Học làm thợ - Trần Thành Công k6



Trần Thành Công k6

“Đào tạo toàn diện” là chủ trương của Quân đội đối với lớp học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Những ngày đầu mới thành lập, do còn thiếu thốn về vật chất, nên nhà trường chưa có xưởng cơ khí cho học sinh thực tập. Đến khi sang Quế Lâm, nhất là lúc chuyển về Phong Khẩu, trường ta có một xưởng cơ khí nhỏ khá đầy đủ, do chú Tần và chú A phụ trách. Trong xưởng có những bàn cơ khí nguội gắn ê-tô, có máy tiện, máy phay, có cả lò rèn…
Chúng tôi nhớ buổi học đầu tiên, chú Tần giới thiệu về tổ chức xưởng, về các bộ môn và kim loại học, (nhưng chú cứ nói nhịu chữ “xưởng” thành “xiểng”, làm mấy đứa nghe chưa quen cứ cười hoài). Sau đó, chúng tôi được học môn Cơ khí nguội. Chú dạy cẩn thận từ cách cầm búa, đến cách cầm đục, rồi cách đục phôi sắt ra sao cho gọn, cho đẹp. Đến khi thực hành mới thấy “chối”, cầm búa và đục lên cứ lóng nga lóng ngóng, không tài nào đục phẳng được miếng phôi và thường xuyên nện búa “nhầm“ vào tay. Tuy vậy, các chú luôn nhắc chúng tôi : để có một nghề, nhất là nghề nguội, không thể học trong ngày một ngày hai, phải kiên trì “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Sau một thời gian, khi tay búa, tay đục của anh em khá lên, chúng tôi được chuyển sang thực tập dũa kim loại. Dũa mặt phẳng mới khó làm sao, cả buổi sáng hì hà hì hục mà không làm sao dũa phẳng được một miếng sắt chỉ to bằng ngón tay cái. Cứ đưa vật chuẩn vào rà là thấy không phẳng. Thế mới biết làm thợ đâu có dễ!
Các chú dạy chúng tôi cả cắt, gò, hàn. Từ vật định gò, phải triển khai vẽ lên tôn và cắt, sau khi đã tính toán cộng thêm hao hụt. Sau đó gò và ghép mí tôn. Tưởng là môn học dễ, nhưng khi gò xong, ghép lại mới thấy mí tôn không khít, không có cách nào sửa lại được. Những sản phẩm đầu tiên của chúng tôi là xô tôn đựng nước tưới rau. Rồi chúng tôi được học rèn, học từ cách mồi lửa cho bễ, giữ lửa và nung phôi sắt nóng đỏ, quai búa cho phôi theo hình mong muốn… Và chúng tôi đã làm được những chiếc búa đinh đầu tiên.
Còn một môn học mà đứa nào cũng phải qua là sử dụng máy phát điện cỡ nhỏ. Nói vậy chứ đây cũng là môn học khó. Mọi người phải lo cho máy phát từ việc đổ xăng hoặc dầu, việc giật nổ, điều chỉnh khí, điều chỉnh ga, duy trì tốc độ vòng quay của máy, chỉnh tần số máy phát đạt 50 Hz, tính phụ tải và hoà mạng… Giật nổ phải dứt khoát, còn chỉnh ga lại phải rất đều tay… mới học sao mà lóng ngóng thế, giật mãi máy không thèm nổ, lúc chỉnh ga thì máy cứ giật cục.
Sau này, khi về Hưng Hóa, vì không có điện mạng nên đêm nào cũng phải chạy máy phát. Có mấy bạn lười học đêm đã “đánh pan” bằng cách đặt một đồng xu vào đui đèn, rồi nhét bóng vào như cũ. Khi chạy máy, cứ mỗi lần các chú hòa mạng là bị đoản mạch, điện lóe lên rồi phụt tắt. Thế là trực ban cùng cờ đỏ lại phải cùng các chú khoanh vùng, tách từng lớp, từng phòng để tìm ra chỗ bị “pan”. Đúng là “nhất quỷ, nhì ba” và thứ ba là lính Trỗi (!).
Chúng tôi hồi đó cứ nghêu ngao đọc mấy câu vè về các chú phụ trách máy nổ:

Nhấp nháy chú Khay
Tắt ngay chú Tần
Dần dần chú A
La cà thầy Tiến
Liến phiến anh Cư…,

vì mỗi chú có một cách làm khác nhau khi tắt máy, ngắt điện và sau đó toàn trường chìm vào màn đêm. Chả hiểu đến bây giờ các chú có còn nhớ những chuyện ấy?