Ngôn và luận, bài 3/a

N-L 3/a


(Xin kính dâng TỔ QUỐC muôn quí ngàn yêu)


"Cái quí nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người"
LB:
- N. A. Ôxtơrốpxki là người toàn tâm toàn ý, hiến dâng trọn đời mình cho cách mạng vô sản Nga và cũng là một nhà văn nổi tiếng thời Liên bang xô-viết. Ô. sinh ngày 29-9-1904 tại làng Vilia thuộc Ucraina. cách mạng Tháng 10 Nga bùng nổ vào năm 1917. Năm đó, Ô. mới 13 tuổi nhưng đã tham gia phục vụ Cách mạng rồi tiếp theo là gia nhập Hồng Quân...Năm 1925, do trước đó từng bị thương và mắc bệnh nặng trong điều kiện sinh hoạt kham khổ nên sức khỏe của Ô. suy giảm mạnh, buộc phải đi điều trị ở Khácốp rồi sau đó, vào tháng 5-1926 thì chuyển sang một khu an dưỡng ở Crimê. Đến tháng 12-1926, bệnh tình của Ô. trở nên trầm trọng đến nỗi hầu như không còn đi lại được nữa. Tuy thế, Ô. vẫn nỗ lực học tập và hoàn thành chương trình bậc đại học vào tháng 6-1929. Bất hạnh thay, đến tháng 8-1929, không những bại liệt, Ô. còn bị mù hoàn toàn nữa. Ấy vậy mà ngay năm sau, tức năm 1930, Ô. đã bắt đầu được việc chấp bút viết tác phẩm để đời của mình - cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: "Thép đã tôi thế đấy". Bên cạnh đó, Ô. còn thường xuyên viết bài cho các tờ báo, tạp chí cộng sản cũng như thường xuyên nói chuyện trên đài phát thanh... Tháng 10-1935 Ô. được trao Huân Chương Lênin (là huân chương tôn vinh công trạng cao quí nhất của nhà nước Liên-Xô)... Ô. qua đời trong bệnh tật ngày 2-12-1936.

- Cuộc đời Ô. tuy ngắn ngủi nhưng đã là một tấm gương sáng ngời về tình yêu mãnh liệt cuộc sống và nghị lực sống phi thường đối với nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới. Cuốn "Thép đã tôi thế đấy" đã từng có tác dụng to lớn trong việc động viên tinh thần "phục vụ quên mình" đối với tuổi trẻ theo lý tưởng cộng sản, trong đó có thanh niên Việt Nam ở các thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ XX...

- Tại sao trên thế giới có một thời kỳ mà Chủ nghĩa xã hội được đông đảo quần chúng cần lao rất mực ngưỡng mộ, cũng như Lý tưởng cộng sản có được sức lôi cuốn mãnh liệt con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, còn bây giờ, hầu như mọi người đều thờ ơ với chúng, thâm chí là căm ghét chúng? Phải chăng vì quần chúng và cả tầng lớp trí thức hồi đó nhận thức kém, mê muội trước một sự tuyên truyền mị dân? Không phải! Tại sao hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (có nhà nước theo thiết chế "tập trung dân chủ", theo đuổi một chế độ mà trên lý thuyết, nếu xét riêng về mặt bác ái, nhân nghĩa, thì ai cũng phải thừa nhận là ưu việt, đáp ứng được nguyện vọng của đại bộ phận dân chúng trong xã hội, và hơn nữa, trong thực tế, số đông những người cộng sản đóng vai trò lãnh đạo ở những mức độ khác nhau trong bộ máy nhà nước vô sản vẫn là những con người có tài năng, liêm khiết, vẫn một lòng một dạ với mục đích xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, vẫn tận tụy vì dân vì nước), lại chỉ tồn tại không quá nửa thế kỷ không lấy gì làm "huy hoàng" cho lắm rồi đổ sụp nhanh chóng (nói đúng hơn là tan rã và biến thái)? Phải chăng là do cái thiết chế độc đảng độc quyền lãnh đạo gây ra? Cũng không phải nốt! Cần phải tìm nguyên nhân của hiện tượng ở nơi thâm thúy hơn nhiều!

- Hiện nay trên chính trường Việt Nam đã xuất hiện cuộc đấu tranh tư tưởng xoay quanh vấn đề mà chung qui lại là xét sự đúng-sai của chủ nghĩa Mác-Lênin, và cuộc đấu tranh này đang trở nên ngày một gay gắt. Đúng là khó lòng phủ nhận được, đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay đang bộc lộ ra nhiều vấn nạn trong khâu quản lý và điều hành đất nước, trong việc ngăn chặn, trừng trị tệ cường quyền, tệ tham quan lại nhũng cũng như những tệ nạn gây ảnh hưởng xấu đến khối đoàn kết dân tộc và làm suy đồi nền tảng đạo đức khác. Cũng đúng là do có những mặt hoạt động còn yếu kém mà chính phủ và cả Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm phần lớn khi để xảy ra những tiêu cực có thể đã không xảy ra hoặc xảy ra không đến mức trầm trọng như đã thấy. Nhưng nếu từ đó đi đến qui kết cho rằng chính cái thiết chế nhà nước mang ý thức hệ cộng sản đã đóng vai trò nguyên nhân sâu xa làm xuất hiện các vấn nạn chính trị- kinh tế-xã hội hiện nay, để rồi dựa trên những chiêu bài nhân quyền, tự do, dân chủ, bình đẳng...(những khái niệm tưởng đơn giản nhưng lạ lùng là từ trước đến nay, kể cả ta lẫn tây, kể cả những triết gia được cho là "to đầu" nhất vẫn chưa thực sự tường tận, vẫn mỗi ông một phách, do đó... vẫn đang "cãi nhau chí chóe") mà đòi nằng nặc phải đa nguyên đa đảng, nghĩa là đòi gì thì gì cũng phải lập tức "cách cái mạng" thể chế "này", còn hậu họa ra sao mặc kệ, thì thật là không những nông nổi, thiển cận, bất cẩn mà còn cực đoan, duy ý chí, mang tính ngông cuồng, đầy ác ý (dù có thể chỉ vô tình!), tưởng là phụng sự nhân dân nhưng lại hóa ra vô trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Đành rằng, về mặt cấu trúc, không phải cái thiết chế nhà nước đang hiện hành không hàm chứa những bất ổn, khuất tất trong nội tại nó, không phải cái triết thuyết xã hội làm tiền đề tồn tại cho nó đã hoàn hảo (thậm chí là đã bộc lộ ra những nghịch lý và chưa khắc phục được!). Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu, mang tính cốt lõi gây ra tình trạng suy thoái xã hội về cả vật chất lẫn tinh thần hiện nay, xét ở bình diện sâu xa nhất, thực chất nhất, lại không phải là tại điều đó, nghĩa là tại cái thiết chế nhà nước mang ý thức hệ cộng sản. Dù có phản bác đến mấy đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận rằng, qui mô nền kinh tế và kéo theo là mức sống người dân nói chung trong xã hội hiện nay, nếu đem so với thời điểm "đêm trước" đổi mới, đã ở mức phát triển vượt bậc. Không thể phủ nhận được thành tích đó, hơn nữa là thành tích to lớn, của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam khi đã tự thân phá bỏ được cái quan niệm xây dựng kinh tế theo hình mẫu tưởng như duy nhất đúng, tưởng như phải thế chứ không thể khác mới phù hợp với tiến bộ và văn minh nhân loại nhưng thật ra là duy ý chí,khiên cưỡng, siêu hình và do đó mà cũng phi lý, để đưa đất nước đang trong tình trạng lạc hậu đói nghèo, xơ xác sau chiến tranh chống Mỹ xâm lược, rồi chịu thêm tổn thất lớn về người và của bởi hai cuộc chiến tranh cục bộ do các thế lực thù địch gây ra, chịu thêm cú "tự phá phách" của thời đoạn "Đêm trước đổi mới", bên cạnh đó còn bị siết chặt bởi nạn bao vây kinh tế của đế quốc siêu cường kinh tế Mỹ và của cả "ông anh Tàu láng giềng (chỉ chính phủ và giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc) tham, thâm, bẩn tính", đến được vị thế ngày hôm nay...

- Vậy, nếu thiết chế nhà nước cộng sản không phải là nguyên nhân chính yếu và cốt lõi dẫn đến tình trạng suy thoái vật chất - tinh thần xã hội thì do đâu, tại vì cái gì? Khỏi phải mất công suy luận, giải thích dài dòng chi cho mệt xác mà chỉ cần "lướt qua" lịch sử thế giới cũng phần nào suy ra được câu trả lời! Trong suốt hàng ngàn năm tồn tại thể chế quân chủ (đúng nghĩa là thể chế độc tài, toàn trị nhé!), thực trạng của một nước thịnh hay suy hoàn toàn tùy thuộc vào trí tuệ và tâm hồn của ông vua chứ chẳng cần nhờ đến bất kỳ "thứ" đa nguyên, đa đảng nào. Vào thời đó, khi trong một nước bùng lên cái đòi hỏi mang bản chất đa nguyên - đa đảng thì tình trạng xã hội sẽ lâm vào hỗn loạn và tất yếu dẫn đến nạn cát cứ, chia năm xẻ bảy đất nước, để rồi sau một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, đất nước lại thống nhất dưới sự điều hành của một nhà nước theo thiết chế quân chủ y như cũ và (thường là) bước vào môt quá trình đi đến thịnh vượng mới...

- Ngày nay, nếu không tất cả thì cũng hầu hết các học giả vẫn quan niệm rằng chế độ phong kiến nói chung là bất công, thống trị xã hội một cách độc đoán, hà khắc, hoàn toàn mất tự do dân chủ. Đó là một ngộ nhận! Đúng là có những giai đoạn như vậy và trở nên nổi bật vào giai đoạn tồn tại cuối cùng của thể chế quân chủ thế giới. Song, xen kẽ những giai đoạn ấy (thường gắn liền với trạng thái xã hội suy đồi) lại là những giai đoạn cởi mở, người dân thật sự được sống trong cảnh ấm no sung túc, an bình và tự do. Có rất nhiều ông vua, bà chúa được nhân dân đương thời tôn vinh, nhiều người trong số họ còn được sùng tín ngang với thần thánh. Vì sao???...Và thêm câu hỏi này nữa: nếu sự độc tài - toàn trị là phi lý, xấu xa, phản dân hại nước thì sao hình thức nhà nước với thiết chế quân chủ lại có thể tồn tại trường kỳ suốt hàng ngàn năm một cách phổ biến khắp thế giới như vậy?

- Hãy tạm "rời mắt" khỏi xã hội loài người mà nhìn vào thế giới động vật - cái nôi tự nhiên sản sinh ra giống loài người! Lối sống bầy đàn (nguồn cội của lối sống xã hội) không phải là kết quả ngẫu nhiên của thiên tạo mà là kết quả tất yếu của quá trình tiến hóa thích nghi sinh vật. Đã bầy đàn thì phải có thủ lĩnh, thường là một cá thể độc quyền. "Đoàn quân" đông hàng triệu con dê rừng thiên cư theo mùa ở châu Phi là có tính bầy đàn, chứ chưa phải là bầy đàn thực thụ theo nghĩa có liên kết nội tại tương đối ổn định, bền vững. "Đoàn quân" ấy có thủ lĩnh chỉ huy không mà răm rắp trường chinh theo "tuyến đường" duy nhất (dù rất "gian nan vất vả và đầy hy sinh", có đến một phần tư số lượng con chết dọc đường) hướng đến nơi phải đến? Có, dù là thủ lĩnh... ẩn, đó chính là Thiên Nhiên vĩ đại, độc quyền và toàn trị! Thêm câu hỏi nữa bật ra: các cá thể trong "đoàn quân" thiên di ấy có tự do không? Khó mà trả lời khẳng định hay phủ định một cách dứt khoát được, nhưng có một gợi ý thú vị: chúng không hề bị ...bóc lột -c ái vấn nạn phổ biến, có tính mặc định và là "nơi" phô bày ra mọi bất công, bất hạnh, bất bình trong xã hội loài người!...

- Nhìn ở góc độ khác, đấu tranh sinh tồn là qui luật cơ bản của thế giới sinh vật. Nhờ có qui luật đóng vai trò quyết định này mà trong thế giới sinh vật mới có quá trình tiến hóa-thích nghi làm xuất hiện đa dạng giống loài sinh vật. Nói chung, tùy thuộc vào thể tạng, lối sống đã định hình trước đó và xu thế biến chuyển có tính trường kỳ của môi trường sinh thái mà hướng ưu tiên tiến hóa-thích nghi ở những giống loài khác nhau là khác nhau. (Hiển nhiên, trong các hướng ấy có hướng làm xuất hiện loài người biết tư duy trừu tượng. Đây là một ngẫu nhiên mang tính tất yếu "may mắn" hay là một tình cờ có tính định mệnh "xui xẻo" của Trái Đất!!!???). Với sự xuất hiện và tồn tại đa dạng giống loài trong thế giới sinh vật, có vẻ như quá trình tiến hóa-thích nghi không hề bị khống chế về kiểu cách biến cải cơ thể sinh vật, miễn không vi phạm các quy luật vật lý (nghĩa là trái với tự nhiên). Không hẳn thế! Ngoài điều kiện tiên quyết là không được vi phạm các quy luật vật lý, quá trình đó còn bị khống chế, giới hạn phạm vi hoạt động bởi ngay chính tính mục đích của nó. Mục đích tối hậu của quá trình tiến hóa - thích nghi ở mọi giống loài sinh vật là để đảm bảo và duy trì sự sống còn của chúng. Theo đó, cơ thể của chúng sẽ dần biến cải trên nguyên tắc kế thừa thực tạng cũng như lối sống sinh học đặc thù đang có nhằm đáp ứng một cách phù hợp với điều kiện sống mới do môi trường sinh thái (không phải chỉ gồm thời tiết, khí hậu, đất, nước, ..., mà bao gồm cả sự hiện diện của các giống loài sinh vật khác)đã biến đổi, thêm nữa, nhằm tăng cường cạnh tranh sinh tồn theo hướng tối ưu hóa trong khả năng có thể. Một trong những đặc trưng cơ bản của tự nhiên nói chung là sự thể hiện đa dạng trong thống nhất của nó. Thiên nhiên của Trái Đất, vì là bộ phận tương đối độc lập của tự nhiên nói chung nên phải bộc lộ đặc tính này. Lệ thuộc vào thiên nhiên đồng thời là bộ phận hợp thành của thiên nhiên, đến lượt thế giới sinh vật cũng vậy nốt...Có thể nêu ra ngay lập tức hàng loạt dẫn chứng về sự bị khống chế trong giới hạn của quá trình tiến hóa-thích nghi bởi tính mục đích của chính nó. Chẳng hạn, tất cả động vật bậc cao trên nấc thang tiến hóa đều có bốn "chi" (hai chi trước có thể là "tay" để cầm nắm hay "cánh" để bay), trong đó, hầu hết động vật chuyên ăn rau, cỏ là có sừng, hình như chỉ loài ngựa (nhờ chạy nhanh), thỏ (nhờ thân hình nhỏ, linh động) và tương tự như thỏ là không có, còn ở động vật chuyên ăn thịt thì hoàn toàn không có sừng mà thay vào đó là có móng vuốt sắc và răng nanh. Hiện tượng phổ biến hơn nữa mà cũng gây ấn tượng rất mạnh là tuyệt đại đa số giống loài động vật kể cả trên cạn và dưới nước đều có hai mắt, không nhiều hơn mà cũng không ít hơn. Xét riêng toàn bộ lớp thú trên cạn thì đầu con vật nào cũng phải có và chỉ có hai tai, hai mắt, một mũi và một mồm, được sắp đặt tại những vị trí tương tự nhau để có những bộ mặt "na ná" nhau... Cuối cùng, hiện tượng có lẽ chung nhất mà cũng điển hình nhất, thể hiện rõ ràng nhất về sự tiến hóa có tính đa phương trong nhất quán tuân thủ ở thế giới sinh vật, đồng thời có mối liên quan "sát sườn" đến bài viết này, đó là ngay từ buổi đầu xuất hiện sự sống, hoạt động sống của một cá thể sống (đơn bào) đã phải tuân theo nguyên tắc (dù thể hiện còn mờ nhạt) thống nhất phối hợp điều hành bởi một trung tâm chỉ huy duy nhất, và trong suốt quá trình tiến hóa sinh vật, dù theo hướng nào, cũng không vi phạm nguyên tắc đó. Hơn nữa, qui luật đấu tranh sinh tồn đã tạo ra một xu thế tiến hóa củng cố ngày càng hoàn thiện phương thức hoạt động sống tuân theo sự thống nhất phối hợp điều hành bởi một cơ quan duy nhất đóng vai trò chỉ đạo. Cơ quan đó, nói nôm na, đối với thực vật gọi là "cái gốc", đối với động vật gọi là "cái đầu" (mà đối với động vật bậc cao, "chính danh" là bộ não!).

Tại sao ở tất cả các giống loài động vật, mỗi cá thể đều chỉ có duy nhất nhưng phải có cái bộ phận (tạm) gọi là "cơ quan đầu não" ấy? Dù có vẻ như không tham gia trực tiếp vào bất cứ "công việc" cụ thể nào để nuôi sống cơ thể nhưng lại là cơ quan tối quan trọng của cơ thể. Mọi hoạt động duy trì cuộc sống ở mọi cá thể động vật đều nhằm ưu tiên trước hết và trên hết cho sự sống còn của cơ quan đầu não bởi không còn nó, con vật cũng không còn "hồn vía", nghĩa là không thể sống được nữa. "Nguy hiểm" cỡ đó nhưng quá trình tiến hóa vẫn tuyệt nhiên không được phép tạo ra giống loài động vật có từ hai cơ quan đầu não trở lên (với mục đích "dự phòng" chẳng hạn!) để tăng khả năng sống còn cho chúng. Tại sao vậy?

- Ở loài người biết tư duy trừu tượng cũng không khác, mỗi con người cũng chỉ có một cái đầu (gồm một bộ não với những cơ quan chức năng "dưới quyền") đảm nhận một cách (rõ ràng là) độc tài và toàn trị vai trò đề ra "đường lối, chính sách" cũng như trực tiếp "lãnh đạo, chỉ huy" đối với mọi hoạt động sống của cơ thể người đó? Sao tạo hóa không cho con người sở hữu chẳng hạn là ba bộ não để cơ thể được "bảo hộ" trong chế độ "đa nguyên đa đảng" hoặc chí ít cũng có được một "bộ máy lãnh đạo" theo chế độ "tam quyền phân lập", nếu đó là những cách thức làm cho hoạt động sống của cơ thể người dễ dàng hơn, lành mạnh hơn, ít phạm sai lầm hơn và do đó cũng hiệu quả hơn, so với cách thức "lãnh đạo, điều hành" kiểu "độc tài toàn trị" (đương nhiên rồi!) của một bộ não duy nhất? Rất có thể câu trả lời chỉ đơn giản thế này: tạo hóa "rất sợ" phải thấy cảnh một cuộc vận động được điều hành bởi một đầu não "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc cảnh một máy bay đang bay được lái đồng thời bởi hai phi công (có cách xử lý tình huống khác nhau) với hai hệ thống lái độc lập nhau!

- Dù còn phải bàn lại nhiều điều để đi đến đồng thuận về mặt triết học trong nhận thức tự nhiên - xã hội, song, về đại thể, có thể nhất trí được rằng: trước một chủ thể quan sát và tư duy (cụ thể ở đây là con người), thực tại khách quan thể hiện ra như một tổng thể "xã hội" thống nhất, được hợp thành một cách hòa quyện bởi hai "lực lượng" không thể tách rời nhau, là lý do tồn tại của nhau, nhưng đồng thời cũng tương đối độc lập nhau, đó là vật chất và tinh thần (trong đó vật chất đóng vai trò tiền đề, "vật mang"). Cũng có thể mường tượng theo một góc độ khác: thực tại khách quan chính là vũ trụ vạn vật - hiện tượng. Trong vũ trụ, vạn vật (chất) tồn tại và vận động một cách phụ thuộc lẫn nhau, có tính phối hợp nhịp nhàng (nếu không thì không thể có vũ trụ!), tuân thủ nghiêm ngặt theo những nguyên lý tự nhiên, hợp thành một quần thể thống nhất (rõ ràng là) mang tính xã hội. Thế thì những nguyên lý tự nhiên đó từ đâu mà có? Đây là câu hỏi cực khó đối với những ai không tin vào sự tồn tại của Thượng Đế (nhưng không phải là không trả lời được!). Hêghen (G. F. Hegel, 1770-1831), nhà triết học kiệt xuất thế giới, người đại diện cuối cùng của Triết học cổ điển Đức, chắc rằng trong khi phát triển tư tưởng triết học của mình đã "đụng độ" với câu hỏi sinh-tử này. Có lẽ vì chưa thấy được nguồn gốc sâu xa của sự vốn dĩ cũng như sự khác nhau giữa vốn dĩ "trần trụi" khách quan và nguyên lý "đẫm màu" chủ quan, hơn nữa là để tiếp tục tiến lên, Hêghen đã không còn cách nào khác, buộc phải thừa nhận, đồng thời cũng thực lòng tin vào sự tồn tại của cái gọi là "ý niệm tuyệt đối" hay "tinh thần tuyệt đối". Điều này đã lý giải vì sao tinh thần triết học Hêghen từ duy vật - vô thần thời kỳ đầu chuyển dần sang duy tâm khách quan. Dù sao, cái quan niệm về sự tồn tại "tinh thần tuyệt đối" không phải là không có lý, và nếu "gột rửa" cái sắc màu huyễn hoặc, kỳ bí của nó đi thì đã rất gần với sự thực khách quan. Có thể thay "tinh thần tuyệt đối" bằng thuật ngữ "tạo hóa", và dù vẫn chưa biết đích xác tạo hóa là gì thì vẫn hoàn toàn xác đáng nếu cho rằng nó chính là nguồn gốc xuất phát của mọi nguyên lý tự nhiên. Nhưng có mấy tạo hóa, một, hai hay nhiều?Con người, dù giàu trí tưởng tượng đến mấy, dù hoang tưởng phiêu lưu đến mấy thì từ xưa đến nay, chưa thấy ai đề xướng ra thế giới tự nhiên có hai (chứ chưa cần nói đến nhiều) thượng đế, hai đấng tối cao hay hai tạo hóa cả. Đơn giản vì "vẽ ra" như thế không thể không phát sinh mâu thuẫn nội tại. Hơn nữa, nếu tạo hóa toàn năng thì chỉ cần một đấng là quá đủ! Còn nếu tạo hóa không toàn năng thì dù có bao nhiêu đấng đi nữa, vũ trụ này cũng không thể tồn tại. Vậy, tạo hóa phải là toàn năng và duy nhất! Dông dài đến đây thì có được hình dung: nếu coi vũ trụ như một quần thể xã hội loài người, những nguyên lý tự nhiên cơ bản là hiến pháp, và tất cả qui luật triển khai ra từ những nguyên lý ấy là luật pháp thì tạo hóa chính là một nhà nước độc quyền toàn trị. Hình dung đó cũng đúng ở phạm vi hẹp hơn: trong cơ thể một con người, chỉ có một "cái tôi" chỉ huy theo lối độc tài và toàn trị, không bao giờ có thể tồn tại đồng thời hai "cái tôi" (con người có thể có đa nhân cách nhưng trong một thời gian chỉ có thể hiện diện một nhân cách!). Phải chăng độc quyền toàn trị là một nguyên tắc có nguồn gốc sâu xa từ tự nhiên?

- Trái với tự nhiên là không thể tồn tại. Đây là một chân lý tuyệt đối (hiểu theo nghĩa rộng)! Như vậy, sự tồn tại trường kỳ của hình thức nhà nước theo thiết chế quân chủ (triều đình) trong lịch sử rõ ràng không phải là một cái gì đó khiên cưỡng, được tạo ra bởi ý thích chủ quan và tùy tiện của con người, mà chính là do đòi hỏi bởi thực tại khách quan, và vì thế nên cũng đáp ứng phù hợp đối với thực trạng xã hội (với trình độ cuộc sống,sinh hoạt, lao động và sản xuất) ở những thời đoạn ấy. Có lẽ chính điều đó đã lý giải vì sao trong gần suốt thời gian tồn tại xã hội phong kiến, vấn đề tìm cách thay thế nhà nước quân chủ bằng một nhà nước có thể chế khác nào đó (chẳng hạn như thể chế nhà nước kiểu dân chủ hay cộng hòa đã từng xuất hiện ở Hi Lạp hay La Mã cổ đại) đã hầu như không được đặt ra. Lúc đó, sự quan tâm của các nhà tư tưởng chỉ trong phạm vi tìm kiếm biện pháp, cách thức cai trị cụ thể đối với một chính thể quân chủ, sao cho yên quốc an dân...

- Do có sự tác động liên tục của tổng hợp nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan (nếu xét cho đến cùng thì đều là tự nhiên), mà xã hội loài người không ngừng biến đổi theo xu thế (qui ước gọi, quen gọi là) phát triển về trình độ sống, chất lượng sinh hoạt cũng như trình độ sản xuất. Châu Âu, với những đặc thù tự nhiên-xã hội của nó, đã có bước phát triển đột khởi về khoa học-kỹ thuật kéo theo sự phát triển đột khởi về trình độ sản xuất, làm xuất hiện hình thức sản xuất công nghiệp tập trung có qui mô ngày một lớn, mở đường cho nền kinh tế lấy cạnh tranh tự do làm lẽ sống còn ra đời mà về sau được gọi là nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó làm nảy sinh trong xã hội những đòi hỏi ngày càng gay gắt và quyết liệt về những vấn đề liên quan đến những khái niệm (mà ngày nay đã đóng vai trò là những yếu tố hợp thành xuất phát điểm của mọi luận thuyết chính trị, của mọi hiến pháp): tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng, bình đẳng...,tạo tiền đề "truất phế" thiết chế nhà nước quân chủ (đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống kinh tế xã hội), dựng nên một nhà nước mang hình thức mới, có thiết chế tương phản với thiết chế quân chủ, gọi là nhà nước (cộng hòa) tư sản.

- Sự xuất hiện nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa trong xã hội của giống loài sống theo lý trí trên nền tảng bản năng, là một tất yếu, mà nếu xét về phương diện đạo đức (được xây dựng nên từ cốt lõi là tình yêu thương đồng loại) thì cũng chẳng ưu việt gì hơn nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất phân tán trong xã hội phong kiến, nghĩa là danh lợi vẫn là tiêu chuẩn chủ yếu trong việc xác định phẩm giá con người. Hơn nữa, trong xã hội tư bản thời kỳ đầu, dưới sự bảo hộ của nhà nước tư sản- một nhà nước thực chất là đại diện cho quyền lợi của tầng lớp tư sản giàu có mà phần đông trong số họ thoát thai ra từ giới quí tộc, tăng lữ phong kiến thời mạt vận, suy đồi, với bản chất sống khoa trương, đạo đức giả nhưng đầy vị kỷ và tàn nhẫn-, cuộc cạnh tranh tự do mang tính chất cá nhân, tư hữu được đẩy lên cao trào, tỏa rộng cũng như len lỏi đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế, để rồi làm cho cái tinh thần vị kỷ đến mức nhẫn tâm vốn có nổi bật lên, bao trùm đời sống xã hội và ngày càng "dữ tợn", lấy "mạnh vì gạo bạo vì tiền", "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" làm phương châm sống. Chính cái tinh thần ấy đã thúc đẩy các nhà nước tư sản châu Âu ở thời kỳ đầu tồn tại xã hội tư bản đua nhau xua quân ồ ạt đi xâm lược mọi miền đất trên thế giới để chiếm làm thuộc địa, chà đạp lên mọi ý niệm về quyền sống cơ bản của con người do chính xã hội tư bản nêu ra và cũng là những yếu tố tạo thành lý do tồn tại của bản thân thể chế nhà nước tư sản.

- Nhà nước pháp quyền tư sản ra đời nhằm đảm bảo cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tồn tại và phát triển. Thuở ban đầu, cạnh tranh tự do là động lực hoạt động cơ bản của nền kinh tế ấy, cho nên đảm bảo quyền cạnh tranh tự do đối với mọi cá thể trong xã hội cũng là mục đích đầu tiên của nhà nước tư sản. Như vậy, nhà nước tư sản, chí ít là vào thời kỳ đầu xuất hiện, không hề "đả động" gì tới đời sống của quần chúng cần lao, tới "những người khốn khổ", nghĩa là không có một biểu hiện có ý chí tự giác và trực tiếp nào thực sự hướng tới "vì dân". Theo tôi, có hai câu nổi tiếng trong lịch sử đóng vai trò hợp thành luận điểm khởi xuất ra hiến pháp của một nước có thể chế nhà nước tư sản. Câu thứ nhất trong Tuyên ngôn Độc Lập của nước Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", và câu thứ hai trong Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Từ trước đến nay, ai cũng thừa nhận hai câu nổi tiếng đó là vô cùng chí lý. Thật ra, nếu bình tâm suy xét kỹ thì chúng là những câu không những tối nghĩa, chứa đựng mâu thuẫn nội tại về mặt nhận thức triết học, mà hơn nữa còn hàm chứa tiềm tàng sự vô cảm, vị kỷ, nhẫn tâm (tức là sự vô đạo đức, xét ở góc độ tình yêu thương đồng loại). Có như thế là vì những khái niệm cơ bản được nêu ra từ hai câu đó, đến tận ngày nay, vẫn chưa được hiểu rõ ràng và đồng thuận, quan trọng hơn, vẫn chưa được định nghĩa trên cơ sở tình yêu thương đồng loại. Chẳng hạn, như thế nào gọi là "quyền được sống", một người có đủ "quyền được sống" chưa khi do hoàn cảnh khách quan gây ra phải sống đói khổ và không được đoái hoài tới, trong lúc người xung quanh sống sung túc, dư dả?... Vì những lẽ đó mà hai câu nêu trên trong thực tế hóa ra lại chỉ là một thứ vũ khí bảo vệ hữu hiệu cho sự cạnh tranh có tính tự phát, mù quáng, vô tổ chức trong hoạt động kinh tế, cho quyền tự do tư hữu (đến vô hạn độ) những gì thu được từ cuộc cạnh tranh đó, và qua đó đồng thời cũng (vô tình) dung túng cho lối sống (biểu hiện nổi trội ở động vật hoang dã) "mạnh được yếu thua", "cá lớn nuốt cá bé", "được làm vua thua làm giặc", mà thực chất là bảo vệ đắc lực cho quyền lợi của tầng lớp giàu có. Tinh thần sống thực dụng đầy vị kỷ và tham lam đến nhẫn tâm kiểu "đồng bạc đâm toạc tờ giấy", trở thành như một đặc tính của tầng lớp tư sản giàu có thời kỳ đầu, cũng từ đó mà ra.

- Lịch sử đã ghi nhận sự quá ư tàn nhẫn của chủ nghĩa tư bản (của các nhà nước tư sản) trong thời kỳ đầu tồn tại của nó. Việc áp bức, bóc lột sức lao động của quần chúng cần lao chính quốc bởi các chủ tư bản và nhất là việc xâm chiếm, giết chóc, cướp phá trắng trợn, tàn bạo thuộc địa bởi các nhà nước tư sản thời đó là những sự thực không thể chối cãi được. Theo C. Mác, cha đẻ của học thuyết triết học duy vật biện chứng thì: "Việc tìm thấy những vùng có mỏ vàng và mỏ bạc ở châu Mỹ, việc tuyệt diệt người bản xứ, bắt họ làm nô lệ và chôn vùi họ trong các hầm mỏ, việc bắt đầu đi chinh phục và cướp bóc miền Đông Ấn, Việc biến châu Phi thành khu cấm để săn bắt, buôn bán người da đen-đó là buổi bình minh của thời đại sản xuất tư bản chủ nghĩa", "Những kho tàng trực tiếp chiếm đoạt được ở ngoài châu Âu bằng cướp bóc nô dịch người địa phương, bằng giết người cướp của, được dồn về chính quốc và trở thành tư bản ở đó", và như vậy, quá trình tích lũy ban đầu, dù dưới hình thức nào cũng "được thực hiện với một sự phá phách tàn nhẫn nhất và dưới sự thúc đẩy của những dục vọng thấp hèn nhất, bẩn thỉu nhất và đáng ghét nhất", do đó "nếu tiền, theo lời của Ôgiê: "ra đời với một vết máu ở bên má" thì tư bản mới ra đời lại có máu và bùn nhơ rỉ ra ở tất cả các lỗ chân lông, từ đầu đến chân".

(Còn tiếp)