Ôn cố tri tân (1)




HỔ PHỤ - HỔ TỬ



1-HỔ TỬ

(Liệt sĩ Võ Dũng)

Hổ phụ sinh hổ tử
Người xưa nói chớ sai
Đúng là con nhà Võ
Khí khái một đời trai!

Đòi về quê yêu dấu
Noi theo cha kiên cường
Hy sinh trong chiến đấu
Lặng lẽ thành tấm gương!

2-LỤC DÂN



dũng lừng vang một thủ quân
Văn nhân nức tiếng khắp lục dân
Kiệt xuất đổi dời, xây, trị thủy
Hòa khí lan tràn chín tầng vân

Là con xứ sở Cửu Long điền
Là anh xung phong của thanh niên
Là bộc cúc cung vì đại chúng
Hồn nay an lạc Vĩnh Long viên...










ĐỌC THÊM:

Võ Văn Kiệt

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


+ TRÍCH TỪ BÀI ĐĂNG "VÕ DŨNG, BẠN TÔI" CỦA TRẦN KIẾN QUỐC TRÊN BANTROIK5.BLOGSPOT.COM:

Thời gian má Kim Anh và hai em hy sinh, ở trường Thiếu sinh quân của chúng tôi ngoài Bắc, ngoài việc học tập văn hóa, Dũng và bạn bè còn được học quân sự, làm quen với súng trường CKC và tiểu liên AK. Thỉnh thoảng , Võ Dũng nhận được thư ba nhưng chỉ có vài chữ thông báo: Má và 2 em con vẫn khỏe. Đầu năm 1967, chiến tranh phá hoại ác liệt hơn, nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư của má, với sự nhạy cảm của chàng trai 16, Võ Dũng cảm nhận được rằng chắc chắn đã có điều không lành xảy ra. Trong Nam, mũi tên hòn đạn có chừa ai… Dũng gửi thư hỏi thăm ba, không thấy ba trả lời về vụ ấy. Vậy là Dũng bỏ học, nhiều lần lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh, nằng nặc xin về nước: “Cháu biết các chú giấu cháu tin má đã hy sinh. Giờ cháu chẳng còn thiết học hành. Các chú phải cho cháu về nước chiến đấu, trả thù cho má”. Biết không thể giấu mãi, nhà trường đành phải cho Dũng biết toàn bộ sự thật và cho Dũng về nước theo nguyện vọng của mình.
Tháng 3/1968, rời Quế Lâm về nước, bạn tôi được vào rèn luyện tại Trường Quân chính Quân khu Tả ngạn, đóng ở Hải Dương. Nào tập hành quân đường dài với ba lô đựng gạch nặng vài chục kí trên vai; nào tập xạ kích AK, CKC, ném lựu đạn, đặt mìn; nào đào hào, đào tang xê… Với chàng trai vừa qua tuổi thiếu niên, chỉ quen ăn học thì như vậy quá là gian khó, vất vả; nhưng Dũng không ngại khó, lầm lũi rèn luyện, chẳng hề kêu ca. “Nợ nước, thù nhà đã giục tao hành động như vậy. Chỉ có như thế mới có thể đủ bản lĩnh, sức lực vào chiến trường”, sau này Võ Dũng đã tâm sự với Nguyễn Đức Dũng (bạn cùng đi rèn luyện) như vậy.
Ban Thống nhất Trung ương liên tục cử những đoàn cán bộ dân chính vào Nam công tác. Tháng 8/1969, Dũng lên tập trung ở Hòa Bình và được ghép đoàn. Nghe tin Dũng sắp đi, dì Bảy Huệ, cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân đã lên thăm. Ai cũng lo vì Dũng còn quá trẻ, khi vào Nam nơi đang có chiến tranh, gần với cái chết, sẽ sống ra sao; nhất là ngày đi học Dũng nghịch ngợm quá. Nhưng Võ Dũng cười và hứa một câu xanh rờn: “Dì và cô yên tâm đi, con quyết sẽ trả thù cho má và 2 em. Lần này con đi “một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực”! Dũng đã sống đúng với lời hứa đó….
(...)

Cái chết của mẹ và hai em trở thành một động lực trực tiếp để Võ Dũng kiên quyết vào Nam, phần để “trả thù cho mẹ”, phần để thoát khỏi không gian tù túng đang bó chân một chàng trai mười tám.

Năm 1969, anh nhập ngũ sau đó đi thẳng vào Trung ương Cục.
Lần đầu vào chiến trường nhưng khi phải di chuyển xuống Khu IX, Võ Dũng đã chọn con đường công khai. Trong vai một Khmer kiều, Võ Dũng được người giao liên của bố anh, bà Sáu Trung, đưa về từ Châu Đốc, theo xe đò xuống Rạch Giá.
Sau khi vợ và hai con mất, ông Võ Văn Kiệt vừa cần một người thân ở bên cạnh vừa, trong thâm tâm, muốn giữ an toàn cao nhất cho con mình. Võ Dũng được đưa về ở trong cơ quan Khu ủy, cạnh cha. Bác sỹ riêng của ông Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Hoài Nam kể: “Ổng dặn tôi kèm Dũng, ‘có khó khăn gì mày lo’. Nhưng Dũng rất ngang bướng, nó cứ đòi xuống đơn vị. Dũng kêu: Em về đây để chiến đấu chứ đâu phải để đào hầm cho ba em núp”.
Năm 1971, sau khi lãnh đạo Khu lấy lại được tư thế sau những tổn thất ghê gớm của Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt phát động đưa con em cán bộ ra mặt trận. Dũng nhân đấy nói, không lẽ kêu gọi con người ta ra trận mà con mình ngồi trong cứ, thế là đòi đi. Bác sỹ Nam kể: “Ổng kêu tôi làm công tác tư tưởng. Tôi nói: ‘Dũng, em về miền Nam làm gì?’. Nó bảo: ‘Chiến đấu trả thù’. ‘Vậy em có thấy bọn anh chiến đấu không?’. Nó bảo: ‘Có, nhưng chiến đấu trong xó không hà’. Tôi lấy chuyện mẹ và các em đã mất ra khuyên can, Dũng vẫn dứt khoát. Ông Kiệt thấy thế đành bảo, thôi để nó đi”.
Dũng đòi bằng được ra một đại đội trinh sát. Ông Kiệt nhớ lại: “Ông Lê Đức Anh biết chuyện định chuyển cháu về pháo binh, chưa kịp ra quyết định thì Dũng mất”. Võ Dũng hy sinh ngày 29-4-1972 khi đang luồn qua những hàng rào dây thép gai trinh sát. Theo anh Hồ Văn Út, cận vệ của ông Kiệt: “Hôm sau, mấy bà má phải vào đồn lính, xin xác Dũng về an táng bên kênh Tư Ký, Sóc Trăng”. Ông Võ Văn Kiệt nhận được tin con trai hy sinh khi đang chủ trì cuộc họp Thường vụ Khu ủy. Gương mặt người chính ủy tái lại, nhưng ông chỉ mím môi để cho nước mắt chảy vào trong.
Những người cận vệ luôn sống cách ông vài bước chân cũng không khi nào nhìn thấy ông Kiệt khóc. Trước ba quân, vẫn là một ông Tám Thuận mạnh mẽ. Nhưng, khi trở về trong chòi riêng ông trở thành một con người khác, lặng câm, cô độc. Bác sĩ Huỳnh Hoài Nam kể: “Ông thích uống cà phê sữa nhưng dạo ấy ông thường kêu tụi tôi làm ‘chà và đen’, cách ông gọi cà phê không. Đó là loại cà phê dành cho những đêm không ngủ. Kể từ khi bà Trần Kim Anh và hai đứa con thơ mất tích trên sông Sài Gòn, có hai kỷ vật lúc nào cũng được ông Kiệt giữ bất li thân đó là bức chân dung của bà và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm. Bác sĩ Nam kể: “Mỗi khi dời cứ, thường chúng tôi giúp ông xếp đồ. Riêng tấm hình và bộ đồ của bà thì tự tay ông làm lấy”.