164 - Ký ức người đi xa - Nguyễn Anh Minh K6, SRTKL2: 640-645



Ký ức người đi xa


NGUYỄN ANH MINH
Học sinh khóa 6

Đội bóng trường Chu Văn An năm học 1970 - 1971.Đội bóng trường Chu Văn An năm học 1970 - 1971.

Sau ngày trường Trỗi giải thể, anh em khóa 6 về Hà Nội học tiếp năm lớp 10 (năm cuối chương trình phổ thông). Cánh về trường Chu Văn An có Phạm Ngọc Chỉnh, Cao Tuấn Anh, Vũ Biên Hoà, Trần Tuấn Quảng, Hồ Trí Dũng, Nguyễn Văn Hòa, Trần Đăng Sơn, Vũ Việt Hưng, Phạm Hoàng Hưng cùng tôi và nhiều bạn khác nữa ở đủ các khối 8, 9, 10…

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: tôi liệt kê ra đây tên nhiều bạn thế để làm gì? Vì rằng, trường Chu Văn An là nơi tụ họp của rất nhiều bạn Trỗi sau ngày trường Trỗi giải thể, năm 1970. Có lẽ là trường Chu Văn An là trường đông lính Trỗi học “nhất Việt Nam”, chỉ sau chính trường Trỗi! Mỗi khi nhắc lại tên từng bạn, trước mắt tôi lại hiện lên những hình ảnh nghịch ngợm thủa nào. Nhớ những hôm cả bọn cùng trốn học, rủ nhau ra bờ Hồ Tây, ngay sau trường để tào lao. Rồi những buổi quần nhau với trái bóng giữa trưa hè oi ả. Đặc biệt, cuối năm học 1970-1971, đội bóng đá trường Chu Văn An (có hơn nửa là lính Trỗi) đã thay mặt học sinh Hà Nội thi đấu với đội Đường Sắt Trẻ (có tăng cường thêm ba cầu thủ đội hình chính thức). Đội chúng tôi có mời thêm một số bạn của các trường, trong đó có Ngô Việt Sơn, Nguyễn Văn Nam (lính Trỗi học trường Ba Đình). Trận đó, chúng tôi đã chiến thắng với tỷ số 3-1. Có lẽ đó là những kỷ niệm cuối cùng của thời học sinh vô tư.

Hè năm 1971, nhiều bạn được tuyển chọn vào quân đội, lên Đại học quân sự. Sau một năm, một số đi học tại các trường sĩ quan kĩ thuật ở các nước thuộc Khối quân sự Hiệp ước Vác-xô-vi. Khi tôi và Võ Điện Biên sang Liên xô, vào học trường Pháo binh Pen-za thì gặp anh Chu Kì Minh, Nguyễn Nhật Minh, Lữ Thái, Từ Linh… (lính Trỗi khóa 2, 3) đang học năm cuối. Vì cùng là lính Trỗi, lại gặp nhau nơi đất khách quê người, chúng tôi rất mừng. Nhờ vậy mà nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương dịu đi phần nào, chúng tôi nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống mới.

Năm 1973, hoà bình về trên đất Bắc; sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, chế độ với học viên sĩ quan Việt Nam ở nước ngoài cũng được cải thiện. Trong 6 năm học được về phép hai lần, cứ 2 năm một lần. Nhờ chính sách này mà mỗi chuyến hồi hương, anh em chúng tôi từ bốn phương lại có dịp gặp nhau, khi cùng đi trên những chuyến tầu liên vận quốc tế. Cả bọn tập trung về Mat-xcơ-va, từ đây Phòng Tuỳ viên quân sự sẽ mua vé, sắp xếp các đoàn lên tầu về Bắc Kinh. Thật thú vị vì trong khi con tầu lao vun vút qua những cánh rừng tai-ga rậm rạp ở miền Xi-bê-ri, hay hàng trăm cây số bên bờ hồ nước ngọt lớn nhất thế giới Bai-can, rồi những cánh đồng bông bạt ngàn tới tận chân trời vùng Mãn Châu Lý, gần biên giới Trung-Xô… thì chúng tôi lại len từ toa này sang toa nọ, tay xách thêm chai Vod-ka Nga, tìm đến với nhau hàn huyên. Vì mỗi đứa mỗi trường, mỗi thành phố khác nhau, thậm chí đứa thì học ở Liên xô, nhưng có đứa lại từ Ba lan, Tiệp Khắc… trở về, nên khi gặp nhau có đủ thứ chuyện để kể. Tầu liên vận chạy cả tuần lễ mới tới Bắc Kinh, anh em vừa ngắm nhìn phong cảnh qua cửa sổ, vừa hít hà mùi chua chua của bánh mì đen, nhâm nhi với li rượu trắng, vừa kể cho nhau nghe chuyện học tập chuyên môn, chuyện rèn luyện quân sự, luyện tập binh đao, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, chuyện gia đình, thậm chí cả chuyện “đã nắm được tay bạn gái”… Chuyện dông dài cho tới bữa ăn mới tạm dừng, có khi đêm đã khuya mà chưa muốn trở về cu-pê (phòng) mình để ngủ.

Gặp nhau tại khách sạn Bắc Vĩ, Bắc Kinh, Hè 1976.Gặp nhau tại khách sạn Bắc Vĩ, Bắc Kinh, Hè 1976.

Từ Bắc Kinh lên tầu đi tiếp về Bằng Tường cũng mất ba, bốn ngày. Cảm động nhất là mỗi lần tầu chạy qua thành phố Quế Lâm, dù vào ban đêm hay ban ngày, chúng tôi đều í ới gọi nhau ra đứng bên cửa sổ, ngắm nhìn phố xá. Chỉ thấy nhà cửa, xe cộ, cây cối loang loáng trước mắt, vì tầu không dừng. Mặc dù vậy, trong lòng đứa nào cũng nao nao! Trung Quốc đã qua khỏi cái thời kì ác liệt của Cách mạng Văn hoá, nhịp sống thanh bình đang trở về với người dân Quế Lâm. Những dãy núi đá xanh ngắt, ôm lấy thành phố, dòng Ly Giang trong xanh vẫn lững lờ trôi. Nhìn thấy cảnh xưa mà trong tâm mong có ngày về lại Quế Lâm, để được dừng chân bên bờ sông Ly ngắm nhìn chú voi già đang hút nước, hay leo lên tầng trên Bách hoá Đại Lầu tìm mua đủ thứ kẹo tẩm va-ni ngọt giọng; phải có những phút giây bách bộ từ trung tâm về khu trường Y Trung, nơi thầy, trò ta đã tá túc trong năm học đầu tiên, xa hơn nữa là tới thăm khu trường mới ở Phong Khẩu hay ngắm nhìn quần thể tượng thiên tạo bằng nhũ thạch, được chiếu ánh sáng màu, trong hàng trăm mét hang động của công viên Thất Tinh Nham nổi tiếng… Đúng là những gì đã gắn bó với những năm tháng của tuổi thơ thật khó quên!

Hết thời gian nghỉ phép, chúng tôi chia tay gia đình, bạn bè, ra ga Hàng Cỏ lên tầu ngược về phía bắc. Đoàn tầu liên vận quốc tế chạy suốt đêm, cho đến mờ sáng hôm sau thì vượt qua cột mốc biên giới. Khi nghe trưởng tầu thông báo trên loa: Tầu đang qua cột “cây số 0” giữa biên giới hai nước Việt Nam, Trung Quốc, trong lòng dâng lên những cảm xúc khó tả. Đứa nào cũng nhớ lại cái buổi sớm ngày mùng Một tháng giêng năm 1967, cũng trên một chuyến tầu liên vận, chúng tôi - những chú bé thiếu sinh quân, khoác trên mình cái áo bông dày sụ, đầu đội mũ bông có tai của lính biên phòng - lần đầu vượt biên giới sang đất bạn. Tranh thủ quãng thời gian hai bên tạm ngừng bắn trong đợt nghỉ lễ Noel và đón năm mới 1967, cuộc hành quân đưa toàn trường sang Trung Quốc được tổ chức hết sức khẩn trương, bí mật, bất ngờ, để chuẩn bị một giai đoạn đào tạo mới. Nói đúng ra là ta đã “biết tận dụng khoảnh khắc tĩnh lặng của chiến tranh” để làm một cuộc “chuyển quân ngoạn mục” mà kẻ địch không thể ngờ tới!

… Rừng biên giới mờ mờ trong sương sớm, xa xa đâu đây nghe thấy tiếng gà gáy hay tiếng tác của nai rừng. Đoàn tầu hổn hển vượt dốc biên giới, đầu máy xì hơi nước ra hai vách ta-luy, tiếng bánh xe nghiến ken két vào đường ray, tiếng va chạm kim khí của những móc toa… làm chúng tôi thêm xao xuyến. Đây là ga Bằng Tường... Nhớ năm nào, khi đoàn tầu liên vận Việt Nam vừa dừng bánh, đã thấy hàng nghìn người dân cùng học sinh thị trấn Bằng Tường trống giong, cờ mở ra đón “những chiến sĩ từ tiền tuyến lớn trở về”. Tiếng thanh la, tiếng chiêng trống náo nhiệt, cờ xí rợp trời. Đúng là không khí của một đất nước thanh bình. Vậy mà chỉ cách về phía nam chục cây số, nơi ấy là quê hương chúng tôi, nơi ấy đang có chiến tranh. Có khi chỉ ít phút nữa thôi là bên ấy nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, rồi tiếng bom nổ, rồi khói lửa, chết chóc. Khi vừa đặt chân lên mảnh đất Bằng Tường, bọn trẻ chúng tôi đã cảm nhận được giới hạn giữa chiến tranh và hoà bình chỉ gần nhau trong tấc gang! Đúng là ngay bên “ranh giới địa lý giữa hai quốc gia” lại rất gần cái “ranh giới của sự sống và cái chết”. Và cái cảm nhận ấy mãi khắc ghi trong tâm khảm chúng tôi, để rồi mỗi khi qua biên giới, qua thị trấn Bằng Tường, nó lại được khuấy động lên.

Hè năm 1976, từ Việt Nam sang, khi tầu dừng ở Bắc Kinh, chúng tôi được đưa vào nghỉ ở khách sạn Bắc Vĩ, nơi dừng chân của hầu hết các đoàn lưu học sinh Việt Nam, trên đường “Tây Du”. Cánh học viên hải quân ở Ba-cu có Phạm Ngọc Chỉnh, Phạm Hoàng Hưng, Trần Tuấn Quảng, Nguyễn Quốc Thắng (khoá 6), Bùi Chuẩn (khóa 8), cánh Pháo binh Pen-za có tôi. Bạn Tạ Xuân Sơn (“Tu la”) từ Học viện quân sự Warsava (Ba Lan) về cùng các bạn Trung, Minh, Ninh… một thời cùng học trên Đại học quân sự. Ngay tại sảnh khách sạn, chúng tôi đã rủ nhau chụp một tấm ảnh kỉ niệm. Đã mấy chục năm trôi qua, cuộc đời có nhiều biến động với mỗi người, nhưng những kí ức của một thời trường Trỗi thật khó quên. Chính nó đã góp phần tạo nên bản ngã của mỗi chúng ta!

Ngày đón Ngô Sơn, 4-2005
N.A.M