TRÀ DƯ TỬU HẬU 8/a






Chuyện 8: 3 hay 1?
Cách đây hơn 10 năm, ông A quen T, cô gái sống bằng "nghề ngồi bàn" kiếm tiền "bo" của khách nhậu ở quán X. Ngày xưa chắc T xinh lắm, vì hiện nay, dù đã hơn 40 t rồi mà vóc dáng vẫn tròn trịa, săn chắc, khuôn mặt vẫn đầy nét xuân xanh. Từ ngày về hưu, hết mục đích cuộc đời, ông A chỉ còn gầy nhậu ở nhà, hay rủ T đến nói chuyện "Nam Tào, Bắc Đẩu", chuyện "thanh thanh, tục tục" cho vui. Thế mà vợ ông A chả hứ hé gì, thật lạ! Có lần ông A nói như phân bua với bạn nhậu: "Tính cũng nhu mỳ, Nhan Sắc có, mà chưa chồng con gì, chắc ở vậy quá! Kiếm tiền hơn ăn xin một chút...Kể cũng tội, đáng thương thật...Coi như em gái vậy mà!" Chắc T cũng mến ông A thực lòng, vì ai hỏi: "Là gì của ông A?", đều nói: "Là em...kết nghĩa!". 
Hôm nay T đến, dù hơi muộn, cuộc nhậu có lẽ đã đi được nửa đường. Nghe rục rịch, tiếng chó sực ngoài cổng, ông A phán:
-Chắc T nó đến đấy! - Rồi quay sang tôi - Mày ra mở cổng cho nó vào cái!
Đúng là cô nàng thật! Vừa mở cổng, đã nghe T nói:
-Quán ế khách, ngồi buồn quá! Về đây nhậu với mấy anh cho vui.
Có thể nêu thành qui luật: bất cứ cuộc "rượu" đang ỉu xìu nào, đội nhiên có sự xuất hiện của "sắc", thì cũng "bừng tỉnh", ồn ã trở lại. trong khi T sửa soạn chỗ ngồi thì ông A đi lấy chén đũa mới, ông B rót rượu, còn tôi thì lấy đũa tém lại các đĩa "mồi" cho tươm tất lại, dễ coi một chút.
Sau khi T đã làm đúng thủ tục "vào ba ra bảy" của giới nhậu, thì ông A lên tiếng:
-Đang buồn... Cái T đến đúng lúc quá!...Đúng là ông Trời có mắt!...
-Sống đến ngần này tuổi rồi mà thú thực tôi vẫn chưa biết có định mệnh không nữa? -Ông B nói.
-Theo duy vật là không có! -Ông C trả lời.
-Sao tôi cứ ngờ ngợ. Nếu tổng kết các sự kiện xảy ra trong đời thì thấy có vẻ như đều chỉ thị đến sự sắp bày huyền linh nào đó. -Ông B lại lên tiếng.
T cũng bắt đầu tham gia câu chuyện:
-Định mệnh là có thật đấy các anh ạ! Mẹ em bảo...
Tôi cắt ngang:
-Chả biết thế nào!...Lúc thì như có, lúc lại như không, không thể trả lời dứt khoát được. Có ai trả lời dứt khoát được không?
Ông C vừa tháo kính ra lau, vừa nói:
-Tôi tin theo cách giải thích duy vật. Tôi không tin có định mệnh. Đời người phải diễn tiến theo ba quy luật tự nhiên của Mác, không thể khác được!
Ông A nãy giờ ngồi rít thuốc, nhả khói mịt mùng, nét mặt tỏ vẻ đăm chiêu, lúc này mới từ từ nói:
-Nếu coi định mệnh như một chương trình vạch sẵn, không còn điều chỉnh, sửa đổi được của mỗi đời người thì không có định mệnh, nhưng nếu coi định mệnh như là một chương trình tuân theo luật nhân quả, có thể điều chỉnh, thay đổi được một cách ngẫu nhiên hoặc bằng ý chí thì là có. Tin cực đoan theo duy vật biện chứng cũng chưa chắc đúng, vì bản thân nó quan niệm nhiều cái còn chưa sáng tỏ.
Ông C dãy nảy như bị chọc tiết:
-Không đúng là thế nào? Triết học Mác-Lê đã dược thừa nhận là có tính khoa học cao độ, là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là...
Ông C định..."thuyết trình" , nhưng ông A đã chặn ngang:
-Là vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Ví dụ điển hình: khoa học vật lý thời Niutơn tưởng đã là chân lý tuyệt đối, nhưng đến nay, có thể cho rằng nó đã sai, và sự nhìn nhận thế giới theo thuyết tương đối (hẹp lẫn rộng) của Anhxtanh mà loài người đang ngưỡng mộ có giấu hiệu cũng sai nốt, chỉ gần đúng thôi.
-Nói thế, anh cho rằng ba quy luật cơ bản về tự nhiên của chủ nghĩa Mác là sai à? -Ông C hỏi lại ông A.
Đến lượt ông B lên tiếng, chĩa vào ông A:
-Đừng phán lung tung! Trên thế giới, các nhà triết học uyên bác còn chưa giám xác định đúng-sai, ngồi đây mà dóc tướng...
-Biết đâu đấy!...Sở dĩ nhận thức của loài người tiến lên được là nhờ sự hoài nghi. Phải chăng Mác chưa phải là người cuối cùng thấy được chân lý? -Ông A cười.
-Triết học duy vật biện chứng lập luận phải nói là rất lôgic. Vì thế mà tôi tin là nó đúng. Còn anh A không tin, vẫn hoài nghi, thì phải đặt ra những câu hỏi phản bác đi! -Ông C đã hơi gay gắt.
T hình như chẳng quan tâm đến câu chuyện. Vào sau, có lẽ đói bụng, cô nàng ngồi ăn "mồi" tỳ tỳ. Ông A rót rượu cho cả bàn xong, uống cạn ly của mình, "khà" một tiếng rồi mới chậm rãi nói:
-Ừ thì đúng là lôgic. Nhưng biết đâu chừng nó sai, hoặc chưa triệt để ngay từ lúc đặt vấn đề  thì sao? Đây này, triết học Mác cũng thừa nhận sự tốn tại của thế giới khách quan và cho rằng, bản chất của thế giới là vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất. Quan niệm như vậy đã đúng, đã triệt để chưa? Và tồn tại là gì, vật chất là gì? Thật khó! Không dễ dàng gì trả lời? Nếu trả lời xác đáng được các câu hỏi này, có lẽ phải xem xét lại ba quy luật về tự nhiên của triết học Mác. Các nhà theo triết học duy vật biện chứng chúa bao biện. Để "chạy làng" những bế tắc mà người đời dồn ép, các vị lại đổ thừa cho thiên hạ là không biện chứng, chỉ các vị mới biết biện chứng thôi...
-Nội dung ba quy luật đó là như thế nào nhỉ? -Ông C vừa hỏi vừa dò trong laptop.
-Cái T phá mồi quá xá! -Tôi nói ghẹo, làm dịu cuộc nói chuyện đã có phần khô cứng.
T che miệng cười "hi hi":
-Thì không làm được "chiết ra", nên đành phải "chiết vô" thôi!
Bỗng ông C reo lên làm cho tôi hơi giật mình:
-Đây rồi! Wikipedia nói thế này:
   "Ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin là các quy luật cơ bản trong phương pháp luận của triết học Mác - Lênin và được áp dụng để giải thích về sự phát triển của sư vật, hiện tượng, ba quy luật này hợp thành nguyên lý về sự phát triển. Ba quy luật cơ bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phép duy vật biện chứng của triết học Mác-Lênin, nó là một trong những nền tảng, cơ bản cấu thành phép biện chứng duy vật cũng nhưng một trong những nội dung quan trọng của toàn bộ triết học Mác-Lenin.

Nội dung

Chủ nghĩa duy vật biện chứng bao gồm hai nguyên lý cơ bản là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến thể hiện qua sáu cặp phạm trù được sử dụng là Cái chung và cái riêng, Bản chất và hiện tượng, Nội dung và hình thức, Tất nhiên và ngẫu nhiên, Nguyên nhân và kết quả, Khả năng và hiện thực.
Nguyên lý về sự phát triển bao gồm: Quy luật mâu thuẫn, quy luật lượng - chất và quy luật phủ định. Trong đó:
Ba quy luật cơ bản này còn có ý nghĩa trong nhận thức và hành động. Những kết luận về mặt phương pháp luận của nó luôn được coi là "kim chỉ nam" cho hoạt động cách mạng của những người cộng sản.
 (...)

Ý nghĩa

Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật chỉ ra hình thức chung nhất của sự vận động, phát triển của thế giới vật chất và nhận thức của con người về thế giới đó, đồng thời các quy luật này cũng tạo cơ sở cho phương pháp chung nhất của tư duy biện chứng.
Trong phép biện chứng duy vật, nếu quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập chỉ ra nguyên nhân và động lực bên trong của sự vận động, quy luật chuyển hoá từ những biến đổi về lượng dẫn đến những biến đổi về chất và ngược lại chỉ ra cách thức và tính chất của sự phát triển thì quy luật phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướng, hình thức và kết quả của sự phát triển đó.
Các quy luật này định hướng cho việc nghiên cứu của những quy luật đặc thù và đến lượt mình, những quy luật cơ bản về sự phát triển của thế giới, của nhận thức và những hình thức cụ thể của chúng chỉ có tác dụng trên cơ sở và trong sự gắn bó với những quy luật đặc thù.
Theo triết học Mác-Lênin thì mối quan hệ qua lại giữa các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật với các quy luật đặc thù của các khoa học chuyên ngành tạo nên cơ sở khách quan của mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng với các khoa học chuyên ngành..."
Đọc xong, ông B với bộ mặt chưa thỏa mãn, nói:
-Tìm khắp vẫn không thấy định nghĩa rõ ràng về khái niệm "tồn tại". Trong ba quy luật thì quy luật thứ ba, quy luật phủ định, có vẻ dễ hiểu nhất, còn hai quy luật kia có vẻ khó hiểu quá xá!..
-Nếu sự vật phát triển không tuân theo ba quy luật đó, -Ông A nói xen - thì đương nhiên ba quy luật đó sai và phải xem xét lại triết học Mác. Đúng không nào? Đối với khái niệm "vật chất", thì theo Lênin: " vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác", và Theo Ăng-ghen thì: Cần phân biệt các dạng tồn tại khách quan của vật chất và khái niệm về vật chất. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học không có tồn tại cảm tính. Khác với các đối tượng vật chất cụ thể, "Những từ như vật chất và vận động chỉ là sự tóm tắt trong đó chúng ta tập hợp theo những thuộc tính của chúng, rất nhiều sự vật khác nhau có thể cảm biết được bằng giác quan" . Engels nhấn mạnh rằng cần phân biệt các dạng tồn tại khách quan của vật chất và khái niệm về vật chất. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học không có tồn tại cảm tính, trong đó Ph.Ăng-ghen đặc biệt nhấn mạnh phê phán quan điểm đem quy vật chất về nguyên tử, về những hạt nhỏ đồng nhất hoàn toàn giống nhau về chất, chỉ khác nhau về lượng, ông coi đó là siêu hình, mang tính cơ giới, qua đó ông nêu lên tính vô hạn và vô tận, tính không thể sáng tạo và không thể tiêu diệt được của vật chất và các hình thức tồn tại của nó là không gian và thời gian. Như vậy, theo tôi, quan niệm của Mác về vật chất chưa thỏa đáng! Quan niệm như thế dễ lầm tưởng rằng năng lượng toàn phần của một vật cũng là vật chất, thời gian và không gian cũng là vật chất. Nhưng theo quan niệm của triết học duy tồn thì chỉ có không gian là vật chất "đích thực" mà thôi, còn hai thứ kia là phản ánh vận động của vật chất. Phải chăng, vật chất chính là tồn tại được nhìn thấy "ngoài" thời gian? Còn khái niệm "tồn tại", theo tôi hiểu, có ngoại diên rộng lớn hơn vật chất và là sự "hiện diện" của vật chất cũng như sự phản ánh vận động của vật chất, dù con người có cảm giác được hay không. Vậy thì câu hỏi đầu tiên của triết học là "Tốn tại hay không tồn tại?" chứ không phải "vật chất và ý thức, cái nào có trước?", vì hiển nhiên ý thức, là một dạng phản ánh của vật chất, phải có sau. Có lẽ cả Duyring và Ăngghen đều đúng "một nửa" khi Duyrinh cho rằng thế giới thống nhất vì nó tồn tại, còn Ăngghen thì nói: "Tính thống nhất của thế giới không phải ở sự tồn tại của nó, mặc dù tồn tại là tiền đề của sự thống nhất của nó, vì khi thế giới có thể là một thể thống nhất thì trước hết thế giới phải tồn tại đã". Rốt cuộc, phải cho rằng tồn tại vốn dĩ vừa thống nhất vừa không thống nhất. Một đặc tính cơ bản của tồn tại là "cố gắng tồn tại". Thế giới tồn tại là tuyệt đối, vừa thống nhất, vừa không thống nhất. Tồn tại không ở dạng này thì ở dạng khác, chứ không thể có cái không tồn tại tuyệt đối (Hư Vô)! Nếu xét ở phương diện thực thể, thì mọi thực thể đều cố gắng tồn tại, đều "đấu tranh", đều "thỏa thuận" để tồn tại. Chính vì thế, Vũ Trụ hay thế giới phải tuân theo duy nhất một nguyên lý về tồn tại mà triết học duy tồn đã gọi là "Nguyên lý Tự Nhiên" - nguyên lý đầu tiên và duy nhất,có nội dung ngắn gọn là "vật chất phải vận động nhằm đảm bảo tồn tại", và có vai trò là nguồn gốc xuất phát  của mọi nguyên lý, quy luật của vận động!...
Ông A nói một lèo thật là "điếc con ráy". Nếu ông C không chặn ngang thì có lẽ ông A còn nói nữa:
-Thôi, mệt đầu quá! Mình nói sang chuyện khác cho vui chút rồi về ngủ. Có gì mai nói tiếp. T, em có đồng ý thế không?
Khỏi phải nói, T gật đầu lia lịa:
-Hoan hô anh C! Anh A nói toàn chuyện trên Trời, chẳng vui tý nào!
Ông B gật gù:
-Cũng hay, cũng hấp dẫn! Biết đâu chừng anh A nói đúng. Nhưng thôi, để mai tiếp đi anh A. Có cái T ở đây, nói chuyện triết học, e không hợp. 
(còn nữa)