Ai cũng bảo là em trẻ giai - GIỖ ÔNG, GIỖ BÀ - Duy Đảo



Duy Đảo 

Chào các Bác! Em cũng định bụng là sẽ gửi tiếp cho các Bác phần cuối cuả câu chuyện tuần trước-KỶ NIỆM, nhưng rồi lại thôi. Để vào một dịp khác vậy, “Ra giêng ngày rộng tháng dài” em sẽ Post lên, để tiếp tục “tra tấn” các Bác.
Em biết, và được nghe nhiều chuyện và giai thoại “bí mật” của cánh Trỗi nhà ta. Riêng ở mảng “tâm lý, tình cảm bí mật” này, em đã viết được một chuyện. Chuyện đó em đặt tên là: CHUYỆN CHỊ HẠNH. Em nghĩ, câu chuyện này thế nào rồi em cũng phải “bật mí”, để các Bác truy tìm xem nhân vật ấy là ai, trong các Bác khóa trên của trường ta. Riêng em, em biết chính xác 100% nhân vật ấy, nhưng em thề là sẽ không bao giờ khai, dù có “tù tội, tra tấn” thế nào đi chăng nữa.
Trong vô vàn những chuyện thật, chuyện đùa, chuyện vui … mà em đã kể, hoặc sẽ kể sau này, nếu có. Em mong các Bác đừng nghĩ đó là chuyện của riêng em, hoặc cụ thể một ai đó trong chúng ta. Có thể có Bác nào, tìm thấy đâu đó có cái gì nó giông giống, từa tựa … thì đó cũng chỉ là do em gán ghép linh tinh, lang tang mà vô tình nó “trúng” mà thôi. Em cũng mong các Bác đừng cho những điều em viết ra là “văn”, mà em có ý định chơi ngông, múa rìu qua mắt thợ. Những điều em viết chỉ là những “mảnh vụn” trong cuộc sống mà em lượm lặt được mà kể lể ra. Mục đích của em là kể cho các Bác nghe, góp vui, xẻ chia trên Blog của của cánh Trỗi ta vậy thôi. Cảm ơn các Bác.
Ai cũng bảo là em trẻ “dai”. Chẳng phải một người nói mà các Bác bảo là em ngộ nhận. Em ví dụ cụ thể cho các Bác như thế này, để các Bác tin là em cấm có biết nói dối.
Một lần đi uống bia “vui vẻ”, lúc chia tay bịn rịn thế quái nào, lại sẵn có tiền lương vừa nhận được ở cơ quan lúc chiều trong túi quần, mà em chưa kịp về nộp “kho bạc”. Thế là em bị lẫn.
Lần này em bị lẫn về số lượng, chứ không lẫn về mệnh giá như có lần em đã kể cho các Bác nghe. Thật là ở đời chẳng cái dại nào, giống cái dại nào. Các Bác cứ nghiệm mà xem, các cụ ngày xưa nói cấm có sai.
Em thò tay vào túi quần, mặc dù đã có hơi men nhưng em vẫn cố tỉnh táo để tránh tình trạng “phá giá” mà anh em đã nhiều lần chửi em.
Sau một hồi lần mò trong túi, em lôi ra được hai tờ 50.000 đồng. Em biết thừa hai tờ là vừa đúng 100.000 đồng. Vì buổi chiều em đã để riêng xấp 50.000 đồng ở túi bên Phải, để về nộp vào “kho bạc”. Còn túi bên Trái là số tiền linh tinh, em trích ra để trang trải xăng xe, cà phê cà pháo và các việc lặt vặt trong tháng.
Loại tiền Polime mới này, nó bền, nó đẹp, nó tốt thật nhưng nó cũng có nhiều cái phiền toái.
Em đờ đẫn hết cả người khi nghe tiếng cô tiếp viên thủ thỉ như đổ mật vào tai:
- Sao cưng “bo”cho em nhiều thế, những ba tờ cơ à.
- Thôi bỏ mẹ em rồi! Em giật thót người, như khi còn bé, leo cây bị kiến Vống nó cắn vào chỗ hiểm.
- Thế là em lại bị “kẹp díp” mất rồi!
(Hay thật! Em nghĩ mãi mới ra cái từ này, “kẹp díp”. Quá hay! Em thử hỏi các Bác, nếu không có cái anh Tây mắt xanh, mũi lõ, khai phá văn minh xứ Đông Dương thuộc địa ta, thì làm đếch gì có cái từ “kẹp díp” mà hôm nay em hầu các Bác đây.)
Em chỉ kịp loáng thoáng nghĩ trong đầu như vậy.
Chậc! Nhưng thôi, lao động quần quật như thế, dễ đến bốn tiếng đồng hồ, kể ra là quá sức đối với một người lao động chân tay bình thường, chứ chưa muốn nói là lao động đặc biệt, nặng nhọc, trong môi trường độc hại.
Em thấy cũng xứng, hơn nữa em sợ nhất là vi phạm luật pháp. Thời buổi kinh tế thị trường, mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Công dân lao động có trách nhiệm, có năng suất, có nhiệt tình, thì mức thù lao như thế kể cũng đáng đồng tiền bát gạo, là phù hợp với bộ luật lao động hiện hành, chứ cũng chẳng đắt rẻ gì.
Bù lại, các Bác có biết em sướng nhất điều gì không? Nó là thế này.
Sau khi hôn chùn chụt vào má trái lẫn cả má phải của em, dù đã ngà ngà say nhưng em vẫn nhận ra cái ươn ướt và cái nóng hôi hổi của cặp môi dày tham lam. Đã là cái khoản tình cảm nó phải nhẹ nhàng, phải e ấp, rụt rè. Đằng này cứ như lợn đẻ, nuôi con, ba ngày không được bữa cám. Khiếp thật! Hôn mà cứ như đánh vật, như ăn tươi nuốt sống người ta không bằng. Em cứ hãi mãi.
Giọng cô gái khào khào, nhừa nhựa vì cũng đã quá chén.
Cưng dễ thương quá! Cưng nói thế nào chứ, em ứ có tin là Cưng bằng tuổi Ba em. Em chỉ đoán Cưng ngoài “băm” là cùng.
Lạ thế! giọng miền Tây Nam Bộ của cô gái pha lẫn một vài “thuật từ” mà chỉ có những sĩ phu “Bắc kì” mới có thể nghĩ ra. Em đoán, chắc là mấy Bác HN nhà ta, đi làm ăn xa hoặc sau giải phóng vào định cư ở thành phố phương Nam, hay la cà, lần mò tơí đây nên cô gái bị đồng hóa chăng? Đúng là “gần mực thì Bia, gần …
Như thế là trẻ chứ còn gì nữa có đúng không? Các bác bảo em già với ai cơ chứ. Các Bác đã tin em chưa.
Có một Bác sau khi đọc “Ngày đầu mới về hưu”của em. Bác ấy có an ủi, là em vẫn còn may. Thôi! Em xấu hổ lắm, em mà kể hết ra các bác lại bảo là vạch áo cho nguời xem lưng, người đời độc miệng, người ta lại cười cho.
Kể từ lần đó trở đi, các Bác và các bạn có biết không? Đi đâu, mua bán cái gì, em cũng cẩn thận “miết “ thật kỹ, “miết” từng tờ một.
Lúc đầu em còn nhấp nước bọt để “miết” cho nó tăng ma sát, tăng độ dính. Nhưng rồi em nghe ai nói, hay là em xem trên Tivi, hay do em đọc báo, đọc sách, cũng có thể một lần nào đó em lọ mọ cập nhật trên Internet, em cũng không nhớ nữa.
Lắm lúc em cứ như người ngộ chữ, chẳng biết là mình nghe, mình xem, hay mình đọc ở đâu : “Nhấp nước bọt khi đếm tiền rất dễ bị lây nhiễm SIDA”. Nên em hãi.
Từ đó em cạch, em không bao giờ dám nhấp nước bọt khi đếm tiền.
Có lẽ vì thế bây giờ da ở hai đầu ngón tay – Ngón trỏ và ngón cái của em nó cứ cứng lên, nó dầy ra. Người thì nói là em bị chai tay, người thì lại bảo là tay em bị nấm nó ăn, chẳng biết tin ai. Có người lại tưởng là em giàu, thương em, cứ giục em sang Singapo kiểm tra sớm, nhờ y học hiện đại nó xem, cho chắc ăn.
Em nghiệm thấy em trẻ “dai” được như ngày hôm nay như người đời vẫn khen, cũng có thể là vì một phần nhờ vào cách sống của gia đình và cũng có thể là vì do em thường xuyên giao du với lũ bạn thân, học với nhau từ hồi trường Trỗi, có máu hài hước và tiếu lâm.
Tính em hay ki cóp, thấy cái gì vui, cái gì lạ là hay nhớ dai. Nhiều lúc em cứ nghĩ giá mà đường học hành của em cũng “nhẹ nhàng” cũng nhớ dai, nhớ lâu như những điều em vừa kể trên thì chẳng phải nói. Gì thì gì chứ cái chức phó giáo sư phong vét đợt vừa rồi thế đếch nào cũng có tên em.
Em nói sợ các bác lại nghĩ khác đi, cho là em ba hoa, lên gân, dựa hơi, cậy có “ông anh” cùng trường là P.T.T lại là nhân vật quan trọng trong hội đồng “thẩm định phong tước hiệu” đợt vừa rồi mà nói vống lên, lấy le với thiên hạ.
Hôm nay Em sẽ hầu các Bác một câu chuyện, mà trong bước đường đời “trôi dạt” nay đây, mai đó của em, em lượm lặt và nhớ được.
Em kể lại “copy” đúng như nguyên tác, còn nguyên tác hư thực ra sao thì em không chịu trách nhiệm. Nếu các Bác đồng ý thì em mới dám.
Thây kệ! Các Bác không đồng ý thì em cũng quyết chép nó ra đây vì em đang “mót” kìm không được nữa, còn các bác có “tiêu hoá” được hay không lại là chuyện khác.
Nhưng dù sao các Bác cũng phải cho em một vài lời góp sau khi đọc xong đấy nhé.

GIỖ ÔNG, GIỖ BÀ
Vào đầu những năm 1980, lúc đó em đã ngoi lên được tới cấp Thượng úy, là cán bộ đại đội của một tiểu đoàn tên lửa nằm trong đội hình bảo vệ một hải cảng quan trọng ở vùng biển cực Nam Trung bộ.
Đơn vị của chúng em vừa nhận khí tài, vừa tiến hành huấn luyện chuyển loại do chuyên gia Liên Xô trực tiếp đứng lớp.
Khí tài của chúng em rất nhiều và là thế hệ “mới”. Do đó việc bảo vệ và đảm bảo an toàn cho khí tài là công tác vô cùng quan trọng.
Trong khu vực đóng quân, chúng em chia làm nhiều vọng gác, và thường trực canh phòng 24/24. Cán bộ đại đội chúng em hàng đêm phải thay phiên nhau làm nhiệm vụ đốc gác, có nghĩa là đi kiểm tra các vọng gác xem việc chấp hành kỷ luật có nghiêm không.
Đêm hôm đó tới phiên trực của em. Sau khi đi kiểm tra trở về chòi canh. Nằm miên man không ngủ được, qua ô cửa, ánh trăng đã quá rằm không còn sáng nữa, nó nhờ nhờ, đùng đục cộng với tiếng sóng biển ầm ào, lúc nhỏ, lúc to vọng qua cánh rừng dương càng làm không gian thêm huyền ảo.
Bỗng em nghe thấy tiếng hai người lính, chắc là sau một vòng tuần tra, đang ôm súng, ngồi thì thầm kể chuyện cho nhau nghe ngay sát chòi canh, chỗ em nằm.
Em nhoai người cho gần ô cửa nhìn ra xem ai? Thì hoá ra là Phi và Duân, lính của đại đội em.
Đối với Phi người lính đeo lon binh nhì này thì em không bao giờ quên. Khi em về Hà Nam Ninh tuyển quân, thế quái nào em lại về đúng cái làng của ông Chí PhèoNam Cao chọn làm nhân vật chính, sau này trở lên nổi tiếng trong tác phẩm cùng tên, để tuyển.
Ông xã đội trưởng vui tính có hàm răng hô, xỉn màu nước dưa, sau khi giao quân xong, trước khi tiễn em lên xe còn vỗ vai em thân mật:
- Đồng chí sỹ quan, nhờ đồng chí quan tâm tới cậu Phi hộ em, nó là chỗ bà con, hơn nữa nó còn là cháu họ hàng xa với ông Chí Phèo mà Nam Cao đã viết truyện, thành phần cốt cán, “tốt nắm” nếu hết nghĩa vụ có đợt tuyển sỹ quan, đồng chí ưu tiên thành phần, xét cho em nó đi.
Cho nên em nhớ lắm. Em cũng định bụng nếu có cơ hội nhất định em sẽ giúp người lính này toại nguyện ước mơ.
Còn Duân, cái tên này em nhớ được là do cái lưỡi. Cái lưỡi của em vặn vẹo, đau rát lên mỗi khi điểm danh đơn vị đọc tới tên Duân. Nếu không tin các Bác cứ đóng cửa lại, đuổi hết vợ con ra ngoài, ngồi một mình trong phòng kín rồi đọc thử. “Duân! Binh nhì Lã văn Duân!” mà là phải đọc to, đọc thật to cơ, xem lời em nói có đúng không? Không lại bảo là em hay nói ...
(Đấy may quá! Em kiềm chế được, chứ không em lại nói tục. Em đã hứa với thằng bạn cùng K.6 với em. Nó tên là Sơn – Sơn lé, có lần nó đã tuyên bố “Anh em mình đều U.50 cả rồi, ngồi chuyện trò với nhau, câu cú, từ ngữ cho nó có văn hóa “đ...” được thằng nào nói bậy đâu đấy nhé” )
Chính vì thế mà sau này cứ đến “tiết mục” điểm danh đơn vị hàng tuần là em đùn cho thằng “phó” của em, cho nó chịu trận.
Tiếng của Phi kể cho Duân nghe đều đều, tiếng được, tiếng mất, em phải cố gắng lắng nghe mới rõ:

Tớ có người anh họ, cùng chi với ông Chí Phèo. (Thực ra tên Chí Phèo là do ông Nam Cao ông ấy nghĩ ra chứ tên tục của cụ tớ là Nghẽo cơ) - Phi giải thích cho rõ thêm.
Nhà anh tớ nghèo, lại chỉ có hai mẹ con, hai người chui rúc trong mái nhà tranh, một gian hai chái. Tuy nghèo nhưng tất cả các ngày giỗ kị của gia đình trong năm hai mẹ con lúc nào cũng nhớ và chăm lo tươm tất. Mẹ của anh tớ, bà ấy thường nói “cái tình cái hiếu nó là lẽ ở đời mà ai cũng phải biết giữ, chứ chẳng có ai “giàu ba họ, khó ba đời” mãi”.
Vì nhà nghèo nên đã ngoài 30 mà anh tớ không lấy được vợ - Phi kể tiếp.
Thế rồi do mai mối anh tớ quen được một chị ở làng bên. Chị này hiền lành khỏe mạnh, và đạo đức lắm, nhưng ngặt nỗi bị cái tật nói nhịu, nói ngọng, nên chuyện tình duyên cũng lận đận.
Rồi cái gì đến cũng phải đến. Sau “đám cưới” cô gái về làm dâu. Nhà có mỗi cái chõng tre, bà mẹ “tặng” cho đôi vợ chồng. Gian nhà được ngăn làm đôi bằng một tấm liếp. Phía trong là “giường ngủ” của hai vợ chồng. Phía ngoài bà mẹ mượn tạm mấy tấm ván nhà hàng xóm về kê lại lấy chỗ ngả lưng.
Đêm tân hôn, trời đã khuya lắm, mừng vì con cưới được vợ, cộng với tuổi già khó ngủ bà mẹ cứ thao thức.
Đang trằn trọc bà bỗng nghe thấy tiếng của người con dâu thổn thức vẳng qua khe liếp:
Giỗ Dồn, ....G i..i ...ô .ô ô ỗ Dồn ...
Bà mẹ trộm nghĩ, làng nước người ta đồn cấm có sai, đêm tân hôn là đêm của nhiều việc, là đêm của những việc khác, “nó lớn, nó hệ trọng” ... Thế mà con bé nó vẫn không quên ngày giỗ kị nhà chồng, thật phúc lớn.
Nhưng càng nghe càng cảm phục người con dâu bao nhiêu thì bà mẹ càng tức bấy nhiêu thằng con mình.
Bà đưa đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, huơ huơ trong đêm, bấm từng đốt ngón tay.
Tháng Ba, bà nhớ như in cái tháng ba khủng khiếp năm 1945, nó cứ ám ảnh suốt cuộc đới cay cực của bà.
Bố bà chết thảm khi cố nuốt hết bát cám mà bà đem về sau một ngày cật lực làm thuê cho nhà Lý Được, người duy nhất trong làng còn có hột gạo, hũ mắm.
Rồi “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí” cũng cuối cái năm Ât Dậu ấy, mẹ bà cũng bỏ bà ra đi vào đúng cái ngày nước rươi.
Không biết tại sao mà năm ấy rươi nhiều đến thế, mới tháng Tám mà rươi nổi đầy sông, đầy ngòi. “Tháng Chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là hai ngày rươi nổi nhiều nhất trong năm mà dân gian đã tổng kết. Người làng đồn rằng do nhiều người chết quá nên đang nằm sâu trong lòng đất, đói ăn, nên rươi ngoi lên sớm kiếm cái ăn.
Nghe nói loài nhuyễn thể này, nguyên liệu của một món ăn đặc sản nổi tiếng xứ Bắc sắp tuyệt chủng, vài năm nữa thôi chắc món ngon này chỉ còn trong sách “Đỏ”, trong hoài niệm của đám thực khách sành ăn mà thôi.
Cho nên hai cái ngày đại tang đối với bà, không bao giờ bà có thể quên được.
Bực mình vì cái điệp khúc “giỗ dồn” cứ thốc vào tai, bà không còn chịu được nữa, người già thường hay chịu đựng, và nhẫn nhục, chỉ khi nào quá lắm, quá thể lắm người ta mới có chính kiến của mình.
- Mẹ tiên sư nó, đồ bất hiếu, mới có tí vợ vào mà đã mụ mị hết cả đầu óc, không còn nhớ được ngày giỗ của ông, của bà mình là gì nữa.
Hai ngày giỗ: Giỗ Ông – Tháng Ba, Giỗ Bà – Tháng Tám, cách nhau xa như thế, những năm tháng, thế mà nó nói với vợ thế nào, để vợ nó bảo là “ Giỗ dồn”, thế này thì hoạ to rồi”.
Bà nghĩ thế, chỉ nghĩ trong bụng thế thôi, chứ cả đời, bà có bao giờ biết nặng “nhời” với con, bà vẫn tin ở thằng con trai của mình, mà cố “chịu đựng”.
Nhưng cái gì nó cũng phải có giới hạn của nó, ví như con giun “xéo lắm thì nó cũng phải oằn”. Nghe mãi bực mình, không thể chịu được nữa, Bà mới hắng giọng, nói vọng vào trong.
Giỗ Ông tháng Ba, giỗ Bà tháng Tám. Dồn đâu mà dồn.
Tự nhiên tiếng cô con dâu câm bặt phía đằng sau tấm liếp thưa.
Và cũng từ đó trở di, trong không gian yên lặng của làng quê, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng ếch, nhái kêu uênh oang, tiếng dế gáy rả rích, tiếng hạt sương lộp độp rơi trên mái gianh, nhưng cũng không làm sao át đi được tiếng chõng tre, nó cứ kẽo kẹt, kẽo kẹt ,lúc thưa, lúc dồn dập, mải miết cho tới tận sáng.
Câu chuyện của hai người lính kể cho nhau, mà tôi nghe lỏm được chỉ có thế thôi các Bác ạ.
Tới sau này có mấy bà cùng làng nhưng “thoát ly, buôn dưa lê” mãi trên chợ huyện kể lại rằng:
Có gì đâu. Do cô dâu có tật nói nhịu, trong đêm tân hôn, hai vợ chồng “đùa nghịch”, anh chồng chỉ vào chỗ “ấy” của vợ hỏi: lỗ gì? Và người vợ trả lời. Như thế nào thì các Bác đã biết rồi đấy.
Thưa các Bác! Thế nào khi đọc xong chuyện này cũng có Bác chửi em: Có mấy chữ bọ mà cà, kê, dê, ngỗng “nàm” mất hết cả thời gian vàng bạc của anh em.
Thôi em “phắn” đây, nghe chửi còn đỡ, lỡ có Bác nào nóng tiết, không kiềm chế được, cho em một “trưởng” thì em chết. Nói dại, lỡ em có mệnh hệ gì “vợ trẻ, con dại” để lại em biết tin tưởng vào ai.
Tạm biệt! chúc các Bác và các bạn một ngày nghỉ cuối tuần tốt lành.

TP HCM - 15/01/08


Anh cu Duy Đảo không biết thế nào lại bị mất quyền đăng bài. Vì thế tôi phải đăng hộ. HT