TRÀ DƯ TỬU HẬU 9/a






Chuyện 9: XÃ HỘI & TỰ NHIÊN

Từ bữa ông A phản bác ba quy luật tự nhiên của Mác, tôi lại càng nể phục ông về tài hiểu biết. Thật là lạ lùng, những điều ông nói ra mới quá, tôi chưa từng nghe đến bao giờ. Có đúng không? Tôi không giám quyết định! Nhưng tôi nghĩ rất nhiều. Biết đâu đấy! Nếu ông A nói đúng, thì chắc chắn sẽ là người đầu tiên khơi mào ra cuộc cách mạng về nhận thức thế giới khách quan của loài người, và triết học Mác-lênin có nguy cơ phải rút lui khỏi vũ đài chính trị. Không biết ông B, ông C có nghĩ như tôi không nhỉ? Hoang mang quá!
Chiều nay, cúng cô hồn tháng bảy, vợ tôi mua đồ cúng và hai con vịt quay, cho tôi một con để nhậu
-Gìà hết rồi, mấy lão có ăn được đâu mà cho nhiều thế? Chỉ cần mấy cái đầu cổ cánh là tốt rồi! -Tôi nói.
-Thôi, có là bao...Ăn nhậu ở nhà người ta cả năm...Ông A kể cũng tốt!...Mang sang hết đi! -Vợ tôi ngún ngoảy.
Thế là tôi khệ nệ bưng sang nhà ông A một dĩa "tổ bố", đầy ú ụ thịt vịt quay đã chặt.
Vừa đến cổng nhà ông A, ông A đã oang oang:
-Gì vậy mày, Thu?
-Hôm nay nhà em cúng cô hồn, có ít vịt quay, mang sang nhậu chơi! -Tôi trả lời.
Ông A nhăn mặt:
-Trời ơi, chỉ cần "xí quách" là được rồi, để nhà cho vợ con mày nó ăn. Lấy chi mà nhiều dữ vậy?
-Lâu mới có dịp mà bác!...Chẳng có gì đâu! -Tôi cười.
Ai nói "Thảo nhất là dân nhậu!", đúng thật!
Bàn nhậu  bày xong thì ông B và ông C cũng vừa đến. Thấy bàn nhậu hôm nay có vẻ "phè phỡn", ông B vừa ngồi vừa nói;
-Hôm nay anh A có gì vui mà đãi đằng thế? Định cho chúng tôi mập thêm vài ký nữa à?
Ông A dãy nảy:
-Đâu có đâu! Thịt vịt của thằng Thu mang sang đấy.
-Mang sang để thưởng cho bác A về vụ phá vỡ ba quy luật thành công. -Tôi nói cho vui.
Ông C nói theo vẻ bất bình:
-Đã chắc đúng đâu mà thành công với chả thất bại? Đừng xiêu lòng nhanh thế chứ Thu!

Biết đụng tự ái ông C rồi nên tôi im thin thít. Còn ông B lại nói:
-Đến bây giờ tôi mới biết các nhà theo triết thuyết Mác-lênin, miệng nói phải biện chứng, nhưng thực ra họ là những nhà bảo thủ nhất thế giới. Những điều anh A nói, tôi cũng thừa nhận không thể tin ngay được, nhưng suy nghĩ kỹ thấy nó cũng...hay. Trong khoa học thường thì các quy luật, định luật ngoài phát biểu định tính, phải có các biểu thức toán học, như là những phát biểu định lượng đi kèm với chúng mới đáng tin. Ba quy luật của Mác có thể là chung quá, nên cũng mông lung quá, khó lòng mà tin tưởng tuyệt đối được. Câu hỏi lớn ở đây là có thể lập được cách phát biểu định lượng cho ba quy luật đó không?
-Theo em, có lẽ không! Trong khoa học, hình như chưa có biểu thức định lượng nào chỉ thị đến ba quy luật đó. Điều đó nói lên rằng chúng có khả năng đã sai! -Tôi được thể, nêu luôn định kiến của mình.
Ông A loay hoay mãi vói cái chân vịt, bây giờ mới động thủ, quên, động mồm:
-Uống vui đi anh em! Rượu thịt còn ê hề này...
-Bác C chưa biết à? Những điều bác A nói đều dựa theo quan niệm của triết học duy tồn đấy. Nó...- Tôi quay sang chưa kịp nói hết với ông C.
-Tôi đã tìm khắp. Sao trên mạng không thấy nói về triết học duy tồn ở đâu cả nhỉ? -Ông C hỏi ngang.
-Lần đầu tiên tôi nghe. Chắc là con đẻ của anh A. Anh A bịa ra nó chứ gì? -Ông B bắt đầu ngạc nhiên.
-Không phải! Trời Đất mách bảo! -Ông A nói chắc nịch.
Tôi tròn mắt kinh ngạc:
-Không thể như thế được!
-Tôi tin rằng triết học duy tồn nếu không phải là chân lý thì cũng gần chân lý hơn triết học Mác. Mà một triết học như thế thì tôi làm sao có tài năng để sáng tạo ra nó được? -Ông A nói tiếp, tỉnh queo.
-Sáng tạo hay không sáng tạo, có thể là do mách bảo của Trời Đất, nhưng vì anh là người đầu tiên sở hữu nó, thì coi như anh vẫn là người sáng tạo ra nó. Không đúng sao? -Ông B lớn tiếng như kết luận.
Ông A ngửng cổ cười "ha, ha":
-Nếu thế, thật tự hào quá! Vô cùng biết ơn Tạo Hóa! Ha, ha, ...ha!
Ông C tỏ vẻ bực mình, bĩu môi:
-Phởn chí quá đấy! Một anh quèn, vô danh tiểu tốt mà đòi hơn Mác, tôi không tin! Hệ thống quan niệm về thế giới mà Mác đã nêu ra hơn một thế kỷ nay hầu như vẫn chưa có hệ thống nào thay thế được. Tự nhiên có một thằng cha căng chú kiết nào đẻ ra một hệ thống đòi thay thế nó. Tiếu lâm không chịu được! Không bằng sợi lông chân của ông Duyrinh mà đòi...
Ông A rít thuốc, phà hơi liên tục, mặt không lộ vẻ cảm xúc gì:
-Anh C nói đúng! làm gì có học thuyết triết học duy tồn, vì theo tôi biết, nó đang ở dạng manh nha. Nhưng tôi tin học thuyết triết học ấy sẽ xuất hiện một ngày không xa. Có điều, không có những quan niệm về thế giới của triết học Mác, sẽ không có triết học duy tồn. Tôi cho rằng những quan niệm về thế giới mà triết học Mác nêu ra có thể đã đầy đủ, nhưng chưa đích đáng, cần phải phê phán. Chính vì trên cơ sở phê phán sự đúng-sai những quan niệm của triết học Mác mà triết học duy tồn hình thành. Chúng ta sắp xuống lỗ cả rồi, sẽ không thấy được sự thật ấy đâu! Ở đây chỉ nói tào lao cho vui thôi! Sao anh C có vẻ hơi mạt sát nhau thế?
Có lẽ sợ to chuyện, ông B mới lên tiếng:
-Vấn đề triết học không thể nói là tào lao được. Anh A nói sai rồi! Tranh luận triết học bao giờ cũng hấp dẫn tôi. Thôi nào, sẵn laptop của anh C đây, dựa vào những quan niệm của Mác, anh A thử trình bày quan niệm của anh về thế giới xem sao.
-Xin lỗi, vì tôi thấy anh A chủ quan quá, nói có vẻ xấc xược về Mác. Nên nhớ, Mác là con người vĩ đại! Thôi, anh A nói đi! -Ông C đã có vẻ dịu lại.
-Nói cái gì? -Ông A hỏi
-Trước tiên, hãy nói về xã hội và tự nhiên. Tôn kính thì đúng rồi. Nhưng tôn kính đến mất tự chủ thì lại lạc sang tệ sùng bái cá nhân đấy, anh C ạ! -Ông B nói.
Ông C làm như không nghe, vội bấm laptop, rồi nói:
-Đây, triết học Mác nói đại loại thế này: Tự nhiên, theo nghĩa rộng là toàn bộ thế giới vật chất vô cùng, vô tận. Quá trình phát triển của tự nhiên đã sản sinh ra sự sống và theo quy luật tiến hóa, trong những điều kiện nhất định, con ngưới đã xuất hiện từ động vật. Lao động và ngôn ngữ là hai sức kích thích chủ yếu của sự chuyển biến bộ não của loài vật thành bộ não của con người, tâm lý động vật thành ý thức. Sự hình thành con người gắn liền với sự hình thành các quan hệ giữa người với người, quá trình chuyển biến từ động vật thành người cũng là quá trình chuyển biến từ cộng đồng mang tính bầy đàn, hành đông theo bản năng thành một cộng đồng mới khác hẳn về chất, ta gọi là xã hội. Có thể nói, xã hội là hình thái vận động cao nhất của vật chất. Hình thái vận động này lấy con người và sự tác động lẫn nhau giữa người với người làm nền tảng. Vậy, xã hội là một bộ phận đặc thù của tự nhiên.
Đó là quan niệm tóm tắt của triết học duy vật biện chứng về tự nhiên & xã hội. Còn theo ý anh thì sao, anh A?
Ông A đang gặm dở cục xương, nghe hỏi, vội để cục xương xuống bàn, lấy giấy lau miệng:
-Vịt quay Thu mua ở đâu mà dai nhách à! -Vừa nói, ông A vừa rút điếu thuốc trong bao thuốc để trên bàn để mồi, rồi nói tiếp. -Tôi cũng theo quan niệm ấy, nhưng chỉ thêm đôi điều mà không phá đi những ý chính. Thứ nhất, nếu thế giới tự nhiên của Mác là thế giới chỉ bao gồm vật chất, thì theo tôi, để cho đầy đủ, phải nói là bao gồm vật chất, vận động vật chất và những phản ánh vận động của vật chất, mà tôi đã gọi chung qui lại là Tự Nhiên Tồn Tại (TNTT). Phải nói không gian vừa là vật chất nền tảng cội rễ của các loại vật chất, các thực thể vật chất, vừa là môi trường dung dưỡng toàn bộ vật chất của TNTT. Nó cực kỳ to lớn nhưng không phải là vô tận. Không thể tưởng tượng được mội khối thể tích vĩ đại lại được hợp thành từ những cái nhỏ vô tận (một tỷ tỷ số 0 cộng lại cũng bằng 0!) nên phải thừa nhận không gian được hợp thành từ những đơn vị nhỏ tuyệt đối, nghĩa là không còn gì nhỏ hơn được nữa. Với quan niệm như thế thì linh hồn, ma, vong cũng có thể tồn tại, là phản ánh hình thái vận động vật chất nào đó mà khoa học chưa khám phá ra. Thứ hai, thời gian là một phản ánh của vận động, không có vận động thì không có thời gian. Thứ ba, xã hội cũng là TNTT, là bộ phận đặc thù của TNTT. Do đó, xã hội cũng phải hoạt động tuân theo duy nhất nguyên lý Tự Nhiên, hay tuân theo những nguyên lý, quy luật suy ra từ nguyên lý Tự Nhiên. Vì hoạt động xã hội cũng được thấy như hoạt động có ý thức chủ quan của con người nên những nguyên lý, quy luật tự nhiên khách quan mà nó phải tuân theo cũng bị lũng đoạn bởi tính chủ quan của con người và tôi gọi đó là những quy luật xã hội. Cần nhấn mạnh rằng, ý chí chủ quan của con người có thể lũng đoạn có mức độ đến hoạt động xã hội, nhưng không thể xóa nhòa được xu thế tất yếu của nó. Ví dụ, một xã hội muốn tồn tại thì phải có nhà nước. Cho nên nhiệm vụ đầu tiên, đương nhiên của nhà nước là giúp cho quần chúng hợp thành xã hội đó sống còn an ổn, hơn nữa phải "dân giàu, nước mạnh" để chống thiên tai địch họa. Vậy "của dân, do dân và vì dân" là bản chất tự nhiên của nhà nước khi chưa bị ý chí chủ quan của con người lũng đoạn và cũng chính là bản chất nhà nước cuối cùng mà vận động xã hội đạt tới dù nhanh hay chậm. Vậy, sự xuất hiện nhà nước "của dân, do dân và vì dân" là do xã hội đòi hỏi chứ không do bất cứ nguyên nhân nào khác...
Bàn nhậu im phăng phắc. Ông C ngồi ngoẹo đầu trên ghế, há mồm ngủ ngon lành. Chỉ còn tôi và ông B ngồi chăm chú nghe. Phải nói Ông A nói hay thật! Những điều ông A nói thật sự lay động lòng tôi. Không hiểu có đúng không nhỉ?Tôi định rót rượu nhưng đã hết tự lúc nào, chỉ còn chai không. Ông B hình như vẫn muốn nghe tiếp, ngó nhìn đồng hồ trên tường. Thấy vậy, ông A cười nói:
-Thôi, để dành khi khác, cũng khuya rồi! Vả lại, nói mà ông C không nghe thì ...hơi uổng!