165 - Điều hiếm thấy - Võ Điện Biên K6, SRTKL2: 646-650



Điều hiếm thấy


VÕ ĐIỆN BIÊN
Học sinh khoá 6

Có lẽ hiếm có trường nào mà học sinh học với nhau từ lứa tuổi “đánh bi đánh đáo” cho đến khi tốt nghiệp đại học, trưởng thành; hiếm có trường nào học trò lại cùng chơi với nhau từ khóa bé nhất đến khóa lớn nhất, lạ hơn chỉ lệch nhau có một khóa (chênh nhau có một tuổi) cũng “gọi nhau bằng anh xưng em” với tất cả sự kính trọng. Thật hiếm có bạn bè, học sinh trường nào “thương yêu nhau hơn cả anh em ruột” như ở trường Nguyễn Văn Trỗi!

Sau khi học xong năm thứ nhất Đại học quân sự tại Cầu Đá, Vĩnh Yên, tôi cùng một số bạn Trỗi khóa 6 (Phạm Ngọc Chỉnh, Tạ Xuân Sơn, Trần Tuấn Quảng, Lưu Minh Sơn, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Hoàng Hưng, Võ Mai Nhân, Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Nam Điện…) được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Đó là giữa năm 1972, Mỹ vẫn còn ném bom miền Bắc rất ác liệt. Chúng tôi tập trung học chính trị tại trường Văn hoá Lạng Sơn. Tại đây, chúng tôi được sơ tán về các bản của đồng bào người Tày. Cũng tại đây, chúng tôi được gặp lại các thầy, cô trường Trỗi, đang là giáo viên của trường. Vui hơn, gặp lại cả anh Cần “điếc” chuyên mổ lợn, giết trâu thời còn ở trường Trỗi.

Học viên quân sự Việt Nam tại trường Pháo binh Pen-zaHọc viên quân sự Việt Nam tại trường Pháo binh Pen-za.

Sau một tháng chỉnh quân, chúng tôi được phân đi các nước, học các ngành nghề khác nhau. Đi Liên xô có tôi và Anh Minh về trường Pháo binh Pen-za; Ngọc Chỉnh, Tuấn Quảng, Phạm Hưng, Nhân, Thắng “híp” về Ba-cu học tên lửa Hải quân, Đăng Sơn về trường Công binh Kaliningrad, Hoàng Tam Châu học ở Học viện thiết giáp Matxcơva; Nguyễn Văn Nam, Lê Kiên Thành về học lái tại Krasnodar… Riêng một số anh em trong đó có Tạ Xuân Sơn sang Ba lan đến Học viện Kỹ thuật quân sự Warsava, Lưu Minh Sơn sang Hungary học ở Đại học Bách khoa Budapest, Nam Điện sang Leipzig (Cộng hoà Dân chủ Đức) học in ấn...

Chúng tôi lên tầu từ Bằng Tường. Lại gặp lại đất nước Trung Hoa vĩ đại. Chuyến đi rất vui vì được đi cùng những bạn từ thủa “mặc quần đùi”. Khi qua các địa danh quen thuộc như Nam Ninh, Quế Lâm… gợi lại những kỷ niệm của những năm sống tại Y Trung, Phong Khẩu. Ở Việt Nam đang “quen” ăn đói, khi lên tầu liên vận quốc tế được “ăn cơm Tàu”, ai cũng khoái. Đến bữa có cô nhân viên rất xinh, mặc đồng phục, đội mũ kê-pi đến từng cu-pê mời đi ăn, mà lại nói bằng tiếng Việt mới sướng! Đến Bắc Kinh, chúng tôi nghỉ vài ngày tại khách sạn Bắc Vĩ, được đi tham quan Cố cung, Di Hoà Viên... Trước khi rời Lạng Sơn, mọi người rủ nhau mua vài kí thuốc lá cuốn Lạng Sơn, vàng ươm, để “làm lương khô” đi đường. Trên tầu liên vận Trung Quốc có nhiều họa báo, tạp chí tuyên truyền, trong đó có tạp chí Pekin Review in trên giấy pô-luya mỏng tang, dùng cuốn thuốc lá rất tuyệt. (Tuy vậy không ai dám “đọc nhiều”, mỗi người chỉ thủ vài cuốn để sang đất Nga dùng dần). Sau đó, tiếp tục hành trình lên phương bắc sang Liên xô qua đường Mãn Châu Lý. Sang đất Nga, đoàn tầu đổi bánh ở Kur-scơ, lần đầu tiên vào “toa bếp” ăn cơm Tây, phải dùng tới dao, dĩa. Thật phiền toái! Đứa nào cũng lóng ngóng, cả bọn vừa ăn vừa nhìn nhau cười khúc khích. Do tiếng tăm chưa thạo, khi gọi món có đứa vừa xì xồ thì bếp đã mang ra hai đĩa xúp, có bạn lại được những hai đĩa xa-lat. Mỗi khi tàu dừng ở các ga trên đất Nga, chúng tôi xuống ga, cánh “ghiền thuốc” mang thuốc lá cuốn ra mời bạn, còn dân Nga thì mời lại “thuốc có cán”. Hai bên hút phì phèo và nói cười vui vẻ, (nhẩm tính, có lẽ bạn thiệt hơn mình!). Tầu về đến Matxcơva, chúng tôi được chú Hải, tuỳ viên quân sự, ra đón và phân về các trường. Anh em Trỗi tạm chia tay nhau.

Riêng tôi và Anh Minh, khi về đến trường Pháo binh Penza thì thật may vì gặp ngay những khuôn mặt quen thuộc của mấy ông anh Trỗi. Khoá 2 có các anh Chu Kỳ Minh, Phạm Gia Lương, Nhật Minh, Phạm Sơn, Duy…; khóa 3 có các anh Từ Linh, Lữ Thái, Vương Minh Sách, Chính, Hoàng… Đang buồn và lớ ngớ vì mới xa nhà, chúng tôi liền nhận được sự giúp đỡ của các ông anh; từ những việc rất nhỏ như mua một tuýp thuốc đánh răng, sắm bộ quần áo chống rét, cho đến cách học hành, giao tiếp. Thời gian đó tại trường Pen-za có khoảng 100 học viên Việt Nam, trong đó có đến vài chục anh em Trỗi các khóa 2, 3 và 6.

Ngày nghỉ, các anh hay rủ chúng tôi đi xem phim, chơi bóng đá, chơi cờ vua hay hoạt động những môn thể thao mùa đông như trượt băng, trượt tuyết. Lâu lâu lại đi chợ mua thực phẩm về nấu các món ăn dân tộc (nem rán, chân giò nấu măng…) để cải thiện và nguôi đi nỗi nhớ nhà. Mỗi khi ai có thư nhà sang thì chẳng kém gì ngày hội, đọc rồi chuyền tay nhau xem. Thời đó đất nước còn chiến tranh nên kỷ luật tại các trường quân sự tại Liên xô rất nghiêm. Phòng Tuỳ viên quy định khi ra ngoài doanh trại, đi chơi phố, phải theo “tổ tam tam”. Vốn có tinh thần đồng đội, đi đâu mấy anh em Trỗi cũng rủ nhau nên không vi phạm nội quy lại rất thoải mái vì bạn bè tâm đầu ý hợp. Mùa hè, các anh còn rủ chúng tôi xuống nông trang thu hoạch lê, táo giúp dân hoặc đi “pic-níc” câu cá. Đây cũng là dịp để tìm hiểu thêm đời sống văn hoá, xã hội của dân bản địa và trau dồi thêm vốn tiếng Nga. Quả thật nhờ gần các em gái Nga nên đứa nào cũng “nói sõi hẳn ra”.

Kết quả học tập của cánh lính Trỗi rất khá. Tôi nhớ mãi năm 1973, 1974 trong hai kì bảo vệ tốt nghiệp được mời đi dự, các anh Chu Kì Minh, Từ Linh, Lữ Thái được nhà trường trao bằng đỏ, còn anh Nhật Minh được trao huy chương vàng - phần thưởng cao quý nhất cho những học viên trong 5 năm học đạt toàn điểm 5 (điểm cao nhất)! Từ đó trở đi, học viên các nước rất khâm phục học viên Việt Nam. Còn chúng tôi rất tự hào và lấy đó làm tấm gương để tự phấn đấu vươn lên.

Sau này, tốt nghiệp về nước, chúng tôi thường xuống công tác tại các đơn vị nên cũng có điều kiện để gặp nhau. Cho đến nay, nhiều người đã chuyển ngành, giải ngũ, thậm chí về hưu nhưng mỗi khi gặp lại vẫn nhận ra nhau và sống thân thiết như thủa cách đây mấy chục năm về trước. Chỉ tiếc rằng thời gian trôi qua không chỉ làm cho tóc ta thêm bạc mà còn làm cho tửu lượng ngày một giảm đi. Xin tạm dùng lời một bài hát mà ca sĩ Mỹ Tâm hay hát để kết: Ước gì cho thời gian trở lại! Ước gì…...

V.Đ.B