Chức danh Quản lý Kinh doanh - hameok6

Chức danh quản lý là cái hiện đang rất rắc rối ở nước ta. Đối với các nước phát triển, nó thể hiện trách nhiệm và quyền lực trong công việc, nhưng đối với VN, nhiều khi nó chỉ là để thể hiện sự “oai phong” và có khi là do “nhầm lẫn” trong dịch thuật cho giống nước ngoài. Tôi xin trình bày ở đây 1 số các chức danh thường được sử dụng theo sự hiểu biết của mình. Nhưng điểu cơ bản nhất là trách nhiệm và quyền hạn của người đó chứ “danh” thì bao giờ cũng là “phù phiếm”.

1. Ở hầu hết các nước phát triển:

Director (được dịch là Giám Đốc):
Là người có toàn quyền và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước thị trường và pháp luật về công việc của mình phụ trách (là 1 đơn vị kinh doanh hoặc 1 lãnh vực SX, KD, nghiên cứu…). Công việc của 1 Giám Đốc trọng tâm là xác định hướng phát triển, quyết định biện pháp thực hiện và phối hợp các bộ phận liên quan thực hiện biện pháp đã đề ra.

General Director (được dịch là Tổng Giám Đốc):
Là người có trách nhiệm điều hành và phối hợp các Directors với nhau sao cho kết quả công việc (bao gồm cả định hướng và biện pháp thực hiện) đạt được đúng định hướng chung của toàn Doanh nghiệp. Ông ta không chịu trách nhiệm cá nhân đối với các quyết định của các Giám Đốc trực thuộc (trừ khi pháp luật bắt phải vậy). Chức danh này thường chỉ có ở Pháp (Directeur Général).

Executive Director (được dịch Giám đốc Điều hành):
Là người điều hành các Giám Đốc thực hiện các công việc theo đúng định hướng đã được đề ra bởi Ban Giám đốc (Board of Directors) hoặc cấp cao hơn.

Operating Director (tạm dịch là Giám đốc Điều phối):
Là người phối hợp (chứ không điều hành) các Giám Đốc thực hiện các công việc. Ông ta là “chất keo kết dính” các Giám Đốc với nhau. Thường chức danh này được giao cho Giám Đốc phụ trách Thị trường vì thị trường là nơi xác định phương hướng SX – KD cho các Doanh nghiệp.
Đối với các Tập đoàn, Công ty lớn hoạt động trên nhiều lãnh vực hoặc trên địa bàn phức tạp Vd. Như Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hay Đông Nam Á thì người điều hành cần phải có 1 bộ máy thực sự với nhiều cán bộ, chuyên viên… mới đủ sức điều hành Doanh nghiệp hoặc nhiều Doanh nghiệp con trong khu vực hoạt động tốt và linh hoạt. Toàn bộ nhân viên của bộ máy này (không trực tiếp tham gia SX – KD) tạo thành một Văn phòng điều hành và do vậy người Tổng điều hành lúc này được gọi là C.E.O. (Chief of Executive Officer - chưa có từ tiếng Việt tương ứng). Cũng tương tự vậy, người thực hiện công việc của Giám đốc Điều phối ở cấp này gọi là C.O.O. (Chief of Operating Officer - chưa có từ tiếng Việt tương ứng).

Manager (tạm dịch là Quản trị viên):
Là người trực tiếp quản lý, điều hành nhân viên thực hiện công việc theo định hướng và biện pháp đã quyết định (của Giám đốc hoặc người có thẩm quyền).

General Manager (tạm dịch là Tổng Quản trị):
Là người phối hợp công việc điều hành của các Managers liên quan. Ông ta không chịu trách nhiệm cá nhân đối với các quyết định của các Quản trị viên trực thuộc (trừ khi pháp luật bắt phải vậy). Trong nhiều trường hợp Tổng Quản trị cũng chỉ làm nhiệm vụ như bất cứ Quản trị viên nào, nhưng do bộ phận của ông ta lớn hơn, phức tạp hơn hay mang tính quyết định hơn mà thôi. Với cơ cấu tổ chức như thế, nhiều Doanh nghiệp còn có các chức danh như : Senjor Manager, High Manager, Super Manager … (tất cả đều chỉ có thể dịch là Quản trị viên cao cấp).

President (trong cơ cấu Quản lý kiểu Mỹ - chưa có từ tiếng Việt tương ứng):
Là người thực hiện nhiệm vụ của cả Tổng Giám Đốc và Tổng Quản trị. Ông ta phải chịu trách nhiệm cá nhân về tất cả các quyết định của mình và thuộc cấp của mình (các Giám Đốc và Quản trị viên). President là người trực tiếp điều hành Doanh nghiệp khác với C.E.O. điều hành doanh nghiệp một cách gián tiếp thông qua văn phòng Điều hành (Executive Office) tới các lãnh đạo các doanh ngiệp trực thuộc (Tổng Giám Đốc / Tổng Quản trị). Một số trường hợp, người có quyền hành cao nhất được gọi là C.E.O. kiêm President.
Tương tự chức danh này trong cơ cấu Quản lý kiểu châu Âu là Managing Director (chưa có từ tiếng Việt tương ứng).
Chức danh này có quyền hạn và trách nhiệm thấp hơn President một chút. Điểm cơ bản nhất là ông ta chỉ đề xuất định hướng phát triển của Doanh nghiệp chứ không quyết định.

Như vậy, Người điều hành Doanh nghiệp có thể là 1 trong các chức danh trên, tùy theo quy mô và hình thức quản lý của Doanh nghiệp đó tự chọn.

Chairman (được dịch là Chủ tịch):
Là người được bầu ra để điều hành 1 Hội đồng (Hội đồng Cổ đông, Hội đồng Quản trị, Hội đồng Giám sát, Hội đồng Điều hành…). Ông ta không có quyền chỉ đạo Hội đồng mà chỉ có trách nhiệm điều hành hoạt động của Hôi đồng (chứ không phải Doanh nghiệp) và được quyền thay mặt Hội đồng công bố các quyết định của Hội đồng. Tuy nhiên trong cơ cấu Quản lý kiểu Mỹ, có 1 số Hội đồng quy định người này phải chịu trách nhiệm cá nhân với quyết định điều hành Hội đồng của mình, thì chức danh đó được gọi là President of…Hội đồng đó.

Hiện nay, ở một số các Doanh nghiệp lớn (Tập đoàn đa Quốc gia) thường được điều hành bởi Board of Management – B.O.M. hay có nơi còn gọi là Board of Directors – B.O.D. (tạm dịch là Hội đồng Điều hành) với các Member of B.O.M. hay Director (tạm dịch là Ủy viên) và đứng đầu là President of B.O.M. (tạm dịch là Chủ tịch). B.O.M. chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả hoạt động của Doanh nghiệp (kể cả định hướng cũng như biện pháp thực hiện do B.O.M. đề ra với sự chấp thuận của Hội đồng Cổ đông / giới chủ). Đây là phương thức quản lý của châu Âu theo kiểu Mỹ.

“Cấp trên” của B.O.M. là Supervisory Board (tạm dịch là Hội đồng Giám sát) là người đại diện cho toàn thể Cổ đông / giới chủ phê chuẩn Định hướng phát triển do B.O.M. đề xuất và bổ nhiệm (ký Hợp đồng) cũng như giám sát kết quả hoạt động của B.O.M. Khác với Hội đồng Quản trị của các Doanh nghiệp Việt Nam là Hội đồng này không chỉ đạo B.O.M. (ngay cả định hướng phát triển cũng chỉ phê chuẩn / bác bỏ chứ không đề ra). Đứng đầu Hội đồng này là Chairman.

Supervisor (tạm dịch là Giám sát viên):
Là chức danh có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn và thúc đẩy các nhân viên thực thi nhiệm vụ theo đúng các biện pháp thực hiện (chứ không phải định hướng) đã được đề ra. Loại này cũng có nhiều cấp tùy theo mô hình quản lý của mỗi Doanh nghiệp. Đối tượng bị giám sát có thể từ cấp Quản trị viên (thì dịch là Giám sát viên) tới công nhân (thì dịch là Đốc công)…

Với nguyên tắc cấp phó là người giúp việc cho cấp trưởng, nên trong cơ cấu quản lý của các nước thường không có cấp phó mà chỉ có Assistant to… thường được coi tương đương cấp phó ở ta.

Ở 1 số trường hợp có cấp phó thì được gọi là Vice hoặc Deputy. Vice = cấp phó bình thường chỉ được thay thế cấp trưởng khi có ủy quyền cụ thể cho từng vụ việc và thời gian cụ thể. Deputy = cấp phó thứ 1 (hay còn gọi là phó thường trực), có nghĩa là mặc nhiên được thay thế cấp trưởng khi vắng mặt hoặc trên lãnh vực do mình phụ trách (tất nhiên phải được quy định cụ thể trong Điều lệ Doanh nghiệp). Có thể có nhiều Deputy cho 1 cấp trưởng.

 

2. Ở Việt Nam:

Theo cách quản lý “truyền thống” của Việt Nam từ thời bao cấp tới trước những năm 2000 thì các chức danh được hiểu như sau (bởi chưa bao giờ có 1 định nghĩa rõ ràng về các chức danh này):

Giám đốc:
Người đứng đầu điều hành hoạt động của 1 Doanh nghiệp. 1 Doanh nghiệp là 1 đơn vị kinh doanh độc lập, có tài khoản thu – chi riêng, tự chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình làm ra… và quan trọng nhất là tự trực tiếp đóng tất cả các loại thuế theo quy định.

Tổng Giám đốc:
Giám đốc của các Giám đốc. Dưới tay ông ta có ít nhất 2 Doanh nghiệp.

Trưởng phòng:
Người đứng đầu các bộ phận chuyên môn tham mưu cho Giám đốc.

Trưởng xưởng / Trưởng bộ phận
hoạt động độc lập như Chi nhánh, Cửa hàng… : Người đứng đầu các bộ phận hoạt động độc lập (tương đối) trong khuôn khố của Doanh nghiệp. Tùy theo nhu cầu và cơ chế, người này có quyền hạn cao hoặc thấp, hạch toán riêng từng phần hoặc toàn bộ, có tài khoản riêng…, nhưng cơ bản nhất là không trực tiếp đóng tất cả các loại thuế và không chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhà nước và/hoặc thị trường về kết quả hoạt động của đơn vị mình.

Quản đốc Phân xưởng / Trưởng bộ phận
hoạt động phụ thuộc: Người đứng đầu các bộ phận chịu trách nhiệm làm ra một phần sản phẩm của Doanh nghiệp. Các bộ phận này cao lắm chỉ hạch toán nội bộ, không có tài khoản riêng và tất nhiên không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thuế.

Các cấp Phó:
Là người giúp cho cấp trưởng trong một số vấn đề chuyên môn và chỉ được nhân danh Đơn vị khi được cấp trưởng đồng ý. Tuy nhiên, trên thực tế, các cấp phó và trưởng thường tạo thành Ban lãnh đạo, Vd. Như Ban Giám đốc và cùng nhau chịu trách nhiệm chung.

Hiện nay: Với kiểu “chơi chữ” khi dịch: Trưởng phòng / trưởng xưởng = Manager = Giám Đốc = Director và General Manager = Tổng Giám Đốc = General Director = C.E.O., các chức danh đang ngày càng được “nâng cấp” lên hơn so với thực chất.

Tổng Giám Đốc hay C.E.O.: là được dùng cho người điều hành cao nhất của 1 Doanh nghiệp (bất kể lớn nhỏ). Và tiếp theo được sắp xếp thứ tự Phó Tổng Giám Đốc - Giám Đốc – Phó Giám Đốc – Trưởng …. – Phó …. Được hiểu là các cấp dưới trực tiếp của chức danh đó (không theo trách nhiệm cũng như quy mô hay hình thức quản lý….). Bởi vậy, khi gặp 1 Giám Đốc cần phải biết cơ cấu tổ chức của Doanh nghiệp đó thì mới biết quyền hạn của Ông ta tới đâu: cho toàn bộ Doanh nghiệp (Giám Đốc Doanh nghiệp) hay chỉ cho 1 phần (Giám Đốc xưởng) hay chỉ là chức năng tham mưu (thực chất là Trưởng phòng)….

Với một số Tổng Doanh nghiệp (Tổng Công ty, Tập đoàn …), dưới tay Tổng Giám Đốc còn có vài Tổng Giám Đốc của các Doanh nghiệp trực thuộc. Chuyện này thì đúng là “botay.com”!

Riêng mấy trăm C.E.O. vừa được đào tạo theo chương trình của NN vừa rồi thì không hiểu là loại nào?

lúc 10:13 SA Thứ năm, 06 tháng tám, 2009
Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại Blog "Bạn Trường Trỗi”: Thứ năm, 06 tháng tám, 2009)