(Đại Chúng sưu tầm)
1 - ĂN GÌ MÀ DỮ VẬY?
Có đôi vợ chồng nọ rất nghèo, thường ngày chỉ ăn cơm với nước tương, dưa muối. Một bữa do làm mệt mà người còn cảm thấy gai gai lạnh nên anh chồng ngồi thừ trước mâm cơm "truyền thống", không sao ăn nổi. Thương chồng quá, chị vợ cố nghĩ ra một mẹo động viên:
- Mình ơi! Bây giờ vợ chồng mình cứ tưởng tượng như đang ngồi trong tiệm ăn nhé!... Để em kêu...
Anh chồng hiểu tình vợ, nổi vui nói luôn:
- Ừ, kêu món gì đi em!
Chị vợ toe toét, quay đầu xuống bếp, dõng dạc:
- Cho đĩa bò xào củ hành!
- Được! Đầu bữa mà kêu món xào là đúng điệu... - Anh chồng vừa gật gù nói vừa nhanh nhẹn cầm chén cơm còn đầy nguyên và đũa lên...
Nhờ có hứng, loáng cái anh đã "quất" hết hai chén cơm và tiếp tục chén thứ ba. Chị vợ thấy chồng ăn khí thế quá, ngồi ngẩn ra nhìn, được một lúc thì như sực nhớ ra, vội nói:
- Ối! hết đĩa bò xào rồi này!... Để em kêu thêm... - Rồi chị vợ lại dõng dạc - Cho thêm đĩa gà luộc với tô canh khổ qua dồi thịt nữa nhé!...
Anh chồng lại "ào ạt" và cơm... Đến chén thứ tám thì anh no ứ hự. Lúc này, anh chồng mới phát hiện vợ mình nãy giờ chưa đụng đũa:
- Ủa, sao em không ăn đi?... Thịt gà ở đây luộc ngon hết chê luôn... Còn vài miếng em ăn thử xem...
- Rồi anh ta cũng bắt chước vợ, ngoái đầu xuống bếp, la lớn - Cho nguyên mười con gà luộc lên đây nữa, nhanh lên nhé!... Cả đời mới có dịp... Kêu thế cho nó đã!...
Chị vợ chưa kịp ăn hết chén cơm thì anh chồng đã lăn ra ngủ, ngáy ầm ĩ. Buồn quá, chị lay chồng dậy, nũng nịu nguầy nguậy:
- Anh ơi! Kêu thêm món cho em đi anh!...
Anh chồng dụi mắt nhìn vợ trân trân, dần hồi nhớ mọi chuyện, nói giọng còn ngái ngủ, hơi có vẻ cau có:
- Ăn gì mà dữ vậy? Mới đó đã hết mười con gà luộc rồi à!?
2 - HIỆU QUẢ
Một lão già phát hiện ra nhà mình bị mất gà. Vốn tính hiền lành lại có máu thi sĩ, lão chẳng làm to chuyện, chỉ lẳng lặng làm bài thơ, chép ra tờ giấy, đem dán ngay cửa chuồng gà:
- Bay ơi, chi sá một đàn gà
Đã lỡ bắt rồi, hãy thả ra
Đứa lớn dạy răn cùng đứa bé
Đàn ông khuyên nhủ với đàn bà
Một câu nhân đức: chồng khuyên vợ
Chớ lấy của người: con nghe cha
Thôi thôi, có mấy lời nhắn nhủ
Mong bay nghĩ lại, chớ bắt gà.
Sáng hôm sau, lão già ra thăm chuồng gà thì thấy mất thêm vài con nữa. không những thế, tờ giấy đề thơ lão cũng không còn mà thay vào đó là tờ giấy khác đề bài thơ họa lại thế này:
- Lão ơi, chi sá mấy con gà
Lỡ bắt rồi, ngu sao thả ra?
Đứa lớn nhổ lông cùng đứa bé
Đàn ông ăn nhậu với đàn bà
Phao câu béo ngậy: chồng nhường vợ
Cặp cánh đẫy đà: con kính cha
Thôi thôi, có mấy lời đáp lại
Mặc lão làm thơ, cứ bắt gà
Lão già hiền lành bao nhiêu thì vợ lão hung dữ bấy nhiêu. Chỉ vì nể lão nên bà ta cố nhịn. Nhưng rồi "tức nước vỡ bờ".
Hôm sau nữa, nhà lão già lại mất thêm con gà giò để giành cúng quảy. Thế là vợ lão già đi khắp xóm dưới làng trên tru tréo những lời đến quỉ nghe còn phải chạy tét, mà đoạn "nhẹ đô" nhất là thế này:
- Thằng nào, con nào, đứa nào lỡ dại bắt gà của bà thì mau mau đem trả bà. Ở nhà bà, nó là gà, sang nhà chúng mày, nó là con chồn, con cáo, con quạ, con diều hâu. Nó cắn chết hết gà vịt chúng mày, nó mổ mù mắt con cái chúng mày. Ăn gà của bà, có chui xuống đất thì bà túm tóc kéo lên, có phóng lên trời thì bà nắm giò kéo xuống. Chúng mày ăn một đứa thì chết một đứa, ăn hai đứa thì chết hai đứa, ăn cả dòng cả họ thì chết trước ba phần tư, còn một phần tư chôn cất chúng mày xong rồi cũng chết nốt...
Bà lão chửi buổi sáng thì buổi trưa đã thấy con gà giò bị mất cắp tha thẩn trong sân. Hơn nữa, từ đó trở đi, nhà vợ chồng lão già không còn bị mất gà nữa...
3 - LỄ TẾT THẦY
Bữa kia, nhằm ngày Tết Mùng Năm (?), hết thảy học trò, người cái này kẻ cái nọ, đều đem đến làm lễ thầy. Có một học trò không tết gì hết. Thầy mới hỏi nó:
- Này con, theo phép hễ đến Tết Mùng Năm thì học trò phải lễ thầy, sao con lại không?
Nghe lời cha dặn, nó đáp:
- Thưa thầy, cha con bận việc nên quên mất...
Người thầy im lặng một lúc mới ôn tồn nói:
- Thôi thế này, thầy sẽ ra một câu đối, con về nhà nghĩ câu đối lại mai đưa thầy xem, coi như con cũng đã tết lễ thầy... Câu đối như vầy: "Hán trào tam kiệt: Trương Lương, Hàn Tín, Uất Trì Cung" ...
Nghĩ không ra, đứa học trò đành hỏi cha nó. Cha nó xem, cười nhếch mép:
- Thầy giáo thế này thì tết uổng lắm... Mai con thưa với thầy rằng, Uất Trì Cung là bề tôi của nhà Đường chứ không phải của nhà Hán!
Hôm sau, đứa học trò thưa thầy đúng như thế. Người thầy bèn nghiêm giọng mà rằng:
- Thấy chưa? Chuyện cách nay mấy ngàn năm ở tít bên Tàu mà cha của con còn nhớ, ấy vậy thì chuyện lễ thầy Tết Mùng Năm đã thành lệ ở đây, năm nào cũng thế, sao ông ấy lại có thể quên được!?
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>