Uống trà - HaMeoK6
Thứ Bảy, tháng 2 02, 2008Đăng lại bài viết của Hà Mèo
(đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ bảy, 02 tháng hai, 2008)
UỐNG TRÀ
Càfe “dỏm” đã thưởng thức rồi, nay tôi xin hiến tặng AE mấy tách trà nhân dịp Tết cho ấm giọng.
Hồi học lớp 10 ở Hà Nội, tôi có cái may mắn được các anh, các chú Nam bộ tập kết chỉ cho cách uống trà quạu (UTQ). Theo mấy ổng, “lý tưởng” nhất để uống trà cần phải có ấm chén được làm từ đất lấy ở chân cầu Ông Lãnh (chắc là hồi xưa, chớ bây giờ chỉ cần đi ngang cầu là cũng đã thấy bốc mùi rồi), nước pha trà phải lấy từ nước sương sớm đọng trên tòa sen Đồng Tháp Mười và củi nấu nước phải là củi đước rừng U Minh… (nghe thấy đi lòng vòng tốn biết bao nhiêu tiền xăng, chắc là phải ngon lắm). Nhưng chỉ có trà lấy từ đâu thì không thấy nói. Khi đó tôi thầm thán phục : người Nam uống trà “điệu nghệ” quá ta ! Và ước mong tới ngày vô Nam để được thưởng thức…. Rồi tôi cũng được vô Nam để chỉ thấy toàn là trà đá ! Trà Lâm Đồng (ngon nhất miền Nam) thì đúng là chỉ đủ “đô” để pha trà đá mà thôi. Ngẫm lại mới thấy các anh các chú uống trà “điệu nghệ” đều dùng trà Thái Nguyên !
Tất nhiên là vậy, trà Thái là tuyệt vời (còn gái Tuyên xin để mấy anh đánh giá), tẩm ướp ra sao là tùy theo “gu” của mỗi người. Riêng tôi thì chỉ thích trà còn nguyên hương vị orgin của chính nó. Nhưng trà ngon, tất nhiên còn phải pha đúng cách. Cách của mấy ông miền Nam tập kết !
Trước hết, trà phải được pha và uống trong bộ ấm chén bằng gốm không có tráng men, nhất là bên trong, vì cái ngon của trà còn ở chỗ hương trà ngấm vào ấm chén lâu ngày tạo nên vị đặc biệt mà ở mỗi bộ ấm chén có đặc trưng riêng. Bởi vậy, các ông già xưa khi uống trà dứt khoát phải bằng bộ ấm chén của mình là vậy (giống như vợ nghiện mùi mồ hôi chồng). Thường mỗi bộ ấm chén có 4 tới 6 chén trà và ấm chỉ lớn đủ để chứa lượng nước rót lưng tất cả các chén. Loại chén này, như thường gọi là chén hạt mít chớ không to tổ chảng như chén uống trà tây.
Toàn bộ ấm chén trước khi pha phải được tráng sạch sẽ bằng nước sôi “già” (nước được nấu sôi sùng sục từ 3 tới 5 phút, nếu lâu hơn càng tốt – đảm bảo toàn bộ khối lượng nước đều đạt tới 100oC ). Nên nhớ ấm chén được tráng nước sôi chứ không phải cọ rửa sạch bong như pha cà phê nhất là không được rửa xà phòng làm cho hương trà tích lũy bấy lâu mất giá trị, mà có khi lại còn thêm mùi xà phòng thì bỏ mẹ
Cho trà vào ấm, thường với bộ trà 4 chén thì 3 nhúm bốc bằng đầu ngón tay là vừa đủ. Chế 1 chút nước sôi vừa ngập trà trong ấm, lắc lắc rồi đổ nước đó đi. Đây là bước rửa trà cho sạch hết các thứ “bụi đời”. Thường nước này được tận dụng để tráng các chén trà cho nóng và tạo mùi thơm ban đầu.
Sau đó nước sôi được rót vào ấm vừa đủ như nói trên (đủ để rót lưng tất cả các chén trà). Đậy nắp ấm lại. Nếu vào tiết trời đông như Hà Nội hôm nay thì nên đặt ấm trà trong một cái bát có chứa nước sôi để giữ cho nóng, hoặc có thể rót nước sôi lên trên nắp ấm trà cũng được. Người ta nói trà pha đậm tới mức cắm cây tăm vào nước trà không đổ thì mới ngon.
Một số người sử dụng ấm trà 2 lớp có nước nóng ở giữa là sai lầm vì chỉ sau 1 tuần trà là nước này nguội đi làm tuần trà thứ 2 sẽ mất ngon, nhưng cũng không thể thay được vì không lẽ đổ ấm trà chỉ để thay nước giữ nóng.
Sau chừng 5 tới 7 phút (hay bằng thời gian hút xong điếu thuốc khi thưởng thức hơi trà bốc lên từ ấm cho thật thèm), đây là thời gian để trà ra nước, rót tuần trà đầu tiên ra chén. Khi rót trà phải rót từ từ, có thể nói là rót sao đếm được từng giọt trà. Trà được rót liên tục theo thứ tự 1 – 2 – 3 – 4, 4 – 3 – 2 – 1 …với tất cả các chén, cần phải canh chừng cho giọt kết thúc được rót vào ngay chén đầu tiên. Bởi vì đây là chén nhận những giọt trà đầu tiên (lợt nhất) thì phải được bù lại bằng những giọt cuối cùng (đậm nhất). “Thuốc lá hơi đầu, chè tầu hơi cuối” là ở đây. Nhiều người rót trà còn nâng ấm lên xuống rất điệu nghệ tạo âm thanh thật “mùi mẫm” (như “li lái”).
Đối trà Tây hay trà Tầu, người ta rót trà vào 1 cái chén lớn được gọi là chén sang trà rồi mới rót vào các chén uống của từng người (có lẽ để “công bằng” độ đậm của trà). Cách rót này làm hương vị của trà tỏa ra nhiều nhất vào lúc rót đã ngấm hết vào chén sang trà mà người uống không được thưởng thức hết. Không phải trà Việt !
Trà không rót hết đến cạn kiệt trong ấm, mà phải chừa lại chút xíu, gọi là nước “cốt” để tiếp tục châm nước sôi pha tuần trà thứ 2 thì nước 2 mới đậm hương vị giống nước đầu, và cứ như vậy tiếp tục cho tới khi trà hết đậm, không còn hương vị nữa. Thường các ông già nghiện trà chỉ dùng 2 tới 3 nước là bỏ.
Trà pha ngon sẽ cảm nhận ngay khi uống. Đưa chén trà lên thấy mùi thơm đặc trưng của đúng loại trà đó bốc lên ngào ngạt. Nhấp chén trà vừa đủ ướt lưỡi, ngậm miệng lại thấy hương vị từ từ lan tỏa trong vòm miệng rồi tan ra. Khi tới cổ họng, toàn bộ chất tinh túy của nó bốc lên đầu mang lại sự hưng phấn và sảng khoái, nhưng cái hậu ngọt và chát của trà thì vẫn còn đọng mãi tại cuống lưỡi. Chép miệng rồi “khà” một tiếng hà hơi ra ngoài hòa nhập với thời tiết thiên nhiên cảm nhận cho hết giá trị của hớp trà nóng trong thời tiết lạnh (nếu là trời nóng thì mất 50% giá trị rồi - chắc phải ngồi trong phòng lạnh mới được). Rồi nhấp, nhấp từng ngụm một …từ từ thưởng thức…(Lúc này mà có thêm mấy điếu thuốc Marlboro đỏ hay Camel không đầu lọc thì tự vận chết cũng không sướng bằng). Chứ còn uống ừng ực chén trà như uống bia hơi thì đúng là “lông nách 1 lạng, chè tầu 1 hơi”.
Theo tôi, cách uống trà như vây mới đúng là trà Việt Nam mà chính xác hơn là của dân Hà Nội, chứ không phải trà Tầu như ta thường nói. Trà TQ thơm, nhưng khi uống chỉ cảm nhận được mùi tẩm ướp chớ không còn hoặc rất ít vị trà chính gốc, đôi khi có những loại trà còn không được chế biến từ cây trà mà ra ! (ngày nay xứ ta cũng bắt đầu có những thứ gọi là trà như thế này)
Gần đây 1 số người còn cố gắng đưa ra cái gọi là “trà đạo Việt Nam” bắt chước theo Nhật Bản thì hoàn toàn không còn gì là trà nữa. Bởi trà của Nhật không phải là sản phẩm của cây trà, mà là của nhiều thứ thảo mộc khác nhau, thậm chí còn được xay ra thành bột để hòa tan vào nước sôi. Trà đạo của Nhật hay ở chỗ “đạo” chớ không phải “trà”. Còn trà của ta hay ở chỗ “trà”. Khác nhau là vậy (cái “đạo” của ta không có geisha ngồi pha trà).
Nói thật với AE, tuy tôi huyên thuyên về cách pha trà, pha cà phê nghe có vẻ sành điệu như vây, nhưng đâu có mấy khi tôi làm được như nói. Thuận tiện nhất vẫn là uống cà phê Automat và trà bán sẵn theo từng túi cho vào ly cối, đổ nước sôi rồi.…”thưởng thức”! Thời đại công nghiệp mà. “Triệu phú thời gian” cũng phải biết tiếc chớ.
Tách trà tây trông còn "bự" hơn ấm trà ta.
Xem trang WEB Trà Ngon: http://www.trangon.com/index.php?trangon=The_art_of_art
Trả lờiXóahttp://images.nvtk6.multiply.com/image/1/photos/118/1200x1200/92/Tea780-.jpg?et=jeE%2C0MjPFq3vXmTMHtOWuw&nmid=306877642
Trả lờiXóa