Nhớ về Khoá 6 của tôi - Nguyễn Hữu Nghị K6



NGUYỄN HỮU NGHỊ (Học sinh khóa 6) 

Các bạn có biết vì sao khóa chúng tôi được gọi là khóa 6? Vì theo thứ tự các khóa trường Trường Trỗi thì chúng tôi xếp thứ 6. Theo thông lệ mỗi năm, chúng tôi gặp mặt nhau hai lần: vào tháng 6 và tháng 12. Tháng 12 là “tháng của lính” vì có ngày 22 tháng 12. Còn tháng 6 có hai ngày quan trọng trong cuộc đời lính chúng tôi: Đó là ngày nhập ngũ 3 tháng 6 và ngày nhập trường Văn hoá quân đội 6 tháng 6!

Ngày nhập trường

Nhớ lại đầu năm 1965, tình hình chiến sự tăng dần theo thời gian làm việc của bố mẹ chúng tôi, vì họ đều là bộ đội. Bố mẹ đi làm sớm hơn, chiều về muộn hơn và anh em tôi cũng ít được gặp bố mẹ hơn, phải làm việc nhà nhiều hơn. Sau Tết ta, tôi tạm xa Hà nội cùng các bạn trong khu tập thể 25 Phan Đình Phùng, đi sơ tán về nông thôn để học tiếp phần còn lại của học kỳ 2. Kết thúc năm học, khoá chúng tôi được miễn kì thi tốt nghiệp cấp I, lên thẳng lớp 5. Về Hà Nội nghỉ hè, tôi vội đi tìm cánh bạn học cũ. Vừa ra đường, gặp ngay Thắng “híp”. Bạn vui vẻ thông báo: “Tao và một số đứa sắp được đi học trường Thiếu sinh quân. Trường hay lắm, sống như bộ đội... “. Tôi hỏi:

Làm sao mà mày vào được?

- Bố tao xin cho.

Lúc đó, tôi không còn nghĩ điều gì khác nữa vì tôi cũng muốn được đi học trường Thiếu sinh quân như các bạn, muốn trở thành bộ đội như các bạn. Tối hôm đó chờ bố đi làm về, tôi nói ngay: “Bố ơi, xin cho con đi học trường Thiếu sinh quân! Các bạn của con được đi hết rồi. Như bạn Thắng con bác Nam, bạn Hoà con bác Đôn, bạn Biên con bác Cẩn…”. Tôi kể tên một loạt các bạn để thuyết phục bố. Ông cũng chưa biết có trường này và hứa sẽ hỏi Cục Cán bộ. Suốt tuần, ngày nào tôi cũng hỏi bố về chuyện này. Cuối cùng, bố cũng nói với tôi rằng đã xin cho tôi được đi học trường Thiếu sinh quân. Sướng quá, tôi chạy đi khoe ngay với các bạn. Tất cả chúng tôi cùng chờ ngày tập trung lên trường.

Ngày 6 tháng 6 năm 1965, cùng nhiều bạn bè, chúng tôi lên xe, xa Hà nội. Tất cả chúng tôi vui đùa mà không cảm nhận được rằng kể từ hôm nay chúng tôi phải rời xa vòng tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ và gia đình, vào sống trong một mái trường quân đội. Đó là ngôi nhà thân yêu của chúng tôi trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và giải phóng miền Nam.

Trại Hoè, Phố Thắng, Hà Bắc. Ở đây có sân bóng rộng mênh mông. Không gian thoáng đãng. Ôi thích quá! Chúng tôi được chia thành tiểu đội và sống cùng trong một ngôi nhà lớn. Chúng tôi phải làm quen với thời gian biểu chặt chẽ. Sáng phải thức dậy sớm tập thể dục, rồi vệ sinh cá nhân, ăn sáng và học bài. Chiều tự học rồi chơi đá bóng, tắm giặt và ăn tối. Chúng tôi quen dần với các tiếng kèn báo hiệu. Khi có kèn “Cơm cơm cà, cơm cơm muối, ai có đói thì về mà ăn!” là chúng tôi phải xếp hàng ngay ngắn, đi xuống bếp. Khi có kèn ngủ là tất cả phải lên giường, tắt đèn dầu đi ngủ. Thậm chí không được nói chuyện riêng. Chúng tôi quen dần với nếp sống mới. Nỗi nhớ gia đình cũng nguôi dần. Chúng tôi vui đùa, học tập cùng nhau. Vui nhất là những đêm sáng trăng, lũ chúng tôi cùng nhau chơi trò trốn tìm, trò bắn bùm và nhiều trò trẻ con khác. Chiều chiều lại ra kênh thuỷ nông ở gần trường tập bơi… Chính tại sân bóng, chúng tôi gặp lại nhiều người quen cũ (các bạn, các anh cùng sống quanh Thành Cửa Bắc), rồi dần dần làm quen với nhiều bạn bè, anh em ở các khu tập thể quân đội khác. Trước lạ, sau quen, tất cả hoà thành một khối thống nhất. Đúng là cả trường là anh em. Năm đó chúng tôi là lớp em út của cả trường, mới 11, 12 tuổi.

Cuộc sống tập thể vui vẻ cũng không át được không khí chiến tranh. Vùng quê yên tĩnh cũng đã bị khấy động bởi máy bay Mỹ. Máy bay trinh sát cách mặt đất có lẽ chỉ vài trăm mét, trông to như tấm phản, xé trời bay qua, bay lại. Các vị “tham mưu con” đoán già đoán non: Mỹ sắp đánh trường ta… Một buổi chiều, chúng tôi được lênh thu dọn đồ đạc, lập tức di chuyển. Các thày, cô chuẩn bị nước uống, cơm nắm cho chúng tôi. Chục chiếc xe tải quân sự, bịt bùng, xếp hàng dọc ở sân bóng. Chúng tôi trèo lên xe, bắt đầu một cuộc hành quân đêm. Đi nhưng không biết đích đến. Xe cứ chạy. Chúng tôi ngủ gà ngủ gật. Cho đến mờ sáng hôm sau thì dừng. Trời se lạnh. Nhìn phía trước là núi cao, sương mù phủ kín. Không xa bãi xe đậu là con suối lớn và gốc đa cổ thụ. Hỏi ra mới biết đây là vùng núi xã An Mỹ, huyện Đại từ, tỉnh Thái Nguyên. Một cuộc sống mới lại bắt đầu.


Bài học từ công tác “Dân vận”

Đã là bộ đội phải biết dân vận, dù đó là bộ đội lớn hay bộ đội bé như chúng tôi.

Suối Hiệu bộ (Suối Chì hay Suối Ton?)
Ngày đầu lên Đại Từ, chúng tôi sống nhờ trong nhà dân. Sau đó chuyển vào ở doanh trại ngay cửa rừng, gần thác Bom Bom; đến năm học 1966-1967 thì chuyển ra phía ngoài. Vì được “ba cùng” với nhân dân mà chúng tôi đã trưởng thành. Ở nhà dân, chúng tôi có thói quen quét dọn nhà cửa sạch sẽ, đi về đều chào hỏi chủ nhà, ra đường mau miệng với bà con hàng xóm. Thấy vậy ai cũng quý.

Quả thật là học sinh “cày đường nhựa” chúng tôi không hề biết làm các công việc đồng áng. Lúc mới nhập gia, thấy chủ nhà xay thóc, giã gạo thì cũng tò mò học hỏi, xin thử làm quen, đến khi thành thạo rồi thì “ghé chân ghé tay” vào giúp. Xay thóc thì phải biết đứng gié chân chèo, tay đẩy đều cần xay. Còn khi giã gạo thì một chân đứng tì lên phía đuôi chày, chân còn lại đứng trên thành chày, nhún nhẩy nhịp nhàng. Chúng tôi còn biết cả giã gạo chày đôi. Thật là những bài học đáng quý!

Tôi không quên được buổi lội ruộng lần đầu tiên đi gặt lúa, cấy lúa. Hôm đó, tiểu đội tôi được phân công đi gặt. Ngay tại ruộng, chúng tôi được hướng dẫn cách cầm liềm, cách quơ gốc lúa, các đặt bó lúa đã cắt trên ruộng và sau đó là cách đập lúa. Sợ nhất là bị liềm cắt vào tay và sợ bị đỉa cắn. Chỉ nhìn những con đỉa to bằng ngón tay cái bơi lội tung tăng dưới ruộng là tôi sợ hết cả hồn. Nhưng nhìn những bác nông dân đưa tay thoăn thoắt, cắt lúa nhanh gọn làm tôi như quên đi nỗi sợ. Tôi và các bạn cùng ào xuống ruộng, tay cắt lia lịa. Làm mãi rồi quen, rồi dần tiến bộ, gặt nhanh hơn, thóc ít rơi vãi hơn. Cứ như thế chúng tôi gặt xong cả thửa ruộng. Nhờ những bài học ấy mà sau này, vào những ngày nghỉ ở đơn vị, tôi hay cùng Tiến “bồ” lội xuống ruộng, bắt cua về “cải thiện”.

Khi chuyển doanh trại ra địa điểm mới, chúng tôi sống trong những căn nhà tranh tre, vách đất. Thấy xung quanh nhà rất trống trải nên thầy trung đội trưởng gợi ý chúng tôi phải trồng cây xanh. Sau giờ học buổi chiều, theo từng “tổ tam tam”, chúng tôi vào nhà dân xin chuối về trồng. Nhà trong bản ở rải rác, cách xa nhau và nuôi rất nhiều chó. Khi vào nhà dân chỉ sợ bị chó cắn. Chưa vào đến sân đã nghe chó sủa ran. Lần đó, tôi vào một nhà nằm xa đường, phải men theo bờ ruộng, vòng vèo, nhiều chỗ ngoặt, khó đi. Tôi đoán đường lắt léo thế này chắc chưa có ai đến xin chuối nên hăm hở đi vào. Cách cổng vài mét, bổng thấy chó sủa ầm ĩ. Nghĩ có người ở nhà, tôi gọi với vào: ”Có ai ở nhà không?”. Không có tiếng trả lời, chỉ thấy ba, bốn chú chó nhe răng, lao ra. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi quay đầu, chạy. Vừa chạy vừa ngoái cổ lại nhìn. Tôi chạy sau cùng thấy chó đến rất gần, luống cuống thế nào vấp ngã xòai ra đường. Chú chó đi đầu thấy tôi ngã liền dừng ngay lại. Thế là thoát nạn! Hòan hồn trở về đến nhà rồi mới biết chó cũng sợ người. Đi đâu thấy chó đuổi thì chì cần vờ ngồi xuống là chó không dám đuổi theo. Từ đó hết sợ chó.

Đúng là những bài học đầu tiên khi đi làm công tác “dân vận”!



Đăng lại bài viết của NGUYỄN HỮU NGHỊ
(đã đăng tại „Blog
Trang văn nghệ trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi: Thứ năm, ngày 08 tháng năm năm 2008)