Trưởng thành từ mái trường thiếu sinh quân - SĨ ẨN - hameok6

Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi tại chiến khu Việt Bắc (NSƯT Phan Phúc ngồi thứ hai bên trái).

Bác với đội Văn nghệ thiếu sinh quân ở Việt Bắc.
(Không phải ảnh của bài viết - nvtk6)

Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Út Trỗi”: Thứ hai, ngày 07 tháng một năm 2008)

Xin gửi tới ae 1 bài báo tuy đã cũ, nhưng vẫn còn giá trị tham khảo để ae xem cho biết.

---------------------------------------------------------------- 



Tiếp bước người anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tiếp đến Nam bộ kháng chiến (9-1945), Toàn quốc kháng chiến (12-1946) theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, cả nước đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc. Cùng với hàng triệu nam, nữ thanh niên tình nguyện tham gia các đội Cảm tử quân, Quyết tử quân, Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, đã có hàng nghìn các em nhỏ 10-15 tuổi xung phong vào bộ đội làm giao liên, trinh sát, tiếp đạn, văn thư, quân giới, sát cánh cùng các anh bộ đội trên các chiến hào từ Nam chí Bắc. Từ những em bé dũng cảm đốt cháy kho xăng, đồn giặc ở mặt trận Thị Nghè, Sài Gòn-Gia Định năm 1945, đến các em bé băng qua lửa đạn đưa thư của Ban chỉ huy Mặt trận Thủ đô Hà Nội đến các chiến hào giữa đêm Thủ đô kháng chiến 19-12-1946 mịt mù khói lửa; và đến hàng nghìn chiến sĩ nhỏ ở các đơn vị chiến đấu trong các xưởng công binh quân giới khắp mọi miền Tổ quốc. Đầu năm 1947, báo Vệ Quốc Đoàn đăng “lá thư” của một thiếu sinh quân (TSQ) gửi lên Bác Hồ kính yêu:

Cháu là em bé phương xa,
Theo anh bộ đội xa nhà từ lâu.
Cháu qua sông Đuống, sông Cầu,
Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài...

Cố giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã kể lại trong một bài đăng trên báo Vệ Quốc Đoàn những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi ở trạm quân y tiền phương ông đã không cầm được nước mắt phải cưa cụt một cánh tay của em Ngọc, một thiếu sinh liên lạc 12 tuổi bị thương từ mặt trận chuyển đến (em Ngọc tức Nguyễn Văn Trình, nay đã quá tuổi “cổ lai hy”, là một nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi hiện đang sống ở Hà Nội)

“Các cháu còn nhỏ, không nên để các cháu đi chiến đấu, chết uổng lắm. Tuổi các cháu là phải được học hành”.

Với tấm lòng của người Ông, người Cha, Bác Hồ đã nói câu đó với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Từ ý tưởng đó, các trường TSQ đã mọc lên từ miền Đông, miền Tây Nam bộ, đến Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, tập trung mỗi trường ít thì 5, 7 chục, một vài trăm, nhiều thì hàng nghìn chú bé liên lạc, trinh sát từ khắp các chiến trường về học tập. Ngày 10-11-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký nghị định số 425/TCH thành lập trường TSQ Việt Nam do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị trực tiếp làm Hiệu trưởng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, các trường TSQ từ Liên khu 4 trở vào Nam không có điều kiện về sáp nhập, còn lại các trường TSQ Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, TSQ các Đại đoàn 308, 304, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, đều hành quân về Thái Nguyên hình thành trường TSQ Việt Nam với quy mô lớn: 3 tổng đội, 12 đại đội, quân số hơn 1.000 học viên. Từ cuối năm 1951 thành phần học viên các trường TSQ được bổ sung thêm con em các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, quân đội và các ngành ở Trung ương và địa phương. Con gái nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai; con gái Tổng bí thư Trường Chinh; con các đồng chí lãnh đạo khác như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Văn Tiến Dũng và nhiều tướng lĩnh, Bộ trưởng, Thứ trưởng đã vào học tại các trường TSQ. Trung tá Thanh Hưng, Chính ủy Trung đoàn Sông Lô nổi tiếng và hàng chục sĩ quan trẻ mới tốt nghiệp Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, trong đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Huy Du được điều về làm giáo viên trường TSQ.

Từ mái trường TSQ, được Bác Hồ, Đảng, quân đội rèn luyện, đào tạo, lớp lớp thanh niên đã trưởng thành, trở thành lực lượng bổ sung quan trọng cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa trong cả nước. Các cựu TSQ sau này giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Khoan, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; Vũ Mão, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hiện là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội... Cựu TSQ trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi thời kỳ chống Mỹ-Nguyễn Thiện Nhân hiện là Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. NSND, đạo diễn điện ảnh, nguyên Tổng thư ký Hội ĐAVN Đặng Nhật Minh, các NSƯT, nhạc sĩ: Cao Việt Bách, Lê Lan, Phan Phúc; các họa sĩ Trần Quân Ngọc, Cát Lâm Mậu; nhà văn Ma Văn Kháng, các nhà báo Như Đàm, Trần Thọ, Sĩ Ẩn và các nhà khoa học như giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thủy Nguyên, Trần Tiến Nguyên, Vũ Trọng Hùng... đều từng là các TSQ. Người được báo chí nước ngoài tặng danh hiệu “tỷ phú đỏ” Lê Minh Ngọc, nguyên là một TSQ Liên khu 4, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Cao Long Hỷ hiện là trưởng ban liên lạc truyền thống TSQ Việt Nam-TP Hồ Chí Minh là một cựu TSQ Miền Đông Nam bộ; Thiếu tướng Nguyễn Việt Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Chính ủy Quân khu 9, đại tá Phan Tấn Tài, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh đều là TSQ thời kháng chiến chống Mỹ...

Kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến cũng là gần 60 năm các thế hệ TSQ nối tiếp nhau được Đảng, Nhà nước và quân đội rèn luyện, đào tạo, trưởng thành, ngày 2-12-2006 các thế hệ TSQ khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ họp mặt lần thứ nhất. Sẽ có mặt tại đây hơn 250 đại biểu của các trường thiếu sinh quân đã từng có mặt trong cả nước xuyên suốt gần 60 năm lịch sử. Cuộc họp mặt nhằm tăng cường đoàn kết các thế hệ TSQ, động viên nhau sống những năm tháng tuổi già có ích cho gia đình và xã hội. Và quan trọng hơn là trách nhiệm đối với thế hệ trẻ ngày nay và mai sau. Chúng tôi muốn tiếp lửa truyền thống cho họ, để lớp trẻ vươn lên mạnh mẽ hơn, đạt tới lý tưởng ngàn đời “con hơn cha” xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, sánh vai cùng năm châu bốn biển như mong ước của Bác Hồ kính yêu.


SĨ ẨN
(Nhà báo, cựu TSQ Việt Nam 1947-1952)