Thăm 4 trường


Quế Lâm 10/2017


Tại sao lại thăm 4 trường trong khi Trường Trỗi chỉ đóng quân ở 2 vị trí: Trường Y trung (Trường Trung học phổ thông số 1) và khu Nghiêu Sơn? Xin chia sẻ với các bạn thông tin này trước khi đi thăm. Ngoài 2 địa điểm đóng quân cũ của Trường Trỗi thì sẽ đến thăm 2 trường: ĐH Sư phạm Quảng Tây và Trường Y trung ở cơ sở mới. Trường ĐH Sư phạm Quảng Tây là nơi có Nhà Lưu niệm các trường học Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (vừa thành lập cùng với việc lập Học viện Khổng Tử tại ĐH Quốc gia Hà Nội). Cơ sở vật chất và đào tạo của Trường rất thuận lợi để đón tiếp Đoàn và đặc biệt, nơi đây có khoảng 150 LHS Việt Nam đang theo học, lực lượng hỗ trợ rất tốt cho Đoàn và cũng là nơi sẽ nuôi dưỡng, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân 2 nước. Vì cơ sở cũ của Trường Y trung đã chuyển cho Trường Kỹ thuật Dạy nghề QL nên Trường Y trung được chuyển vào trung tâm Thành phố hơn, nhưng diện tích chỉ còn khoảng 1/3 so với trước đây. Nơi đây lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về Trường Trỗi.
Ngay khi đến QL, Đoàn đi tàu hoả đến ngay cơ sở mà khi vừa sang QL Trường Trỗi đã đặt chân 50 năm trước. Không nhận ra địa điểm này nếu không định vị được ngọn núi khu Hiệu bộ. Đến chân núi này, mọi hình ảnh về Trường Y trung thuở nào lại dần hiện về mặc dù nhà cửa ngày đó đã được thay thế bằng những toà nhà cao tầng hiện đại. Chúng tôi xác định được nơi ở của K6 khi mới sang và học nốt học kỳ 2 lớp 6. Nhận ra nơi ở và làm việc của Chính uỷ Bùi Khắc Quỳnh và đứng ngay tại nơi mà trong một buổi tập trung toàn trường khi xảy vụ Bồ Tây – Bồ Ta, bác Chính uỷ rất bức xúc, tức giận nói : “Tôi, nguyên Trưởng ban Quân pháp Sư đoàn 308…”. Rồi nhìn ra phía sau Hiệu bộ là 2 ngọn núi đá cao hơn (nhưng bây giờ cây cối đã phủ gần kín). Dưới chân núi là những dãy nhà B của chúng tôi khi lên lớp 7 và đối diện bên kia đường là dãy nhà của K3. Cuối trục đường đi ra cổng là Nhà ăn, cũng là Hội trường, nơi không ít lần đi xem kinh kịch và Hồng vệ binh xếp hàng đọc trước tác của MCT.










Trường ĐH Sư phạm QT được lấy theo tên cũ, song tên tiếng Anh của Trường lại là Quangxi Normal University. Ở đây đào tạo rất nhiều nghề. Có cháu gái từ Hà Nội sang học cao học về Y học TDTT nghe nói trong đoàn có chú nguyên là Hiệu phó ĐHTDTT Từ Sơn, cứ hỏi thăm và tìm bằng được. Có cháu học ngữ văn, có cháu học kinh tế và cũng có cháu học lịch sử… Nhà trường đã tìm chỗ cho anh em trong đoàn sang ở, cả ở khách sạn và ở trong Ký túc xá mới đủ chỗ. Lãnh đạo Trường rất niềm nở, nhiệt tình đón tiếp đoàn và Giám đốc Nhà Lưu niệm các Trường học VN ở QL luôn có mặt. Trong trường, bảng điện tử ở nhiều chỗ đều đưa lên khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng cựu học sinh Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi đến thăm Trường”.








Đến cổng Trường Y trung (cơ sở mới) thày Hiệu phó và cô Trưởng phòng Đối ngoại của Trường đã đứng đón. Sau màn trình chiếu ngắn gọn giới thiệu về Nhà trường, Đoàn đi thăm các gian trưng bày về học sinh VN các thời kỳ. Tại sao lại còn lưu lại được những tấm ảnh này? Không hề đơn giản và sẽ chia sẻ việc này sau, khi nói về những người bạn của VN. Cơ sở vật chất của Trường rất đầy đủ và khá hiện đại. Trường thuộc tốp đầu về chất lượng đào tạo của QL. Không có nhiều thời gian vì phải sang Học viện bên Nghiêu Sơn ở khá xa và lại có 2 cơ sở.




Đến thăm cơ sở mà trước đây Trường Trỗi đóng quân thì trời mưa, nhưng anh em vẫn hăng hái lùng sục những dấu vết cũ. Ngoài các tấm bia nhỏ ghi Trường mình đã ở đây, ngay cạnh phòng trưng bày, giới thiệu về nhà trường, Đoàn đi tìm các dãy nhà đã từng sinh sống. May quá, vẫn còn mấy dãy của khối cấp 3. Nhớ vị trí bể bơi và tìm thấy, nhưng bên cạnh không còn sân bóng rổ. Mọi người vẫn nhớ một kỷ niệm buồn về một bạn khoá dưới chúng tôi ra chơi bóng, bị hen và cấp cứu không được. Bây giờ nơi ấy đã là nhà ăn sinh viên. Sân bóng đá không còn mà thay vào đấy rất nhiều sân bóng rổ và tennis. Cái giếng lớn để cung cấp nước cho Trường và bể bơi phải đi sâu vào phía trong mới thấy. Háo hức đi tìm cũng vui.




Sang cơ sở mới của Học viện HKVT mới thấy nhà trường được đầu tư rất lớn, và họ cũng không dấu giếm ý định đào tạo cho cả nhu cầu của Đông Nam Á (thày Hiệu trưởng đã giới thiệu như vậy). Họ đào tạo HKVT, nhưng khoảng chục cháu LHS VN ở đây, mỗi cháu mỗi nghề, có cả kinh tế, các ngành dịch vụ hoặc kỹ thuật khác. Trong HVHKVT nhưng lại thấy cả đoàn tàu hoả. Thày Hiệu trưởng cũng sang VN luôn và cũng vui vẻ khoe việc đào tạo tiếp viên hàng không cho Thái Lan và hy vọng sẽ có nhiều LHS VN hơn.










Trong các nhà trường ở đây đang thực hiện rất nghiêm quy định về chi tiêu công, nên không tặng quà, có chăng là mời Đoàn trải nghiệm bữa ăn sinh viên. Trường ĐHSPQT và HVHKVT đều như vậy nếu đến bữa. Nhưng muốn dùng rượu thì không có cách gì khác là xách tay.


FB Tạ Chính