138 - Chuyện xảy ra ở „CT 23” - Quang „chầy” K6, SRTKL2: 538-540
Thứ Sáu, tháng 2 01, 2008QUANG “CHẦY”
Học sinh khóa 6
"T 23”! Có người bảo đó là viết tắt của mấy chữ “Cải tạo 23”!? Nhưng thực ra đó là hòm thư của Phân hiệu Thạch Thất của trường, thành lập từ năm 1969. Những bạn được chuyển sang học ở Phân hiệu này hầu hết là những học sinh hiếu động nhất hoặc nghịch ngầm nhất (còn gọi là “ngấm ngầm chết voi”) trong khóa 6, khóa 7. Sau này, có gặp nhau, nhắc lại chuyện xưa, anh em vẫn trêu bọn tôi là vì học “quá giỏi” nên được chọn để “học một năm lên hai lớp”, (đúng là một năm “giải quyết gọn” hai lớp thật vì trong chương trình có rút bớt một số môn). Riêng tôi nhớ mình rất hiền, không quá hiếu động, không quá nghịch ngầm, nhưng chẳng hiểu sao vẫn có trong danh sách chuyển về đây(?). Chuyện sắp kể, ngày ở CT 23 rất riêng tư, chả muốn nói ra. Nhưng mỗi lần gặp nhau, những bạn từng chứng kiến hay nhắc lại, có bạn bảo hãy viết cho tập 2 “Sinh ra trong khói lửa”.
Câu chuyện thế này: Đầu năm 1970, buổi chiều, trong một giờ tự tu, thầy Lã Khắc Tiệp bận, không có mặt. Tôi và T. “bò” ngồi ở cuối lớp cùng giải một bài toán Lượng giác thầy giao. Rồi cả hai xoay qua trao đổi cách giải. Tuy không ai xúc phạm ai nhưng chả hiểu sao, “không khí” giữa hai đứa nóng dần lên. Đến khi cái không khí ấy “trên mức ồn ào” thì hai đứa nảy ra “sáng kiến” ra “ngoài kia” xem ai đúng ai sai(!). Ý kiến này được cả lớp vỗ tay tán thưởng. Hơn thế nữa, anh em còn cử P.X. và L.V. làm trọng tài.
Chúng tôi kéo nhau ra một căn nhà bỏ hoang gần đó. Nhà tranh vách đất, nền nhà rộng chừng 30m2, vừa đủ làm một sân đấu. Thú thật, tôi có biết võ vẽ gì đâu nhưng vẫn cứ “lên đài”. Đã là lính Trỗi, ai cũng vậy, đều có trong máu một “thành phần đặc biệt” (theo tôi có lẽ là “lòng tự trọng”). Trước khi thách đấu, tôi rất tự tin vì ngoài hai bài “Võ thể dục tay không” do thầy Trần Sinh dạy trong chương trình, tôi còn được Q.B. và L.V. truyền cho vài đòn thế (nói là “dạy” nhưng thực ra là lấy thân làm bị cát cho mấy ông thầy này tập những lúc “ngứa ngáy” chân tay). Thường thì chúng tôi sống rất chan hòa (mà nay gọi là “hòa đồng”), nhưng trong giây phút này, hai đứa cảm thấy hai chữ “danh dự” lớn hơn tất cả. Thế là…
Là người trong cuộc, có lẽ hai chúng tôi là những thằng hiểu nhất những chú gà chọi đã nghĩ gì trước khi vào trận. Không cần biết xung quanh mình là ai, không cần biết là mình sẽ thua hay thắng. Chiến đấu đã! Hít một hơi, tôi vận nội công (sau này nghĩ lại có lẽ chỉ là “vận cơ”, vì trình độ đâu có cao siêu để mà vận nội công!), xuống tấn rồi nhẹ nhàng di chuyển tới gần đối thủ. Phải ra đòn trước, vì nghĩ “tiên hạ thủ vi cường”, tôi tung chân nhằm thẳng bộ hạ T. “bò”. Sau đó là “loạn đả”, cứ nhằm mặt đối phương ra đòn (hình như còn áp dụng được cả ngón “Tiên ông câu cá” mà Q.B. đã dạy). Chẳng phải tay vừa, T. “bò” cũng đánh liên tục. Cả hai vẫn trơ như đá. May mà hai đứa chẳng “nghề ngỗng” gì, cho dù biết bộ hạ và mặt là hai nơi hiểm nhưng đánh mãi chẳng trúng. Vừa định tung cú đá chệch để giật gót vào mạng sườn đối phương thì tôi nhận ngay được một cú đá gót của hắn vào mông. Tôi ngã sấp, ngượng chín cả người! Vụt đứng dậy lao vào ôm lấy hắn…
Cũng chẳng nhớ là trận đấu kéo dài bao lâu. Thấy bất phân thắng bại, nghe anh em can ngăn, hai trọng tài mặt đỏ gay kéo giật hai “võ sĩ” về phía sau. Trận đấu “xì-tốp”. Tôi và T. “bò” lẳng lặng đi về lớp. Lúc này mới cảm thấy rã rời, liếc mắt sang thấy mặt thằng bạn cũng tái dại như bị thiếu ôxy. Vừa ngồi vào bàn, thấy nhưng nhức ở môi dưới, đưa đầu lưỡi chạm vào thì thấy một mẩu thịt to bằng hạt gạo bám lủng liểng bên trong. Nước bọt có vị mặn và tanh của máu. Nhanh tay giật và búng mẩu thịt ra xa. Tôi lấy tay quệt ngay vệt máu còn dính ở miệng, chỉ sợ có ai nhìn thấy thì “mất điểm”! Riêng T. “bò”, tay vừa xoa bụng, còn miệng thì không hề dấu diếm: “Có dầu cù là không, cho tao một tí!”
Anh em cả lớp ồn ào bình luận. Mặc, hai đứa không quan tâm. Có ai đó lên giọng làm tôi nhớ mãi: “Thế là tất cả đã tỉnh ngủ, bây giờ thì làm bài đi!”
Gần đây, tôi đã kể lại chuyện này cho con T. “bò” nghe. Các cháu tròn mắt vừa lạ lẫm vừa thích thú. Tôi kết luận: “Bố các cháu là một người bạn học tốt làm chú nhớ suốt đời”.
Q.C
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>