Bài viết hay 13
Thứ Bảy, tháng 6 22, 2013NHÌN LẠI THƠ KHÁNG CHIẾN 1945 – 1975
1. Dẫn nhập
Tiếng súng đã tắt – bom đạn đã thôi gầm thét. Kỷ nguyên mới đã được mở ra cho dân tộc ta với chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975. Toàn dân tộc bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và phát triển.
Ba mươi năm đã trôi qua, ba mươi năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử nhưng đủ để một thế hệ trưởng thành, một thế hệ không biết đến chiến tranh nhìn nhận đánh giá nền văn học chiến tranh và cũng đủ để các thế hệ trưởng thành trong chiến tranh nhìn nhận lại, đánh giá lại nền văn học cách mạng trong giai đoạn vừa qua – giai đoạn 1945 – 1975.
Vì sao cần có sự nhận thức, đánh giá đó ?
Theo Trần Đình Sử, đó là vì “do nhu cầu đổi mới bức thiết của văn học trong công cuộc đổi mới chung của đất nước, cũng như do khát vọng thiết tha muốn tự vượt lên chính mình trong thời kỳ mới” (7;31). Và như vậy, việc nhìn nhận, đánh giá lại văn học cách mạng giai đoạn này là cần thiết. Vấn đề là để nhìn nhận và đánh giá lại nền văn học giai đoạn này đã nảy sinh rất nhiều ý kiến, không trùng khớp nhau, thậm chí phủ định nhau.“Bên cạnh việc khẳng định nền văn học cách mạng giai đoạn này mà những nhược điểm được nhận thức sâu sắc hơn, một số hiện tượng văn học từng được đánh giá cao nay không còn được giữ nguyên kích thước như cũ”(7;31). Cũng có ý kiến cho rằng văn học 1945 – 1975 là “một khúc gãy làm gián đoạn tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc đã được dấy lên từ đầu thế kỷ, nhất là giai đoạn 1930 – 1945, mà mãi tới sau 1986 mới lại được tiếp nối” (7;32). Ý kiến này có lẽ xuất phát từ việc đem “đối lập tuyệt đối giữa cá nhân và cộng đồng, giữa ý thức xã hội và ý thức nhân bản – đó là sự đề cao ý thức cá nhân, chú trọng đến việc khám phá cái tôi mà xem nhẹ ý thức cộng đồng” (5;16). Cũng có ý kiến cho rằng, văn học giai đoạn này là văn học “hy sinh nghệ thuật” vì nó phục vụ mục đích chính trị cách mạng. Dường như việc phục vụ chính trị, cổ vũ và tuyên truyền là tất cả giá trị của nền văn học này. Và cũng có ý kiến cho rằng nền văn học này đã “lạm dụng nguyên lý phản ánh, cốt ghi chép cho nhiều người thật, việc thật” và giá trị đích thực của văn học chủ yếu là ở phương diện tư liệu, đời sống (7;32).
Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi muốn góp thêm một vài ý kiến để nhìn nhận, đánh giá lại nền thơ kháng chiến của dân tộc trong giai đoạn 1945– 1975.
2. Nền thơ kháng chiến 1945-1975 - Một vài nhận định
Theo Nguyễn Văn Long (1996), sở dĩ có nhiều ý kiến khác nhau như vậy là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có lẽ do góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Ông cũng cho rằng để tiếp cận và đánh giá một giai đoạn văn học như vậy có thể dựa vào một vài tiêu chí mà ông đã mạnh dạn đưa ra như sau:
1. Xem xét tác dụng của văn học đối với thời đại: sự đáp ứng của nó đối với các đòi hỏi bức thiết của thời đại ấy – đây có thể coi là giá trị được nhìn nhận từ chức năng xã hội – lịch sử của văn học.
2. Các giá trị ấy lại phải xem có bền vững, có khả năng vượt qua những giới hạn của thời gian, của không gian để đến với mọi con người ở mọi thời đại hay không? Đấy phải chăng là những giá trị mang tính nhân loại phổ quát?
3. Đặt thời kỳ văn học đó trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc: cần tính đến năng lực kế thừa tinh hoa văn học truyền thống và nhân loại để tạo ra cái mới, nhằm một mặt giữ gìn bản sắc và kinh nghiệm quí báu, và mặt khác thúc đẩy văn học đi lên (5;16, 17).
Những tiêu chí mang tính tiền đề này có thể vẫn còn có điều cần bàn nhưng về đại thể nó cũng đủ để chúng ta căn cứ vào đó mà tiếp cận, đánh giá. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sử dụng các tiêu chí này để nhìn nhận lại, đánh giá lại nền thơ kháng chiến trong giai đoạn 1945 – 1975. Tất nhiên vì phạm vi bài viết không cho phép, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những nét tiêu biểu nhất.
1. Tiêu chí thứ nhất Xem xét tác dụng của văn học đối với thời đại: sự đáp ứng của nó đối với các đòi hỏi bức thiết của thời đại ấy.
Giai đoạn 1945 – 1975 là giai đoạn mà cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống lại hai đế quốc hùng mạnh nhất nhì thế giới vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội. Toàn thể nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ và khó khăn này với một quyết tâm cao độ. Khi cả dân tộc trong tư thế sẵn sàng xung trận thì thơ ca lẽ nào chỉ để ca tụng sự tinh khiết của một giọt sương, sự đẹp đẽ của một cành hồng, sự lảnh lót véo von của một tiếng chim – như các nhà thơ trước đã từng. Lẽ nào lại như thế – không thể như thế! Thi ca trong giai đoạn này phải là đạn bom, là tiếng kèn xung trận đanh thép. Sóng Hồng – một trong những nhà thơ, nhà lãnh đạo cách mạng đã đưa ra những câu thơ khẳng định phương hướng sáng tác mới của các nhà thơ:
… Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ : bom đạn phá cường quyền …
Và điều đó càng được khẳng định với Chủ tịch Hồ Chí Minh :
… Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong…
Thơ ca đến lúc này đã trở thành vũ khí trong tay các nhà thơ – chiến sĩ. Đòi hỏi bức thiết của thời đại lúc này là giải phóng dân tộc, là xây dựng tổ quốc, là bảo vệ nền hòa bình ở miền Bắc và giải phóng miền Nam mà thơ ca có nhiệm vụ phải đáp ứng. Trong một đất nước luôn luôn phải đối đầu với quỉ dữ thì việc cần làm đầu tiên vẫn là phải tiêu diệt bọn quỉ dữ ấy, mang lại yên ổn cho đời. Đối với những người sống trong những ngày giặc Mỹ rải bom oanh tạc thì bài thơ cần cho họ là gì ? Lời rên xiết hay lời nguyện cầu. Ở xa tít bên kia đại dương, lũ giặc sẽ nghe ư hay tận trên thiên đàng xa thẳm, Chúa sẽ thấu ư? Có nghĩa gì đâu chứ! Bài thơ cần cho họ lúc này “chính là chiếc Mig – chiếc Mig được lái bởi các anh hùng Việt Nam đang lao vào các phóng pháo cơ Mỹ và tiêu diệt chúng”(1;60). Trong những ngày tháng khốc liệt này, thơ phải có nhiệm vụ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh. Không phải chỉ vì “ơi hời” mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan – (Chế Lan Viên). Các nhà thơ đã xác định việc mình cần làm và thơ ca biết rõ việc mình cần làm là:
Đừng làm nhà thơ đi tìm kiếm sao Kim
Thứ vàng ấy, loài người chưa thiết đến
Đi tìm quĩ đạo các trời xa, hay lắm !
Nhưng cần giải phóng ta ra khỏi quĩ đạo
Những trận xích sắt xe tăng và những trận càn
Đáp ứng sự đòi hỏi bức thiết của thời đại có nghĩa là phải trả lời câu hỏi “Tổ quốc hay là chết” (lời của chủ tịch Cuba – Phiđen Catxtơrô) – mà trả lời câu hỏi này chính là sự chọn lựa của trái tim – và cái giá của sự chọn lựa là máu, là sinh mạng – nhưng trách nhiệm của nhà thơ là phải trả lời. “Câu trả lời ấy không phải của anh mà là với tư cách của một thế hệ những thanh niên nước Việt – cả dân tộc Việt – một dân tộc chịu nhiều oan ức và khổ đau, trong những tháng năm của một thời kỳ lịch sử” (8;98,99). Dù thế nào chăng nữa, thì đối với các nhà thơ chiến sĩ - “cái giá trị thiêng liêng và cuối cùng vẫn thuộc về Tổ Quốc” (8;100). Họ đã chứng minh như thế:
Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được
Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ một gốc sim cằn
Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc?
Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim …
Với tất cả nhận thức ấy về giá trị thơ ca đối với cuộc sống, về vai trò của người cầm bút đối với thời đại, thơ ca kháng chiến giai đoạn 1945 – 1975 đã được nuôi dưỡng, tiếp sức và gắn bó mật thiết với những bước đi
của cách mạng, với vận mệnh của dân tộc và đời sống của nhân dân. Thơ giai đoạn này đã phản ánh hầu như mọi mặt của cuộc sống, cuộc chiến đấu dũng cảm của nhân dân ta – điều đó cũng có nghĩa là nó giữ được vai trò và chức năng xã hội– lịch sử của mình, đã chứng minh được năng lực phục vụ những mục tiêu cao cả của cách mạng và đã tạo được một giá trị thật sự đáng kể, đáng trân trọng – “thước đo giá trị của một nền văn học la nó phục vụ được bao nhiêu cho sự nghiệp cách mạng” (6;130). Nó “đã thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng).
Thơ ca phục vụ cách mạng giai đoạn này đã được các tầng lớp văn nghệ sĩ chấp nhận một cách tự giác và tự nguyện, bởi vì họ cho rằng đó cũng chính là trách nhiệm của một công dân:
Ta hiểu vì sao ta chiến đấu
Ta hiểu vì ai ta hiến máu
Đó cũng chính là sự trăn trở của các nhà thơ:
Chớ bao giờ quên nỗi đau của một thời thơ ấy
Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không
Nhân dân ở quanh mà ta chẳng thấy
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng
là sự biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ, người đã làm nhà thơ “sáng mắt sánglòng”:
… Một buổi sáng nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu
để rồi cuối cùng khẳng định :
… Ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc…
… Cho tôi sinh giữa những ngày chống Mỹ
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và
hạ trực thăng rơi
Như vậy, xét ở tiêu chí tác dụng của văn học đối với thời đại: sự đáp ứng của nó đối với các đòi hỏi bức thiết của thời đại ấy thì thơ ca kháng chiến giai đoạn 1945 – 1975 hoàn toàn thoả mãn – đó là thời đại của:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
2. Tiêu chí thứ hai Giá trị mang tính nhân loại phổ quát
Ở đâu có áp bức – ở đó tất có đấu tranh. Ở đâu có bạo tàn, ở đó tất có sự vùng dậy. Chân lý ấy dường như đúng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đất nước, mọi thời đại. Chừng nào trên trái đất này vẫn còn bom rơi, đạn nổ, vẫn còn sự rên xiết dưới sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh thì chừng ấy giá trị của bài thơ “Đợi anh về” sẽ không bao giờ là vô ích.
Đã từng có người nói “khi đại bác gầm thì họa mi im tiếng”. Có thể là như vậy nhưng thơ ca thì không. Khi đại bác gầm thì thơ ca càng vút lên với những âm điệu khác nhau để kêu gọi, để vạch trần, để tố cáo, để lên án và cũng là để hun đúc cho mọi người sự quyết tâm, sự đồng cảm chống lại cái xấu và cái ác, cái phi nghĩa và cái phi lý. Trong những ngày nhân loại rên xiết dưới gót chân bọn phát xít thì cuộc chiến đấu đó không còn là cuộc chiến đấu của nhân dân Đức, Pháp, Nga, Mỹ… nữa, mà cuộc chiến đấu đó đã được phát động trên phạm vi toàn cầu, trong đó thơ ca đã góp một phần quan trọng. Riêng nước Đức, thơ ca đã tạo nên một dòng văn học mang tên văn học Đức chống phát xít. Ngay từ năm 1937, Giăng Pêtơsen đã khẳng định quan niệm nghệ thuật của mình: “Nước Đức ngày mai, nước Đức tự do sẽ xóa bỏ tận gốc mọi sự tra tấn, hiềm thù, đổ máu, … Vì một nước Đức như thế mà chúng ta chiến đấu, vì một nước Đức như thế mà chúng ta cầm bút …” (4;25). Cũng giống như ở đất nước ta giai đoạn 1945 – 1975, quan điểm nghệ thuật đầy tính chiến đấu này có cơ sở từ hiện thực đời sống đen tối, đau thương mà quật khởi, từ ý thức chính trị rõ ràng của những nhà văn cầm bút. Nếu như Giôhan Becsơ đã nhấn mạnh hai yếu tố cơ bản của văn học Đức chống phát xít là “thứ nhất đó là nền văn học của giai cấp công nhân và các lượng dân chủ tiến bộ tiếp tục sự nghiệp bản vệ những truyền thống nhân đạo Đức trong cuộc đấu tranh chống lại sự tàn bạo phát xít. Đó là nền văn học nhân danh lý tưởng cao cả của loài người, nhân danh toàn bộ truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật Đức để thể hiện tiếng nói và lương tâm của dân tộc. Thứ hai đó là nền văn học tập hợp trên các cơ sở các nhà hiện thực phê phán vĩ đại. Dù họ xuất thân từ giai cấp công nhân hay giai cấp tư sản nhưng tiếng nói nghệ thuật của họ đã trở thành vũ khí chống lại chủ nghĩa phát xít.” (4;27) Thì cũng như họ, ở Việt Nam chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến cũng vì chúng ta muốn bảo vệ chân lý và công lý; nhân danh lý tưởng cao cả của loài người. Chúng ta chiến đấu không chỉ cho mình mà còn chiến đấu cho cả các dân tộc anh em khác còn đắm chìm trong đêm tối của kiếp đời nô lệ. Chúng ta đấu tranh, chúng ta chiến đấu không đơn độc, dù đất nước này cách đất nước kia một nửa quả địa cầu; nhưng những vần thơ chiến đấu, những vần thơ mang trong đó hơi thở nóng hổi của thời đại thì dường như lại rất gần gũi. Nó vượt qua mọi biên giới hữu hình, không phân biệt chủng tộc, màu da. Nó cũng vượt qua biên giới vô hình của thời gian để lay động trái tim của nhiều thế hệ.
Bài thơ sáng viết ở Việt Nam, chiều đọc ở Mạc Tư Khoa
Sáng hôm sau đốt cháy lên những cuộc biểu tình ở Pari, Nữu Ước …
Nó viết ở kinh tuyến này và rung động trào sôi ở kinh tuyến khác
Trong dân tộc và ngoài dân tộc …
Và chúng ta đã biết, nếu thơ ca được sinh ra trong mưa bom, bão đạn, trong bừng bừng lửa hận và ngút ngàn thương đau thì tất nhiên không thể nào đòi hỏi thơ ca phải là lời dịu ngọt. Giống như những con sông, “những con sông ấy đang chảy qua những vùng hiểm trở của lịch sử, và từ sông nó đã hóa thác, hóa ghềnh, hóa thành đại giang sôi trào, giận dữ. Thơ không đưa ru mà bây giờ thức tỉnh. Sông không ca hát nữa mà nó thét gầm. Huygô trong Trừng phạt không còn là người tình nhân đẹp của Nỗi buồn Ô-lym-piô.Pablô Nêruđa trong các bài thơ chính trị tấn công chủ nghĩa đế quốc Mỹ không còn cầm cành hồng trong tay như trong 100 bài thơ tình kỳ diệu. Ông đã cầm một con roi. Và như vậy, đối với Henrich Hainơ, như thế đối với Maiacốpxki. Thơ thành vũ khí tư tưởng. Những đám mây nhàn tản trở thành tích điện và hóa nên chớp giật, hóa nên sấm sét.” (2;242)
Thơ nhân danh con người, nhân danh công lý, nhân danh lý tưởng cao cả của loài người để chiến đấu và các nhà thơ đã dùng ngòi bút làm vũ khí là một điều không phải mới mẻ và xa lạ. Một khi ở nơi nào đó, vào thời gian nào đó con người còn phải chịu khổ đau vì nhục hình, vì áp bức, bất công, vì mất tự do thì lúc đó thơ ca vẫn còn lâm trận, vẫn còn làm nhiệm vụ cao cả của mình. Thơ ca kháng chiến 1945-1975 là thơ ca mang đậm nét tính nhân loại phổ quát. Nó rất gần gũi với dòng văn học chống phát xít của nhân dân Đức với những Béctôn Brech, Giôhan Bêsơ, với những vần thơ của nhà thơ Chi-lê Pablô Nê-ru-đa, của Xi-mô-nốp, Ra-pha-en An-bec-ti … Những vần thơ ấy là những quầng lửa truyền đời, dù âm ỉ hay bùng phát nhưng sẽ không bao giờ tắt. Bởi nó là ánh sáng của trí tuệ và lương tâm con người.
3. Tiêu chí thứ ba Đặt thời kỳ văn học ấy trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc: cần tính đến năng lực kế thừa tinh hoa văn học truyền thống và nhân loại để tạo ra cái mới, nhằm một mặt giữ gìn bản sắc và kinh nghiệm quí báu, và mặt khác thúc đẩy văn học đi lên.
Theo tiêu chí trên thì vấn đề mà chúng ta cần xem xét là vị trí của dòng thơ ca kháng chiến giai đoạn 1945-1975 trong tiến trình văn học dân tộc.
Chúng ta biết rằng, thơ ca kháng chiến nói riêng và văn học cách mạng nói chung trong giai đoạn 1945-1975 lấy mục tiêu phục vụ chính trị, tuyên truyền và cổ vũ cách mạng làm nhiệm vụ trung tâm. Đây không phải là nét mới, nét riêng của dòng thơ ca kháng chiến mà nó là việc tất yếu phải thế thể theo yêu cầu thời đại, không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Hơn nữa, nhìn về văn học quá khứ, chúng ta cũng thấy” việc phản ánh đời sống chính trị, bày tỏ hoài bão chính trị cũng đã tạo thành một truyền thống vănhọc”(7;32). Những câu thơ của các vị vua, vị tướng đời Lý, đời Trần như Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Lê Lợi... rồi những câu thơ dậy sóng của Phan Bội Châu, những câu thơ thấm đậm niềm tin yêu kính trọng nghĩa binh của Đồ Chiểu ở “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” … đã từng làm thế. Đó chính là một hiện tượng nghệ thuật đặc thù nếu xét về mặt lý thuyết một khi tác phẩm thể hiện nội dung đời sống chính trị. Xét về mặt thành quả đã đạt được thì “văn học cách mạng đã để lại nhiều tác phẩm ưu tú, giàu giá trị thẩm mỹ, đủ các thể loại, không thua kém các tác phẩm ưu tú thuộc giai đoạn văn học trước và sau nó”(7;33). Thơ ca trong khi làm nhiệm vụ chính trị, hướng tới việc thoả mãn những nhu cầu của quần chúng đã có “những phát hiện nghệ thuật quan trọng và mới mẻ về hiện thực và con người. Đó là vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh tượng cả một dân tộc vùng dậy đi tới ánh sáng và tự do, … nói lên khát vọng của cả một dân tộc chiến đấu cho chân lý “Không có gì quí hơn độc lập tự do”(5;18).
Những hình ảnh không thể phai mờ một thời kỳ lịch sử đã được thơ ca khắc hoạ bằng những nét cực kỳ sinh động và đầy sáng tạo. Hình tượng về Tổ quốc, về nhân dân, về các tầng lớp, thế hệ con người Việt Nam vừa thấm đẫm phẩm chất truyền thống lại vừa thấm sâu tinh thần của thời đại. Chưa từng bao giờ trong lịch sử, những nét cơ bản trong truyền thống của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân đạo lại được phát huy và kế thừa mạnh mẽ đến như vậy. Tinh thần dân tộc, tình cảm dân tộc, ý thức cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí, đồng đội, nghĩa đồng bào, đã được biểu hiện một cách phong phú, nhiều vẻ, nhiều mặt. Chủ nghĩa yêu nước đã được phản ảnh trong thơ ca giai đoạn này chính là niềm tự hào và ý thức làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình của quần chúng nhân dân, khẳng định đất nước này là đất nước của nhân dân. Tinh thần nhân đạo truyền thống đã được kế thừa và phát triển theo hướng mới - hướng về con người, đặc biệt là những con người lao động, thể hiện khát vọng giải phóng con người, ca ngợi lòng nhân ái, sự thuỷ chung son sắt. Đồng thời cũng đề cao ý thức và tình cảm giai cấp, khẳng định con đường giải phóng và sự trưởng thành của quần chúng nhân dân. Những nhà thơ đầu tiên đã nhóm lên ngọn lửa – xua đuổi bóng đêm và phát tín hiệu kêu gọi những con người muốn bước tới một điểm chung và tập hợp thành đội ngũ – đội ngũ những nhà thơ, nhà văn đông đảo chưa từng có và của nhiều thế hệ, đội ngũ của những nhà thơ – chiến sĩ lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.
Thơ ca giai đoạn này đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về mặt độc đáo lẫn sự tìm tòi đổi mới về mặt ý thức lẫn hình thức. Một đội ngũ nhà thơ với những tên tuổi đã trở nên quen thuộc cho các thế hệ công chúng như: Sóng Hồng, Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Quang Dũng, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên và rất nhiều những nhà thơ khác nữa trong buổi đầu kháng chiến. Quả thật đây là thời kì nở rộ thơ ca, mà chỉ mỗi việc nhớ và kể tên các nhà thơ cũng đã là điều khó khăn rồi. Thành tựu của các nhà thơ lớp trước đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thơ ca hiện đại, đặc biệt là thơ ca giai đoạn chống Mỹ.
Nhà thơ, nhà lý luận, nhà phê bình Chế Lan Viên khi kết thúc bài tựa cho Tập thơ chống Mỹ cứu nước đã viết: “Một nền thơ Việt Nam mang lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà lại rất dân tộc, thừa hưởng truyền thống cũ của cha ông nhưng táo bạo đi tìm cái mới hiện đại ngày nay, mang hoài bão chung của một đất nước một thời nhưng bao dung trân trọng phong cách của trăm nhà, chiến đấu trên những đỉnh cao, nhưng không coi thường cuộc sống thường tình, kết hợp tính Đảng và tính nhân dân, Việt Nam và nhân loại, hiện thực mà rất đỗi trữ tình, đi tìm cái thiện, chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp” (3;115).
3. Kết luận
“Sức mạnh của nền văn nghệ là ở sự trả lời đúng và hay cho những vấn đề cốt yếu của cuộc sống” (Xuân Diệu). Mà những vấn đề cốt yếu của cuộc sống trong giai đoạn 1945-1975 là gì? Nếu không phải là sự chiến đấu cho sự độc lập, tự do, cho chủ nghĩa xã hội; là sự đấu tranh chống lại bạo tàn, bất công; là lau khô những giọt nước mắt của sự đau khổ, nhọc nhằn, uất hờn, tủi nhục; là mang lại tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ, tiếng cười hạnh phúc cho tuổi xế chiều… Nhiệm vụ của thơ ca là hướng con người đến cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng…, tuy rằng trong quá trình thực thi nhiệm vụ đó, thơ ca và cả đội ngũ sáng tác cũng còn hạn chế ở mặt này hay mặt khác -như ý kiến nhận xét của những nhà phê bình sau này .
Tóm lại, văn học cách mạng nói chung và thơ ca kháng chiến nói riêng trong giai đoạn 1945-1975 - một giai đoạn lịch sử không lặp lại của văn học dân tộc - có những nét đặc thù riêng, rất khó tiếp cận, đánh giá. Việc đánh giá dòng văn học này không thể một sớm một chiều mà cần phải có một độ lùi cần thiết về mặt thời gian và một phương pháp tiếp cận hợp lý để đưa ra được những nhận định xác đáng, thấu đáo, có lý có tình hơn.
(* Th.S-NCS chuyên ngành Văn học, CBGD Khoa Việt Nam học)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chế Lan Viên – Thơ ở những ngày và những nơi chống Mỹ. In trong Bay theo đường dân tộc đang bay - tập tiểu luận và phê bình – NXB Văn học giải phóng.
2. Chế Lan Viên – Thơ trong đạn lửa – in trong Nghĩ cạnh dòng thơ – tiểu luận – NXB Văn học Hà Nội – 1981.
3. Chế Lan Viên – Thơ và lý luận về thơ xã hội chủ nghĩa – in trong Bay theo đường dân tộc đang bay – tập tiểu luận và phê bình – NXB Văn học giải Phóng
4. Lương Ngọc Bính – Văn học Đức chống phát xít – Những vấn đề mỹ học và thi pháp – NXB Giáo dục Hà Nội - -1995
5. Nguyễn Văn Long – Về cách tiếp cận để đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng tám – in trong 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng tám – NXB . ĐHQG – Hà Nội –1996
6. Tố Hữu – Cuộc sống, cách mạng và văn học nghệ thuật – NXB Văn học Hà Nội – 1981
7. Trần Đình Sử – Văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 trong tiến trình văn học dân tộc thế kỷ XX – in trong 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng tám – NXB . ĐHQG Hà Nội –1996
8. Trịnh Thanh Sơn – Đọc lại trường ca “Đường tới thành phố” – Nhà văn – Tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam . Số 2 năm 2000
9. Xuân Trường – 35 năm văn học và một số vấn đề đang đặt ra – Tạp chí văn học tháng 5/1980 – trang 63.
LOOKING BACK THE RESISTANCE POETRY IN THE PERIOD
OF
1945 – 1975
Trần Thị Minh Giới, M.A
The revolutionary literature in general and the resistance poetry in particular of the period of 1945-1975 – a unrepeated history period of the Vietnamese literature – have specific characteristics which is difficult to
appraise. The appraisement of this literature needs time and suitable approaches to bring out exact and reasonable judgments.
Therefore, this paper would like to contribute some ideas to reappraise the Vietnam resistance poetry in the period of 1945-1975.
Văn học cách mạng nói chung và thơ chống Mỹ nói riêng thời kỳ 1945-1975, có những đặc trưng đặc biệt nhưng chưa có sự đánh giá, giới thiệu cụ thể. Thông qua bài viết, tác giả muốn đóng góp một số ý tưởng để đánh giá lại thơ chống Mỹ Việt nam trong thời kỳ 1945 - 1975
..."Cũng có ý kiến cho rằng, văn học giai đoạn này là văn học “hy sinh nghệ thuật” vì nó phục vụ mục đích chính trị cách mạng. Dường như việc phục vụ chính trị, cổ vũ và tuyên truyền là tất cả giá trị của nền văn học này". ..Bài viết này hay quá, tuy nhiên tôi vẫn thấy xót xa, bởi lẽ , đã từng trải qua thời bom đạn trong những năm cắp sách đến trường, đã từng được đi thi học sinh giỏi văn cấp thành phố...tới lúc này, nếu có nhớ tới những bài thơ hay trong thời kỳ 1945-1975, là tôi lại liên tưởng tới Tây Tiến của Quang Dũng:
Trả lờiXóa..."Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi..."
hoặc là những lời tâm sự của Trần dần trong bài thơ Nhất định thắng
..."Tôi bước đi
Không thấy nhà
Không thấy phố
chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ..."
...Đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi...