79 - Vì sao tôi có biệt danh "Trọc"? - Nguyễn Đức Cảnh K6, SRTKL2: 315-317



refont.com - Glitter textì sao tôi có biệt danh “Trọc”?


NGUYỄN ĐỨC CẢNH *
Học sinh khóa 6

Đầu năm 1961, ba tôi đi “B”, đến năm 1964 thì ông hy sinh. Gia đình chỉ còn lại mấy má con. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, bắt đầu chiến tranh phá hoại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1965, anh em tôi sơ tán cùng má về Đông Triều theo trường Học sinh miền Nam. Hè năm ấy, các chú cho gọi tôi lên trường Văn hóa quân đội.
Từ Trại Hòe (Hà Bắc), trường ta hành quân về Đại Từ (Thái Nguyên). Ngày đó, còn bé tí mới 12-13 tuổi. Ở trường, các thầy giáo không chỉ là người thầy dạy học mà còn là người mẹ chăm sóc chúng tôi từ miếng ăn, giấc ngủ, lo thuốc lo thang khi ốm lúc đau. Ngoài sự chăm lo của các thầy thì chúng tôi cũng “tự chăm lo” cho nhau. Nghe đến đây, chắc hẳn ai cũng phải bật cười và khó có thể tưởng tuợng nổi. Nhưng sự thực là vậy!
Bạn nào ốm không đi ăn cơm được là tiểu đội phân công người xuống bếp mang cháo về. Nếu phải nằm liệt giường thì được bạn bón từng thìa cháo. (Mà mỗi lần được ăn cháo thịt thì quả là một hạnh phúc! Vì cơm bữa nào cũng độn ngô, độn sắn). Tối đi ngủ có bạn mắc màn hộ, quần áo thay ra có bạn mang xuống suối giặt giúp. Chưa kể các bài học phải nghỉ luôn được các bạn phân công chép lại đầy đủ. Đi rừng kiếm củi, nếu nặng quá thì bạn khỏe khiêng hộ bạn yếu. Chúng tôi đã giúp đỡ nhau một cách vô tư, lần hồi như vậy.
Đến cả chuyện cắt tóc, cắt tai mỗi lần quá lứa thì đều được thầy, được bạn giúp đỡ. Hết giờ học, xin mời tự giác mang ghế đẩu ra đầu nhà, choàng áo mưa lên mình và ngồi xuống! Có thầy – thợ chuyên nghiệp – thì có đầu đẹp như cắt ngoài hiệu. Vắng thầy thì đã có “thợ không chuyên”, đó chính là anh em chúng tôi. Vì mỗi lớp được trang bị một bộ tông-đơ, kéo, lược, gương nhưng không có dao cạo (vì trẻ con thì làm gì có ria mà cạo). Mà chẳng hiểu sao đứa nào cũng sẵn sàng thí đầu mình cho các bạn thử nghiệm. (Chắc là vì sống trong môi trường toàn con trai – lúc đó chưa có đại đội nữ C11 - nên đứa nào cũng bị “liệt” mất dây thần kinh xấu hổ!).
Lần đó tóc đã quá dài, ngứa ngáy khó chịu. Vì tóc quá rậm nên gầu rụng trắng cả cổ áo. Trong giờ tự tu buổi chiều, tôi đăng kí “lên thớt”. Hết giờ, anh em hí hửng mang đồ nghề ra vui như được đi ăn đại tiệc! Xung quanh “nạn nhân” là một lũ thợ, đứa thì cầm kéo, cầm lược, đứa cầm tông-đơ. Tôi ra điều kiện:
- Đứa nào biết kiểu “móng lừa” mời được cắt?
- Quá dễ. Tao cắt được. Tao cắt được… Nghe cả bọn nhâu nhâu, tôi đâm lo, vội chỉ định Vi Dân. Hắn nói:
- Không cần tông-đơ, chỉ cần kéo tao cũng làm đẹp cho mày.
Nghe tiếng đánh kéo lách cách ra dáng chuyên nghiệp, tôi liền gật đầu. Dân lấy lược chải cái đầu bù xù của tôi rồi đưa ngang kéo dọn từng lọn tóc dài xung quanh. Chả hiểu tài năng của cậu ra sao mà liếc vào cái gương cầm tay, tôi thấy đầu mình bị cắt từng lớp từng lớp như mái rạ lợp nhà bếp. Vừa đề nghị đổi thợ thì Chiến “ví” nhanh tay cầm tông-đơ ủi một đường thẳng từ gáy lên đến tận ót. Cậu dũi “tông” không đều tay, giật đau như đang bị nhổ từng đám tóc lên. Tôi kêu oai oái. Mặt đỏ lựng. Vừa hết “đường cày” cả bọn cười hô hố chê bai. Chiến “ví” được thể chạy ngay ra bờ suối.
Thế rồi, hết thằng này đến thằng khác, lúc cầm “tông”, lúc cầm kéo, cái đầu “đang ngon lành” của tôi bỗng trở thành vật thí nghiệm cho cả bọn. Đang hy vọng có kiểu đầu “I-a-cốp móng lừa” thì cả cái đầu trở nên nham nhở, mấp mô, chỗ trắng chỗ đen. Không thể hiểu lúc bấy giờ nên gọi tóc tôi là cái kiểu gì! Thầy Cừ đi đâu về thấy vậy liền trách:
- Chưa biết cắt thì phải học. Làm thế này thì “nát” hết đầu bạn. Thôi để thầy sửa cho!
Vì tóc đã bị cắt đi thì làm sao có thể “trồng” lại được như cũ để mà chữa. Thầy Cừ nhẹ nhàng ủi tông-đơ dọn sạch từng vết cắt nham nhở cho trắng đều. Cái đầu tôi trở nên trọc lốc. Từ ngày đó, bạn bè Trỗi gọi tôi là Cảnh “trọc”!
Nhưng… có một điều hay hơn nữa, cứ như vậy, bọn tôi đứa nào cũng tập làm thợ, đứa nào cũng lấy đầu của mình cho các bạn “thực tập”, và sau chừng ấy năm, đứa nào cũng biết cắt tóc. Quả, đời cũng là một trường học lớn!

Kỷ niệm nhắc lại sau 40 năm

Thành phố Hồ Chí Minh, 19-7-2003
N.Đ.C



* Chuyên viên Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Bình Định. Hiện sống với gia đình ở Quy Nhơn.