Đồng đội tôi - Chu kỳ Minh K2




Đồng đội tôi

Chu Kỳ Minh K2


Chúng tôi gặp nhau tình cờ trong một lần “DU XUÂN” của các học sinh KGU một thời tại Liên Xô. Nhìn tác phong từ xa đã biết đấy là dân trường Trỗi. Khi tìm hiểu kỹ thì cũng lại rất tình cớ nữa bốn đứa chúng tôi đại diện cho 4 khóa của trường Trỗi một thời. Chu Kỳ Minh khóa 2; Trần Bắc Hải khóa 5, Nguyễn Hoàng Anh khóa 6, Nguyễn Thu Hồng khóa 7. Với tư cách là anh cả tôi đã gọi tất cả mọi người chụp ảnh kỷ niệm để dánh dấu một sự tình cờ gặp nhau tại phương Nam này. Có lẽ cũng phải lý giải nguyên nhân cuộc gặp này một chút chứ nhỉ.

Tôi và Hoàng Anh là “con rể” của hội các sinh viên trường tổng hợp Kishinhop Molđavia, còn Bắc Hải và Thu Hồng là hai cựu sinh viên của trường KGU đó. Chúng tôi gặp nhau như những đồng đội trong cùng một chiến hào, đâu đó để cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của một thời dưới mái trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Mái trường trong khói lửa của cuộc chiến đấu chống Mỹ đã sinh ra chúng tôi.

Cả bốn đứa chúng tôi sau khi ra khỏi trường Trỗi người thì học đại học trong môi trường Quân đội ngay như tôi và Hoàng Anh. Một thằng học kỹ thuật Quân sự, một thằng học Đại học Quân y. Còn Bắc Hải và Thu Hồng sau khi tốt nghiệp tại KGU cũng về phục vụ trong Quân đội. Một người ở Học viện Quân y và một người ở nhà máy Z181 của Tổng cục CNQP. Điều đó chứng tỏ rằng, chúng tôi đã đi theo tiếng gọi của truyền thống gia đình và hoàn thành đúng lời thề đầu tiên trong 10 lời thề của học viên trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi – “Điều 1: Phấn đấu trở thành người Quân nhân cách mạng…”.

Chúng tôi cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những năm tháng đã qua trong quãng đời binh nghiệp.

Hoàng Anh nói: ”Sau khi tốt nghiệp lớp 10 em lên đường nhập ngũ và được đưa về học tại trường Đại học Quân y. Ở trường, chúng em được rèn luyện như những người lính thực thụ. Ngoài bài vở chuyên môn khủng khiếp của ngành y, Cũng hành quân, sử dụng vũ khí, tập chiến thuật quân y, cũng tăng gia nuôi lợn trồng rau, kiếm củi … chẳng khác gì mấy như những năm sơ tán trong trường Trỗi tại Đại Từ Thái Nguyên. Cứ tưởng sáu năm học trong trường trôi qua cũng nhẹ nhàng, nhưng thực ra không như thế. Năm 1977 chiến tranh biên giới Tây – Nam nổ ra chúng em được điều động đi phục vụ chiến trường Camphuchia. Lại một bên túi thuốc, một ba lô và trên vai một khẩu súng AK cũng vất vả mưa nắng lúc đói lúc no, cũng chịu những trận tập kích pháo kích của quân Polpot chẳng khác lính chiến, bôn ba khắp trên các vùng đất Campuchia. Rồi Trời cũng thương anh ạ. Cuối năm 1978 nhà trường cũng gọi tụi em về thi tốt nghiệp. Thế là sáu năm học đã trở thành bẩy năm và thời gian cũng nhanh chóng qua đi. Sau khi ra trường bọn em thành bác sĩ quân y với quân hàm thiếu úy trên vai và cho đến bây giờ em vẫn còn nhớ mãi mấy câu thơ hồi ấy ông thầy chính trị trích lục ở đâu không rõ để chê những người có hoài bão lệch lạc:

Sáu năm một gạch, một sao
Một chiếc bát sắt dắt vào bên hông
Một cô vợ đẹp má hồng
Một gian nhà nhỏ giữa lòng Thủ đô




Sáu năm 49 lần thi
Một lần tốt nghiệp còn gì là xuân


Đúng là em đã có gần được cả những điều đó. Số phận đã giành cho em một cô gái không những má hồng mà còn có mái tóc dài thật óng mượt, thướt tha (HA tâm sự), đó là cô bạn gái học cùng trường từ lớp 4, cùng lớp 10 thời phổ thông, cùng khu Nam Đồng với em. Cô “hàng xóm” nhà em sau sáu năm học ở Kishinhop KGU về vẫn chẳng yêu ai (mặc dù nghe nói cũng có nhiều người săn đón, em vẫn đùa chắc mình là người thứ 41). “Cô bé nhà bên nhìn em cười khúc khích” hay bị chiếu gương trêu chọc ngày nào bây giờ đã trở thành vợ em - một cặp đôi gần như là hoàn hảo... Có lẽ như thế cũng đã là nhiều. Nhưng hạnh phúc nhất và nhiều hơn hết đó là chúng em đã trở thành ông bà nội của hai đứa cháu “cu – cu”.

Nói tới một người mà lúc nào cũng đau đáu với Trường Sa, với những động đội một thời đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước này thì không ai khác, chỉ có thể là BACHAI. Tên là như thế, nhưng hắn có uống được đâu, một chai còn không xong nói gì đến ba chai. Tôi biết hắn lần đầu qua vợ tôi, lần sau qua thằng em rể trong HVQY. Nhưng cả hai lần đều trên phone, còn lần này thì chính tôi đã được gặp và nói chuyện trực tiếp với hắn thông qua cuộc du xuân tại Tp. HCM.

Giữa ngoài đời và trong tiềm thức, suy nghĩ của tôi thì hắn khác nhiều quá. Chỉ có giọng nói thì vẫn không lẫn vào đâu được. Với hắn đã định làm cái gì thì chú tâm đổ công sức và trí tuệ vào để làm cho bằng được. Tôi còn nhớ lần đoàn “Người KGU” triển khai đi ủng hộ các chị TNXP tại Hà Tĩnh, hắn đã theo sát đoàn từ khi bắt đầu khởi hành đến khi kết thúc bằng điện thoại từ Úc gọi về. Trên đường đi còn giới thiệu thêm Thúc Minh - một người bạn Trỗi nữa tại Vinh, để tham gia đoàn cho thêm phần vui vẻ.

Hắn ở xa quê, nhưng năm nào hắn cũng về nước, ít thì một lần, nhiều thì cũng phải hai trở lên. Cuộc sống nơi đất khách quê người đã tạo cho hắn một tình thương đồng loại thiết tha, đầy ắp những cảm xúc thăng hoa. Để làm được tất cả những công việc lớn lao trong cuộc đời, bên hắn luôn có một người vợ tuyệt vời và những đứa con thành đạt. Nhiều khi tôi cứ hình dung ra hắn với cây đàn ghi ta trong tay, kề bên là người vợ luôn dành cho hắn sự chăm sóc, cảm thông, đầy ắp yêu thương thì đương nhiên sẽ sản sinh ra rất nhiều các ca khúc hay, trong đó có ca khúc “chuyện tình đêm sao” làm rung động nhiều người KGU, ai đã từng nghe đều thích thú và cảm thấy mình là một nhân vật trong đó vậy. Tôi rất mê ca khúc này mặc dù chẳng có được một chuyện tình gì ở đấy cả . Cả ca từ và giai điệu đều thấm đậm tình người, đều mang dáng dấp của những năm tháng không thể nào quên dưới mái trường KGU thân yêu của các bạn. Có lẽ vì tôi rất yêu quí người viết lời (HL & KT) và thương mến, trân trọng cả người viết nhạc nữa. Tất cả đã làm nên một ca khúc tuyệt vời … không biết vì sao em nói nhiều thế / anh chỉ lặng nghe cứ cười hoài... Ngượng ngùng thoáng nụ cười/ ta đi giữa trời sao… Cách đây ít lâu tôi có may mắn được gặp người đã phối khí cho bài hát này, người nhạc sỹ ấy đã tỏ lời khen ngợi tác giả phần nhạc của bài hát. Điều đó làm tôi cũng được thơm lây cái danh của BACHAI và cảm thấy có chút gì đấy tự hào. Ai chưa nghe cũng nên nghe bài này đi nhé. Bạn sẽ thấy mình ở trong đó của những năm tháng đi học và của tình yêu thủa sinh viên.

Người con gái duy nhất trong nhóm “Trỗi” của chúng tôi là Thu Hồng. Em vẫn mang đúng bản tính sôi nổi, nhiệt tình của một học sinh trường Trỗi, nhưng lại rất đằm thắm dịu dàng của Masa, hay Kachiusa… nào đó - một характер русский và rất Nga. Các bạn nhìn trong ảnh xem, tay chống nạnh, rất ngang, rất Trỗi, nhưng khi tiếp xúc thì lại rất nhẹ nhàng, nhiệt tình, dễ thương, dễ gần. Tôi còn nhớ sau du xuân mấy ngày, em nói: “anh, chị ơi! Em mời anh chị đi dancing với bọn em tại CLB Lao Động trên đường…gì đấy (tôi quên mất rồi). Thế là lần đầu tiên tôi thấy cách nhẩy, bước nhẩy của các vũ công Sài Gòn và đúng hôm đó tôi mới thấy em nhẹ nhàng, uyển chuyển làm sao trong từng bước đi của điệu rumba, valse, mạnh mẽ của điệu cha cha cha và bốc lửa, nhiệt tình trong điệu tango Achentina…Đúng như phong cách của em biểu diễn văn nghệ thời trường Trỗi khi em học lớp 5, còn bọn tôi lớp 10.

Thu Hồng trong ký ức của tôi là cô bé tóc ngắn ngang vai, hát hay, múa giỏi, từ nhỏ đã ánh lên sự thông minh và một nghị lực trong đôi mắt sáng. Sau này tôi gặp lại con người đó trong truyện ký “Bụi trong nắng” một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ đầy trách nhiệm, nghị lực, vượt lên tất cả những sóng gió, những mất mát của cuộc đời để sống và yêu thương. Ai đã từng trải qua những năm tháng chăm sóc người ốm mới thống hiểu tất cả những gì Thu Hồng đã làm và đã chịu đựng.

Cuối cùng của bài viết là cái thằng “tôi” một chữ viết thường như muôn ngàn chữ viết khác trong cuộc sống đang sôi động, đang vận động trong vũ trụ rất nhiều thay đổi hôm nay. Tôi đã học 6 năm tại một trường Quân sự của Quân đội Liên Xô. Lúc rời nhà ra đi cũng chưa kịp có cô bé nhà bên nào để mà nhắn lại Жди меня и я вернусь.

Thủa ấy tôi vẫn còn đi học
Thành phố này không một bóng mỹ nhân
Lũ chúng tôi hóa thành “sư” cả
Biết khi nào mới trở lại làm dân


Đến khi kịp làm “dân” thì đã trở thành con rể của hội KGU rồi. Các bạn có lẽ cũng đã biết tôi trong những trang viết “Nói về những người bạn”, những bài thơ, những mẩu chuyện cười, những cuộc du xuân và với các bài hát Nga.Với tôi trường Trỗi là một phần của trái tim nhiệt tình năng động. Nước Nga là lòng yêu thương và nghị lực cho trái tim tôi đập mãi cùng thời gian.

Tôi giống Hoàng Anh chỉ là con rể của KGU, nhưng với người KGU chúng tôi luôn sống và chơi hết mình, tham gia nhiệt tình các hoạt động của hội, luôn rất muốn chan hòa với mọi người, tất cả là vì cái tập thể đáng yêu và đáng quí này của các bạn của chúng ta và của tôi.



 ❧ ❀ ❧ 

Đăng lại bài viết của Chu kỳ Minh K2 (đã đăng tại Trang Student KGU: Chủ nhật 02 Tháng sáu 2013).