Cam Ranh - Kỷ niệm (Duy Đảo)



Những năm 80 thế kỷ trước, lính tráng chúng tôi vẫn còn rất vất vả. Đơn vị chúng tôi đóng quân trong bán đảo, không có dân. Đã thiếu thốn về tinh thần, đời sống vật chất cũng vậy, cực khổ trăm bề. Mang tiếng đóng quân vùng biển mà quanh năm chúng tôi chỉ biết ăn loại cá vụn to hơn đầu ngón chân, xương nhiều hơn thịt, loại cá này người ta mua về chỉ dùng để ủ phân. Thế mà tiếp phẩm đơn vị cũng phải chờ cho tới tan chợ mới dám xông vào mặc cả. Lúc nào cơ thể cũng thiếu chất. Nuôi được con chó mới bằng nắm tay mà ngày nào cũng bị dọa “Các ông thấy thế nào, quyết được chưa?” Con chó “chột” không sao lớn nổi.

Chủ nhật lính tráng bủa đi khắp nơi kiếm ăn để cải thiện đời sống. Nhóm thì ra bờ biển dạng dái cào nghêu. Nhóm thì lùng sục ở những khe đá, lạch nước tìm con cua, con ốc. Nhóm thì chui lủi vào rừng cây trên triền cát bẫy, đào Kỳ Nhông ( Kỳ Nhông giống con Kỳ Đà nhưng nhỏ, mình có hoa sống hoang dã ở vùng cát miền trung, thịt ăn ngon như thịt gà) về làm thức ăn. Có chú lính đi đào Kỳ Nhông mới chín giờ sáng đã chạy về nhà mặt xanh như đít nhái.
-Em suýt chết anh ạ! Thấy hang kỳ Nhông to em dùng xẻng đào, sờ được đuôi nó chưa kịp nắm để kéo ra thì nó đã chui sâu vào trong, giống Kỳ Nhông đào khỏe thật. Miếng ngon trong tầm tay, đang cơn hăng, em chui người vào hang đào việt dã đuổi theo. Khi gần như cả người đã ở trong hang thì bất đồ hang cát ụp xuống. Trời đất tối thui, em vùng vẫy trong tuyệt vọng, trong đầu em đã loáng thoáng- phen này chắc vĩnh biệt Hà Nội. Bản năng gốc bốc lên em dồn hết sức còn lại quậy đạp quả cuối. Thế mà thoát, chui khỏi được cái hang chết tiệt ấy trên người mỗi cái quần đùi bán sống bán chết em chạy một mạch về đơn vị. Chỉ vì miếng ăn mà suýt mất mạng. Quần áo cuốc xẻng và mấy con Kỳ Nhông bắt được cũng chả kịp đem về, em vẫn còn vứt trong rừng.

Sau này tôi phải ra lệnh” Đào Kỳ nhông nhất thiết phải đi hai người” kiên quyết không cho đánh lẻ để đảm bảo an toàn.
Một hôm từ trên trận địa về đã thấy anh em ngồi quây quần bên chậu quân dụng “đạị” đặt giữa nhà, mùi thịt rô ty thơm nức.
- Anh rửa tay đi, chỉ còn chờ anh nữa thôi. Có mấy con thỏ rừng anh em giăng lưới bắt được sáng nay.
Thịt thỏ chắc, béo rô ty đúng bài ngon tuyệt. Sau này mới biết anh em họ lừa. Chậu thịt ấy là chậu thịt chuột cống mà mấy chú lính bắt được trong kho gạo của đơn vị khi tịnh kho cuối tháng, biếu đám sỹ quan chúng tôi. Sợ tôi dân thành phố không dám xơi nên anh em mới nói phét với tôi như thế. Ngon thì ngon thật dưng vẫn sợ, chẳng may bị dịch hạch thì chỉ có nước chết. Nhưng cái đói và cái thiếu nó giúp người ta có nghị lực vượt qua được nghịch cảnh, vượt qua nỗi sợ.
Ngày ấy trang phục quần áo cán bô chiến sỹ trong đơn vị chả khác gì chị Dậu. Quần áo mới mặc hai ba tháng đã tả tơi rơi rụng vì nước nợ và nắng gió vùng biển. Có đợt chả biết lính tráng khuân ở đâu về hàng bao tải quần áo. Rặt loại quần áo quá cỡ, dệt kim màu xanh nhạt, đem về giặt đi sử dụng. Đứa nào lười cứ để mặc lụng thụng như áo dài the. Có đứa sửa đi mặc trông cũng đẹp.

Sau này mới biết quần áo đó là đồ chuyên dụng của bọn thủy thủ tàu ngầm Nga. Tàu ngầm vào tiếp nhiên liệu bảo dưỡng trong cảng, quần áo mặc một lần được tàu ngầm thụt ra biển, sóng gió đánh giạt vào bờ thành nguồn cung cấp quân trang cho đơn vị.

Đơn vị tôi có thiếu úy Linh người Hà Nam còn trẻ chưa vợ. Hôm liên hoan “chào sân” khi mới về nhận công tác. Linh giới thiệu bố là đại tá công tác tại “địa phương”. Tôi nghĩ ở địa phương thì chắc cụ ở bộ tư lệnh quân khu hoặc chí ít cũng cỡ tư lệnh bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Tôi gật gù, tay này được đây, sỹ quan trẻ mới ra trường dám lao vào nơi khó khăn để rèn luyện, trong khi có thừa điều kiện. Thế là từ nay tôi có thêm thằng em “cùng gia cảnh” để tâm sự.

Rút cục toàn tin vịt. Linh giới thiệu khôi hài bố em là đại tá “điền”, nhưng chữ “điền” nó truội nhẹ đi từ tai này qua tai kia của đám sỹ quan đang ngà ngà say trong bữa cơm rượu đón Linh, nên chỉ còn hai chữ ĐẠI TÁ. Cũng từ đó Linh bị “đóng đinh” con trai viên đại tá. Thực tế nhà Linh hoàn cảnh lắm. Trong một lần về phép thăm gia đình tôi thò tay vào hai túi quần Linh kiểm tra, khoắng một hồi chỉ thấy có mỗi cái ấy vặt vẹo. Chúng tôi bảo nhau tạm ứng tài vụ ít tiền biếu Linh chi phí đi đường và mua quà cho bố mẹ. Linh cảm động lắm.

Sáng Linh ra bến xe về quê tôi không tiễn được vì phải cho đơn vị huấn luyện trên trận địa. Trưa về nhìn lên bảng phân công công tác trong phòng có mấy dòng Linh gửi lại:
Em đi vội không lên trận địa chào anh được. Em có mượn của anh mấy thứ để đi phép:
- Cái áo dài tay anh treo ở cọc màn (Cái áo này chỉ khi nào hội họp hoăc đối ngoại tôi mới dám xỏ tới).
- Đôi dép rọ của Tàu bằng nhựa màu nâu (Đôi dép ông già kỷ niệm, nhưng tôi đi chả được bao nhiêu vì nó như lính liên hiệp quốc được điều động chạy lòng vòng trong đơn vị chỉ để phục vụ các sỹ quan khi có việc).
- Cho em mượn luôn cả cái quần lót còn ướt anh phơi ngoài sân (Tôi có hai cái mặc trao đổi).

Thế là gần hai tháng giời tôi phải cởi truồng đi ngủ. Được cái đơn vị toàn đực rựa hơn nữa bói đỏ con mắt cũng không đào đâu ra mùi chị em trong bán đảo này. Nên cái quần lót ngày mặc, đêm giặt chỉ là chuyện lỗ kim.

Chuyện mượn quần lót để đi phép, câu chuyện thật mà như đùa. Chả hiểu trong toàn quân có còn trường hợp nào như thế nữa không?
….

Trên đây là một vài kỷ niệm thời tôi đóng quân ở Cam Ranh, tôi nhớ lại lượm lặt kể ra đây hầu các bạn.




 ❧ ❀ ❧ 

Lấy từ Facebook của Duy Đảo 02/11/2014