Ngôn và luận, bài 3/b

N-L 3/b

(Tiếp theo N-L 3/a)


- Như đã nói, triết học duy tâm khách quan của Hêghen đã là một bước dài đưa loài người đến gần hơn trong việc nhận chân thực tại khách quan. Trên cơ sở kế thừa có phê phán và sáng tạo triết học cổ điển Đức mà nòng cốt là triết học Hêghen, Mác đã xây dựng nên triết học duy vật biện chứng và qua đó lại giúp loài người nhận thức xác đáng hơn nữa về tự nhiên (tuy vậy, theo tôi, tương tự như cơ học Niutơn trong vật lý học, triết học Mác phải cần đến một bước tiến có tính đột phá, cải cách triệt để mới đến được với chân dung đích thực của thực tại khách quan!). Trên cơ sở triết thuyết về tự nhiên của mình cũng như kế thừa được tinh hoa của các học thuyết xã hội trước đó và đương thời, cùng với khả năng quan sát, phân tích xuất sắc, Mác đã chỉ ra tương đối chính xác bản chất của hiện thực thời đại mình và trong bối cảnh đó, đề xướng ra học thuyết xã hội mang tên "chủ nghĩa cộng sản". Dù ngày nay thời thế đã đổi thay, có thể phải xem xét và nhận thức lại không ít luận điểm của chủ nghĩa cộng sản, thì cũng không thể nói khác được rằng, học thuyết này đã hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh ra đời của nó, không những đã phản ánh đúng cái hiện thực bi thương của "những người khốn khổ" có nguyên nhân từ sự thống trị vô lương tâm của nhà nước tư sản đã bị thao túng bởi thế lực đồng tiền, mà còn chỉ ra con đường duy nhất đúng cho quần chúng cần lao đi đòi lại quyền sống cơ bản và thích đáng cho mình. Hơn nữa, học thuyết ấy, về mặt lý thuyết, đã phác thảo ra một cách có lý luận hình mẫu một xã hội (gọi là xã hội "xã hội chủ nghĩa") tương phản với xã hội tư bản đầy rẫy bất công thời bấy giờ. Trong xã hội ấy, nhà nước tư sản được thay thế bằng nhà nước chuyên chính vô sản (đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), một nhà nước (được coi là) đại diện cho quyền lợi của dân chúng trong xã hội, đứng về phía nhân dân lao động nghèo khổ, chống áp bức, bóc lột, bạo quyền.

- Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã là do, không thể nói khác được, đại chúng ở những nước đó đã không còn thiết tha với nhà nước theo thể chế cộng sản nữa. Điều đó có nghĩa nền kinh tế tập trung, bao cấp, thực hiện kế hoạch theo mệnh lệnh (bất chấp qui luật cung-cầu, qui luật cơ bản của nền kinh tế hàng hóa (tạm gọi là) phi kế hoạch) cùng với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất của các nhà lý luận mác-xít, đã không phù hợp với đời sống thực tế xã hội đương đại. Như thế, tất nhiên phải dẫn đến nghi vấn rằng nhiều khả năng học thuyết Mác-Lê (gồm triết học Mác và những phát triển làm sâu rộng thêm của Lê-nin) có ẩn chứa "vướng mắc" trong hệ thống lý luận của nó. Có lẽ vì thế mà ngày nay học thuyết Mác-Lê đã và đang phải chịu nhiều phản biện triết học dù chưa hẳn xác đáng về mặt nhận thức nhưng cũng không hẳn là vô lý, thậm chí rất cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, chuyên sâu. Nhưng nếu phản biện học thuyết đó một cách khích bác, phủ nhận sạch trơn tính chân lý của nó, thậm chí còn buộc tội nó chống nhân loại thì thật là đáng lên án, bởi vì như thế không những sai hoàn toàn mà còn rất bạc bẽo nữa. Không thể phủ nhận được công lao của Mác (và Ănghen) đối với nhân loại! Nhờ sự xuất hiện của triết học Mác mà phong trào đấu tranh đòi quyền sống cơ bản và thích đáng của quần chúng cần lao trở nên sâu rộng hơn, tập trung hơn, mạnh mẽ hơn trong lòng xã hội tư bản. Qua đó, làm cho xã hội tư bản phải tích cực chuyển biến nhanh hơn từ nhẫn tâm hơn, bạo ngược hơn sang "biết điều" hơn, ôn hòa hơn. Nếu không có Liên bang Xô-viết đóng vai trò tiên phong và quyết định đánh tan bè lũ phát-xít cường bạo thì không biết thế giới có thoát khỏi vòng nô dịch của "phe Trục" không, có được chất lượng cuộc sống như ngày nay không? Nếu không có hệ thống xã hội chủ nghĩa tồn tại ngót 50 năm như một thế lực phản diện đáng gờm thì liệu xã hội tư bản có nhanh chóng chuyển biến để đạt mức độ tương đối hòa dịu như đang thấy không? Cần phải khẳng định rằng học thuyết Mác-Lê đã đóng trọn vai trò cứu cánh một thời của quần chúng cần lao và đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng cao đẹp của nó đối với nhân loại.

- Do bị khống chế bởi trình độ nhận thức khoa học nói chung của thời đại về tự nhiên mà dù mang danh là "biện chứng" thì triết học Mác ít nhiều vẫn còn hàm chứa tính bao biện, hình thức,siêu hình (chưa thực sự khách quan). Sinh ra và tồn tại trên nền tảng triết học đó nên tất nhiên hình mẫu xã hội và nhà nước do Mác phác thảo cũng hàm chứa không nhiều thì ít sự khiên cưỡng, chủ quan duy ý chí (dù cũng bởi hạn chế nhận thức thời đại mà rất khó phân tích để thấu tỏ được đích xác vấn đề!). Tuy nhiên, dù có thế thì về mặt lý thuyết, hình mẫu xã hội của Mác đã trưng ra một hoạt cảnh xã hội đầy nhân ái mà cũng đậm nét hiện thực nhất từ xưa đến nay. Tính nhân ái và hiện thực của hình mẫu xã hội ấy "mạnh" đến nỗi làm cho nó trong suốt một thời gian dài kể từ lúc xuất hiện, trở thành niềm khát vọng của quần chúng cần lao, đồng thời cũng là một chân lý bất di bất dịch, là mục tiêu cần phấn đấu đạt tới của phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới. (Tôi cho rằng dù hiện nay hình mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa đã bộc lộ không ít khuất tất cả về mặt thực tiễn lẫn lý luận nhưng không phải là hoàn toàn phi lý. Hơn nữa những khuất tất ấy rất có thể là do những hạn chế nhận thức có tính thời đại gây ra. Đến một thời đại nào đó trong tương lai, khi trình độ nhận thức tự nhiên cũng như trình độ sản xuất xã hội của loài người đạt đến trạng thái thích hợp gọi là chín muồi, thì hình mẫu xã hội của Mác, sau khi đã được điều chỉnh, sẽ trở thành một hiện thực hiển nhiên. Trong thời đại ngày nay, dù hình thái xã hội mà Mác mơ ước chưa thực sự xuất hiện, thì do cái tinh thần thấm đẫm tình yêu thương đồng loại của nó, nó vẫn đóng vai trò là một xã hội lý tưởng tuyệt đẹp của con người. Tôi tin chắc rằng nếu các nhà chính trị, tư tưởng, kinh tế trên thế giới có lòng hướng tới lý tưởng ấy một cách sáng suốt, thành tâm và thiết thực trong hoạt động thực tiễn của mình, họ sẽ góp phần đích đáng làm giảm thiểu đến mức tối đa những bất công, những nhẫn tâm đang hàng ngày hàng giờ gây ra biết bao nhiêu khốn khổ, đau thương trong xã hội).

- Độc quyền lãnh đạo là một đòi hỏi hợp lý, có tính tự nhiên. Dù ý chí con người có muốn hay không muốn,tự giác hay không tự giác, dù cơ cấu nhà nước có hình thức như thế nào đi nữa thì cũng phải tuân theo nguyên tắc ấy, nếu muốn hoạt động nhà nước không bị rối loạn và có hiệu quả. (Điều đó đã từng thể hiện rất rõ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, xảy ra vào khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX: nếu không tất cả thì cũng hầu hết nguyên thủ các quốc gia tham chiến đồng thời cũng là tổng tư lệnh quân đội, có quyền uy tối hậu duy nhất). Chính cái nguyên tắc độc quyền lãnh đạo có tính tự nhiên nêu trên đã chỉ ra rằng, nhà nước nói chung mang bản chất độc tài toàn trị. Một nhà nước, dù là theo thể chế nào, trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động của nó, đều thể hiện ra cái bản chất ấy dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Có hai hình thức độc tài toàn trị là độc tài toàn trị có tính cá nhân và độc tài toàn trị có tính tập thể. Về mặt triết học, đó là hai hình thức có mối quan hệ biện chứng, có thể chuyển biến từ cái này sang cái kia và ngược lại, nghĩa là trong chúng đều hàm chứa "hình bóng" của nhau với những "mức độ đậm nhạt" khác nhau tùy thuộc vào thực trạng cụ thể xã hội và cả nhận thức chủ quan của con người. Trong thực tế hoạt động chính trị, trên phương diện lý thuyết, có thể phân biệt tương đối được hai hình thức đó theo loại hình thể chế nhà nước. Như vậy, nếu nhà nước quân chủ thống trị xã hội theo cách thức độc tài toàn trị cá nhân thì nhà nước tư sản thống trị xã hội theo cách thức độc tài toàn trị tập thể. Cái cấu trúc "tam quyền phân lập" xuất hiện là do ý chí chủ quan tạo ra với mong muốn đảm bảo cho bộ máy độc tài toàn trị tập thể hoạt động một cách "đứng đắn" nhất có thể mà thôi chứ thực ra chả "đả động" gì tới tính thiện-ác của bộ máy ấy. Trong thực tế, cái cấu trúc ấy cũng gây ra không ít nhiêu khê!

- Sẽ rất khiên cưỡng nếu so sánh sự xấu hơn hay tốt hơn giữa hai kiểu nhà nước ấy, vì đơn giản, sự xuất hiện hay tiêu vong của chúng là có tính tự nhiên, do đòi hỏi khách quan của tiến trình vận động xã hội và sự tồn tại của chúng chỉ phụ thuộc vào điều kiện phù hợp hay không phù hợp với trình độ hoạt động của cuộc sống xã hội mà thôi. Mặt khác, nếu xét về phương diện đạo đức, tức là về thái độ và hành động đối với quần chúng nhân dân (đối tượng thống trị của nhà nước), thì mức độ tốt-xấu hay hiền-ác của một nhà nước không phải do thiết chế của nhà nước đó qui định, thậm chí không có liên quan gì tới thiết chế nhà nước. Lịch sử vẫn còn tươi rói: nhà nước tư sản thời kỳ đầu (tạm qui ước là từ cuộc Cách mạng tư sản Anh đến cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập ở Việt Nam-đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân) và nhà nước tư sản thời kỳ sau (tính cho đến nay), xét ra là cùng một thiết chế, thế nhưng nhà nước tư sản hiện nay đã tốt và hiền hơn nhiều (dù không phải không còn xấu và ác, nhất là tính vụ lợi một cách vô cảm và hiếu chiến thì hình như giảm chưa được bao nhiêu) so với nhà nước tư sản "hồi đó". Tại sao vậy? Phải chăng sự chuyển biến đó là kết quả hợp thành từ những nguyên nhân: phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của quần chúng cần lao, cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt đến một mất một còn mà chủ nghĩa Mác đã đóng vai phản biện đầy sức thuyết phục, sự hiện diện "sừng sững" Liên bang Xô-viết (nước có thiết chế nhà nước tương phản với thiết chế của nhà nước tư sản và được đông đảo quần chúng đương thời trên thế giới ngưỡng mộ), khủng hoảng kinh tế xảy ra có tính định kỳ, trình độ sản xuất của nhân loại ngày một nâng cao, quá trình tự nhận thức lại bản thân của nhà nước tư sản...?

- Trên thế giới hiện nay chỉ còn "lèo tèo" vài ba nước tự nhận là xã hội chủ nghĩa và vẫn duy trì thiết chế nhà nước với đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo. Nếu cho rằng hiện nay, nhà nước cộng sản tiêu biểu là nhà nước Trung Quốc và nhà nước tư sản tiêu biểu là nhà nước Mỹ thì hai nhà nước ấy giống và khác nhau ở chỗ nào? Dễ thấy rằng hai nhà nước ấy đều thuộc loại độc quyền toàn trị tập thể và nếu nhìn vào thực trạng kinh tế- xã hội của hai nước ấy thì rất khó phân biệt sự khác nhau giữa chúng, thậm chí là không thể phân biệt được. Nói cách khác, hai nhà nước ấy trong thực tế đã không còn khác nhau về bản chất mà chỉ khác nhau một cách hình thức ở khâu cơ cấu tổ chức. Cũng có thể nhận xét theo một góc độ khác. Đó là hai nhà nước cùng thuộc loại độc quyền toàn trị tập thể, đều bảo hộ quyền bình đẳng trong kinh doanh mà thực chất vẫn là ưu tiên cho các thế lực giàu có, có tư bản mạnh. Sự khác nhau giữa hai nhà nước ấy mang tính lịch sử, có nguyên nhân từ tình thế ra đời của chúng, đó là: nếu nhà nước Mỹ giương cao ngọn cờ tự do thì nhà nước Trung Quốc giương cao ngọn cờ dân chủ. Tuy nhiên, sự khác nhau ấy giờ đây chỉ còn là hình thức thuần túy. Sự hạn chế nhận thức có tính thời đại đã dẫn đến cách hiểu siêu hình (nên cũng chưa xác đáng) về hai khái niệm "tự do" và "dân chủ", để rồi cũng xuất hiện quan niệm: thực thi tự do trước hết và trên hết là ưu tiên đảm bảo nhân quyền (có tính cá nhân), còn thực thi dân chủ thì trước hết và trên hết là ưu tiên đảm bảo dân quyền(có tính cộng đồng xã hội). Nếu sự tàn bạo của chế độ tư bản thời kỳ đầu làm cho nó bị lên án và khơi dậy phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của quần chúng cần lao, thì sự bảo thủ chuyên quyền, sẵn sàng đàn áp không thương tiếc bằng bạo lực của chế độ tư bản chính là nguyên nhân sâu xa đưa phong trào đấu tranh ấy hướng đến mục tiêu quyết liệt hơn: thủ tiêu nhà nước chuyên chính tư sản, thiết lập nên nhà nước chuyên chính vô sản với khẩu hiệu "vì dân". Thuở ban đầu, về mặt lý thuyết và theo quan niệm của triết học Mác-Lê, đó là hai nhà nước đối lập nhau về bản chất, đối kháng nhau về mục đích hoạt động. Ngày nay đã có đủ điều kiện để bình tâm nhìn lại và thấy rằng, thực ra hai "loại" nhà nước ấy chính là hai thể hiện mặt còn khiếm khuyết của nhau. Sự xuất hiện của nhà nước vô sản, với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (dù còn nhiều khiên cưỡng duy ý chí nên cũng chưa phù hợp với tâm lý sống đời thường (nói chung) của con người cũng như với trình độ sản xuất của thời đại) đã tạo ra hai "lực lượng nhà nước" tương phản nhau ở mức đối kháng trên thế giới, tác động nhau quyết liệt đến một mất một còn và nếu muốn sống còn thì đồng thời cũng phải tự chuyển hóa theo hướng duy nhất là tiếp cận lẫn nhau (cũng có nghĩa là theo hướng hợp lòng đại chúng hơn!). Các nước trong phe tư bản chủ nghĩa, có sự vận động xã hội thoát thai ra từ yêu cầu tự nhiên hơn nên uyển chuyển hơn và do đó cũng dễ dàng chuyển hóa hơn. (Chính điều đó đã giải thích vì sao mà các đảng cộng sản ở các nước đó nói chung là đều mất dần "sức chiến đấu"). Sự cực đoan duy ý chí bởi hạn chế nhận thức của thời đại đã làm cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trở nên "cứng dòn", không chuyển hóa kịp thời và hợp lý được, đành sụp đổ, dẫn đến đại đa số nhà nước cộng sản biến thái thành nhà nước tư sản, và trong số còn lại thì một vài nhà nước,tiêu biểu là nhà nước Trung Quốc, dù vẫn mang danh cộng sản thì chỉ là hình thức, là sự gắn nhãn mác chứ thực chất cũng có "phong thái" tư sản nốt.

- Nói thêm,cần nhận thức rằng thực hiện đảm bảo về nhân quyền thì cũng đồng thời đảm bảo ở mức độ nào đó về dân quyền, và thực hiện đảm bảo về dân quyền thì đồng thời cũng đảm bảo ở mức độ nào đó về nhân quyền, vì thực ra nhân quyền và dân quyền chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề thống nhất hữu cơ. Một nhà nước chuẩn mực là nhà nước trước tiên phải hiểu cho đúng vấn đề để "biết cách" đảm bảo được thỏa đáng đồng thời hai quyền ấy trong thực tế, và khi "làm được" như thế thì nhà nước sẽ được toàn thể quần chúng (cả người giàu lẫn người nghèo) ủng hộ và tôn vinh, vì nó đã mang bản chất thực sự do dân và vì dân. Và như thế, có lẽ trong một tương lai không xa, vấn đề xét một nhà nước là tư sản hay cộng sản sẽ không còn cần thiết phải đặt ra nữa, mà chỉ là vấn đề nhà nước đó thiện hay ác đối với quần chúng của nó-cái lực lượng tiềm ẩn sức mạnh vô địch nhưng lành tính, cưu mang nó và tin tưởng ủy thác sinh mạng của mình cho nó- ở mức độ nào mà thôi.

- Tiến trình vận động của xã hội loài người, do có sự lũng đoạn bởi hành động chủ quan, duy ý chí của chính con người mà thấy có lúc nhanh lúc trì trệ, đầy quanh co khúc khuỷu, nhưng thực ra vẫn luôn theo đúng chiều của nó. Nếu sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản là tất yếu thì sự xuất hiện phong trào đấu tranh giành quyền sống cơ bản của quần chúng cần lao thế giới mà phong trào đấu tranh giải phóng đòi độc lập dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa là bộ phận hợp thành của nó, cũng là một tất yếu. Để có thể đối đầu được trước một binh lực tập trung và cường bạo của nền thống trị chuyên chính tư sản, thì yêu cầu bức bách tự nhiên nảy sinh ra đối với phong trào đấu tranh đó là phải có một sự lãnh đạo tập trung , nhất quán về cương lĩnh nhằm thống nhất hành động.
Học thuyết Mác ra đời trong bối cảnh đó và các đảng cộng sản được thành lập để đóng vai trò tiên phong lãnh đạo phong trào cũng là vì lẽ đó...Cuộc sống của con người hiện nay trên thế giới, nói chung, "dễ thở" hơn nhiều về mặt tinh thần so với cách đây hơn một thế kỷ, không phải là sự "tình nguyện hiến dâng" của chủ nghĩa tư bản. Hãy nhận thức cho công tâm để biết nhớ ơn sự xả thân của lực lượng cần lao, trong đó có hàng triệu triệu con người cộng sản mà điển hình là nhân vật chính trong "Thép đã tôi thế đấy" thuộc một thời đoạn lịch sử đã qua!

- Xét riêng trường hợp Việt Nam. Năm 1858, thực dân Pháp nã pháo vào Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngay từ đầu, triều đình Huế, đứng đầu là ông vua nhát cáy, tham sống sợ chết Tự Đức, đã không có lòng quyết chiến, và càng về sau càng tỏ ra khiếp hãi, bạc nhược trước đội quân xâm lược không đông nhưng tinh nhuệ hơn và có hỏa lực áp đảo. Trong khi đó, trái lại, tinh thần chống xâm lăng của quần chúng ngày một dâng cao, làm xuất hiện phong trào tự phát vũ trang, đứng lên bảo vệ tổ quốc mà đứng đầu là những sĩ phu, nhà nho yêu nước. Dù tự phát và có tính manh mún thì phong trào ấy (lúc đầu nổ ra ở Nam Kỳ-Lục tỉnh, sau là Bắc Kỳ và Trung Kỳ) không những làm cho thực dân Pháp gặp rất nhiều khốn đốn với những tổn thất không nhỏ, mà còn không chỉ một hoặc hai lần đưa cuộc xâm lược của chúng vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, thậm chí là có khả năng bị thất bại hoàn toàn. Chính cái tư tưởng cầu hòa, chủ bại đầy bạc nhược của triều đình Huế đã làm cho những cơ hội hiếm hoi ấy trôi qua, không trở thành hiện thực được. Đó là một tội rất lớn đối với dân tộc Việt (gồm dân tộc Kinh và mọi dân tộc khác sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam). Nếu xét về trách nhiệm cá nhân thì kẻ gây ra tội ác đó, không ai khác là đích danh Tự Đức-một ông vua giỏi văn chương, thơ phú nhưng bản chất là nhẫn tâm, yếu hèn, đạo đức giả, trong thời trị vì trước khi Pháp xâm lược đã từng bị thần dân của mình nguyền rủa, chẳng hạn: "Bao giờ Tự Đức chết đi / Thiên hạ bình thì mới dễ làm ăn". Vì quá khiếp nhược trước thực dân Pháp, lại coi nhân dân không ra gì và chỉ mong toàn mạng mà Tự Đức đã không hề đếm xỉa đến vận mệnh dân tộc, trở nên phản động, bán dần đất nước, không những tích cực cản trở, ngăn chặn, mà còn đồng thời trực tiếp làm tay sai cho Pháp trong việc đàn áp phong trào đấu tranh vũ trang chống xâm lược của dân tộc Việt. Vì thế mà triều đình Huế nói chung và Tự Đức nói riêng cũng phải chịu trách nhiệm là nguyên nhân sâu xa gây nên hàng loạt cái chết uất ức (nhưng tiết liệt) của nhiều quan lại, sĩ phu yêu nước đương thời đó như: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Võ Duy Ninh, Phan Thanh Giản, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực...Có đủ bằng chứng lịch sử để nói rằng, triều đình Huế thời Tự Đức là triều đình "dở hơi" và phản động nhất trong lịch sử Việt Nam, và Tự Đức là ông vua "sợ dân hơn sợ giặc",đê hèn còn hơn cả sự ươn hèn của Lê Chiêu Thống, kẻ mang danh vua nhưng chưa từng làm vua có thực quyền, thực lực và được cai quản cả một đất nước như Tự Đức. Mặt khác, nếu tiền bối Gia Long là kẻ mở ra "công cuộc" rước voi về dày mả tổ thì hậu duệ Tự Đức là kẻ đã hoàn thành "suất sắc" cái "công cuộc" ấy!

Về danh nghĩa, có thể coi ngày ký hiệp ước Patơnốt (6-6-1884) là ngày thực dân Pháp hoàn thành cuộc xâm lược toàn cõi Việt Nam, nhưng trong thực tế phải coi ngày Hoàng Hoa Thám bị sát hại (10-2-1913) mới là ngày thực dân Pháp dập tắt được hoàn toàn phong trào đấu tranh vũ trang thời kỳ đầu của dân tộc ta chống sự xâm lược của chúng. Hiệp ước Patơnốt đã giúp Pháp nhanh chóng hoàn chỉnh, củng cố vững vàng bộ máy thống trị dưới danh nghĩa bảo hộ, tồn tại "bên cạnh" triều đình Huế, một nhà nước "hữu danh vô thực" mà thực chất là làm tay sai đắc lực cho chúng. (Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, dù đã bán nước thì không phải vì thế mà triều đình Huế vẫn tồn tại được. Nó được tiếp tục tồn tại là nhờ dã tâm "cáo già" của thực dân Pháp cho phép!). Tình hình đó và ít nhiều có cả sự góp phần của cái ý thức hệ nho giáo còn hằn sâu trong tâm trí người Việt, đã làm suy giảm hẳn khả năng qui tụ lực lượng, tổ chức vũ trang khởi nghĩa với khẩu hiệu chống xâm lược một cách đơn thuần như thời kỳ đầu. Đây là một trong số ít những nguyên nhân chủ yếu làm cho xã hội Việt Nam lắng dịu hẳn xuống kể từ sau phong trào đấu tranh Cần Vương (có thể cho là vào năm 1895 với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa An Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo) đến ít ra là hết thời kỳ "Khai thác thuộc địa lần thứ nhất" của thực dân Pháp (đến năm 1918). Nghĩa là nói chung, không còn hình thức đấu tranh vũ trang nữa mà chỉ còn hình thức đấu tranh chính trị dưới dạng "ngấm ngầm", mà cũng rất manh mún, gói gọn ở một số ít chí sĩ yêu nước và hoạt động tuyên truyền chủ yếu trong giới trí thức, học sinh.

Phong trào tự phát khởi nghĩa đấu tranh vũ trang, đối đầu trực diện với thực dân Pháp trong thời kỳ đầu, có động lực thuần túy từ lòng yêu nước nồng nàn, được hun đúc thành truyền thống qua hàng ngàn năm chống quân xâm lược phương bắc của dân tộc ta. Mục tiêu duy nhất của phong trào đó đơn thuần là chống thực dân Pháp xâm lược. Sau năm 1895, do tình hình xã hội Việt Nam đã thay đổi nên mục tiêu đấu tranh chống xâm lược đơn thuần không còn phù hợp nữa, làm cho cuộc đấu tranh yêu nước thời kỳ đó cũng lâm vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng chủ đạo. Lịch sử đã cho thấy rằng buổi đầu cuộc đấu tranh chính trị chống ách đô hộ của thực dân Pháp với sự tiếp tay và "ăn theo" của triều đình Huế thối nát, cũng đồng thời là cuộc tự đấu tranh tư tưởng để xác định đường lối khả dĩ nhất cho hành động. Cuộc đấu tranh tư tưởng đó làm xuất hiện nhiều trào lưu cách mạng, nhưng bị "rào cản" của nhận thức đương đại mà chung qui lại, không ảo tưởng (Phan Bội Châu), cải lương (Phan Chu Trinh) thì cũng phiêu lưu manh động (Nguyễn Thái Học), và đều đi đến bế tắc. Biểu hiện chung nhất của phong trào đấu tranh chính trị thời kỳ này là tản mạn, không lôi kéo được đông đảo quần chúng cần lao tham gia. Có như thế là vì một mặt, không có trào lưu cách mạng nào có được một cơ sở lý luận đủ sức thuyết phục, mặt khác là trong đời sống xã hội chưa xuất hiện hoặc nếu xuất hiện thì chưa rõ rệt một tình thế có lợi cho cách mạng phát triển.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tuy là nước thắng trận nhưng do bị tàn phá nặng nề nên đời sống kinh tế-xã hội cũng trở nên tiêu điều. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, chính phủ Pháp chủ trương tăng cường khai thác không thương tiếc các nước thuộc địa. Ở Việt Nam, chủ trương đó được hiện thực hóa bằng cuộc "Khai thác thuộc địa lần thứ hai". Qui mô và sự tàn bạo của cuộc bóc lột này làm cho tầng lớp làm công ăn lương (công nhân) tăng lên nhanh chóng về số lượng đồng thời làm cho họ cũng nhanh chóng lâm vào cuộc sống rất cơ cực. Đây là khâu trọng yếu làm xuất hiện tình thế cách mạng mà chính thực dân Pháp với bản chất ăn cướp trắng trợn đã tự gây ra. Tuy nhiên, tình thế cách mạnh chỉ có thể kích thích phong trào cách mạng vốn đang tản mạn về đường lối và lúng túng về lý luận lên mức độ hoạt động nào đó sôi nổi hơn, thậm chí là quyết liệt hơn (để dễ dẫn đến đổ vỡ đau thương hơn?!), chứ không thể đột nhiên làm cho phong trào ấy biến thành một cuộc cánh mạng đấu tranh giải phóng duy nhất, có cơ sở lý luận vững chắc, có tiêu chí và mục đích nhất quán, rõ ràng, cụ thể, thuyết phục và lôi cuốn được đại bộ phận quần chúng cần lao vì cũng thỏa mãn được niềm mong ước của họ.

Ngày nay, dù vẫn còn là vấn đề bí ẩn đối với khoa học, thì hiện tượng tâm linh đã được thừa nhận rộng rãi. (Từ đó mà nảy sinh luận điểm: một triết thuyết về thực tại khách quan, muốn xác đáng thì không được hàm chứa mâu thuẫn nội tại và đồng thời phải thực sự biện chứng, nhưng muốn thực sự biện chứng thì trước hết không được chối bỏ hiện tượng tâm linh (chứ không phải mê tín dị đoan) mà phải coi đó là biểu hiện một phương thức vận động của tự nhiên. Triết học Mác chưa thỏa mãn được yêu cầu đó!). Xét ở góc độ con người sinh học thì sự xuất hiện Hồ Chí Minh là một ngẫu nhiên, nhưng xét ở góc độ tâm linh thì sự xuất hiện đó là một linh ứng. Có thể nói tinh thần Hồ Chí Minh là kết quả được hun đúc nên từ tinh hoa khí thiêng sông núi Việt, từ nguyện vọng được sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hết mực thiết tha, nung nấu thường trực trong tâm hồn dân tộc Việt, từ nỗi uất ức còn đọng lại thành khối và thấu đến trời xanh của những anh hùng, nghĩa sĩ đã bất khuất chọn cái chết chứ không đầu hàng trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đã là con người thì không thể là thần thánh, nhưng có thể là sự ủy thác của thần thánh và ở mức độ nào đó nhận được sự mách bảo của thần thánh qua con đường linh cảm linh tri. Vì thế mà cuộc đời Hồ Chí Minh là một chuỗi những quyết định và hành động phi thường chỉ có thể có ở những bậc vĩ nhân. Ngay ở tuổi thiếu thời, dù kính trọng lớp cha anh là Phan Bội Châu, thì Hồ Chí Minh vẫn không theo tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu. Bước vào tuổi thanh niên, Hồ Chí Minh đã tự thân quyết định ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Rồi lúc ở Pháp tiếp xúc với bậc yêu nước lão thành Phan Chu Trinh, dù vẫn kính trọng tiền bối nhưng cũng không theo tư tưởng cách mạng của tiền bối mà lại hướng về cách mạng vô sản. Chỉ riêng từng đó thôi, vào thời buổi ấy, có thanh niên hay nói chung là người Việt yêu nước nào có đủ bản lĩnh và sáng suốt làm được như Hồ Chí Minh? Không ai cả! Hồ Chí Minh chính là người được sinh ra để gánh trên vai trọng trách đưa đất nước và dân tộc Việt thoát khỏi vòng đô hộ và nô dịch của ngoại bang và bè lũ ngụy quyền tay sai. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà tổ quốc Việt Nam giao phó và do đó ông cũng hiển nhiên trở thành vị anh hùng dân tộc trong thời đại mình.
Phong trào cách mạng Việt Nam đang trong "cơn bĩ cực" về tư tưởng và đường lối thì được cuộc khởi nghĩa thắng lợi của cách mạng vô sản Nga (cách mạng Tháng mười Nga, năm 1917) cùng với học thuyết Mác-Lê soi rọi tới. Những năm đầu thập niên hai mươi của thế kỷ XX là khoảng thời gian rộ lên một cách tích cực sự chuyển biến về tư tưởng và đường lối đấu tranh yêu nước, giành độc lập dân tộc trong hàng ngũ các chí sĩ, những trí thức cấp tiến của phong trào cách mạng Việt Nam. Cuộc chuyển biến có tính nhất quán ở chỗ xác định kẻ thù chính (không thể thỏa hiệp) của dân tộc là thực dân Pháp, do đó mục tiêu trọng yếu và trực tiếp của cách mạng là trước sau gì cũng phải đối đầu trực diện, kiên quyết đánh đuổi chúng đi. Lịch sử cho thấy quá trình chuyển biến tư tưởng ấy có xu hướng qui dần đến lựa chọn học thuyết xã hội Mác-Lê và cách mạng vô sản. Phan Bội Châu vào những năm tháng cuối đời (khoảng thời gian bị quản thúc ở Huế) đã hết lời ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Phạm Tuấn Tài là người cùng Nguyễn Thái Học sáng lập Việt Nam quốc dân Đảng, tổ chức chính trị tiêu biểu cho xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Sau khi Việt Nam quốc dân Đảng tan rã, trước lúc mất vì bệnh, Phạm Tấn Tài đúc kết: "...Chủ nghĩa quốc gia hiện đã trái mùa, cả đến chủ nghĩa xã hội dân chủ (tư sản-NV) hay chủ nghĩa tam dân cũng chỉ là những cách mệnh cải lương không công hiệu. Nói rõ hơn, chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới có thể đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc mà giải phóng cho các dân tộc yếu hơn, chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới phá tan được xã hội giai cấp mà dẫn nhân loại tới thế giới đại đồng". Theo Lê Duẩn ("Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam", NXB Sự Thật, Hà Nội, năm 1967) thì: "Từ năm 1930, trên dải đất Việt Nam, phong trào chống đế quốc giành độc lập, giải phóng dân tộc, chỉ là những phong trào do giai cấp công nhân lãnh đạo". Như vậy, tương tự như phong trào cách mạng Nga, sự hướng tới thực hiện cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với phong trào cách mạng Việt Nam chính là lựa chọn có tính tự nhiên của thời cuộc, cũng tức là có hàm chứa tính tất yếu.
Không đếm xỉa nhưng cũng chấp luôn cả đám mang lòng thù hận cộng sản điên cuồng đến mức hoàn toàn mù lòa và bệnh hoạn, mở miệng ra, không chửi bới thô lỗ cũng trơ tráo đặt điều vu khống trắng trợn, chắc rằng không một ai có thể trưng ra bằng chứng đích đáng và đủ lý lẽ phản biện để phủ nhận được vai trò tiên phong và quyết định của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc ta giành lại độc lập, chủ quyền đất nước, đập tan ý đồ nô dịch nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp bằng thắng lợi sau chín năm kháng chiến trường kỳ, đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi, đánh đổ ngụy quyền tay sai, thống nhất nước nhà sau ngót hai mươi năm kháng chiến thần thánh và đại thắng. Trong lịch sử nhân loại thời hiện đại chỉ duy nhất có dân tộc Việt Nam, trong suốt cuộc đấu tranh gan góc và bền bỉ nhằm giành lại quyền sống cơ bản và chính đáng của mình trước thực dân, đế quốc, luôn được nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ không những đồng tình ủng hộ mà còn cảm phục và hết lời ngợi ca. Đó chính là niềm tự hào dân tộc của mọi con dân Việt Nam! Và trong niềm tự hào ấy, tất nhiên phải hiện lên rõ nét hình ảnh sống động của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh cùng với những con người tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, quả cảm vô song, cho trí tuệ minh triết của dân tộc trong thời đại mới, như: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt...Như đã nói, con người không phải là thần thánh và dù là thần thánh thì khi hành động đôi khi cũng vẫn phạm sai lầm cá nhân, thậm chí là sai lầm lớn. Song, không phải vì thế mà chê bai có ý đồ mạt sát, bôi nhọ tài năng và đức độ những con người tiêu biểu đã đi vào lịch sử ấy-những con người là cha anh của thế hệ hôm nay, nhất là phủ nhận công lao thực sự to lớn của họ đối với đất nước, dân tộc. "Người quân tử (trong khi hành hiệp) đôi khi phạm phải điều bất nhân, nhưng chưa từng thấy kẻ tiểu nhân làm được điều nhân nghĩa". Đó là lời của Khổng Tử và ngẫm nghĩ thấy...cũng chí lý! Nếu đặt các vị có trình độ giáo sư, tiến sĩ hiện nay đang lớn tiếng chê khinh sự "ít học" của những con người tiêu biểu nêu trên, vào thời cuộc ấy và ở ngay những vị trí của họ, chắc gì các vị đã lập được một "góc nhỏ" công trạng cho đất nước như họ và phạm sai lầm ít hơn họ?

(Còn tiếp)