Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi mãi mãi trong tôi - Nhạc sĩ, thầy giáo Nguyễn Hồng Tuyến



Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi mãi mãi trong tôi

Nhạc sĩ, thầy giáo Nguyễn Hồng Tuyến

Trường Thiếu sinh quân mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của chúng ta tồn tại đã ngót năm chục năm với bao kỉ niệm vui, buồn mà không một ai có thể nào quên!

Hội ngộ hàng năm

Thầy Hồng Tuyến đứng lên bắt nhịp bài trường ca do thầy sáng tác trong buổi họp mặt toàn trường phía Nam 11/10/2009Thầy Hồng Tuyến đứng lên bắt nhịp bài trường ca do thầy sáng tác trong buổi họp mặt toàn trường phía Nam 11/10/2009

Cứ mỗi độ cuối thu đầu đông, từ 15 tháng 10 cho đến ngày 22 tháng 12, tôi đều nhận được giấy mời họp mặt của Ban Liên lạc Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, khi thì các khóa, lúc nhà trường, nếu là phía Nam thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc thì tại Thủ đô.

Phải nói rằng, các đồng chí trong Ban Liên lạc các khóa cũng như Ban Liên lạc nhà trường ai cũng tràn đầy nhiệt tình, làm việc quên mình, tận tâm, trách nhiệm, tổ chức rất chu đáo.

Trước đây còn khỏe, tôi thường cưỡi Honda từ Vũng Tàu về Thành phố Hồ Chí Minh để dự họp mặt. Năm tháng trôi qua, khi đã yếu phải nhờ bạn bè, đồng đội chở đi. Khi không còn có thể ngồi sau xe Honda thì Ban Liên lạc tạo mọi điều kiện đi lại để tôi không bị lỡ cơ hội gặp mặt đồng nghiệp, học trò.

Hàng năm được nghe Ban Liên lạc thông báo về sự trưởng thành của học sinh trường Trỗi, mỗi năm mỗi đổi mới, tôi rất mừng. Nhớ lại mấy chục năm trước chỉ lèo tèo vài em đeo quân hàm đại tá, đến nay thì toàn trường có đến cả trăm, chưa kể 16 em là thiếu tướng, trung tướng, gần chục em có hàm thứ trưởng, có em Nguyễn Thiện Nhân được Quốc hội tín nhiệm giao nhiệm vụ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trưởng thành của các em không chỉ là niềm vui mà còn là vinh dự, tự hào cho những thầy cô giáo già chúng tôi. Chính sự trưởng thành của các em đã làm tăng thêm nghị lực để chúng tôi sống vui, sống khỏe. Chính các em đã động viên chúng tôi chăm chỉ luyện rèn thể dục thể thao, bồi bổ gân cốt, chiến thắng bệnh tật, để còn có nhiều cơ hội chứng kiến sự trưởng thành của các em, sự đổi thay của đất nước.

Cuốn sách và số phận của tôi

Cứ cầm hai cuốn "Sinh ra trong khói lửa" đủ biết các anh chị đã tận tâm, tận lực đến mức nào! Dày hàng ngàn trang, nội dung phong phú, lôi cuốn người đọc... Chỉ riêng việc tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ bạn mình đủ thấy tình cảm của những người còn sống chân thành, gắn bó, thân thiết biết bao!

Mặc dù tai mắt tôi đã kém, ("Thất thập cổ lai hy" thì chân chậm mắt mờ cũng là chuyện bình thường!), nhưng tôi vẫn đọc đi đọc lại hai cuốn sách này. Mà đọc mãi không thấy chán. Càng đọc càng thấy yêu đời, càng thấy cuộc đời mình gắn chặt với cụm từ "Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi". Mỗi lần đọc "Sinh ra trong khói lửa" là tôi thêm vui, thêm tin yêu vào cuộc sống.

Nhưng tôi có một kỉ niệm mà không phải ai cũng có.

... Cách đây đã chục năm, tôi cận kề cái chết. Bệnh đầy người - tiểu đường, thần kinh tọa, xưng khớp, gãy cổ xương đùi, bàn chân phải nhiễm trùng hoại tử trông "đen như bàn chân trâu". Nói chung là "Thập tử nhất sinh!". Nằm điều trị ở Bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu) khá lâu mà bệnh tật không thuyên giảm.

Ngày ấy, anh Nguyễn Xuân Lăng (khóa 3) còn sống. Biết tin tôi nằm liệt đã gọi về cho Ban Liên lạc trên Thành phố. Ngay hôm đó, tôi nhận được điện của anh Nguyễn Phục Quốc, Chủ nhiệm Phòng khám Bệnh viện 175: "Thầy lên đi!". "Nhưng tôi không có bảo hiểm y tế ở bệnh viện quân đội?" - tôi lo. "Thầy Tuyến ơi, đã là thầy giáo trường Trỗi thì khỏi phải lo là có bảo hiểm hay không". Nghe theo các anh, tôi lên và được nhận ngay vào viện.

Sáng chủ nhật ngay sau đó thấy xe con, xe to các loại kéo đến đỗ quanh khoa. Anh em thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi kéo đến thăm tôi rồi hát vang "Sinh ra trong khói lửa...". Thì ra anh Trần Hòa Bình, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm, đã thông báo cho các anh đến thăm. Chính "cái thần ấy" đã động viên tôi chiến thắng bệnh tật.

Chưa hết, khi làm xét nghiệm, bác sĩ Khoa Nội tiết chỉ định phải tháo khớp gối chân phải vì hoại thư quá nặng. Bàn bạc lại, các bác sĩ là lính Trỗi đã đưa ra phác đồ điều trị dùng dầu mù u. Bốn tháng sau, tôi được xuất viện với sự an toàn tuyệt đối.

Nhờ Giời và nhờ các em học sinh thân yêu mà tôi không bị trở thành "anh thương binh với vết chân tròn trên cát".

Cùng góp sức cho Tập 3

Đầu năm 2009, gia đình tôi có một cái lễ nho nhỏ mừng tôi sang tuổi 73. Thầy trò ta đã xuống Vũng Tàu chia vui. Dịp ấy các em đã thông báo, Ban Liên lạc trường phát động thầy trò cùng cung cấp bài vở, tư liệu để xuất bản Tập 3 "Sinh ra trong khói lửa".

Những kỉ niệm gắn bó với nhà trường, với đồng nghiệp, với các em học sinh thân yêu sau 45 năm đã nung nấu tôi viết những ca khúc về trường, về thầy trò, về đồng đội. Chính qua hai tập "Sinh ra trong khói lửa" mà tôi hiểu thêm về mái trường thân yêu mang tên người anh hùng của dân tộc. Ba chục thầy trò đã hy sinh anh dũng cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông; trong đó tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung.

Cùng với sự hy sinh anh dũng của những liệt sĩ thì những người còn sống đã biết sống có lí tưởng, có trách nhiệm, biết sống trung thành với Tổ quốc, chân thành chung thủy với thầy cô, bè bạn. Phải nói các anh chị đã sống RẤT NGUYỄN VĂN TRỖI!

Từ những ý tưởng, tình cảm đó đã thôi thúc tôi hoàn thành ba tác phẩm: "Đố ai đong được mối tình!", "45 năm vững bước trưởng thành" và "Người anh hùng sống mãi - Huỳnh Kim Trung!".

Viết xong, tôi vẫn cảm thấy chưa thật trọn vẹn trước sự vững bước, trưởng thành của các anh các chị từng là Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Những gương mặt Nguyễn Phục Quốc, Nguyễn Tăng Lực, Trần Hòa Bình, Nguyễn Khánh Tường, Nguyễn Nam Điện, Trương Đông Nhân, Văn Công Phước, Nguyễn Thiện Nhân... luôn gần gũi tôi. Các anh chị cùng nhiều cái tên chưa kể ra luôn gắn liền với cuộc đời tôi như xương, như thịt.

Hơn thế nữa, lần nào gặp nhau đều cùng hứa hẹn: ngày càng đoàn kết, đoàn kết hơn nữa! Sống trung thực, liêm khiết, không tiếp tay cho tham nhũng! Mỗi người bằng cố gắng của mình góp phần mang lại cho dân niềm tin vào Đảng quang vinh, xây dựng Tổ quốc mạnh giàu theo lời Bác đã dạy!

Ngày 15 tháng 10 năm 2009

 


Gửi bởi Bantroik5 lúc 11:23 13 March, 2010.
Đăng lại bài viết của Bantroik5 (đã đăng tại Blog K5: Thứ bảy, 13 tháng ba, 2010)



Xem:
  Xem thêm:


Web Counter