mà nguyên nhân và hoàn cảnh được hội đủ, thì cho dù tạo hóa có không muốn sáng tạo cũng không thể ngăn được nó sáng tạo: không thể không sáng tạo, nó sẽ sáng tạo. Khi không hội đủ nguyên nhân và hoàn cảnh, thì dù nó có muốn sáng tạo nhưng do không thể sáng tạo, nó sẽ chẳng tạo đuợc gì (…). Nếu tạo hóa tạo ra những kết quả như những nỗi đau khổ địa ngục, thì dù không muốn đi nữa, nó sẽ không còn tự do, mà trở nên phụ thuộc, và ngay cả khi nó muốn, nó vẫn phụ thuộc vào sự mong muốn của mình và sự độc lập của nó sẽ bị lung lay. Ngay cả khi tạo hóa tạo ra tất cả các đau khổ này, thì thử hỏi một Thượng Đế thánh thiện ở điểm nào, bởi vì đưa người khác vào đau khổ không phải là công việc của một vị thánh.
Một số người nói rằng tạo hóa có thể tạo ra thế giới một cách dần dần. Quan điểm này hàm ý rằng các nguyên nhân của Vũ Trụ là rất nhiều và tạo hóa không có trong tay tất cả các nguyên nhân đó vào lúc bắt đầu sáng thế. Vậy thì sau đó tạo hóa đã lấy các nguyên nhân này từ đâu?
Một số người khác lại lập luận rằng hành động của tạo hóa là phi thời gian, rằng nó tạo ra thế giới hiện nay hoàn toàn giống như nó đã từng tạo ra và sẽ tạo ra. Chúng ta sẽ biểu diễn quá trình sáng thế dưới góc độ một chuỗi các sự kiện, mà theo quan điểm của tạo hóa là đồng thời. Quan điểm này không tránh khỏi phải bác bỏ một nguyên lý sáng thế mang trong lòng nó tất cả các nguyên nhân của Vũ Trụ, và như vậy, phải tiếp tục tạo ra Vũ Trụ đó. Hơn nữa, nếu tất cả các sự kiện của Vũ Trụ trong quá khứ, hiện tại, tương lai, là đồng thời theo quan điểm của tạo hóa thì điều này sẽ dẫn đến một quyết định luận tuyệt đối. Quan điểm này sẽ làm cho mọi nỗ lực tạo sự chuyển biến bên trong nhằm xóa đi vô minh và đạt tới giác ngộ trở nên vô ích.
Ngược lại, sự xuất hiện của các hiện tượng thông qua trò chơi các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau không đầu không cuối sẽ tránh được quyết định luận tuyệt đối, vì các nguyên nhân và điều kiện thuộc các quan hệ này là vô số và không thể qui về một nguyên nhân đầu tiên và duy nhất được.


Trịnh Xuân Thuận: Các hiện tượng hỗn độn hoặc ngẫu nhiên, cũng như sự nhòe lượng tử, đúng là đã bác bỏ ý tưởng về một Vũ Trụ tất định tuyệt đối.


Mathieu: Cuối cùng, nếu không chỉ tất cả các nguyên nhân mà còn tất cả các kết quả của chúng đều nằm trong tay Tạo Hóa thì người ta sẽ thậm chí không thể nói tới sự sáng tạo được nữa, bởi vì mọi thứ đều đã xuất hiện. Hơn nữa, tất cả các lập luận trước sẽ được áp dụng ở đây cho quá trình hiện đại hóa hoặc quá trình thể hiện ra bên ngoài của các kết quả này trong thế giới chúng ta.


Một số triết gia Ấn Độ nói rằng ở mọi giai đoạn sáng thế, Tạo Hóa trở thành nguyên nhân tương ứng nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn đặc tính của mình, giống như một diễn viên múa đóng các vở khác nhau, vận những bộ đồ khác nhau nhưng vẫn là anh ta chứ không phải ai khác. Điều này mâu thuẫn với ý tưởng cho rằng Tạo Hóa là nguyên nhân duy nhất của Vũ Trụ, vì một nguyên nhân duy nhất không thể tạo ra nhiều kết quả khác nhau. Mặt khác, một mặt thống nhất trong các mặt luôn thay đổi không thể được coi là bất biến. Nếu kết quả là không liên tục thì nguyên nhân của nó không thể là vĩnh hằng được. Tóm lại theo Phật Giáo, dưới góc độ thế giới sắc không, mỗi một thời khắc là một sự ngừng lại và cũng là một sự bắt đầu mãi mãi do tính vô thường cơ bản của các hiện tượng nối tiếp nhau theo các qui luật nhân quả. Dưới góc độ chân lý tuyệt đối, tất cả các sự kiện trong quá khứ, hiện tại, tương lai đều giống nhau trong chừng mực chúng không có tồn tại tự thân. Vì vậy, chúng không có bắt đầu mà cũng không có kết thúc thực sự. Nếu không có gì thực sự được “sinh ra”, sẽ không cần phải băn khoăn về tính chân thực của sự chấm dứt. Như vậy, không cần đến khái niệm về một nguyên lý sáng thế, nguyên lý làm ra tất cả nhưng bản thân nó lại không được tạo bởi cái gì hết.”

Có những suy niệm Phật Giáo làm chúng ta khâm phục, nhưng không phải là tất cả. Ở đây cũng vậy, chúng ta học hỏi được “một nửa” từ những suy luận của Mathieu, còn nửa kia đã bị che phủ bởi sự "bí hiểm" của những khái niệm. "Hình như" ở đây, Mathieu đã "bênh vực" cho quan niệm của Hêraclite, coi vận động Vũ Trụ chỉ là một thường biến. Không, bản thân quá trình thường biến vĩ đại đó đã là sự hàm chứa cả tính tự thân và bất biến!

Theo Phật Giáo thì thế giới này, nói nôm na là hoàn toàn thường biến; tất cả mọi sự vật hiện tượng đều là sự giả hợp, không có tồn tại tự thân vì không có gì; không có một thực thể nào từ lớn nhất (là thế giới hiện tượng) đến nhỏ nhất (hạt vật chất được chúng ta quan niệm) có thể vĩnh cửu tuyệt đối. Quan niệm này dù rất sâu sắc thì vẫn phiến diện! Chúng ta cho rằng, chính sự phiến diện này đã làm cho quan niệm của Phật Giáo về Tự Nhiên "đi lạc" vào cõi phù du, đầy huyền hoặc, ảo mộng...

Làm sao quan niệm được thường biến nếu không suy nghĩ về sự bất biến? Trong thực hành tâm linh để rời bỏ vô minh đến với giác ngộ thì cái để hướng đến ấy có vô thường không, Niết Bàn là tuyệt đối hay tương đối? Một tổng thể tuyệt đối thường biến, mãi mãi thường biến có được cho là chân lý tuyệt đối, đóng vai trò như nguyên lý về sự vô thường hay không, và có thể vĩnh cửu hay không? Vì không có nguyên lý sáng thế nên có thể cho rằng toàn thể cái thế giới sắc không mà Phật Giáo quan niệm, cái thế giới có bên trong vô thường, với tổng thể vừa phụ thuộc lẫn nhau vừa không dựa trên bất cứ một sự thực nào, hỗn loạn vô minh nhưng đồng thời cũng có thể vượt thoát đến giác ngộ, là một tồn tại tự thân được không? Không thể chối bỏ được hiện thực, Phật Giáo, để bảo vệ quan niệm của mình, phải thừa nhận có tồn tại tương đối. Tồn tại tương đối có đồng nghĩa với tồn tại tự thân tương đối không? Xã hội loài người, hay cụ thể hơn, một dân tộc người là một tổng thể có những mối quan hệ giữa những con người cụ thể làm hình thành nên nội tại của nó, là một sự thực hay chỉ là giả hợp? Con người cụ thể có giả hợp không? Nếu con người cụ thể là một giả hợp thì hạnh phúc và khổ đau của người đó cũng là giả hợp, do đó giác ngộ có ích gì? Còn nếu con người cụ thể không giả hợp thì chí ít, người đó phải tồn tại tương đối và nếu người đó nhận thấy đời là bể khổ, cố gắng tự cải tạo mình, mưu cầu giải thoát, trong khi nhiều kẻ khác can đảm sống kiếp nô lệ, thì người đó có một chút nào độc lập, một chút nào tồn tại tự thân không? Chắc là không rồi! Một con người không có tồn tại tự thân, sẽ không thể biết được chút xíu nào về cái tôi của mình; không cảm giác được vui buồn thì cũng không cảm nhận được hạnh phúc và khổ đau, hoàn toàn thờ ơ, hoàn toàn vô vọng. Đối với một người như thế thì vô minh hay đại ngộ có khác gì nhau đâu? Và Phật Giáo, như một hướng đường cho chúng sinh tìm đến an lạc (và chỉ theo ý nghĩa này thôi!) bỗng trở nên giả tạo, phi thực, và chỉ còn là nơi thể hiện lòng nhân ái, khuyên bảo bao dung, răn dạy lầm lỗi, xoa dịu những nỗi đau thương trần thế và ru ngủ những linh hồn chán chường, vô vọng!...

* * *

Trước mắt chúng ta giờ đây hiện lên hai con đường, một con đường dẫn chúng ta đến với thế giới có nguyên lý sáng thế, có tạo dựng, có Thượng Đế; một con đường dẫn chúng ta đến với thế giới sắc sắc không không, vô thường, không đầu không cuối, không có tồn tại tự thân và không tạo dựng.

Đi đường nào đây?
Bao triết thuyết ru mê những kiếp đời
Bao nẻo đời cuồng si theo triết thuyết
Con đường nào hỡi tột cùng Minh Triết
Giữa hoang mang mờ mịt khói vô minh?!

Hãy nhớ lại đi hỡi anh em bằng hữu! Trước khi hành trình, chúng ta đã tự chọn cho riêng mình một con đường, con đường của những kẻ hoang tưởng thích phiêu lãng, phiêu bồng khắp mọi miền có hoa thơm cỏ lạ để kiếm tìm … một cái gì đó, để rồi có thể là vô tích sự.

Chúng ta cứ hãy đi tiếp con đường của mình, đừng phân vân nữa! Phân vân mãi sẽ sụp đổ niềm tin, không có niềm tin thì còn đâu hy vọng! Tìm một cái gì đó mà không còn hy vọng thì thà quay về nhà ôm vợ còn sướng hơn!. Nhưng cũng nên đặt cho con đường một cái tên để “danh chính, ngôn thuận” một chút chứ nhỉ? Nên thế! Thế thì đặt là “Con đường yêu mến sự thông thái” được không? Không được, đó là bản quyền của triết học! Hay là “Con đường trung dung”? Phật Giáo đã sở hữu rồi! Hay “Con đường thánh thiện”? Không nên mạo danh Thiên Chúa! Thế thì đặt là “Con đường mộng mơ” đi? Ôi! Nghe thơ quá, yếu xìu! Muốn mạnh thì cho nó cái tên “Con đường bão táp”. Nhàm chán! Đúng rồi! ai cũng phải thích: “Đại lộ huy hoàng”? Nghe sao mà thênh thang, sán lạn! Khốn nỗi, con đường của chúng ta chỉ là một con đường đất nhỏ hẹp, quanh co đâu đó, qua các làng quê; đặt tên thế để nghe chửi à? Tưởng dễ, ai dè khó thật, thôi gác lại, rình dịp khác vậy!

Có một điều làm chúng ta cảm thấy yên lòng: Mọi con đường dù xuất phát trong hoàn cảnh nào, từ bất cứ nguyên nhân nào, dù là theo hướng nào, thậm chí tưởng chừng như ngược nhau, nhưng miễn thành tâm tới cái biết, miễn thực sự muốn phụng sự con người, chân tình yêu thương con người, thì trước sau gì cũng giao hòa vào nhau, và hội về một đích, vì chân lý tuyệt đối, chỉ có một, duy nhất.

Chỉ Một thôi, có lẽ chỉ Một thôi.
Một hướng soi đến cội nguồn chân lý
Chẳng Hữu, chẳng Vô, chẳng Vi, chẳng Vĩ.
Chỉ Một thôi!
Một tỏ bóng không nên Một là Mười
Mười Mươi tỏa hương nên là Muôn Một
Muôn Một quyện thành trái ngọt.
Nên lại là Một thôi!
Chỉ Một thôi, có lẽ chỉ Một thôi!

* * *

Có lần chúng ta đã thốt lên: ở ngoài ý niệm, Tồn Tại là vô thủy vô chung, hằng định, nhưng trong ý niệm, nó lại huyền diệu và hồn nhiên biết chừng nào. Đúng vậy! Tồn Tại, bản thân nó không cần phải nhận thức, không đòi hỏi con người hay bất cứ sự tư duy trừu tượng nào, ở bất cứ đâu trong Vũ Trụ này, trong nó, nhận thức về nó. Dù có bao nhiêu ý kiến khác nhau về nó, dù có bao nhiêu tỷ năm nhận thức về nó, thậm chí muốn biến đổi nó, muốn phá hoại nó, tùy thích, nó vẫn chẳng bị ảnh hưởng gì, nó vẫn thờ ơ, thản nhiên… tồn tại một cách thường biến tuyệt đối trong tuyệt đối bất biến, tự do tuyệt cùng trong ràng buộc tuyệt tận. Hay nói cách khác, sự thực khách quan với tất cả những biểu hiện của nó (mà chúng ta cho là phi thường) là có sẵn, là vốn dĩ như thế, tự nhiên như thế và không thể tranh biện được về nó một cách tuyệt đối. Như vậy, để cố gắng phần nào bộc lộ được bản chất vừa an nhiên thường hằng, vừa sống động phi thường của Tồn Tại, chúng ta sẽ gán thêm nhãn mác cho nó và gọi: Tự Nhiên Tồn Tại. (Nói cho cùng ra, khi đã hiểu nó rồi thì muốn gọi nó thế nào cũng được: Tồn Tại, Tự Nhiên, Tạo Hóa, cái Một Tối Cao, Đấng Sáng Tạo, Thượng Đế, thế giới khách quan, chân lý tuyệt vời, Trời, Vũ Trụ, Sự Thực, Cái Ấy … Mỗi cái tên hay nhãn mác ấy đều hàm chứa ít nhiều một vài đặc tính, mặt này hay mặt kia của nó. (Nhưng trong tất cả những cái tên mà con người đã đặt thì, theo thiển ý của chúng ta, cái tên chất phác nhất, dung dị nhất mà cũng huyền bí nhất là cái tên do các nhà hiền triết Upanishad đặt: Cái Ấy!).

Tự Nhiên Tồn Tại! Chà, cái tên nghe bùi tai đấy chứ! Tồn Tại thì hiểu rồi, nhưng còn Tự Nhiên? Tự Nhiên là gì? Tự Nhiên là Tồn Tại chứ còn là gì nữa! Ôi chào, trả lời như thế, thà hỏi đầu gối còn...sướng hơn!

“Tự Nhiên là gì?” Rõ ràng là một câu hỏi rất khó, có khi còn khó hơn câu hỏi “Tồn Tại là gì?”. Có thể chúng ta đã cảm nhận được ý nghĩa của nó nhưng còn mơ hồ và cũng có thể nó hàm chứa nhiều nội dung rộng lớn, sâu xa quá nên việc diễn giải rành mạch nó sẽ là một việc đầy cam go, thậm chí là vượt quá khả năng phải nói là còn nhiều yếu kém của chúng ta.

Nhưng không thể không nói kỹ hơn về nó được. Do đó cần phải nỗ lực hết mình, cố lột tả được cái nội dung cơ bản nhất của nó, dù có thể là sơ sài, được đến đâu hay đến đấy.

Khi có ai hỏi: “Tồn tại hay không tồn tại?”, chúng ta sẽ trả lời là: “Vừa tồn tại vừa không tồn tại, là cả hai mà cũng không phải cả hai.” Đó là cách trả lời mà bây giờ chúng ta gọi là cách trả lời “nước đôi”. Cách trả lời “Trời sinh ra thế” đã là “siêu phàm” rồi nhưng cách trả lời “nước đôi” còn “siêu phàm” hơn nhiều! Chúng ta chẳng tài cán gì nghĩ ra được cách trả lời ấy mà là chúng ta đã học lóm được. Công lao thuộc về các nhà hiền triết Ấn Độ cổ đại!

Vì là một câu trả lời siêu phàm nên nó chỉ được áp dụng trong quá trình cố gắng nhận thức những sự vật - hiện tượng cũng … siêu phàm. Nếu tùy tiện áp dụng trong cuộc sống đời thường sẽ dễ dẫn đến những hiểu nhầm tai hại, thậm chí dẫn đến… ẩu đả. Giả sử có một người đem dán nhãn mác “cục sắt” lên cục gỗ. Thấy vậy, ai đó hỏi: “Gã đó có khùng không?” thì chúng ta phải trả lời ra sao? Nếu chúng ta trả lời: “vừa khùng vừa không khùng, là cả hai mà cũng không phải là cả hai.”, thì ai đó sẽ trợn mắt ngạc nhiên vì nghĩ rằng chúng ta còn khùng hơn cả người dán nhãn mác. Nếu cuối câu trả lời vừa rồi, chúng ta thêm một đoạn: “hiểu chưa hả anh bạn?” thì đối với ai đó, chúng ta rõ ràng là một lũ khiêu khích trắng trợn. Thông thường trước một hành động lạ lùng, nếu đã hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành động ấy thì câu trả lời phải là “Có” hoặc “Không”, còn nếu chưa hiểu được nguyên nhân thì câu trả lời là “Không biết”, như thế mới hợp lý, phù hợp với logic học cũng như với nhận thức thông thường.

Về hình thức, câu trả lời “nước đôi” ở trên rất giống với câu trả lời “không biết” ở chỗ: trả lời mà cũng như không trả lời gì cả, con người không nhận thức được gì từ chúng: một câu thì “mù tịt” cộc lốc, một câu thì “mù tịt” kiểu “thông thái ghê” (từ dùng của V. L. Lênin). Nhưng nếu ngẫm lại, chúng ta sẽ thấy rằng ngay chính câu hỏi cũng “mù tịt” nốt. Muốn nhận được câu trả lời dứt khoát có hay không khùng, hoặc là người hỏi phải cung cấp thông tin đầy đủ: quá trình dẫn đến hành động ấy, hoàn cảnh xảy ra hành động ấy …, hoặc người trả lời phải có thời gian tìm hiểu thu thập thông tin, chưa kể là hai người hỏi và đáp phải cùng đồng thuận với nhau về khái niệm “khùng”. Nếu không, câu trả lời thực chất chỉ là một sự phán đoán nóng vội dễ dẫn tới sai lầm hoặc “bất khả tín”. Đến đây, tính “siêu phàm” của câu trả lời “nước đôi” mới bộc lộ: biết dán không đúng chỗ mà vẫn dán hoặc dán sai do lầm lẫn thì người dán không khùng (có thể có ý đồ gì đó); một hành động bất bình thường như vậy rõ ràng là khùng rồi; người khùng hành động như thế nhưng (có lúc) người không khùng cũng hành động như thế. Hành động đó chẳng phải khùng hay không khùng gì cả, chỉ đơn giản là người đó làm theo lệnh của “sếp”, như một cái máy (hay là người máy thật?).

Có thể cho rằng vì chúng ta “mê mẩn” câu trả lời nước đôi nên đã cố tình bênh vực nó, do đó đã cố “cãi” và lạc sang ngụy biện. Có thể là như thế: Biết được chính mình mới khó làm sao! Cứ cho là cái đầu hoang tưởng của chúng ta đã nghĩ ra một thí dụ lẩn thẩn nhất thế gian nhưng nếu ta đặt một câu hỏi tương tự cho ai đó, là: “Photon có phải hạt hay không?” thì ai đó sẽ trả lời thế nào? Rõ ràng trả lời “có” hoặc “không” đều không thỏa đáng. Còn trả lời “không biết” thì đúng là “mù tịt” cộc lốc. Ở đây, câu hỏi về photon không phải là câu hỏi “mù tịt” vì mọi thông tin, mọi kết quả thực nghiệm đã đầy đủ (ai chưa biết thì cứ việc tham khảo thoải mái trong vật lý học!), và vì thế nó trở nên một trong những “câu hỏi” siêu phàm đối với nhận thức của con người về sự thực khách quan. Trước câu hỏi này, ai đó là nhà vật lý học, sẽ trả lời: “photon vừa là hạt, vừa không phải hạt (lưỡng tính sóng hạt)”. Nhưng như chúng ta đã biết, trong một chừng mực nào đó, nó không thể hiện cả tính sóng lẫn tính hạt. (Quang hình học; có thể hình dung như nước, lúc là tia nước, lúc là hạt mưa, lúc là dòng sông, là biển dạt dào sóng…). Vì thế, câu trả lời của nhà vật lý học vẫn chưa đầy đủ, chỉ có các hiền triết Ấn Độ cổ đại, với cách trả lời nước đôi, siêu phàm của mình mới đủ sức trả lời những câu hỏi siêu phàm: “Photon vừa là hạt vừa không phải hạt, là cả hai mà cũng không phải cả hai!”

Câu trả lời nước đôi lúc này không còn là “mù tịt” kiểu “thông thái ghê” nữa, bởi nó đã đạt tới độ chính xác cao nhất, đầy đủ nhất đối với quan niệm hiện nay về photon, được xác minh bằng thực nghiệm hẳn hoi. Điều lạ lùng là cách trả lời của người xưa, từng bị người đời quên lãng, đã trỗi dậy và trả lời trúng phóc một câu hỏi hóc búa ngày hôm nay. Do linh cảm linh tri hay là sự tình cờ? Nhận thức sự thực khách quan là một quá trình dài lâu, lặp đi lặp lại của suy tư và chiêm nghiệm, rút tỉa và đúc kết thành những quan niệm ngày một đúng hơn. Chúng ta đã quan niệm rằng tất cả mọi sự vật - hiện tượng đều là sự biểu hiện của Tồn Tại và cũng đồng thời, xét trên bình diện sâu xa nhất, là một bộ phận của Tồn Tại, hơn nữa, là chính Tồn Tại. Nhận thức của con người, không phải là ngoại lệ, phải được coi như một sự vật - hiện tượng biểu hiện Tồn Tại và cũng chính là một bộ phận của Tồn Tại. Do đó nó tất yếu phải mang trong lòng nó bản chất chung nhất của Tồn Tại. Trước một thế giới đầy biến động, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc thế này, lúc thế khác, xác thực mà hư ảo, hỗn độn nhưng hài hòa …, sau một quá trình suy tư, quan sát, chiêm nghiệm… các hiền triết Ấn Độ cổ đại đã sớm (thật vô cùng đúng lúc!) phát hiện ra rằng Thực Tại là duy nhất mà cũng có bản chất “nước đôi” (tạm gọi như thế!) nên chỉ có cách trả lời nước đôi mới phù hợp với Thực Tại. Chính vì vậy, có thể nói câu trả lời nước đôi không phải là tùy tiện nghĩ ra được, không những là một khám phá tuyệt đích theo nghĩa rộng (còn theo nghĩa hẹp là sáng tạo vô song!) của các hiền triết mà còn là một kết quả tất yếu của suy niệm uyên áo. Đó cũng là sự thể hiện bản chất của Tồn Tại trong tư duy, là sự phản ánh của Thực Tại Khách Quan vào tư duy, hun đúc thành chân lý của tư duy. Như vậy, việc dẫn tới sự xuất hiện câu trả lời “nước đôi” nhằm “hội ngộ” với tính thể hiện “nước đôi” của sự vật - hiện tượng là hoàn toàn tự nhiên.

Bây giờ, ai đó hỏi rằng cục gỗ dán nhãn mác “cục sắt” có phải gỗ không, thì chúng ta tự tin mà trả lời rằng: “...Vừa là cục gỗ vừa không phải cục gỗ, là cả hai mà không phải cả hai”. Người ta muốn hiểu sao thì hiểu!

Nói cho vui thế, chứ trong đời thường, trả lời nước đôi là không thể chấp nhận được. Chỉ khi nói về cái siêu phàm, không còn cách nào khác, mới phải dùng đến định nghĩa “nước đôi”.

Nhưng định nghĩa “nước đôi” thì có liên quan gì với Tự Nhiên mà chúng ta phải huyên thuyên nhiều thế? Đơn giản vì không nói tới nó thì chúng ta khó mà định nghĩa về Tự Nhiên, theo nghĩa rộng là một khái niệm siêu phàm. Chúng ta không biết khái niệm Tự Nhiên được hình thành như thế nào, bắt đầu từ nghĩa hẹp phát triển lên thành nghĩa rộng hay đã có nghĩa rộng ngay từ đầu. Trong ngôn từ Việt Nam, nó thường được dùng để chỉ những hiện tượng xảy ra mà không biết duyên cớ; chẳng hạn: “tự nhiên bị ngã”, “tự nhiên thấy đói”; hoặc nói về những hành động thông thường, hợp lý như “ngồi tự nhiên”, “nói năng tự nhiên”… Ở nghĩa rộng, khái niệm tự nhiên được gán cho thế giới xung quanh, một thế giới không phụ thuộc vào con người, được vận hành một cách nào đó như vốn dĩ thế rồi, mặc định một cách khách quan thế rồi. Với ý nghĩa như thế, khái niệm tự nhiên sẽ có nội dung sâu sắc hơn mà cũng khái quát hơn khái niệm khách quan. Có thể nói, thế giới tự nhiên là thế giới khách quan được mở rộng, áp dụng cho việc mô tả toàn bộ Vũ Trụ các sự vật - hiện tượng, một đối tượng siêu phàm gồm cả khách thể lẫn chủ thể, gồm cả hai thể hiện cơ bản của nó là vật chất và vận động. Nói cách khác, Tồn Tại vốn dĩ tồn tại như thế, tự thân, độc lập tuyệt đối trong tự do tuyệt đối mà cũng phụ thuộc tuyệt đối trong ràng buộc tuyệt đối, đã, đang, sẽ và mãi mãi tồn tại như thế; nói gọn lại là tồn tại một cách tự nhiên hay gọn hơn nữa là Tự Nhiên Tồn Tại, vừa như một tên gọi (nhãn mác) khác vừa là một chỉ thị tố hậu về phương thức tồn tại của Vũ Trụ. Ở một góc độ khác, chúng ta cũng có thể nói Tồn Tại là Tự Nhiên và Tự Nhiên chính là Tồn Tại. Gọi Tự Nhiên Tồn Tại có khi là thừa nhưng đầy đủ. Gọi Tự Nhiên hay Tồn Tại không thôi, vẫn được nhưng hơi thiếu! Có đúng không, hỡi Đấng Sáng Tạo? Đấng Sáng Tạo trả lời: “Tớ chỉ lo sáng tạo theo Tự Nhiên thôi. Các cậu nhận thức chúng tớ thì cứ việc tha hồ mà tung hứng những khái niệm. Các cậu muốn gọi thế nào tùy thích. Nhưng các cậu nhớ cho: khái niệm cũng có tính nước đôi, là con dao hai lưỡi, các cậu mà lặn hụp trong đó là coi chừng tan xương nát thịt, chẳng còn hồn vía nào mà nhận thức nữa đâu!”.

Ghê quá! Hình như khoa học logic còn khiếm khuyết một điều gì đó? Nhưng thôi, đó không phải là công việc mà chúng ta quan tâm lúc này...

* * *

Lepnit, nhà vật lý học và toán học ở thế kỷ XVII, đã từng thốt lên một câu nổi tiếng: “Tại sao lại có cái gì đó chứ không phải là không có gì? Vì cái không có gì đơn giản hơn, dễ hơn cái gì đó. Hơn nữa, giả thiết rằng các sự vật phải tồn tại thì cũng cần để người ta phải giải thích được tại sao chúng lại tồn tại như thế chứ không phải khác”.

Ngay từ buổi bình minh của nhận thức, con người đã nhận thấy xung quanh là cái có sẵn vận hành một cách tự thân như thế rồi. Dù có thể là cách đặt tên khác nhau, người thì gọi là Tồn Tại, kẻ thì gọi là Thượng Đế … nhưng chung qui, mọi người, kể cả những người “yêu mến sự thông thái” hay thắc mắc vặn vẹo đều không thể chối cãi được cái xung quanh lúc nào cũng “ lù lù trước mặt”và (tất cả những người tỉnh táo) đều phải thừa nhận “có một cái gì đó chứ không phải là không có gì”. Tồn Tại theo nghĩa ấy, phải là một khẳng định, một sự khẳng định thấm tận máu xương tim óc, quá thân thuộc như một lẽ tự nhiên đối với con người, đến nỗi, đôi lúc còn quên bẵng nó đi.

Theo ý chúng ta thì có thể Lepnit đã lầm khi cho rằng không có gì thì đơn giản, dễ hiểu hơn là có gì đó. Bản thân Tồn Tại là không dễ không khó gì cả, vì nó không lựa chọn, cũng không tính toán, chỉ cứ thế mà tự thân vận động, tự phát điều hành, tự nhiên tồn tại. Sự dễ hay khó là tại chúng ta thôi! Mặt khác, xét về việc hình dung, thì hình dung về Tồn Tại, về Cái Gì Đó dễ hơn nhiều so với việc hình dung về Hư Vô, về Không Có Gì. Thậm chí hình dung về Không Có Gì là không thể hình dung được, vì có gì đâu mà hình dung? Vả lại việc hình dung bản thân chúng ta là không có gì cũng đủ làm “nổi da gà”, khó thở lắm rồi, còn hơi sức đâu mà hình dung tiếp được nữa!

Còn nếu con người đã nhận thức rằng có một cái gì đó mà lại hình dung ra là không có gì thì thú thực chúng ta không tài nào hiểu nổi. Ngay cả Phật Giáo dù cố trốn thực tại, đã hình dung ra một chân không trống rỗng thì cái chân không trống rỗng ấy cũng là cái gì đó chứ không phải là Hư Vô.

Sự kiện con người nhận thức được một cái gì đó đã mách bảo cho chúng ta biết một thuộc tính bản chất của Tự Nhiên Tồn Tại, đó là: Sự Thể Hiện. Tồn Tại mà không thể hiện thì chỉ là Hư Vô. Để không phải là Hư Vô, để phân biệt được với Hư Vô thì Tồn Tại phải thể hiện. Chính nhờ có sự thể hiện ấy mà con người mới có thể nhận thức được Tồn Tại (còn việc nhận thức ra cái gì đó mơ mơ hồ hồ thì có thể đoán một phần do tầm nhận thức chưa đạt đến độ “siêu phàm”, một phần do tính “nước đôi” của chính sự thể hiện của Tồn Tại).

Sự thể hiện của Tồn Tại là một lẽ tự nhiên, là tự thân nó, cho chính nó và vì chính nó (chứ chẳng vì bất cứ cái gì, chẳng vì con người (vị nhân) như nhiều nhà thông thái đã tưởng tượng. Trái lại, nhờ có sự thể hiện ấy mà con người mới xuất hiện được. Phải biết ơn mới đúng chứ?!). Cũng vì cái lẽ tự nhiên ấy nên dù Tồn Tại chẳng cần được nhận thức thì tất cả các sự vật - hiện tượng, các bộ phận của nó vẫn cứ tự phát, tất yếu (như thế cũng là tự nhiên) cảm giác nó, nhận thức nó. Con người nói riêng, tất cả thực thể tư duy nói chung đều phải “vò đầu bứt tai” suy nghĩ về nó, liên tục suy nghĩ về nó để cố gắng nhận thức đúng đắn về nó. Đó là quá trình không thể dừng được, vì xét ra thì nhận thức có nguồn gốc từ sự cảm giác, phản ứng lại những phản ánh tác động của môi trường xung quanh để thể hiện mình (sự thể hiện mà một sự vật - hiện tượng đối với những sự vật - hiện tượng quanh nó cũng đồng thời thể hiện bằng cách phản ánh, tương tác với nó), để duy trì sự thể hiện ấy, duy trì sự tồn tại tương đối, hay đối với giới hữu sinh, gọi là sinh tồn. Sâu xa hơn nữa, xét đến tận cùng thì sự nhận thức, rốt cuộc, có căn nguyên từ chính sự thể hiện của Tồn Tại.

Tồn Tại là vốn dĩ thế, không thể lựa chọn nên sự biểu hiện của Nó cũng là vốn dĩ thế, không phải là kết quả của lựa chọn, Tồn Tại biểu hiện ra như một an nhiên, tự tại, như một Tự Nhiên!

Từ một cách nhìn khác, Tồn Tại là duy nhất, chỉ có nó, là nó mà thôi. Không có bất cứ một cái gì, kể cả Hư Vô, cái ngoài nó, nên nó là tất cả, kể cả không gian và thời gian, do đó mà nó,xét ở góc độ này, lại tuyệt đối không thể hiện được, nó là một bất biến. Nói tóm lại, Tự Nhiên Tồn Tại, theo cách nhìn này là sự bất biến, không trong không ngoài, không đầu không cuối, không thêm không bớt; không hữu hạn mà cũng không vô hạn (có thể là hữu hạn nhưng vô biên hoặc hữu biên nhưng vô hạn?!); là khái niệm “Có” tuyệt tận trong nhận thức.

Khi Tồn Tại là duy nhất, bất biến nhưng đồng thời lại phải thể hiện (vì nó và cho nó) thì sự thể hiện ấy cũng phải cho thấy được một Tồn Tại duy nhất và bất biến. Điều đó có nghĩa sự thể hiện là không thể lựa chọn, nó phải bị qui định một cách chặt chẽ, bị phụ thuộc tuyệt đối, như một tiền định: phải như thế chứ không thể là khác.

Có thể nói Tự Nhiên Tồn Tại vừa tuyệt đối tự do, vừa tuyệt đối phụ thuộc, vừa tha hồ thường biến, vừa an nhiên bất biến, bất biến để thường biến, vĩnh cửu và thường biến để bất biến và vẹn toàn được khẳng định, vì cùng thỏa mãn hai đặc tính vừa là trái ngược, vừa là tiền đề tồn tại của nhau ấy, mà Tự Nhiên Tồn Tại tự thân vận động được, thể hiện ra trước nhận thức như một khối thống nhất - mâu thuẫn vĩ đại!

Trước chúng ta, Tự Nhiên Tồn Tại trình hiện ra thành một Vũ Trụ toàn thể mọi sự vật - hiện tượng đan xen, tác động; chuyển hóa lẫn nhau; nói một cách tương đối: vừa thường biến vừa bất biến, vừa phụ thuộc lẫn nhau, ràng buộc nhau, liên kết nhau tạo thành một tổng thể thống nhất nhưng cũng vừa tự do lựa chọn thể hiện tối ưu tính độc lập tồn tại của mình; vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của những quá trình tạo dựng và diệt vong, của sự ra đời những sự vật - hiện tượng này đồng thời là sự kết thúc của sự vật - hiện tượng khác; vừa bất định vừa tất định; tưởng hỗn độn mà hài hòa, tưởng ngẫu nhiên mà tất yếu, tưởng rối loạn mà răm rắp phục tùng qui luật, tạo nên một quang cảnh sống động đến phi thường, vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú và biến ảo liên tục đến khôn lường với tột cùng không gian và vô tận thời gian. Trong đó vật chất và vận động vật chất là sự vật - hiện tượng đóng vai trò nền tảng, cơ bản, là động lực chủ yếu, quyết định đến quá trình nhận thức đầy chủ quan siêu hình, đấy lựa chọn duy ý chí của một chủ thể quan sát và tư duy về toàn cảnh vô tiền khoáng hậu ấy…

Và toàn bộ những điều chúng ta vừa đề cập ở trên cũng là nội dung chính yếu của khái niệm Tự Nhiên mà chúng ta quan niệm.

Xin nhấn mạnh lần nữa rằng Tự Nhiên Tồn Tại không cần chúng ta nhận thức nhưng chúng ta phải nhận thức vì tuân theo Tự Nhiên, dù đúng, dù sai!.

* * *

Đã nói đến Tồn Tại thì phải nói đến Hư Vô, tương tự, ở đây cũng vậy, nói đến Tự Nhiên thì phải nói đến Phi Tự Nhiên, như thế mới công bằng, hợp lẽ.

Trong đời sống hằng ngày, thường những gì không hợp lý, thiếu cơ sở, mâu thuẫn, đều được chúng ta cho là phi tự nhiên. Chẳng hạn trái táo của Niutơn, từ trên cành không rơi xuống đất mà lại rơi lên trời là một hiện tượng phi tự nhiên, là điều phi lý, không thể xảy ra trong thực tại (thật là may!). Nhưng cũng có những hiện tượng có thật xảy ra, nhưng vượt quá sự hiểu biết, thậm chí là không hiểu nổi cũng được chúng ta qui cho phi tự nhiên, (hoặc siêu nhiên: gần như phi lý, rất khó tin, nhưng vẫn xảy ra). Chẳng hạn sự xuất hiện “đĩa bay” (hiện tượng UFO), người rơi (không dù) từ độ cao hàng km xuống đất mà vẫn bình an vô sự, nhập hồn, chụp ảnh được hồn ma, linh cảm … nhiều vô kể. Hay có câu chuyện tiếu lâm cũng hay hay, thế này:

“Có một anh mở quầy bán cá, treo bảng đề: ‘Ở đây có bán cá tươi”. Một người đi qua thấy vậy mới nói:
- Anh để cá đầy ra đây, không bán ở đây thì bán ở đâu? Chữ “ở đây” là thừa.
Anh ta nghe có lý bèn xóa chữ “ở đây” còn “có bán cá tươi”.
Một người nữa đi qua lại nói:
- Bán cá tươi chứ không lẽ bán cá ươn à?
Anh chàng nghe thấy cũng có lý bèn xóa thêm chữ “tươi” còn “có bán cá”.
Người thứ ba thấy thế góp ý:
- Bày ra toàn cá, ai không biết là bán cá mà còn để chữ “cá”?
Anh chàng nghe theo, xóa luôn chữ “cá”. Lúc này trên bảng chỉ còn chữ “có bán”. Một lúc lại có người đi qua, thấy vậy, mỉm cười mà rằng:
- Cá bày ra đấy, ai mà không biết là để bán mà còn treo bảng?
Anh bán cá gật gù, cất luôn cái bảng.”
(Truyện cười dân gian Việt Nam).

Và thêm một câu chuyện nữa:

“Có một anh chàng rách việc vớ được tờ báo đăng tin cần một giáo sư Anh văn giỏi. Anh ta tìm đến và được chủ nhà tiếp đón rất chu đáo. Sau một hồi trà thuốc, chủ nhà hỏi:
- Thầy dạy tiếng Anh đã lâu chưa?
- Dạ thưa, tôi đâu có biết tiếng Anh.
Tưởng anh ta nói đùa, chủ nhà lại nói:
- Chắc ngoài tiếng Anh, thầy còn biết thêm một hai ngoại ngữ nữa chứ chả chơi.
- Ngoài tiếng mẹ đẻ ra, tôi chẳng biết tiếng nào nữa cả!
Chủ nhà bực mình, hơi xẳng giọng:
- Thế thầy đến đây làm gì?
- Tôi đọc báo biết gia đình đang có nhu cầu, thấy áy náy vì không thể giúp gì được nên tôi đến đây để tạ lỗi, mong gia đình thông cảm!...”

* * *

Tự Nhiên, hiểu theo nghĩa bao quát nhất, bao hàm tất cả những gì hiện diện, xảy ra (một cách vốn dĩ!) trong Vũ Trụ; chính là Tồn Tại. Vì thế Phi Tự Nhiên, được hiểu như là những gì khác với Tự Nhiên, không phải Tự Nhiên, chính là Hư Vô, và do đó nó là Ảo của Thực và xét về mặt hiện thực thì chỉ tồn tại trong tư duy. Xét theo nghĩa thông thường, khái niệm phi tự nhiên được đặt ra nhằm nói về những sự vật - hiện tượng không thể có, không thể xảy ra trong thực tại; về một cái gì đó không tuân theo qui luật, một sự gì đó khác thường, phi thường chưa nhận biết được hoặc không thể nhận biết được. Nói lại lần nữa: phi tự nhiên theo cách hiểu của chúng ta là những gì không phù hợp với tồn tại, trái tự nhiên; do đó phi tự nhiên tồn tại dưới dạng ảo, trong tư duy. Từ đó thấy rằng nếu có sự vật - hiện tượng trái qui luật, phi tự nhiên diễn ra thì có nghĩa là chúng ta chưa nhận thức đầy đủ, chưa phát hiện được những nguyên nhân hình thành nên chúng. Chúng ta gọi chúng là: khác thường, phi thường, siêu nhiên, nghịch lý…

Như vậy ở tầng thấp, phi tự nhiên còn bao hàm cả sự mâu thuẫn, phi lý, nghịch lý…, còn có tác dụng kích thích tò mò tìm hiểu khám phá ra những điều còn ẩn dấu của Tự Nhiên đối với nhận thức. Chẳng hạn trong hiện tượng gieo con xúc xắc trên một mặt bàn phẳng, bao giờ cũng cho mặt xấp hoặc mặt ngửa. Việc con xúc xắc đứng trên một đỉnh của nó là không tưởng tượng được, là điều phi tự nhiên. Ấy vậy mà một lúc nào đó, dù hãn hữu vẫn đã xảy ra hiện tượng con xúc xắc đứng im hoàn toàn độc lập trên đỉnh của nó (giả sử có người tin cậy đã xác quyết nhìn thấy như thế). Đã xảy ra thì dù khó hiểu đến mấy cũng không còn là phi tự nhiên nữa mà là tự nhiên với tên gọi riêng là ngẫu nhiên. Một ngẫu nhiên, khi đã phát hiện ra nguyên nhân tồn tại của nó thì được gọi là tất nhiên. Tóm lại tất cả những tồn tại mang tính ngẫu nhiên, tất nhiên, xác xuất… hiện ra với dáng vẻ, cách thức dù quái gở, kỳ dị đến cỡ nào đi chăng nữa thì cũng vẫn là tồn tại, vẫn… tự nhiên!

Chúng ta tin rằng, rồi đây tất cả những hiện tượng tâm linh, những hiện tượng dị thường, phi thường của các nhà võ công, các nhà yoga, các nhà khí công… sẽ được nhận biết rõ ràng rành mạch, trút bỏ được cái áo phi tự nhiên hay siêu nhiên đầy màu sắc huyền bí, để về trong đại gia đình của Tự Nhiên vì chính chúng cũng là bộ phận của Tự Nhiên Tồn Tại…

* * *

Tự Nhiên – Phi Tự Nhiên là cặp khái niệm có nội dung bao quát rộng lớn tuyệt cùng tương tự như Tồn Tại – Hư Vô. Trong một nghĩa hẹp hơn, cặp khái niệm Tự Nhiên – Phi Tự Nhiên được coi như là một hệ quả suy ra từ nguyên lý tiên đề, tổng quát nhất, cơ bản nhất, đóng vai trò là nguyên lý tuyệt đối của Tự Nhiên Tồn Tại (tạm thời thừa nhận như vậy cái đã!!!). Chúng ta tạm đặt tên là Nguyên Lý Tự Nhiên và xem đó là nguyên lý cội nguồn của tất cả các nguyên lý, qui luật, định luật…còn lại có thể có của Tồn Tại – Vũ Trụ tổng thể các sự vật- hiện tượng. Nguyên lý đó có thể được phát biểu thành văn như sau: Tồn Tại phải thể hiện và chỉ có thể thể hiện một cách duy nhất là vật chất và vận động vật chất. Vật chất và vận động vật chất đến lượt nó được tự nhiên trình diễn và buộc phải trình diễn với mọi khả năng có thể, theo mọi phương thức có thể, dưới mọi hình thức có thể, sao cho thường biến và bất biến đồng thời đều được thể hiện nhằm đảm bảo Tổn Tại, không xuất hiện Hư Vô. (Quá rườm rà! Mai mốt có lẽ phải tìm cách phát biểu lại thật hay mới được!).

Như một hệ quả rút ra từ nguyên lý trên, chúng ta còn có thể phát biểu: Tất cả mọi sự vật - hiện tượng, mọi quá trình, mọi diễn tiến (dù có kỳ dị, lạ đời đến mấy!) đều có khả năng, quyền lợi và nghĩa vụ tồn tại và không tồn tại, miễn tuân thủ Tự Nhiên và phụng sự Tồn Tại.

Đó là lời phát biểu đầy “nhân tính”! Loài người chúng ta, nói không ngoa, theo truyền thuyết Big Bang là hậu duệ đời thứ 0,15 tỷ (nếu tính đời là 100 năm) của ông tổ Tồn Tại. Do đó “nhân tính”, nhân dạng của con người cũng phải mang hình bóng của ông tổ ấy là một lẽ tự nhiên. Ngược lại, chúng ta cũng có thể nói: Tồn Tại giống con người, tuy nghe hơi “chối” và “gượng ép” nhưng cũng không đến nỗi phi tự nhiên. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có quyền gán cho Tồn Tại một thể xác nhân dạng và một linh hồn nhân tính: Thể xác là Vũ Trụ và linh hồn là Tạo Hóa, và khi đó, trong hình dung của chúng ta, Tự Nhiên Tồn Tại sẽ hiện ra như một Đấng Tối Cao, một Thượng Đế hay Thần Linh của mọi thần linh; vô cùng thiêng liêng mà cũng vô cùng thân thuộc.

* * *

Quan niệm về Tự Nhiên và Phi Tự Nhiên của chúng ta có thể là chưa hẳn đúng, nhưng với quan niệm như thế, chúng ta mới có đủ khả năng để giải thích mọi sự vật - hiện tượng trong thiên nhiên, trong Vũ Trụ này một cách lôgíc và cụ thể hơn, chứ không “huề trớt” và cộc lốc như câu trả lời của anh nông dân nọ: “Trời sinh ra thế!”.

Khi chúng ta đứng trước gương và thấy mình trong đó; thì cái “mình trong đó” ấy có tồn tại không? Nếu như trước đây, lúc còn “mông muội”, chúng ta sẽ không thể trả lời có ngọn có ngành được và có thể chỉ cộc lốc: “Không biết!”. Nhưng giờ đây thì khác rồi, chúng ta ung dung mỉm cười ý nhị: “mình trong đó” là một tồn tại, là phản ánh của nhiều sự vật - hiện tượng tương tác chuyển hóa lẫn nhau mà chúng ta chưa (không) quan sát được; là một sự vật - hiện tượng có đủ điều kiện để tồn tại, phù hợp với Tự Nhiên”.

Ngay lúc này, nếu có một hồn ma xuất hiện trước mặt chúng ta thì chúng ta sẽ không còn mất vía như thời trẻ con nữa, không hoang mang “gai lạnh” nữa mà phải cho rằng vì chúng ta thấy nên đó là sự thực, là một tồn tại như chính chúng ta tồn tại mà thôi. Chỉ có điều vẫn chưa biết được hồn ma tồn tại theo kiẻu gì và bằng cách nào. Chắc mai mốt, khi đã thành ma, chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để...suy lý về vấn đề đó!

Từ nay chúng ta hiểu rằng con người là vô cùng tài giỏi vì đã sáng chế, phát minh, tạo dựng được biết bao điều kỳ diệu và cũng hiểu rằng chúng ta đang học đòi, bắt chước, cố tạo ra những điều tương tự, ngoài ra còn hiểu rằng, sau này sẽ làm được những điều hơn thế nữa nếu trên bước đường hành trình may mắn được Tạo Hóa thương tình chỉ bảo vì thấy chúng ta...ngoan, răm rắp vâng theo Tự Nhiên. Hãy đừng bao giờ nói “chinh phục Tự Nhiên” vì Tự Nhiên cũng là Tồn Tại. Một khi Tồn Tại bị chinh phục thì có nghĩa là loài người đã chiếm chỗ Tạo Hóa. Như thế là phi tự nhiên cho nên Tồn Tại thì cứ Tồn Tại còn loài người sẽ phải "kết thúc" tồn tại, nhường chỗ cho sự vật - hiện tượng khác tồn tại “biết điều” hơn dưới..."gầm trời" này.

Quan niệm về Tự Nhiên – Phi Tự Nhiên như thế còn giúp ích chúng ta rất nhiều trong đời sống. Chúng ta sẽ khiêm tốn hơn, biết phải trái hơn để yêu thương nhau hơn, đoàn kết hơn nhằm cùng nhau, như có người từng nói “quẳng gánh lo đi mà vui sống” (dù rằng không thể quẳng luôn đi được!!!) và như nhà triết học Trung Đông S.Radhakrishman đã nói: “Hãy sống và hãy để cho người khác sống với!”.

Cuối cùng, vì nội dung của cặp khái niệm Tự Nhiên – phi Tự Nhiên là rất rộng và chính chúng cũng được coi là tồn tại (tương đối) nên trong một chừng mực nào đó, nhìn ở góc độ nào đó chúng có thể tương tác, chuyển hóa và biến đổi thành nhau: một tự nhiên trong quá khứ có thể trở thành phi tự nhiên trong hiện tại, một phi tự nhiên ở hiện tại có khả năng là một tự nhiên ở tương lai. Hoặc thí dụ đơn giản thôi: con đẻ ra cha là phi lý, phi tự nhiên. Nhưng lại là tự nhiên khi một bà mẹ nói với đứa con hư giọng giận hờn: “Con đẻ ra cha đấy cha ơi! …”, hay khi tên của người cha là “Con “ và tên của người con là “Cha”!

Dù biết nói láo, dựng chuyện, bịa đặt là những thứ chẳng hay ho gì nhưng chúng ta cũng phải bịa ra một nguyên lý để bắc một nhịp cầu thông thương giữa sáng thế và không sáng thế, để thống nhất hai miền trái ngược ấy thành một là tự nhiên. Vì trong thâm tâm, chúng ta cảm nhận rằng chân lý tương đối có thể là vô kể nhưng chân lý tuyệt đối chỉ có một, đó là Tự Nhiên Tồn Tại, giản dị, sáng trong, không bị ràng buộc bởi bất cứ nhận thức nào nhưng con người thì cứ phải nhận thức về Nó. Và bất cứ nhận thức nào dù nhiều dù ít cũng nói đúng về Nó ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.
Xin mọi miền hãy đồng thuận nhau về vấn đề này: “Tự Nhiên Tồn Tại vừa tạo dựng vừa không tạo dựng, là cả hai mà không phải cả hai”.

Và trước khi tiếp tục cuộc hành trình trên con đường quanh co muôn nẻo, chúng ta sẽ kính cẩn dâng tặng Đấng Tối Cao một bài kinh ca tụng:

ĐẤNG TẠO HÓA


Ai khăng khămg: sự sống-thứ độc quyền
Chỉ tồn tại trên hành tinh mang tên Trái Đất
Ai cam đoan tư duy là ngẫu nhiên cá biệt
Chỉ riêng loài người chiếm hữu mà thôi
Thì kẻ đó chưa một lần phiêu lãng, ngao du
Thưởng ngoạn kỳ quan huy hoàng Vũ Trụ
Khắp nơi nơi lấp láy đèn tinh tú
Điểm khắc giao thừa, lễ hội say sưa
Hằng hà hành tinh xô đẩy, kết nhóm nô đùa
Lũ Lỗ Đen nhồm nhoàm chè chén hoài không thỏa
Muôn thành phố thiên hà sáng ngời rực rỡ
Từng cụm tinh vân bừng nở những hoa khôi
Tỏa ngát thinh không là ngào ngạt hương năng lượng thơm tươi
Lão Thần Nông lom khom mơ theo bầy sao chổi
Diêm dúa, thướt tha, lượn lờ khêu gợi
Chẳng chút động lòng anh Đại Hùng, chàng Tráng Sĩ khôi ngô
Đang mải mê ngắm cảnh sắc Giao Thừa
Lúc đó lúc đây bừng chói lòa hùng vĩ
Ông tổ Không Gian gật gù, ngả nghiêng, bí tỉ
Loạng choạng vòng quanh, khoái chí vuốt ve
Bà chúa Thời Gian sung mãn, đa tình, múa tít váy xòe
Khoe thấp thoáng giữa mượt mà quang phổ
Là những đường cong nuột nà quyến rũ
Xuất phát, hội về duy nhất điểm Trường Sinh

Và hãy xem kìa! Trong sâu thẳm vi mô
Cũng đủ muôn hương, bừng muôn ánh sắc
Cũng rạo rực, cũng tràn trề sinh lực
Những chùm tia bức xạ, dòng lưỡng tính foton
Điện tử dạt dào như sóng tung tăng
Mơn mởn hạt nhân, ríu rít đàn cơ bản
Hút mật, đưa hương, kết hoa, đơm trái
Bát ngát tình đời, rộ trĩu ion
Huyền thoại hạt mầm bất tử Âm - Dương
Nảy lộc sắc xuân, lừng thơm phân hạch
Ngún nổ dòn tan những tràng nhiệt hạch
Cho lễ Giao Thừa cuồng nhiệt chói lòa
Khơi nguồn plasma
Dòng máu mặn mà vỗ về vận động
Ấp ủ bào thai muôn tầng sự sống
Hứa hẹn tiềm tàng muôn dạng thức tư duy...

* * *

Ta không tin sự sống bị độc quyền
Chỉ tồn tại ở dương trần Trái Đất
Và tư duy là siêu phàm, ngoại lệ
Đã bị cầm giam bởi bộ não loài người
Khi khắp nơi là lớp lớp tầng tầng
Đa dạng vật chất không bao giờ nghỉ ngừng vận động
Hồn nhiên, khôn ngoan duy trì lẽ sống
Với những hành trình uyên bác, tối ưu.

Ta tin có những bậc tư duy
Đã diệu kỳ, trác tuyệt
Cao hơn hẳn mái đầu Trái Đất
Được gọi là người ngoài hành tinh
Ta tin có loài lớn hơn cả Tráng Sĩ, Thần Nông
Mà dải Ngân Hà chỉ đáng là nguyên tử
Chưa đủ thông minh chế ra máy móc
Phóng đại tỷ lần soi mói thấy Nhân Gian

Ta không tin vào sự tích Big Bang
Vũ trụ sinh ra từ hư vô tình cờ phát nổ
Và vĩnh viễn tiêu vong ở một lần chết nhiệt
Để lại bắt đầu ngớ ngẩn hư vô
Kỳ quặc, mơ hồ, lạnh ngắt, hoang vu
Vạn vật vắng tanh, chẳng còn tí teo dấu vết
Láu cá, mập mờ như trò ảo thuật
Ông tổ Không Gian thành rỗng tuếch quan tài
Tự thân sõng xoài, khô quắt bà chúa Thời Gian
Hôn mê, bại liệt!

* * *

Không!
Là Vũ Trụ là không thể chết
Là không bao giờ từ phi lý hiện ra
Mà vốn thế, tự thân, bình thản xoay vần
Vĩnh cửu, điều hòa, nhịp nhàng, chí lý
Có ông tổ Không Gian ngả nghiêng bí tỷ
Loạng choạng vòng quanh đắm đuối vuốt ve
Bà chúa Thời Gian sung mãn mượt mà
Dâng hiến những đường cong huyền ảo
Bà tuyệt mỹ bởi ông hiện hữu
Hào hển phập phồng theo nhịp vũ mê ly
Hớp hết hồn ông là rạo rực váy xòe
Hòa quyện mối tình thủy chung vĩnh cửu
Vừa rộng lượng bao dung hằng hà tinh tú
Những hạt những tia những sóng những trường
Vừa là tâm xoay của hội lễ Giao Thừa
Nguồn ngọn bảo tồn vật chất
Vừa là điểm tới hạn của N chiều vô tận
Vừa là miền vô cùng của vĩ đại hữu biên...

Vũ Trụ, ta tin là thực thể có hồn
Với tuyệt đỉnh cao vời trí tuệ
Mặc định ra tiên đề, nguyên lý
Vạch hướng phải đi cho mọi quá trình
Hòa nhập hợp thành cuộc xoay vần bất tử trường sinh
Vật chất tự hành tuân theo Vũ Trụ
Mà loài người còn quẩn quanh Trái Đất
Khéo đặt tên là chân lý khách quan
Với h, \pi, e,..., biện chứng tự nhiên,...
Để bắt chước, học đòi, cố công tìm kiếm
Ý thức hệ về vận động tự thân, bảo toàn, thuận nghịch
Về tính hồi - suy - giao - cảm của không - thời gian
Về sự trở ra trên đường vào thầm kín hạt nhân
Về tính phổ biến của luật chơi bất định
Về tính thống nhất của hờn ghen phân cực
Về cách tác thành từ hai nửa Âm, Dương

* * *

Dẫu bị coi là hoang tưởng ngông cuồng
Ta vẫn tin Big Bang sẽ có ngày bị người ruồng bỏ
Vũ Trụ chẳng hề giãn nở
Vốn dĩ thế rồi, hiện hữu mãi thế thôi
Tồn tại tự nhiên, hóa trí tuệ tuyệt vời
Phân lập tuyệt cùng trong tuyệt cùng duy nhất
Tự thân kết thành mà điều hành vật chất
Bày cuộc xoay vần mỹ mãn, kỳ quan
Hùng tráng, uy nghi, lộng lẫy, vĩnh hằng
Khiến mọi thánh thần phải cúi đầu bái phục
Khiến loài người phải muôn đời ngưỡng mộ
Nghiêng mình kính cẩn tôn vinh:
Tối thượng lực - quyền,
Đấng TẠO - HÓA thiêng liêng!


_________________________________




Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ