Những ngày tháng đáng nhớ trên đất Hưng hoá - Phú thọ (Hoàng Anh)











Những ngày tháng đáng nhớ
trên đất Hưng hoá - Phú thọ




Khi từ Trung Quốc về, sau tết Kỉ dậu 1969, nhà trường chúng tôi chuyển tới đóng quân trên vùng đất Hưng hoá Phú thọ cạnh bên dòng sông, nhánh của sông Hồng, trong doanh trại của trường công binh. Từ đường cái vào, men qua một cái nhà thờ đổ nát, là trạm gác của trường, ngay phía trước là sân cỏ rộng, có một bục sân khấu nhỏ bằng đất, thường dùng làm lễ chào cờ, sân có thể dùng đá bóng mỗi buổi chiều được, và là nơi thao diễn kĩ thuật, hay thể thao gì đó. Tiếp đến là một nhà lớn của ban chỉ huy, trực ban đơn vị, phía sau là hai dãy nhà 2 tầng là nơi chúng tôi ở và học tập, sau nhà cuối bên trái có cái giếng to, chúng tôi thường tắm giặt chung ở đó, nằm giữa là con đường chạy xuống khu hậu cần và bếp ăn, hai bên có hàng phượng già rợp bóng, rải hoa lá xuống đường mỗi khi có gió lướt qua. Tôi còn nhớ từ ngoài nhìn vào, bên trái khu nhà ở, có một khu nhà xưởng lớn, bỏ hoang chắc cũng khá lâu, nên thấy cây cỏ dại, lạc tiên phủ mọc um tùm lên các giây thép ngăn từng khu, phân bò khô cứng rải khắp trong ngoài nền xưởng, trên lối đi qua xưởng, một cái biển không dấu đổ xiêu, vắt vẻo “Tram sưa chua”mà lũ học trò chúng tôi cứ thích đọc trẹo đi là “trạm sữa chua”! Hòm thơ của đại đội tôi (khoá 6) lúc đó được phổ biến cho lớp, tôi còn nhớ là HT 42267 XP.
Thời gian này khoá 6 chúng tôi học tiếp chương trình kì học 2 lớp 8 (1968-1969). Các lớp học bàn ghế được kê bằng các khối rầm gỗ lớn, dài mà bên công binh vẫn dùng làm cầu phao cho xe pháo đi qua. Ngày 22/3/1969 Toàn tiểu đoàn chúng tôi phát động đợt sinh hoạt chính trị “Thế hệ trẻ anh hùng” nhân ngày thành lập đoàn 26/3, trên giao chỉ tiêu thi đua “người tốt việc tốt” cho từng chi đoàn, chấm theo thang điểm 10. Mỗi cá nhân phải tự đăng kí nâng loại học tập cho mình. Bên hậu cần, các anh chị nuôi cũng tổ chức thi đua tìm tòi cải tiến kĩ thuật nấu nướng để bữa ăn ngon hơn.
Một tin rất vui với lũ trẻ chúng tôi là trong thời gian này nhà trường quyết định xây thêm một lò bánh mỳ. Thế là từ nay chúng tôi mỗi bữa, mỗi đứa được thêm nửa chiếc bánh mỳ nóng giòn thơm ngon, thay vì những cục bột luộc vừa đen, vừa cứng còng, dai ngoách trước đây, mà lũ trẻ vẫn nói đùa: ”ném chó chó cũng chết!”
Mỗi tháng hồi đó, nhà trường lại tổ chức chiếu phim phục vụ cho học sinh, như trong tối thứ 7 cuối tháng tư năm ấy, trên cho xem bộ phim có tên là “Lửa” một bộ phim Việt nam, mà lâu quá tới giờ tôi cũng chẳng nhớ nội dung nó nói gì.
Ngoài việc học tập, chúng tôi còn phải thi đua tăng gia trồng trọt, cắt cử phân công nhau chăm bón rau, để nâng thêm mức ăn hàng ngày, nhờ có ruộng rau muống của từng đơn vị, chúng tôi có rau ăn đều đều. Việc bình bầu người tốt việc tốt được tiến hành hàng tuần, thực ra cái tuổi ham ăn thích chơi nhiều của lũ tôi kiếm ra việc tốt cũng hơi bị khó, nên cũng cố căn cứ vào việc làm của từng người như bạn này có thành tích cắt tóc cho mọi người, bạn khác thì gánh nước giúp cô nuôi, thậm chí có cậu chỉ làm cái hót rác… cũng được chi đoàn đánh giá cao có tinh thần tập thể! anh em nhất trí bầu luôn, xét kết nạp ngay nó vào đoàn!
Chương trình học của chúng tôi dự kiến sẽ kết thúc học kì 2 lớp 8 vào khoảng tháng 6 tháng 7 năm1969.
Thời gian này trời nắng nóng, nên ban ngày chúng tôi thường học trong tình trạng mệt mỏi, hay khát nước, dễ buồn ngủ lắm. Buổi tối trời mát hơn, chúng tôi tranh thủ học khuya hơn, sau giờ học chúng tôi, từng nhóm có thể tranh thủ chơi xà, chơi đàn ghi ta (lúc này lớp có phong trào một số bạn thích tập đàn ghita có lẽ xuất phát từ khi có anh Chí Hiếu lớp trên xuống biểu diễn làm thằng nào cũng mê), rồi cuối cùng là vệ sinh tắm giặt.
Một kỉ niệm nhớ đời, là có một tối do cố với cái gàu tôi bị té nhào xuống giếng, chân đạp vào đá đau điếng, ngực thì bị chà vào thành giếng, may quá chỉ xước mấy vết rớm máu ở ngực, phải gọi mấy đứa bạn ra thòng dây kéo lên.
Một chuyện nữa cũng thật buồn cười, có lần có đến sáu bảy đứa lớp tôi xuống ăn cơm muộn, xuống bếp thì nhà bếp đã dọn sạch, trời thì tối thui, nhưng đói thì đầu gối cũng phải bò, một thằng mò mẫm trong chạn còn một chậu cơm, thằng kia cố vét thùng kiếm được muôi mỡ, có gói muối chúng tôi trộn thêm ít mì chính của nhà mang đi để ăn với cơm, đang chuẩn bị ăn… thì lại có một đứa quờ quạng thế nào cũng bê ra được cả một chậu quân dụng không biết canh hay nước rau đầy sóng sánh, cả lũ đang đói hí hửng ra mặt, vớ cái môi vừa chan vừa húp xì sụp ăn lấy ăn để… cho đến khi có một thằng lấy đũa ngoáy vào trong chậu chắc muốn tìm xem còn chút rau nào không, khi nó nhấc lên: thì eo ôi từ trong chậu một chiếc giẻ lau bàn đen thui lõng tỏng nước văng tung toé! cả lũ trợn mắt, lúc ấy nhìn cái giẻ bẩn, thằng nào thằng ấy đều muốn khạc, muốn ói tất cả những gì vừa tống vào bụng!
Tháng 5/1969 Nhà trường lại mở chiến dịch thi đua “Quyết thắng 4” nhằm động viên mọi học sinh học tốt, tu dưỡng tốt. do yêu cầu của trên, cần rút ngắn thời gian học trước một tháng, mà chất lượng học không giảm, nên mỗi học sinh phải tự lập đề cương ôn tập cho phù hợp, thời gian biểu học tập mỗi lớp, được tăng tiết (4-5 tiết/mỗi buổi).
Ngày 18/5/1969 hôm ấy là ngày chủ nhật, chúng tôi hành quân dã ngoại ra xã Đào xá, vừa là để thăm nơi bác Hồ đã tới trồng cây trong dịp tết vừa rồi, vừa là phát động thi đua và giao lưu kết nghĩa với đoàn thanh niên địa phương. Trong phần văn nghệ của chi đoàn địa phương, tôi còn nhớ tiết mục có 2 cô gái lên trông cũng hay hay, tuy không xinh lắm nhưng hát bài chèo tự sáng tác cũng khá tự nhiên, trong đó có mấy câu mến yêu từng bộ phận công tác của xã như:

“Em mến yêu tang tình là anh tài vụ,
Tính tính tính không thừa không thiếu xu một xu…”
“Em mến yêu tang tình là anh xã đội….
….

cứ thế, có thế thôi mà cũng làm chúng tôi cứ cười ngặt nghẽo như những lũ dở hơi.
Có lẽ cái năm 1969 ấy, hè về sớm hơn mọi khi, mới vào tháng 5 mà hoa phượng đã nở đỏ như những mâm xôi gấc khổng lồ, tiếng ve kêu râm ran khắp cả khu trại, trời nóng oi bức hơn, lũ trẻ chúng tôi tắm có đứa 3-4 lần mà cũng không thấy bớt cái oi bức, khi đó các giếng lại cạn nước khá nhanh, nên việc tắm giặt lại càng khó khăn, vất vả hơn. Nhiều đứa trong chúng tôi phải trốn trại, lén ra sông ở bên kia đường để tắm, giặt. Ai đã sống trong thời gian ấy chắc không hẳn quên tiềng kẻng hiệu lệnh, tiếng kèn, tiếng nhạc hiệu lệnh. Tôi còn nhớ mỗi buổi trưa hồi ấy toàn trường lại vang lên bản nhạc “Hội chợ Ba tư”: tèn ten ten tén tèn ten ten… đánh thức toàn trường, còn ở đầu cầu thang lớp tôi, thầy Thưởng thường mang một chiếc accodeon bấm phòm, phòm dục mọi người dậy!
Cũng trong khoảng thời gian sau đó, thầy giáo phụ trách chúng tôi lại bị ốm, việc quản lý học sinh khá lỏng lẻo, mặc dù bên đoàn đã ra kế hoạch tự quản, các cuộc họp cũng liên tục để chấn chỉnh, nhưng vẫn bắt đầu có một số chuyện không hay xảy ra khi bước vào lớp 9 như có bạn trốn học đi chơi, lấy của nhau (thỉnh thoảng lại nghe mất đồ, quần áo, có tuần mất tới 6 cái balô của 6 bạn) rủ nhóm đi trêu chọc thanh niên địa phương, …nên mới có việc một số bạn cá biệt được đưa đi phân hiệu II ở Thạch thất rèn luyện! Trong trường lại xảy ra tai nạn: một bạn hình như ở lớp dưới, trèo cây cao bị té, chấn thương rất nặng phải đưa đi cấp cứu, ban lãnh đạo nhà trường phải ra thông báo cấm leo trèo, cấm tắm sông! Không khí nhà trường có vẻ lại càng căng thẳng hơn, khi mà cái tin phong thanh trường chuẩn bị chuyển nhiệm vụ, giải tán hệ học sinh vào hè 1970!














Rồi kỳ nghỉ hè năm 1969 cũng đã đến, chúng tôi kết thúc năm học lớp 8, được nghỉ phép trở về gia đình với bao ngổn ngang lo lắng… nhưng mỗi đứa đều thầm chặc lưỡi: “thôi kệ nó, hãy nghỉ đã chuyện đâu có đó!”
Cuối tháng 8 năm ấy tôi bị sốt xuất huyết nặng, không thể lên trường trả phép đúng hạn cùng các bạn được, cùng thời gian ấy đồng bào cả nước nghe tin Bác Hồ mệt nặng, cả bầu trời cũng trĩu nặng u ám! mấy ngày sau thì nghe Bác mất, đúng là “Trời tuôn nước mắt đời tuôn mưa” cả nước khóc chịu tang Bác!
Vào những ngày để tang Bác, ngày 10 tháng 9 năm 1969 thấy trong người hơi khoẻ, tôi với thằng em trai, xách balô lếch thếch ra bến xe Kim mã kiếm xe khách về Trung Hà, chờ mãi mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa có xe, hai anh em vừa mệt, vừa khát, thấy có quầy bán kem đi qua mua mấy chiếc ăn, tính chắc phải về đành để mai vậy! tới 16h chợt có một chiếc xe ca vẫy khách đi Trung hà, thế là tôi nhảy lên xe, kêu thằng em về cho nhà hay. Xe chạy về tới bến Trung Hà thì trời cũng đã nhá nhem tối, xuống xe tôi vội ra bến phà cách đó khoảng một cây, ra tới nơi thì phà đã nghỉ từ lúc nào, đang tiu ngỉu không biết làm sao thì có chị gánh đồ đi xuống nói với tôi không có phà thì kêu đò, mừng quá, hai chị em chúng tôi í ới kêu, thế mà cũng gọi được đò. Sang bờ bên kia tôi trả tiền đò mất có 2 hào, tính đi luôn nhưng thấy chị đi cùng còn vướng lủng củng đồ, gánh, tôi nán lại gánh giúp chị tới tận quãng rẽ, chúng tôi mới chia tay, xốc lại ba lô, tôi đi tiếp dọc bờ đê sông về đơn vị. Lúc gần tới chỗ nhà thờ đổ, trời trăng lúc tỏ lúc mờ, thế quái nào tôi bước hụt vào cái hào cũ, ngã một cái đau điếng, bẩn lấm lem bê bết bùn, may không gẫy xương nào. Vào trường tôi đi báo cáo thầy phụ trách, rồi mới về lớp, bạn bè hỏi thăm mới biết lớp đã vào học được 3 hôm rồi.
Ngày 11/9/1969 trường mới tổ chức làm lễ khai giảng cho toàn trường, sau lễ khai giảng, chúng tôi được nhận mấy thếp giấy loại giá 5 hào 2 về tự khâu đóng vở, làm nhãn. Năm học lớp 9 này chương trình học có thay đổi, thay vì chấm điểm 5, nay chuyển sang hệ điểm 10. Kiến thức mới nhiều và cũng khá khó, mới vào học mà nhiều bạn trong lớp bị ăn trứng ngỗng to tướng sau mấy bài kiểm tra Lượng, Sinh, Địa, Văn (làm dàn bài về đề tài “di chúc của Bác Hồ”). Năm học này nhà trường tổ chức thành 3 học kỳ, ngó bộ cũng khá vất vả. Ăn uống loanh quanh sáng ngô, trưa, chiều: rau luộc, muối vừng, cá kho, hoặc thịt om chuối! chả thế nên có cậu mới sáng tác từ bài hát “Quả bom là quả bom rơi.. anh công binh túm lấy đầu” thành ra “ăn ngô …lại ị…ra ngô”
Hàng tháng nhà trường vẫn được phục vụ một tối phim cuối tuần, trong tháng 9 chiếu phim “Những phi công mặc áo ngủ” trong phim có đoạn những tù phi công Mỹ bị bắt tại miền Bắc Việt nam, hát bằng tiếng Anh bài hát tự chế:

“ …Ngồi trên chiếc F4H bay ra Bắc Việt,
nào ngờ đâu bị bắn cháy rơi xuống sông,
Chiếc xe trâu đưa tôi về nơi Hilton…
Nơi quê nhà đôi mắt ai vẫn ngóng mong chờ!”

Thế mà mấy bữa sau, rất lạ, học bài sao khó nhớ thế, mà bài hát hầu như đứa nào trong lớp cũng nghêu ngao thuộc!
Trong trường giai đoạn này rất nhiều người bị sốt cao, phải nghỉ học, nghi có dịch sốt xuất huyết đang lan rộng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập của học sinh trong trường. Tình hình kỉ luật trong trường lúc này cũng có vẻ xa sút hơn trước, ban chính trị nhà trường chỉ đạo cần củng cố vai trò đoàn viên trong học sinh, trong các chi đoàn cần tăng cường đấu tranh phê và tự phê, nhưng khi tiến hành có vẻ thiếu biện pháp cụ thể nên kết quả người chủ trì thì muốn nản, đoàn viên nhìn chung thụ động, ít phát biểu.
Hòm thư của đơn vị được thay đổi là: đội 22(9) xã Hưng hoá, Huyện Tam nông, Tỉnh Vĩnh phú.
Khoảng cuối tháng 10, đơn vị lại phải tổ chức tiền trạm để chuẩn bị đợt dã ngoại ra dân cùng ăn cùng ở cùng lao động với dân trong vòng một tuần để tăng cường mối đoàn kết quân với dân địa phương.
Trong mấy năm sống trong môi trường quân đội, thì giai đoạn cuối kỉ luật của lớp chúng tôi có vẻ không được tốt lắm. Ngay từ xưa người ta vẫn bảo: “ nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”, có lẽ cũng do đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, thích chơi, thích tự do hơn nên có nhiều bạn cá biệt bắt đầu tỏ ra chểnh mảng học hành, không làm được bài thì đột nhập vào phòng thầy chữa bài tráo bài, lấy đồ của nhau, lấy đồ của thầy, lấy đồ ăn của nhà bếp (bột súp), trộm cả gà ngỗng nuôi, thậm chí còn quậy phá như làm chập điện gây mất điện toàn trường, v.v.. buộc nhà trường chỉ còn mỗi cách đưa tiếp một số đi lên Thạch Thất rèn luyện.
Thời tiết dạo đó trời bắt đầu lạnh, ở cái miền trung du bắc bộ mùa này và nhất là vào buổi tối thì khá rét, dù vẫn còn là trẻ con nhưng tối đến chúng tôi vẫn phải thực hiện phân công trực gác bảo vệ đơn vị như bộ đội, đã ôm súng lóc cóc đi tuần quanh doanh trại nhất là canh khu vực nhà bếp, mà 2 mắt cứ díu tịt lại, chỉ thèm ngủ ghê lắm, cho nên mới thỉnh thoảng có trận cãi nhau buổi sáng:“sao mày không gọi tao dậy” té ra có cu cậu đổi gác không dậy nổi, bỏ gác ngủ thẳng đến sáng luôn!
Trong tháng 11/ 1969 chúng tôi được phát quân trang bao gồm một bộ quân phục, một thắt lưng, một đôi giày, một áo lót, một mũ mềm, một mũ cứng, một đôi tất, một áo đông xuân, cộng với số đồ cũ cũng làm đầy nhóc một ba lô! lúc này không còn áo budong với quần xanh của lính không quân như xưa mà quân phục lính bộ binh hẳn hoi, tất nhiên là những bộ bé nhất của bộ đội. Với cơ số này tất nhiên nhiều đứa chúng tôi vẫn còn bị thiếu như chăn… do bị mất chẳng hạn, riêng tôi cũng không nhớ hồi đó tại sao tôi cũng không có chăn, để chống lạnh, tôi phải cặm cụi mất cả ngày chủ nhật lấy 2 cái trải giường khâu hì hụi lại thành tấm đắp, còn khi lạnh quá thì nằm chung với bạn khác!
Từ lớp 8 trở lên, lũ Trung văn chúng tôi phải chuyển từ những kí tự tượng hình sang học Nga văn, cái thứ ngôn ngữ Slavơ thật quá mới mẻ với chúng tôi, có lẽ khó nhất là ngữ pháp của tiếng Nga, nào là các cách của tính từ, danh từ, động từ chia chóng cả mặt…nên các kinh nghiệm của các lớp khác cho chúng tôi được áp dụng khá nhiều: như câu “cá thu tôm he...” đối với danh từ “Nag trên, pot dưới, Sờ (C) trước za sau” đối với giới từ… cả lũ học như vẹt!
Thời gian học kỳ II trôi qua cũng khá nhanh, mới đó đã phải kiểm tra học kỳ, có lẽ năm lớp 9 này sức khoẻ tệ nhất tôi bị ốm lia chia tính từ khi khai giảng đã ốm cả tuần, rồi mới bị ốm phải nghỉ học mấy ngày giữa tháng 12/1969 này nữa, tuy vậy vẫn may là có kết quả hai môn chính khá đẹp toán, văn 8 riêng sinh do bị ốm không kiểm tra.
Chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 22/12 toàn trung đội đã ra kế hoạch tập văn nghệ để tham gia hội diễn với toàn trường từ mấy tuần trước đó. Trong lễ kỉ niệm ngày thành lập quân đội chúng tôi có nhiều tiết mục khá xôm đóng góp thành công vào buổi văn nghệ nhà trường, buổi chiều thì có liên hoan ăn tươi, tối đó có chiếu phim phục vụ toàn trường với bộ phim “Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân” do nhà quay phim nổi tiếng người Hà lan quay.
Sau 22/12 chúng tôi bắt đầu thêm học kì III, một học kì khá đặc biệt, tình hình chung trong toàn trường có nhiều tiến bộ hơn, nội dung học một số môn có thay đổi về đại số là cách sử dụng thước tính, lý thì học về tính chất của các chất rắn, lỏng, khí. Nhà trường lại phát động tháng thi đua rèn luyện toàn diện chủ đề “Thanh niên thế hệ Hồ chí Minh” mỗi ngày đều có yêu cầu cho từng cao điểm về học tập, sinh hoạt rồi cả tổ chức hành quân ra trồng cây và lao động cấy lúa giúp dân tại thôn Đào xá.
Cho đến sau tết Canh tuất vào cuối tháng 2 năm 1970 chúng tôi đã bắt đầu bước vào chuẩn bị ôn tập, để thi học kỳ III vào đầu tháng 4 năm 1970.
Tháng 5 năm 1970 chúng tôi kết thúc năm học lớp 9, chia tay bạn bè, chia tay trường văn hoá quân đội sau 6 năm gắn bó rèn luyện với bao nỗi bịn rịn, lo lắng, với bao kỉ niệm tuổi trẻ niên thiếu trong quân ngũ không bao giờ quên, phía trước mỗi chúng tôi một cuộc sống mới, một cuộc chiến đấu mới đang chờ!

Nguồn: FB Nguyễn Anh