Phiên chợ Ba Tư (In a Persian market)


Có những bài ca gợi nhớ đến một người…
Có những bản nhạc gợi nhớ đến một thời…

Đối với lính Trỗi thì có lẽ bản " Phiên chợ Ba Tư (In a Persian market)" cũng thuộc loại này.


Xem và nghe nhạc trự̣c tuyến tại YouTube.



Gửi các bác bài viết của tác giả Ngọc Anh tại Báo Điện Tử „Tuần Việt Nam”

"In a Persian market": Phiên chợ Ba Tư cổ tích

Thứ bảy, 24/11/2007, 07:56 GMT+7


Bản nhạc: IN A PERSIAN MARKET (Phiên chợ Ba Tư)
Tác giả: Albert William Ketèlbey *****
Nguồn: obst-music.com


Trong những chương trình giới thiệu về các loại nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng cho các em thiếu nhi, In a Persian market” (Phiên chợ Ba Tư) là một trong số những tác phẩm quen thuộc và luôn gây nhiều hứng thú.

Đây là một tác phẩm của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, nghệ sĩ piano người Anh Albert William Ketèlbey (1875 – 1959).

Thực ra, Ketèlbey không phải là một tên tuổi lớn với tư cách một nhà soạn nhạc cổ điển. Trong lĩnh vực này, ông chỉ đạt được một vài ghi nhận nhỏ về mặt phê bình với số ít tác phẩm hợp xướng và thính phòng.

Ngoài những tác phẩm thời kỳ đầu mang phong cách cổ điển, phần lớn thời gian ông chuyên tâm vào kiểu nhạc nhẹ (Light Music) viết cho piano hoặc dàn nhạc. Tuy vâỵ, ông đã biết cách nâng nghệ thuật chinh phục vô số người nghiệp dư lên một đỉnh cao hiếm thấy.

Thành công lớn nhất của ông là những tác phẩm mang tính miêu tả. Đó là những tác phẩm thể hiện khả năng xuất sắc của Ketèlbey trong việc nắm bắt sắc thái bầu không khí xung quanh.

Các tác phẩm này rất phổ biến với dàn nhạc trên sân khấu và cả trong hình thức những bản nhạc in. Mặc dù thể loại âm nhạc này hiện giờ đã mai một nhưng vào thời đó, nó được đánh giá cao và đem lại danh tiếng lừng lẫy cho tác giả.

In a Persian market, được sáng tác năm 1920, là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Ketèlbey. Theo nhà phê bình Anh Ralph Hill, một người rất sành về âm nhạc Ba Tư, đây là tác phẩm về Ba Tư hay nhất được viết ra bên ngoài vùng đất này với một mối quan tâm lớn đến màu sắc phối khí.

Màu sắc phối khí phong phú là một đặc trưng lớn trong nhiều sáng tác của Ketèlbey. Có họa sĩ vẽ cover cho tác phẩm của ông đã hóm hỉnh mô tả chính nhà soạn nhạc như một phù thủy đang pha chế một hỗn hợp âm điệu trong một cái vạc lớn.

Ketèlbey đã pha màu và vẽ ra loạt 9 bức tranh liên hoàn miêu tả cảnh tượng một phiên chợ Ba Tư cổ xưa trong In a Persian market”:

Cảnh 1: Những người đánh lạc đà đang tới chợ
Cảnh 2: Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí
Cảnh 3: Sự xuất hiện của nàng công chúa xinh đẹp
Cảnh 4: Những người làm trò tung hứng trong chợ
Cảnh 5: Những người làm trò dụ rắn trong chợ
Cảnh 6: Đức Kha-lip (vua Hồi giáo) đi qua chợ
Cảnh 7: Những kẻ hành khất lại lên tiếng cầu xin
Cảnh 8: Những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường
Cảnh 9: Chợ trở nên vắng vẻ, hoang vu


Bức vẽ một nàng công chúa xứ Ba Tư
Nguồn: persianscholarship.org
Lắng nghe bản nhạc “In a Persian market”, chắc chắn bạn không thể không mỉm cười khi nhận ra mình đang lạc vào một thế giới cổ tích diệu kỳ.

Như thể bạn đang có mặt tại phiên chợ cổ xưa và tận mắt chứng kiến những cảnh tượng vô cùng sống động - những cảnh tượng mà có lẽ trước đây bạn đã từng hình dung khi nghe những câu chuyện cuốn hút mê hồn của nàng Scheherazade trong “Ngàn lẻ một đêm”.

Bản nhạc kết thúc cũng là lúc các em nhỏ vừa làm quen với rất nhiều nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu. Có đủ 4 bộ: bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ.

Dù chỉ là một tác phẩm nhạc nhẹ viết cho dàn nhạc, nhưng tác dụng giáo dục âm nhạc của “In a Persian market”không kém gì so với những tác phẩm cổ điển có cùng mục đích như “Hướng dẫn về dàn nhạc cho người trẻ” của Benjamin Britten; “Hội giả trang của các con thú” của Camille Saint-Saëns; “Pechia và chó sói” của Sergei Prokofiev…

Còn các bạn độc giả, mời bạn dạo một vòng nữa qua chợ bằng cách mở lại “In a Persian market” một, hai và nhiều lần nữa. Nhưng nhớ là: đừng mải ngắm nhìn công chúa quá kẻo sẽ va phải chiếc giỏ của người dụ rắn đấy nhé!

  • Ngọc Anh