ĐÀ NẴNG LẦN HAI VÀ LÀ BA LẦN


Gặp mặt K6 NVT toàn quốc - Đà nẵng 8-9/4/2023



Ba ngày (8-10/4/2023) bình thường như bao ngày trong năm. Ba ngày đó không rung chuyển thế giới mà cũng chẳng ấn tượng cho bất cứ ai thờ ơ vô cảm. Với anh chị em K6 thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và người viết bài là những ngày đong đầy cảm xúc, tỉnh nghĩa thiêng liêng thày trò cùng bằng hữu.
Đầu năm 2023 sau ba năm “nội bất xuất ngoại bất nhập“ do dịch Covid-19 ban liên lạc K6 quyết định hội khoá. Anh em háo hức mong giờ G. Lâu không gặp mặt, nhớ lắm và cũng thương nhau lắm lắm. Ban liên lạc chọn Đà Nẵng là nơi hội khoá dẫu trước đó, đây đã tổ chức một lần. Lý do đơn giản và thuyết phục. Thày Lê Đức Soạn tuổi 90, nguyên chính trị viên K6 ngụ tại Đà Nẵng. Xin giải thích để ai đó quan tâm hiểu cơ cấu tổ chức nhà trường. Các khoá học gọi đại đội, lớp gọi trung đội. Tiểu đoàn một là khối cấp ba, tiểu đoàn hai khối cấp hai, không có khối cấp một. Trường là đơn vị chịu sự quản lý của Tổng cục chính trị. Chính ủy và hiệu trưởng là thày Bùi Khắc Quỳnh, Nguyễn Hữu Điền (sau là thày Dương Hưng Tuấn). Các thày có quân hàm thượng tá hay trung tá tôi không nhớ. Tóm lại phiên chế tên gọi như quân đội.
K6 có năm lớp tức năm trung đội. Hai thày đại đội trưởng, chính trị viên phụ trách chung. Quân số lớp xáo trộn mỗi năm. Hai trăm trò ít nhất có một năm cùng lớp. Thày Lê Thanh Phong người Nam Bộ mất đã lâu. Thày Soạn tuổi 90 ai biết tiếp theo là gì. Trò 70 đập tay nhau cái bốp OK. Học chung nhau 5 năm hiểu rõ tính nết nhau. Trui rèn trong kỷ luật nhà binh đám trò ni tính tự lập cao, trượng nghĩa và quyết đoán.
Đúng giờ G, sáng 8/4 anh em từ Bắc, Trung, Nam và cả Việt kiều có mặt tại Đoàn an dưỡng 27 (268 Võ Nguyên Giáp Đà Nẵng). Tay bắt mặt mừng chuyện như rang bắp, mày tao chí tớ ồn ã khoảng sân cửa khách sạn. Tuổi 70 quay về ngày thơ dại, chim cò bằng quả ớt chỉ thiên nay cũng vậy. Hơi… bị buồn. Ôn lại những ngày đóng quân, học tập tại Hiệp Hoà, Đại Từ, Quế Lâm, Trung Hà, Hưng Hoá. Mấy nhân viên Đoàn an dưỡng trố mắt há mỏ nghe mấy già GÂN chém gió.
Bữa cơm trưa, anh em gọi nháp cho buổi lễ trọng chiều tối. Đơn giản song đủ chất và… uống ít thôi nhé. Sếp ban liên lạc K6 nhắc nhở. Mấy cao thủ nhìn nhau: ”Cẩn thận… hơi bị thừa“. Hai giờ chiều, đoàn viếng thăm nhà tưởng niệm và ngôi nhà thân sinh anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi (Điện Bàn Quảng Nam). Chiều tối, tắm rửa sạch sẽ quân dung tươi tỉnh (may không gã nào xức nước hoa) xuống trệt dự lễ đại thọ thày Lê Đức Soạn. Mở đầu K6 cất cao bài hát truyền thống Sinh ra trong khói lửa, sáng tác của thày nhạc sỹ Nguyễn Hồng Tuyến. Bạn lưu ý, tại mái trường này chúng tôi học Nhạc, Hội Hoạ, Võ thuật... những môn không bắt buộc của Bộ giáo dục ngày đó. Trưởng ban liên lạc K6 Vũ Điện Biên thay mặt anh em chúc mừng thày đại thọ. Vợ chồng thày phát biểu cám ơn trò K6. Tôi nhớ có câu: ”Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Các anh chị em K6 tuổi cũng 70 cả rồi không quản đường xa cùng nhiều khó khăn khác vẫn nhớ đến tôi, tổ chức buổi lễ long trọng này…”. Vẫn giọng nói xưa của người dân xứ Quảng. Gặp nhau thày vẫn nhớ trò nào nhại tiếng. Trong số này có Vũ Điện Biên. Thày trò nắm tay nhau cười ngất. Có câu: ”Chửi cha không bằng pha tiếng“ thày trò tháo bỏ. Đây sự bao dung của những tâm hồn đẹp. Phần lễ kết thúc khi đại diện ban liên lạc Nhà trường, K6 và anh Nhơn nguyên phó tư lệnh quân khu V lên tặng hoa cùng lời chúc.
Vào hội, phần xôm tụ nhất trong bất cứ cuộc hội ngộ nào. Bạn tin không? Không tin ngó thời sự trên TV sẽ tin lời tôi nói. Lễ lạt Nhà nước, nguyên nọ nguyên kia khi nào cũng góp mặt. Nhiều gã mặt dạn mày dày dẫu biết dân ghét cay ghét đắng vẫn chường mặt thớt. Tỷ như nguyên kiếm lâm viên, y tá viên “tuần chay nào cũng có nước mắt“. Hai gã bảo nhau: ”Được ăn được nói được gói mang về ngu gì không đến”. Vô sỷ, vô sỷ hết mức.
Hơn trăm gã 70 ồn ã chúc tụng nhau, rượu tuôn như nước suối. Thương mấy cháu chạy đôn chạy đáo phục vụ các đại ca. Mấy gã trêu Biên: "Chúc thọ đọc cả tiểu sử, quá trình công tác. Công đoạn này thường thấy ở đâu ta?” Biên: "Lời chúc được ban liên lạc cân nhắc kỹ. Viết và sửa vài lần mới được vậy”. Tôi góp: “Thêm câu: Do đánh giá không đúng mức công lao thành tích của thày nên đảng viên trung tá Lê Đức Soạn chỉ được nhận…”. Mấy gã cười tủm tỉm. Chả hiểu tụi nó nghĩ gì.
Hỏi cháu nhân viên: "Tụi con nghĩ sao?” Một cháu: "Con thấy ý nghĩa và cảm động lắm ạ. Thày hạnh phúc lắm chú à". Tôi nói: ”Không trân trọng những gì người đi trước làm cho mình là đám vô ơn. Lễ nghĩa thể hiện trong hành động dù nhỏ nhất mỗi cá nhân. Trong gia đình có lời răn:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trong giáo dục thì: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Vậy mà một gã giáo sư kiến nghị bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn". Mấy đứa có OK? Cả đám: "Gã ni điên. Giáo sư gốc mít". Một cháu rụt rè: "Bài hát mở màn hay quá. Cháu muốn học có được không?” Kéo gã Đà Nẵng bàn giao và trao nhiệm vụ. Có nên cơm cháo gì không. Tiếc rẻ: "Giá mình ở Đà Nẵng”.
Hai mươi ba giờ, cuộc vui kết thúc. Cả đoàn chìm trong giấc ngủ sâu… ngày mai tính tiếp. Sau bữa sáng 9/4 đoàn đi thăm khu tưởng niệm mẹ Thứ và Thánh địa Mỹ Sơn.
Mẹ Thứ là đại diện tiêu biểu cho hàng vạn mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ có mười một người thân (con trai, con rể…) hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tượng đài Mẹ uy nghi, bên dưới là chân dung mười một người con. Khu tưởng niệm rộng, thoáng đãng xứng với sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ Việt Nam. Chợt nghĩ: "Cái giá phải trả cho công cuộc Thống nhất đất nước khùng khiếp quá. Với người dân, đây là cuộc chiến nhằm giang sơn thu về một mối Bắc Nam thống nhất. Người ngoài cuộc (các quốc gia trung lập) xem là cuộc chiến ý thức hệ được ủy nhiệm bởi mấy cường quốc (Mỹ, Nga, Tàu cộng). Ý thức hệ, khái niệm mơ hồ, lồng trong nó là dã tâm đen tối các cường quốc. Liệu có con đường khác mà vẫn đạt mục đích?
Thánh địa Mỹ Sơn, công trình kiến trúc kỳ vỹ người Chăm. Nó được UNESCO công nhận di sản thế giới năm 1999. Lặng người trước các toà tháp xây từ thế kỷ IV rồi tự vấn: ”Dân tộc có nền văn hoá rực rỡ, kiến trúc đặc sắc như vậy. Nay họ ở đâu?” Hỏi, cũng là lời cảnh báo người Việt khi đương đầu với hoạ phương Bắc.
Quá trưa kết thúc chuyến du ngoạn đoàn vô Nhà hàng bê thui Cầu Mống. Danh bất hư truyền, ngon bổ rẻ. Địa chỉ cần lưu bộ nhớ, lần sau qua Đà Nẵng thế nào cũng ghé thăm. Ăn đầu bảng trong tứ khoái người Việt. Bạn cần nói rõ nữa không?
Chiều và sáng 10/4 xả trại. Từng nhóm nhỏ, kẻ đi bơi người lang thang thăm thú. Bảo tàng Chăm, chùa Linh Ứng… là địa chỉ nhiều người lui tới. Tôi ngủ vùi dành sức cho chuyến đi Tây Nguyên ngay sau đó. Tây Nguyên, đất phên giậu phía Tây đất nước với bản sử thi Trường ca Đam San nổi tiếng. Tây Nguyên tôi mới ghé Lâm Đồng (Đà Lạt) và Đắc Lắc (Buôn Ma Thuột) địa danh khác chưa hề. Đây cơ hội, không để lỡ. Sau chuyến đi sẽ có đôi dòng chia sẻ và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm khi đi PHƯỢT. Ai có lòng gắng đợi:
Nhà tui hai một Cột Cờ
Ai thương thì đến, hững hờ… cho qua
Kết thúc ba ngày hội khoá K6, anh em ra về trong trạng thái vui vẻ, phấn khích. Cám ơn Ban liên lạc, đặc biệt Nguyễn Kim Hồ người đứng mũi chịu sào lo liệu mọi việc đâu ra đấy. Lần tới tổ chức sẽ là lần thứ tư giao lưu toàn quốc. BỐN LẦN hẳn xôm tụ hoành tráng lắm đây. Nên chọn đâu ta?



Duy Sơn Vũ​ >> Bạn Trỗi K6 - Th7 22/4/2023