68 - Tác giả bài „Hiệu ca” - Minh Phương, SRTKL2: 271-275



Tác giả bài “Hiệu ca”


MINH PHƯƠNG thực hiện

Thầy Hồng Tuyến

Thầy Hồng Tuyến


“Sinh ra trong khói lửa trường ta đã lớn lên,
Trường đẹp chói ngời tên anh Nguyễn Văn Trỗi...…”

Đó là mở đầu bài “Hiệu ca” đã theo chúng ta, những cựu học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970), suốt 40 năm qua. Nhớ lại những ngày cả nước cùng đánh Mỹ, anh em ta mới chỉ là những “chú bé loắt choắt”. Vì cha mẹ đang bận chiến đấu ngoài mặt trận và để chuẩn bị cho ngày mai, chúng ta đã được tuyển chọn vào trường. Năm học đầu, trường đóng quân ở vùng rừng núi Việt Bắc. Tại đây, không chỉ được học văn hoá mà chúng ta còn phải rèn luyện như những người lính. Những buổi đào hàng trăm mét hào phòng không quanh doanh trại, những đêm co ro trong tấm áo bông, vai khoác khẩu súng cao vượt đầu đi tuần tra canh gác, bảo vệ đơn vị, những giờ tập đội ngũ “ắc ê” giữa nắng hè, những chiều hành quân xuyên rừng Tam Đảo, những tiết học xạ kích bắn súng CKC, AK ngoài thao trường… đã tạo nên bản lĩnh người lính cách mạng trong mỗi chúng ta. Trong chương trình được học cả thể thao, hội họa và âm nhạc. Tuy chỉ là môn phụ nhưng nhờ được học mà chúng ta có được sức khỏe và có được những cảm xúc, những cái nhìn thẩm mỹ về cuộc sống.

Bạn Chỉnh Huấn còn giữ mãi ấn tượng với thầy giáo Hồng Tuyến. Ngày ở Suối Chì, một buổi sáng tháng 10 năm 1966, giờ đại số, khi cả lớp B1 (Tấn Lợi làm lớp trưởng) đang trật tự nghe giảng thì bỗng nghe một giọng hát vút lên: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi…”. Lạ lắm, tiếng hát không phải phát từ loa đại đội vì không có nhạc đệm. Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau thì thầy Trực nói: “Các em mới có thầy dạy Nhạc vốn là ca sĩ từ Đoàn Văn công Tổng cục về, thầy Hồng Tuyến. Sáng nay, thầy có giờ ở lớp B2”. Nghe đến đây, cả bọn lè lưỡi vì lớp học của B2 nằm ngay dốc đại đội, cách B1 cả trăm mét. Thấy giọng thầy khỏe và vang xa như vậy làm đứa nào cũng mong cho hết giờ để chạy sang B2 xem mặt. Đây là lần đầu tiên, lũ học sinh chúng ta được nghe trực tiếp một ca sĩ có chất giọng ô-pê-ra. Cái chất “hàn lâm” này có phải học sinh trường phổ thông nào trên miền Bắc cũng được tiếp xúc(?), đây là một vinh hạnh cho lính trường Trỗi. Sau này mỗi giờ học của thầy, khi mô phỏng cho phần thanh nhạc, thầy luôn cầm cái “thanh la mẫu” gõ nhẹ đưa lên tai nghe lấy chuẩn, rồi mới hát. Giọng thầy đựơc dày công luyện, có cộng minh, cộng hưởng. Cả bọn phục lăn.

Trong lần họp mặt gần đây, thầy nhớ lại: “Năm học 1966- 1967, vừa chân ướt chân ráo khoác ba-lô lên tới An Mỹ, vào một đêm đầu đông, khoảng 12 giờ, Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh đã gọi lên giao nhiệm vụ: “Trường ta đảm nhận nhiệm vụ giáo dục thế hệ kế cận cho quân đội, cần phải có một bài hát truyền thống. Bài hát phải mang nhịp điệu quân hành, hùng mạnh, thể hiện sự ra đời của trường trong khói lửa chiến tranh và sự rèn luyện của các em tiếp bước cha anh. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với đồng chí”. Thật là khó, vì tuy là trường quân sự nhưng đối tượng lại là những em học sinh mà lớp nhỏ nhất, tuổi mới 12-13. Trong không gian hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc - Căn cứ địa cách mạng năm xưa; trong sự tĩnh lặng, sương đêm luồn qua khe cửa làm thầy càng tỉnh táo. Với cảm xúc từ trái tim người giáo viên, thầy hình dung trước mắt những chú bé tí hon, sau năm tháng học tập, rèn luyện dưới mái trường quân đội, sẽ trở thành những người lính chững chạc, nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao. Và những nốt nhạc, những giai điệu dần hiện lên trên trang bản thảo. Viết rồi lại xóa. Cái tứ “Sinh ra trong khói lửa chiến tranh” đã gây một ấn tượng rất mạnh. Đã khuya, sợ đồng nghiệp mất ngủ, thầy chỉ khẽ hát trong miệng. Sau hai đêm miệt mài lao động, thầy xách bản thảo và cây đàn ghi-ta lên Hiệu bộ, báo cáo kết quả. Chính ủy Quỳnh, Hiệu trưởng Tuấn cùng Phòng Chính trị nghe đi nghe lại, bắt giải thích từng đoạn rồi thông qua. Thật là sung sướng! Ngay sau đó, thầy đã tập trung quản ca các lớp lên dạy để kịp phổ biến cho toàn trường…”

Thế là, những chú thiếu sinh quân chúng ta đã có một bài hát truyền thống. Mỗi sáng trước giờ lên lớp với đội ngũ chỉnh tề vừa đi đều vừa hát vang bài “Hiệu ca”. Rồi mỗi tối, trước giờ sinh hoạt báo chí, chúng ta lại cùng nhau vỗ tay hát tập thể: “Sinh ra trong khói lửa…”. Bài ca đã làm chúng ta thêm tự hào về mái trường thân yêu!

Những năm tháng ở trường, qua mỗi đợt hội diễn văn nghệ, thầy đã phát hiện ra chất giọng bẩm sinh của Dương Minh Đức. Ngồi trước đàn pi-a-nô thầy đã gõ những nốt nhạc hướng dẫn Đức luyện những bài thanh nhạc đầu tiên. Sau này, khi tốt nghiệp Đại học quân sự, Minh Đức đã thi vào Nhạc viện Hà Nội và được đặc cách vào học Thanh nhạc hệ đại học không qua trung cấp. Năm 1993, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và hiện là đại tá, Hiệu phó trường Cao đẳng nghệ thuật quân đội.

Thầy không quên lần đưa học trò về thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam: “Khi trường ta về nước, nhân Ngày thành lập quân đội 22 tháng 12 năm 1969, thầy còn được giao nhiệm vụ đưa các em về 28 Quán Sứ thu một chương trình văn nghệ. Từ sáng sớm, thầy, trò cùng nhạc cụ từ Trung Hà lên xe về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, các em được thu thanh ở một phòng thu quốc gia nên em nào cũng hồi hộp, các thầy phải luôn động viên. Trong chương trình thu kéo dài nửa tiếng, hợp ca nam nữ hát bài “Hiệu ca” và “Nghe lời Bác, chúng em thi đua”; riêng em Bích Hà được thu tiết mục đơn ca “Vừ A Dính”… Vì danh dự nhà trường, các em đã dũng cảm biểu diễn một chương trình tuyệt hảo.”

Sau khi trường ta kết thúc nhiệm vụ đào tạo, hè năm 1970, thầy trở về trường Văn hoá nghệ thuật quân đội tiếp tục đào tạo những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Cùng nhà trường, thầy đã tham gia các buổi biểu diễn phục vụ đơn vị trong suốt những năm tháng chống Mỹ. Sau đó, thầy về Nhạc viện Hà Nội hoàn thành chương trình đại học.

 * * *

 … Cầm trên tay quyết định nghỉ hưu, đại úy Hồng Tuyến về với thành phố biển Vũng Tầu. Dù phải bươn chải với cuộc sống đời thường nhưng thầy không bị mất đi cái “máu văn nghệ”. Đăng ký sinh hoạt xong, thầy tham gia ngay vào việc dàn dựng các tiết mục văn nghệ. Không kể nắng mưa, hễ đã lên lịch tập là có mặt. Với chất giọng khỏe đầy chất lính, thầy đã đóng góp vào thành công của các đợt hội diễn quần chúng. Năm 1995, thầy dẫn đội Văn nghệ Cựu chiến binh Bà Rịa- Vũng Tàu ra Hà Nội biểu diễn. Không chỉ hoạt động trong đội văn nghệ Cựu chiến binh mà các xí nghiệp, nhà trường có phong trào cần dàn dựng là thầy sẵn sàng giúp đỡ. Thầy làm việc hết sức vô tư với trách nhiệm của một người lính.

Sau những giờ phút hoạt động sôi nổi, thời gian tĩnh lặng trong đêm, nghe tiếng sóng biển rì rào cùng những đợt gió mát kèm theo vị mặn chát của biển, là lúc thầy thả hồn sáng tác những ca khúc về người lính từ mặt trận trở về, về những người cao tuổi, về các em thơ, về thầy, về cô, về những dàn khoan thắm tình hữu nghị Việt – Xô… Cầm trên tay tập ca khúc chọn lọc với hàng chục bài của nhạc sĩ Hồng Tuyến trong những năm gần đây, tôi không khỏi cảm phục sức lao động sáng tạo và tình yêu nghệ thuật ở thầy.

Nhân họp mặt của khóa 5 tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Khách sạn Ba Son vào sáng chủ nhật, 23 tháng 12 năm 2001, thầy trò chúng tôi thực sự cảm động vì vừa mới ra viện một thời gian, không quản đường sá xa xôi, thầy vẫn có mặt. Trên nền nhạc organ do Phạm Minh Nghĩa đệm, đứng trên sân khấu, một tay chống ba-toong, một tay cầm micrô, thầy vẫn cất cao giọng cùng chúng tôi hát vang bài “Hiệu ca”:

“...Vinh quang thay trường Nguyễn Văn Trỗi!
Ngời chói tương lai muôn vì sao sáng,
Dưới quân kì tươi mầu chiến thắng
Từng bước ta đi lớn mạnh không ngừng
Lực lượng ta như sóng triều dâng
Trọn đời ta hiến dâng cho Tổ quốc
Tiến lên đoàn thiếu sinh ta quyết chiến thắng!”

Xin cảm ơn thầy - tác giả của bài hát về trường mà chúng em đã hát suốt 40 năm qua!

 

M.P