Nhận thức






1-NHẬP THẾ HỮU VI



Đã từng một thuở phong trần
Bôn ba vó ngựa, dấn thân anh hùng
Mười năm thi triển võ công
Lẽ ra tài ấy đã lừng lẫy danh
Nhát tay chém lũ tiểu nhân
Mắc vào gian kế, hỏi còn trách ai?
Sắp lên đến đoạn đầu đài
Mà còn thương hại thằng người lận dao
Thì đừng dấy nghiệp binh đao
Thiên thời cũng chịu, mưu sâu bằng thừa!
Thôi đi!...Xuống ngựa là vừa
Bẻ cung, chôn kiếm, quẳng cờ, bãi binh
Vô vi, xuất thế, an sinh
Rửa lòng thèm khát lợi vinh, thịnh cường.

Tấn tuồng mưu bá đồ vương
Chê thương Hạng Vũ, khen trừng Lưu Bang
Diễu trên sân khấu trần gian
Nhục vinh phút chốc, vĩnh hằng như nhau...
"Thế mà nay chịu khốn khổ nơi đây, đó là Trời hại ta chứ không phải tội ta đánh không giỏi"
Hạng Vũ






2-XUẤT THẾ VÔ VI



"Người thời thái cổ biết sống ở đời là tạm đến, chết là tạm đi. Cho nên tùy tâm mà động, không trái với cái thích của tự nhiên. đang có cái vui của thân thể, không bỏ nó đi, cho nên không bị khích động bởi cái danh, theo tính tự nhiên mà chơi không trái với cái yêu của vạn vật"

Dương Chu


Ta chẳng buồn đâu, chẳng nữa đâu
Từ nay thôi nhé, vạn ưu sầu
Cứ đến cứ đi bằng thỏa thích
Lòng ta đã thoáng lộng cao sâu

Tham muốn cho nhiều, tổ lo âu
Công danh nuôi chí, rước bạc đầu
Tài khối, tiền muôn, sinh lắm tật
Nặng nhân tình, chuốc nặng khổ đau

Sắc dục tùm lum, oải phao câu
Lễ nhạc om sòm, điếc tai trâu
Trăng xinh, ngó mãi đâm nhàm mắt
Ơn nghĩa vơ vào, vác phờ râu

Một mình trôi nổi giữa đêm thâu
Chan hòa rượu lạt với bầu sao
Hữu ngã bồng bềnh trong vô ngã
Theo hầu Lão Tử xứ Đông Châu








3-CHẲNG THEO AI NỮA



Xưa ta theo Khổng-Mạnh
Hiểu ương ngạnh ngũ thường
Cố công thành danh toại
Mù quáng sống kiên cường

Rồi ta theo Lão-Trang
Xuất thế về vô vọng
Giũ sạch thói hiên ngang
Nhún nhường, không xao động

Giờ hồn ta đã lộng
Bỏ hết chẳng theo ai
Giữa Đất-Trời cao rộng
Tung tăng khách bồng lai

Đêm nhạt nhòa hắt bóng
Ngày loang lổ hình hài
Không Lão cũng không Khổng
Theo...lòng vòng cả hai!
"Ta có tai mắt, ta nghe ta trông, ta có tâm tư, ta suy ta nghĩ, đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân"

Lương Khải Siêu