Chuyện kể của người thiếu niên dũng sĩ đầu tiên được gặp Bác Hồ - Nguyễn Tường Vân

Các thiếu niên dũng sĩ miền Nam được chụp hình với Bác Hồ và Bác  Tôn (Võ Phổ, Ngô Văn Nết, Võ Văn Hường, Hồ Văn Mên, Hồ Thị Thu, Nguyễn  Văn Hòa và Đoàn Văn Luyện). Đoàn Văn Luyện - người đầu tiên ở bìa phải -  Ảnh tư liệu

Các thiếu niên dũng sĩ miền Nam được chụp hình với Bác Hồ và Bác Tôn.
Đoàn Văn Luyện - người đầu tiên ở bìa phải - Ảnh tư liệu (1969)
(Không phải ảnh của bài viết này - nvtk6)



KỶ NIỆM VỚI BÁC HỒ

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI THIẾU NIÊN
DŨNG SĨ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

Nguyễn Tường Vân k6, C11  

Rất nhiều hình ảnh ghi lại tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ miền Nam; trong đó có bức ảnh các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam quây quần quanh Bác chụp ngày 13/2/1969 (nhằm 27 Tết) đang được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong ảnh Bác đang cùng các cháu vỗ tay và hát, ánh mắt hiền từ của Bác nhìn các cháu thật vui, còn nét mặt các cháu thật hân hoan, thỏa nguyện.
Hơn 30 năm sau, cuối năm 2005, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt giao lưu với các anh chị một thời là thiếu niên dũng sĩ miền Nam đã từng được gặp Bác Hồ. Được về thăm nhà Bác, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm với Bác, mắt các anh chị rưng rưng lệ. Qua trò chuỵện, chúng tôi được biết trong số đó có một người đã được gặp Bác 7 lần. Anh là thiếu niên dũng sĩ miền Nam đầu tiên ra miền Bắc và có lẽ, anh cũng là thiếu niên dũng sĩ đầu tiên được gặp Bác. Anh là Đoàn Văn Luyện.
Chúng tôi tìm gặp anh Luyện và xin anh kể về những lần được gặp Bác. Anh cười hiền lành và hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp Bác. Giọng xúc động, anh nói:

“Thật ra mình may mắn hơn các bạn khác, chứ Quảng Ngãi quê mình - đất nghèo lắm, chỉ có chí kiên cường thôi. (Quê mình là quê hương của du kích Ba Tơ mà!). Vì thế mà mình hăng hái tham gia du kích khi mới 11 tuổi với mục đích tiêu diệt thật nhiều lính Mỹ, để nhanh chóng giải phóng miền Nam, để được sống trong hòa bình, no ấm. Lúc đó chẳng mơ ước gì cao xa mà chỉ nghĩ đơn giản như thế và cố gắng làm bằng được. Cuối năm 1965, miền Nam mở Đại hội mừng công. Mình được bầu là “dũng sĩ diệt Mỹ” của miền Trung Trung bộ đi dự “Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam”, khi ấy mình 13 tuổi. Sau Đại hội, mình được đi báo cáo điển hình ở Sư đoàn. Chính thời gian này, may mắn đến với mình: chú Năm Công (tên gọi thân mật của đồng chí Võ Chí Công, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam) cho theo ra Bắc. Năm chục ngày hành quân từ ATK của Khu V ra miền Bắc, đến Hà Nội đúng ngày 25/9/1966. Đó là một ngày không bao giờ quên với mình vì ngày đó mình được gặp Bác lần đầu tiên.
Chuỵện được gặp Bác thật sự là may mắn! Sau khi đến Hà Nội, ngay chiều đó chú Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) điện mời chú Năm Công tới ăn cơm. Trước khi đi, chú Năm Công hỏi mình:
- Con có đi cùng chú không?
- Nếu chú cho phép thì con xin được đi cùng.
Thế là mình được đi theo chú Năm Công. Xe ôtô chở hai chú cháu đến một khu vườn rất rộng, có nhiều cây xanh, sau này mới biết đó là Phủ Chủ tịch. Chú Tô và chú Năm Công ngồi nói chuyện ở ghế đá ngoài sân. Chú Vũ Kỳ đi tới thấy mình ngồi cạnh chú Năm, liền hỏi:
- Con anh đấy à?
Chú Năm trả lời:
- Không phải con tôi. Đây là cháu Đoàn Văn Luyện, dũng sĩ diệt Mỹ vừa dự “Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam” ra đấy.
Chú Vũ Kỳ nghe vậy liền nói:
- Thế thì phải báo cáo để Bác biết!
Mình chưa kịp nghĩ gì thì chú Vũ Kỳ đã bảo: “Bác cho gọi hai anh và cháu đấy. Bác mời cơm chiều nay”. Ôi, được gặp Bác Hồ! Điều mà chưa bao giờ mình dám nghĩ tới, kể cả trong mơ. Quá bất ngờ! Hạnh phúc lớn quá! Mình vô cùng lúng túng. Khi trông thấy Bác mình cứ ngây người ra. Rồi sự bối rối ấy qua nhanh vì Bác thật gần gũi, hiền từ, nhân hậu. Bác hỏi mình từ chuyện gia đình đến chuyện đánh giặc. Còn mình cũng nói chuyện tự nhiên như người thân trong gia đình lâu ngày mới gặp. Rồi Bác hỏi:
- Cháu ra Bắc lần này có nguyện vọng gì không?
Lúc ấy mình nhớ đến mong ước từ rất lâu là được đi học. Thế là mình trình bày với Bác: “Nếu được Bác và các chú cho phép, con chỉ muốn được đi học thôi”. (Bác giao ngay cho các chú ở Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng lo việc này. Vì thế mà mình trở thành học sinh khóa 6 Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi). Mình rất tiếc lần đó không được chụp tấm hình nào với Bác (vì Bác bảo phải giữ bí mật!).
Niềm vui được gặp Bác làm đêm đó mình không sao chợp mắt được. Rõ ràng là thực mà cứ như trong mơ! Mấy ngày sau, nhân cuộc mit-tinh của nhân dân Hà Nội đón đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc do Uỷ viên Bô Chính trị, Thủ tướng Nước CHXHCN Tiệp Khắc Giô-dép Lê-na dẫn đầu đang ở thăm nước ta, mình được chú Năm Công cho đi cùng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gài lên ngực áo mình chiếc huy hiệu Bác Hồ mà Người gửi tặng rồi giới thiệu với khách quý mình là một thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra.
Được gặp Bác, được Bác tặng huy hiệu – quả là niềm vinh dự lớn! Chính điều đó đã cổ vũ, động viên mình trong cuộc sống sau này. Những năm 1968-1969, được cùng các bạn khác là thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam tới thăm Bác, mình tự nhận phần kém hơn (vì các bạn được gặp Bác sau mình) nên trong tấm hình chụp với Bác, mình luôn đứng về phía sau. Tấm huy hiệu Bác Hồ tặng được cất giữ cẩn thận, mình coi đó là một vật “gia bảo”. Dù gặp khó khăn thế nào, cứ nghĩ đến lời Bác dạy, nhớ đến kỷ niệm Bác trao, mình lại cố gắng vượt qua và cảm thấy nhẹ tấm lòng”.


… Người thiếu niên dũng sĩ năm xưa, nay là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ điện của xã Bình Thạch, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Anh còn tham gia Hội đồng Nhân dân xã. Dù ở cương vị nào, anh luôn cố gắng để xứng đáng với mong muốn mà Bác đã nhắn gửi năm 1967: “Trước đây cháu đánh giặc giỏi thì sau này xây dựng quê hương, đất nước cũng phải giỏi!”.

Hà Nội, 5/2006

Gửi bởi TranKienQuoc  lúc 9:32 SA


Xem thêm bài liên quan:

1. Dũng sĩ thiếu niên Đoàn Văn Luyện - Kiến Quốc
2. Bác Hồ trong lòng người dũng sĩ thiếu niên - VÕ QUÝ CẦU ghi


Đăng lại bài viết của Nguyễn Tường Vân (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ bảy, 26 tháng năm, 2007)