Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội (3. Quế Lâm)










Những ngày ở Quế Lâm


Đầu năm 1967, chúng tôi được về Hà Nội nghỉ vài ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Sau đó chúng tôi tập trung tại một trường học gần ga Hàng Cỏ. Buổi tối, chúng tôi được đưa lên tầu hỏa và chạy lên phía Bắc. Được biết là phải đi xa và không hẹn ngày trở lại, nên tôi bỗng xao xuyến lạ, nỗi thương mẹ, nhớ các em trào dâng khi đã ngồi im trên toa tàu hỏa tối om. Tầu chạy qua gác chắn tầu phố Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, rồi qua Trần Phú, qua khung cửa sổ, có nhiều bà mẹ sau khi đưa con ra ga, chờ đợi để vẫy con lần cuối. Tôi chứng kiến những cảnh đó mà nước mắt cứ trào ra, phần buồn, phần tủi thân vì đêm đó mẹ tôi chỉ đưa tôi đến chỗ tập trung rồi tất tả quay lại cơ quan làm việc.

Sáng hôm sau, chúng tôi được chuyển sang tàu hỏa Trung Quốc. Lên tàu Trung Quốc chúng tôi được nằm gường có đệm, vải ga trắng muốt và thơm phức. Nhớ nhất là được phát mấy quả táo Tầu nho nhỏ nhưng ăn rất ngọt và thơm. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác này mặc dù đã ăn đủ loại táo Mỹ, Nhật… tại ngay đất nước của họ. Tầu chạy miết, tới sáng hôm sau mới đến Quế Lâm. Các bạn Trung Quốc đã đón tiếp chúng tôi thân mật như trong gia đình. Về khoản này người Trung Quốc thể hiện giỏi nhất thế giới. Sau đó, chúng tôi được đưa về một khu trường học bên cạnh dòng Ly Giang. Nhà trường có tên là Y Trung – trường Trung học số 1 Quế Lâm, một ngôi trường cũ giống như những ngôi nhà dân cư bình thường lâu đời ở Trung Quốc. Các dãy nhà một tầng xây gạch, mái ngói vẩy cá màu xám, sắp xếp ngay ngắn thành hàng lối. Lớp chúng tôi được xếp vào một dãy nhà chạy dọc theo con đường chính dẫn từ cổng vào, qua nhà ăn và đi thẳng đến nhà Hiệu bộ - một ngôi nhà 2 tầng nhỏ - trông thẳng ra sân vận động. Tôi nhớ bên cạnh nhà hiệu bộ có cái ao và trên mặt ao có một cái nhà vệ sinh – đúng kiểu “cầu tõm”. Tôi cũng từng ra đó “thả bom” mấy lần. Sau những lần đó, có thêm kinh nghiệm: Nếu không nhanh nhổm lên dễ bị nước dưới ao bắn vào người.

Nhà ăn là một hội trường lớn, ngày thường là nơi chúng tôi tập trung các bữa ăn. Còn buổi tối, thỉnh thoảng nhà trường tổ chức chiếu phim hay biểu diễn văn nghệ ở đây. Sang đây, nhà trường đem theo đầy đủ các bộ phận: Ban Giám hiệu, giáo viên, quản lý học viên, quân y… cho đến anh nuôi. Thời gian ở đây chúng tôi ăn cơm như ở Việt Nam. Chỉ có khác là cơm được nấu bằng hơi: gạo cho vào những cái khay bằng nhôm, xếp trong buồng kín. Sau đó, xả hơi nóng từ lò hơi vào cho đến khi chín. Vì vậy, khi chia cơm, mỗi chúng tôi được một tảng cơm vuông vắn, không có cháy. Lúc đó, thay vì bát ăn ở Việt Nam, mỗi người có một cái bát sắt tráng men to (gọi là bát B52) và một cái thìa nhôm. Thức ăn thì cũng xào nấu như ở Việt Nam nhưng chỉ khác là thực phẩm của địa phương. Duy món ăn tôi nhớ nhất là món “chao”. Mùi thum thủm, ăn chua chua, mặn mặn, rất được cơm.

Chiều chiều, hết giờ học chúng tôi ra sân vận động của trường để chơi thể thao. Khoái nhất là có trò chơi làm tầu lượn và đem ra sân này thả. Đồ chơi là các mảnh gỗ đã chế tạo sẵn, chỉ việc lắp ghép theo sơ đồ và dùng keo dán lại. Lưu ý chỗ dán hai cái cánh là quyết định nhất (bay hay không bay được) và khó làm nhất. Khi khô keo, tàu lượn được phóng thử bằng tay, nếu bay cân và hạ từ từ là được. Trong bộ đồ có sợi dây cao su mềm, mắc tàu lượn vào một đầu dây và kéo mạnh rồi thả nhanh tay như kiểu bắn của súng cao su. Tầu lượn lao vút lên trời, khi hết đà nó từ từ lượn vài vòng rồi hạ cánh. Nếu tiếp đất tốt, tầu lượn có thể chơi vài lần. Nhưng thường thì khi hạ cánh, tầu lượn hay va cánh vào nền đất, vào cây, vào đá… nên gãy tan tành. Khi đó, muốn chơi tiếp, phải dán lại. Cũng có khi sau khi được phóng đi, tầu lượn bổ nhào luôn và vỡ vụn.

Mùa hè đầu tiên, chúng tôi ra sông Ly chơi. Dòng nước sông Ly mùa này trong vắt, có thể nhìn thấy rong rêu dưới đáy. Nhiều lần cao hứng, chúng tôi còn nhảy xuống bơi lội qua sông sang những vườn trái cây ở giữa sông hoặc tận bờ bên kia. Một lần, tôi đang vượt sông thì bị dòng nước vừa lạnh vừa chảy xiết cuốn đi, hai chân bị chuột rút cứng đơ. Trong lúc chìm dần, tôi còn nhìn thấy khuôn mặt một ông già ngó xuống qua thành chiếc thuyền ngược dòng, chỉ nhìn mà không hành động gì… May sao, lúc đó bạn Việt Hùng “đỉa” đỡ tôi đưa vào bờ. Thế là thoát chết! Sau này tôi mới được giải thích là khi thấy người sắp chết đuối, dân thuyền chài không bao giờ cứu!

Chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố Quế Lâm. Từ trường ra công viên Thất tinh gần 1 km, nhưng chúng tôi không được tự do đi chơi.












Ngày chủ nhật, ngày nghỉ mới được ra phố mà phải đi thành nhóm, có giáo viên đi kèm. Mỗi lần được đi chơi thì thích lắm. Nào là thăm các hang động ở Quế Lâm – thành phố du lịch nổi tiếng có nhiều hang động. Khi xuống động Thất Tinh phải mặc áo bông. Suốt chiều dài của động là rất nhiều phong cảnh được chiếu đèn màu rực rỡ. Ra bách hóa Đại Lầu, ngắm những hàng hóa phong phú về hình thức và màu sắc sặc sỡ vui mắt. Đi thuyền trên sông Ly, ngắm núi non, xem chim cốc bắt cá của thuyền chài… Nhưng thích nhất là những lần đi chơi tự do.

Có lần chúng tôi ra sông Ly tắm và đi xa lắm mãi vùng ngoại thành nơi những vườn cây ăn quả, nhiều nhất là cam, quýt, đào,… thật thú vị cái cảnh một mình giữa thiên nhiên bao la, muốn ăn là… vặt. Tôi tham gia mấy vụ rất tích cực, khi thì bẻ cam, lúc thì hái đào,…. Có một buổi tối, chui vào một nhà dân ở ngay cổng trường hái một chậu thau to đầy quýt. Mang về giấu vào tủ dưới gầm gường tầng dưới, leo lên tầng trên đi ngủ. Mùi hăng hắc của quýt xanh nhanh chóng lan ra khắp phòng ngủ. Thế là bị phát hiện! Một lần theo bạn bè “đi tuần” vào buổi đêm, băng qua nhiều vườn rau, nhưng vì tối chẳng biết phương hướng đâu mà lần. Đi mãi lọt vào khu vườn cây bò sát mặt đất, có mấy quả tròn tròn nằm trên mặt đất. Một bạn nhanh tay vặt một quả, đập vỡ đôi và reo lên: Dưa, dưa chúng mày ơi!... Khi một bạn khác phát hiện không phải dưa mà là bí đỏ thì bạn tôi đã cạp xong nửa quả. Hóa ra bí đỏ non ăn cũng như dưa. Những chuyện này, khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xấu đi, tôi thường nói đùa: đã từng “tổ chức phá hoại hậu phương” của địch!

Một tối, “trinh sát” của chúng tôi cho biết là bữa sáng mai, cả trường ăn chè đậu xanh. Rủ nhau đột nhập nhà bếp, bê một khay đậu xanh bung dừ và múc một chậu đường, mang vào một cái hang sau nhà ăn. Ăn không hết, vứt lại trong hang rồi về ngủ. Khi chúng tôi về đến nhà ngủ, thấy dưới ánh đèn đỏ quạch, có bóng người ngồi ở bậc thang trước cửa. Đến gần thì ra thầy Ninh đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi, mắt vằn đỏ, nhưng chỉ hỏi nhỏ: Đi đâu về muộn thế! Khuya rồi về ngủ đi! Thì ra nhà bếp phát hiện bị đột nhập, thông báo các lớp điều tra. Chúng tôi hiểu ngay là thầy biết tất cả, thầy bực lắm nhưng thầy không mắng, thế mà chúng tôi ân hận mãi.

Những trò chúng tôi làm hóa ra chỉ là vặt vãnh so với vụ sau: Nhân viên một phòng thí nghiệm của trường Trung học phát hiện bị đột nhập vào phòng và lấy mất dụng cụ giữ chuẩn gì đó - tôi không nhớ, nhưng rất giá trị,  Trung Quốc chưa làm được, phải mua từ nước ngoài. Sau đó, nghe kể là họ thông báo cho xin lại, chứ không dám tổ chức điều tra thủ phạm.

Ngoài những chuyện nghịch ngợm như thế, thời gian ở đây còn có những vụ học trò đánh nhau, rồi chuyện phe phái “bồ Ta, bồ Tây”. Tôi cũng không biết tường tận vụ này, nhưng một lần trong khi vừa tan một buổi họp toàn trường đi về thấy có dao búa gì đó ném từ phía sau lên. May chả trúng người. Nghe nói các bạn ấy giỏi võ thuật lắm! Đối kháng là chỉ thấy các “bồ” múa may quay cuồng trong tiếng suýt xoa, trầm trồ thán phục của người hiếu kỳ!

Mùa hè năm ấy ở Quế Lâm có dịch viêm màng não. Nghe giải thích thì vi rút bệnh này do một loài chim di cư đem đến. Có một số học sinh của trường bị mắc bệnh, rồi nghe thông báo có bạn đã chết. Tình hình lúc đó khá căng thẳng, còn hơn chiến tranh ở trong nước. Hàng ngày chúng tôi phải uống thuốc phòng bệnh, không được đi lại, xung quanh nhà ở được phun thuốc…

Trở lại Quế Lâm, tháng Năm 2010


Tháng 8 năm 1967, chúng tôi chuyển sang một khu trường mới xây ở cách xa trung tâm thành phố. Khu trường nằm trong một thung lũng, bao quanh là núi đá lởm chởm. Lúc này cuộc Cách mạng Văn hóa phát triển cực đỉnh, xung đột liên tiếp xảy ra giữa Hồng Vệ binh và các phe phái… dẫn đến nhiều cuộc nổ súng xung quanh trường. Khi vào trường mới, chúng tôi rất hạn chế được ra ngoài, phần vì an ninh, phần vì bên ngoài… chả có gì. Có lúc chúng tôi cũng ra ngoài trinh sát, đi mấy cây số chỉ thấy núi đá, ngoài mấy cây sim, cây mua dại thì chả có cái gì cho vào mồm được.

Lúc này chuẩn bị vào mùa đông, mà ở sâu trong núi đá thì trời rất lạnh. Dân quanh vùng phải mặc đủ thứ quần áo ấm mới chống chọi được. Lần đầu tiên tôi thấy cái quần bông, tức là quần được trần bông như áo bông ta mặc. Quân trang năm đó cấp cho chúng tôi mỗi người một cái áo bông dày, có cổ lông trông rất đẹp. Và mùa đông ở trường mới đến năm đó có vài ngày tuyết rơi thật sự. Một lớp tuyết mỏng rải đều trên sân trường và tan ra khi trời nắng lên. Được biết là năm đó đặc biệt rét và lại có tuyết, là hiện tượng không thường xuyên có ở đây. Chúng tôi được cấp cả than hoa để sưởi. Thường thì để trong cái chậu lớn đưa vào trong lớp học, phòng ngủ, nhưng mấy thằng nghịch ngợm chúng tôi đã “sáng tạo” ra một loại mini – loại lò sưởi cá nhân – từ những chiếc lon sắt tây có buộc dây thép làm tay xách. Khi nhóm lò, chỉ cần đặt viên than nhỏ vào lon sắt, cầm đầu dây thép quay vài vòng là sưởi được ngay. Lò mini luôn được mang theo người trong những ngày giá rét.

Vì loanh quanh trong trường mãi đâm ra cũng cuồng chân, cuồng tay sinh ra chuyện. Hồi đó, tôi hay cặp kè với một bạn. Hôm đó rủ nhau đi tắm về, bạn khoe có mấy cái quần mới. Mà mới thật, không hỏi ở đâu ra, tôi chọn một cái đẹp nhất, màu xanh tươi rói, xỏ luôn. Vừa ra sân, bạn Tiến Dũng, nhìn cái quần tôi mặc và nhận ra quần của mình. Chẳng hiểu ra sao, tôi vừa hoang mang vừa ngượng ngùng tụt quần trả bạn.

Kỳ sau: Năm học cuối cùng