166 - Từ báo tường tới chiến trường – Vũ Hòa Bình, Nguyễn Xuân Lộc K6, SRTKL2: 651-658



Từ báo tường
tới chiến trường

“Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng
với khẩu B40 trên vai…”



Ghi theo lời kể của Vũ Hòa Bình (khóa 6)
NGUYỄN XUÂN LỘC
Học sinh khóa 6

refont.com - Glitter textà học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, không ai trong chúng ta có thể quên được những tờ bích báo, báo liếp, báo tường, được “xuất bản” vào đầu mỗi năm học mới. Ngày ở Đại Từ, trường ta đã có Ngày Hội báo toàn trường; khá rầm rộ, quy mô. Các “cây vẽ” của các lớp tha hồ khoe “hoa” tay, có bạn còn được bố trí nghỉ tăng gia buổi chiều để ở nhà sáng tác… Khi sang Quế Lâm, việc ra báo được tổ chức quy củ hơn. Báo được nâng cả về nội dung lẫn hình thức.

Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng miền Nam: đầu đội mũ tai bèo, chân xỏ dép cao su, áo nhét trong quần, tấm vải dù ngụy trang bay phấp phới sau lưng, khẩu B40 vác trên vai sẵn sàng bắn cháy xe tăng địch được các “họa sĩ tí hon” thể hiện rất nhiều trên mặt báo. Có chân trong nhóm làm báo của trung đội, tôi cũng đã từng hai lần vẽ hình ảnh này.

Và thật bất ngờ, tại chiến trường đỏ lửa Quảng Trị năm 1972, tôi lại chính là người nâng khẩu B40 trên vai, mắt ngắm vào chiếc xe thiết giáp của địch, bóp cò… và xe địch bốc cháy! Thế là hình ảnh trên báo tường ngày nào nay đã trở thành chuyện có thật trong đời!

Thật là thú vị! Kỷ niệm về đời lính có biết bao vui buồn sâu đậm, nay xin kể theo lối tản văn để cùng tâm sự.

 

CHUYỆN SAU KHI RỜI TRƯỜNG TRỖI

Giữa năm 1970, trường ta kết thúc đào tạo. Khóa 6 cũng vừa hoàn thành chương trình lớp 9 phổ thông. Tôi cùng nhiều bạn được trả về gia đình, tiếp tục học lớp 10 tại Hà nội. Niên khóa 1970-1971 trôi qua rất nhanh. Chưa kịp hết tính nhát gái (do sống nhiều năm với toàn các bạn trai), thì đã phải đối mặt với kỳ thi đại học năm 1971. Ba tôi khuyên: “Nước ta là nước nông nghiệp, nên chọn ngành chế biến thực phẩm, con ạ!”. “Vâng, con sẽ thi vào Đại học Công nghiệp nhẹ”. Thi đỗ, tôi nhập học. trường sơ tán trên Thái Nguyên. Loáng một cái đã gần hết năm thứ nhất. Năm 1972 sắp đến sẽ là năm bản lề, năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Bộ Chính trị quyết định tung ra những cú đấm chiến lược, nhằm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán. Nhưng hầu hết thanh niên miền Bắc, trước đó, đã dồn ra mặt trận, số còn lại hơi mỏng, nói chính xác hơn là thiếu quân trầm trọng. Vậy là, đợt này phải huy động cả sinh viên, học sinh cấp III (lực lượng mà trước đây chưa phải động đến). Cùng anh em trong lớp, tôi viết đơn tình nguyện vào quân đội. Đời lính thực sự bắt đầu!

 

LÀ TÂN BINH HAY CỰU BINH ?

Tháng 5 năm 1972, tôi nhập ngũ. Vậy tôi là “tân binh” ư? Không! Qua 5 năm rèn luyện dưới mái trường Thiếu sinh quân, tôi đã là một người lính thực thụ. Ngay cả khi đi ăn cơm cũng phải xếp hàng đi đều cơ mà. Nói là “tái ngũ” nghe có vẻ chuẩn hơn! Cũng nhờ những buổi chiều tập xà đơn, xà kép và đá bóng thường xuyên ngày còn ở trường mà sức tôi khá dẻo dai. Cánh thư sinh Hà Nội còn gọi tôi bằng “anh” ngọt xớt, dù ngang tuổi. Tôi là cái đầu tầu kéo băng băng mọi việc trong đơn vị. Bếp Hoàng Cầm - tôi đào. Vác gạo đạn - tôi lãnh. Thu dung 1 giáo dục - tôi lên lớp. Động viên lính mới lúc hành quân - tôi pha trò, kể chuyện. “Đạ là lính Trội thì cải chi cụng mần được hết tròi!” 2

Ba tôi là chiến sĩ Nam tiến 1945, cán bộ cao cấp ngành Công an. Vậy tôi có được ưu tiên gì không? Xin trả lời: Có và không! Nhớ những ngày hành quân và chiến đấu tại mặt trâïn Quảng Trị, có lẽ tôi đã được cấp trên ưu tiên khi giao nhiệm vụ làm trung đội trưởng vận tải trợ chiến, không phải cắm trên chốt liên tục. Còn tháng 4 năm 1975, một trợ lý cán bộ đã hỏi xem tôi có đi học 7 năm về quân báo tại Cộng hòa Dân chủ Đức không. Tôi đã từ chối vì đang là người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngoài những điều đó, tôi đã phải trải qua mọi thử thách như với những chiến sĩ bộ binh khác. Suốt một thời gian từ tháng 9 năm 1972 đến tháng 9 năm 1975, tôi luôn là lính của tiểu đoàn 3, trung đoàn 101, sư đoàn 325, quân đoàn 2.

 

ĐÊM CHIẾN TRƯỜNG
GIỐNG NHỮNG ĐÊM BẮC THÁI

n tượng sâu sắc của những ngày đầu mới nhập trường có nhiều, nhưng đặc biệt nhất là bầu trời đêm. Mới rời Thủ đô mà những buổi tối chỉ ở trong bốn bức tường sáng điện; đến khi lên trường thì màn đêm sát ngay cạnh cửa sổ, chỉ giới hạn bởi ngọn đèn dầu. Nhìn qua mái lá đã là bầu trời. Trong các buổi sinh hoạt trung đội, đại đội, tha hồ mà ngắm các vì sao lung linh. Tôi còn nhớ trong một bài báo liếp, một bạn cùng lớp đã trích dẫn một câu rất hay: “Tuổi trẻ là cảm được sự tươi mới”. Đúng quá! Trời đêm rừng Tam Đảo trong lành dễ thấm vào tâm hồn chú chiến sĩ 11-12 tuổi, để chú bồi hồi khắc khoải mỗi lần ngẫm đến nó.

Sau này vào chiến trường, có nhiều đêm nằm chờ đến giờ G – giờ hành động. Rừng Trường Sơn cũng hao hao giống rừng Bắc Thái. Và cái cảm giác chờ đợi phút giây lịch sử, chuyển trạng thái cũng hệt như cảm giác ngày mới lên rừng. Bâng khuâng, khắc khoải, chờ đợi! Số phận của từng người đã gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Nó làm chúng ta gắn kết lại - lớn lên - tự hào và hạnh phúc!

 

SỰ ÁC LIỆT CỦA MẶT TRẬN QUẢNG TRỊ

Thật không bút nào tả xiết sự ác liệt ấy! Cái thời trẻ con, chúng ta có lẽ chỉ vài lần liều mạng trèo me, trèo sấu mà kể đi kể lại suốt cho chúng bạn cùng nghe. Còn khi chúng tôi ở Quảng Trị năm 1972 thì phải đối chọi và như chơi “ú tim” với thần chết, hầu như mỗi ngày. Phải tiếp tế cho chốt, mỗi ngày một lần. Khi đi: đeo trên vai lương thực, vũ khí, thuốc men; khi về: cáng, cõng thương binh, liệt sĩ. Quãng đường chỉ độ hai cây số mà phải hứng đủ loại bom đạn, dồn dập và ác liệt. Tôi đã gọi là “ú tim” vì phải đoán quy luật mà đi. Hôm nay nó bắn pháo bên phải hay bên trái, nó ném bom tọa độ hay cường kích, nó tung biệt kích hay chỉ có máy bay trinh sát, pháo bầy bắn ngẫu nhiên hay quãng cách theo thời gian? Mà đoán trúng cũng chỉ là 70%, còn thì phải liều mà đi(!). Bây giờ ngẫm lại, thấy mình thoát được ngần ấy bom đạn vẫn không lí giải nổi vì sao?!

Đã có lần tôi suýt bị bắt làm tù binh. Chính thói quen nghi binh do hay chơi đánh trận giả hồi bé đã cứu thoát. Lần ấy, trước khi đưa tiểu đội vận tải lên chốt, tôi đã chọn một cây cao làm vật chuẩn. Lúc về, tôi cùng một đồng đội cáng một thương binh. Do vũ khí cồng kềnh nên nhóm chúng tôi rút về cứ cuối cùng. Nhìn sang cây cao làm vật chuẩn thấy mất tiêu rồi! Bom đạn đã tiện ngang thân nó. Trời gần tối và ba chúng tôi đã bị lạc sang phía địch. Gay quá! Đang bò sau một bụi cây thì thấy tiểu liên địch nã liên hồi về phía chúng tôi. Chờ tới khi tối trời mới tìm đường về (như trong các bộ phim chiến đấu “hồi hộp”) thì bị bắt là cái chắc. Tôi đoán địch đã quan sát rõ chúng tôi, nhưng chưa dám xông ra vì trời còn sáng, sợ ăn đạn. Chúng sẽ đợi đến tối mới cất vó. Quan sát lại thật kỹ, tôi đã nhận ra một hố bom quen thuộc. Đáng lẽ phải đi từ chốt về phía sau thì lòng vòng thế nào, chúng tôi lại ra phía trước chốt quân ta, cách khoảng 100m. Địa hình hoàn toàn trống trải. Lúc này là lúc cần có óc sáng tạo. Tôi lấy chiếc mũ tai bèo và một chiếc áo quân phục khoác lên một chạc cây, buộc dây dù vào thân cây rồi thòng dây bò đi. Tôi bế xốc đồng chí thương binh lên vai rồi nói với cậu chiến sĩ đi theo: “Bây giờ cậu sẽ rung dây, khi địch bắn vào hình nộm thì tôi sẽ vọt tiến vào hố bom. Cậu phải nhanh tay ném một quả lựu đạn rồi vọt theo tôi vào hố bom”. Đợi cho trời nhá nhem tối, tôi hạ lệnh: “Rung!”, rồi chạy thật nhanh ra hố bom. May quá, cả ba chui tọt vào hố bom mà không ai việc gì. Đang tính cách đi tiếp vì từ hố bom về đến chốt của ta chỉ còn 40m thì đồng đội trên chốt đã nhìn thấy, nã đạn liên tiếp về phía địch và đón được chúng tôi về tới. Hú vía!

 

TRẬN THẮNG ĐÃ ĐỜI NHẤT!

Đó chính là trận Cửa Việt, vào dịp trước Tết Nguyên đán 1973. Sau này, cuộc hành quân thần tốc táo bạo truy kích địch suốt ven biển miền Trung cũng vui nhưng trận Cửa Việt, với tôi, đáng nhớ nhất! Đó là trận đầu tiên đánh ngụy mà không phải hứng chịu hỏa lực bom pháo của Mỹ vì Hiệp định Paris đã kí kết. Trận này ta đã chuẩn bị kỹ. Đo phần tử pháo sẵn sàng. Nấp kín, ngụy trang kỹ như hổ sắp vồ mồi. Hằng trăm xe địch nằm ngâm trong cát, không lên bờ được, bị trúng hàng trăm phát đạn pháo của ta. Pháo binh giã thoải mái! Cả một lữ đoàn cơ giới tăng cường bị tiêu diệt hoàn toàn. Cảnh chiến trường trông như trong bộ phim “Giải phóng” của Điện ảnh Xô Viết quay về Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Trận này đơn vị tôi bố trí ở xa, biết là bắn chẳng tới nhưng vẫn nã AK thoải mái về phía địch(!).


CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Bây giờ xin kể về trận đánh xe địch. Đó là ngày 29 tháng 12 năm 1972, cùng với thời gian Chiến dịch 12 ngày đêm đang diễn ra trên miền Bắc. Đã hai tuần nay, hầu như địch không hề ném bom vào khu vực đơn vị tôi đóng quân. Với lính vận tải, đây thật là một dịp may! Gặp thời cơ ít bị phi pháo, trung đội vận tải nhỏ bé của tôi tranh thủ tăng chuyến tăng hàng. Thường là một ngày một chuyến, bây giờ thì ngày hai, ba chuyến. Hôm ấy, tôi vác một chùm đầu đạn B40 trên vai, một chiến sĩ mới đi kèm vác bó thân súng. Đã gần đến trân địa, trời còn sớm, nhưng không thấy ai. Tôi hơi lo lo. Bỗng thấy một cái đầu nhô lên từ công sự, một chiến sĩ trẻ gọi to: “Anh Bình, các anh bảo lên đường lớn ngay, tăng cường lực lượng đánh địch mới nống ra”. Thì ra, bọn ngụy thấy quan thầy Mỹ ném bom Hà Nội và nghĩ “thời cơ” của chúng đã đến, liền điều một đoàn cả tăng lẫn thiết giáp “chọc” vào tuyến phòng ngự của tiểu đoàn tôi. Tôi hạ ngay đạn trên vai xuống, lắp vào thân súng rồi vận động ra đường lớn. Ra tới nơi đã thấy lính ta nằm rải dọc vệ đường. Một đoàn 15 chiếc xe sắp vào tầm ngắm. Sao ngon lành quá vậy? Sau này mới biết, trinh sát kỹ thuật của ta đã dò sóng đàm thoại và bắt được tin địch truyền lệnh hành quân. Lập tức ta đã tổ chức đón lõng. Đại đội trưởng từ xa ra ký ám hiệu phân công tôi đánh chiếc xe thiết giáp M113 chạy ngay sau xe tăng M41. Vừa gật đầu đã thấy phía đó đạn chống tăng nổ ầm ầm. Tôi giương súng lên ngắm thật cẩn thận, khi xe địch vừa dừng lại, tôi bóp cò. Trúng rồi! Nếu bạn hỏi cảm giác lúc nhìn xe địch cháy như thế nào thì tôi xin trả lời: Vừa nhìn thấy xác nó tung ra như làm bằng cac-tông chứ không phải bằng thép, lòng tôi bỗng rạo rực! Sau đó tôi còn bắn hai quả đạn nữa, nhưng khi về bình công thì không được tính. (Có lẽ nó đã trúng đạn của chiến sĩ khác trước rồi). Đoàn xe địch bị tiêu diệt hoàn toàn!


TÌNH BÈ BẠN, TÌNH ĐỒNG CHÍ

Khóa 6 là khóa có nhiều bạn trực tiếp cầm súng chiến đấu như Nguyễn Duy Đảo, Vũ Hòa Bình – lính bộ binh Quảng Trị; Đinh Ngọc Quân, Cao Tuấn Anh – lính cao xạ phòng không Trường Sơn (1971-1972); Trần Thành Công, Nguyễn Anh Tuấn – trắc thủ tên lửa; Chu Tấn Quang, Nguyễn Việt Thành (Thành “vẹo”) - cùng là bộ binh mặt trận Tây nguyên (1971-1972), Võ Nguyên Trọng – lính bộ binh sư đoàn 1 (mặt trận Tây Nam Bộ), cả ba đều đã hy sinh; Lê Quốc Bình - lính pháo cao xạ tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không”; Ngô Việt Trung, Nguyễn Tiến Quân - lính pháo tham gia chiến tranh biên giới; Dương Thái Biên, Nguyễn Văn Nam, Võ Hồng Thế tham gia đánh Pôn Pốt cùng nhiều bạn khác…

Sinh ra từ những gia đình có cha mẹ đã từng khoác áo lính, cho đến khi được tập trung về học tập, rèn luyện dưới mái trường quân đội, tất cả chúng ta đã “sinh ra trong khói lửa”, đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam, vì màu cờ đỏ “Bách chiến, Bách thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Cho đến giờ, khi tóc trên đầu đã điểm bạc, trong trái tim chúng ta vẫn giữ một tình yêu thiêng liêng với màu xanh của lính - màu xanh thân thương rất đỗi Việt Nam!

Thành phố, tháng 7-2003
N.X.L




1.  Những bộ đội yếu kém, đào ngũ.
2.  “Đã là lính Trỗi thì cái chi cũng mần được hết trọi!”