Vài ghi nhận về buổi sáng chủ nhật tại trường Đại học Hồng Bàng, t/p HCM - DĐ



DĐ 

Đúng 7g 20 phút sáng chủ nhật 19/9/2009 tôi có mặt tại cổng trường đại học Hồng Bàng trên đường Điện Biện Phủ t/p Hố Chí Minh, đây là cơ sở chính trong 10 cơ sở của trường.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi gần lối rẽ vào trường là một xe mô tô phân khối lớn màu trắng và hai đồng chí công an mặc sắc phục giao thông hững hờ đứng cạnh, hai đ/c không "chăm chăm" vào chuyên môn như mọi khi. Cạnh đó chiếc xe ford của công an phường sở tại cùng vài ba đ/c cảnh sát tay nhăm nhăm "gậy ngành" đi qua đi lại như làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quán lấn chiếm vỉa hè thường ngày. Xa xa lác đác mấy chú dân phòng miệng phì phèo thuốc lá trên tay bịch café đá có ống hút lòi ra thỉnh thoảng đưa lên miệng mút, người tong teo trong bộ đồng phục.

Cổng trường chủ nhật mới gần 8 giờ mà đã rất đông. Tôi dắt xe vào thấy khuất sau hai bên cánh cổng có hai lẵng hoa. Một lẵng với dải giấy màu đỏ vắt phía trên ghi toàn chữ tàu, chịu. Một lẵng ghi chữ ta "Nhiệt liệt chào mừng 60 năm ngày thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa - Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc". Vừa dựng xe đang đứng chỉnh đốn lại trang phục. Bỗng người tôi lao dúi về phía trước, cả cái bánh xe honda thúc vào sau khoeo, thế có chết không cơ chứ, may mà không "thương tích" gì quay lại định "phản ứng" nhìn kỹ thì ra là một bác còn già hơn tôi mắt đeo mục kỉnh mặt bác dại đi vì sợ quên cả xin lỗi.

Lang thang một vòng dưới sân trường tuyệt nhiên không có một băng rôn khẩu hiệu, hay biển chỉ dẫn báo nào hiệu cho khách sáng nay ở đây có một cuộc hội ngộ. Tôi hỏi một cô bé

- Sao hôm nay chủ nhật mà đông sinh viên thế cháu?

- Một số thi lại, đa phần là sinh viên mới, tới làm thủ tục nhập học cho kịp khai giảng. Cô bé vui vẻ trả lời.

Hình như cô bé không hề biết hôm nay ở đây có một "sự kiện".

Theo cầu thang rộng tôi đi lên tầng một. Hai bên là năm sáu thiếu nữ nhan sắc khá, sinh viên năm thứ tư tiếng Hoa, mặc áo dài, tay cầm những bông hoa nhựa nhỏ màu đỏ với nụ cười tươi đứng đón khách. Chả nói năng gì tôi cứ thế cắm cúi bước lên. Rồi rẽ trái vào một phòng lớn. Trong phòng đã có khoảng 20-30 "cụ" phần nhiều ở độ tuổi sáu bảy mươi. Chả gặp ai quen, tôi lang thang đọc các thông báo được treo chi chít trên tường, các chỉ dẫn về ngành học, môn học, thời khóa biểu, học phí ... của trường. Tôi thấy mỗi ngành kiến trúc lấy số điểm 17 là cao nhất, còn các ngành khác chỉ cần 10 - 14 điểm là đậu. Chả trách dưới sân trường nhìn cháu nào cũng thấy đẹp. Quái thật! Học vấn sao cứ đối chọi lại với nhan sắc thế nhỉ.

Đọc chán tôi mò lên tầng hai. Đi ngược lại phía mình là 5-6 cháu mặt tươi như hoa cười nói vui vẻ trên tay mỗi cô là một tấm thiệp màu hồng. Tôi vội níu một cô:

- Đi đâu mà vui thế các cháu?

- Chúng cháu đi xem văn nghệ

- Mua vé ở đâu chỉ cho chú với? Tôi nửa đùa nửa thật.

- Không bán vé đâu chỉ có giấy mời thôi chú ơi. Chúng con được mời.

Rồi mấy cô kéo nhau vút đi.

Tôi đứng chơ vơ, lơ đãng nhìn xuống cầu thang phía dưới lúc này đã có nhiều khách đi lên. Tôi thấy một bác tóc bạc chân khập khiễng tay chống gậy dáng như bị tai biến. Hai cô bé đứng gần vội nhao ra xốc nách dìu. Tự dưng tôi thấy "tiêng tiếc" biết thế lúc trước tôi giả bộ khập khiễng thì chí ít cũng được một người đẹp khoác vai.

Thư mời của BTC

- Bác đưa giấy mời con xem nào? A màu xanh! Để con gài bông lên ngực áo cho bác. Bác nhớ lĩnh bánh bao và nước ở cửa rồi ngồi vào dãy giữa của hội trường lớn bác nhé. Giọng cô bé dịu dàng.

Trong dòng người tôi thấy cả một bác hải quân đeo quân hàm đại tá. Tất cả người nào cũng đĩnh đạc, cũng lịch sự qua phong cách chứng tỏ họ là những người có văn hóa và học vấn cao. Có người không đến dự để tỏ thái độ, có người đến tham dự để quan sát và bày tỏ thái độ mỗi người mỗi kiểu chả ai bắt phải theo ai. Ngoài ra cái chính vẫn là nhu cầu được giao lưu, được gặp lại bạn bè đồng môn là một yêu cầu có thực, là cơ hội để bạn bè cũ gặp lại.

Cuộc hội ngộ được tổ chức trong hội trường lớn. Trên tấm phông sân khấu sát trần nhà là dòng chữ "Nhiệt liệt chào mừng 60 năm thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa". Chữ khổ vừa nhưng do ánh sáng không đủ với lại dạng toét mắt như tôi ngồi hơi xa lại không đeo mục kỉnh nên chỉ thấy nhờ nhờ. Phía bên dưới là hàng chữ tầu, nhỏ hơn nên tôi "mít đặc".

Chính giữa tấm phông là những hàng chữ lớn "Gặp mặt - Giao lưu - Văn nghệ - Ân tình - Thân thiện - Hữu nghị"

Tiếp phía dưới là dòng "Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc".

Hội trường chia làm ba dãy, mỗi dãy chiều ngang xếp 9-10 ghế. Dãy giữa dành cho quan khách có giấy mời màu xanh gồm lãnh sự quán và một số đại biểu. Còn lại đa phần là lưu học sinh đã học tại Trung Quốc với giấy mời màu hồng. Dãy trong chủ yếu là sinh viên của trường Hồng Bàng được mời xem văn nghệ, BTC đề phòng lấp chỗ trống nếu khách mời tới quá ít.

Trước khi khai mạc qua màn ảnh lớn quan khách được xem lại những tấm hình của Bác Hồ với các vị lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và những ngày đầu hòa bình, thời kỳ mà tình hữu nghị của hai nước nồng ấm nhất.

Quãng 9 giờ ban tổ chức bắt đầu làm việc. Sau tuyên bố lý do là phát biểu của một bác trong mặt trận tổ quốc thành phố rất ngắn gọn chủ yếu là gợi lại kỷ niệm của lưu học sinh những năm tháng học tập tại Trung quốc. Tiếp đến ông tổng lãnh sự quán Trung Quốc phát biểu bằng hai thứ tiếng. Tiếng Tầu khoảng 1-2 phút gì đó. Sau đó là một bài đít cua bằng tiếng Việt, nghe đọc chả phân biệt nổi người đọc là ta hay tầu, được soạn công phu. Rất tế nhị ông ta cũng không đả động nhiều đến tình hữu nghị chỉ nói đến thành tựu phát triển của Trung Quốc trong 60 năm qua.

Phần lớn thời gian còn lại là chương trình giao lưu văn nghệ của lưu học sinh. Các anh các chị, các chú, các cô hát vẫn rất hay, múa vẫn dẻo xen kẽ là các tiết mục của sinh viên và các cháu thiếu nhi.

Ngồi cạnh tôi là một bác gần 70 tuổi. Bác học kiến trúc tại Trung quốc. Sau đó đi nghiên cứu sinh về quy hoạch đô thị tại Liên Xô bác nói ngày xưa ở cơ quan bác có tay xếp ghét một nhân viên thuộc cấp vì tật hay tố cáo. Mấy tay trợ lý của xếp tư vấn "Xếp đuổi cổ nó đi đơn vị khác cho khuất mắt, đỡ rấy rà". Tay xếp đã tính ký quyết định. Nhưng nghĩ thế nào hắn lại thôi. Hắn nói với mấy tay trợ lý "Thế ra là mình sợ nó à, các cậu thấp kiến lắm, tớ phải giữ nó lại, để tớ đì cho nó lên bờ xuống ruộng cho nó biết mặt".

Theo tôi ban tổ chức cuộc giao lưu làm chính trị rất giỏi từ kích thước câu chữ trên khẩu hiệu, từ nội dung những bài phát biểu, từ nét mặt cách thể hiện của các đại biểu đến tiếng vỗ tay tất cả đều thể hiện được thái độ của những người đến dự. Rất điềm tĩnh, lịch duyệt và rõ ràng. Người ngoài có cảm giác đây là một cuộc họp mặt của các cựu lưu học sinh tai Trung Quốc hơn là lễ kỷ niệm quốc khánh Trung hoa. Tôi thiết nghĩ hơn ai hết ông tỗng lãnh sự và nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc họ cảm nhận rất rõ điều này.

 Tôi ra về khi chương trình văn nghệ vẫn còn. Tính ngồi đến hết cho phải phép nhưng "Mót" quá, cái bệnh già ấy mà, đường tiết liệu nó kém rồi.

 Ra cổng trường ngó quanh chả còn thấy mấy chú công an đâu. Hai vòng hoa sau cổng đã bị mấy cháu sinh viên rút tỉa lỗ chỗ. Tôi nổ máy chạy xe theo hướng một chiều lên vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm quay trở về nhà. Trên đầu chiếc mũ bảo hiểm màu trắng tinh, quà tặng của hội nghị, lấm lánh trong nắng trưa.


Gửi bởi Duy Đảo lúc 15:28 22 September, 2009
Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại Blog "Bạn Trỗi K5”: Thứ ba, 22 tháng 9, 2009)

Xem thêm:


Free Counter