Trách nhiệm trọn đời - Minh Châu



Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng - con trai đồng  chí Võ Nguyên Lượng, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng
- con trai đồng chí Võ Nguyên Lượng,
hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.


Đồng chí Võ Nguyên Lượng, sinh năm 1915, quê ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Sinh ra trong một gia đình phú nông, nhưng năm 16 tuổi ông thoát ly gia đình đi làm thợ điện ở Quy Nhơn (Bình Định). Từ 1939 đến năm 1947 ông làm việc tại Nhà máy điện Thanh Hóa và tham gia cướp chính quyền (tháng 8-1945) ở đây. Từ đó, người đảng viên ưu tú này gắn cuộc đời cách mạng của mình với quê hương Thanh Hóa. Năm 1953, ông được Trung ương giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sau nhiều lần chuyển công tác, năm 1965, ông lại về nhận chức Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đó, đến tháng 11-1969 ông lại đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho tới tháng 12-1974.

Ông Võ Nguyên Lượng có người con trai tên là Võ Nguyên Trọng. Anh Trọng học rất giỏi nên có giấy gọi đi học ở Liên Xô. Đúng lúc đó, anh cũng có giấy mời đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ông Võ Nguyên Lượng đã gặp hội đồng tuyển quân và nói: “Con tôi cũng như con người khác, các đồng chí cứ để cho cháu lên đường nhập ngũ, đừng do dự”.  Rồi ông động viên anh Trọng đi làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của người thanh niên với Tổ quốc. Thế rồi, người con trai của ông đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Người dân Thanh Hóa vừa thương, vừa cảm phục ông vì với vị trí của ông thời đó việc cho con đi học ở Liên Xô rất đúng “tiêu chuẩn”. Nhưng ông và anh Trọng đã nêu gương sáng về tinh thần sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ về mình.

Ở xứ Thanh, ông Lượng để lại nhiều giai thoại về lối sống rất sâu sắc, nghĩa tình. Đặc biệt, chuyện với ông Trần Tiến Quân, lão thành cách mạng, người đã giới thiệu ông Võ Nguyên Lượng vào Đảng tháng 2-1946. Từ đó, cứ ngày vào Đảng của mình, ông Lượng làm cơm thân mật mời ông Trần Tiến Quân, đến dự. Bữa cơm thường chỉ có hai người. Có người nghĩ đó là ông Lượng tri ân ông Quân. Nhưng sự thực là trong mỗi buổi ăn cơm thân mật đó, ông Lượng báo cáo lại với ông Quân quá trình tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đảng viên của mình. Ông Quân cũng tự kiểm trước ông Lượng về trách nhiệm của người đã đứng ra giới thiệu, kèm cặp ông Lượng vào Đảng.

Câu chuyện “tự phê bình” của hai đảng viên này là một bài học “kinh điển” về tinh thần trách nhiệm trọn đời của người đảng viên cộng sản.
 ❧ ❀ ❧ 

Đăng lại bài viết của Minh Châu (đã đăng tại Báo điện tử Quân đội nhân dân: Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2010).