Truyện nhiều kỳ: Ba thằng bạn cùng làng (3) - Duy Đảo




Đường làng - Sơn mài  F.LựcĐường làng - Sơn mài F.Lực
Hà là con cả của chú Rĩnh. Hà chơi thân với tôi. Hà lắm tài từ làm súng phốc bắn quả rau đay, tới câu cá bẫy chim, dậm tôm, dậm cá… Học hết lớp bảy Hà nghỉ không học nữa. Hà nói “Thầy em có biết chữ quái nào đâu mà cũng làm tới chức đội trưởng sản xuất. Chả biết anh thế nào, chứ em cứ động đến chữ, đến sách vở là đầu nó mỏi, hai mắt tự dưng muốn díp lại, chỉ muốn lăn quay ra giường. Em tính rồi học cũng chả để làm gì. Nghỉ học ở nhà sáng sáng dậy sớm đi nhặt cứt chó chăm cho miếng ruộng phần trăm trồng thuốc lào, tới vụ còn giúp thầy bu em được tí tiền, chứ trông chờ vào thóc chia hợp tác thì có mà… ”.

Quê tôi ngày xưa là đất trồng thuốc lào. Có lẽ cùng vệt đất do phù sa của sông Văn Úc, sông Luộc, sông Thái Bình bồi đắp nên khắp một vùng từ Tiên Lãng, Vĩnh Bảo cho tới tận làng tôi thuốc lào đặc biệt ngon. Chả hiểu sao đã là anh thuốc lào thì phải tưới bằng phân chó thì khói mới đượm và say. Giống như ớt phải tưới bằng phân gà mới cay.

(Nhớ ngày ở đảo Kôkông, chúng tôi làm công ăn chia với bọn Thái, trồng cần sa. Bọn Thái kỹ tới mức khôngcho chúng tôi bón bất cứ thứ gì ngoài phân gà. Hàng tuần thuyền chở phân gà từ Thái vượt biển chuyển qua. Khi chúng tôi hỏi thì nó nói cần sa phải tưới bằng phân gà mới tăng chất lượng, tăng độ “phê”).

Những năm ấy làng xóm thanh bình lắm, đến trộm cắp vặt còn không có huống hồ… Thế mà chả hiểu sao bà con nuôi lắm chó thế? Chả biết có phải bà con nuôi chó để lấy cứt bón thuốc lào hay không?

Đi ra đường sơ ý một tí là dẫm phải cứt chó, nhất là các cụ già mắt mũi kèm nhèm. Có cụ đi đám giỗ mặc cái quần ta nâu cả năm mới diện một lần. Thế quái nào đi đường “quệt” phải cứt chó, lúc ngồi nhắm rượu, trên mâm có 5 cụ thì mắt mũi cụ nào cũng toét, cụ này đổ cho cụ kia. Cuối cùng người nhà phải lao vào “can thiệp”, sai con cháu kiểm tra rồi lột quần của cụ bị “dính cứt” đem ra ao “gột”. Thế là một cụ quần đùi “hầu” bốn cụ quần dài, ngồi nhâm nhi cho đến hết cỗ.

Cánh trẻ con làng tôi thời bấy giờ sáng sang phải dậy thật sớm, một tay xách cái rổ bằng tre có buộc dây lót lá chuối, một tay cầm cái kẹp (giống như cái kẹp của cánh thiếu niên nơi thị thành dùng để nhặt hạt táo, bán cho hiệu thuốc bắc trong phong trào gây quỹ đội thời 61-62). Hôm nào ngủ quên, dậy muộn thì đến nước đái chó cũng chả còn mùi chứ đừng nói tới cứt. Cho nên chúng tôi phải dậy thật sớm. Nhiều khi đánh chửi nhau cũng chỉ vì bãi cứt chó.

Sống ở đất thuốc nên chúng tôi đều tập toẹ rồi nghiện hút. Hà nghiện hút từ năm 8-9 tuổi.


Buổi sáng chả có gì tống vào dạ dày, bụng réo sôi ùng ục như hợp tác xã tôi vôi xây trụ sở, đành vớ cái điếu bát của thầy làm một “bi” cho đầy phổi rồi say quắc cần câu nằm co tới tận trưa.

Để làm ra được cân thuốc lào còn vất vả hơn cả trồng lúa. Đất trồng thuốc lào phải làm thật kỹ. Sau khi bón lót bằng phân chuồng thì đặt giống. Khi cây được 3-4 lá là bắt đầu tưới phân chó và chăm sóc. Lá thuốc lào cay thế mà vẫn có sâu rệp xơi được. Nếu không xử lý, lá bị sâu ăn quăn lại, cây chậm lớn, chất lượng thuốc coi như vứt. Người ta phải nấu cơm nếp nát rồi cuốn vào đầu cái que cứ thế lăn trên những lá nào bị rệp, bị sâu. Tất cả rệp lớn, rệp bé… bị cơm nếp dính vào hết… Khi lá thuốc đã già là tới khâu thu hoạch. Thuốc hái về được tước đi phần cuộng và gân, phơi trong bóng mát cho vàng rồi xếp lớp cuộn tròn lại như cái dò lụa ngày tết nhưng dài, có khi dài tới một mét, mét rưỡi cũng không chừng.

Ở quê tôi người ta phải lặn lội sang tận Tiên Lãng, Vĩnh Bảo mời thợ về thái thuốc. Dụng cụ thái thuốc dân trong nghề gọi là “Cầu”. “Cầu” gồm một đường “ray” có độ dốc. Đường “ray” này dùng để đặt bó thuốc đã cuộn lên trên. Phía cuối của “cầu” là một cái lỗ để bó thuốc chui qua, đồng thời đây cũng là bộ phận “lấy cữ”. Xắt dày hay mỏng là do người thợ đẩy cuộn thuốc di chuyển nhanh hay chậm trên đường ray.

Dao thái thuốc giống như lưỡi kiếm Nhật nhưng không có chuôi dầy hơn, có tay nắm ở giữa để người thợ cầm khi thái, đặc biệt rất sắc (cạo được cả lông chân). Người thợ ép dao vào “cữ” đều đặn đưa dao lên xuống, sợi thuốc đều tăm tắp cứ thế tuôn ra.

Khi thái xong, thuốc được rải đều trên những tấm liếp, được hồ bột và nhuộm màu. Màu là nguyên liệu tự nhiên từ củ rừng (hình như là củ nâu). Sau khi hồ và đánh màu thì phơi gió cho khô rồi đóng bánh phân loại. Phân loại thuốc phải nhờ đến các cụ cao niên có nghề hút vài chục năm để đánh giá. Cụ nào được mời thử thuốc sáng phải dậy sớm, mồm phải để thật “thối”, không được đánh răng, không được ăn uống gì. Nhiều khi mẻ thuốc phải thử cả tuần lễ mới xong vì có khi “bi” đầu tiên bắn thử, thuốc ngon quá các cụ say quắc cần câu, lăn quay ra phản. Gia chủ lại phải làm cơm rượu chờ cho các cụ tỉnh thết đãi, sáng hôm sau các cụ mới lại tiếp tục được. Công đoạn thử này rất quan trọng vì nó liên quan đến giá cả. Thuốc lào đóng bánh được cất giữ trong chum lót lá chuối khô chờ thời, khi nào được giá mới tung ra thị trường.    
... (Còn tiếp).

Xem:
  1. Ba thằng bạn cùng làng (1) -  22/06/2011, Blog K6.
  2. Ba thằng bạn cùng làng (2) -  24/06/2011, Blog K6.
  3. Ba thằng bạn cùng làng (3) -  27/06/2011, Blog K6.
  4. Ba thằng bạn cùng làng (4) -  30/06/2011, Blog K6.
  5. Ba thằng bạn cùng làng (5) -  03/07/2011, Blog K6.
  6. Ba thằng bạn cùng làng (6) -  05/07/2011, Blog K6.
  7. Ba thằng bạn cùng làng (7) -  06/07/2011, Blog K6.
  8. Ba thằng bạn cùng làng (8) -  08/07/2011, Blog K6.
 ❧ ❀ ❧ 


Đăng lại bài viết của Duy Đảo (đã đăng tại Blog bantroi5: Thứ tư, ngày 22 tháng sáu năm 2011).