Bài học đầu tiên về môi trường - HMK6
Thứ Năm, tháng 1 31, 2008HMK6
Xin gửi tới các bạn một câu chuyện mà chắc mỗi người trong chúng ta đều đã từng trải qua. Câu chuyện đã từng được viết với” tham vọng” đăng trong cuốn “Sinh ra trong khói lửa” tập 1. Song Ban Biên tâp đã loại bỏ có lẽ sợ “mất vệ sinh” chăng ?
Tôi xin kể lại với các bạn một trong những “nỗi buồn” nho nhỏ của một chú lính mới học lớp 5, lần đầu tiên xa nhà, ra đi từ Hà Nội lên sống giữa rừng Đại Từ.
Ngay ngày đầu tiên “nhập ngũ”, tụi tôi đã được các thầy hướng dẫn cặn kẽ cách ăn ở, đi lại, sinh hoạt và cả cách “trút bầu tâm sự” trong điều kiện “dã chiến” chưa kịp tạo dựng nơi cố định. Ngày hôm sau tôi có “nhu cầu”. Như đã được hướng dẫn, tôi vội vã tìm chiếc xẻng công binh nhỏ gọn xinh xắn và tiến vào rừng phía sau nhà. Loanh quanh một hồi lâu, tôi vẫn không tìm ra nơi nào thuận tiện. Chỗ quang đãng quá thì sợ “mất lịch sự”, chỗ rậm rạp thì sợ rắn rít. Thật là khó nghĩ. Nhưng do “nhu cầu” quá cấp bách, không thể chậm hơn được nữa, tôi nhẩy đại vào một khoảng trống và tiến hành ngay việc đào một cái “hố mèo” như đã học.
Ôi, thật không đơn giản! Một chú nhóc 11 tuổi chỉ mới từng có kinh nghiệm cuốc đất tăng gia trên bãi bồi sông Hồng trong các giờ lao động của trường Tiều học, nay phải đào đất rừng bằng chiếc xẻng công binh lần đầu tiên nhìn thấy trong tình trạng cấp bách không thể nghỉ được!
Cuối cùng, với lòng “quyết tâm sắt đá” tôi cũng đã hoàn thành xong cái “hố mèo” ngay trước khi “sự cố” xảy ra trong quần. Lập tức ngồi xuống “trút bầu tâm sự”. Tưởng rằng mọi chuyện đã bắt đầu êm đẹp. Nhưng không, mấy nhánh cỏ trông mềm mại là thế mà sao lúc này như những mũi kim châm chích loạn xạ không thể chịu nổi. Đã thế, nhìn lên thì thấy sao trống hoác, lỡ có ai tới thì sao. Nhìn xuống thì thấy rậm rạp chứa bao nguy hiểm trong các bụi cây, đám cỏ. Thật là phập phồng và căng thẳng!
Sau khi hoàn tất nỗi niềm, tôi vội vã đứng dậy xúc đất lấp lên. Nhưng kìa, nếu có ai vô đây giẫm phải chỗ này thì sao ? Một chút đắn đo, tôi lập tức bắt tay vào đào một cái hố khác để lấy đất đắp lên nơi đã “hành sự”. Lần này do đã có kinh nghiệm và không bị nhu cầu cấp bách nên tôi đã hoàn thành tốt ý định. Kết quả là một cái mô đất nho nhỏ đã được đắp lên giữa rừng trong sự thỏa mãn và nhẹ nhàng của lòng tôi.
Thế mới biềt “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nếu không “từng trải” thì làm sao hiểu thấu đáo được việc cần thiết phải xây dựng nhà vệ sinh mỗi khi tới nơi đóng quân mới.
Gửi bởi hameok6 lúc 10:15 CH
Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ năm, 20 tháng mười hai, 2007)
(...)
Trả lờiXóaMột lần sau chiến dịch biên giới, Bác tới thăm một đơn vị. Giữa khoảng trống lớn, cả đơn vị tập kết hàng ngũ chỉnh tề đón Bác. Lòng ai cũng xốn xang được đón Bác tới thăm. Sau khi hỏi han tình hình chuẩn bị, Bác hướng tới các chiến sĩ :
- Các chú có vui không ?
Cả đơn vị đồng thanh đáp :
- Vui lắm ạ !
- Các chú được ăn no không ?
- Thưa Bác no lắm ạ.
Bác lại hỏi tiếp :
- Các chú ... có ... ỉa bậy ... không ?
Đến câu hỏi quá bất ngờ này cả hàng quân im ắng. Như đụng phải tim đen, lác đác có cậu kín đáo cấu véo người đứng bên cạnh và rúc rích cười. Rồi có tiếng trả lời dè dặt :
- Thưa ... thưa ... thưa ... có ạ !
Bác lướt nhìn bao dung, nhẹ nhàng nhắc nhủ :
- Các chú nên nhớ rằng đi ỉa cũng phải có chính sách, nghĩa là giữ vệ sinh cho địa phương, làm vừa lòng nhân dân sở tại. Nhớ đào hố tiêu. Có vội đến đâu thì các chú nào cũng luôn luôn có xẻng quân dụng bên người làm cái hố mèo vậy. Đi xong lấp đất kín đáo sạch sẽ. Được vậy thì dân mới quý, mới thương. Các chú ỉa bậy thì ở đâu dân cũng ngại các chú đến lắm !
(...)
Trích từ Vài kỷ niệm về Cụ Hồ - Blog TRẦN ĐỘ TÁC PHẨM