Truyện nhiều kỳ: Ba thằng bạn cùng làng (7) - Duy Đảo




Tình yêu - Sơn dầu  F.LựcTình yêu - Sơn dầu F.Lực
Như lời ông thầy Khúc ở chùa làng thì số của Vinh “sướng từ bé sướng đi”.

Lúc mới sinh Vinh đã mũm mĩm, mặt phật, da trắng, tai to và đặc biệt là dễ nuôi. Nghe bu Vinh nói: “Thằng này ngày bé khi được vài tháng tuổi chỉ cần nước cơm hoà tí nuối hột là nó có thể đả hàng bát”. Bố Vinh là cán bộ nhà nước, ăn tem phiếu. Trong kháng chiến chống Pháp ông từng là xã đội trưởng du kích, hoà bình lập lại thì thoát ly, là cán bộ trong ngành lương thực lên tới chức trưởng phòng của sở. Ông ít khi về, thỉnh thoảng mới tạt qua nhà khi có việc như cúng giỗ, ma chay, cưới xin… hoặc lắm khi mua được chục ký gạo, ít mỳ chính hay vài thước vải, cái lốp xe phân phối… ông mới qua nhà, đem về cho vợ cho con.

Nhớ cái ngày mới có mỳ chính do Trung Quốc viện trợ,  một lần bố Vinh về phép, sau khi mâm cơm được dọn có đĩa rau muống luộc, bát nước rau vắt chanh, bát mắm cáy và quả trứng vịt sốt cà chua. Cả nhà đã yên vị quanh mâm cơm, ông mới từ tốn lôi ở túi áo ngực ra cái lọ Pelexicline rồi trịnh trọng:

- Vinh đâu! Lấy cho bố cái tăm.

Cầm cây tăm nhúng vào bát nước rau, sau khi vẩy cho cây tăm bớt nước, ông mới từ tốn mở lọ Pelexicline cắm que tăm vào rồi rút ra nhúng vào bát nước rau. Dùng muôi ngoáy cho đều, múc một ít đưa lên miệng nhấp nhấp môi, mắt nhắm lại, ông gật gù: “Ngon… tuyệt !”. Cả nhà ngạc nhiên, ngỡ ngàng rồi vui vẻ xơi bữa cơm sum họp.

- Bà thấy thế nào? Có ngọt không? Mỳ chính Trung Quốc đấy. Mấy anh em được phân phối chia nhau. Tôi trưởng phòng nên được cả lọ, anh em khác chỉ được nửa lọ thôi. – Ông giải thích.

- Tôi thấy chả có vị gì. - Bà thật thà. Rồi chợt nhận ra lỡ lời, không muốn làm ông và các con mất vui bà nói vớt - Hình như có ngọt hơn một tẹo thì phải!

Một hôm đặt nồi cháo suông. Sau khi cháo đã nhuyễn bà lấy lọ mỳ chính ra nêm nếm theo như cách của ông.

- Cháo nhạt toèn toẹt chả ra chó gì - Bà lầm bầm.

Tức mình bà dốc cả lọ vào nồi. Trời ơi! nó ngang và lợ không thể nuốt nổi, thế là đành phải đổ nồi cháo cho lợn.

… Khi học cấp ba, Vinh phải trọ học ở phố huyện cho gần trường, vì từ nhà tới huyện hơn chục cây số. Nhà nghèo ăn còn bữa đói bữa no, đào đâu ra xe đạp mà đi, họa có mơ. Vinh kể: Vinh trọ học ở nhà tay y sỹ tên Tược. Ông Tược có tật từ bé bị thọt một chân, là cán bộ phòng y tế phụ trách khối “sinh đẻ kế hoạch” của huyện. Ngoài giờ học Vinh hay phụ giúp gia đình chủ nhà nên tay y sỹ rất quý.

Một lần về nhà ngày chủ nhật, tay y sỹ nói với Vinh: “Cho chú mày cái này về nhà, làm quà đón tay cho mấy đứa em”. Vừa nói tay y sỹ vừa dúi cho Vinh một bọc giấy báo to. Về nhà lôi bọc quà mở ra chia cho các em thì ra một bọc toàn “bong bóng bay”. Mấy đứa em la lên mừng rỡ.

- Cái này chúng em phải đổi cả bộ lông gà cho mấy bà ve chai mới được một cái đấy, một hào chỉ được hai cái thôi.


- Ô hay! Sao bong bóng này miệng nó lại to thế nhỉ. Chỉ được cái thổi bao nhiêu hơi cũng chả vỡ, dai thật đấy. Thậm chí thổi chán đổ đầy nước vào chơi, nó dài ngoẵng ra như quả bí xanh,  nhún nhảy lên xuống như Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh trong phim Tàu, còn dai hơn cả bong bóng lợn ngày tết.

Vừa nghe thấy mấy đứa em nói “một hào chỉ được có 2 cái”, trong đầu Vinh đã nghĩ ngay ra “tiền”. Bọc này chí ít cũng cả trăm cái chứ chả chơi. Thế là Vinh nói với mấy đứa em. Chỉ một loáng sau trẻ con trong làng đã đổ dồn về nhà Vinh. Bọc bong bóng hết veo. Vinh bán rẻ một hào 3 cái. Bỗng dung phút chốc trong lưng quần Vinh có tới bốn năm đồng bạc. Số tiền này bu Vinh có bán phần tư số thóc vụ mùa cũng chả ra.

Thế là lần sau Vinh lại xin tay y sỹ. Vinh thật thà nói là bán cho đám trẻ trong làng làm bóng bay được tiền, nên tay y sỹ bắt Vinh phải “ăn chia”. Phi vụ này Vinh làm ăn khá,sắm được cả kính đen, những 3 đồng bạc. Đeo cho oách với lại cũng đỡ nhức mắt những trưa hè nghỉ học cuốc bộ về quê.

Mãi sau này nghe mấy bà sồn sồn trong làng kháo nhau Vinh mới vỡ nhẽ nó không phải là bong bóng bay bình thường mà là cái túi chuyên dùng, để bịt “b…” đàn ông, khi vợ chồng gần nhau cho khỏi đẻ con. Lúc đầu bà con thấy hay hay sợ đẻ đái, con cái nhiều lấy cứt cho chúng ăn. Với lại được nhà nước cho không tội gì, thử cho biết. Vậy mà sau này chả ai thèm dùng, cho không cũng chả ai “dây”. Nên mới có chuyện trong buồng tay y sỹ phụ trách khâu đẻ đái kế hoạch tồn hàng ngàn cái bao cao su là vì thế. Qua thực tế sử dụng bà con phản ảnh với tổ chức “Đeo cái của nợ ấy vào vướng víu, cồm cộm, khó chịu lắm, mất cả sướng”. Có ông khi sử dụng sau một hồi thao tác liền vùng dậy tháo ra vứt đến xoạch một cái xuống gậm giường, lầm bầm chửi: “Mẹ tiên sư nó, ăn đã phải độn quanh năm, giờ đến cái khoản sung sướng này cũng lại phải độn nữa thì chết quách đi cho nó xong, sống ở đời làm quái gì nữa”.

Rồi tự dưng đang nằm lim dim gãi đùi vợ, bỗng nghe thấy tiếng hai con chó cắn nhau ỳ xéo dưới gậm giường: “Thôi chết! chúng tranh nhau cái của nợ kia, không khéo ăn vào không tiêu hoá được lăn ra chết thì toi”. Hai con chó con mới mua mất đồng bạc tận chợ huyện. Tự dưng lại đi chuốc gánh lo vào người đúng là…

Vinh kể ông Tược thọt sau này khổ, bị mất chức, thu hồi đảng tịch về vườn vì tội hủ hoá. Ông bị bắt quả tang khi đang luyến ái, trên người chả còn tí quần áo. Dân quân cứ thế còng tay dong ông dọc con phố từ kho thương nghiệp sang công an huyện. Bà con đổ ra xem tụm năm tụm bảy chỉ trỏ rồi thì thầm: “Người chả ra người, một chân thì to, một chân thì bé, mà cái chân bé sao lại ngắn thế nhỉ? Các bà nhìn kìa… chỉ được cái ấy thì…”. Một bà cao hứng thò cả tay ra chỉ. Mấy bà trong nhóm nhìn theo rồi vội quay đi úp mặt vào lưng nhau, cười ré lên hai tay vỗ thùm thụp.
...
(Còn tiếp).

Xem:
  1. Ba thằng bạn cùng làng (1) -  22/06/2011, Blog K6.
  2. Ba thằng bạn cùng làng (2) -  24/06/2011, Blog K6.
  3. Ba thằng bạn cùng làng (3) -  27/06/2011, Blog K6.
  4. Ba thằng bạn cùng làng (4) -  30/06/2011, Blog K6.
  5. Ba thằng bạn cùng làng (5) -  03/07/2011, Blog K6.
  6. Ba thằng bạn cùng làng (6) -  05/07/2011, Blog K6.
  7. Ba thằng bạn cùng làng (7) -  06/07/2011, Blog K6.
  8. Ba thằng bạn cùng làng (8) -  08/07/2011, Blog K6.
 ❧ ❀ ❧ 


Đăng lại bài viết của Duy Đảo (đã đăng tại Blog bantroi5: Thứ tư, ngày 06 tháng bảy năm 2011).