Tham luận của BLL trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi (Ngày 24 - 8 - 2009) - Bùi Quang Vinh
Thứ Hai, tháng 9 28, 2009Ban liên lạc trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi thời kì chống Mỹ (1965-1970) xin có tham luận nhân dịp gặp mặt TSQ các thời kỳ và hội nghị "Tổng kết 10 năm đào tạo các nhà trường TSQ".
I. Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi xây dựng và trưởng thành:
Xin cùng nhìn lại quá khứ của những năm 60 thế kỷ trước:
Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, nhưng nửa nước còn lại vẫn rên xiết trong sự kìm kẹp của chế độc độc tài Ngô Đình Diệm. 10 năm sau đó là thời gian xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Từ 5/8/1964, sau "sự kiện Vịnh Bắc bộ", đế quốc Mỹ đã liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra toàn cõi VN. Ở miền Bắc, học sinh tại các đô thị phải sơ tán về nông thôn, tổ chức thành các trường nội trú cha mẹ yên tâm tiếp tục công tác, bám sát các cơ quan, nhà máy...
Với thực tế trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng và Bác đã đào tạo ra 1 lớp cán bộ vừa hồng vừa chuyên, tham gia xây dựng trên miền Bắc XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam. Khi Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: "... Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn" thì việc chuẩn bị lực lượng kế cận cho 10, 20 năm sau lại vô cùng cần thiết mà đối tượng chính là con em sĩ quan, cán bộ đang chiến đấu trên các chiến trường B, C, K; các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và con em cán bộ trung - cao cấp trong và ngoài QĐ.
Phần đông lứa học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1965- 1970) có cha mẹ đang có mặt trên các chiến trường B, C, K; trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Ngay từ tháng 2/1965, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Chính trị tổ chức trường TSQ với quân số gần 200 học sinh (từ lớp 5 đến lớp 7), trên cơ sở "bộ khung" cán bộ của trường Văn hóa quân đội (Lạng Sơn). Lúc đầu, nhà trường đóng quân ở Trại Hòe và Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) đến tháng 8/1965, học sinh được học tiếp chương trình học kì 2 của năm học 1964-65.
Sau đó, trường chuyển lên An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái và mở rộng chiêu sinh từ lớp 5 đến lớp 10, với số lượng gần 1200 học sinh, chia thành 6 đại đội (C5-C10) và 1 đại đội nữ (C11). Bộ máy quản lí, giảng dạy, phục vụ với hơn 200 cán bộ, giáo viên, CNV.
Ngày 15/10/1965 theo quyết định 171/QĐQP, nhà trường chính thức khai giảng năm học đầu tiên tại cửa rừng Tam Đảo của xã An Mỹ (nay là Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên). Đây là thời gian thầy trò nhà trường được nhân dân các dân tộc tại ATK năm xưa đùm bọc, che chở.
Do chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, tháng 1/1967 nhà trường được Đảng, Nhà nước cho phép chuyển sang nước bạn - Tp Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc - cùng các trường Học sinh Miền Nam, trường Dân tộc Trung ương và trại Nhi đồng Võ Thị Sáu.
Từ tháng 8/1968, tương quan lực lượng trên chiến trường có những chuyển biến, nhà trường được BQP cho phép trở về nước (để gần gũi với điều kiện Việt Nam và chiến trường, mặc dù khi đó điều kiện kinh tế của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn). Nhà trường đóng quân tại Hưng Hóa (Phú Thọ), Trung Hà, Thạch Thất (Hà Tây). Đến tháng 6/1970 thì kết thúc đào tạo.
Chỉ tồn tại 5 năm nhưng nhà trường đã đào tạo 8 khóa với gần 1200 học sinh. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết học sinh đã tình nguyện nhập ngũ, xung phong ra chiến trường, hoài bão trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu gian khổ, ác liệt được toại nguyện.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc có 2 thầy giáo (Nguyễn Văn Phố và Nguyễn Đăng Đạo) cùng 29 học sinh anh dũng hy sinh. Trong đó có LS Võ Dũng học là sinh khóa 5 (con trai đ/c Võ Văn Kiệt) đã hy sinh ở Rạch Giá, Khu 9 năm 1972; và LS Nguyễn Tiến Quân là học sinh khóa 6 (con trai đ/c Đồng Sĩ Nguyên) hy sinh ở mặt trận Lạng Sơn 1979. LS Huỳnh Kim Trung học sinh khóa 5 của trường hy sinh tại phà sông Gianh, Quảng Bình năm 1972, được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973.
Hơn 800 trong số gần 1200 học sinh trở thành học viên các trường đại học Quân sự, Quân y, các trường sĩ quan để đào tạo thành các sĩ quan kĩ thuật, sĩ quan chỉ huy, kĩ sư, bác sĩ... Rất nhiều bạn sau giải phóng lại tiếp tục thi vào đại học. Kể cả số được đào tạo trong và ngoài quân đội thì trên 1000 học sinh cuả trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi có trình độ đại học. Trong đó có hơn 100 học sinh có học vị tiến sĩ, hàng chục giáo sư, phó giáo sư.
Đến năm 2009, trong số học sinh của trường điển hình có bạn Nguyễn Thiện Nhân học sinh khóa 5 là Phó thủ tướng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhiều bạn là cán bộ cao cấp trong và ngoài QĐ với hàm thứ trưởng hoặc tương đương, có 16 tướng lĩnh (1 trung tướng và 14 thiếu tướng QĐ, 1 thiếu tướng CA). Nhiều bạn hiện nay là giám đốc doanh nghiệp trong và ngoài QĐ, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng CNH - HĐH và đổi mới đất nước.
II. Mội số bài học rút ra từ trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi:
- Trước hết, xin được khẳng định chủ trương đào tạo con em sĩ quan, cán bộ đang chiến đấu trên các chiến trường B, C, K; các gia đình LS, gia đình có công với cách mạng và con em cán bộ trung - cao cấp trong và ngoài QĐ tại trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi (thời kì chống Mỹ) để trở thành cán bộ nguồn cho QĐ là 1 chủ trương hết sức đúng đắn. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, Bác, Quân đội trước yêu cầu xây dựng, phát triển. Những số liệu về sự hy sinh, đóng góp và trưởng thành của TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã chứng minh điều đó. Và có thể tự hào mà nói rằng không có 1 TSQ Nguyễn Văn Trỗi nào bị dính vào các vụ tham ô, tham nhũng, không dính vào chạy chức chạy quyền...
Xin kể lại chuyện vui: Tháng 10/2005 kỉ niệm 40 năm trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi đến thăm và chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng rất vui mừng khi thấy lứa TSQ Nguyễn Văn Trỗi trưởng thành. Tại buổi gặp mặt, cô Đặng Thị Bích Hà (phu nhân Đại tướng) có nói: "Gia đình cô cũng có 3 đứa vào học trường Trỗi. Mấy chục năm sau nhìn vào sự trưởng thành của lớp các cháu cho thấy đây là chủ trương hết sức đúng đắn! Thật ra đó là bài học về chuẩn bị lực lượng kế cận được rút ra từ những năm tháng chống Pháp, được vận dụng kế thừa, sáng tạo khéo léo để đào tạo cán bộ bổ sung cho chiến trường đánh Mỹ và chuẩn bị lực lượng xây dựng đất nước sau chiến tranh".
-
Thế nào là thiếu sinh quân?
THIẾU SINH QUÂN chính là những "các em học sinh còn nhỏ được học tập, rèn luyện trong môi trường QĐ theo hướng trở thành con người vừa hồng vừa chuyên".
Học sinh còn nhỏ thì yếu đuối về thể lực, thiếu thốn tình cảm khi phải sống xa cha mẹ và hiếu động, nghịch ngợm là tất yếu. Vậy dạy các em phải kèm theo dỗ, mà dạy ở đây là dạy văn hóa và dạy làm người nhưng cũng không thể chỉ dùng kỉ luật sắt để ép các em vào khuôn khổ mà đòi hỏi giáo dục phải có "nghệ thuật sư phạm".
Còn "dỗ" là thế nào? Tại trường Trỗi có những thầy giáo không chỉ giảng dạy trên lớp giỏi mà còn thuộc cả chuyện Thủy Hử, Tam Quốc, Chiến tranh hòa bình, Thép đã tôi thế đấy!... và cứ đêm đêm trước giờ ngủ lại rì rầm kể cho các em nghe cho tới khi tất cả trung đội chìm sâu vào giấc ngủ.
Có những người thầy, người cô trẻ vừa mới ra trường nhưng được học trò gọi là bố là mẹ vì các em còn nhỏ tuổi đã phải xa gia đình, luôn khát khao tình cảm của người cha, người mẹ. Thầy cô đã coi các em như người em ruột thịt của mình, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của từng em để mà uốn nắn, dạy dỗ. Có những thầy "dỗ'' trò bằng tiếng đàn, lời hát, nét vẽ, câu thơ... Làm các em gắn bó với thầy không chỉ trong giờ lên lớp mà cả ở các giờ ngoại khóa.
-
Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi - môi trường giáo dục, phát triển toàn diện
Tại đây các em được học tập văn hóa như bất kì trường phổ thông nào. Năm 1969,khi trường về Phú Thọ đã cử đội tuyển đi thi học sinh giỏi toán quốc gia, đã đoạt giải đồng đội.
Trong chương trình có thời khóa biểu học các môn thể thao (chạy, nhảy, bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, võ thuật). Ngoài giờ học là giờ chơi thể thao. Vì vậy thầy trò phải "tự sáng tạo" ra cơ sở vật chất trong điều kiện có thể: phát rừng, san đồi làm sân bóng đá, bóng chuyền, tìm những đoạn mương, suối an toàn tạo thành các nơi bơi lội...
Các em được học các môn hội họa, nhạc lí cơ bản và sinh hoạt trong các CLB thơ ca, thanh nhạc, kịch và tham gia các buổi biển diễn... Qua đó rèn luyện tính tập thể trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần.
Nhà trường có xây dựng các chương trình đào tạo cac yếu lĩnh quân sự cơ bản: xạ kích CKC, AK, ném lựu đạn, các động tác yếu lĩnh cá nhân, các chiến thuật phòng ngự, tấn công tiểu, trung đội... tạo cho các em bản lĩnh của người lính. Duy trì thường xuyên tuần tra, canh gác ban đêm. Có tổ chức những đợt hành quân dã ngoại. Qua đó mà xây dựng trong mỗi TSQ "quân phong, quân kỷ" - những học sinh nhỏ có tác phong người lính, có kỷ luật nhà binh.
-
Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi có đội ngũ giáo viên giỏi toàn diện (không chỉ về chuyên môn mà còn đa tài văn, thể, mỹ), có tâm, có đức. Hầu như thầy nào cũng có thể chơi ít nhất 1 loại nhạc cụ hoac 1 vài môn thể thao. Vì vậy người thầy có sức hút ghê gớm với các em học sinh. Ngày đó phải xa nhà, thiếu thốn mọi mặt nhưng các thầy cô đã tự bù đắp những khoảng trống đó và say sưa với công việc, yêu thương học sinh.
-
Gắn công tác đào tạo của nhà trường với gia đình: Mỗi kì nghỉ hè, nghỉ tết nhà trường luôn có thư thông báo tình hình học tập, rèn luyện của các em cho gia đình. Những em "điểm" luôn có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả.
-
Môi trường TSQ còn xây dựng cho từng em tình thày trò, tình bạn bè đồng chí thủy chung, tình quân dân, tình hữu nghị bền chặt. Mặc dù Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi chỉ tồn tại 5 năm (1965 - 1970), đến nay không còn 1 mái trường cụ thể nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với nhau:
-
Tình thày trò: Truyền thống "tôn sự trọng đạo" ăn quả nhớ kẻ trồng cây thực sự được trân trọng trong trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi. Tình cảm thầy trò sâu đậm cho tới mấy chục năm sau. Các học sinh luôn quan tâm đến gia cảnh, đời sống các thầy cô, giúp thầy cô những gì có thể, thăm hỏi khi thầy cô đau ốm, làm tốt công tác hiếu hỷ.
-
Tình bè bạn: Giữa bạn bè, đồng đội luôn gắn kết. Có nhiều chuyện cảm động: Bạn Nguyễn Nam Tiến (khóa 5) khi sang Quế Lâm thăm lại trường cũ bị phát bệnh tim cấp, phải mổ tim nhưng gia cảnh khó khăn. Anh em toàn trường đã góp tiền giúp bạn phẫu thuật, trở về với cuộc sống. Hay con gái bạn Hoàng Phước Bình phải thay thận, anh em quyên góp giúp đỡ và cháu đã trở về với cuộc sống. Anh em trong trường còn giúp đỡ lẫn nhau, tìm kiếm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống...
-
Tình đồng đội: Anh em nhiệt tình cùng các gia đình người thân đi tìm kiếm các đồng đội còn nằm lại trên các chiến trường: Trong số 31 LS thì đã qui tập được hài cốt của hơn 20 LS, trong đó có 2 LS gần đây nhất mới được anh em cùng gia đình tìm và đưa về: LS Ngô Ngời (nghĩa trang LS Tân Biên) và LS Lê Minh Tân (Quảng Nam). Tuy vậy còn gần chục bạn chưa tìm thấy mộ phần. Trong đó 3 LS khóa 5 an nghỉ mãi mãi ở Thành cổ Quảng Trị (Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh, Nguyễn Lâm), LS Đặng Bá Linh khóa 6 hy sinh ở Quảng Trị, LS Bùi Thọ Tuyến khóa 8 ... LS Y Hoà ở Đồi Cháy, Quảng Trị; LS Chu Tấn Quang ở Bù Bông, khu vực biên giới Campuchia; LS Võ Nguyên Trọng ở Kiên Lương, Kiên Giang... Nhiều lần anh em các khóa đã tự tổ chức lần theo các thông tin ít ỏi đi tìm hài cốt các bạn nhưng chưa có kết quả.
-
Tình quân dân: luôn thắm đượm, sâu nặng, bền chặt. Ngày xưa từng sống ở trong dân, từng đi gặt lúa giúp dân...nên những học sinh đô thị hiểu và thêm yêu quý người lao động. Những nơi nhà trường từng đóng quân được trân trọng như quê hương của mình. Sau này chúng tôi đã tổ chức các đoàn về thăm xã Mỹ Yên, Đại Từ, là một xã ATK ở vùng sâu vùng xa, mọi điều kiện đều thiếu thốn. Anh em đã vận động quyên góp giúp địa phương xây dựng bệnh xá có phòng mạch, phòng răng... với chục giường bệnh. Có khóa góp tiền mua trang âm, loa đài phục vụ công tác phát thanh, tuyên truyền của xã. Có khóa xây dựng thư viện sách giáo khoa cho học sinh nghèo, trang bị máy tính, đưa internet vào trường học...
Một nhóm học sinh trường NVT đã cùng cộng tác giúp địa phương xây dựng dự án nâng cấp con đường từ thị trấn Đại Từ về tới xã, con đường dài hơn 10km. Tháng 10/2009 sẽ được khánh thành, tương lai làm thay đổi bộ mặt và là tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho một xã vùng ATK.
-
Tình hữu nghị: Vì có thời gian sống ở nước bạn một năm rưỡi nên TSQ Nguyễn Văn Trỗi còn luôn chú ý làm tốt "ngoại giao nhân dân", theo sự chỉ đạo của hội hữu nghị Việt-Trung, góp phần củng cố và xây dựng tình hữu nghị Việt-Trung.
-
III. Kiến nghị:
- Chúng ta cần duy trì thường xuyên và không ngừng hoàn thiện công tác đào tạo TSQ tại các nhà trường trong QĐ, phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và nhu cầu xây dựng QĐ trong từng thời kì. Không dập khuôn máy móc theo các mô hình trước đó, nhưng phải hết sức kiên định và sáng tạo.
- Hệ thống các nhà trường TSQ được sự quản lí chặt chẽ và thống nhất của Cục Nhà trường BTTM kết hợp với Cục Cán bộ TCCT.
- Phải có "chương trình chuẩn" cho công tác đào tạo, phù hợp với tiêu chuẩn và yêu cầu chung của nhà nước, để học sinh có trình độ tương đương học sinh phổ thông, đồng thời có chương trình rèn luyện để đào tạo 1 thế hệ học sinh vừa hồng vừa chuyên, trung thành với lí tưởng của Đảng, sự nghiệp xây dựng QĐ.
- Các trường TSQ cần được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở vật chất thật tốt, đủ điều kiện giáo dục cho học sinh toàn diện.
- Phải tuyển chọn về trường những giáo viên giỏi toàn diện, có chuyên môn giỏi, có tâm, có đức. Và phải có chính sách đã ngộ thật tốt để họ gắn bó với nhà trường, với học sinh.
Trưởng ban: Thiếu tướng - Bùi Quang Vinh
27 September, 2009 19:29
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>