237 - "Ngoại giao nhân dân" mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Phạm Hoàng Hưng K6, SRTKL2: 936-939
Thứ Năm, tháng 1 31, 2008mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Đã từ lâu, thầy, cô giáo và cựu học sinh hai trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm (1953-57) và Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970), sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có những quan hệ mật thiết. Tháng 5 năm 2004, Ban Liên lạc hai trường cùng tổ chức họp mặt “Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Cùng nhau nhớ về Quế Lâm thân yêu”.
Từ sớm chủ nhật, 16 tháng 5, thầy trò tập trung về Nhà Văn hóa hữu nghị thành phố, không xa Dinh Độc Lập. Chúng tôi gặp mặt đông đủ các thế hệ thầy trò hai trường cùng các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, 50 năm trước. Giáo viên trường ta tới dự có cô Phạm Thị Thục và các thầy Nguyễn Đỗ, thầy Hoàng Văn, thầy Mai Duy Vọng, thầy Phạm Đình Trọng, chị Phan Thị Quyên. Thầy trò lâu ngày mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng, trao nhau bao kỷ niệm xen lẫn niềm vui, nỗi buồn. Cách nay gần bốn, năm chục năm, có một thời, thầy trò hai trường đã từng tá túc ở thành phố Quế Lâm - mảnh đất nghĩa tình thuộc tỉnh Quảng Tây, được nhân dân Trung Quốc yêu thương, đùm bọc. Ngày đó, tuy Bạn còn nhiều khó khăn, nhưng vì Việt Nam mà chúng tôi đã được sống và học tập trong điều kiện tốt nhất.
Ngay tại tiền sảnh, Ban tổ chức đã chuẩn bị một triển lãnh ảnh về quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước, hình ảnh Bác Hồ, Bác Mao và các đồng chí lãnh đạo; cùng hoạt động của thầy trò hai trường về thăm lại Quế Lâm. Trong phần họp mặt giao lưu, chúng tôi tự giới thiệu về trường mình và cùng hát những bài ca truyền thống. Dẫn chương trình do hai anh em Kháng Chiến, Kiến Quốc, cựu học sinh của trường Thiếu nhi Việt Nam và Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, đảm nhiệm.
Đúng 10 giờ 30 phút, nữ đồng chí Cao Đức Khả, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng các cán bộ lãnh sự Trung Quốc tiến vào hội trường trong sự chào đón thân tình. Trên dãy bàn đại biểu, cựu thiếu sinh quân Nguyễn Thiện Nhân ngồi cạnh Tổng lãnh sự cùng thầy Nguyễn Xuân Tảo, thầy Nguyễn Đỗ, chị Phan Thị Quyên, cựu chiến binh Lê Trọng Nghĩa, các vị khách Trung Quốc và đại diện Hội Hữu nghị Việt-Trung.
Cả hội trường dành một phút tưởng nhớ đến các Anh hùng, liệt sĩ và những thầy trò đã mất. Thầy Nguyễn Xuân Tảo, nguyên hiệu phó trường Thiếu nhi Việt Nam, bằng bài diễn văn ngắn gọn đã nói lên chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” của dân tộc ta, gắn liền với sự giúp đỡ của bầu bạn quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc anh em. Đáp lại, Tổng lãnh sự Cao Đức Khả với khả năng diễn đạt thành thạo bằng tiếng Việt, đã nhắc lại lịch sử quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, tình cảm thân thiết giữa Bác Mao và Bác Hồ, cùng những đóng góp của nhân dân Trung Quốc với cách mạng Việt Nam. Tổng lãnh sự nói: “Tôi thật sự cảm động khi được gặp những người bạn Việt Nam, đã từ lâu, từng sống và học tập ở Trung Quốc, vẫn coi Trung Quốc là quê hương thứ hai của mình”. Khi Tổng lãnh sự vừa dừng lời, toàn thể hội trường cùng cất cao lời ca “Việt nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông…”
Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên cục trưởng Cục Quân báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được giới thiệu lên phát biểu. Đã 84 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in kỉ niệm những ngày đi chiến dịch và cùng làm việc với các cố vấn quân sự Trung Quốc. “Các đồng chí cố vấn đã cùng chúng tôi ra mặt trận ngay từ khi chiến dịch mới mở. Anh em cùng nhịn đói, nhịn khát, dãi nắng, dầm mưa. Ngay tại mặt trận, đồng chí Phùng Đại Bảo, một cán bộ trong đoàn, đã anh dũng hy sinh …” Là một phụ huynh học sinh, ông đã nói lên lời cảm ơn thầy, cô trường Nguyễn Văn Trỗi cùng thành phố Quế Lâm, một thời đã nuôi dạy, đùm bọc hai con trai ông.
Trong khi cả hội trường cùng hát liên khúc “Hành quân xa” và “Qua miền Tây Bắc”, hai thầy giáo Nguyễn Xuân Tảo và Nguyễn Đỗ lên tặng huy hiệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ” cho các cán bộ Tổng lãnh sự Trung Quốc, cho cựu chiến binh Lê Trọng Nghĩa và chị Phan Thị Quyên.
Tiếp theo, đại tá, tiến sĩ Nguyễn Phục Quốc, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 175, thay mặt cựu học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi phát biểu: “Thế hệ sau Điện Biên chúng tôi đã kế tục xứng đáng truyền thống cha anh, được trực tiếp tham gia, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Vui hơn, khi anh kết thúc bằng câu chúc tiếng Hoa: “Ching then uả mấn chu nỉ mấn sân thỉ chen khang!”, làm cả hội trường, nhất là các bạn Trung Quốc thú vị, vỗ tay hoan hỷ.
Nghệ sĩ ưu tú Măng Thị Hội, cựu học sinh miền Nam, thay mặt các trường Nguyễn Văn Bé, Võ Thị Sáu, Dân tộc trung ương lên hát tặng bài “Hoa Mộc miên”. Với chất giọng trong sáng được đệm bằng ngón đàn ac-coóc điêu luyện của nghệ sĩ Nguyễn Ái Thịnh, bài hát như vút lên trên không, bay bổng, ngợi ca mối tình hữu nghị Việt-Hoa. Thay mặt cho trường Nguyễn Văn Trỗi, đại tá, bác sĩ Văn Công Phước lên hát bài “Bế Văn Đàn sống mãi!” và “Cuộc sống ơi, Ta mến yêu Người!”. Truyền thống văn nghệ được khởi động, các “diễn viên” liên tục lên “đánh chiếm đài phát thanh”(!). Đặc biệt, Tổng lãnh sự Cao Đức Khả đã lên hát bài “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du. Không khí giao lưu đầy tình thân ái, không phân biệt chủ, khách; phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Tổng lãnh sự Cao Đức Khả cùng anh chị em vừa hát “Kết đoàn” vừa nối nhau thành một vòng lớn đi khắp hội trường.
Nhân ngày lễ lớn của dân tộc, chúng tôi đã cùng nhau làm “ngoại giao nhân dân” như thế đó!
P.H.H
* Giám đốc Trung tâm giám định Hải quan, TCHQ.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>