Phòng thủ tích cực

Phòng thủ tích cực


- Nhiều nhà sử học Việt Nam hiện nay vẫn còn phân vân trong việc đánh giá công-tội của Hồ Quí Ly. Theo tôi, Hồ Quí Ly hoàn toàn có tội đối với đất nước Đại Việt, dân tộc Việt. Đó là, sau khi tiếm ngôi Nhà Trần, đã hành xử chính trị sai lầm, cải cách và định hướng xây dựng kinh tế sai lầm khiến dân chúng đã ca thán càng thêm ca thán, lòng người đã ly tán càng thêm ly tán, dẫn đến thế nước thời mạt Trần vốn đã yếu lại càng suy yếu thêm dưới thời Đại Ngu. Thế nước yếu cùng với bất tài quân sự đã hợp thành nguyên nhân làm cho cuộc kháng chiến của Hồ Quí Ly chống quân Minh thất bại. Không biết kế thừa cách đánh giặc tài tình của những thế hệ trước trong chỉ đạo chiến tranh, gây ra cảnh nước mất nhà tan chính là tội lỗi nặng nhất của Hồ Quí Ly.

- Một thể hiện nổi bật và có thể coi là một hình thức quan hệ có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ xã hội nói chung giữa người và người được gọi là sự đấu tranh. Đấu tranh trong xã hội loài người là hiện tượng giải quyết mâu thuẫn, gồm hai hay nhiều lực lượng người kháng cự nhau, xung đột nhau, nhằm khuất phục nhau vì mục đích tối hậu là danh lợi-quyền lợi. Sự xuất hiện đấu tranh lẫn nhau trong xã hội loài người, xét ở tầm mức sâu xa nhất, là hiện tượng có nguyên nhân hoàn toàn tự nhiên, nhưng nếu xét ở bình diện coi loài người là một tồn tại tương đối độc lập, tách rời khỏi tự nhiên, thì có nguyên nhân vừa tự nhiên vừa nhân tạo, hay có thể nói, có nguyên nhân tổng hợp từ hai nguyên nhân, nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan có tính sâu xa, tất yếu, còn nguyên nhân chủ quan có tính (duyên cớ) trực tiếp, ngẫu nhiên.

- Quan sát ở bình diện bao quát hơn, đấu tranh trong xã hội loài người có cội gốc tự nhiên là đấu tranh sinh tồn trong thế giới sinh vật, đồng thời cũng là bộ phận hoàn chỉnh, hợp thành cuộc đấu tranh sinh tồn ấy. Thực chất của đấu tranh sinh tồn là nỗ lực tồn sinh trước sự vận động biến đổi của ngoại cảnh-nội tình, do đó mà biểu hiện đặc trưng trong vận động của nó là có tính bị kích hoạt, tính căng thẳng, tính quyết liệt. Đấu tranh trong xã hội giữa người với người, vì có thêm sự tham gia của tư duy trừu tượng dưới dạng ý chí, nên không những đương nhiên phải có đặc tính ấy, mà đặc tính ấy còn đột biến về mức độ sâu rộng cũng như mạnh mẽ và trở nên đặc thù, coi như chỉ ở loài người mới có. Mặt khác, cũng do có sự chi phối bởi trí tuệ, sự hoạch định bởi ý chí con người, nên bất cứ cuộc đấu tranh nào trong xã hội, dù ít dù nhiều, đều hàm chứa sự vận dụng quyền mưu. Đấu tranh trong nội bộ loài người là hiện tượng tự nhiên-xã hội, xảy ra trong tự nhiên-xã hội, nên tất yếu phải tuân theo những nguyên lý-qui luật của tự nhiên-xã hội. Vậy, thực chất của thực hành quyền mưu trong một cuộc đấu tranh là trên cơ sở suy đoán, phân tích đã "nắm bắt" được đặc điểm, tình hình về mối tương quan lực lượng tham gia đấu tranh cũng như về môi trường tự nhiên-xã hội của cuộc đấu tranh đó mà hoạch định sách lược, thủ thuật trên tinh thần sáng tạo, biết tranh thủ và vận dụng qui luật, để từ đó vận động chuyển hóa lực lượng một cách phù hợp qui luật theo hướng tối ưu nhất có thể, nhằm tạo ra lợi thế áp đảo (nguyên nhân), khuất phục đối phương (kết quả), đi đến thắng lợi (nhân nào quả nấy!). Hay nói đơn giản hơn, quyền mưu là những cách thức, phương thức, biện pháp được đề ra, được vận dụng vào việc chỉ đạo, tiến hành trong đấu tranh nhằm hướng tới thắng lợi.

- Như thế, thực chất của một cuộc đấu tranh giữa người với người rõ ràng là cuộc đấu trí-lực nhằm phân định thắng-thua trong tranh quyền đoạt lợi, và vì vậy mà quá trình đấu tranh xã hội cũng được coi như đồng thời là quá trình phát sinh, phát triển, và ngày càng hoàn thiện lý thuyết về thủ đoạn giành thắng lợi với tên gọi: "Quyền mưu". Trong đấu tranh, ai có quyền mưu hay hơn, thực hành quyền mưu giỏi hơn, nghĩa là có mục đích và phương pháp đấu tranh hợp lý hơn, thì có khả năng giành thắng lợi cao hơn. Qua đó mà thấy, dương cao ngọn cờ chính nghĩa cũng là một quyền mưu, nhưng không phải cứ có chính nghĩa là giành được thắng lợi!

- Có thể phân tương đối đấu tranh trong xã hội thành hai loại là đấu tranh không vũ trang và đấu tranh có vũ trang. Xét về mặt căng thẳng, quyết liệt thì đấu tranh vũ trang (còn gọi là chiến tranh), vì hầu như chỉ có thể khuất phục nhau bằng cách triệt tiêu lực lượng của nhau (trong đó chủ yếu là bằng giết chóc đồng loại!), nghĩa là có tính "kẻ mất người còn", do đó mà cũng có tính tang thương, tính dã man tàn bạo, nên chính là hình thái tột độ, cực đoan nhất của đấu tranh giữa người với người. Cũng vì lẽ đó, chiến tranh là nơi trình hiện sắc nét nhất, dồn dập nhất, biến hóa nhất, đầy đủ nhất về hoạt động quyền mưu và đối chọi quyền mưu giữa các lực lượng tham chiến.

- Về đại thể, cũng có thể phân chiến tranh thành hai loại, đó là chiến tranh xâm lược - chống xâm lược và chiến tranh huynh đệ tương tàn (nội chiến). Nói chung, chiến tranh xâm lược-chống xâm lược là cuộc xung đột vũ trang giữa hai lực lượng, một bên là lực lượng xâm chiếm lãnh thổ nhằm cướp bóc của cải, tài nguyên thiên nhiên của nhân dân bản địa và hơn nữa, nhằm nô dịch họ, một bên là lực lượng bản địa chống lại sự xâm chiếm nhằm cướp bóc ấy (kháng chiến vệ quốc). Không phải là tất định, nhưng trong chiến tranh xâm lược-chống xâm lược, thường thì lực lượng tiến hành xâm lược, vì chủ động gây chiến, tàn phá, dùng bạo lực vũ trang áp chế để chiếm đoạt quyền lợi sống còn của nhân dân sở tại, nên mang tính phi nghĩa, còn lực lượng đứng lên chống xâm lược, vì có mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi sống còn chính đáng của mình, của nhân dân mình, nên mang tính chính nghĩa.

- Trong mọi cuộc chiến tranh, lực lượng nào cũng mong giành được thắng lợi chung cuộc, nhưng muốn thế, phải tìm cách tiêu diệt lực lượng đối phương, đập tan ý chí chiến đấu của đối phương, do đó ý tưởng tiến công trở thành ý tưởng chủ đạo và thường trực trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến, và hiện tượng nổi trội, có tính phổ biến trong đấu tranh vũ trang đương nhiên là hành động tấn công. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình hình về điều kiện, hoàn cảnh thực tế của chiến trường cũng như về sự tương quan lực lượng giữa các bên tham chiến mà tùy lúc, tùy thời kỳ, tùy nơi không phải thực hành tấn công mà trước hết là chống tấn công, giữ vững trận địa hay bảo toàn lực lượng, tránh bị tiêu diệt, nghĩa là phải thực hành phòng thủ, phòng ngự, rút lui chiến thuật-chiến lược. Nói cách khác, có nhiều hình thức chiến đấu trong chiến tranh như tiến công, tấn công, phòng thủ, phòng ngự trận địa, rút lui,..., nhưng tựu trung lại, có hai phương thức chiến đấu cơ bản trong chiến tranh là tiến công và phòng ngự, với tiến công đóng vai trò là yếu tố tiền đề. Hai phương thức này là nguyên nhân tồn tại của nhau, có mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau, vì trong tiến công vốn hàm chứa tính phòng ngự cũng như trong phòng ngự vốn hàm chứa tính tiến công nên tiến công có thể chuyển biến sang phòng ngự và ngược lại phòng ngự có thể chuyển biến sang tấn công, tùy thuộc vào sự đánh giá tình hình diễn biến chiến trường và quyết định chủ quan của mỗi lực lượng tham chiến.

- Xét riêng chiến tranh xâm lược - chống xâm lược, vì có dã tâm và mưu đồ từ trước nên lực lượng xâm lược, dù cố che đậy bằng bất cứ chiêu bài nào thì bao giờ cũng là kẻ chủ động tìm cách gây hấn trước. Cũng vì đã sẵn mưu đồ và đã nung nấu ý chí xâm lược cũng như có thể dự đoán được khả năng phát sinh những tác động bất lợi về chính trị, kinh tế, quân sự đến cuộc xâm lược khi chiến tranh kéo dài, cho nên thường thì kẻ xâm lược mở màn chiến tranh với một lực lượng vũ trang hoàn bị nhất, hùng hậu nhất có thể, nhằm áp đảo lực lượng kháng chiến, hòng giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Điều đó giải thích hiện tượng trong lịch sử chiến tranh, hầu như lực lượng xâm lược nào cũng chọn phương án chiến tranh tấn công bất ngờ, vũ bão, liên tục, nhằm đánh nhanh thắng nhanh, và khi không thực hiện được phương án đó, bị sa lầy, phải chuyển sang cầm cự, co cụm phòng thủ, thì cũng là lúc nguy cơ bại trận một cách ô nhục đã hiển hiện nhãn tiền.

- Dân tộc Việt có hai đức tính cực kỳ quí báu là hiền hòa và bất khuất. Hai đức tính ấy đã được hun đúc nên ngay ở thời tiền sử, từ quá trình mưu sinh của tổ tiên dân tộc Việt trong một thiên nhiên trù phú nhưng không sẵn đãi bày, êm đềm nhưng cũng lắm lũ lụt bão giông. Đó là hai đức tính nền tảng cơ bản, tương phản mà cũng tương hợp nhau, tác động chuyển hóa nhau, tạo tiền đề xuất hiện những đức tính đẹp đẽ khác mang tính truyền thống trong tâm hồn dân tộc Việt, chẳng hạn như bình tĩnh khi cân nhắc, kiên quyết khi hành động trong những tình huống khó khăn, hiểm nghèo, mà tiêu biểu nhất đó là có tinh thần yêu quê hương-đất nước nồng nàn nhưng không hề cuồng tín dân tộc. Ai cũng có thể rút ra được nhận định có ý nghĩa kết luận đó từ kho tàng truyền thuyết Việt Nam mà tiêu biểu là sự tích "Sơn Tinh, Thủy Tinh", sự tích xây dựng thành Cổ Loa, sự tích Thánh Gióng, sự tích "Bánh chưng, bánh dầy"...

- Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại từ khi lập quốc (nước Văn Lang) cho đến nay, ở thời đại nào cũng vậy, chỉ là một tổ quốc đất không rộng, người không đông, ấy vậy mà đã từng dám đương đầu với mọi đội quân xâm lược hùng mạnh, thậm chí là hùng mạnh nhất khu vực, nhất thế giới đương thời, và hơn nữa là dù đôi khi phải chịu thất bại tạm thời thì sớm muộn gì cũng giành thắng lợi chung cuộc một cách oanh liệt, cũng tự giải phóng ách ngoại xâm bằng những chiến thắng hết sức vẻ vang. Đó chính là truyền thống chống ngoại xâm đầy tự hào của dân tộc Việt.

- Có được truyền thống chống ngoại xâm đầy tự hào trước hết là vì dân tộc Việt hiền hòa mà bất khuất, bất khuất trong hiền hòa, nhưng không phải hoàn toàn vì điều đó, mà còn vì điều tối quan trọng này, với kinh nghiệm tích lũy được từ công cuộc đấu tranh trường kỳ, nỗ lực bảo vệ và duy trì sống còn trước thiên tai bão tố lũ lụt cũng như trước địch họa xâm lăng với không ít những bài học đau thương trong suốt thời kỳ tiền-sơ sử dựng nước, dân tộc Việt đã dần đúc kết được đường lối hành động cốt yếu mà cũng chung nhất, có tính qui luật, có tầm chân lý (có thể coi là một luận điểm tinh hoa trong kho tàng nghệ thuật quân sự thế giới!) cho bản thân mình trong đấu tranh chống quân xâm lược, đó là đối với một dân tộc nhỏ, trên một lãnh thổ không rộng, muốn đối đầu thắng lợi trước một thế lực xâm lược bạo cường, có sức mạnh áp đảo ban đầu, thì phải nêu cao được ngọn cờ chính nghĩa, hướng tới qui tụ quốc dân thành một khối đoàn kết, trên dưới một lòng xả thân vì quê hương-đất nước, từ cơ sở nền tảng ấy mà ứng phó, xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thế trận, phát động kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

- Như vậy, phương châm lấy đấu tranh trường kỳ khuất phục chủ trương đánh mạnh, thắng nhanh của quân xâm lược đã trở thành sách lược hàng đầu, thể hiện cô đọng nhất đường lối chống xâm lược của dân tộc Việt, và lịch sử Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trước bất cứ lực lượng xâm lăng dù hùng mạnh đến cỡ nào chăng nữa, một khi dân tộc Việt tiến hành và duy trì được cuộc kháng chiến trường kỳ, tạo được xu thế càng đánh càng mạnh, thì đều giành được thắng lợi.

- Đặc trưng nổi bật của kháng chiến trường kỳ và đồng thời cũng là phương thức tác chiến chiến lược được áp dụng vào giai đoạn đầu kháng chiến của dân tộc Việt chính là PHÒNG THỦ TÍCH CỰC. Phòng thủ tích cực không phải là phòng ngự co cụm bị động mà trái lại là cuộc chủ động hành binh lớn theo kế hoạch một cách đầy linh động sáng tạo nhằm tạm thời tránh né giao chiến lớn, bảo toàn lực lượng và tiếp tục xây dựng lực lượng kháng chiến, đồng thời cũng là một cuộc dàn binh tạo thế trận thiên la địa võng, tích cực tiến công quấy rối tiêu hao lực lượng địch ở mọi lúc mọi nơi khi có thời cơ thuận lợi. Hay có thể nói phòng thủ tích cực là lấy linh động chiếm giữ những nơi xung yếu trên tinh thần phòng tránh bị tiêu diệt, tạo tình thế buộc địch phải phân tán, dàn mỏng binh lực, làm quyết sách chiến lược, lấy cơ động tạo cơ hội thuận lợi phản kích, đột kích, đánh tiêu hao sinh lực địch vào mọi lúc mọi nơi làm quyết sách chiến thuật.

- Rất có thể dân tộc Việt đã nhận biết được cái tinh thần như một lẽ tự nhiên của phương thức phòng thủ tích cực ngay từ thuở hồng hoang, sơ sử dựng nước, trong công cuộc trị thủy ở miền châu thổ chằng chịt sông hồ ao chuôm lầy lội, quanh năm mưa bão, thường xuyên lũ lụt. Thử hình dung cư dân ở miền châu thổ ấy xử sự thế nào trong mùa bão tràn nước nổi, khi lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Ở yên một chỗ là chết chìm, chạy dài mãi ra biển là chết trôi, vậy muốn sống còn thì cư dân ở đó chỉ còn cách phải chống cự lại. Nhưng làm sao mà chống lại được sức nước ồ ạt bạo cuồng lúc ban đầu của thiên tai? Họ sẽ tránh né bằng cách tạm sơ tán ra xung quanh, lên những vùng có thế đất cao, đồng thời đoàn kết lại, hợp sức cùng nhau, tích cực kề vai sát cánh đắp đê, dựng lũy giữ thổ, khơi ngòi tiêu thủy để hạn chế sức mạnh của nước, và đợi khi nước dần hạ thì họ đồng loạt trở về tiềp tục be bờ đắp đập, khôi phục lại nhà cửa, ruộng vườn...Hình ảnh phòng thủ tích cực trong kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt, nhìn ở góc độ cách điệu tinh giản nhất và hồn nhiên nhất, phải chăng cũng là như thế? Tuy nhiên, xét trên bình diện lý thuyết tổng quát, thì phòng thủ tích cực là một đề tài khoa học có nội dung sâu rộng thuộc lý thuyết quyền mưu, không chỉ áp dụng cho riêng chiến tranh mà cho cả đấu tranh của con người vói thiên nhiên, cả đấu tranh giữa người với người trong xã hội (chính trị, quân sự, ngoại giao) nói chung.

- Vì thấm nhuần được ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của phòng thủ tích cực, nên trước những lực lượng xâm lược hùng hậu, có sức mạnh áp đảo ban đầu, ông cha ta thường lấy phòng thủ tích cực làm bước đi chiến lược đầu tiên của cuộc kháng chiến được xác định tư tưởng là toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Chủ yếu nhờ thực hiện và thực hiện được một cách tài tình bước đi chiến lược đó mà các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đời Nhà Trần, chống quân Minh thời Lê Lợi, chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh đều đã giành thắng lợi có tính thần kỳ.

- Hồ Quí ly, như đã nói, chỉ vì tham vọng đế vương mù quáng mà gây vô vàn đau thương cho dân tộc Việt. Tội lỗi nhất là tổ chức một cuộc chống xâm lăng thất bại thảm hại. Bởi vì sao? Thứ nhất, Hồ Quý Ly thực hiện cải cách kinh tế vì chỉ muốn củng cố vương triều mình chứ không phải thực sự vì cuộc sống của đại chúng, của dân tộc Việt, nên từ đó làm cho dân tình oán thán, lòng người ly tán đến mức mà theo lời Nguyễn Trãi: "Trăm vạn người, trăm vạn lòng". Rất buồn khi lịch sử còn lưu lại chuyện, khi Hồ Quí Ly hỏi tả hữu: "Làm thế nào có trăm vạn quân để đánh giặc Bắc?", Hồ Nguyên Trừng (con trai thứ của Hồ Quí Ly, một tướng quân sự có tài của Đại Ngu) đã nói: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi!". Thứ hai, xét về mặt số lượng và chất lượng thì quân đội Đại Ngu không thua kém, thậm chí có mặt còn trội hơn đội quân xâm lược Nhà Minh, nhưng vì bất tài, không có một chút mẫn cảm quân sự, nên Hồ Quí Ly đã không tiếp thu được tinh hoa chống xâm lược của dân tộc Việt, nghĩa là không biết lấy phòng thủ tích cực mà lại lấy phòng ngự trận tuyến làm quyết sách chiến lược, thụ động chờ giặc huy động tập trung binh lực tiêu diệt nhanh chóng hết tiền đồn phòng ngự này đến chiến tuyến phòng ngự khác, khi rút lui thì chạy dài, không tạo được thế trận đánh giặc trường kỳ, vừa đánh vừa củng cố lực lượng, đồng thời nhờ có thời gian mà tỏ dần tính chính nghĩa để càng đánh càng mạnh, chờ cơ hội lật ngược thế trận...

- Tất cả những khẩu khí còn lưu lại đến ngày hôm nay của các vị anh hùng dân tộc Việt trong đấu tranh chống xâm lược đều hàm chứa trong đó cái "ý tưởng tôn vinh" phòng thủ tích cực, như "Kiên thủ chờ suy" của Trần Hưng Đạo, "Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" và "Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều" của Nguyễn Trãi, hay "Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít" của Quang Trung... Nhưng tựu trung nhất, cái cơ sở tự nhiên, có vai trò cội nguồn khách quan xuất phát cho mọi quyết sách quyền mưu đúng đắn, là chân lý sáng ngời này:
Dĩ bất biến ứng vạn biến
Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm

(Lấy sự chính nghĩa, am hiểu thời cuộc, thông thuộc qui luật để chủ động, bình tĩnh ứng phó thích hợp trong mọi hoàn cảnh, trước mọi biến đổi tình hình.
Lấy tâm hồn yêu-ghét, mong cầu của đại chúng nhân quần làm nền tảng mà suy xét sự đời, từ đó mà biết lấy "vì dân vì nước" làm mục đích tối thượng cho hành động, cũng có nghĩa là biết hành động hợp lòng dân.)

- Ngày nay, tiến trình văn minh đã làm cho tính năng hủy diệt của vũ khí và trang thiết bị chiến tranh đạt mức nhanh, mạnh và chính xác đến ghê hồn. Điều đó làm cho cách bày binh bố trận chống xâm lược cũng phải biến đổi khác hẳn xưa kia. Tuy vậy, tối ưu lựa chọn để có cơ may cao nhất giành thắng lợi đối với một lực lượng kháng chiến yếu hơn trước một đế quốc bạo cường lăm le xâm lược có lực lượng mạnh hơn, thậm chí hoàn toàn áp đảo, vẫn là phòng thủ tích cực trên nền tảng kháng chiến trường kỳ-toàn dân-toàn diện, vì đó là chân lý bất di bất dịch!