TRÀ DƯ TỬU HẬU 12







Chuyện 15:  CHUYỆN GÁI
Sáng ra, mới 9 giờ, đã nghe ông A ĐT:
-Chiều qua sớm nghe mày!...Nhà tao làm "tất niên"!
Chà, thế là đã 23 tháng chạp rồi, chẳng còn mấy ngày nữa là Tết! Năm nào ông A cũng làm tất niên vào ngày này, vừa là để giỗ tổ (ông A từng làm thợ sắt, và 23 tháng chạp là ngày giỗ tổ nghề, ông A bảo thế), vừa là để tiễn ông Táo về Trời. Và năm nào tôi cũng dự. Thấm thoát đã hai mấy năm rồi kể từ ngày về đây, lẹ thật!

Đến chiều, khoảng 3 giờ, nghe ồn ã, tưởng nhà ông A đã vào tiệc, không kìm nôn nao đợi chờ từ sáng (vì có sẵn "tâm hồn ăn nhậu"?) mà cũng sợ ông A rầy là "làm phách chó", tôi vội qua. Còn khí sớm, bạn bè ông A chưa ai tới cả. Hóa ra ồn là do lũ trẻ con! Nhưng lỡ qua rồi, không lẽ về, đành phụ ông A bày bát đũa cho đỡ quê độ!
-Thằng biết điều ghê! - Ông A buột miệng khen...trật lất!
Khoảng nửa tiếng sau khách ông A mới lục tục kéo đến. Năm nay ông A xắp tiệc 3 bàn, bà con họ hàng ông 2 bàn, bạn bè ông 1 bàn (bàn nhậu).
-Tao có rủ con Thảo nữa đấy, cho vui! -Ông A đột nhiên cười nói
-Tý nữa cũng đến á? -Tôi hỏi lại -Anh rắc rối quá! Không khéo người ta lại cho là đã già rồi còn hám gái!
Nghe thế, ông A hạ giọng như sợ vợ trong nhà nghe thấy, vừa nói vừa cười tế nhị:
-Ham gái rõ ràng chứ "cho" gì nữa! Chỉ có điều hồi trẻ ham kiểu khác, giờ già ham kiểu khác. Thế mày còn ham gái không?
Tôi cười khùng khục:
-Cò...ò...òn!
....
Chờ khoảng tiếng rưỡi thì vào tiệc. Ba bàn bày kín thức ăn và đầy đủ khách khứa. Thật là ồn ào, trẻ con nhốn nháo. Nhưng chỉ có bàn nhậu là vui nhất. Ở đó, thỉnh thoảng vang lên những lời nói bông đùa có hơi hướng tục tĩu và tiếp đó rộ lên những tràng cười hô hố. Ngồi cạnh Thảo là một cô gái mới. Chắc bạn Thảo. Đoán thế nhưng sau ly rượu thứ nhất, tôi vẫn hỏi:
-Bạn của Thảo à?
-Dạ, bạn cùng làm với em! Nó tên Đào!
-Có uống được rượu không đấy? Nếu không thì uống nước ngọt? -Hỏi xong không đợi trả lời, ông B đã nói lớn.- Thu lấy cho em nó lon Pepsi, mày!
Thảo vội can thiệp:
-Nó uống được rượu mà! Anh B đừng giỡn, chấp ba người như anh không lại nó đâu!
Tôi rụt cổ, nhăn mặt, lè lưỡi làm bộ khiếp đảm:
-Ghê quá!
Điệu bộ ấy khiến cả bàn nhậu hiểu theo nghĩa tục, cười nghiêng ngả. Thảo thấy vậy, nói chữa:
-Là em nói về tửu lượng của Đào!
Đào đỏ mặt, chúm chím cười ngượng ngịu. Lúc này tôi mới nhìn rõ cô nàng: da trắng ngần, đôi mắt to, lông mi dài cong vút, khuôn mặt trái xoan đầy đặn, trẻ măng, được trang điểm kỹ. Cô nàng thật đẹp, nhưng là cái đẹp đã sửa soạn, vẫn thua Thảo.
-Tụi em đang công tác ở đâu thế? -Một ông bụng phệ, quen cách nói "nhà nước", chắc là bạn ông A, cất tiếng hỏi Đào.
Đây là câu hỏi tế nhị, rất khó trả lời đối với cả Đào lẫn Thảo, nếu không muốn nói dối. Đào nhìn Thảo như chờ câu trả lời thay của Thảo. Rất nhanh, ông A đã lên tiếng:
-Chúng nó phụ bán quán "Hát cho nhau nghe" trên đường Phan Đăng Lưu gần đây.
Ông bụng phệ trợn mắt:
-Thế à? Đào cho tôi số ĐT đi, hôm nào tôi ra đó uống ủng hộ.
Ông A nghe thế xua tay:
-Uống ủng hộ thì cứ ra uống ủng hộ lúc nào chả được, cần gì phải xin số ĐT?! Ông này "phức tạp" quá! Có "âm mưu" gì không đây?
-Có gì đâu, để tỏ lòng ngưỡng mộ người đẹp thôi mà! -Ông bụng phệ đáp lại, cười hí hí.
-Vô đi anh em! Vô nào hai em gái! Mấy ảnh nói giỡn đấy! -Một ông cao ngòng, chắc cũng là bạn ông A, cầm ly bia đầy (ông này không uống được rượu), mời cụng, nói như phân trần có vẻ hơi bị ... thừa.
Bàn nhậu từ đó trở nên khí thế hẳn. Ông C thường ngày là ông già điềm đạm, ít nói, giờ với mái đầu bạc  trắng, mô phạm, cũng tươm tướp:
-Anh A diễm phúc quá, quen hai em xinh như mộng! Nếu đi thi hoa hậu, chắc là phải đoạt giải!
-Anh nói quá! -Đào cất tiếng nhỏ nhẹ, làm bộ thẹn thùng.
-Ông ấy nịnh đấy, mấy em đừng tin! -Ông B nói xen vào, làm vui.
-Tối nay không bán quán, hả Thảo?-Tôi hỏi góp cho có chuyện
-Dạ có, anh! Ngồi đây chơi đến độ 8h thì chúng em xin phép đi. Thường giờ đó khách uống "tăng hai" mới đến đông. -Thảo đáp lại.
-Đông..., nhưng toàn đám "quá đát" mà còn ham hố chứ gì? Tôi còn lạ gì! -Ông B "phang".
Sợ động lòng Thảo và Đào, tôi vội bênh:
-Toàn khách già thì đã sao?...Miễn là có! Có cầu ắt có cung thôi. đúng không mấy em!?
Tôi hiểu vì sao giờ đó đông khách rồi, định nói thêm vài câu, nhưng nghĩ lại, thấy không tiện, đành thôi. Cuộc sống nhiều khi cần phải ý nhị!
......
Rồi bàn nhậu cũng chuyển sang canh tàn. Đám bạn ông A đã về hết, Thảo và Đào cũng đã đi, chỉ còn tôi, ông C, ông B, ông A (tất nhiên!) ngồi lại, lai rai.
-Anh A này, làm sao anh quen được cái Thảo, cái Đào thế? -Ông B đột nhiên nêu thắc mắc.
-Hồi xưa, khi chưa về hưu, hay uống quán đó, rồi quen, thế thôi! Lúc đầu chỉ quen con Thảo, sau quen luôn con Đào. Đào là bạn thân của Thảo. -Ông A rề rà trả lời.
-Thế anh có làm gì tụi nó chưa?-Ông B hỏi dồn.
Ông A ngồi thẳng lại, nói có vẻ giận:
-Làm gì là làm gì? Hỏi lãng nhách, vô duyên quá! Đến đó cho vui không được à?
Ông B cười trừ:
-Tò mò chút thôi, sao vội nóng thế? Mà có gì thì đã sao? Chuyện thường...
-Phải nói hai đứa đẹp thật, mà làm nghề ngồi bàn, kể cũng uổng! ...Xã hội hiện nay đẻ ra lắm nghề tếu quá chừng, ha? -Tôi nói và đặt một câu hỏi bâng quơ.
Đến lượt ông C lên tiếng:
-Làm nghề đó có đủ sống không ta? Chắc bấp bênh lắm!...
-Đừng có đùa! Khá lắm đấy! Chỉ có điều thời gian làm không được lâu và thiếu tương lai thôi. -Ông A nói có vẻ sôi nổi hơn.- Có lần con Thảo "khai" thật với tôi rằng bình quân hàng tháng, nếu được "mời" ngồi nhiều (đương nhiên là phải xinh, ăn nói có duyên rồi!), là khoảng 30 triệu/tháng. Tôi còn chứng kiến tận mắt chuyện này: có đứa con gái chạy bàn quê Quảng Trị. Khi tôi ghé quán đó lần đầu tiên, nó còn bé xíu, gọi tôi bằng chú. Mấy năm sau cô bé đó bỏ nghề chạy bàn, chuyển sang nghề ngồi bàn. Hả? Tất nhiên là nó có nhan sắc rồi...! Hả?... Không! Không bao giờ tôi ngồi với nó! Xưng chú cháu rồi, ngối "lý lắt", kỳ lắm! Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng cho nó vài chục. Có lẽ vì thế,con nhỏ thích tôi lắm! Bẵng đi một thời gian không thấy nó đâu, tôi hỏi, người ta chỉ nói nó nghỉ rồi. Một hôm tôi nhận được cuộc ĐT từ cô bé. Cô ta nói dọng tếu rằng đã được một đại gia "hốt" rồi. Té ra có một lão già giàu có nhận cô nàng làm vợ bé hờ, vì đã có vợ mà không có con. Thế rồi cô bé đẻ liền hai đứa con trai cho lão ta. Khỏi phải nói, lão kia mừng tới cỡ nào. Cuộc ĐT cuối cùng, cô nàng nói với tôi thế này (nguyên văn): "Chú ạ, đời cháu coi như gặp hên rồi. Dù là chồng người ta, dù vẫn phải dấu thì ông ấy cũng thương mẹ con cháu lắm. Nhà cháu nghèo, hàng tháng cháu vẫn gửi tiền về cho ba, mẹ. Thôi thì, được ngày nào hay ngày nấy! Chị Thảo ao ước như cháu mà không được. Âu cũng là số phận, phải không chú?".
-Bây giờ mà rủ con Đào hay Thảo vào khách sạn, chúng nó có đi không nhỉ? -Ông B lại hỏi một cách "lãng nhách".
Lần này ông A không tỏ ra giận dỗi, chỉ lườm một cái và nói gọn lỏn:
-Còn tùy!... Không dễ như anh tưởng đâu! Cỡ anh thì làm gì có "cửa"! Già chát rồi, còn gì nữa đâu, thôi đi!
-Xì, cứ tiền là xong tất! -Ông C xác quyết.
-Có thể là như thế, có thể là trong số chúng nó cũng có những đứa đáng khinh. Nhưng không phải tất cả! Như chúng ta đây, được gọi là tầng lớp "trí thức già", cũng vậy thôi, thử hỏi được mấy "lão" tôi luyện thành "cây đa cây đề", còn bao nhiêu "thằng" đổ đốn? Thực lòng, tôi vẫn quí trọng chúng nó. Ở gần, tiếp xúc nhiều, mới biết chúng cũng là những con người bình thường như chúng ta, những thực thể biết tư duy, có tâm hồn yêu-ghét, biết trân trọng, nâng niu cái đẹp, những thực thể cố gắng sống còn một cách đáng thương....-Ông A đột nhiên lên giọng triết học. Để phá vỡ câu chuyệncó chiều hướng chẳng hay ho gì, tôi chớp cơ hội:
-A, "thực thể" là gì! Theo quan niệm của mình, anh A có thể giải thích được không?
Nghe hỏi thế, ông A nhìn tôi lom lom:
-Lại đố chữ! Lại thích chuyện triết học? Khốn nỗi say mất đất rồi, trả lời sao nổi? Để bữa khác đi! Thu à, chú mày thắc mắc nhiều chuyện thoạt nghe tưởng dễ, nhưng ngẫm lâu một tí thì hóa ra "điếc con ráy", thật khó trả lời...