18 vị La hán chùa Tây Phương - hameok6



hameok6 

Nguồn gốc 18 vị La hán thì thật là phức tạp. Có truyền thuyết nói rằng các vị vốn là tướng cướp cải tà quy chính làm “lực lượng vũ trang” cho nhà Phật. Lại có thuyết cho rằng đó chính là các vị Tổ nối giõi nhau thay mặt cho Phất tổ ở thế gian (có năm sinh năm mất đàng hoàng?). Có người coi La hán chỉ là loại “công chức quèn” trong thế giới cực lạc, lại có người nói La hán là hiện thân cao siêu của Phật .... Nhưng nói chung La hán được hiểu là người đã đạt cấp "vô học" (không cần phải học gì nữa, vì cái gì trên đời cũng biết) của Thánh đạo và được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.

Mỗi nơi một cách, song nếu ta đến chùa Tây phương thì sẽ thấy 18 bức tượng La hán thể hiện tất cả tính cách (tốt) mà mỗi người chúng ta đều có thể có. Các vị đều là người gốc Ấn Độ (xem hình bên trái tương ứng), song ở chùa Tây Phương tượng các vị đã được các nghệ nhân Việt Nam sáng tạo mang phong cách riêng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

1. Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa)
 Thể hiện một người tuổi cao, ăn mặc nghiêm chỉnh, ánh mắt tinh tường,
2. A Nan Đà (Aananda)
Thể hiện một người có hình dáng và nội tâm đều sáng láng


3. Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa)
Tượng tạo nên một ông già khắc khổ, sống bằng nội tâm
4. Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta)
Đây là một người độ lượng, ham học hỏi, ham giúp đời.

5. Đề Đa Ca (Dhritaka)
Tất cả như gợi lại điềm lành khi sinh, nhưng khuôn mặt đăm chiêu như có sự vướng mắc chờ đợi người xứng đáng nối nghiệp, do đó gợi khoảng không mênh mông tuyệt đối.
6. Di Giá Ca (Michakha)
Tượng đang trong sự ngỡ ngàng tìm hiểu điều gì đó, có dáng vẻ bình tĩnh song nội tâm lại động rộn.


7. Bà Tu Mật (Vasumatra)
Tượng bộc lộ rõ tính cách lịch thiệp, trang trọng, ngoại hình gắn bó chặt chẽ với nội tâm.


8. Phật Đà Nan Đề (Bouđhanandi)
Bộ mặt thể hiện sự căng nẩy, óng ả, mặt hỉ hả, toát lên sự thông minh, mềm mỏng, nói khéo, dễ gần, ngoài sự kích thích còn biểu hiện sự giao tiếp và ứng xử văn hoá uyên bác.

9. Phục Đà Mật Đa (Bouđhamitra)
Thể hiện sự già dặn từng trải pha chút hóm hỉnh và phát hiện những tư tưởng mới
10. Hiệp tôn giả (Parsva)
Biểu hiện người hay quan sát, ít nói, không nằm nghỉ và là người tinh tấn có chí, rất giàu nghị lực.

11. Mã Minh (Asvagosha)
Thể biện vẻ đầy tự tin, thông minh, điềm tĩnh, rất chan hoà với mọi người


12. Ca Tỳ Ma La (Capimala)
Tượng tả cảnh đang bị mãng xã quấn quanh, nhưng vẫn điềm tĩnh. Sự đàng hoàng khiến rắn biết gặp đối thủ cao cường phải bái phục. Đây cũng là một cách tranh đấu có nội lực mạnh,

13. Long Thụ (Nagarjuna)
Tượng thể hiện một nhà hiền triết uyên bác, ngồi tĩnh lặng nhưng nội tâm sôi động, là người từng trải, khắc khổ, xem nhẹ đời thường để suy tư.
14. La Hầu La Đa (Rahulata)
Là một trưởng giả ăn chơi, biểu hiện tài nói năng trơn tru, quyền quý oai vệ


15. Tăng Già Nan Đề (Samghanandi)
Tượng thể hiện toàn thể chững chạc, thu lại hình để khơi mở tư tưởng lớn


16. Già Da Xá Đa (Samghayacas)
Là người đang đi vân du giáo hoá, vẻ mặt có phần ngơ ngác luôn gặp những cảnh mới lạ, Ngắm nhìn tượng đơn nhưng ta có thể thả sức tưởng tượng nhiều tình huống xảy ra phía trước.

17. Cưu Ma La Đa (Kumarata)
Thể hiện tính cách lãng mạn, yêu đời, sống thật thoải mái, biểu hiện sự mãn nguyện đầy tràn sức xuân, gắn với kiếp trước ở tầng trời cao nhiều hơn là khi xuống hạ giới.
18. Xà Dạ Đa (Jayata)
Đây là người khi tranh biện có thể phán quyết đầy đủ đối phương, biểu hiện những suy tư, sự dằn vặt về sinh lý và sự sâu sắc về trí tuệ.

Tại chùa Tây phương, trừ 2 vị đầu bày ở Phật điện chính (vì đó là 2 trong 10 đại đệ tử của Phật tổ), các vị khác đều được bày ở gian bên của toà chùa trong. Thì ra trong các vị cũng cũng chia nhau ghế. Mô Phật!



Gửi bởi hameok6 lúc 11:31 CH Thứ hai, tháng mười 05, 2009

Đăng lại bài sưu tầm của hameok6 (đã đăng tại Blog "Bạn Trường Trỗi”: Thứ hai, tháng mười 05, 2009)





HTML Hit Counter