Họa sĩ Phạm Lực - thầy của chúng ta (hameok6)
Thứ Năm, tháng 1 31, 2008Tôi cũng muốn gởi tới các ae câu chuyện về 1 họa sĩ được copy từ báo Thanh niên. Chắc có nhiều bạn đã đọc rồi, nhưng có lẽ còn 1 số chưa đọc về người họa sĩ quen biết này của chúng ta.
Phạm Lực sinh năm 1943 tại TP Huế, quê cha. Mẹ anh là bà Nguyễn Thị Chương, người Hà Tĩnh, và là chắt ruột của đại thi hào Nguyễn Du. Bà theo chồng vào Huế, nơi ông đang giữ một chức quan của Nam triều. Cách mạng tháng 8.1945 nổ ra, cha của Phạm Lực khuyên vợ đưa 3 đứa con (Phạm Lực lúc đó mới 2 tuổi) trở về Hà Tĩnh sống nhờ bên ngoại, nghe ngóng tình hình thời cuộc xem thế nào... Ai ngờ lần chia ly đó là mãi mãi, đôi vợ chồng kẻ Nam - người Bắc.
Trong khi người cha ở lại Huế "xênh xang áo mão cân đai" thì vợ con ông ở quê ngoại lại phải sống trong tủi nhục oan nghiệt, bị những người xung quanh dè bỉu, xa lánh vì có cha, có chồng làm "Việt gian". Bà mẹ của Phạm Lực một nách 3 đứa con, đã phải nhẫn nhục chịu đựng trăm cay nghìn đắng cố gắng chống chọi với đói khổ và điều tiếng thị phi chỉ để những đứa con của mình tồn tại. Nhẫn nại, hy sinh đến thế nhưng vẫn không giữ được đứa con thứ hai trong đói lạnh, suy kiệt... Riêng Phạm Lực đã cố gắng vượt thoát cái "số phận định mệnh" ấy bằng những nỗ lực kiên cường. Mê vẽ từ lúc còn rất nhỏ, vật gì cũng có thể trở thành bút vẽ: cành cây, cục than, miếng gạch vụn, mẩu sắn mì phơi khô... và vẽ lên bất cứ ở đâu. Hàng xóm xung quanh đã bao phen "mắng vốn" bà mẹ của Lực vì cậu con chuyên vẽ bậy lên tường nhà của họ. May mắn làm sao, sau đó Phạm Lực phát hiện ra nguyên một bãi cát bao la dọc bờ sông La, mặc sức cho cậu tung hoành sức vẽ!
Đam mê lớn nhất của Phạm Lực là được vẽ nhưng cái "phốt" lý lịch hầu như đã đóng sập những cánh cửa dẫn vào trường vẽ. Vậy mà bằng những phấn đấu không mệt mỏi, cuối cùng Phạm Lực cũng đã được vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (niên khóa 1960-1965). Vừa ra trường, Phạm Lực trở thành bộ đội chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), tuyến lửa Vĩnh Linh... rồi các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ... 35 năm trong quân ngũ, tay súng tay cọ - Phạm Lực đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thiếu tá kiêm họa sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đủ biết rằng anh đã chiến đấu, lao động nghệ thuật như thế nào mới tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của thượng cấp (trong thời gian này anh đã đoạt được nhiều giải thưởng về nghệ thuật và văn học của Bộ Quốc phòng). Năm 1977 anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Ai cũng phải công nhận sức vẽ của Phạm Lực thật là... kinh khủng! Một mình anh vẽ bằng 5 người khác. Anh căng toan lên khoảng một chục giá vẽ rồi mới bắt đầu vẽ, đang vẽ mà... bí thì nhảy sang khung toan khác. Cứ thế mà vẽ liên tục, đầy ngẫu hứng mà không hề qua giai đoạn vẽ phác thảo. Cởi áo lính vào năm 1993, Phạm Lực về Hà Nội mở xưởng vẽ. Gọi là "xưởng" cho... oai, thật ra đó chỉ là một căn phòng xập xệ, chật hẹp.
Tuy thế, tranh của Phạm Lực lại có sức hấp dẫn lạ kỳ, nhiều người sành chơi tranh năng lui tới nơi này và giới thiệu với nhiều người khác, kể cả người nước ngoài. Bà Francois Flane (người Pháp) lúc đó là Trưởng đại diện UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc) tại Hà Nội cũng rất hay đến xem Phạm Lực vẽ và mỗi khi ra về bà ấy lại "mua" vài bức tranh mang đi mà không hề... trả tiền. Phạm Lực cũng ngại đòi tiền vì... không biết nói tiếng Pháp ! Sau 3 năm như thế, một hôm bà Francoi đến với một người phiên dịch và nói: "Đi! Tao trả tiền tranh cho mày!". Phạm Lực lúng ta, lúng túng leo lên xe taxi. Đến một căn biệt thự ở làng hoa Nghi Tàm bà ấy nói: "Tao trả nợ bằng... căn nhà này đó !", rồi trao chìa khóa cho Phạm Lực. Ít lâu sau bà ấy lại nói: "Mày có nhà rồi, cho tao... ở nhờ với!". Phạm Lực chỉ còn biết... gãi đầu, cười cười dắt bà ấy đi "đăng ký" !
Nhờ bà vợ người Pháp này mà ở Paris (Pháp) có hẳn một Gallery Tranh Phạm Lực rồi tranh Phạm Lực lan tỏa sang các nước châu Âu. Riêng ở trong nước, lần đầu tiên một họa sĩ Việt Nam đương đại có hẳn một CLB Sưu tập tranh Phạm Lực với khoảng 60 thành viên cực kỳ mê tranh Phạm Lực do ông Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) làm chủ tịch. CLB này sẵn sàng hỗ trợ về tài chính hoặc các yêu cầu khác của họa sĩ chỉ để họa sĩ yên tâm sáng tác và để tranh Phạm Lực được giữ lại ở Việt Nam vì "rất sợ con cháu muốn xem tranh Phạm Lực lại phải ra nước ngoài mới xem được" (lời ông Nguyễn Sĩ Dũng trong buổi họp báo).
Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên)
Được đăng bởi hameok6 tại 18:20
Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Út Trỗi”: Thứ sáu, ngày 28 tháng mười hai năm 2007
5 nhận xét:
Trả lờiXóaHữuThành.Nguyễn nói...
Sao riêng chữ của bài này lại bị tràn khuôn nhỉ? Không đọc được đủ một câu!
22:23 Ngày 28 tháng 12 năm 2007
Nặc danh nói...
Lúc đăng lên ko xem lại, nay aHT nói mới biết. Adm. chỉ bảo giùm cái.
HMK6
22:49 Ngày 28 tháng 12 năm 2007
Út Trỗi nói...
Đã chỉnh sửa.
22:51 Ngày 28 tháng 12 năm 2007
TranKienQuoc nói...
Ngày bà Fran-xoa về nước đã có lời mời thầy cùng đi. Thầy lắc đầu: "Về Pa-ri thì tôi không còn được vẽ. Mà vẽ là cả cuộc đời tôi". Kết cục ra sao, chúng ta đã rõ.
Có nhiều kỉ niệm với thầy... Nào là những lần xuống đê thăm và khề khà thưởng thức trà, ngắm tranh vẽ dở; hay lần trang trí đám cưới cho NSUT DMĐức bằng dăm ba nét phá cách xé giấy, cắt dán. Gần đây là tháng mở "Phòng tranh Phạm Lực" tại TpHCM hè năm 2007 và bức tranh thế kỷ của thầy trò Truờng Trỗi...
Thầy của chúng ta quá tuyệt vời!
04:10 Ngày 29 tháng 12 năm 2007
Nặc danh nói...
Nhớ năm 1995 tôi và Trinh Hồng Hà mở quán ba Cột Cờ , Thầy đến từ khi con đang bề bộn. Vài hôm sau Thầy bảo đến thầy cho ít tranh treo. Chúng tôi phải chở 1 xích lô.Tôi nhớ thầy sang tác riêng cho ba Cột Cờ một bức tranh của Thăng Long xưa rất hợp với cái tên.
KV.K7
14:19 Ngày 29 tháng 12 năm 2007