"Đi Tây" thời bao cấp - Nguyễn Duy Đảo


“ĐI TÂY” THỜI BAO CẤP


Nguyễn Duy Đảo





Trước tiên cho tôi xin được chia buồn với Anh Tăng Cường, người Anh, người Thầy của tôi. Tôi được biết cụ Ông, thân sinh của Anh vừa tạ thế.
Tôi cũng xin được chia buồn với gia đình Anh Hồ Trương, người Anh khoá trên vừa mất.
Xin chia buồn với gia đình Anh Đạo - Người Anh, người bạn - học trên tôi một lớp.


Chỉ còn vài ngày nữa là Ba mươi tết, nhân dịp năm mới sắp đến,Tôi xin chúc toàn thể các Anh, các bạn một năm mới sức khoẻ, vui tươi, hạnh phúc và may mắn. Trong ngày đầu xuân, tôi viết lại câu chuyện vui ngày xưa - “ĐiTây thời bao cấp” để các Bác, các bạn đọc chơi. Tôi nghĩ nếu Bác nào đã từng “Thì thụt” ở Đoàn 971, Đông Anh năm nào sẽ đồng cảm được với tôi trong câu chuyện này. Có điều gì cần bổ sung thêm, các Bác cứ cho mấy “Nhời” vào “Lời góp”.
Tôi xin bắt đầu



Từ trên tháp cao, của đài chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất, Tôi nhìn xuống khu nhà ga Quốc Tế mới xây, hiện đại, khang trang, rộng rãi với sân đậu máy bay mênh mông và hai đường băng dài tít tắp. Chếch sang phía Đông là khu nhà ga quân sự. Bao nhiêu năm rồi mà vẫn vậy, xưa cũ, ọp ẹp, chỉ khác chăng là được quét vôi, ve trông sáng sủa hơn cho nó đỡ tương phản với khu nhà ga thương mại mà thôi. Chính nơi đây, Nhà ga quân sự này, nơi khởi đầu cho chuyến du học “Dài ngày” của tôi 23 năm về trước.

Vì hoàn cảnh gia đình, năm 85 đơn vị giải quyết cho tôi được chuyển ngành. Lần mò tôi cũng xin được một chân hải quan Thành Phố. Họ hứa sẵn sàng tiếp nhận, nếu quân đội có giấy giới thiệu qua. Đùng một cái giữa năm đó Phòng tổ chức cán bộ Quân Chủng có công văn điều động một vài cán bộ cấp tiểu đoàn đi học, tại học viện nước ngoài. Trong danh sách đó thế quái nào lại có tên tôi. Thế là cuộc đời tôi lại chuyển sang một ngã rẽ khác.
Trên chuyến máy bay quân sự từ Sài Gòn ra Hà Nội một sớm tháng sáu năm 1985, giữa đống hàng hóa cồng kềnh trong khoang chiếc AN – 26 lọt thỏm hai người lính. Ngồi trên sàn máy bay cách tôi chừng vài mét là một sỹ quan, da anh đen xạm, gầy gò, chỉ có khuôn mặt thông minh và đôi mắt sáng cho tôi biết là anh còn trẻ có lẽ chỉ khoảng 25, 26 tuổi. Tôi nghĩ trong bụng, dân không quân gì mà hom hem thế. Rồi chúng tôi quen nhau. Anh nói “Tôi ở Quân Đoàn 4, là tiểu đoàn trưởng, đang chỉ huy đánh nhau ở Pompet bên Cam Pu Chia, cực khổ, ngày nắng, đêm lạnh, sốt rét đầy mình, cái chết thì rình rập, đơn vị chết vãn đi, bổ sung quân đến mấy lần. Tôi về nước mới biết là được chọn đi Liên Xô, học ở học viện Phrunde. Nghĩ thương anh em ở lại, thực lòng tôi cũng chẳng muốn đi. Ngồi nói chuyện dần dà tôi mới biết anh là con trai của một vị tướng nổi tiếng - Hoàng Cầm, em thằng bạn trường Trỗi của tôi.
Xuống sân bay Gia Lâm, Chúng tôi chia tay nhau, Anh lên thẳng đoàn 971 trên Đông Anh (Nơi du học sinh quân sự tập trung trước khi đi học, do BQP quản lý), Còn tôi nhờ được chiếc xe con về HN. Chúng tôi bắt tay nhau tạm biệt, hẹn sẽ gặp lại nhau sau.
Về HN, tôi tìm gặp lại thằng bạn cũ, hắn đang là Giám Đốc trung tâm thông tin của một công ty Tàu biển. Hắn tá túc nhờ trong cái Gara xe nằm lọt thỏm trong khuôn viên một biệt thự cũ kỹ, xây từ thời Pháp trên đường Bùi thị Xuân. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Sau nhiều năm xa cách. Hắn nói
-Tớ cũng đang độc thân có cậu thì tuyệt rồi.
- Vợ con tớ ở Hải Phòng chưa chuyển lên được - hắn giải thích thêm.
Thế là sau bao nhiêu năm tôi lại được sống cuộc đời dân sự đúng nghĩa của nó trong thời gian khoảng ba bốn tuần. Khoảng thời gian này chúng tôi chủ yếu là học chính trị và làm công tác chuẩn bị trước khi du học, nên thường xuyên tôi được ở HN.
Khi biết tôi đi Liên Xô tu nghiệp, hắn động viên “ Muốn giàu thì đi Đức,Muốn có kiến thức thì đi Liên Xô”. Sỹ quan các ông học ở Liên Xô là “Oách” nhất rồi.
Hắn từng trải, vì đã từng đi Tây, Tàu mấy lần. Tâm sự với tôi hắn nói “ Tôi biết các ông đi học, cái chính là tu nghiệp để nâng cao kiến thức, nhưng cũng chẳng ai cấm các ông kết hợp làm kinh tế cả. Trước tiên theo tôi ông nên nghiên cứu sơ qua văn hoá Nga để hội nhập khi qua đó, thứ nữa là Ông cũng phải tranh thủ, chuẩn bị lấy một ít hàng hóa để “Trao đổi” với bạn, kiếm tí “Chênh lệch” nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính khi chân ướt chân ráo mới qua”. Hai khoản này thì tôi thạo, tôi sẽ tư vấn giúp ông.


Chuyện thứ nhất - Học hỏi “Văn hóa phương Tây” để hội nhập.

Thế ông biết nhảy đầm chưa?
Hắn hỏi tôi trong một đêm mưa tháng sáu tầm tã. Hắn nói luôn chẳng để cho tôi kịp mở miệng vì Hắn thừa biết tôi làm quái gì biết cái khoản văn hóa cao cấp này.
- Chả nói ông cũng biết, nhảy đầm nó là văn hóa của phương tây, nó như cái bắt chân, bắt tay ở xứ ta vậy. Cho nên đầu tiên ông cũng nên biết nhảy đầm, chẳng ai bắt ông cả, nhưng nếu biết thì cũng vẫn tốt, nó là văn hóa, là phương tiện, là cửa ngõ để mình dễ tiếp cận, giao lưu học hỏi người ta.Tiện đây có tôi, tôi sẽ dạy ông, chẳng mất tiền bạc, hơn nữa là chỗ anh em, tôi tận tình chỉ bảo. Tôi đảm bảo ông sẽ thành thạo những điệu nhảy cơ bản trước lúc ông lên đường.
Tôi ngẫm nghĩ, Hắn nói cũng phải.
Nói thì nói thế thôi chứ hắn đi suốt, có hôm Hắn đi đến đêm khuya mới về. Một lần tôi tò mò mở cái Samsonite không khóa của hắn vứt dưới gầm giường. Trời! tiền, cả một Samsonite tiền, tiền mặt hẳn hoi. Phía bên trên tôi thấy cả những tờ màu xanh xanh trông lạ lắm, không giống tiền ta. Một hôm tôi mới hỏi nhỏ Hắn, sao tiền nhiều thế để như vậy Ông không sợ à? Hắn tỉnh bơ trả lời tôi bâng quơ bằng một câu hát “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất ..”
Tôi nói thế chắc ông hiểu chứ - Hắn nhún vai rất tây đá con mắt về phía tôi.
Tiền bạc của tôi nó luân chuyển hàng ngày, hàng giờ, nên như thế nó tiện cho tôi.
Chẳng biết hắn làm cáiquái gì thêm ngoài chức GĐ mà tiền lắm thế, có trời mới biết. Về khoản này tôi ít khi thóc mách vào chuyện riêng tư của người khác, ngay cả đối với bạn bè thân và cho tới tận mãi sau này, khi đã có vợ con, tôi vẫn giữ “Nguyên tắc”ấy.
Một buổi chiều hắn về sớm, đi cùng với một ông bạn.Vừa vào đến cửa hắn đã oang oang “Ông khẩn trương tắm giặt, tối nay chúng ta đi nhảy đầm”. Tôi có ba cái vé mời ở câu lạc bộ Dancing Giảng Võ đây.
Chẳng ra đồng tình ,chẳng ra phản đối, sau một phút lưỡng lự, tôi nói:
- Tôi ngại chỗ đông người lắm, nhất là chỗ có nhiều chị em phụ nữ, với lại ông đã dạy tôi được buổi nào đâu mà nhảy với chả nhót - Hắn sững người.
- Ừ nhỉ ! Chết thật tôi tưởng cũng dạy ông được một vài buổi rồi chứ. Nhưng thôi! Không sao, bây giờ vẫn kịp, ông khẩn trương lên, tôi bổ túc cho ông 15 phút, chỉ cần 15 phút là Ông sẽ có đủ kiến thức để cọ xát với thiên hạ.
Thế rồi tôi đi tắm.Tắm xong lên phòng đã nghe thấy tiếng nhạc xập xình từ chiếc máy Catsec phát ra.
Lại đây! Ông lại đây!
Chẳng để tôi kịp mặc quần áo, người trần trùng trục và vẫn còn ướt nhẹp, thế là hắn ôm thốc lấy tôi, dìu tôi đi theo điệu nhạc. Hắn nắn chân nắn tay tôi như thầy lang nắn chân tay bệnh nhân bị trật khớp. Chẳng phải một mình, hắn còn lôi cả ông bạn của hắn vào chỉ bảo, uốn tôi như uốn lưỡi câu. Nào là thân phía trên phải thẳng chỉ được chuyển động phần cơ thể phía dưới, nào là đánh mặt phải dứt khoát, Nào là mặt phải tươi, đừng quá căng thẳng. Hắn nói nhiều lắm, cứ như giáo viên dạy ngoại ngữ. Đây là điệu Val, đây là Bebop, đây là Tango, đây là Chachacha, rồi Rumba, Pasodop tôi cứ rối hết cả lên mỗi khi có một điệu nhạc mới.
Thế rồi đúng bảy giờ chúng tôi cũng kịp xuất phát. Cả ba thằng “Lèn” trên chiếc xe cánh én, hồi đó ở HN xe này là oách lắm. Tới sàn nhảy, tôi cũng thấy đông đông, chỉ rặt là những người lớn tuổi và cỡ tuổi tôi. Nhạc bắt đầu nổi lên, mọi người lao ra sàn. Hai ông bạn có lẽ có bạn nhảy từ trước nên đã mất hút vào đám đông.
Trong ánh đèn xanh đỏ chập chờn, trong mớ âm thanh rộn rã Tôi vẫn nhận ra tiếng the thé của kèn Trumpet, tiếng lả lơi của Sacxo, tiếng phừng phừng của Congtobat, tiếng thình thịch như giã gạo của Trống, tôi ngồi ngây ngô, mặt cứ dại ra, đờ đẫn. Bỗng có một bà sồn sồn chắc lớn hơn tôi dễ đến chục tuổi, người đẫy đà, mặc chiếc váy liền áo dài sát đất
Tôi có thể mời anh điệu Rumba này được không?
Lạ thế ngày xưa đọc truyện nước ngoài tôi nhớ hình như chỉ có đám đàn ông chủ động mời lũ đàn bà nhảy còn trong trường hợp này, ở ta có “ Nhẽ ” khác chăng, hay là tôi nhớ lộn?
Chẳng đợi tôi có chính kiến, người đàn bà phốp pháp ấy đã cầm tay tôi lôi thốc vào sàn. Thật may Rumba là điệu nhảy dễ, nét nhạc lại “Dịu dàng” nên tôi qua được. Nhưng đến Val thì tôi chết. Tôi bị xoay như chong chóng, giống như hồi bé đi bắt chuồn chuồn, bằng phương pháp thủ công, dùng tay quay, cứ đứng một chỗ quay, cho tới khi chuồn chuồn ta chóng mặt rơi phịch xuống đất mới thôi. Tôi chóng mặt thật sự, vì tiền đình của tôi vốn đã yếu từ bé, tôi có cảm giác đây đúng là một cuộc hành xác. Người đàn bà nhảy lôi tôi đi xềnh xệch trên sàn, lúc này tôi chẳng còn hiểu và phân biệt nổi thế nào là giới hạn về văn hóa, thế nào là ranh giới giữa nghệ thuật và sự phàm tục.
- Ôí giời ôi! Suýt nữa thì tôi hét toáng lên. Tôi như khuỵu xuống, không phải là do tôi chóng mặt nữa, mà là vì mu bàn chân tôi bị gót giày của “Người bạn nhảy” đè lên, mà khổ, lỗi kỹ thuật này tác giả lại là chính tôi. Cũng may vừa vặn lúc ấy điệu nhạc kết thúc. Tôi vội vàng chia tay người phụ nữ phốp pháp, mặt đỏ phừng phừng như đĩa xôi gấc thắp hương đêm hôm rằm, mà không quên cảm ơn, kèm theo nụ cười nịnh đầm méo mó, trong bụng thì mừng thầm, thế là thoát nạn.
Vào khu ghế ngồi tôi mới có cơ hội kiểm tra lại “Thương tích” của mình. Nhìn xuống chân, đôi dép nhựa Tiền Phong trắng mà thằng em tặng tôi trước lúc đi Tây, Tôi thấy chiếc dép chân phải, đầu một quai bị bung ra, còn chân thì khỏi nói, tê buốt tới tận óc.
Tôi bỗng chột dạ, và liếc mắt ra xung quanh, tôi để ý chỉ thấy thấp thoáng dưới gấu những ống quần tây, những cổ chân trắng, to phô ra dưới gấu váy . Những đôi giày bóng lộn, đen có, nâu có, cả trắng nữa, thấp gót có, cao gót có, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng đi giày chỉ có mình tôi là ... Đơn giản đến lạc lõng, cả bộ quân phục sỹ quan nữa hình như nó cũng không hợp ở chốn này. Tôi cứ ân hận vì đã trót


Chuyện thứ hai - Kết hợp làm kinh tế

Chỉ còn một vài ngày nữa thì tôi lên đường, quân trang đã nhận xong. Bao gồm một va ly, một bộ vét sẫm màu, lạc mốt và đã qua sử dụng ( Bộ vét này phải trả lại cho nhà nước khi kết thúc khóa học ) vì tôi thấy có mùi ẩm mốc của thứ mồ hôi dầu, chắc của tay nào đi Tây khóa trước mới trả khi về nước, một đôi gày da đen, hai bộ đại cán dạ, một cái áo len, rồi Cavat và quân hàm quân hiệu, mũ mão mới tinh. Tôi nhớ hình như chỉ có vậy.
Tôi dự định sẽ làm một cái tiệc chia tay nho nhỏ với một vài người bạn thân. Một thằng bạn có bà chị làm cấp dưỡng ở cục đối ngoại Bộ Quốc Phòng hứa sẽ thu xếp cho tôi một bộ lòng lợn đầy đủ từ A đến Z, bia hơi thì một đứa khác lo. Tôi chỉ còn ấn định thời gian nữa là xong .
Sắp đến này chia tay rồi mà ông bạn GĐ của tôi lại đi công tác chưa thấy về. Tôi đang lo hắn không về kịp trước lúc tôi lên đường. Thiêng thế vừa nói ban sáng thì buổi chiều hắn lò mò, vác mặt về, thấy va li, quần áo của tôi vứt bừa bộn hắn hỏi:
Bao giờ ông xuất phát?
Tôi nói:
Còn mấy ngày nữa.
Thế ông đã chuẩn bị đầy đủ chưa?
Xong hết rồi - Tôi tự tin trả lời hắn.
Ông mở va li ra cho tôi xem nào?
- Trời ơi! Thế này mà gọi là đầy đủ à! - Hắn la toáng lên.
- Thế ông có biết tiêu chuẩn của ông được kết hợp đem theo là bao nhiêu không? người ta không phổ biến cho ông à?
Tôi cứ ớ người ra chẳng hiểu gì cả.
Hắn nói tiếp :
- Ông được phép đem theo hàng hoá mà hải quan nó không thèm đếm xỉa tới gồm : Hai quần Bò, Một áo Nato, Bảy áo phông, một đồng hồ, hai đôi adidat, Hai kính dâm Giọt Lệ, Hai tá khăn mùi xoa dùng để chùi mũi, hiệu Cô Tiên ( Khăn mù xoa có in hình cô Tiên ) ... Nhiều thứ lắm, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy hắn đả động gì tới vụ Silip hiệu Bông Hồng? Hay hắn quên không mua? Hay năm tôi đi loại Silip hiệu Bông Hồng này chưa có trên thị trường? Hay là vì mặt hàng này nó quá nhạy cảm mà người ta không đưa vào trong danh sách. Nhưng dù sao, tôi nghĩ, nếu không có Bông Hồng thì cũng phải có Bông Lan, Bông Hụê gì đó chứ. Chết thật! Nếu không đọc bài của Bác Quốc hôm nay, mà bài này của tôi đã gửi đi rồi thì làm sao tôi biết được thằng bạn GĐ - nhà kinh tế, của tôi lại có sơ suất “Ngờ ngệch” đến thế. Tiếc rằng thời gian đã quá vãng, chứ không tôi thề, tôi sẽ chửi cho thằng bạn tôi một trận, cho hắn chừa cái thói “Cái gì cũng biết” ấy đi.
Hắn liệt kê vanh vách cứ như giám đốc Hải quan cửa khẩu.
- Thế tiền bạc ông còn đồng nào không? Thiếu bao nhiêu tôi đưa cho.
Tôi nghĩ bụng, thằng bạn nó đã nuôi ăn, ở, văn hoá, văn nghệ cả tháng trời, không lẽ bây giờ lại nhờ vả tiền bạc thì còn ra cái giống gì nữa, nên tôi ngại. Tôi hỏi ngược lại Hắn:
Thế từng ấy thứ hết bao nhiêu?
Tiền ông còn bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, thiếu tôi phụ cho.
Thế là tối hôm ấy tôi phóng tới bà Cô làm ở bộ ngoại thương trình bày hoàn cảnh. Bà cô mở tủ dúi cho tôi một miếng kim loại màu vàng vàng và nói “ Ba chỉ rưỡi vàng mười đấy cầm tạm lấy, cô chỉ có thế thôi”.
Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy vàng, thì ra cũng chẳng có gì đặc biệt, nó cũng giống như đồng xèng nắp bia thuở bé mà bọn tôi chơi, chỉ có điều nó mềm và có màu vàng và nặng hơn một chút mà thôi. Thế là tôi lẳng hết cho thằng bạn, mặc hắn lo liệu.
Chiều hôm sau thấy hắn lễ mễ đem về đủ cả, chẳng thiếu thứ gì lại còn thêm cả một chồng Mũ Nan và một đống Bị Cói nữa chứ. Hắn nói:
- Đầy đủ rồi đấy, Mũ Nan và Bị Cói tôi tặng Ông. Số hàng này nếu biết tính toán, ông sẽ có một khoản kha khá đấy, ăn tiêu dè sẻn còn để dành mà cưới vợ.
Nói đoạn hắn tiếp:
- Ông đưa tay đây!
- Làm gì? Tôi cảnh giác hỏi.
Thì ông cứ đưa tay ra đây - Hắn thúc.
Tôi ngập ngừng chìa tay ra. Tôi thấy hắn rút từ túi quần một cái nhẫn màu vàng và đeo thốc vào ngón tay tôi, như trong hôn lễ cô dâu trao nhẫn cưới cho chú rể.
Tôi cảm động quá, lại còn màn tặng nhẫn vàng để kỷ niệm trước lúc chia tay, đúng thật! thằng bạn Tây Tàu nhiều có khác - tôi nghĩ trong bụng.
- Không phải của tôi tặng ông mà là của ông - Hắn giải thích.
Tôi đang ngỡ ngàng thì hắn tiếp.
- Số hàng tôi mua chỉ hết có hai chỉ rưỡi còn lại một chỉ tôi làm cái nhẫn này ông đeo vào tay cho tiện mà không lo bị mất, qua đó khi nào túng quá thì bán quách nó đi mà chi tiêu.

Buổi tiệc chia tay tiễn tôi đi ngày ấy gồm bảy người, chủ yếu là bạn hồi đại học có một hai đứa em học khoá dưới. Hơn hai mươi năm sau, những người bạn có mặt trong bữa tiệc chia tay “Lòng lợn tiết canh” với tôi hôm ấy, giờ đều thành đạt cả, và có cuộc sống ổn định. Mỗi người một vị trí, chúng tôi đều có đóng góp được chút ít cho xã hội. Có người là đại biểu quốc hội, có người là GĐ doanh nghiệp, có người mà tài sản từ chục năm về trước, theo giới doanh nghiệp thủ đô đánh giá là nhân vật VIP trong câu lạc bộ triệu Đô của HN. Có người định cư ở nước ngoài tài sản cũng khá. Có anh vẫn theo đuổi binh nghiệp, quân hàm Đại tá, lên lương cũng vài bận, không leo lên được Tướng do cơ chế.
Hình ảnh cuối cùng Tôi còn nhớ, khi tiễn tôi ở sân bay Nội Bài. Sau khi dúi cho Tôi cái gói Nilon đựng mấy con Cá sấu, Logo của những chiếc áo phông “Đểu” bị bong ra khi tôi mặc thử ở nhà, lúc đi vội quá tôi quên mất. Thằng bạn GĐ của tôi nó cứ dặn đi dặn lại, sang bên ấy nhớ lấy keo dán lại vào áo, mỗi con “Cá Sấu” này có giá trị bằng nửa chiếc áo của ông đấy. Còn mấy cặp kính dâm Gịot Lệ “HàngTầu” khi trao đổi với “Bạn” ông nên tặng kèm, mỗi cái kính khuyến mãi một cặp khăn Mùi xoa hiệu Cô Tiên, để họ lau mũi kết hợp dùng lau mắt luôn, vì là kính “ Đểu” nên khi đeo vào, nước mắt sẽ chảy lênh láng nên khăn Cô Tiên rất cần thiết, và nhớ khi bán xong phải “Phắn” thật nhanh. Những lời tôi dặn Ông cấm được quên đấy.
Tôi vẫn còn kịp nghĩ, thằng bạn GĐ của mình đúng là con người chu đáo và là con người của kinh tế, chẳng trách chiếc Samsonite hôm nào của Hắn dưới gậm giường lúc nào cũng đầy tiền cũng phải.
Trong cái nóng hầm hập của buổi chiều tháng Bảy, mấy chiếc quạt cỡ lớn, dạng quạt dùng trong công xưởng, chạy hết công suất thổi như điên vào đám hành khách cả Ta, Tây chen chúc trong phòng cách ly của sân bay Nội Bài. Tụi bạn tôi, họ vẫn kiên nhẫn đứng phía sau những tấm kính, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhìn về phía tôi. Bên cạnh họ lớp lớp người thân đưa tiễn nhau : Bố Mẹ tiễn con, Anh tiễn Em,vợ tiễn chồng, nhân viên tiễn “Xếp”, người yêu tiễn người yêu ... Họ vẫy tay, họ cười, họ nói, có người miệng méo xệch đi, nước mắt nước mũi dàn dụa xen trong những giọt mồ hôi rơi lã chã. Thôi thì đủ mọi cung bậc của tình cảm, nhưng tựu chung lại trong ánh mắt của tất cả những người đưa tiễn đều chứa chan, hy vọng về một ngày mai đối với người thân của mình.
Lướt qua đám người đông đúc, quay nhìn về đám bạn mình, Tôi thấy một thằng bạn, chắc không kìm hãm được cảm xúc, đưa vội cánh tay áo lên chấm chấm nơi khoé mắt. Những đôi môi mấp máy, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Nhưng tôi biết họ chúc tôi lên đường “Thượng lộ bình an” và gặt hái nhiều thành công.
Họ cứ đứng và nhìn theo cái dáng liêu xiêu vẫn còn hơi tập tễnh của tôi. Chẳng biết có phải bởi chiếc đồng hồ SK trên tay đeo không quen vì nó quá nặng, hay vì vết “Đau” ở chân đêm hôm nào chưa khỏi hẳn. hay là vì chiếc quần Bò vẫn còn nguyên hồ tôi mặc bên trong chiếc quần dạ sỹ quan nó chật quá và nóng quá làm tôi đi đứng khó khăn chăng. Các bạn tôi cứ nhìn theo cái dáng tập tễnh, xiêu xiêu của tôi, xa dần, nhỏ dần, nhỏ dần ... và mất hút sau cánh cửa của chiếc máy bay IL – 86 to tướng, bốn động cơ của hãng hàng không Aerophlot. Bất giác, tôi giơ tay nhìn lên mặt chiếc đồng hồ SK màu Hồng Ngọc còn mới tinh, chính xác lúc đó là 2 giờ 30 phút, chiều ngày 27 tháng 7 năm 1985.

Xem thêm:
1. MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - THƯ BỐ GỬI CON - thơ sưu tầm của Trần Kiến Quốc
2. THƯ BỐ GỬI CON (TIẾP VÀ HẾT) Nhớ lại chuyện của một thời!  - thơ sưu tầm của Trần Kiến Quốc