Lính khoá 6 và những năm tháng ở Trường Quân sự - NGUYỄN HỮU NGHỊ K6

 

NGUYỄN HỮU NGHỊ (Học sinh khóa 6)

Tốt nghiệp phổ thông, đám lính Trỗi khoá 6 chưa kịp làm quen với các bạn gái trong lớp thì lại rủ nhau đăng ký thi vào trường Đại học kỹ thuật quân sự, khi được các chú ở Cục cán Bộ đả thông: học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiến tiến cho quân đội cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là năm đầu tiên trường Quân sự trực tiếp tuyển sinh phổ thông. Có rất nhiều bạn học tại “trường chuyên” ở các tỉnh trên miền Bắc cũng được tuyển chọn. Lúc tập trung nhập ngũ tại Quân khu Thủ đô, tôi gặp nhiều bạn Trỗi cùng khoá: Phạm Ngọc Chỉnh, Vũ Việt, Lê Minh Chính, Vũ Biên Hoà, Vũ Điện Biện, Nguyễn Văn Hoà (còm), Trần Đăng Sơn, Trần Tuấn Quảng, Nguyễn Anh Minh, Thắng “híp”, Sơn “Tu la” , Chí Hùng, Gia Bình, Phạm Bình, Nguyễn Trọng Vinh Quang, Ngô Sơn, Nguyễn Việt Sơn “ton”, v.v...

Sau kỳ thi, một số bạn chuyển về học tại Đại học Quân y, một số thiếu điểm chuyển về các đơn vị phòng không bảo vệ miền Bắc và còn lại học với nhau tại trường Quân sự. Hết năm học thứ nhất, một số bạn được chọn đi Tây (như đã có bài viết trong tập 2), số còn lại tiếp tục học tập tại trường. Khoá 6 lúc ban đầu gồm hai đại đội C163 và C164. Hết hai năm cơ bản thì chia ra các trung đội học theo ngành Cơ khí, Vô tuyến điện và Công trình. Các bạn Trỗi học cùng khoa Vô tuyến có Lê Minh Chính, Trọng Quang học lớp Vô tuyến, Dũng Minh (khoá 5 trường Trỗi), Phạm Minh Đạo, Vũ Việt và Nguyễn Hữu Nghị lớp Hữu tuyến. Chúng tôi chơi với nhau, ăn cơm cùng mâm và động viên, giúp đỡ nhau học tập trong suốt thời gian ở trường.

Khoá 6 đã tham gia vào nhiều sự kiện lớn của trường như khai thác sặt trên núi Tam Đảo để xây dựng trường (năm 1972), đi khắc phục hậu quả giặc Mỹ ném bom tại Khâm Thiên, Hà nội (đầu năm 1973), duyệt binh mừng ngày tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam (ngày 1 tháng 5 năm 1973) và tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng. Ở đâu và bất kỳ thời điểm nào, lính Trỗi cũng hăng hái đi đầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khai thác sặt

Sặt là một loại cây rừng, thuộc họ tre, trúc. Khai thác sặt là một nhiệm vụ gian nan và vất vả. Nhưng với chúng tôi, được học làm “tiều phu” từ lúc còn bé nên công việc không khó khăn cho lắm - vì đã quen cầm dao quắm, chặt cây, đốn củi từ hồi trường Trỗi ở Thái Nguyên (1965-1966). Sáng dậy sớm, vệ sinh cá nhân, ăn bữa chính xong rồi nhận một gói cơm nắm cho bữa trưa. Đúng 6 giờ, lên đường. Tôi hay đi cùng Vũ Việt. Chúng tôi đi sâu vào rừng, leo dốc dựng đứng để lên tới đỉnh núi Tam Đảo. Từ cửa rừng vào chỗ khai thác mất chừng 2–3 tiếng. Tiêu chuẩn được giao: mỗi bó sặt phải từ 15 – 20 cây trở lên, mỗi cây dài 4–5m , đường kính gốc 5–6cm. Phải biết chọn cây và chặt, phát cành và bó lại. Sau 2 tiếng thì công việc hoàn thành. Hai đứa giở cơm nắm ra ăn, tếu táo kể chuyện hồi bé ở rừng Đại Từ rồi ngả lưng nằm nghỉ một lúc thì “hạ sơn”. Nhiều hôm hết nước đành vục nước suối uống cho đỡ khát. Trên vai là bó sặt nặng, đường rừng khấp khểnh chúng tôi nối đuôi nhau trở về. Ở những đoạn dốc cao dựng đứng thì bó sặt và người như dính vào nhau cùng lao xuống núi. Biết là rất nguy hiểm nhưng vì quán tính quá lớn nên đành phải làm vậy. Đoạn mệt nhất là đoạn cuối cùng, đường tuy bằng phẳng nhưng lại quá dài (đến 2km), bó sặt nặng đã làm cho sức cùng lực kiệt. Khoảng 4 giờ chiều về đến bãi sặt. Vứt bó sặt cái rầm rồi chạy nhanh ra suối tắm. Thật là sung sướng vì một ngày làm việc đã kết thúc! Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi đã trở thành “thổ công” của vùng rừng Tam Đảo. Dân địa phương, lúc ban đầu, còn chỉ dẫn cho chúng tôi; nay muốn kiếm mấy cây sặt để sửa nhà cũng đành phải theo sau mấy anh đeo quân hàm “sơ mít”. Sau đợt này, chúng tôi trở về trường.

Khâm Thiên năm 1972

Giữa năm 1972, sau đợt khai thác sặt trở về, chúng tôi chuẩn bị bước vào năm học mới. Vào học chưa được bao lâu, chúng tôi được lệnh hành quân - di chuyển gấp ra khỏi khu vực núi Trống, ngay trong đêm. Gói gọn quần áo, nhét sách vở vào trong ba-lô, khoác súng trên vai chúng tôi ra tập trung. Lúc đó đã gần 12 giờ đêm. Tranh thủ lúc tập trung, tôi tạt qua chia tay các bạn chuẩn bị đi học ở Ba Lan (Trọng Quang, Sơn “Tu la”…). Chúng tôi hành quân bộ suốt đêm, qua thị trấn Hương canh, tiến thẳng ra phía bờ sông Hồng. Đến xã Yên Thư, bộ phận tiền trạm đã chuẩn bị trước với xã nên dẫn từng tiểu đội vào đến nhà dân. Mệt, không thèm rửa chân tay, chúng tôi lăn ra ngủ. Ngay trưa hôm sau, khi đang ăn cơm, thấy máy bay Mỹ quần đảo và ném bom xuống một vùng cách chỗ chúng tôi vừa rời đi không xa. Mọi người lo lắng không hiểu máy bay Mỹ ném bom xuống đâu? Đến chiều, tốp các bạn đi học ở Ba Lan hành quân đến, thông báo: máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực đóng quân cũ của trường, cạnh núi Trống, nhưng không gây thiệt hại gì ngoài một con bò bị trúng bom gãy chân. Vậy là nhờ có thông tin chính xác của quân báo mà chúng tôi bảo toàn được lực lượng.

Những ngày cuối năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng ném bom B52 xuống Hà nội. Việc học tập tạm dừng. Chúng tôi bắt tay vào đào hầm và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngồi trên đê sông Hồng, nhìn về phía Hà nội, nghe thấy tiếng bom rền mà lòng thấp thỏm, lo lắng; nhưng thật sung sướng khi thấy tên lửa và đạn pháo bắn lên dày đặc, nhất là khi thấy những mảnh xác máy bay B52 cháy, tung toé trên bầu trời, chúng tôi hét hò ầm ĩ. Sau ngày 26 tháng 12, chúng tôi được lệnh trở về Hà nội cứu dân, khắc phục hậu quả ném bom B52. Nhưng chỉ vào Hà Nội vào ban đêm, còn ban ngày rút ra ngoài. Trước khi rời Yên Thư, hai bà mẹ già là chủ nhà đã làm một bữa cơm tiễn tôi và Quý Sơn. Coi chúng tôi như con cháu trong nhà, các cụ dặn dò rất cẩn thận,. Thật cảm động vì sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân! Chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi hành quân về tập kết bên kia sông Hồng, thuộc địa phận Sơn Tây.

Sau thất bại nặng nề của chiến dịch ném bom Hà Nội bằng B52, Mỹ phải tuyên bố xuống thang, chấm dứt ném bom. Kế hoạch của chúng tôi cũng thay đổi. Xe ô tô đưa chúng tôi đến Ngõ Chợ Khâm thiên và trú nhờ trong một ngôi trường nhỏ. Quang cảnh hết sức đau thương. Chỉ dãy nhà ngoài phố là còn nguyên vẹn. Sau một dãy nhà - tất cả đã bình địa. Ngổn ngang đổ nát. Chúng tôi được phân công dọn dẹp ở sau rạp chiếu bóng Dân Chủ. Mùi dầu xả và mùi da thịt cháy sém, bốc lên mùi hôi thối bám lấy chúng tôi suốt ngày. Chúng tôi lao vào dọn dẹp đường phố, đào bới nhưng nơi nghi còn xác người, đắp đường vào nhà cho dân. Chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi.

Một hôm, tiểu đội do Quý Sơn làm tiểu đội trưởng (có tôi và Vũ Việt là hai lính Trỗi), nhận lệnh đi đào bom nổ chậm. Chúng tôi hành quân từ Ô Chợ Dừa, qua Ngã Tư Sở lên phía Cầu Mới rồi rẽ trái men theo sông Tô Lịch. Trước mặt là một hố bom lớn, miệng rộng khoảng 15m, sâu đến 10m, có dạng phễu. Một đơn vị dân quân tự vệ đang đào bới nhưng không ai biết đây là lọai bom gì. Nghe nói bom do máy bay F-111 bị bắn rát nên thả vội xuống để chuồn. Chúng tôi phân công nhau vào vị trí. Cánh dân quân tự vệ nhường chỗ cho anh em bộ đội. Cả tiểu đội xuống đáy hố bom, khẩn trương đào và chuyển đất lên. Không ai nói với ai một lời. Cho đến hết ngày nhưng vẫn chưa thấy quả bom. Ngày hôm sau, tiểu đội lại nhận nhiệm vụ khác. Không rõ có ai đào được quả bom đấy không?

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở lại trường nhận nhiệm vụ mới: Tham gia duyệt binh mừng ngày tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Chúng tôi lại lên đường…

Hà Nội, 15-10-2005